Hãng tin Associated Press, như thường lệ, có bản tin ghi nhanh trọn ngày đầu tiên, 28 tháng Tư, 2017, của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở Cairo, Ai Cập. Giờ sau đây là giờ địa phương.

8 giờ 40 sáng

Bỏ qua một bên các lo lắng về an ninh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cương quyết lên đường qua Ai Cập nhằm trình bày một mặt trận thống nhất giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo để đẩy lui bạo lực ngụy tạo danh Thiên Chúa. Ngài sẽ gặp Tổng Thống Ai Cập, thượng phụ và là một “giáo hoàng” khác, Đức Tawadros II của Giáo Hội Chính Thống Coptic, và cầu nguyện cho các nạn nhân của các cuộc tấn công.

Quan trọng hơn cả, ngài sẽ viếng Al-Azhar, tức trung tâm học thuật của thế giới Hồi Giáo Sunni, đã có hơn một ngàn năm nay. Ở đây, ngài sẽ hội kiến riêng với Đại Imam Ahmed el-Tayeb, và tham dự một hội nghị hòa bình quốc tế vào chiều thứ Sáu.

11 giờ 55 sáng

Các nhân viên an ninh đã được bố trí cách nhau chừng trăm thước Anh dọc theo lộ trình 12 dặm (20 km) từ phi trường vào trung tâm Cairo, dự phòng cho cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Các xe bọc thép được trấn đóng trước dinh tổng thống, nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ dừng lại trước nhất vào hôm thứ Sáu.

Các biểu ngữ ở khu Zamalek chào đón Đức Phanxicô, trong đó có biểu ngữ của một công ty tư viết: “1,000,000 công nhân của Sharm el Sheikh chào mừng Đức Giáo Hoàng”.

12 giờ 15 trưa

Ở Zamalek, một khu nâng cấp trên bờ Sông Nile, nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ qua đêm tại Cairo, các đường phố có đoàn hộ tống của Đức Phanxicô đi qua đều đã không còn chiếc xe nào đậu ở đây cả.

Một số đường phố gần đấy đã bị chặn vì cuộc viếng thăm hai ngày của Đức Phanxicô. An ninh cũng được tăng cường trông thấy tại khu này, với cảnh sát đồng phục và thường phục triển khai dọc các lộ trình Đức Phanxicô và đoàn tùy tùng sẽ đi qua.

Tuy nhiên, chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng chắc chắn sẽ không gây nhiều ngưng trệ cho thành phố có tới 18 triệu dân vì nó rơi vào cuối tuần từ thứ Sáu tới thứ Bẩy khi lưu thông không nặng lắm.

2 giờ 00 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Ai Cập để thực hiện chuyến viếng thăm 2 ngày có tính lịch sử để biểu dương một mặt trận đoàn kết giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo chống lại chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo.

Vị giáo hoàng của Công Giáo sẽ có hàng loạt các cuộc gặp gỡ có tính biểu tượng cao với các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị của Ai Cập và tham dự một hội nghị hòa bình quốc tế do Al-Azhar, vốn là trung tâm hàng đầu của học thuật Hồi Giáo Sunni, tổ chức.

Ngài cũng sẽ biểu dương tình liên đới và đem một sứ điệp hòa bình tới một quốc gia, trong nhiều năm qua, từng chịu đựng cuộc nổi dậy càng ngày càng trâng tráo hơn của những kẻ ở địa phương nhưng liên kết với nhóm Nhà Nước Duy Hồi Giáo cực đoan.

Chuyến viếng thăm hai ngày thứ Sáu và thứ Bẩy của Đức Giáo Hoàng sẽ nâng cao tinh thần của cộng đồng Kitô Giáo Ai Cập sau 3 vụ đặt bom từ tháng Mười Hai tại các nhà thờ của họ, sát hại ít nhất 75 người. Nhà Nước Duy Hồi Giáo (IS) đã nhận trách nhiệm đối với các vụ tấn công này.

2 giờ 20 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Ai Cập, nơi ngài được chào đón tại phi trường Cairo bởi Thủ Tướng Sherif Ismail và các nhà lãnh đạo hàng đầu của Kitô Giáo.

Các thành viên của Đoàn Vệ Binh Tổng Thống Ai Cập đã đứng dọc hai bên chiếc thảm đỏ đặt dưới chân chiếc phản lực cơ của hãng Alitalia và trải dài đến phòng khách dành cho tổng thống ở bên cạnh phi trường. Hai trẻ em, một gái trong bộ váy trắng và một trai trong một bộ tuxedo đen, đã dâng các bó hoa lên Đức Giáo Hoàng Công Giáo.

