HỌ ĐẠO KOHTIÊU, CAMBODIA

ĐÓN GIAO THỪA BÍNH THÂN-ĐINH DẬU

Kohtiêu - một xứ đạo nhỏ cách biên giới Việt-Cambốt chừng 10 km, có chiếc phà nhỏ qua Chợ Long Bình, thuộc tỉnh An Giang - được thành lập vào khoảng năm 1998. Dân chúng giữa hai biên giới Miên-Việt qua cửa khẩu Long Bình dễ dàng, đôi lúc không cần hộ chiếu nếu ‘quen mặt’ với nhân viên biên phòng của hai cửa khẩu. Việt Kiều hay Người Ngoại Quốc không được phép qua cửa khẩu địa phương mà phải qua cửa khẩu quốc tế là Siem Reap và Phnom Penh. Tuy nhiên, nếu quen với dân địa phương sống xuyên suốt giữa biên giới thì qua những chuyến đò nhỏ, với chiếc xe Honda họ có thể đưa bạn qua Việt Nam bằng những con đò nhỏ và chạy qua ruộng lúa hay vườn cây cách dễ dàng. Nhưng cũng rất nguy hiểm là nếu chẳng may bị ‘thộp’ thì phải chịu tiền mãi lộ….

Trở về Họ Đạo Kohtiêu. Kohtiêu là một họ đạo nhỏ trong 6 họ đạo của Hạt Basac, với khoảng 50 gia đình Việt Nam Công Giáo, khoảng 180 giáo dân. Trong 6 Họ Đạo của Hạt Basac, các bạn có biết là theo Giáo Luật được thành lập từ nhiều năm nay, nhưng có một điều rất lạ là 3 trong số 6 họ đạo không có giấy ‘thổ cư được nhìn nhận là Nơi Phụng Tự-Nhà Thờ từ phía Chính Quyền của Cambốt… Nói là họ đạo theo nghĩa Giáo Luật là được thành lập do Giáo Phận và được Đức Cha đến làm phép và thánh hiến. Nếu những ai đã đến họ đạo Kohtiêu rồi thì sẽ biết, nếu đi bộ từ nhà thờ 2 vòng dọc theo hướng bờ sông…thì không đầy 10 phút cho một vòng xuống bờ sông rồi lên lại là hết họ đạo. Nghĩa là chì có vài chục nóc gia san sát nhau chia làm 3 dãy… giữa hai dãy nhà là đường đi lên nhà thờ hoặc đi xuống bờ sông… Dưới bờ sông có một vài gia đình vô gia cư-vô hộ khẩu phải sống trên những chiếc thuyền vừa là nhà vừa là bè… và từ phía sau nhà thờ đi tiếp ngõ hẽm ra đường chính đi về Nam Vang khoảng 60 cây số và đi ngược lại khoảng 10 cây số để qua phà Long Bình (An Giang) về Việt Nam. Trên quãng đường dài gần 70 cây số, các bạn phải qua ít là 77 cây cầu sắt cũ kỹ từ đời Pháp… đường đang được sữa chữa cho nên phải mất gần 3 tiếng đồng hồ… mới đến Thủ Đô Nam Vang. Nếu chẳng may có một chiếc xe vận tải nào nằm vạ trên cầu sắt…con được độc nhất đó bị nghẽn xe không biết đến chừng nào… Vì gần như tất cả các cây cầu chỉ qua được có một chiều xe hơi hay xe vận tải mà thôi.

Người Việt trong xóm đạo Kohtiêu sống bằng nghề làm cá, bán cá hay tạp hóa nhỏ để sinh sống qua ngày. Mỗi ngày họ nhận cá từ những người Viêt Nam khác có điều kiện qua lại cửa khẩu Long Bình (Việt Nam) đem qua biên giới bán hoặc giao lại. Họ nhận cá và đánh vãy, làm sạch cá một ngày khoảng 10 tiếng khoảng $2.50 USD cho một ngày công. Cha mẹ và con cái đều làm giá nhân công bằng nhau cho một đầu người. Hoặc làm xong phơi nắng làm khô rồi giao cho những người buôn hay bán lẻ tại các chợ xã, huyện hay thành phố của người Miên hay Chàm…

Nhiều cha mẹ Việt Nam không có hộ khẩu Cambốt thì con cái không được đi học, không có được hưởng quy chế thường trú nhân cho nên cuộc sống của họ trên đất Cambốt rất bấp bênh… chúng tôi sẽ trở lại với những câu chuyện thương tâm của đồng bào Việt Nam đang sống bấp bênh trên đất Cambốt trong những bài tường thuật sau.

Hôm nay chuẩn bị đón Giao Thừa, người Việt Nam cũng hướng về Quê Mẹ với những phong tục mà họ có thể thực hiện được trong sự thiếu thốn của mình. Cũng tìm vài chậu vạn thọ, mai giả…để trước nhà sàn của họ, cũng gói bánh tét… dưa giá, thịt kho…Họ sống chung đụng nhau trong những ngôi nhà sàn chật hẹp, tệ hơn những dãy nhà ở những trại tỵ nạn ở Mã Lai, Nam Dương…họ không được phép cất nhà có tường… nhưng họ cố sống với những gì có thể sống được. Con cái không được đến trường.

