Xin được mở đầu lá thư này bằng tin người đẹp Canada lên ngôi.

Các cụ đã đoán ra người đẹp là ai chưa ? Thưa đó là Bà Julie Payette đại diện nữ hoàng lên ngôi Toàn Quyền Canada vào đầu tháng 10 vừa qua. Canada là một quốc gia độc lập mà lại có quan toàn quyền ư ? Thưa, vì hiện nay Canada vẫn còn trong Liên Hiệp Anh, vẫn nhận nữ hoàng Elizabeth làm quốc trưởng. Vì nữ hoàng không có mặt trên đất nước này nên Ngài đã chọn một người làm đại diện thường trực mang tên là Governor General là thế. Bà Payette là vị toàn quyền thứ 29 tiếp nối vị toàn quyền vừa mãn nhiệm David Johnston về hưu. Theo hình ảnh ngày nhậm chức trên mạng, bà trông còn trẻ và rất ngầu, mới 53 tuổi, tóc hung hung vàng. Bà sinh quán ở Montreal thuộc tỉng bang Quebec. Bà là một khoa học gia nổi tiếng và là phi hành gia không gian tài giỏi, bà đã hai lần bay lên trạm vũ trụ quốc tế. Bà nói thông thạo 6 thứ tiếng. Đáng nể qúa.

Các cụ phương xa đã thấy dân Canada giỏi chưa? Trước ngày bà Payette lên ngôi đại diện nữ hoàng thì thủ tướng Justin Trudeau của Canada, mới 46 tuối, được giải ‘ Công dân Danh Dự Toàn Cầu’ do những đóng góp về mậu dịch thế giới trong năm qua. Đúng là cha nào con nấy. Bố của ông là Cụ Pierre Trudeau đã làm thủ tướng Canada 15 năm và 164 ngày, nổi tiếng khắp thế giới trong thời chiến tranh lạnh vừa qua, chắc các cụ còn nhớ chứ.

Nhân nói tới Montreal sinh quán của Ngài tân Toàn Quyền Payette, tôi chợt nhớ tới lá cờ mới của thành phố lâu đời nhất Canada này. Trước đây Montreal mang lá cờ mầu trắng và chữ thập đỏ, 4 góc là 4 bông hoa biểu tượng 4 sắc dân da trắng đã có mặt ở đây mấy trăm năm, đó là Pháp, Anh, Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan. Nay, kể từ đầu tháng Mười, cờ Montreal sẽ có thêm một biểu tượng nữa ở ngay chính giữa, đó là hình cây thông trắng, cây thông này chỉ người Da Đỏ, vì họ đã có mặt tại đây ngay thuở ban đầu khi miền đất này mới thành hình.

Viết đến đây tôi chợt nhớ tới miền Nunavut ở phía cực bắc, có lẽ là điểm xuất phát của người Da Đỏ khi họ tiến xuống miền Montreal này. Các cụ đã bao giờ đi Canada và lên thăm đặc khu Nunavut chưa ? Cụ muốn tim hiểu dân Da Đỏ thì phải đến thăm đặc khu lịch sử này. Năm 2015 tôi có viết một bài về Nunavut khi đặc khu này được thành lập, một miền riêng biệt tiếp giáp với Bắc Cực. Xin thưa thực với các cụ điều này nha : xưa nay tôi và mấy người bạn thân trong làng vẫn cho rằng người Da Đỏ ở Canada và Hoa Kỳ hiện nay chính là người Việt cổ, là con cái của Mẹ Âu Cơ khi mẹ chia tay bố Lạc Long mà dẫn 50 con lên núi. Lên núi tức là lên hướng bắc, tới bắc cực hết đường thì quẹo sang phía tây, đi chút nữa là tới eo biển Bering, là cửa ngõ vào đất Canada, Mẹ Âu Cơ và đoàn con đã đi vào Canada rồi dừng chân định cư ở đây luôn. Màu da mái tóc, nét mặt của người Da Đỏ giống y như người VN. Ông ODP, người anh cả trong làng An lạc của chúng tôi năm xưa đã lập luận như thế này :

