Nhân Phẩm Con Người và Đặc Tính của Nền Văn Hóa Á Châu

Cuộc Vật Lộn của Các Dân Tộc Bản Xứ ở Á Châu Trong Việc Gìn Giữ, Phát Huy và Cổ Võ Nền Văn Hóa -

Kính thưa qúi vị độc giả: Liên Hội các Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã sinh hoạt với nhau được trên 30 năm qua, và từ đó đến nay cứ 4 năm một lần có những cuộc Hội Nghị của các Hội Đồng Giám Mục quốc gia toàn châu Á, và cứ 2 năm Hội Nghị các Ủy Ban chuyên biệt. Từ 30 năm qua, Liên Hội đã trình bày rất nhiều bài tham luận và đưa ra những nhận định cũng như kinh nghiệm về học đạo, sống đạo, hội nhập Phúc âm vào văn hóa, truyền giáo, và việc đối thoại liên tôn, v.v..., những đề tài rất quan trọng cho việc định danh vai trò và cương vị của người Kitô hữu tại Á châu. Để thấy được những suy tư và hướng đi, cũng như chia sẻ những thao thức, âu tư, niềm hy vọng và nhìn về con đường trước mặt: sự hiện diện ân sủng và thách đố của người Công giáo Á châu, đặc biệt người Công giáo Việt Nam, chúng tôi lần lượt cho dịch thuật và đăng lại những tài liệu qúi giá và rất quan trọng này để chúng ta cùng có cơ hội tham khảo và rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Bài đầu tiên chúng tôi muốn giới thiệu là bài “Cuộc Vật Lộn của Các Dân Tộc Bản Xứ ở Á Châu Trong Việc Gìn Giữ, Phát Huy và Cổ Võ Nền Văn Hóa: Rao Giảng Chúa Kitô Cho Các Nền Văn Hóa Châu Á: Lời Phán Truyền và Lời Thực Hiện”. Bài này được Gioan Mansford Prior, Dòng Ngôi Lời viết, và được trình bày tại Hội Nghị Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại Junshin, Nagasaki, Nhật Bổn, từ ngày 15-17 tháng 10 năm 2002.

LM John Trần Công Nghị


Giới Thiệu về Chủ Đề

Rất nhiều Giáo Hội ở Á Châu, phần lớn nằm rãi rác ở những vùng của các dân tộc bản xứ và bộ lạc, cũng như tại rất nhiều cộng đồng thiểu số khác nhau. Đạo Kitô giáo có lẽ có ảnh hưởng mạnh trong nền văn hóa ở những nước như Phi Luật Tân, Nam Hàn và Timor Lorosae. Trong khi cuộc đối thoại với các tôn giáo chính như: Khổng Giáo, Phật Giáo, Hindu và Hồi Giáo hiện vẫn còn rất cấp bách, thì chúng ta cũng còn cần phải lưu ý tới việc hội nhập đức tin với các dân tộc bản xứ, là khối người Kitô giáo Á Châu chiếm đa số. Vì trào lưu đô thị hóa nhanh chóng, một phần lớn những người Kitô giáo Á Châu thuộc gốc bản xứ ngày nay đã không còn sống trên vùng quê cha đất tổ của họ nữa. Chính vì thế, cuộc đối thoại giữa đức tin và văn hóa trong số những cộng đồng Kitô giáo gốc bản xứ là một yếu tố quan trọng trong việc rao giảng tin mừng ở một nền văn hóa đa nguyên và ở tại các xã hội đô thị không ngừng phát triển. Đây chính là một hệ quả toàn cầu khi chúng ta nhớ lại rằng trong số gần 300 triệu các dân tộc bản xứ hiện đang sinh sống tại hơn 70 quốc gia trên thế giới, thì đại đa số, khoảng hơn 150 triệu người hiện đang sống tại Á Châu.

