Têrêsa Hài Đồng Giêsu – Cả cuộc đời là một bản tình ca dành tặng Người Yêu Dấu

 Sẽ chẳng là gì và chẳng có giá trị thiêng liêng nào dù là nhỏ nhất nếu các “chi tiết” kỷ niệm của cuộc đời Têrêsa không mang dấu vết của một cuộc tình sâu đậm và liên lỉ giữa ngài với Thiên Chúa. Xuyên suốt cuộc đời của thánh nhân mà đã được thể hiện phần nào trong tập Nhật Ký Tâm Hồn của ngài là những “nốt nhạc” yêu thương của ngài dành cho Thiên Chúa và của chính Thiên Chúa viết trên cuộc đời ngài. Dẫu “bản nhạc” ấy có khi trầm, khi bổng, khi réo rắt tươi vui, khi ảo não thương đau,... của những chặng đường đời với đầy các cung bậc cảm xúc, nhưng tất cả đều hòa quyện và cùng diễn tấu chỉ một bản tình ca duy nhất là Tình Yêu: Một tình yêu không chia sớt, không ảo tưởng, không đơn chiếc, không cường điệu, không đơn phương mà lại đầy tin tưởng, trung trinh, và trao hiến hoàn toàn cho nhau giữa cả hai đối tượng yêu đương. Một tình yêu mà sự “vắng mặt” của Người Yêu Dấu cũng không thể nào làm giảm bớt sức thiêu đốt của ngọn lửa tình yêu luôn âm ỉ trong tận thâm sâu của Linh Hồn. Một tình yêu kỳ lạ và sẽ là không tưởng của một con người dành tặng cho Đấng Tình Quân Vô Hình và của Đấng ấy dành riêng cho một tạo vật nếu nó không được xây dựng trên niềm tin tinh ròng, chắc chắn trong một trái tim khiêm nhường và đơn sơ trong cõi lòng. Và, sẽ chẳng ai có thể chấp nhận được sự tồn tại của một tình yêu như thế, nếu không cảm nghiệm bằng cả trái tim trên nền móng của một Đức Tin vững vàng vào một “vị Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16).

          Trong một cuộc trò chuyện tâm linh với vị linh mục đồng hành của mình, khi nhắc đến hai chữ Tình Yêu, tôi đã được nghe một lời chia sẻ đầy trải nghiệm của ngài: “Tình Yêu thì không phải chỉ để nói, nhưng là để sống”. Chắc hẳn vị linh mục đó đã đúc rút ra từ cuộc đời của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và đã trải qua thử nghiệm nơi bản thân mới nói lên được như thế. Tham chiếu vào suốt hành trình cuộc đời của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chúng ta có thể hiểu rõ về điều này. Quả thế, xuyên suốt cuộc đời thánh nữ là cả một hành trình trao hiến liên lỉ trong tình yêu được nhận thấy nơi tất cả mọi cử chỉ, hành động, lời nói, suy nghĩ và cả những thổn thức suy tư... Trong tập Nhật Ký của mình, ngài cũng đã nói một cách rõ ràng về nỗ lực trao hiến này: “Con muốn yêu, yêu Giêsu bằng tất cả sự say đắm, trao tặng Người muôn vàn dấu chứng tình yêu đến khi con còn có thể”[1].

Ai đã từng đọc cách say mê tập Nhật Ký của Têrêsa chắc hẳn sẽ dễ dàng cảm nhận được một tình yêu không phải chỉ duy từ phía Thiên Chúa dành tặng riêng cho Têrêsa, nhưng còn là sự đáp trả một cách hoàn toàn và say đắm của Têrêsa dành cho Thiên Chúa. Sự đáp trả đó không chỉ bằng lời nói, không chỉ là sự mơ mộng, ảo tưởng, không chỉ theo cung bậc cảm xúc mang tính giai đoạn, nhưng là trong tất cả mọi sự, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất và trong mỗi giây phút của cuộc đời ngài. Tất cả mọi hành vi đều trở thành “dấu chứng” tình yêu mà Têrêsa dành tặng cho Người Tình Giêsu. 