... Họ không phải là ngươi da trắng hay da đen, họ da vàng rõ ràng. Các nhà nhân chủng học cho rằng người Da Đỏ đã có mặt ở miền đất Canada này ít nhất 25.000 năm. Nét mặt họ không giống nét mặt người Tàu, người Nhật hay người Cao Ly. Mắt họ không bé hay không xếch. Họ chính là người Việt cổ anh em với chúng ta

Giá mà Triết gia Kim Định năm xưa còn sống tới hôm nay thì chắc ngài cũng đồng ý với lập thuyết này. Gần đây có một vị cao niên VN đáng kính cũng đồng quan điểm với nhóm chúng tôi. Đó là Cụ Nguyễn Bách Bằng, cựu hội trưởng Hội Cao Niên Ottawa. Năm 1999, Cụ Bằng đã viết thư cho chúng tôi kể chuyện về buổi lễ thành lập tân đặc khu Nunavut ngày 1.4.1999, như sau :

... Đại lễ có quan Toàn Quyền Leblanc và Thủ tướng Chrétien chủ tọa, với sự tham dự của toàn thể nội các, các dân biểu và ngoại giao đoàn. Quan toàn quyền ký tên vào lá cờ Nunavut rồi trao cờ này cho vị đặc khu trưởng. Vị này cầm lá cờ áp vào ngực, mắt long lanh giọt lệ. Sau nghi lễ này là đến phần văn nghệ của dân Da Đỏ bản địa. Tôi thấy phụ nữ Da Đỏ Nunavut sao mà giống người phụ nữ VN chúng ta đến thế. Họ mảnh mai chứ không ‘đồ sộ’ như mấy bà da trắng. Bữa đó có tiết mục trình diễn âm nhạc. Một nữ ca sĩ da đỏ mặc chiếc áo giống y như áo dài VN, cô hát một bài có những điệu ngân nga ‘ý a, ỳ a, ối a...’ sao mà nó giống giọng hát quan họ của chúng ta thế. Hồi thập niên 1930 tôi có dịp đến dự Hội Lim cách Hà Nội 13 cây số, đã được nghe hát quan họ, cung điệu cũng ý a ỳ a như cô gái Da Đỏ vừa hát.

Tôi đem chuyện này kể với nhà văn lão thành Tú Hát tức nhà văn Đinh Bá Hoàn. Cụ Hoàn cũng gật đầu đồng ý với cụ Bằng, và còn nói thêm : Danh xưng Nunavut của tân đặc khu chính là tiếng Việt Cổ. Cụ bảo rằng ngày xưa các em bé VN có trò chơi tên là ‘xỉa chân’ : các em cùng ngồi và cùng duỗi chân ra rồi hát : nu na nu nống, cái cống nằm trong, cái ong nằm ngoài... Đây là tiếng Việt cổ : NU = hoặc là, NA=mày, NỐNG= tao, CỐNG=con chó, ONG=con dê... đại ý bài ca nói rằng “hoặc mày hoặc tao sẽ phải thụt chân vào nếu bị con chó hay con dê cắn...”

Nóí tóm lại, theo 2 cụ trưởng lão Bằng và Hoàn thì danh xưng tân lãnh địa NUNAVUT chính là tiếng Việt cổ. Và căn cứ vào hình dáng, y phục và ngôn từ thì chúng ta có thể kết luận người Da Đỏ chính là người Việt cổ, anh em của chúng ta. Đây là đất của người Da Đỏ, đất của anh em chúng ta. Có điều là chúng ta chưa chính thức nhận ra nhau là anh em mà thôi.

Về sau tôi cũng đem chuyện này hỏi Cụ Đào Trọng Cương lúc đó đang ở thủ đô Ottawa nhân buổi đại lễ mừng 100 tuổi vàng của cụ . Các cụ biết Cụ Cương chứ ? Cụ Đào Trọng Cương là một cây đại thụ gốc Bắc Kỳ, cụ là kỹ sư công chánh đầu tiên tốt nghiệp tại Hà Nội thập niên 1940, là nhạc phụ của BS nhà văn Nguyễn Trùng Khánh. Cụ Cương nghe tôi kể chuyện người Da Đỏ là người Việt cổ thì cụ vừa gật đầu lia lịa vừa nói ‘ Chí lý, chí lý !’

