Hôm qua, nhân lễ Pchnem Penn (Tưởng niệm người đã khuất), 3.000 người đã kéo đến "cánh đồng chết" Cheoung Ek - một trong những địa điểm hành quyết khét tiếng nhất dưới thời Khmer Đỏ - để thắp hương tưởng niệm và kêu gọi mở phiên tòa xét xử những kẻ chịu trách nhiệm về nạn diệt chủng.

Cái tên Cheoung Ek (một cánh đồng lúa nằm ở ngoại ô phía nam thủ đô Phnom Penh) đến nay vẫn như vết dùi nung đỏ trong trái tim và tâm trí nhân dân Campuchia. Nơi đây, vào thập kỷ 1970, hàng ngàn người - đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em - đã bị sát hại dưới bàn tay đẫm máu của bọn Pol Pot. Sau đó, bọn lính cho xe ủi đất chạy qua, vùi xác họ vào những hố chôn tập thể ngay lập tức.

"Cheoung Ek là mảnh đất mang nhiều ý nghĩa đối với chúng tôi, là nơi chúng (Khmer Đỏ) giết hàng trăm nạn nhân", Thị trưởng Phnom Penh Chea Sophara nói: Bản thân ông đã mất 27 người thân, trong đó có cả mẹ đẻ, vì nạn diệt chủng. "Không cần tranh cãi gì nữa, các thủ lĩnh Khmer Đỏ phải bị xét xử, nếu không linh hồn của các nạn nhân sẽ chẳng thể ngậm cười mà an nghỉ". Cùng 3.000 người khác, Chea Sophara thắp hương bên ngôi tháp câm lặng làm bằng sọ người, đặt ở giữa cánh đồng. Họ rì rầm đọc kinh cầu nguyện và dâng đồ ăn lên những linh hồn chết ở Cheoung Ek.

Theo thống kê, 1,7 triệu người Campuchia đã chết trong 4 năm cai trị tàn bạo của Khmer Đỏ (1975-1979). Nhưng cho tới giờ, bất chấp ý nguyện của số đông dân chúng Campuchia và nỗ lực của cộng đồng quốc tế, vẫn chưa có lãnh tụ Khmer Đỏ nào phải ra tòa để chịu xét xử về một trong những tội ác diệt chủng man rợ nhất thế kỷ 20. Lý do là, trong số những lãnh tụ cũ của Khmer đỏ, có nhiều nhân vật đang được Chính phủ Campuchia cho hưởng ân xá theo một thỏa thuận trước đây nhằm chấm dứt nội chiến. Theo Thủ tướng Hun Sen, nếu không khéo, quá trình xét xử có thể lại gây ra nội chiến lần nữa.

Gần 5 năm đàm phán giữa Phnom Penh và LHQ về việc mở phiên tòa xử Khmer Đỏ đã đổ vỡ vào tháng 2. Cộng đồng quốc tế lúc này tập trung quá nhiều vào các hậu quả của vụ 11/9, chẳng ai còn mặn mà với việc nối lại quá trình đàm phán. Một số nhà phân tích còn hồ nghi: Nội bộ chính quyền Campuchia lúc này cũng có một số gương mặt là cán bộ Khmer Đỏ cũ, chắc gì Phnom Penh đã muốn xúc tiến thành lập một phiên tòa như thế, vì sợ những bí mật đen tối sẽ bị phơi bày ra ánh sáng.

Ngày nay, khách du lịch tới viếng thăm Cheoung Ek và đài tưởng niệm xây bằng 8.000 xương sọ kia, vẫn trông thấy xương người và những mảnh quần áo rách nát lẫn trong đất đá.

Trong số những người tham gia buổi lễ Pchnem Penn hôm qua, có ni sư Moeun Nath, 67 tuổi, đã mất cả 5 con dưới thời Khmer Đỏ. Bà rưng rưng nước mắt: "Dù chế độ cai trị của chúng đã kết thúc, đối với tôi vẫn như chưa có gì thay đổi, trừ khi những tên đầu sỏ bị trừng phạt".

Một tỷ lệ lớn trong 13 triệu người dân của đất nước Campuchia hiện nay là thế hệ trẻ. Họ mới lớn lên và không có ấn tượng gì về thảm họa năm xưa, nhưng cũng cảm thấy công lý cần được thực hiện. "Em không biết nhiều về Khmer Đỏ, song qua các bài học ở trường, em hiểu diệt chủng nghĩa là thế nào", một học sinh nói. "Kẻ nào chịu trách nhiệm về nạn diệt chủng phải bị truy tố, để đảm bảo rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa". (theo Reuters và vnexpress)