Vào năm 1995 Giáo Hội tại Á Châu đã tuyên bố năm 1995-2004 là năm hướng về Thập Kỷ Quốc Tế của Những Người Dân Bản Xứ Khắp Thế Giới (1995-2004), song song đó, Văn Phòng Truyền Giáo của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) cũng đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Hua Hin, Thái Lan. Khi thập kỷ gần kết thúc, và trong suốt Năm Du Lịch Sinh Thái Liên Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc, chúng ta hiểu được vai trò cần thiết mà các dân tộc bản xứ ở Châu Á phải đóng góp vào trong việc “gìn giữ, phát huy và cổ võ” các nền văn hóa của họ. Hãy lưu ý rằng chủ đề mà tôi được yêu cầu để khám phá không phải là việc rao truyền phúc âm cho các nền văn hóa bản xứ ở Á Châu, mặc dầu rằng đó rõ ràng là phạm vi mà tôi sống và làm việc, nhưng là để tự cải thiện các nền văn hóa. Nếu việc ngợi ca Thiên Chúa giờ đây đã trở nên sống động hẳn lên, thì các nền văn hóa đó cũng trở nên sống động hơn vì họ đã cảm nghiệm được về Thiên Chúa trong toàn bộ cuộc sống của họ. Thế bằng cách nào mà cuộc đối thoại giữa đức tin và các nền văn hóa bản xứ ở Châu Á đã giúp cải thiện về cung cách sống?

Trong Phần I, tôi nêu ra những câu hỏi tuy đơn giản nhưng rất phức tạp rằng những dân tộc bản xứ ở Á Châu là ai, qua cách định nghĩa của các Cơ Quan Liên Hiệp Quốc và những tổ chức quốc tế khác. Chỉ có bằng cách ấy chúng ta mới có thể nhận ra được những đặc điểm chính về các nền văn hóa của người bản xứ.

Trong Phần II, tôi triển khai phần về thần học rao truyền phúc âm dựa trên các nguồn tài liệu từ lúc hội đồng giám mục ban bố cho đến sau khi hội đồng giám mục ban bố, và liệt kê ra một vài cơ hội để cần chú tâm tới cũng như các thách đố mà chúng ta phải diện đối. Vấn đề chính là xoay quanh những câu hỏi chính yếu về nhân phẩm con người và đặc tính của nền văn hóa.

Phần I: Các Dân Tộc Bản Xứ ở Á Châu: Mô Tả và Đặc Tính

1.1 Hướng về cách định nghĩa của “Các Dân Tộc Á Châu”

Thật là lý thú để mà biết được rằng, nhóm làm việc của LHQ về dân số của những người bản xứ (viết tắt theo tên tiếng Anh là UN-WGIP) được thành lập vào năm 1982, vào lúc đó, họ cũng chưa tìm ra được một định nghĩa rõ ràng và chắc chắc nào về những người thiểu số. Chẳng có định nghĩa nào là mang tính trung dung lẫn thể hiện đầy đủ ý nghĩa cả, vì lẽ những người tự xem họ như là những người bản xứ trong việc so sánh họ với những nhóm rộng lớn và đại đa số. Và mối quan hệ giữa xu hướng chủ đạo của xã hội với những cộng đồng nhỏ bé hơn thường là rất bất công và giả dối. Tuy nhiên, hầu hết mọi định nghĩa đều cho rằng các dân tộc thiểu số hoặc là được mô tả như là những người đầu tiên đến định cư trên một vùng đất hoặc tại một quốc gia nào đó, hay là như các nhóm xã hội cố gắng tách biệt họ trong bối cảnh của nền văn hóa xã hội khỏi những nhóm dân chiếm đa số. Họ có chung một nền văn hóa, một ngôn ngữ, những ý tưởng về tôn giáo thần thánh, phần lãnh thổ đồng nhất và một cấu trúc kinh tế xác định nào đó.

Vấn đề vẫn còn được tranh cãi là liệu phải liệt kê nhóm nào là nhóm của những người bản xứ và những nhóm nào được chính phủ và các tổ chức quốc tế xem như là những nhóm dân bản xứ. Vào cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20, “Các Dân Tộc Bản Xứ” chính là tiêu đề của việc học hỏi, nghiên cứu về dân tộc học tại các trường đại học ở Phương Tây. Vì việc nhìn nhận của quốc tế trong suốt hơn ba thập kỷ qua, thì tầng lớp “người dân bản xứ” không được xem như là một phần của nền văn hóa, mà nói đúng hơn như là một loại chính trị nào đó, vì cách định nghĩa của nó.

