THƯ MỤC VỤ 141 GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
DỤ NGÔN LƯỚI CÁ
Dụ ngôn thứ bảy nói về Nước Trời theo thánh Matthêu là dụ ngôn lưới cá. Thánh nhân viết:
“Nước Trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các Thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 13,47-50).
Dụ ngôn đặt Nước Trời, tức Giáo Hội, vào hai giai đoạn: giai đoạn lữ hành trên trần thế và giai đoạn cánh chung, tức ngày tận thế khi các Thiên thần đến tách biệt kẻ dữ ra khỏi những người lành. Dụ ngôn lưới cá ám chỉ Giáo Hội Chúa Kitô khởi điểm của Nước Trời cùng với bốn đặc tính mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Nước Trời giống như lưới
Giáo Hội là chiếc lưới. Dụ ngôn dùng danh từ ở số ít, tức là Nước Trời giống như một chiếc lưới. Chiếc lưới nói lên tính duy nhất của Giáo Hội Chúa Kitô. Người đã chỉ thiết lập một Giáo Hội duy nhất; trong đó, “chỉ có một Thân Thể, một Thần Khí… chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6). Và trong Giáo Hội này, chỉ một mình Người, Đức Kitô, là Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát. Thánh Phaolô viết: “Vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,18-19).
Chúng ta hân hoan và tự hào vì được thuộc về Giáo Hội duy nhất này. Vì chính nhờ sự duy nhất của Giáo Hội, mà chúng ta có và duy trì được sự hiệp nhất: hiệp nhất với Chúa Kitô, và trong Người hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi và giữa chúng ta với nhau. “Xin cho tất cả nên một như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Duy nhất là đặc tính thứ nhất của Giáo Hội Chúa Kitô.
Như lưới thả dưới biển
Nước Trời lại giống như chiếc lưới thả dưới biển. Hình ảnh chiếc lưới thả dưới biển bắt được mọi thứ cá nhắc đến khởi đầu của Giáo Hội, khi Chúa Kitô chọn bốn môn đệ đầu tiên: đó là Phêrô và Anrê, Gioan và Giacôbê. Người đã chọn họ sau một mẽ lưới được nhiều cá. Trước sự kinh ngạc của các ông, Người đã bảo: “Simon, đừng sợ, anh sẽ là người cứu sống người ta. Thế là họ đưa thuyền vào bờ rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc 5,8-11). Các ông đã bắt được nhiều cá, không phải do tài năng của các ông, nhưng vì Đấng đã ra lệnh cho các ông thả lưới và cho các ông bắt được nhiều cá là Đấng Thánh. Ông Simon khi thấy sự lạ này, “đã sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Ông đã gọi Đức Giêsu là Chúa, và xưng mình là tội lỗi. Thế là Đấng sáng lập Giáo Hội là “Đấng Thánh” (x. Lc 1,35). Chính Thần sứ Gabriel đã mạc khải tên gọi này, khi truyền tin cho Đức Mẹ. “Thần sứ đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).
Giáo Hội đã xuất phát từ Đấng Thánh này; vì thế, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội là Thánh Thiện (Kinh Tin Kính).
Giáo Hội tự bản chất là Thánh Thiện và chứa đựng mọi phương tiện giúp chúng ta nên thánh: như Lời Chúa, các Bí tích, gương các Thánh nhân. v.v.
Lưới thả dưới biển bắt được mọi thứ cá
Biển và mọi thứ cá bắt được nói lên tính phổ quát của Giáo Hội. Tôi tin có Hội Thánh… công giáo (Kinh Tin Kính). Biển rộng mênh mông - Giáo Hội Chúa Kitô được mời gọi lan rộng khắp hoàn cầu. Chính Chúa Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát đã chỉ thị cho các môn đệ trước khi về trời: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt 28,18-20). Tin Mừng theo thánh Marcô còn nói rõ hơn: “Người nói với các ông: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Thế là Tin Mừng phải được loan báo khắp nơi và cho tất cả mọi loài thụ tạo.