Trở về những trang đầu của cuộc đời Têrêsa, chúng ta sẽ dễ có cảm giác “ghen tị” với những ân huệ lớn lao mà Chúa đã dành tặng riêng cho chị thánh. Một tâm hồn nhạy cảm với một trí thông minh tuyệt vời, kèm theo một trí nhớ đặc biệt nơi bé Têrêsa. Hơn nữa, ngài được nuôi dưỡng trong một gia đình với nền tảng Đức Tin vững chắc, và tràn đầy tình yêu. Có lẽ, Thiên Chúa đã ưu ái sắp đặt để bảo vệ cho người Ngài đã chọn. Một sự tặng ban nhưng không và quá ư tuyệt diệu đến nỗi nhiều người khi “nhìn” vào gia đình ông Martin qua mô tả của thánh nữ Têrêsa trong tập Nhật Ký của ngài đã phải thốt lên: “Như vậy mà không thành thánh mới là lạ!” hay, “Chúa buộc Têrêsa phải nên thánh!”. Có lẽ, cả chúng ta nữa, nếu chỉ dừng lại ở những ân ban đã được dành cho Têrêsa, không ai không khỏi thầm ghen tị và trách Thiên Chúa sao lại thiếu công bằng với ta. Nhưng, cũng chính trong tập Nhật Ký ta có câu trả lời cho những thắc mắc này. Một lần nọ, bé Têrêsa thắc mắc cùng chị gái Pauline “Tại sao Chúa Nhân Lành không ban vinh quang trên Trời bằng nhau cho tất cả những kẻ Người chọn, con sợ rằng mọi người không đều được hạnh phúc?!?”[2], và Pauline đã giải đáp cho Têrêsa bằng việc rót đầy nước vào hai cái ly, một cái lớn của ông bố Martin và một cái nhỏ của Têrêsa và hỏi cái nào đầy hơn. Têrêsa đã có câu trả lời và đó chắc hẳn cũng là câu trả lời cho tất cả chúng ta: “cả hai cái đều đầy và không thể nào đổ thêm nước quá sức chứa của chúng”[3]. Từ đó, Têrêsa đã “bước đi” trong những ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã dành (riêng) cho mình.

Chặng đường thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa là cả một quá trình tìm kiếm Ơn Gọi mà Thiên Chúa muốn ngài thực hiện. Thực ra, thánh nữ đã sống chính cái Ơn Gọi mà mãi lâu sau này ngài mới thốt lên: “Ôi Giêsu Tình Yêu của em... cuối cùng em đã tìm thấy ơn gọi của em, ơn gọi của em chính là Tình Yêu”[4]. Thánh nữ đã bước đi trong Tình Yêu từ khi còn thơ bé, bởi khi ao ước “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) thì ngài đã từng bước diễn tả về Ơn Gọi Tình Yêu bằng chính sự kết hợp trọn vẹn trong tình yêu với Giêsu – Người Yêu Dấu. Một kỷ niệm, hay nói đúng hơn là một cử chỉ kết hợp nổi bật để diễn tả điểm này đó là cái mà ngài gọi là “Nụ Hôn Đầu Tiên”[5]. (Đây cũng là điều đã đánh động mãnh liệt trong tâm hồn tôi. Bởi lẽ, suy về cái ngày hạnh phúc tột cùng đó của Têrêsa và cả những ngày ngài chờ đợi cho được đón nhận những “Nụ Hôn” tiếp theo của Giêsu nữa, tôi lại nghĩ đến trạng thái tâm hồn mà biết bao lần đã đón nhận “Nụ Hôn Của Giêsu” cách vô ý thức có khi đến mức “dửng dưng” của mình. Ôi! Thật đáng thương thay cho linh hồn tôi khi đối chiếu với lòng ao ước của cô bé 11 tuổi và những sự ngọt ngào được đổ tràn cho tâm hồn đầy ý thức ấy).