Thế UN-WGIP mới quyết định dùng định nghĩa của Jose Martinez Cobo, cựu báo cáo viên đặc biệt chuyên về việc kỳ thị chống lại các dân tộc bản xứ vào năm 1972. Định nghĩa đó được đọc như sau:

“Dân số bản xứ được thành lập nên từ những hậu duệ còn xót lại của những người bản xứ, những người đã định cư hết hay chỉ một phần nào đó tại phần lãnh thổ hiện thời của một quốc gia, khi những người thuộc nền văn hóa khác hay nhóm chủng tộc khác đến từ các phần khác của thế giới, để chinh phục họ, để dành chổ chiếm cứ của họ bằng các phương tiện khác, và buộc họ trở thành thuộc địa hay kiềm chế sự kháng cự của họ; để giờ đây họ sống trong một xã hội đồng nhất với các phong tục tập quán và truyền thống về xã hội, văn hóa và kinh tế của riêng họ hơn là với những thể chế khác của đất nước mà giờ đây họ trở nên một phần, theo như cấu trúc của nhà nước nhằm áp đặt lên những đặc tính về quốc gia, về xã hội và về nền văn hóa với các sắc dân thiểu số khác.”

Trong suốt hơn 30 năm qua, rất nhiều lỗ hỏng đã được tìm thấy qua cách định nghĩa như trên. Trước hết, nó trông có vẽ là làm tê liệt đi nhân dạng của người bản xứ trong một trục lịch sử niên đại và thời gian, và nó làm hạn chế trong việc dùng cách định nghĩa này để chỉ các dân tộc bản xứ ở vùng Trung và Nam Mỹ trước thời kỳ thuộc địa. Vì thế, nó ám chỉ đến chủ nghĩa thực dân Châu Âu, trong khi đó nó lại làm ngơ đến lịch sử của nền văn minh tại Á Châu và Phi Châu. Lý do thứ hai là vì định nghĩa này quá đơn giản. Sự sống còn về nhân dạng của người bản xứ, một mặt được giải thích bởi sự cách ly, mặc khác thì bởi sự phân biệt chủng tộc và việc cách ly ra khỏi nhịp điệu phát triển xã hội. Nó xem những dân tộc bản xứ như là một sự hiện diện về “mặt nhân khẩu học” mà thôi, như thể là hàng ngàn năm trong lịch sử nhân loại và việc hội nhập chẳng hề làm thay đổi gì cả về các nền văn hóa hiện vẫn còn sống động của các dân tộc khác vậy. Lý do thứ ba, định nghĩa của Cobo không giải thích được sự sống còn của nhân dạng người bản xứ so với tất cả những điều kỳ quặc khác. Không phải là hầu hết các cộng đồng dân tộc nào cũng đã sống trong cô lập và rất nhiều cộng đồng chủng tộc đã mất quyền kiểm soát về vùng đất đai, lãnh thổ của họ hay vùng địa lý giúp làm dưỡng nuôi cho nền văn hóa của họ, để bị đô thị hóa, và cho dẫu như thế, thì nhân dạng của họ vẫn còn tồn tại. Và chính vì thế một định nghĩa đầy đủ hơn đã được đưa ra vào năm 1983, trong khi đó “việc tự nhận dạng” được xem như là một yếu tố chính yếu trong năm 1986.

Bản Soạn Thảo Công Ước Toàn Cầu năm 1995 về Các Quyền của Các Dân Tộc Bản Xứ, được chuẩn bị bởi UN-WGIP từ chối áp dụng định nghĩa trên. Việc loại bỏ này đã được lý giải bởi báo cáo viên của nhóm làm việc là Erica Irene Daes trên cơ sở lập luận rằng: “xét về mặt lịch sử, các dân tộc thiểu số đã gánh chịu từ rất nhiều cách định nghĩa áp đặt lên cho họ.” Thì rõ ràng là, việc tự nhận dạng của các dân tộc thiểu số và sự công nhận rộng rãi từ các cộng đồng rộng lớn khác vẫn còn đang được tiếp diễn.

