Hai tiếng đồng hồ điều trần tại tòa án với các câu hỏi được lặp đi lặp lại của Thẩm phán Nicholas Francis đã khiến cho bầu không khí càng lúc càng căng thẳng. Đến một lúc, mẹ của Charlie, là cô Connie Yates, đã mất bình tĩnh và hét vào mặt quan tòa Nicholas Francis:
“Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng con chúng tôi không đau đớn gì cả. Nếu nó đau như mấy người nói, chúng tôi đã không có mặt ở đây chiến đấu với mấy người.”
Anh chồng Chris Gard, bực tức giằn mạnh cốc nước của mình xuống, và hai vợ chồng rời phòng xử án, vừa đi vừa chửi toáng lên.
Bé Charlie bị một dạng bệnh mitochondrial rất hiếm dẫn đến sự suy giảm cơ bắp và tổn thương não. Bất chấp lời cầu xin của Đức Thánh Cha Phanxicô, và của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cũng như các nỗ lực ngoại giao trên thế giới nhằm tiếp tục các cuộc điều trị thử nghiệm cho bé Charlie Gard, một loạt các thẩm phán đã ủng hộ các chuyên gia tại bệnh viện Greater Ormond Street cho rằng việc điều trị cho bé Charlie sẽ không có kết quả mà chỉ gây thêm đau đớn cho đứa trẻ. Họ cho rằng đứa bé nên được “chết êm dịu”.
Nhiều người lo ngại rằng cha mẹ của cháu bé phen này sẽ rắc rối to vì tội “khinh mạn toà án”.
Tuy nhiên, hôm thứ Sáu, một thẩm phán Tòa án Tối cao ở Anh đã phán quyết rằng một chuyên gia người Mỹ được phép khám cho bé Charlie, và đưa ra ý kiến xem liệu đứa trẻ có nên được đưa sang Mỹ điều trị hay không.
Tiến sĩ Michio Hirano của Trung tâm Y tế Đại học Columbia, Hoa Kỳ sẽ kiểm tra Charlie Gard ngay tại Bệnh viện Greater Ormond Street ở London. Trước tòa, Tiến sĩ Hirano nói dựa vào kiến thức hiện tại của ông về vụ án, ông tin rằng có “từ 11% đến 56% cơ hội” liệu pháp của ông sẽ cải thiện tình trạng của cậu bé. Tiến sĩ Hirano cũng chứng thực rằng ông không thấy có chứng cứ gì là bé Charlie Gard đang đau đớn.