Càng lớn lên về mặt thể lý, Têrêsa lại càng thêm ý thức cách rõ ràng về tình yêu của mình và càng hiểu rõ hơn về cách thức để làm hài lòng Chúa Nhân Lành. Têrêsa cũng dần minh định khao khát dấn thân cách trọn vẹn cho Giêsu – Người Yêu Dấu. Chúng ta cũng dần nhận ra một Têrêsa đơn sơ nhưng không tầm thường như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi lẽ, nơi Têrêsa mà qua tập Nhật Ký của chị, ta thấy cả một kho tàng Thánh Kinh sống động và cả những kinh nghiệm tâm linh cao vời. Nơi Têrêsa ta cũng tìm thấy những tư tưởng lớn lao và sâu nhiệm về Thiên Chúa – tuy “cổ kính” nhưng lại rất “tân thời” và được diễn tả vô cùng mới mẻ và sống động. Nơi Têrêsa, ta cũng lại “thấy thêm lần nữa” kinh nghiệm sống tình yêu cách hoàn hảo của các thánh, mà điển hình là Gioan Thánh Giá, vị thánh và là người Cha thiêng liêng của Têrêsa.
 
Quả thế, xuyên suốt trong cuốn Nhật Ký của mình, Têrêsa đã khéo léo diễn tả thứ trải nghiệm tâm linh mà chỉ những ai một cách nào đó đang kết hiệp trong cùng một Tình Yêu mới có thể mô tả và cắt nghĩa được.

          Nơi Têrêsa chúng ta tìm thấy một kho tàng thực sự của tri thức và sự hiểu biết. Suy về tư tưởng và tình yêu nơi ngài, tôi bỗng có một lối khẳng định mà chắc hẳn cần phải minh định nhiều hơn nữa để biết chắc có đúng hay không: Không phải tất cả những ai hiểu biết được thật nhiều, thậm chí là tất cả các Mầu Nhiệm đều có thể đến với sự kết hợp trong Tình Yêu với Thiên Chúa. Nhưng, những tâm hồn, dẫu là tâm hồn khờ dại nhất, bé nhỏ nhất và hèn kém nhất nhưng lại tìm được con đường kết hợp nên một trong tình yêu với Thiên Chúa thì hẳn nhiên lại được ơn hiểu biết mọi Mầu Nhiệm và các Bí Mật còn ẩn dấu.

 Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết rằng, dẫu bằng lòng đơn sơ và tình yêu không chia sớt dành cho Thiên Chúa thì song song với đó là một tâm hồn luôn tìm kiếm ánh sáng soi dẫn từ “Lá Thư Tình Yêu” mà Thiên Chúa đã gởi đến cho nhân loại (theo cách gọi về Kinh Thánh của chị thánh). Như vậy, tình yêu trong Têrêsa là cả một khoa học thực sự, một sự tìm kiếm mà ở đó cái đích đến được đặt lên trên hết mọi niềm khát khao là chính Người Mình Yêu.

 Tình yêu nơi Têrêsa không phải chỉ là những cảm xúc nhất thời, nhưng là cả một cuộc đời; không phải là những đòi hỏi nhưng là một sự trao tặng hoàn toàn; không phải là mù quáng, nhưng là “điên dại” trong một Đức Tin vững vàng với những bảo chứng rõ ràng. Có thể nói, Têrêsa làm tất cả mọi việc đều vì Tình Yêu, cho Tình Yêu và trong Tình Yêu. Mỗi ý nghĩ, lời nói, hay việc làm dù là nhỏ nhặt đều biến thành Món Quà Tình Yêu mà Têrêsa dành tặng cho Người Yêu Dấu, để rồi, tình yêu đó trở thành sức mạnh lan tỏa cứu rỗi các linh hồn. Có thể nói, nơi Têrêsa chẳng có gì khác ngoài Tình Yêu, và đối vời Têrêsa: “Không có Tình Yêu thì mọi công trình chỉ là hư không, dù là các công trình rực rỡ nhất, như làm cho kẻ chết sống lại hay làm cho các dân tộc được hoán cải”[6]. Đúng với những gì mà Têrêsa hằng tâm niệm: “Ai ở dưới đất này muốn là người nghèo khổ nhất, bị quên lãng nhất vì tình yêu Giêsu, người ấy sẽ là kẻ cao cả nhất, quý trọng nhất và giàu sang nhất!...”[7].