1.2 Một Định Nghĩa Hợp Lý

Benedict Kingsbury, một chuyên gia về luật quốc tế, người có liên quan một cách đặc biệt về những khía cạnh pháp lý của các vấn đề có liên quan tới các dân tộc thiểu số, kết luận rằng, “trông có vẽ như không thể nào có thể, hoặc thậm chí nếu mong muốn, để lập ra một danh sách cứng ngắt những đòi hỏi để quyết định nhóm nào là những nhóm dân tộc bản xứ.” Thay vào đó, Ông soạn ra một danh sách về những dấu chỉ, một số được đòi hỏi, số khác chỉ đơn giản là có mối quan hệ, những yếu tố được xem xét trong các trường hợp nghi vấn hay bất đồng. Thì danh sách sơ khởi của Ông được liệt kê ra như sau:

Những đòi hỏi cơ bản:

  • a. Việc tự nhận dạng như là một nhóm chủng tộc riêng biệt;
  • b. Kinh nghiệm về lịch sử hay mức độ bị tổn thương, sự đứt đoạn, sự chuyển chỗ hay sự bóc lột;
  • c. Sự gắn bó lâu đời với vùng;
  • e. Ước muốn gìn giữ một bản chất riêng
Những dấu chỉ có liên quan:

  • a. Ưu thế kém trong xã hội quốc gia hay trong vùng;
  • b. Nền văn hóa gắn liền với một vùng đất hay các phần lãnh thổ;
  • c. Sự lưu truyền trong lịch sử đặc biệt là giữa người hậu duệ với những người chủ trước của vùng đất trong vùng;
  • d. Những khác biệt về mặt kinh tế xã hội và nền văn hóa xã hội với dân số chung quanh;
  • e. Những đặc điểm khác biệt cơ bản như: các ngôn ngữ, chủng tộc, nền văn hóa vật chất hay tinh thần, vân vân;
  • f. Được dân số chung quanh xem như là những người bản xứ; hay bị cư xử như thế trong mọi cách thức dàn xếp pháp lý hay hành chánh.
Thì trong các tiêu chuẩn trên, có 3 tiêu chuẩn cần phải có sự giải thích rõ ràng. Trước hết là, những đòi hỏi cơ bản của việc tự nhận dạng. Kể từ năm 1986, UN-WGIP đã cương quyết về quyền của chính những dân tộc bản xứ để định nghĩa bản xứ là cái gì và là ai cùng với quyền để quyết định cái gì hay ai không phải là bản xứ. Về “quyền tự nhận dạng” này là nhằm tránh để cho người khác áp đặt việc định nghĩa của họ về những dân tộc thiểu số; và cũng để tránh cho họ bị cư xữ như là những “nạn nhân”, những đối tượng của các chương trình cho các chủng tộc khác. Một quyền tương quan chính là thứ quyền cho phép họ được gìn giữ những phong tục tập quán của riêng họ, trong khi chúng không tương xứng với những quyền lợi cơ bản được định nghĩa bởi hệ thống pháp lý quốc gia. Thứ hai, những dấu chỉ có liên quan đầu tiên, hay còn gọi là ưu thế kém. Đây chủ yếu không phải là câu hỏi rằng những người dân tộc bản xứ chính là những nhóm dân thiểu số mà quan trọng hơn là về phương diện chính trị rằng các dân tộc thiểu số có rất ít hoặc chẳng có tiếng nói nào cả đối với nhà nước và cộng đồng quốc tế; hay nói cách khác, những người ngoài cuộc quyết định cho số phận của họ. Thứ ba là sự lưu truyền trong lịch sử. Đây có lẽ là một yếu tố gây ra nhiều tranh cãi nhất vì không thể nào để quyết định nhóm dân số nào trước và nhóm nào sau. Tuy nhiên, việc quyết định ai làm sở hữu chủ trước trên vùng đất và các tài nguyên, là điều cần thiết. Các dân tộc bản xứ chỉ chiếm có 5% trong tổng số dân số thế giới, thế nhưng họ lại chiếm tới 80% về sự đa dạng trong nền văn hóa thế giới. Họ chiếm 20% phần diện tích đất đai của thế giới và nuôi dưỡng hơn 80% phần sinh học đa dạng của thế giới.

Hơn 150 triệu người Á Châu tự xem họ là người bản xứ, và trong số 2,165 nhóm này, chúng tôi tìm thấy những cộng đồng Công Giáo đang phát triển lớn mạnh như là tại: Pakistăn, Bănglađét và Ấn Độ ở vùng Nam Á; Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Mã Lai, Indônêxia và Phi Luật Tân ở vùng Đông Nam Á; và Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bổn ở vùng Đông Bắc Á.

