Trên toàn thế giới, hiện có trên 65 triệu người tị nạn bao gồm những người di tản ra hải ngoại và những người phải di dời trong nội địa, một nửa trong số đó là trẻ vị thành niên. Con số này xấp xỉ với dân số của Vương quốc Anh.

Một số lượng lớn những người phải sống ở bên lề của các quốc gia và xã hội, không có những phương tiện để tham gia tích cực vào sự phát triển riêng của họ cũng như của các quốc gia lưu trú. Đó không chỉ là một bi kịch của nhân loại mà còn là một sự lãng phí tiềm năng to lớn. Các tham dự viên tại một cuộc họp ở Vatican trong tuần này đã nhận định như trên.

Các nhà hoạt động, các nhà khoa học và hàng giáo sĩ từ khắp nơi trên thế giới đã họp tại Vatican từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 11 để thảo luận về vai trò của các trường đại học và nhà giáo dục trong việc giúp đỡ những người di cư đang gia tăng không ngừng trên thế giới.

Hội nghị “Những người tị nạn và người di cư trong thế giới toàn cầu hoá: Trách nhiệm và phản ứng của các trường Đại học” do Đại học Giáo Hoàng Gregoriô ở Rôma tổ chức với sự phối hợp của Liên đoàn các trường đại học Công Giáo Quốc tế (IFCU), cùng với hơn một chục cơ sở giáo dục đại học Công Giáo.

Trái với những luận điệu thường thấy trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt nơi những tổ chức có xu hướng chống di dân, những người tị nạn, dù là những người có trình độ thấp và thiếu những kỹ năng cần thiết đi nữa, cũng không thích ngửa tay xin tiền của các quốc gia lưu trú. Các tham dự viên tại hội nghị đã đồng thanh nhận xét như trên.

Khi tình hình khủng hoảng lắng dịu và các nhu cầu cơ bản của họ được đáp ứng, người di dân và người tị nạn không muốn đứng ngoài lề xã hội: Họ muốn được học hành, và muốn con cái họ thành đạt; họ mong mỏi nhận được giáo dục và đào tạo để trở thành những người hữu ích cho các quốc gia lưu trú. Và đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách mà giáo dục Công Giáo có thể và phải mang đến cho họ.