III. Cái hiểu thần học về mầu nhiệm sự chết

Từ việc mô tả trên đây về sự chết như một hậu quả của tội lỗi và như một biến cố của cứu rỗi nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, 2 điều sau đây trở nên cực kỳ rõ ràng. Thứ nhất, chết là giây phút quyết định trong đời sống mọi con người; nó kết thúc thời kỳ thử thách, trong đó, con người được tự do xa lìa khỏi Thiên Chúa như là cùng đích hoặc quay về với Người. Sau khi chết, thân phận con người được xác định vĩnh viễn một là được hân hoan hai là bị khốn cùng, tùy họ chết trong Chúa Kitô hay trong Ađam. Thứ hai, yếu tính tự nhiên của sự chết phải sao đó mới đưa ta vào một là ý nghĩa mất mát hai là ý nghĩa cứu rỗi. Trong chính nó, xét về tự nhiên và theo yếu tính, sự chết của thân xác không thể hoặc là mất mát hoặc là cứu rỗi, nếu không, nó sẽ không là điều này đối với một số người và điều khác đối một số người khác. Bởi thế vấn đề đặt ra cho cái hiểu thần học là: tại sao sự chết lại là biến cố quyết định của hiện hữu con người? Trong chính nó, sự chết là chi để nó có thể hoặc là ấn tín trầm luân của người này vì phải xa lìa Thiên Chúa, hoặc là khởi đầu dứt khoát cuộc sống vĩnh cửu vì được kết hợp với Người?

1. Vấn đề Ý Chúa

Một số nhà thần học có ý kiến cho rằng sự chết có tính quyết định đơn giản và duy nhất chỉ vì Thiên Chúa muốn như thế. Rõ ràng là nếu con người, cuối cùng, sẽ ở trong trạng thái trường cửu và không thể thay đổi, thì một giây phút nào đó trong cuộc hiện sinh của họ buộc phải ấn định lúc kết thúc thời gian thử thách và khởi đầu trạng thái được thưởng đời đời hay bị phạt vĩnh viễn. Thời kỳ thử thách không thể kéo dài vô tận, nếu không, trạng thái sau cùng sẽ không bao giờ đến. Họ cho rằng tự trong chính nó, không giây phút nào trong hiện sinh con người tự nhiên và nhất thiết là giây phút quyết định này cả. Nó có thể là giây phút nào đó trong đời sống trưởng thành của người ta, hay là giây phút chết mà cũng có thể là giây phút sau khi chết. Còn việc nó là giờ chết, như mạc khải rõ ràng cho biết, thì chỉ là do sự kiện Thiên Chúa quyết định như thế. Từ giây phút đó trở đi, Thiên Chúa không còn muốn ban cho người tội lỗi ơn thánh để họ quay về với Người nữa, dù Người vẫn có thể ban nếu Người muốn. Từ giây phút đó trở đi, Người không còn để cho người công chính bị cám dỗ nữa và Người không còn nâng đỡ ý chí yếu đuối hay sa phạm của họ nữa, dù, nếu Người muốn, Người vẫn để họ phạm tội và quay lưng lại với Người. Quyết định này của Thiên Chúa không bị coi là chuyên chế vì sự chết, ít nhất, cũng là thời gian thích đáng để kết thúc thời kỳ thử thách. Lúc chết, kiểu thức hiện hữu của con người thay đổi một cách triệt để đến nỗi quả là thích đáng khi coi nó như điểm phân chia giữa cố gắng và thành tựu, giữa lao nhọc và thưởng ban, giữa tội ác và hình phạt. Tuy thế, theo họ, nó cũng có thể khác đi.