Họ đạo tự mở những lớp dạy tiếng Việt tới lớp 2. Đôi lúc các em nghèo phải lội qua sông để học tiếp tiếng Việt lớp 3,4… bên Việt Nam. Hoặc cỡi đồ bỏ vô bọc nylon để trên chiếc thau nhôm hay thau nylon (thau nhựa) rồi lội qua một con sông nhỏ qua đất Cambốt mặc lại bộ đồ rồi đến khu nhà thờ của họ đạo để học Giáo Lý, Dự Lễ hay Sinh Hoạt… xong rồi lội qua sông về nhà bên đất Việt Nam… Nếu đi đò ngang qua sông, phải có $10.000 VN Đồng và phải đi bộ một quãng đường đồng khá xa. Vã lại, các em lại không có tiền… cha mẹ bơi chãi nuôi đàn con thơ… mỗi ngày chỉ được khoảng $2.50 USD. Không chọn lựa nào khác ngoài giải pháp ‘Lội Qua Sông’. Chúng tôi nghĩ đến mùa nước lũ… các em có thể bị nước cuốn trôi hay phải đi bộ ngược về nhà… vì nước cuốn chảy mạnh…

Chiều 30 Tết, chúng tôi đi thăm vài gia đình không Công Giáo trong xóm đạo nghèo… một cụ già đồng hương Phật Giáo hay Đạo Thờ Ông Bà ngõ ý xin một vài bao cát, gạch hay ximăng… để đổ trước cầu thang gỗ của nhà bà… chiều 30 Tết, còn khoảng vài tiếng đồng hồ nữa là đến lễ Giao Thừa 6.00pm giờ Viêt Nam-Cambốt… chúng tôi quyết định thực hiện ‘Lễ Dâng Ban Chiều Ba Mươi Tết’.

Con đường nhỏ đó từ nhà thờ xuống bờ sông khoảng 200 mét nằm giữa những căn nhà sàn lợp bằng tôn cũ kỹ, ẩm thấp, hằng năm mùa nước lũ ngập cao… xung quanh là cống rảnh, rác rưới, nơi sinh sôi nẩy nở của muỗi và chuột… gây nhiều ô nhiễm. Nhưng họ không có chọn lựa nào khác là sống đùm bộc lẫn nhau giữa những nhóm Việt Nam…

Được sự động viên… và chỉ đạo của Ông Bảy Trưởng Ban Hành Giáo và sự nhiệt thành của vài thanh niên trong họ đạo đã xúc cát từ bờ sông đắp cao và bằng phẳng hơn và dự trù sẽ mua vài xe gạch, đá… đổ trên con đường nầy, để cho những cụ già và trẻ em có thể đỡ nguy hiểm khi leo lên xuống cầu thang gỗ từ trên nhà sàn xuống sân an toàn và sạch sẽ. Nhưng vì là ngày cuối năm chúng tôi mua những xe đá nhỏ không kịp, nhưng trong những ngày kế tiếp thì con đường dẫn đến nhà thờ sẽ là niềm vui cho những người nghèo trong niềm hy vọng của Mùa Xuân Đinh Dậu. Ban Hành Giáo sẽ cố gắng hoàn tất con đường nầy sau những ngày Xuân.

Trước sân nhỏ của khuôn viên nhà thờ trước giờ mừng lễ Giao Thừa đêm nay (6.00pm giờ Cambốt-ViệtNam), chúng tôi thấy có hai Nữ Tu thuộc Hội Dòng MTG Chợ Quán, cùng với Ông Trưởng Ban Hành Giáo đang chia sẻ niềm vui Xuân bằng những phần quà của Cha Sở gởi tặng những đồng bào Việt Nam neo đơn trong xóm đạo vui Xuân.

Thánh lễ Giao Thừa đầu tiên trong lịch sử họ đạo Kohtiêu từ năm thành lập 1998. Số giáo dân khoảng 180 người gồm già trẻ lớn bé - Ca đoàn mới được 2 Dì, thuộc HD. MTG Chợ Quán thành lập được 2 tháng… tập luyện ngày đêm… với những bài Thánh Ca Xuân đã làm cho Đêm Đón Giao Thừa Bính Thân-Đinh Dậu thêm phần sốt sắng và linh động… Đặc biệt nhất là Ca Đoàn nầy… một số các em lại không biết đọc và viết tiếng Việt, mà chỉ hát ‘Thuộc Lòng’ mà vẫn hay. Đó là điểm son là cành hoa Mai của Mùa Xuân Đinh Dậu mà hai Dì Chợ Quán đã cố gắng và các em đã hy sinh tập luyện để dâng lên Chúa Xuân qua tiếng hát của các em. Mỗi ngày các em đều đến nhà thờ tập hát… niềm vui của các em mỗi ngày là đến Nhà Thờ để vui chơi và quét dọn sân nhà thờ nhỏ bé và quanh quẩn bên hai Dì đang hy sinh phục vụ và chính các em là niềm an ủi cho hai Dì mỗi ngày khi sống xa gia đình. Sân nhà thờ và khuôn viên trước nhà thờ là nơi các em sinh hoạt và vui đùa duy nhất của họ đạo Kohtiêu nầy sau căn nhà sàn của cha mẹ hay gia đình các em.