1.3. Những Đặc Điểm Chính Yếu của Các Nền Văn Hóa Bản Xứ Á Châu:

1.3.1 Những đặc điểm về mặt chính trị văn hóa

Mặc cho sự đa dạng, các dân tộc bản xứ Á Châu đang phải đối diện với những vấn nạn tương tự về mặt chính trị văn hóa. Họ thuộc số những nhóm người bị thiệt thòi nhất ở lục địa Á Châu. Một số trở thành nô lệ, và buộc phải lao động (chẳng hạn như tại Trung Hoa và Miến Điện). Phần lớn gặp phải sự kỳ thị, phải đối diện với sự nghèo đói, sức khỏe yếu kém, thất nghiệp và tù tội cao. Những biên giới thuộc địa giả tạo đã tách xa các dân tộc hay biến họ trở thành những cộng đồng thiểu số bù nhìn (như tại Tây Papua và PNG). Những cộng đồng bản xứ bị đe dọa bởi sự phá hủy của môi trường tự nhiên giúp làm dưỡng nuôi nền văn hóa của họ. Dưới việc hô hào phát triển, vùng đất và các nguồn tài nguyên của họ nằm trong những phần đất đai màu mở nhất trên trái đất, ngày nay đang bị chiếm hữu hay bị phá hủy bởi các hoạt động này, chẳng hạn như việc phá rừng, việc khai mỏ, việc ngăn đập nước, và những công trình thủy lợi cũng như việc xây dựng đường xá. Sự cách lý tương đối đó đã khiến cho phần đất chính yếu của họ trở thành những nơi để tiêu hủy các chất độc tố và việc thử nghiệm hạt nhân (như là tại Trung Hoa, Ấn Độ và Pakistan).

Họ cũng còn phải gánh chịu sự kỳ thị về văn hóa. Rất nhiều cộng đồng bản xứ bị buộc phải đồng hóa các ngôn ngữ mẹ đẻ, các tín ngưỡng về tôn giáo và các nền văn hóa của riêng họ. Vẫn thường khi xã hội đã ngu muội, mờ mịt chối từ sự hiện hữu của họ trong đời sống công cộng. Tiến trình này chủ yếu đang được diễn ra từ từ, và ở bình diện rộng lớn hơn khiến xã hội không thể nào chú ý được.

Những dân tộc bản xứ ở Á Châu cũng còn phải gánh chịu sự kỳ thị về mặt xã hội. Họ là những người bị trị, không có sức kháng cự lại, ngay cả tại những nước văn minh. Với một cách sống khác hẳn, họ được xã hội xem như là những người lạc hậu, kém cõi. Họ không có quyền tham dự vào quyền quyết định về một vấn đề gì đó của quốc gia. Thêm vào đó, các cộng đồng dân tộc bản xứ ngày càng bị khống chế bởi nhóm dân số chung quanh họ, khiến cho khái niệm về “dân tộc bản xứ” trở thành một từ ngữ về mặt chính trị mà thôi. Những vấn đề về kinh tế chính trị chính là những quan ngại về nhân quyền và luật hiến pháp, cũng như qua các hiệp định về thương mại giữa các quốc gia, giữa các vùng và trên bình diện quốc tế. Kể từ khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị đặt nhân quyền và trách nhiệm là trọng tâm giảng dạy về mặt xã hội của người kế vị Thánh Phêrô, thì các cộng đồng Kitô giáo bản xứ có thể đóng góp toàn bộ công sức của họ như là những người Công Giáo.

Tuy yếu về mặt chính trị, thế nhưng các dân tộc bản xứ hiện đang sống tại một số vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có nhất trên khắp cả địa cầu, những nguồn nước khoáng và rừng rậm, nguồn dự trữ nước uống và đánh bắt cá. Họ có rất ít quyền để thương lượng vì các quốc gia giàu có đã bóc lột cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đã được những người bản xứ gìn giữ từ hàng chục thế kỷ nay. Đây là sự chứng minh cho cung cách sống nhờ vào những giá trị căn bản và nền văn hóa bản xứ.

