TIỄN BIỆT CHA GIÁM ĐỐC GIOAN PHẠM ĐÌNH NHU
28-7-1928 / 13-3-2017

Kính thưa Bố Qúy mến,

Chúng con sắp sửa xa Bố mãi mãi. Đây là giây phút của kẻ ở người đi nên không thể không có những cảm xúc bồi hồi. Những học trò của Bố nơi Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô Xuân Lộc đang đứng đây, ai cũng có những kỷ niệm về Bố. Ít nhất từ 1975. Kỷ Niệm của 42, 43, 44, 45, 49 năm trước. Riêng Con ở với Bố từ năm 1963, khi Bố làm Phó Xứ Kim Thượng. Mới đó đã qua 54 năm.

Chiến tranh, loạn lạc đưa đẩy con được ở gần Bố. Lúc đó con là cậu bé giúp lễ 10 tuổi ở Kim Thượng. Bố là mẫu gương tuyệt vời cho con, những học trò của Bố nói riêng và cho cộng đồng dân Chúa nói chung. Năm Mươi Tám Năm (58) Linh Mục của Bố là khoảng thời gian dài với bao nhiêu chắt chiu bằng con tim, khối óc để làm việc Chúa dưới những chức vụ khác nhau: Cha Phó, Cha Chính, Cha Giám Đốc Tiểu Chủng Viện, rồi Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện. Những năm tháng tù đày Bố vẫn làm chứng tá cho Chúa. Ra khỏi tù, không "bài sai" về một nơi ẩn mình trong hiu quạnh. Vẫn âm thầm lặng lẽ, vẫn quen thuộc với Toà Giải Tội mỗi chiều hay Thánh Lễ mỗi sáng. Bố vẫn luôn nhắc nhở chúng con: "Phải tươi đời, dù trong hoàn cảnh nào vẫn gắn bó với Chúa". Chỉ có thương yêu mới mang đến cho cuộc sống hiến thân sự trung thành vượt cả thời gian. Lòng can đảm, không nề hà vất vả cũng như nỗ lực làm việc để thăng hoa cuộc sống.

Hôm nay chúng con quây quần bên Bố không vui như 8 năm trước khi chúng con Mừng Kim Khánh 50 Năm Linh Mục của Bố. Trong Nhà Thờ Chính Toà Xuân Lộc sáng nay, cũng có Giám Mục Địa Phận, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, các học trò thân yêu của Bố ở Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô và Đại Chủng Viện Gia Yên cùng với giáo dân Kim Thượng, Túc Trưng, Gia Yên, Văn Hải nhưng ai cũng ngậm ngùi, sầu não. Chúng con từ khắp nơi trên thế giới đến đây để tiễn đưa Bố về với Cha trên Trời. Nhân cơ hội này, chúng con trở ngược thời gian tìm về dĩ vãng với mẫu gương sống đạo, vâng lời và phục vụ là những nhân cách, chuẩn mực của một Linh Mục.

Bố chào đời vào ngày 28 tháng 7 năm 1928 trong một gia đình đạo hạnh, gồm 5 chị em, với 1 chị cả, 2 anh và 1 em trai, ở giáo xứ mang tên Hướng Đạo, thuộc giáo phận Phát Diệm, Miền Bắc Việt Nam. Năm chị em đang học hành, vui đùa trong lứa tuổi hoa niên, dưới sự chăm sóc của cha mẹ thì bất hạnh đến. Mới mười một tuổi Bố đã phải ngậm ngùi mang tang Cha và từ đó người Mẹ thay Cha tần tảo nuôi nấng đàn con khi đất nước có chiến tranh với Pháp, với Nhật. Chắc chắn vào khoảng thời gian đó, những bữa rau cháo qua ngày không phải dễ dàng kiếm được khi bom đạn lửa khói ngút trời và lòng người ly tán. Thiếu thốn, nghèo đói, mồ côi cha từ tấm bé đã hun đúc ý chí của Bố quyết dâng mình cho Chúa để trở thành Linh Mục.