Ông ODP kể lại chuyện cũ rồi hỏi dân làng chúng tôi nghĩ gì về việc này. Cả làng đáp ngay : Còn nghĩ gì nữa. Chứng cờ rành rành mà ! Cụ Chánh tiên chỉ làng nói thêm : Chúng ta đang sống trên đất của anh em chúng ta, tức là đất của dòng họ nhà mình, đất của mình, chứ không phải đang sống nhờ đất của người da trắng nha.

Nghe đến đây thì ai cũng vỗ tay cười hả hê . Anh H.O. chỉ vào anh John rồi nói : Dân VN đang sống ở Canada là đang sống trên đất nhà mình, chỉ có Anh là đang sống nhờ đất người khác đó nha. Chị Ba Biên Hoà nghe đến đây thì thích quá bèn vỗ vai chồng là anh John rồi hỏi : Anh nghe rõ chưa ?

Mà thôi, bây giờ xin ngưng chuyện Da Đỏ, để trở về chuyện thời sự. Chúng ta đi xa quá rồi chỉ vì nhân nói chuyện bà tân toàn quyền Julie Payette sinh ở Montreal, nên từ Montreal đã dẫn sang chuyện lá cờ mới của Montreal có biểu tượng của người Da Đỏ, rồi từ đó dẫn sang chuyện người Da Đỏ là người Việt cổ...

Nhân tin thời sự nói tới bà Payette làm tôi nhớ tới một vị nữ lưu nuớc Đức hiện nay, đó là bà Angela Merkel, hiện đang làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4 do cuộc bầu cử quốc hội ngày 24/9/2017 vừa qua. Quả là vinh quang tột đỉnh. Bà được sánh ngang hàng với Cụ Konrad Adenauer người tái thiết nước Đức sau thế chiến. Điều làm chúng tôi khâm phục nhiều nhất là ở chỗ Bà Merkel là dân Đông Đức nha, từ miền đất CS khô cằn ngày xưa mà mọc lên một bông hồng huy hoàng sáng chói. Đáng phục quá.

Rồi nhân nói tới sự vinh quang của bà Merkel làm tôi nhớ ngay tới Bà Aung San Suu Kyi xứ Miến Điện. Trước đây mấy năm Bà Suu Kyi là một ngôi sao cũng sáng chói trên chính trường quốc tế, được Oxford vinh danh và trao tặng giải thưởng Nhân Quyền, nay bà đang đi vào bóng tối, bị Oxford lấy lại giải thưởng. Sao vậy ? Thưa, vì sắc dân Rohingya theo Hồi Giáo và hơn 20 sắc dân thiểu số khác nhau đang đánh nhau dữ dội. Người đẹp Suu Kyi xưa nay nổi tiếng thông minh và tài giỏi mà hầu như bất lực. Nhiều người bảo cái vận nước của Miến Điện đang bị cái bóng của 2 ông khổng lồ hàng xóm là Ấn Dộ và Trung Cộng đè xuống. Thật tội nghiệp cho người dân đen Miến Điện và bà Suu Kyi qúa.

Xin trở về các tin thời sự khác. Tin quốc tế thì nhiều quá. Xin chọn tin lớn nhất. Xin được nói về bài diễn văn dài 45 phút của Vua Donald Trump tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 19 tháng 9 vừa qua. LHQ có 193 nước hội viên, ngày Vua Trump đọc diễn văn thì hội trường đầy nghẹt. Tôi viết là ‘đọc’ diễn văn chứ thực ra Vua Trump đâu có cầm giấy đọc. Trong 45 phút, ông hoàn toàn nói buông, không hề nhìn vào giấy, và những điều ông nói đều được cả hội trường LHQ vỗ tay hoan hô nhiệt liệt nhiều lần. Ông rất duyên dáng và hùng biện. Ông mới làm tổng thống 8 tháng mà đã làm được những việc hơn 8 năm cầm quyền của ông Obama. Nhiều người chỉ trích ông nhưng ông không hề nao núng, ông không hề sợ. Ông lớn tiếng chỉ trích Nga về vấn đề Ukraine, chỉ trích Trung Cộng về vấn đề Biển Đông, và Kim Dung Ủn về hạt nhân. Với ông, về niềm tin thì Ông chỉ tin vào Thượng Đế và về hành động thì ông chỉ hành động để giữ cho Hoa Kỳ mãi là số 1, “In God we trust’, và ‘Make America great again”.