          Têrêsa luôn chỉ muốn một điều và cả cuộc đời từ khi bắt đầu có trí khôn cho đến trong những “đêm tối” mịt mù của tâm hồn hay cả khi chiến đấu với bệnh tật thể xác.. cũng chỉ làm một điều duy nhất đó là Làm Đẹp Lòng Giêsu – vị Hôn Phu của mình. Chị đã không mảy may có một suy nghĩ tìm kiếm vinh quang cho mình nhưng chỉ hoàn toàn phó dâng để Thiên Chúa được vinh quang. Thế nhưng, chính Chúa lại đã đội lên triều thiên vinh hiển cho Hiền Thê của Ngài và làm cho Têrêsa được vinh danh hơn bao giờ hết. Đó là vinh quang đích thực của những tâm hồn bé mọn cuối chặng đường tìm kiếm và xây dựng vinh quang của Người Yêu Dấu[8].

 
Xuyên suốt cuốn Nhật Ký của chị thánh Têrêsa là một cuộc trò chuyện liên lỉ và đầy “sắc màu” của chị với Người Yêu Dấu. Đọc những dòng tâm sự rất riêng ấy của Têrêsa với Đấng Tình Quân Giêsu, hẳn chúng ta phải bao lần khựng lại và thổn thức vì một sự kết hợp thật ngọt ngào và đê mê đến thế. Đó là một cuộc trò chuyện thực sự, một sự đối thoại chứ không còn là độc thoại nội tâm, mặc dầu thánh nhân không thể diễn tả hết, không thể truyền đạt cách đầy đủ về diễn tiến của cuộc trò chuyện này cho chúng ta. Và đến chúng ta, chúng ta cũng không thể diễn tả hết trạng thái tâm hồn mình mà trong một phút chốc những lời lẽ này đánh động. Tuy nhiên, khi “tiếp xúc” với cuộc trò chuyện ấy, chúng ta nhận thấy một lời cầu nguyện ngọt ngào và say đắm xuyên suốt cuốn Nhật Ký của chị thánh, và đó là những “chất liệu”, là “thức ăn” cho đời sống cầu nguyện của chính chúng ta.

Cuốn Nhật Ký mà chị thánh Têrêsa đã để lại dẫu vô cùng tuyệt đẹp và tỏa ngát hương thơm cho bao người, nhưng đó cũng chỉ là một cố gắng hết sức có thể của chị thánh để diễn tả về mối tình quá ư cao vời với Người Tình Giêsu. Bởi lẽ, như chính chị thánh đã thổn thức: “..nhưng con không muốn đi sâu vào các chi tiết, đó là những thứ sẽ mất hết hương thơm nếu đưa ra ngoài trời, đó là những tư tưởng của tâm hồn mà khi đem diễn tả bằng ngôn ngữ của trần thế sẽ mất đi ý nghĩa thâm sâu và Thiên Quốc của chúng”[9]. Và, sách Khôn Ngoan cũng đã khẳng định điều này: “Cũng tựa con tàu đi trên sóng nước, ai còn thấy dấu vết nó đã băng qua? Ai còn thấy lằn tàu trên sóng biển” (Kn 5, 10). Vậy, bản tình ca mà Têrêsa đã hát tặng Giêsu - Người Yêu Dấu, chúng ta không thể diễn tả trong chỉ vài từ ngữ thô kệch của trần gian với mức độ tư tưởng còn quá kém cõi của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể nghe đi nghe lại phần nào giai điệu của bản tình ca mà Têrêsa trong khả năng có thể đã ghi lại, để cảm nhận và thêm phần nào chất liệu cho khát vọng tiến đức của mình mà thôi.

(Bài viết thể hiện nhận định và cảm nhận riêng của tác giả sau khi đọc cuốn Nhật Ký Một Tâm Hồn của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu).

Xã Đoài, tháng 12 năm 2015

Peter Thái Hùng

 
[1] Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Truyện Một Tâm Hồn, Hà Nội, NXB Tôn Giáo, 2008, tr 207.

[2] Ibid., tr 103.

[3] Ibid., tr 104.

[4] Ibid., tr 378.

[5] Ibid., tr 158.

[6] Ibid., tr 341, phần chú thích.

[7] x. Ibid., tr 239.

[8] Ibid., tr 296-297.

[9] Ibid., tr 158.