Đức Giáo Hoàng dự tính hội kiến với Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi và Đức Giáo Hoàng Tawadros II, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Chính Thống Coptic của Ai Cập, vào chiều thứ Sáu. Ngài cũng sẽ tham dự một hội nghị hòa bình quốc tế do Al-Azhar tổ chức, đây là trung tâm hàng đầu của thế giới học thuật Hồi Giáo Sunni.

2 giờ 45 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp tổng thống Ai Cập khi bắt đầu chuyến viếng thăm lịch sử hai ngày tới quốc gia Ả Rập đa số theo Hồi Giáo đang chiến đấu chống cuộc nổi dậy của các người đấu tranh duy Hồi Giáo.

Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi hôm thứ Sáu đã tiếp kiến vị giáo hoàng Công Giáo tại dinh Ittihadya sang trọng của ông, nơi một ban nhạc quân đội đã trình tấu các bài quốc ca của Vatican và của Ai Cập khi cả hai nhà lãnh đạo đứng im theo dõi.

Đức Phanxicô rời khỏi phi trường Cairo với cửa sổ của chiếc xe Fiat màu xanh lá cây của ngài hạ xuống, phù hợp với mong muốn của ngài đưọc dùng một chiếc xe bình thường chứ không phải một chiếc xe bọc thép.

Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng được dự định tạo nên một mặt trận đoàn kết giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo chống lại chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo và chính vì mục đích này, ngài sẽ tham dự một hội nghị hòa bình quốc tế vào chiều thứ Sáu được tổ chức bởi Al-Azhar, trung tâm hàng đầu thế giới về học thuật Hồi Giáo Sunni.

4 giờ 00 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến Al-Azhar, trung tâm hàng đầu thế giới về học thuật Hồi Giáo Sunni, vào ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm lịch sử tới Ai Cập nhằm tạo nên một mặt trận đoàn kết Kitô Giáo và Hồi Giáo chống chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo.

Vị giáo hoàng Công Giáo lên đường tới Al-Azhar hôm thứ Sáu sau khi gặp Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi, người đã tiếp đón ngài chốc lát tại dinh tổng thống Ittihadya, bằng cách dành cho ngài một cuộc nghinh đón chính thức, đầy đủ với một ban nhạc quân đội trình tấu các bài quốc ca của Vatican và Ai Cập.

Đức Giáo Hoàng dự kiến sau đó sẽ tham dự và nói chuyện với một hội nghị hòa bình quốc tế do Al-Azhar tổ chức và dưới sự chủ tọa của vị đại imam của nó là Giáo Sĩ Ahmed el-Tayeb. Ngài cũng sẽ gặp Giáo Hoàng Tawadros II, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Chính Thống Coptic của Ai Cập, là Giáo Hội của đa số các Kitô Hữu Ai Cập ước tính khoảng chín triệu người.

4giờ 45 chiều

Phát biểu cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giáo sĩ Hồi Giáo hàng đầu của Ai Cập và là người đứng đầu trung tâm hàng đầu thế giới về học thuật Hồi Giáo Sunni, tức viện Al-Azhar, nói rằng cơ sở đã được thiết lập để các tôn giáo "độc thần" đóng vai trò của họ trong việc thể hiện bình đẳng, công lý và nhân quyền.

Giáo Sĩ Ahmed el-Tayeb nói rằng có nhiều cuộc tấn công "man rợ" trong thế giới ngày nay hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử.

Ông cho rằng Al-Azhar của Ai Cập đang làm việc để củng cố nền văn hoá đồng tồn tại và tôn trọng đối thoại.

4 giờ 55 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục các giáo sĩ Hồi Giáo hàng đầu của Ai Cập giảng dạy các sinh viên của họ bác bỏ bạo lực nhân danh Thiên Chúa và rao giảng hòa bình, đối thoại và hòa giải - chứ không xúi giục tranh chấp.

Đức Phanxicô đã đưa ra các nhận xét trên hôm thứ Sáu trong một cuộc viếng thăm quan trọng tại trường đại học Al Azhar ở Ai Cập, một trung tâm học thuật rất đáng kính, đã có từ 1000 năm nay, của Hồi Giáo Sunni, nhằm đào tạo các giáo sĩ và học giả từ khắp nơi trên thế giới.