Đêm nay, từ trên cung thánh nhìn xuống, cũng những gương mặt thân thương nầy… ông bà, cha mẹ đến dự lễ…cũng như mọi ngày… với những trang phục cũng giống như những ngày thường… chứ không phải như những ngày Tết đón Xuân ở Quê Hương hay ở những nơi khác… của người Dân Việt. Nhưng với các em, năm nay các em có nhiều “Áo Quần Cũ Của Người mà Mới Đối Với Các Em…” Một Trường Tiểu Học Công Giáo ở Tây Úc, năm nay đổi đồng phục mới… đồng phục cũ đã được đóng thành từng kiện hàng gởi sang giúp đỡ cho những em Việt Nam-Cambốt Nghèo, cho nên đường xá, phố chợ quê Chrey Thom và Kohtiêu màu vàng tượng trưng của tiểu bang Tây Úc xuất hiện như Mùa Hoa Mai Nở Rộn không phải trên đường quê hương mà trên vùng đất Miên năm nay… Những người cha, người mẹ, ông bà lớn tuổi cũng cảm thây vui vì những ai với tuổi già mắt kém cũng nhận được những kính lão do những người có lòng hảo tâm gởi tặng. Hơn 1.500 kính - cận thị và viễn thị và cả kính mát nữa - đã được trao tặng cho Việt Nam và Cambốt trong 2 năm qua. Nhìn thấy những cụ già mang kính đi dâng lễ với gương mặt vui tươi đã mang thêm một niềm vui cho cho những ai đã dâng tặng kính trong những năm qua...

Trong Nhà Thờ Bình Di (Chrey Thom) và Koktiêu nhiều hoa Mai trong những ngày này do những chiếc áo đồng phục mà các em đã và đang mặc thay cho những cành Hoa Mai Thật đang nở tươi trên khắp nẻo đường của quê Mẹ Việt Nam và những nơi khác trên thế giới có những điều kiện may mắn hơn những đồng bào Việt Nam trên đất Miên. Rồi trong những ngày nầy, nhiều Hoa Mai Vàng sẽ tung tăng trên những xóm làng của các họ đạo thuộc Hạt Basac: ngoài họ đạo chính là Chrey Thom (Bình Di) và KohTiêu, rồi tiếp đến là các họ đạo Sampan (Tam Bang), Saang, Tual Krosang và Bung Chouk khi cha sở đi dâng thánh lễ các họ đạo luân phiên, ngài sẽ đem quà đến phân phát cho các em nghèo.

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí êm đềm không có quà Xuân nào khác dâng lên Thiên Chúa là Chúa Xuân Vĩnh Cửu bằng mấy nén hương thơm, một mâm lễ quả: chuối, xoài, lêkima và táo…. Và lòng thành của đoàn con cái của Kohtiêu… với của lễ dâng cúng từ sự chiu chắc của cần lao $5.00 USD lễ dâng Giao Thừa hay của một thánh lễ Chúa Nhật của cả một họ đạo…. chỉ có bằng ấy? Họ đạo khá nhất là $10.00 USD tiền dâng cúng của một ngày Chúa Nhật. Các bạn nghĩ gì khi chúng ta đón Xuân nơi Cộng Đoàn Họ Đạo của chúng ta khi đọc đến đây?

Sau Thánh Lễ Giao Thừa, mọi người âm thầm rời ngôi thánh đường nhỏ bé…. về lại với căn nhà sàn lụp xụp của mình… Các em bé ở lại vui chơi nhảy múa với chiếc máy amplifier loại xách tay hay chơi nhạc trong khuôn viên nhà thờ… với hai Dì… màn đêm từ từ khép lại…

Đúng Giao Thừa… một vài phông pháo nổ lưa thưa… trong xóm đạo không đầy 10 phút của một vài gia đình có điều kiện… như gợi nhớ lại Tống Cựu Bính Thân - Nghinh Tân Đinh Dậu chẳng bù lại nhiều nơi khác trên Quê Cha Đất Mẹ và Nhiều Nơi Trên Thế Giới… người Việt Nam Nơi Quê Hương và Hải Ngoại đang tưng bừng chào đón Xuân Mới với những tràng pháo bông kéo dài… và những bữa tiệc Tất Niên Bính Thân tận Tân Niên của Ngày Mùng Một Tết Đinh Dậu.

Cảm tạ Thiên Chúa là Chúa Xuân Vĩnh Cửu đã ban niềm vui cho những gia đình trong họ đạo Kohtiêu trong Mùa Xuân năm nay. Cùng với Hai Dì Chợ Quán, Ban Hành Giáo và toàn thể giáo dân chúng tôi dâng lên Thiên Chúa Khúc Ca Tạ Ơn trong đêm Giao Thừa Bính Thân-Đinh Dậu lần đầu tiên trong lịch sử họ đạo tính từ năm thành lập đến nay.