Giáo Hội Chúa Kitô là mái nhà chung cho mọi dân, mọi nước, mọi người và mọi thụ tạo. Giáo Hội không phân biệt đối xử, nhưng sẵn sàng đón nhận mọi người. Và thực thế, Giáo Hội Công giáo chúng ta hiện nay đang có mặt khắp năm châu bốn bể, với trên 1 tỷ người, thuộc đủ mọi dân tộc, sống và hoạt động cho lợi ích của xã hội và con người.
Lưới đầy, người ta kéo lên bãi
Đây là hình ảnh về hoạt động của những người đã được Chúa Kitô tuyển chọn làm tông đồ: như Phêrô, Anrê, Gioan và Giacôbê. Tên của các ông vẫn được nhắc đến trong danh sách của mười hai Tông Đồ (x. Mt 10,2-5). Tính tông truyền của Giáo Hội đã nổi bật cách rõ nét trong bản danh sách cũng như trong mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Kitô. Các ngài là nền móng trên đó ngôi nhà của Thiên Chúa được xây dựng. Thánh Phaolô viết: “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu” (Ep 2,19-20). Vì thế, chính nhờ các Tông đồ và những người kế vị các ngài là các giám mục mà chúng ta được liên kết với Chúa Kitô, là viên đá góc tường.
Ngoài ra, tông truyền, đặc tính thứ bốn của Giáo Hội Chúa Kitô, còn nhắc đến sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Công đồng Vatican II đã dạy: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo”. Vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha (Ad gentes 2). Chúng ta hãy luôn ghi nhớ đặc tính căn bản này.
Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (Kinh Tin Kính). Chúng ta hãy xây dựng Giáo phận, giáo xứ, gia đình và bản thân Kitô hữu chúng ta theo bản vẽ và mẫu mực này của Giáo Hội Chúa Kitô, trong khi mong đợi Ngày Chúa đến. Hãy yêu mến Giáo Hội.
DỤ NGÔN LƯỚI CÁ
Dụ ngôn thứ bảy nói về Nước Trời theo thánh Matthêu là dụ ngôn lưới cá. Thánh nhân viết:
“Nước Trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các Thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 13,47-50).
Dụ ngôn đặt Nước Trời, tức Giáo Hội, vào hai giai đoạn: giai đoạn lữ hành trên trần thế và giai đoạn cánh chung, tức ngày tận thế khi các Thiên thần đến tách biệt kẻ dữ ra khỏi những người lành. Dụ ngôn lưới cá ám chỉ Giáo Hội Chúa Kitô khởi điểm của Nước Trời cùng với bốn đặc tính mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Nước Trời giống như lưới
Giáo Hội là chiếc lưới. Dụ ngôn dùng danh từ ở số ít, tức là Nước Trời giống như một chiếc lưới. Chiếc lưới nói lên tính duy nhất của Giáo Hội Chúa Kitô. Người đã chỉ thiết lập một Giáo Hội duy nhất; trong đó, “chỉ có một Thân Thể, một Thần Khí… chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6). Và trong Giáo Hội này, chỉ một mình Người, Đức Kitô, là Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát. Thánh Phaolô viết: “Vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,18-19).
Chúng ta hân hoan và tự hào vì được thuộc về Giáo Hội duy nhất này. Vì chính nhờ sự duy nhất của Giáo Hội, mà chúng ta có và duy trì được sự hiệp nhất: hiệp nhất với Chúa Kitô, và trong Người hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi và giữa chúng ta với nhau. “Xin cho tất cả nên một như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Duy nhất là đặc tính thứ nhất của Giáo Hội Chúa Kitô.