1.3.2 Những đặc điểm về mặt văn hóa xã hội

Nền văn hóa bản xứ bao gồm mặt thiên nhiên, xã hội và thứ tứ biểu hiện vào một hệ thống văn hóa duy nhất. Thế giới của họ không có sự ngăn cách về mặt tôn giáo với những chuyên gia và những thể chế riêng biệt, vì lẽ, tôn giáo và văn hóa chỉ là một. Theo cách thần thoại và nghi lễ, theo tập tục truyền thống và dòng đời, người dân bản xứ tự tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời của riêng họ. Mỗi một hoạt động, mỗi một sự việc, mỗi một hơi thở chính là thần khí của tổ tiên, những người biến hiện tại trở thành nội tại siêu nhiên. Mỗi một sự vật riêng lẽ, mỗi một người và mỗi một sự việc đều mang một ý nghĩa nào đó xét về mặt tổng thể. Tổng thể phản ánh những nhu cầu cụ thể cần được hiểu biết trong vũ trụ vạn vật.

Đối với người dân bản xứ, nền văn hóa và vũ trụ cùng hài hòa với nhau. Những khía cạnh của cuộc sống nào không thể được dưỡng nuôi hay điều khiển về mặt truyền thống, thì chúng cũng đều có sự liên hệ tới các thần tự nhiên đến từ những khu rừng hoang dã, biển hay núi. Những sự kiện không thể kiểm soát thì được giữ kín tại nơi chốn của họ bằng chính ma lực. Trong lúc đó, thế giới của bản làng và nông trại thì được kết liên với thần khí của tổ tiên, là nơi mà mọi thứ và mọi người đều có một vị trí và một chức năng riêng biệt. Số phận của mổi một người được thể hiện qua việc người ấy làm trọn bổn phận của riêng mình trong xã hội, và vì thế, mỗi một người chính là một phần sáng tạo của tổng thể vũ trụ. Thứ tự về vũ trụ này không hề thay đổi nhưng được canh tân lại bởi những người lãnh đạo của từng thế hệ, họ chính là người tái diễn dịch lại những lời truyền dạy của cha ông cho mỗi một trường hợp mới mẽ. Việc “thông giao” với tổ tiên được thực hiện qua các nghi lễ và ngôn ngữ của nghi lễ ấy.

Các dân tộc bản xứ rất là thiêng liêng, sốt sắng, và đồng thời, cũng rất ư là vật chất, trần tục. Vật chất là bởi vì cuộc sống của họ được đặt trọng tâm vào sự thay đổi của các mùa; sốt sắng là vì mọi thứ đều là huyền bí, là sự hiện hình của Thiên Chúa. Mỗi một hoạt động kinh tế đều có tầm quan trọng đáng kể nào đó. Cuộc sống là một phép bí tích, một sự mạc khải của Thần Linh. Vũ trụ bao gồm Thiên Chúa, và linh hồn gắn liền với thể xác, do đó, thế giới được khắc ghi vào trong tâm hồn bởi nội tại siêu nhiên. Chiều kích thần linh của cuộc sống được diễn tả qua các điều bí ẩn và nghi lễ, qua nền văn hóa nông nghiệp và luật lệ của thị tộc. Sống trong những nền văn hóa bản xứ còn rơi rớt lại chính là việc cất giữ những gì mang đặc tính sâu sắc nhất, và cũng có thể là những gì thuần túy nhất về con người, theo cách suy nghĩ của người Á Đông, để cảm giác và hành động. Vì phong trào toàn cầu hóa đang dần vứt bỏ đi cội rễ của những đặc tính địa phương, cho nên mọi người hiện đang tái khám phá và rà xoát lại nguồn gốc bản xứ của họ.

1.3.3. Các giá trị của nền văn hóa xã hội

Trọng tâm của những mùa tự nhiên và thế hệ con người chính là sự vật lộn giữa sự hài hòa và sự xung khắt. Những kết quả hài hòa vô tư trong những mối quan hệ bình đẳng, tương đồng giữa mọi người với nhau. Những bất đồng xã hội đã làm cản ngăn sự hài hòa nguyên thủy này, nhưng đồng thời nó cũng còn tái điều chỉnh để tạo cơ hội cho sự phát triển, đẩy lùi đi sự xung đột xã hội, để một sự hài hòa mới có thể được tạo ra.

