Một Vài Suy Tư Về “Linh Đạo Thiêng Liêng” Của Cha Bác Sĩ Augustino Nguyễn Viết Chung, Cm.

Thật bàng hoàng và sững sốt khi nhận được tin nhắn của một người anh em là cha Augustino Nguyễn Viết Chung đã ra đi. Vừa ngậm ngùi vừa thương nhớ, một người anh, người bạn, người thầy và người đồng môn hơn 20 năm quen biết. Xin được chia sẻ một vài suy tư về Cha Augustino mà tôi cảm nhận.

Cha Augustino là một người Anh và người Bạn “Nghèo”: Chữ Nghèo ở đây theo nghĩa là ngài sống một nếp sống nghèo, chứ không phải là người anh, người bạn không tốt. Chữ Nghèo dường như bám lấy Cha Chung trong suốt cuộc đời, đặc biệt là khi quyết tâm dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa để phục vụ trong Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn. Có có người đã nói, “Cha Chung bị con vi trùng của người nghèo đeo bám và ngài đang bị sói mòn và đang chết dần vì con vi trùng Nghèo này.” Rõ ràng, tới giờ phút này thì con vi trùng của Người Nghèo đã vắt cạn sức lực của Cha.

Cha chung vào nhà dòng trước tôi (1994), lúc đó tôi chỉ là một chú sinh viên đại học. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp ngài tại nhà mẹ 40 Trần Phú, Đà Lạt, ngài đã để lại nơi tôi một ấn tượng sâu xa, lúc nào cũng một anh, hai anh. Chính ấn tượng lần đầu đó đã ghi vào trong tâm trí tôi hình ảnh của một người anh rất khiêm tốn và dịu hiền trong lời ăn tiếng nói và trong cách cư xử. Rõ ràng, nhân cách đó được thấy rõ hơn khi tôi được ở và làm việc chung với ngài trong những năm sau đó. Ngài luôn nâng đỡ và tạo mọi điều kiện khi thấy những người em có những tài năng để phát triển; ngài cũng luôn là người tiên phong chỉ ra cho đàn em những điều mà đàn em không thấy.

Mặc dù ngài lớn tuổi hơn tôi nhiều, nhưng trong cách hành xử và trong tình huynh đệ, ngài lại chia sẻ với tôi như là một người bạn của ngài. Ngài chia sẻ với tôi những khó khăn trong đời mục vụ và trong đời sống cộng đoàn. Thậm chí ngài là bề trên của tôi, nhưng ngài đối xử với tôi như một người bạn, người anh qua cách góp ý chân tình và xây dựng trong tình bác ái. Nói như thế để cho thấy từ một người anh và người bạn nghèo giờ đây lại trở thành một người anh và người bạn giàu. Giàu tình cảm, giàu tình anh em, giàu tình bằng hữu, giàu tình huynh đệ, giàu tình Chúa và giàu lòng chia sẻ.

Tại sao ngài lại giàu như thế? Xin được chia sẻ một vài điều mà ít người biết về ngài. Điều này chắc chắn chỉ có anh em Vinh Sơn mới biết.

Cha Augustino là một người say mê/nghiện Kinh Thánh: Có lẽ tôi chưa bao giờ thấy một cuốn Kinh Thánh “lem luốc” như cuốn Kinh Thánh của cha Chung. Là một người trở lại đạo rất muộn lúc ngài đã gần 40 tuổi, nhưng lòng say mê học hỏi và tìm hiểu Kinh Thánh thì thật là đáng khâm phục. Lúc tôi ở với ngài, thì dường như lúc nào rãnh rỗi là ngài mở Kinh Thánh ra đọc. Ngài không chỉ đọc, nhưng còn ghi chú và chú giải những câu quan trọng bên lề. Do đó cuốn Kinh Thánh của ngài có nhiều trang, nhiều đoạn đã đọc không biết bao nhiêu lần. Khi suy nghĩ tới về điều này, tôi thấy ngài có một nét giống với Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Ngài cũng có một cuốn Kinh Thánh xấu xí và ghi chú nhiều trong đó.

Lúc tôi khởi sự học thần học, tôi hỏi ngài đâu là cuốn sách mà các sinh viên thần học nên đọc để hiểu. Ngài đã không ngần ngại trả lời là cuốn Kinh Thánh. Ngài bảo, “Đây là cuốn thần học căn bản nhất và cũng là cuốn thần học cao sâu nhất.” Ngài có chia sẻ với tôi, lúc đi học thần học các bạn học của ngài đọc nhiều sách thần học hơn ngài, nhưng ngài lại bảo, anh chỉ đọc Kinh Thánh. Thế mà bài làm của anh vẫn đạt điểm tốt.

Rõ ràng, cha Chung đã thấm nhiễm Lời Chúa một cách rất say mê. Ngài say mê đọc Kinh Thánh như người khác say mê đọc tiểu thuyết. Chính Lời Chúa là điểm tựa cho đời sống đức tin của Ngài. Chính Lời Chúa là động lực cho ngài dấn thân. Tôi không nhớ rõ, câu châm ngôn đời linh mục của ngài là gì, nhưng câu diễn tả đủ tâm tình của ngài có thể là câu Thánh Vịnh 119, 105, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho đi.” Vâng cha Chung làm được những việc phi thường như thế, không phải vì ngài tài giỏi, nhưng là vì ngài yêu, ngài say mê lý tưởng, vì ngài nặng mùi chiên, vì ngài chọn đúng lý tưởng đời mình, và động lực ngài có không gì khác hơn là Lời Chúa. Đức Kito cuốn hút ngài một cách mãnh liệt. Ngài say mê “người tình” Giê-su.

