Chúa Nhật XXXII TNC

Sự sống lại và hôn nhân ở đời sau

2 Mc 7,1-2,9-14; 2 Th 2,15-3,5; Lc 20,27-38.

Gần cuối năm phụng vụ, chủ đề chính mà Lời Chúa hôm nay muốn giới thiệu là sự sống lại, hướng chúng ta tới cuộc sống mai sau. Đây là chủ đề được con người mọi thời quan tâm, cả những nggười Do Thái vào thời Chúa Giêsu cũng chúng ta hôm nay. Trong bài Tin Mừng, khi trả lời câu hỏi mà những người Xađốc đặt ra để cài bẩy Chúa Giêsu về người đàn bà khi còn sống có bảy người chồng. Trước hết Chúa Giêsu tái khẳng định rằng có sự sống lại ở đời sau, đồng thời Người điều chỉnh quan niệm méo mó duy vật và thực dụng của người Xađốc về sự sống lại mai hậu.

Quả thế, hạnh phúc đời đời không đơn thuần là một sự gia tăng và kéo dài những niềm vui trần thế, hay là sự phóng đại những khoái lạc xác thịt và chuyện ăn uống. Đời sống mai hậu là một đời sống hoàn toàn khác, một đời sống có một phẩm chất khác. Đời sống thiên đàng là sự viên mãn đời sống dương thế của mỗi người, nhưng còn hơn thế, nó thuộc một trật tự khác như Chúa Giêsu quả quyết: “Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20,35-36).

Ở cuối bài Tin Mừng, Chúa Giêsu giải thích lý do tại sao có sự sống lại sau khi chết khi nói rằng: “Còn về vấn đề kẻ chết trổi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy Thiên Chúa của tổ phụ Apraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,37-38). Vậy đâu là nền tảng mà người chết sống lại? Nếu Thiên Chúa được định nghĩa là Thiên Chúa của Apbraham, Isaác và Giacóp và là Thiên Chúa của sự sống, chứ không phải của sự chết, thì điều này có nghĩa là các tổ phụ Apbraham, Isaác và Giacóp vẫn còn sống ở bên Thiên Chúa, dầu họ đã chết hàng thế kỷ rồi so với lúc mà Thiên Chúa nói với Môsê. Như thế, Thiên Chúa của sự sống là nền tảng cho niềm tin vào sự sống lại của con người. Người là Đấng hằng sống và Người không muốn con người phải chết, nhưng được sống mãi. Việc Thiên Chúa đã sai Con Một làm người, chịu tử nạn và phục sinh vinh để giải thoát con người khỏi chết và cho họ được sống mãi trong Thiên Chúa là bằng chứng hùng hồn cho sự sống lại mai sau.

Một số người giải thích một cách sai lầm câu trả lời của Chúa Giêsu cho người Xađốc, nên đã quả quyết rằng: hôn nhân gia đình sẽ không còn tiếp tục ở trên thiên đàng. Nhưng trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu bác bỏ quan niệm méo mó mà những người Xađốc trình bày về thiên đàng, một quan niệm cho rằng thiên đàng đơn thuần là một sự tiếp tục tương quan của các đôi vợ chồng ở trần gian. Chúa Giêsu không phủ nhận rằng các đôi vợ chồng phải tái khám phá trong Thiên Chúa sợi dây đã liên kết họ khi ở trần gian.

Chúng ta thử đặt ra vài câu hỏi: phải chăng khi ở trần gian các đôi vợ chồng đã sống với nhau và suốt đời kính sợ Thiên Chúa, nhưng khi họ chết, mọi sự thuộc về hôn nhân của họ như tương quan vợ chồng, tình yêu và giây hôn phối… sẽ bị quên lãng hay biến mất để chỉ dành cho tình yêu Thiên Chúa mà thôi? Phải chăng có điều gì đó trái ngược với điều mà Chúa Giêsu đã nói rằng: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, thì không ai được phân ly?” Nếu Thiên Chúa đã liên kết họ ở trần gian, tại sao Người lại phân ly họ trên thiên đàng? Phải chăng toàn bộ cuộc sống hôn nhân này không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống của họ ở thiên đàng sao?