Chính vì thế, các nền văn hóa bản xứ có những cách suy nghĩ riêng biệt (hay còn gọi là thần ngôn) và tạo ra ý nghĩa của cuộc sống (hay còn gọi là đặc tính chủng tộc). Một nhà triết học văn hóa và cũng là một họa sĩ Ấn Độ, Jyoti Sahi, đã chỉ ra 7 giá trị cơ bản của những dân tộc bản xứ ở Á Châu đó là:

  • 1. Giá trị về đất đai. Cộng đồng thuộc vào vùng đất, đất và người hổ trợ lẫn nhau.
  • 2. Giá trị của văn hóa như là một phần của tự nhiên. Cộng đồng tham dự vào cuộc sống của thiên nhiên là nơi mà các tập tục truyền thống địa phương được xem như là phần nới rộng của luật tự nhiên.
  • 3. Giá trị của nhóm. Nhóm chủng tộc (có thể là quốc gia, là bộ lạc hay dòng dõi; hay là theo cách mà họ tự định nghĩa lấy) là một phần quan trọng nhất trong xã hội, hơn cả gia đình, hơn cả một đơn vị hành chánh hay một nhà nước. Mỗi cá nhân có khuynh hướng gia nhập vào nhóm.
  • 4. Giá trị của việc đồng tâm nhất trí trong chính phủ. Việc ban hành quyết định diễn ra qua sự tham vấn, qua sự suy tín thiệt hơn và qua hợp đồng thỏa thuận giữa các bên.
  • 5. Giá trị của việc hợp tác so với việc cạnh tranh. Những ý tưởng và các hoạt động nào nhằm thống nhất thì được ưu tiên hơn những giá trị hay hoạt động nào nhằm có tính gây chia rẽ hay tách rời.
  • 6. Giá trị của lòng hiếu khách. Một sự đón tiếp, cởi mở một du khách hay một người lạ chính là việc phụ thuộc vào vũ trụ của người đó và nhóm của mình đối với người khác và nhóm khác, và của gia đình con người với trái đất.
  • 7. Giá trị của việc tổ chức. Đời sống chính là để sống, hưởng thụ và hạnh phúc chứ không phải là để lao động cần cù, vất vả, mồ hôi hay nước mắt.
Thì bảy giá trị bản xứ đó tuyệt đối chống lại với những giá trị mà kinh tế toàn cầu hóa và phương tiện truyền thông đại chúng của thời đại ngày nay cố gán lên. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) được dưỡng nuôi bởi các giá trị sau:

  • 1. Nhu cầu để thống trị và khai khẩn đất đai
  • 2. Tính tự chủ của cá nhân (và gia đình chính là hạt nhân)
  • 3. Xu thế để kiểm soát và khai thác thiên nhiên.
  • 4. Theo thứ tự tôn tri và gia trưởng.
  • 5. Xu thế cạnh tranh qua đó kẻ mạnh chiến thắng và kẻ yếu thì thua cuộc.
  • 6. Quyền sở hữu về lãnh thổ của cá nhân hay doanh nghiệp, trong một nền kinh tế thị trường nơi mà tất cả mọi thứ được biến thành hàng hóa, thậm chí cả những cung cách sống cũng đang được sáng chế ra.
  • 7. Giá trị của việc làm việc cần cù, vốn nực cười thay, để lại rất ít thời gian để hưởng thụ những thành quả của sự thành công (cả hai cha mẹ đều làm việc nhiều giờ, mang công việc về nhà vào những buổi chiều tối hay những ngày cuối tuần, để lại một lực lượng thất nghiệp khổng lồ và đẩy họ ra bờ rìa của xã hội).
Sự va chạm giữa những giá trị bản xứ và những giá trị của thị trường không thể đưa chúng ta đến việc lãng mạn hóa các giá trị bản xứ hay là biến các giá trị của thị trường thành quỷ ma. Mỗi một giá trị bản xứ cũng giống như tất cả các giá trị của con người trong thực tế đều có mâu thuẫn với nhau. Ưu tiên của dòng dõi đặt trên ưu tiên của cá nhân giúp tạo ra một xã hội vị tha. Tuy nhiên, một số ít muốn quay trở lại những ngày coi cá nhân là quan trọng nhằm làm chậm lại sự phát triển của cá nhân. “Sự hài hòa” chính là một giá trị tích cực, tuy nhiên ở Indonesia, nó lại được dùng để biện hộ cho một nền văn hóa đồng dạng với sự kiểm soát của thiết quân luật. Những chính phủ độc tài dùng “những giá trị của Châu Á” để biện hộ cho những thể chế thiếu dân chủ của họ. Cũng tương tự như vậy, “việc hợp tác” được thực hiện một cách tốt đẹp trong một xã hội theo chủ nghĩa quân bình cở nhỏ giữa từng người và từng gia đình đều có sức mạnh ngang nhau. Tuy nhiên việc thiếu sự cạnh tranh sẽ làm hạn chế các sáng kiến. Vấn đề ở chổ là các dân tộc bản xứ đang nhận thấy các giá trị của họ bị hủy hoại bởi các giá trị thô bỉ và chế ngự của thị trường; mặt khác qua việc lạm dụng các giá trị của họ bởi những chính phủ độc đoán.