Như lưới thả dưới biển
Nước Trời lại giống như chiếc lưới thả dưới biển. Hình ảnh chiếc lưới thả dưới biển bắt được mọi thứ cá nhắc đến khởi đầu của Giáo Hội, khi Chúa Kitô chọn bốn môn đệ đầu tiên: đó là Phêrô và Anrê, Gioan và Giacôbê. Người đã chọn họ sau một mẽ lưới được nhiều cá. Trước sự kinh ngạc của các ông, Người đã bảo: “Simon, đừng sợ, anh sẽ là người cứu sống người ta. Thế là họ đưa thuyền vào bờ rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc 5,8-11). Các ông đã bắt được nhiều cá, không phải do tài năng của các ông, nhưng vì Đấng đã ra lệnh cho các ông thả lưới và cho các ông bắt được nhiều cá là Đấng Thánh. Ông Simon khi thấy sự lạ này, “đã sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Ông đã gọi Đức Giêsu là Chúa, và xưng mình là tội lỗi. Thế là Đấng sáng lập Giáo Hội là “Đấng Thánh” (x. Lc 1,35). Chính Thần sứ Gabriel đã mạc khải tên gọi này, khi truyền tin cho Đức Mẹ. “Thần sứ đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).
Giáo Hội đã xuất phát từ Đấng Thánh này; vì thế, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội là Thánh Thiện (Kinh Tin Kính).
Giáo Hội tự bản chất là Thánh Thiện và chứa đựng mọi phương tiện giúp chúng ta nên thánh: như Lời Chúa, các Bí tích, gương các Thánh nhân. v.v.
Lưới thả dưới biển bắt được mọi thứ cá
Biển và mọi thứ cá bắt được nói lên tính phổ quát của Giáo Hội. Tôi tin có Hội Thánh… công giáo (Kinh Tin Kính). Biển rộng mênh mông - Giáo Hội Chúa Kitô được mời gọi lan rộng khắp hoàn cầu. Chính Chúa Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát đã chỉ thị cho các môn đệ trước khi về trời: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt 28,18-20). Tin Mừng theo thánh Marcô còn nói rõ hơn: “Người nói với các ông: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Thế là Tin Mừng phải được loan báo khắp nơi và cho tất cả mọi loài thụ tạo.
Giáo Hội Chúa Kitô là mái nhà chung cho mọi dân, mọi nước, mọi người và mọi thụ tạo. Giáo Hội không phân biệt đối xử, nhưng sẵn sàng đón nhận mọi người. Và thực thế, Giáo Hội Công giáo chúng ta hiện nay đang có mặt khắp năm châu bốn bể, với trên 1 tỷ người, thuộc đủ mọi dân tộc, sống và hoạt động cho lợi ích của xã hội và con người.
Lưới đầy, người ta kéo lên bãi
Đây là hình ảnh về hoạt động của những người đã được Chúa Kitô tuyển chọn làm tông đồ: như Phêrô, Anrê, Gioan và Giacôbê. Tên của các ông vẫn được nhắc đến trong danh sách của mười hai Tông Đồ (x. Mt 10,2-5). Tính tông truyền của Giáo Hội đã nổi bật cách rõ nét trong bản danh sách cũng như trong mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Kitô. Các ngài là nền móng trên đó ngôi nhà của Thiên Chúa được xây dựng. Thánh Phaolô viết: “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu” (Ep 2,19-20). Vì thế, chính nhờ các Tông đồ và những người kế vị các ngài là các giám mục mà chúng ta được liên kết với Chúa Kitô, là viên đá góc tường.
Ngoài ra, tông truyền, đặc tính thứ bốn của Giáo Hội Chúa Kitô, còn nhắc đến sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Công đồng Vatican II đã dạy: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo”. Vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha (Ad gentes 2). Chúng ta hãy luôn ghi nhớ đặc tính căn bản này.
Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (Kinh Tin Kính). Chúng ta hãy xây dựng Giáo phận, giáo xứ, gia đình và bản thân Kitô hữu chúng ta theo bản vẽ và mẫu mực này của Giáo Hội Chúa Kitô, trong khi mong đợi Ngày Chúa đến. Hãy yêu mến Giáo Hội.