Cuốn sách tiêp theo là sách các giờ kinh phụng vụ. Sách kinh phụng vụ của ngài trở thành như một cuốn sổ ghi nhớ tất cả những ngày tháng vui buồn lẫn lộn của những ân nhân và thân nhân. Có lần tôi hỏi, tại sao anh ghi trong sách kinh vậy, ngài trả lời, “Anh ghi để mỗi lần đọc kinh tới đó để cầu nguyện cho họ.” Điều đó cho thấy, ngài là một người liên kết với các ân nhân sâu xa. Đặc biệt là trong lời kinh nguyện thường ngày. Có lần có người hỏi ngài là làm sao tránh được cám dỗ trong đời tu. Ngài đã trả lời một cách không ngần ngại, “Siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa và chu toàn các giờ kinh nguyện và thánh lễ.” Ngài say mê các bài đọc của các Giáo Phụ trong các giờ Kinh Sách, giờ kinh mà các Phó Tế và Linh Mục đọc thường ngày.

Tóm lại, cha Augustino đã chọn đúng cuốn kim chỉ nam cho đời mục tử của ngài là cuốn Kinh Thánh. Đó là sức mạnh mà ngài có và đó cũng là động lực chính thôi thúc ngài say mê; cuộc sống ngài đã thấm mùi chiên và hành động mục tử của ngài là một chuỗi đời rao giảng Lời Chúa bằng chính đời sống.

Cha Augustino là bạn của người nghèo: Có lẽ đây là một điều mà ai cũng biết về cha Augustino Chung. Chỉ cần gõ tên Linh Mục Augustino Nguyễn Viết Chung, CM., trên internet là chúng ta có vô số bài viết cũng như những hình ảnh nói về cha Augustino lo cho người nghèo. Ngài chăm lo cho người nghèo đến nỗi quên cả bản thân mình. Có nhiều bạn bè và ân nhân của ngài ở ngoại quốc muốn mời ngài đi tham quan và chia sẻ, nhưng ngài luôn giữ một lập trường là sống chết với người nghèo. Ngài thường nói, “Ai cho tôi thì tôi giúp cho người nghèo; có bao nhiêu, tôi giúp bấy nhiêu; tôi là chiếc máng xối để chuyển cho người khác…” Do đó, ngài nhất quyết từ chối đi xuất ngoại. Ngài thường nói, “Thay vì tiền mua vé máy bay, tiền bảo lãnh tôi đi chơi, hay đi chữa bệnh thì cho tôi số tiền đó để giúp cho người nghèo.”

Mặc dù trong lúc lo cho người nghèo, ngài cũng bị hiểu lầm, bị dèm pha, và bị chỉ trích. Nhưng như đã nói trước đây rằng con virus của người nghèo đã làm ngài say mê người tình Giê-su. Không làm cho người nghèo là không chịu được. Ngài say mê người nghèo đến nỗi quên cả bản thân. Có lần ngài đi công tác mục vụ ở Kontum về, ngài gọi xe ôm từ bến xe vào nhà cộng đoàn mà không có một đồng xu dính túi để trả. Khi tới cổng nhà dòng ngài gọi cha quản lý ra trả tiền xe ôm cho ngài vì ngài đã cho người nghèo hết. Hay lần kia, ngài phải xin tiền để đổ xăng vì trong túi không còn một đồng xu dính túi. Và còn biết bao nhiêu câu chuyện trong đời của ngài mà chắc chỉ có những ai ở với ngài mới hiểu và biết rõ.

Suy nghĩ về hình ảnh của một người anh em ra đi về với Chúa mà lòng tôi trịu nặng, nước mắt giọt ngắn, giọt dài, tâm thần xao xuyến và thương tiếc vì không được ở gần để tham dự thánh lễ tiễn anh lần cuối. Lại một lần nữa lỗi hẹn với anh, người đã ảnh hưởng nhiều đến sứ vụ Linh Mục của tôi. Hy vọng rằng, những công việc mà cha Augustino làm cho người nghèo tiếp tục được anh em Vinh Sơn chúng tôi tiếp bước. Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn vì chúng tôi không có ai được như cha Augustino, nhưng là người con của cha Thánh Vinh Sơn, tôi xác tín rằng Chúa sẽ gởi tới những ân nhân để tiếp tục những gì mà anh em Vinh Sơn đang xả thân cho người nghèo ở Việt Nam.

Xin vĩnh biệt anh và xin cám ơn anh đã cho em sống với anh trong những năm tháng học viện; cám ơn những lời chỉ dạy và những chia sẻ của anh thật đượm tình anh em và chan chứa tình bạn hữu. Xin cám ơn “Linh Đạo” Vinh Sơn của anh như là ngọn hải đăng cho đàn em tiến bước. Xin cám ơn anh đã dám chấp nhận chọn Vinh Sơn là gia đình thiêng liêng của anh hơn 1/3 đời người. Chắc chắn sự ra đi của anh để lại muôn vàn thương tiếc và hụt hẫng cho nhiều người, đặc biệt là những người nghèo, những người mà sống dựa vào lòng quảng đại của anh. Anh hãy ra đi bình an. Hẹn ngày tái ngộ trên nước trời. Xin anh cầu nguyện cho chúng em, những người ở lại biết tiếp tục sứ vụ và biết giữ gia sản Vinh Sơn của mình như cha Thánh Vinh Sơn đã dạy, “Phục vụ người nghèo là phục vụ Đức Ki-tô; Người nghèo là chủ và là Chúa của chúng ta.”

JB Đặng Kim Đoài,CM.