Năm Dậu nói chuyện gà trong Kinh Thánh

Trong số xuân này, nhiều tác gỉa đã nghiên cứu về gà trong văn thơ và truyền thống dân gian, vì vậy nhân dịp năm Ất Dậu xin được chia sẻ đôi ba tâm tư về gà trong Thánh kinh. Gà, đặc biệt gà trống, gà cồ vẫn được coi là một con vật kiêu căng, gáy to và ngông nghênh như trong sách ông Gióp và sách Chân Ngôn có viết:

Nhưng đến hồi cất cánh tung tăng,

nó (gà) coi thường ngựa phi và người cưỡi. (Gióp 39:18)

Gà trống nghênh ngang hay dê đực,

và ông vua điều khiển quân binh. (Châm Ngôn 30:31)

Ðó là hai đoạn duy nhất đề cập tới gà được tìm thấy trong Cựu Ước.

Gà được tìm thấy nhiều hơn trong Tân Ước đặc biệt trong những giờ phút quyết liệt của đời Chúa với người môn đệ trưởng của Chúa. Hầu như trong bốn Phúc Âm đều tường thuật và trình bày bối cảnh mà Ðức Giêsu đã cảnh báo về sự bội phản của các môn đệ Chúa, đặc biệt sự chối từ của người đệ tử ruột, thủ lãnh mà Chúa đã tuyển chnọ là thánh Phêrô.

Ba Phúc âm của Mathêu, Marcô và Luca được gọi là Phúc âm nhất lãm vì ba tường thuật có nhiều điểm tương đồng hầu như giống nhau vậy.

Phúc âm thánh Mathêu chương 26: 31-35 kể lại: 31Bấy giờ Đức Giê-su nói với các ông: "Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác.32 Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em."33 Ông Phê-rô liền thưa: "Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã."34 Đức Giê-su bảo ông: "Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần."35 Ông Phê-rô lại nói: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.

Còn Phúc âm thánh Marcô chương 14: 26-31 viết: 26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.27 Đức Giê-su nói với các ông: "Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác.28 Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em."29 Ông Phê-rô liền thưa: "Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không."30 Đức Giê-su nói với ông: "Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần."31 Nhưng ông Phê-rô lại nói quả quyết hơn: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.

Và Phúc âm thánh Luca thì kể: 31 Rồi Chúa nói: "Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo.32 Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh."33 Ông Phê-rô thưa với Người: "Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng."34 Đức Giê-su lại nói: "Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy." Riêng đối với Phúc âm của thánh Gioan thì có nhiều chi tiết khác như Gioan chương 13:36-38 viết: 36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy? " Đức Giê-su trả lời: "Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo."37 Ông Phê-rô thưa: "Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy! "38 Đức Giê-su đáp: "Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.

Chuyện gì tới phải tới. Ðúng như lời Thầy đã cảnh báo Phêrô đã run rẩy trước những tên đầy tớ của quan tổng trấn để thẳng thắn chối từ Thầy như trong các Phúc âm tường thuật: Phúc âm thánh Mathêu cũng chương 26:69 - 75 tường thuật: 69 Lúc đó ông Phê-rô đang ngồi ngoài sân. Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: "Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì? "70 Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: "Tôi không biết cô nói gì! "71 Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: "Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy."72 Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: "Tôi không biết người ấy."73 Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: "Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay."74 Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: "Tôi thề là không biết người ấy." Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy.75 Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: "Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần." Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.

Phúc âm thánh Marcô 14: 71-72 kể: 71 Nhưng ông Phê-rô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: "Tôi thề là không có biết người các ông nói đó! "72 Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phê-rô sực nhớ điều Đức Giê-su đã nói với mình: "Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần." Thế là ông oà lên khóc.

Và Phúc âm thánh Luca 22: 60-63 thì kể: 60 Nhưng ông Phê-rô trả lời: "Này anh, tôi không biết anh nói gì! " Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy.61 Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: "Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần."62 Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. Cuối cùng là Phúc âm thánh Gioan chương 18: 25-28 viết: 25 Còn ông Si-môn Phê-rô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông: "Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao? " Ông liền chối: "Đâu phải."26 Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phê-rô chém đứt tai, lên tiếng hỏi: "Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao? "27 Một lần nữa ông Phê-rô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy.