Đức Phanxicô nhắc nhớ rằng nền văn minh cổ xưa của Ai Cập đánh giá cao việc tìm kiếm nhận thức và nền giáo dục khai phóng, và ngày nay cần có một cam kết tương tự để chống lại điều mà ngài gọi là "tính man rợ" của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Đức Phanxicô nói chuyện với vị đại Imam, tức Giáo Sĩ Ahmed el-Tayeb, và các giáo sĩ khác vào ngày đầu tiên của chuyến thăm hai ngày ở Cairo.

Ngài nói rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo có nghĩa vụ phải "phơi bày các mưu toan nhằm biện minh cho mọi hình thức hận thù nhân danh tôn giáo, và lên án các âm mưu này như là những biếm họa ngẫu thần về Thiên Chúa".

Đức Phanxicô đã bị ngắt quãng bởi nhiều tràng pháo tay.

Dù el-Tayeb cực lực lên án chủ nghĩa cực đoan duy Hồi Giáo, các phương tiện truyền thông ủng hộ chính phủ Ai Cập đã cáo buộc Al-Azhar không làm đủ để cải tổ ngôn từ tôn giáo trong Hồi Giáo.

6 giờ 00 tối

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mạnh mẽ ủng hộ các nỗ lực của Ai Cập trong việc trấn áp chủ nghĩa đấu tranh duy Hồi Giáo; ngài nói rằng đất nước này có một vai trò đặc biệt trong việc tạo ra hòa bình cho khu vực và "đánh bại mọi bạo lực và khủng bố".

Trong bài phát biểu tại Cairo hôm thứ Sáu trước các viên chức Ai Cập và các nhà ngoại giao khắp thế giới, Đức Phanxicô cũng ca ngợi Abdel-Fattah el-Sissi, Tổng Thống Ai Cập, vì đã bác bỏ các cuộc tấn công do tôn giáo gợi hứng, đồng thời cũng nhấn mạnh tới "sự tôn trọng vô điều kiện đối với các nhân quyền bất khả nhượng”.

Trước đây, các vị giáo hoàng vốn đã kêu gọi các nhà lãnh đạo nước ngoài giải quyết các bất công về xã hội và kinh tế có thể nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố.

Nhưng Đức Phanxicô đang đẩy mạnh lời kêu gọi ấy thêm nữa, bằng cách khuyến khích các nỗ lực của el-Sissi nhằm phá vỡ cuộc nổi dậy của Nhà Nước Duy Hồi Giáo đang ngày càng nhắm vào thiểu số Kitô hữu Ai Cập.

Đức Giáo Hoàng nói rằng "Ai Cập, thời Tổ Phụ Giuse, đã cứu các dân tộc khác khỏi nạn đói, ngày nay, nó được mời gọi cứu vùng yêu dấu này khỏi nạn đói tình yêu và tình huynh đệ".

“Nó được mời gọi lên án và tiêu diệt mọi bạo lực và chủ nghĩa khủng bố… Ai Cập, trong việc xây dựng hòa bình và đồng thời đánh bại chủ nghĩa khủng bố, được mời gọi chứng minh rằng tôn giáo thuộc Thiên Chúa còn quốc gia thuộc mọi người”.

6 giờ 30 tối

Tổng Thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi nói rằng các người đấu tranh duy Hồi Giáo phạm các hành vi khủng bố nhân danh tôn giáo không thể tự cho mình là người Hồi Giáo.

Vị tướng quân đội nay trở thành tổng thống này đã phát biểu như trên hôm thứ Sáu cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm lịch sử của vị này tại Ai Cập, một chuyến đi được dự trù chủ yếu để tạo ra một mặt trận thống nhất Kitô giáo-Hồi giáo nhằm đánh bại chủ nghĩa đấu tranh tôn giáo.

El-Sissi cũng kêu gọi một chiến lược toàn diện để đánh bại khủng bố và nói rằng người Ai Cập bị buộc phải trả giá quá cao nhưng họ quyết tâm đánh bại nó.

Tổng thống nói rằng "Hồi giáo chân chính không truyền lệnh giết người vô tội."

Ai Cập đã nhiều năm nay chiến đấu chống cuộc nổi dậy của các người đấu tranh duy Hồi giáo tập trung ở phía bắc Sinai và dẫn đầu bởi một chi nhánh địa phương của nhóm Nhà Nước Duy Hồi Giáo ở miền Bắc Sinai.

7 giờ 25 tối

Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi các Kitô hữu Coptic của Ai Cập thà chết hơn là từ bỏ đức tin của họ; ngài nói rằng "máu vô tội của họ hợp nhất chúng ta" và giúp hàn gắn các chia rẽ lịch sử giữa người Công Giáo và người Chính Thống Giáo.