Ngoài tin Vua Trump phát biểu ở LHQ, còn tin cuộc tàn sát ở Las Vegas khiến hơn 50 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương ngày đầu tháng Mười vừa qua. Eo ơi, kinh khủng quá. Báo chí đã tường thuật đầy đủ, các cụ đã biết việc này rồi. Điều làm tôi hết sức khâm phục người dân Hoa Kỳ trong dịp này là số người hiến máu để cứu những người bị thương đã lên cao quá sức tưởng tượng. Bao nhiêu người đã xếp hàng dài để được cho máu. Số người cho máu đông đến độ phải lấy hẹn. Có người phải chờ cả tuần lễ. Ngoài hiến máu, còn vấn đề cho tiền cứu trợ. Chỉ trong 2 ngày mà số tiền giúp các nạn nhân lên tới hơn 3 triệu. Nước Hoa Kỳ vĩ đại và được nhiều phước lành chính là nhờ những hành động như thế này.

Còn tin thời sự của cộng đồng VN hải ngoại thì sao ? Thưa tin nóng nhất và sôi nổi nhất hiện nay là bộ phim 10 tập và dài 18 giờ ‘ The Vietnam War’ của Ken Burns và Lynn Novick. Chỗ nào cũng nói tới, báo nào đài nào cũng bàn tới. Người khen người chê khắp nơi.

Đang khi tôi xem bộ phim dài này thì tôi được đọc một số bài viết của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng. A, đây là người đã viết về thời sự VN trong cuộc chiến : Khi Đồng Minh Nhảy vào, Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Tâm Tư Tổng Thống Thiệu, Người Cày Có Ruộng...

TS Hưng đã từng đối chất với cựu ngoại trưởng Henry Kissinger sau 1975. Tôi hỏi ông nghĩ thế nào về ông Kissinger thì TS Hưng cho biết : đây là một nhà ngoại giao đại tài nhưng cũng là một người mưu lưọc nhan hiểm.

Bài viết về bộ phim 10 tập này của TS Nguyễn Tiến Hưng rất dài, đầy các dữ kiện, dẫn chứng và phản biện với nhà làm phim, rất hay. Tôi thấy ông viết trong lời kết như sau : “ Điểm son của phim The Vietnam War là đã phần nào lấy lại danh dự cho người quân nhân Mỹ vì họ đã phải chiến đấu trên một chiến địa khó khăn, hiểm trở, chấp nhận thương vong, rồi trở về thấy quê hương mình bị chia rẽ. Họ không được chào đón hân hoan như đoàn quân chiến thắng sau Thế Chiến II. Nhiều khi còn bị chế riễu...”

Dòng cuối bài, ông viết : Lý do nhảy vào VN của 5 tổng thống Hoa Kỳ là để bảo vệ quyền lợi của Mỹ chứ không phải để bảo vệ tự do của người Miền Nam. Lời TS Hưng đúng quá chứ, phải không các cụ ?

Ông bạn già ODP của tôi thêm : Nếu người làm phim này là người Na Uy hay Thụy Điển, không phải là người Mỹ Ken Burns và Lynn Novick, thì nội dung cuốn phim đã khác. Các cụ có đồng ý như vậy không ?

Mời độc giả tìm đọc bài viết của TS Nguyện Tiến Hưng trên mạng, và bài đối thoại lý thú giữa Ông Vũ Văn Lộc và Ông Nguyễn Xuân Nam trên đài Cali Today ở San Jose đầu tháng 10 vừa qua, cũng rất hấp dẫn.

Tôi nghĩ rằng thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác về bộ phim dài này.

Xin chấm dứt phần tin thời sự để mời các cụ về làng An Lạc của chúng tôi dự tiệc Lễ Tạ Ơn Thanksgiving vừa qua. Một việc mà năm nào cũng xảy ra là Cụ Chánh mời cả làng cùng với gia đình cụ đi dự lễ tạ ơn ở nhà thờ Cha Paolo. Xứ đạo này đã bảo trợ gia đình cụ khi xưa từ trại tỵ nạn. Những năm trước thì Cụ biếu Cha Paolo xôi gà. Năm nay, theo lời mách nhỏ của một giáo dân da trắng, cụ Chánh biếu Cha Paolo và hội đồng giáo xứ một mâm chả giò. Ai cũng thích qúa sức. Thì ra Cha Paolo và giáo xứ đều mê chả giò VN. Cụ già Bắc Kỳ B.95 và Cụ Chánh đã xắn tay áo làm chả giò. Hai cụ đều cười ha ha và bảo ‘ chả giò’ là tiếng Nam Kỳ. Chúng tôi là dân gốc Bắc Kỳ nên sẽ làm chả giò lối Bắc Kỳ. Dân làng đa số đã quên cái gốc Bắc Kỳ, quên luôn cái gốc nguyên thủy của chả giò, nên ai cũng tới giúp 2 cụ làm món này. Người mà háo hức học món này là Chị Ba Biên Hòa và hai cô Huế. Nhà bếp đã ồn ào và đầy tiếng cười.

Ở Bắc Kỳ ngày xưa, đặc biệt ở Hà Nội, tên của cái món này không phải là ‘chả giò’ mà là ‘Nem Rán’. Nhân của nó không phải là thịt heo mà là thịt cua biển trộn với miến, mộc nhĩ, trứng gà, xu hào thái nhỏ, cùng với hành tiêu nước mắm, và tất cả được cuốn lại bằng một loại bánh tráng gọi là ‘Bánh Đa Nem’. Các cụ đã thấy ngon chưa ? Ôi, những đĩa nem rán này khi vừa chiên xong nó vàng rụm và thơm điếc mũi.

Cụ Chánh đã mang một nửa đến biếu giáo xứ Cha Paulo, một nửa để đãi dân làng. Xưa nay, nhất là ở hải ngoại này, chúng ta đã ăn cái biến thái của Nem Rán, đã cuốn nem rán với các loại rau thơm và bún rồi chấm vào chén nước mắm pha chanh ớt tỏi. Vì được cuốn bằng bánh tráng của Tàu, nên đã mất hết cái ròn tan và thơm nguyên thủy của bánh đa nem... Ôi Nem Rán cuốn với bánh đa nem của Hà Nội trước 1954 sao mà nó ngon làm vậy !

Cuối bữa ăn nem rán, dân làng chúng tôi đã được ăn món Chè Bí Ngô. Tại sao lại bí ngô ? Thưa bí ngô là món ăn chính của Lễ Tạ Ơn ở Canada. Theo sách vở thì bí ngô, ta quen gọi là bí đỏ, là đặc sản của người Da Đỏ Canada. Từ Canada bí ngô mới lan ra khắp thế giới. Cụ B.95 đã nấu chè bí ngô với đậu xanh và gạo nếp. Ngon hết sức. Cụ Chánh vừa ăn chè bí ngô vừa nói lớn : Xin tạ ơn nước Canada, xin tạ ơn người Da Đỏ anh em của chúng tôi.

TRÀ LŨ

Lời NXB : Mua quà ? Kho sách của Trà Lũ hiện chỉ còn 3 cuốn : 300 Cười + 400 Cười + ĐấtQuêHương2 đầy tiếng cười, đây là món quà ý nghĩa và trang nhã nhất, ta tặng nhau tiếng cười. Lập trường của nguyệt san quốc tế Reader’s Digest là Laughter is the best medicine. Giá 65 mỹ kim gồm tiền sách và bưu phí. Xin liên lạc petertralu@gmail.com

Trà Lũ