Cha xứ Hướng Đạo lúc bấy giờ là cha già Liễu đã sớm nhận ra chí tu của Bố nên cho vào ở trong nhà xứ. Kéo chuông nhà thờ, giúp lễ, hầu cơm... là những việc làm quen thuộc của cậu bé 11 tuổi này. Với sự nâng đỡ của cha gìa Liễu, 13 tuổi vào Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc. Ý Chúa nhiệm mầu, theo thời gian, Bố đã sống sót trong năm đói Ất Dậu 1945 khi biến cố này đã cướp đi mạng sống của hai triệu người Miền Bắc lúc Bố vừa hoàn tất những năm học ở Trường La Tinh Phúc Nhạc.

Hiệp Định Genève 1954 chia đôi nước Việt khi Bố bước vào những năm Thần Học. Các cha, các thầy trong chủng viện Phát Diệm lần lượt xuôi Nam. Nơi miền đất trù phú "cá lội đầy đồng" của đồng bằng sông Cửu Long, Bố tiếp tục học Đại Chủng Viện Xuân Bích ở Vĩnh Long để rồi 5 năm sau được thụ phong Linh Mục vào ngày 7 tháng 3 năm 1959 khi vừa tròn 30 tuổi 8 tháng 9 ngày.

Có lẽ Chúa Giêsu khi rời Cha Mẹ đi giảng đạo cũng vào độ tuổi ấy. Độ tuổi thanh niên của "tam thập nhi lập", của tràn đầy sức sống, của dấn thân không đắn đo, của yêu thương không tính toán. Vì nhiệt tâm Nhà Chúa nên đã có những khắc khoải, nhiệt tình trong bài " Như Một Ngọn Nến" mà Bố sáng tác để thể hiện tâm hồn của một linh mục nhạc sĩ với những lời thiết tha mà mỗi lần Họp Mặt cuối năm chúng con thường hát: "Như Một Ngọn Nến cháy sáng trong lòng thế hệ và luôn tiêu hao cho linh hồn của người dương thế. Con nguyện tận hiến cho Chúa tất cả cuộc đời. Để được hiến tế, sáng soi cho đời tối tăm".

Nhiệm sở đầu tiên làm Cha Phó Giáo Xứ Tân Thủy - Bến Tre mà Cha Bernado Phạm Văn Quy, Chính Xứ là Cha Cố của Bố. Giáo Xứ Tân Thủy là vùng duyên hải, nơi tập trung đồng bào di cư từ Bắc vào Nam lập nghiệp. Nơi đây có biển mênh mông với cá tôm đầy thuyền mỗi ngày hay những cánh đồng lúa vàng đơm bông nặng chĩu đã cho người dân di cư cuộc sống mới ấm no nhưng chỉ vài năm sau, những căn nhà mới dựng đơn sơ tạm đủ che nắng Miền Nam hiền hoà đã chìm trong lửa khói chiến tranh. Sau mùa Gíang Sinh 1960 Giáo Xứ Tân Thủy vĩnh viễn không còn nữa.

Năm 1961 về làm Cha Phó Giáo Xứ Kim Thượng, nơi đây Cha Phó Nhu đã có tư tưởng thực hiện ước mơ giáo dục thanh thiếu niên trở thành người của năm 2000. Tinh thần giáo dục theo đường hướng của Thánh Don Bosco đã giúp Bố dẫn dắt các thiếu nhi trở thành người hữu dụng cho xã hội trong bốn năm làm Phó Xứ ở đây.

Với tinh thần đó, những em thiếu nhi 10 - 15 tuổi ở Giáo Xứ Túc Trưng lúc bấy giờ, nay đã trên dưới 60, cũng được hưởng nền giáo tốt đẹp này khi Cha Phó Nhu đổi về đây làm Phó Cha Đoàn Như Bách (khi con vừa thi đậu vào lớp đầu tiên Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc Mùa Hè 1966). Giáo Xứ Túc Trưng này được gọi là Giáo Xứ Túc Trưng Di Cư để phân biệt với Túc Trưng Đồn Điền Cao Su nay gọi là Giáo Xứ Tam Phú. Vùng này được gọi là vùng "xôi đậu", tiếp giáp với Đồn Điền Cây Gáo và Chiến Khu D nên không tránh khỏi đêm đại bác, ngày napal. Mỗi Mùa Hè ở với Bố, nhiều lần Bố hớt hải gọi con xách "Túi Kẻ Liệt" theo Bố đi làm phép xác cho giáo dân mới bị đâm chết, bị ám sát ở Tam Bung hay bìa rừng với bản án "phản động" ghim trên ngực. Túc Trưng không xa Gia Kiệm bao nhiêu, chỉ vài cây số nhưng không tuần nào không có đắp mô với cây chặn ngang đường hay ụ đất có gài lựu đạn. Túc Trưng là nơi đón nhận dân tị nạn Campuchia hồi hương tạo thành giáo xứ Tam Bung sau này. Đây cũng là nơi đón nhận những người trong Đồn Điền Cao Su Cây Gáo bỏ nhà cửa ruộng vườn ra đây tránh đạn bom.

Mới làm Phó Xứ Túc Trưng được ba năm, Cha Phó Nhu được Đức Cha gọi về làm Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi. Bảy năm làm Giám Đốc Tiểu Chủng Viện rồi biến cố năm 1975 Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc phải đóng cửa. Cha Nhu về làm Chính Xứ Gia Yên và kiêm luôn Giám Đốc Đại Chủng Viện. Bố đã đào tạo những học trò thành người hữu dụng cho xã hội. Trong số học trò đã có hai Giám Mục, mấy chục Linh Mục ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo vận nước nổi trôi, thiếu 9 ngày nữa Bố làm Linh Muc được 58 năm. Chúa vẫn gìn giữ Bố sống 89 năm để các con cái, học trò cùng giáo dân, nơi Tân Thủy, Bến Tre ngày xưa hay Kim Thượng, Túc Trưng thuở nào hoặc những anh chị em ở Gia Yên, Văn Hải, Suối Quít, Long Thành ... đang sống rải rác đó đây hôm nay ngậm ngùi tiễn biệt Bố về lòng đất.

Nơi vùng Bắc Mỹ đang Mùa Đông tuyết phủ mù trời, hay California chan hoà nắng ấm, các học trò báo tin cho nhau Cha Giám Đốc vừa qua đời. Dù hơn 40 năm xa người Thầy, người Cha luôn tận tụy dậy dỗ, uốn nắn con cái, học trò bằng tình thương yêu bằng lời an ủi. Lớp bụi thời gian đã phủ mờ ký ức nhưng nhiều anh em chia sẻ cảm nghĩ chân thành trong Diễn Đàn TCV Thánh Phaolô Xuân Lộc như sau:

· Cha giám đốc Gioan rất đáng kính !
Chúng con, những anh em lớp Út Đaminh, lớp được Cha đặt tên Thánh hiệu là Đaminh trong niên học cuối cùng trước biến cố không mong đợi 1975. Chúng con vô cùng thương nhớ Cha.
Chúng con cám tạ ơn Chúa và hãnh diện vì Cha. Cha “Như Một Ngọn Nến cháy sáng trong lòng thế hệ" và trong lòng từng người chúng con.
Tinh thần và đức độ của Cha còn cháy mãi, còn sáng mãi trong lòng chúng con (Đặng Minh Khanh).

· Cha tôi về với Thiên Chúa, tôi cần phải sống theo gương Cha tôi. Cha tên Nhu nhưng không yếu hèn, Cha chỉ mềm mỏng, nhỏ nhẹ như cái tên của Cha. Có một điều mà tôi tin chắc là Cha tôi sống thánh thiện, đạo đức và tôi phải sống như Cha tôi từng dạy: Sống Thánh Giây Phút Hiện Tại.
Toronto CANADA - 13/3/2017
Ngày tôi mất một người cha. (Hoàng Văn).

· Chân tình kính mến một người Cha
Ân huệ bao năm khiến lệ nhòa
Cuộc thế nhân sinh nay giã biệt
Hương lòng một nén, phương trời xa.
(LM. Trần Văn Tân)

· Con nhớ ơn Cha. Không bao giờ con quên những điều Cha đã yêu thương, dạy dỗ chúng con. (Trần Ngọc Cư)
Về bên Chúa xin Bố luôn phù hộ cho chúng con: Những người con, những học trò, những giáo dân của Bố. Chúng con xin từ giã Bố.

Xuân Lộc 14/ 3/ 2017
Trần Phi Hùng
(Lớp Toma)