MỒNG HAI TẾT
Đạo hiếu dưới cái nhìn Kitô giáo
(Bài đọc 1: Hc 44, 1.10-15; Bài đọc 2: Ep 6, 1-4. 18-23; Tin mừng: Mt 15, 1-6)

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.


Thế đó, thật nhẹ nhàng, nhưng từng lời ru của người mẹ Việt Nam đung đưa bên chiếc nôi của đứa con nhỏ, ngày qua ngày đã dần đi sâu vào trái tim, làm nên dòng máu thắm đỏ của những người con, tạo nên trong tâm thức của từng người dân đất Việt một tâm tình thảo hiếu, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Các cụ ngày xưa cho là hiếu đứng đầu trăm nết: “Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”.
Do đó, đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị mọi người kết án nhiều nhất. Bộ luật Hồng Đức ban hành thời Lê Thánh Tông cũng ghép tội bất hiếu vào trọng tội. Không chỉ con trai, con dâu không thờ cha mẹ chồng cũng bị coi là phạm tội “thất xuất” (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, trang 326).

Chính vì thế, vào những ngày Tết, giỗ chạp… trong các gia đình Việt Nam chúng ta, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha, tết mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về để thắp nén hương cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Cùng chung cảm thức đó của dân tộc, Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày Mồng Hai Tết này để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Rồi từ đạo hiếu với cha mẹ, Giáo Hội muốn từng người chúng ta tỏ lòng hiếu kính với người Cha cao cả và tuyệt đối hơn, đó là Thiên Chúa.

1. Đạo hiếu, bổn phận hàng đầu của người kitô hữu:

Truyền thống cha ông chúng ta rất coi trọng chữ hiếu. Để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ ngày xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ, anh chị em. Thậm chí, các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu”. Hơn nữa, việc thảo kính cha mẹ, xét về mặt tự nhiên, cũng là hợp với lẽ công bằng, bởi vì cha mẹ là người đã có công sinh thành, dưỡng dục giúp ta khôn lớn thành người.

Mặt khác, đối với người kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản thập giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau. Điều đó, cho thấy, việc hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người kitô hữu. Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu cũng đã lập lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi, Ngài nói: “Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”. Còn thánh Phaolô thì nói: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này”.

Như thế, việc chúng ta thảo kính cha mẹ không còn tùy thuộc vào ý thích cá nhân của chúng ta, nhưng là thánh ý của Thiên Chúa. Được Thánh Thần soi sáng, tác giả sách Huấn ca nhắc nhở chúng ta: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này”. Và vì là ý muốn của Thiên Chúa, nên những ai trung thành tuân giữ việc thảo kính cha mẹ không những là chu toàn bổn phận làm con, nhưng còn được Thiên Chúa chúc phúc. Tác giả Thánh vịnh đã cất lời ca ngợi những ai luôn sống theo đường lối của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may”.

Tóm lại, về mặt tự nhiên, việc hiếu thảo là bổn phận tự nhiên và là dấu chỉ của một con người trưởng thành. Đồng thời, khi sống hiếu thảo cũng là lúc chúng ta chu toàn giới luật của Thiên Chúa và nhờ đó được Ngài chúc lành. Tuy nhiên, trong niềm tin, chúng ta biết rằng tất cả chúng ta: cha mẹ và con cái, đều nhận được sự sống từ nơi Thiên Chúa. Do đó, trong ngày đầu năm kính nhớ tổ tiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và hết lòng yêu thương chúng ta, như lời Ngài phán qua miệng ngôn sứ Isaia: “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi! Này: Ta đã khắc ghi ngươi trên bàn tay Ta” (Is 49, 15-16a).

2. Sống trung thành với Thiên Chúa, dấu chỉ của đạo hiếu:

Dưới cái nhìn của đức tin, cha mẹ là những người được Thiên Chúa cho cộng tác vào chương trình sáng tạo của Người. Cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa để hướng dẫn con cái. Do đó, việc đầu tiên mà các bậc cha mẹ cần làm là giáo dục con cái trung thành với Thiên Chúa theo lời nhắn bảo của thánh Phaolô: “Những người làm cha mẹ,… hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”.

Giáo dục con cái thánh thiện, trung thành với Thiên Chúa, các bậc cha mẹ sẽ có được một kho tàng quý giá không bao giờ hư mất. Lúc đó, “Các ngài sống mãi trong dòng dõi các ngài; gia tài quí báu của các ngài để lại là lũ cháu đàn con”. Đây là điều quan trọng mà chúng ta vẫn thường hay quên. Chúng ta thường la rầy con cháu, nhắc nhở chúng hiếu thảo, vâng lời chúng ta, nhưng lại chẳng bao giờ nhắc chúng về bổn phận với Thiên Chúa. Chắc hẳn với kinh nghiệm sống của mình, quý vị cũng nhận ra rằng: những người nào thật sự trung thành với Thiên Chúa, chắc chắn sẽ hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, vì khi họ đến với Thiên Chúa, thì họ sẽ được Thiên Chúa dẫn đưa họ đến với cha mẹ. Còn những người nào quay lưng lại với Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho mình, thì khó mà có lòng hiếu thảo thật với cha mẹ. Cảm nghiệm điều đó, tác giả sách Huấn ca khen ngợi dòng dõi những người trung thành với Thiên Chúa: “Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước, nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài sẽ được mồ yên mả đẹp, và danh thơm mãi lưu truyền hậu the”. Còn tác giả Thánh vịnh thì mô tả: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn”, thật là một khung cảnh ấm êm, hạnh phúc.

Lắng nghe lời Chúa trong những ngày đầu năm này, chớ gì từng người chúng ta một lần nữa ý thức hơn về những hồng ân Thiên Chúa ban cho mình trong một năm qua, để hết lòng tri ân và cảm tạ Ngài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận tiện nhắc nhở chúng ta về bổn phận đối với ông bà cha mẹ, những bậc sinh thành ra chúng ta. Việc thảo kính này, không chỉ là một ít lễ vật, một lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng cần được kéo dài trong suốt cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Lòng thảo hiếu đó được thể hiện qua cách chúng ta nói năng, xưng hô với cha mẹ. Nó còn được thể hiện qua việc chúng ta vâng lời, chăm nom, săn sóc cho cha mẹ khi còn sống, nhất là khi các ngài già yếu, bệnh tật; và cầu nguyện cho các ngài khi đã qua đời, theo đúng truyền thống của cha ông chúng ta: “Sống tết, chết giỗ”. Amen.