Cảm nghiệm được sự xung khắc của các nền văn minh này, dân tộc vũ trụ đã không còn tin tưởng vào sự thay đổi nhanh chóng của xã hội nữa, họ đang dần dà bị mất vị thế. Cấu trúc xã hội và những tổ chức của các xã hội bản xứ đã mất dần ảnh hưởng trước kia của họ, vì lẽ các nền văn hóa thời hiện đại lẫn hậu hiện đại ngày càng trở nên lấn lướt ở cấp quốc gia, cấp vùng và toàn cầu. Tuy nhiên, các giá trị chính của các nền văn hóa vũ trụ đã chứng tỏ được sự kiên cường, mạnh mẽ đáng ngạc nhiên. Trong những lúc khủng hoảng, như sự chết, tai họa thiên nhiên hay những chính biến của xã hội, ngôn ngữ của các nền văn hóa bản xứ vẫn còn được nói ra một cách rõ ràng.

1.3.4. Những phong trào đương thời

Sự chuyển chỗ liên tục gây ra bởi nền kinh tế và truyền thông toàn cầu hóa đã dẫn đến một sự hồi sinh của nền văn hóa bản xứ. Trong suốt hơn 30 năm qua. các cơ quan bản xứ và các mạng lưới liên vùng đã được thiết lập ra ở rất nhiều phần tại Á Châu. Sự phục hưng này hoặc là theo hình thức quá khích hoặc là theo trào lưu chính thống, chính là một sự lý tưởng hóa một giấc mơ đã được nung nấu từ trong quá khứ; hay ngược lại, chính là một phần mở rộng của mạng lưới của những nền văn hóa thật sự đối lập, những thay thế được tiên đoán trước đối với những giá trị thô bỉ của chế độ tư bản toàn cầu hóa. Người bản xứ Kitô giáo đang hội nhập trọn vẹn vào việc chống lại những giá trị thô bỉ của chế độ tư bản toàn cầu hóa.

Qua những trào lưu xã hội này, các dân tộc bản xứ Á Châu đang cùng nhau hành động để “gìn giữ, phát huy và cổ võ” những nền văn hóa của họ. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi họ giành lại được quyền làm chủ đất đai, và cuộc sống của họ, cũng như có được sự nhìn nhận về nền văn hóa của họ, cũng như các quyền về kinh tế lẫn chính trị. Thì những mối quan ngại như vậy chỉ được trình bày cho cộng đồng quốc tế kể từ những năm của thập niên 1970. Lý thú thay rằng, Công Đồng Chung Vaticăn Hai đã nhìn nhận “quyền về văn hóa” từ một thập kỷ trước.

Việc “gìn giữ, phát huy và cổ võ” nền văn hóa có ý nghĩa như thế nào đối với dân tộc bản xứ Kitô giáo? Tôi nghĩ là, trọng tâm, các dân tộc bản xứ Kitô giáo đang cố đưa ra một ý nghĩa về đặc tính và sự tương tồn, về nhân phẩm và hy vọng cho mọi người của họ. Vì lý do này mà tôi xin nói đến Phần II.

(Còn tiếp...)