Phê phán thứ nhất. Không thể nói lối giải thích trên chắc chắn sai lầm, dù có nhiều lý do rất mạnh để bác bỏ nó. Trước nhất, bất cứ giải thích nào mà sau cùng và tối hậu dựa vào quyết định tự do của một mình Thiên Chúa đều đáng hoài nghi, ngoại trừ có lý do nào đó giải thích tại sao lại phải như vậy. Việc tạo dựng và việc nâng lên hàng siêu nhiên, chẳng hạn, có lời giải thích tối hậu trong các sắc lệnh hoàn toàn tự do và nhưng không của Thiên Chúa: Người muốn sự việc phải như thế chứ không khác đi, dù trong đức khôn ngoan của Người, Thiên Chúa có thể ra lệnh cách khác. Sự thích đáng và thích hợp của các sắc lệnh này có thể được chứng tỏ, nhưng giải thích cuối cùng vẫn là Thiên Chúa nhất định hành động cách này. Cả trong các trường hợp này, cũng có thể chứng tỏ rằng tại sao đây phải là lời giải thích sau cùng; vì nếu không, phải lệ thuộc sáng thế của Người, Thiên Chúa mới có được sự trọn vẹn và sự sống yếu tính. Nhưng, nơi nào một lý do như thế không hiển nhiên, thì người ta phải tìm một lý do nội tại nào đó để hướng dẫn thánh ý Thiên Chúa trong khôn ngoan và công chính. Thí dụ, ta không thể nói Thiên Chúa thực sự thưởng người lành và phạt người dữ chỉ vì Người quyết định hành động như vậy; ta cũng không thể nói có lẽ và một cách hợp lý, Người rất có thể chọn phạt người lành và thưởng người dữ. Lời giải thích tối hậu cho hành động của Thiên Chúa như trong trường hợp này không phải là quyền tự do của Người, mà là đức khôn ngoan và công lý của Người. Đức khôn ngoan của Người thiết lập ra một trật tự khả niệm nơi sự vật, một trật tự bắt nguồn triệt để từ bản chất sự vật lập thành vũ trụ, còn công lý của Người hành động để duy trì trật tự này.Thần học suy lý tìm cách khám phá bao xa có thể thứ trật tự khả niệm của đức khôn ngoan Thiên Chúa này chứ không chịu bằng lòng với các sắc lệnh chuyên chế mà không cho biết lý do đầy đủ tại sao Người làm vậy. Do đó, lối giải thích thần học nào chỉ biết nói Thiên Chúa muốn cách ấy và đó là tất cả lý do, thường chỉ là một cách thoái thác, không chịu suy tư mà thôi. Trong trường hợp ở đây, không có lý do nào giải thích được tại sao một mình tự do của Thiên Chúa mới là câu trả lời sau cùng cho câu hỏi tại sao sự chết là giờ phút quyết định trong hiện hữu nhân sinh. Do đó, ta phải ráng đi tìm lý do như thế trong chính sự chết.



Phê phán thứ hai. Hơn nữa, không những việc nại đến tự do của Thiên Chúa đáng hoài nghi, mà còn có lý do vững chắc để coi việc nại đó là sai lầm nữa. Nhiệm cục Cứu Chuộc được mạc khải cho con người trong Sách Thánh như là bắt nguồn từ tình yêu, từ tình yêu vốn là Thiên Chúa. Về Chúa Kitô, Chúa chúng ta, đã có lời chép rằng Người không đập gẫy cọng sậy đã bị dập mà cũng không dập tắt chiếc bấc còn bốc khói. Thành thử thật là không nhất quán chút nào đối với việc mạc khải này về lòng thương xót của Thiên Chúa khi quả quyết rằng Thiên Chúa từ khước ban ơn tha thứ và thống hối cho những người mà từ thẳm sâu trong nội tại họ vẫn còn khả năng tiếp nhận nó. Do đó, quả không thỏa đáng chút nào khi nói rằng những người có tội, lúc chết, bị củng cố trong tính tội lệ của họ, chỉ vì Thiên Chúa không còn muốn tỏ lòng thương xót họ nữa. Chính sự chết mới củng cố người tội lỗi trong việc họ quay lưng khỏi Thiên Chúa một cách mà lòng thương xót của Thiên Chúa không vươn tới họ được nữa, không phải vì Người không sẵn sàng ban ơn thánh cho họ, mà vì Người không thể làm thế, do chính tình huống nội tại. Tình huống nội tại này là gì thì vẫn còn đang được tìm hiểu. Ngoài ra, ngay trong trường hợp người lành, that là kỳ lạ khi Thiên Chúa giới hạn thời kỳ phát triển công phúc của họ vào các năm tháng vắn vỏi của cuộc đời tử sinh này, nếu thực sự không có điều gì án ngữ một cách khách quan sự kéo dài thời kỳ này quá bên kia nấm mồ. Tại sao mức độ kết hợp với Thiên Chúa lại cần phải được xác định một cách dứt khoát ở lúc chết, nếu khả thể khách quan có đó để người ta đạt được một mức độ kết hợp cao hơn nhờ các hoạt động gây công phúc bên kia nấm mồ? Sự khó hiểu này còn có thể đáng nhấn mạnh hơn trong trường hợp cả người có tội lẫn người công chính khi ta nhớ rằng sự chết nhất định sẽ đem đến cho họ một cái nhìn thông suốt hơn đối với tiêu chuẩn đích thực của các giá trị, và nhờ cách này, sự chết làm cho việc thể hiện ý định căn bản của Thiên Chúa được trọn vẹn hơn trong việc thông truyền sự tốt lành và sự sống của Người cho các tạo vật có lý trí. Do đó, chính bản chất của sự chết, chứ không phải quyết định tự do từ bên ngoài của Thiên Chúa, đã làm cho giờ phút này trở thành có tính quyết định một cách bất phản hồi đối với số phận đời đời của mỗi con người. Đây là giáo huấn của Thánh Tôma Aquinô và, sau ngài, của đa số các thần học gia viết về chủ đề này.

Kỳ sau: 2. Hoàn cảnh sinh hoạt thiêng liêng của con người