Phúc âm nhất lãm cho hay Phêrô đã ăn năn thống hối suốt đời về sự bội phản của mình, sau khi tiếng gà gáy thức tỉnh ông. Cuộc đời của chúng ta cũng cảm nhận nhiều tình thương của chúa và tha nhân, nhưng chúng ta có thức tỉnh làm lại cuộc đời như thánh Phêrô không?

Qua biến cố thảm khốc của cơn sóng thần ngày 26/12/2004 hầu như cả thế giới, mọi người giầu nghèo đều mở lòng trao ban và chia sẻ như ông Gordon Brown, một nhân vật cao cấp trong chính quyền Anh Quốc phát biểu: “Vừa khi sức mạnh thiên nhiên xuất hiện tàn phá thì đồng thời sức mạnh của lòng từ bi bác ái của con người cũng cùng xuất hiện để xây dựng lại”

Ðược sống ở Úc, một đất nước thanh bình và sung túc nữa; một đất nước mà dân chúng rất nhậy bén trước những thương đau của người khác như thủ tướng John Howards đã nói “Chính phủ cùng nhân dân Úc mở lòng chia sẻ với các nạn nhân một cách quảng đại”.

Thật vậy nhìn vào con số các quốc gia đóng góp cho các nạn nhân dân Úc không khỏi tự hào là nước Úc tuy dân số ít ỏi nhưng lại đứng đầu sổ về việc đóng góp theo bảng số mà Nguyễn Long Thao đã tóm và xếp loại.

Thứ tự/ Quốc gia/ Phần đóng góp/ Tỷ lệ so với tổng sản lượng quốc gia (tính theo đô Mỹ):

1. Úc / 815 triệu/ 0.142%

2. Na Uy/ 183 triệu/ 0.107%

3. Thụy Điển/ 74.3 triệu/ 0.032%

4. Đức/ 674 triệu/ 0. 029%

5. Nhật/ 500 triệu/ 0.014%

6. Pháp/ 103 triệu/ 0. 006%

7. Anh/ 95 triệu / 0.006%

8. Mỹ/ 350 triệu/ 0.003%

9 Trung Quốc/ 60 triệu/ 0.0009%

Qua bảng sắp hạng trên đây ta thấy 3 nước nhỏ Úc, Na Uy, Thụy Điển là chính quyền có lòng quảng đại nhất và các nước ấy không phải là thành viên của 7 cường quốc kinh tế thế giới gọi tắt là G-7.

Rồi nhìn vào các tổ chức tư khác, dân Úc không khỏi ngạc nhiên trong một đêm TV Toll của ba đài truyền hình số 7,9 và 10 đã quyên góp được 20 triệu, trong một cuộc đấu Cricket giữa Úc và Sri Lanka tại sân MCG ở Melbourne quyên góp được 14.5 triệu, Tổ chức cứu trợ Công giáo Caritas Úc Châu thu nhận từ các giáo xứ là 8 triệu đô v.v...

Ðài SBS qua Radio Toll quyên được gần 1.4 triệu, thì chương trình SBS Việt Nam thu được hơn 630 ngàn đô rồi! Người Việt Nam ra đi với đôi bàn tay trắng, trải qua bao nhiêu gian chuân thử thách đến được tới bến bờ tự do, định cư nơi xứ người... Dù gánh nặng đôi vai nhưng đã rất quảng đại mở lòng để chia cơm sẻ áo. Riêng đối với Dân Chúa Úc Châu mà thôi cũng thu nhận hơn 43,000 đô cho các nạn nhân.

Ước mong năm con gà chúng ta cố gắng vươn lên và tự hào về những tin yêu hy vọng và yêu thương chúng ta dàn trải trong cuộc đời...