Chúng ta tìm thấy câu trả lời từ chính mạc khải Kinh Thánh về niềm hy vọng này. Đó cũng chính là ước vọng tự nhiên của các đôi vợ chồng. Kinh Thánh quả quyết rằng hôn nhân là “một bí tích”, bởi vì hôn nhân biểu tượng sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (Eph 5,32). Theo cái nhìn này, làm sao có thể hiểu được nếu hôn nhân sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn ở trên thiên đàng. Hôn nhân không hoàn toàn kết thúc với cái chết, tương quan và sợi dây hôn phối vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng nó được biến đổi, được “thần hóa” nhờ sự hiệp thông với Thiên Chúa. Nhờ đó, nó xóa bỏ những giới hạn, bất toàn của đời sống hôn nhân ở trần gian.

Một cách tương tự như thế, mối tương quan dây giữa cha mẹ và con cái, hoặc tương quan bạn bè cũng vẫn tiếp tục tồn tại mà không bị quên lãng. Trong lời Kinh Tiền tụng của thánh lễ cầu hồn, phụng vụ nói rằng khi chết, “sự sống này chỉ thay đổi, chứ không mất đi;” Chúng ta có thể nói một cách tương tự như thế về hôn nhân, là một phần của đời sống, nó chỉ thay đổi, chứ không mất đi ở đời sau.

Đó là trường hợp của các cập vợ chồng sống yêu thương và chung thủy với nhau trọn đời. Nhưng đối với trường hợp những người đã phải trải qua những kinh nghiệm bất đồng và đau khổ trong hôn nhân ở trần gian thì sao? Số phận của họ như thế nào? Phải chăng sợi dây hôn phối vẫn còn sẽ là một sự an ủi hay là lý do gây sợ hãi cho họ?

Dựa vào giáo lý của Giáo Hội, chúng ta có thể trả lời rằng: trong thế giới của Thiên Chúa, sự dữ sẽ không còn tồn tại; những khiếm khuyết, sự thiếu thấu hiểu, cả những đau khổ đã làm họ tổn thương sẽ biến mất. Chỉ còn lại tình yêu và những gì tốt lành giữa họ tồn tại.

Các đôi vợ chồng sẽ được trải nghiệm tình yêu đích thức của họ khi họ được tái kết hợp trong Thiên Chúa và nhờ đó họ có niềm hạnh phúc và viên mãn của sự kết hợp mà họ đã có khi ở trần gian. Đây cũng là điều mà nhà thơ Goethe diễn tả trong câu chuyện tình yêu giữa Faust và Margeret: “Chỉ trên thiên đàng, sự kết hợp và niềm hạnh phúc viên mãn giữa hai thụ tạo yêu nhau mới trở thành hiện thực. Đó là điều không thể tìm thấy ở trần gian.” Trong Thiên Chúa tất cả họ sẽ hiểu nhau, sẽ được hòa giải và mọi người sẽ thay thứ cho nhau.

Còn đối với trường hợp những người đã kết hôn một cách hợp luật nhiều lần thì sao? Tương quan giữa họ thế nào? Đây chính là trường hợp mà nhóm Xađốc hỏi Chúa Giêsu về bảy anh em lấy cùng một người vợ khi sống (x. Mc 12,18-27). Khi chết ai là chồng của người đàn bà này? Ngay cả trường hợp này, chúng ta phải nhắc lại một điều tương tự: đó là tình yêu đích thức và sự hiến dâng mình giữa vợ chồng là một điều tốt lành đến từ Thiên Chúa, chúng sẽ không bị biến mất. Nhưng trên thiên đàng không có sự tranh dành, tranh đua và ghen tị trong tình yêu vợ chồng. Chúng là những giới hạn thuộc bản năng của thụ tạo khi ở trần gian, chúng sẽ biến mất khi ở trên thiên đàng, sẽ được hoàn toàn biến đổi. Họ sống như các thiên thần, được kết hợp nên một với Thiên Chúa và với nhau. Họ sống tình yêu đích thực của Thiên Chúa, nên họ vẫn yêu thương và tôn trọng nhau trong “trời mới đất mới”.

Như thế, cuộc sống hôn nhân của các gia đình khi ở trần gian là sự chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Trong thế giới đó, ơn gọi và đời sống của họ sẽ được viên mãn và thành toàn nhờ quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa. Vì thế, các đôi vợ chồng được mời gọi hãy sống yêu thương và trung tín với nhau khi ở trần gian, để được cùng nhau hưởng hạnh phúc trên thiên đàng. Đó là lời hứa và phần thưởng cho những ai sống đời sống gia đình. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương