Chúa Nhật VI Phục Sinh C: Ai Yêu Hãy Giữ Lấy Lời...

Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29

Louis, 15 tuổi, học nghề thuỷ thủ trên một chiếc tàu buôn. Một hôm, trời mưa to gió lớn làm cho các thuỷ thủ lạnh cóng và rét run. Viên thuyền trưởng đem rượu Whisky ra cho các thuỷ thủ uống để chống lạnh. Ông cũng đem rượu cho cậu bé Louis, nhưng cậu từ chối không uống. Viên thuyền trưởng ép cậu phải uống kẻo bị lạnh, nhưng Louis vẫn một mực từ chối. Vì tự ái, viên thuyền trưởng bắt cậu ra sàn tàu đứng ôm cột buồm suốt đêm.

Sáng hôm sau, khi điểm tâm xong, viên thuyền trưởng mới chợt nhớ ra cậu bé Louis. Mọi người chạy lên sàn tàu thì thấy cậu bé đã ngất xỉu dưới chân cột buồm.

Sau khi sưởi ấm và làm cho cậu bé tỉnh, viên thuyền trưởng mới dịu dàng hỏi : “Tại sao cháu lại cố chấp như thế ?”. Cậu bé trả lời : “Thưa ông, vì trước khi chết, mẹ cháu dạy cháu đừng bao giờ uống rượu. Và cháu đã hứa với mẹ điều ấy”.

Viên thuyền trưởng ngạc nhiên hỏi: “Tại sao ?”.

Cậu bé ngậm ngùi kể lại: “Cha cháu say sưa tối ngày vì rượu. Mỗi lần say, ông về đánh đập mẹ cháu, lấy đồ đạc trong nhà bán để uống rựơu. Mẹ cháu buồn quá sinh bệnh rồi chết. Cháu rất thương mẹ cháu. Xin ông đừng bắt cháu làm ngược lại những gì mẹ cháu đã dạy bảo”. Viên thuyền trưởng cảm động ôm lấy cậu bé và nói : “Con xứng đáng là con của ta, ta sẽ truyền nghề cho con” (Câu chuyện theo các cha Dòng Cát Minh).

Cậu bé Louis vì yêu mến mẹ nên đã vâng giữ lời mẹ dạy dù gặp thử thách gian nan, và cả khi nguy hiểm đến bản thân, hình ảnh đó gợi cho chúng ta lời Chúa hôm nay : “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy”.

Tin mừng Gioan 14,23-29 là trung tâm đoạn văn (từ Ga 13,31 đến hết Ga 16) gọi là “Diễn từ cáo biệt”, đuợc coi như là những lời di chúc của Chúa Giêsu trước khi bước vào cái chết khổ giá nếu xét theo trình tự văn mạch của Tin mừng Gioan. Nếu đặt trong tiến trình lịch Phụng vụ, đoạn Tin mừng này là lời nhắn nhủ trước lúc đi xa của Đức Giêsu, vì là Chúa Nhật thứ 6 Phục sinh chuẩn bị cho thứ năm (hoặc Chúa Nhật tới ở Việt Nam) mừng Chúa Lên Trời và không gặp lại các Tông đồ một cách hữu hình nữa nên những Lời của Ngài là lời ly biệt, di chúc cho các môn đệ Ngài.

Đức Giêsu khẳng định: người yêu mến Ngài, thì phải “giữ lời” Ngài, nghĩa là gắn bó với lời Ngài loan báo và nhận biết bằng đức tin những gì Ngài đã yêu cầu (x. Ga 14,15.21.23), và đáp lại bằng trọn cuộc đời dấn thân thực tế và quảng đại theo Lời Ngài. Khi ấy, người giữ Lời sẽ được đón tiếp Chúa Cha như Chúa Giêsu khẳng định: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Thật thế muốn sống với Chúa Cha trong Đức Giêsu, người tín hữu phải “giữ các lời Người” (Ga 14, 24). Sự sống này, như Đức Giêsu xác định, lại chính là sự sống của Người và cũng là sự sống mà Người nhận từ Chúa Cha, nhưng sự sống đó cũng có chung với Chúa Cha.

Bất cứ ai tin vào Ngài – Con Người – và yêu thương Ngài, liên kết với Ngài theo cách này (“giữ lời”), thì đều sẵn sàng đón Chúa Cha và Chúa Con; đến cư ngụ nơi người tin và giữ Lời và sẽ ở lại bền bỉ với người ấy. Chúa Giêsu đã liên tục nhắc lại: “Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (x. Ga 16,32; 8,29). Điều này đúng cho bất cứ ai yêu thương Đức Giêsu: người ấy không phải cô độc, không bị lạc lõng và bỏ rơi; dù không hữu hình, Đức Giêsu và Chúa Cha vẫn ở bên người ấy.

Đối với Đức Giêsu, bằng chứng cho thấy Người liên kết với Chúa Cha là những việc Người làm (x. Ga 14,10-11). Cũng như trong Cựu Ước, dân Israel đi tới chỗ biết Thiên Chúa của họ do họ thấy Ngài che chở họ đặc biệt là những kẻ nhỏ bé nhất, yếu đuối nhất, những ngoại kiều, trẻ mồ côi, và các quả phụ. Cho nên, chúng ta thấy qua những trang Tin Mừng, Đức Giêsu cũng đang làm những việc tương tự: Ngài loan báo Tin Mừng cho người nghèo, giải phóng cho kẻ tù đầy, chúc lành cho trẻ nhỏ, chữa bệnh cho người đau ốm, bảo vệ những kẻ cô thế, goá phụ... Tất cả những việc làm cùa Chúa Giêsu cho thấy: Thiên Chúa đang ở trong Ngài và Ngài đang ở trong Thiên Chúa. Cho nên, như Chúa Giêsu, lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa chỉ có giá trị nếu lòng yêu mến thể hiện bằng việc làm. Đó là “Lòng yêu mến” được cụ thể hóa bằng việc làm khi “vâng giữ lời Chúa”.

Thật thế, chính trong ánh sáng của lời Thầy: yêu và giữ lời Ngài, thực thi đức bác ái với tha nhân, thực thi huấn lệnh của Ngài: Các con hãy yêu thương nhau… là được Chúa đến cư ngụ, mời tôi và bạn đưa những tâm tình nồng nhiệt của người đang yêu và được yêu vào gia đình bạn, bạn bè, cộng đoàn. Để nơi có sự hiện diện của người yêu va giữ lời sẽ trở thành tổ ấm của tình yêu Thiên Chúa: sống trung thành lời dạy của Thầy, chan hòa sự yêu thương, hoà hợp với tình huynh đệ, hy sinh cho nhau để mọi người cùng hạnh phúc vì được hiện diện trong tình thương mến nhau.

Tình yêu này đơm hoa kết trái là bình an tràn ngập tâm hồn như Chúa Giêsu đã di chúc: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Bởi vì sự bình an đến từ sự cư ngụ của Cha, Con và Thánh Thần, là sự bình an viên mãn như Đức Kitô khẳng định “không như thế gian ban tặng”. Sự bình an viên mãn giúp chúng ta vượt qua mọi hoàn cảnh của cuộc sống, cho nên như Đức Giêsu khuyên: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi.”

Hơn nữa. yêu Thầy, giữ lời Thầy, chia sẻ tình yêu, được Thầy và Cha Thầy cùng Đấng Bảo Trợ đến trong tâm hồn, tình trạng bất toàn, tội lỗi, yếu đuối khiếm khuyết được Ngài chữa lành và làm công chính hóa chúng ta như thánh Phaolô đã khẳng định: “Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính” (Rm 8,10).

Nếu yêu thì giữ lấy Lời

Lời dạy tha thiết thương người anh em

Anh em chung một cội nguồn

Nguồn yêu đến từ Cha trên cõi Trời…

Trời ban bình an ngập lòng

Thật thế ,

... Ai yêu hãy giữ lấy Lời.

Lm Vinh Sơn scj, Sài Gòn