Vị Giáo Hoàng Công Giáo nói chuyện tại Nhà Thờ Chính Tòa của Chính Thống Giáo Coptic vào ngày thứ Sáu, ngày đầu tiên của chuyến đi kéo dài hai ngày tại Ai Cập; ngài nói với người Copts Ai Cập rằng "các đau khổ của các bạn cũng là các đau khổ của chúng tôi".

Đức Phanxicô đang thực hiện chuyến đi tới Ai Cập để an ủi cộng đồng Kitô hữu, sau vụ đánh bom tự sát vào tháng 12 ở bên ngoài nhà thờ chính tòa, giết chết 20 người. Gần đây hơn, là hai vụ tấn công hôm Chúa Nhật Lễ Lá vào các nhà thờ tại Alexandria và Tanta, giết chết ít nhất 45 người.

Đức Phanxicô hỏi: "Có bao nhiêu vị tử đạo ở lãnh thổ này, từ các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, đã sống đức tin của họ một cách anh dũng cho đến cùng, đổ máu họ hơn là chối bỏ Chúa”?

"Ngay cả những ngày gần đây, bi thảm thay, máu vô tội của những Kitô hữu không ai chống đỡ đã bị đổ ra một cách tàn nhẫn; máu vô tội của họ hợp nhất chúng ta".

Đức Phanxicô thường xuyên đề cập đến "hợp nhất máu" – có ý nói tới cách các nhà lãnh đạo Kitô giáo đoàn kết để tố cáo các cuộc tấn công bừa bãi vào các Kitô hữu thuộc mọi giáo phái của người Hồi Giáo cực đoan ở Irak, Syria, Ai Cập và những nơi khác.

7 giờ 45 tối

Vị lãnh tụ tinh thần của các Kitô hữu Chính Thống Giáo Ai Cập đã nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng các cuộc tấn công gần đây nhắm vào các nhà thờ ở Ai Cập đã cho thấy rõ tính kiên cường của người Ai Cập trước nạn khủng bố.

Các lời bình luận của Đức Giáo Hoàng Tawadros II đã được đưa ra trong một buổi lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Máccô ở Cairo, là tòa của Giáo Hội Chính Thống Coptic, với sự tham dự của vị giáo hoàng Công Giáo, người đang thực hiện chuyến viếng thăm Ai Cập đầy tính lịch sử.

Kể từ tháng 12, ít nhất 75 người đã thiệt mạng trong ba vụ đánh bom nhắm vào các nhà thờ - một ở Cairo và hai ở các thành phố phía bắc. Chi nhánh địa phương của Nhà Nước Duy Hồi Giáo đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này.

Đức Tawadros cũng nói rằng "tình trạng khó xử của chúng tôi là tình trạng của một quốc gia hợp nhất mà trái tim sẽ không bị ngăn cách bởi những người có động cơ thầm kín. Đây là một điển hình cho tất cả các thế hệ".

8 giờ 10 tối

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và vị giáo hoàng chính thống Coptic, Tawadros II, cam kết sẽ không đòi các tín hữu muốn chuyển đổi Giáo Hội phải được rửa tội lại.

Hai vị giáo hoàng đã ký một tuyên bố chung vào ngày thứ Sáu, vào cuối cuộc họp của các vị tại Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo ở Cairo trong ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm hai ngày của Đức Phanxicô.

Trong bản tuyên bố, các vị cam kết tiếp tục làm việc để hàn gắn cuộc ly giáo của của các vị và ca ngợi các bước đã được thực hiện cho đến nay. Trong một sáng kiến mới, các vị nói rằng mình "sẽ chân thành tìm cách không lặp lại phép rửa đã được ban ở một trong hai Giáo Hội của chúng tôi đối với bất cứ người nào muốn tham gia Giáo Hội kia".

Các người Công Giáo tân tòng của Giáo Hội Chính Thống Coptic hiện đang bị yêu cầu phải chịu phép rửa trở lại.

Đức Phanxicô đã nhấn mạnh tới việc sẽ thúc đẩy để có được các tuyên bố chung như thế này trong mọi cuộc gặp gỡ đại kết của ngài, như một cách để tạo ra sự hợp nhất lớn lao hơn giữa các Kitô hữu Công Giáo và Kitô hữu Chính Thống Giáo.

Sau đó, hai nhà lãnh đạo tinh thần đã tổ chức một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân vụ đánh bom tự sát hồi tháng 12 ở nhà thờ chính tòa Coptic từng sát hại 30 người, đa số là phụ nữ.