VIII. Hướng về nền văn hóa thương xót (tiếp theo)

4. Tình yêu và lòng thương xót như nguồn cảm hứng và động viên

Về phương diện tiêu cực, tình yêu, từ trong căn bản, vốn loại trừ các hành vi và thái độ đáng trách; về phương diện tích cực, người ta không thể diễn dịch từ tình yêu các qui tắc xét chung có tính trói buộc, cụ thể và chi tiết, hay như người ta thường nói, các quy tắc có tính kỹ thuật đối với việc điều hành kinh tế và chính trị. Nhưng điều đã trở nên rõ ràng là: tình yêu, xét một cách tích cực, có thể là một loại ý niệm có tính qui định và là một nguồn động viên và cảm hứng để ta tìm được và thực hiện được các giải pháp cụ thể. Công Đồng Vatican II nói đến “ánh sáng và năng lực” (28). Người ta cũng có thể nói: tình yêu cung cấp các điều kiện để ta nhìn thấy việc phải làm. Nó mở mắt ta và là lực đẩy cho một thực hành và một nền văn hóa thương xót và công lý (29). Theo nghĩa này, và trong tình thế gay cấn hiện nay, tình yêu có thể thực hiện một đóng góp quan trọng để ta phát triển thêm nữa nhà nước an sinh xã hội hiện đại trong các điều kiện đã thay đổi.
Ta sẽ bắt đầu với xem xét thứ nhất. Cho dù “mạng lưới xã hội” có nắm bắt được các hình thức túng thiếu nghiêm trọng nhất đi nữa, thì vẫn luôn có những người lọt lưới pháp luật. Chỉ những “trường hợp có đủ giấy tờ chính thức” chứng minh mình túng thiếu mới được nhận vào hệ thống trợ giúp của nhà nước hoặc cộng đồng mà thôi. Ngoài ra, cảnh túng khổ có rất nhiều khuôn mặt mới khác nhau và luôn thay đổi. Cho nên, mọi hệ thống xã hội, bất kể được suy nghĩ thấu đáo bao nhiêu, cũng nhất thiết có lỗ hổng và tiếp tục có nhiều lỗ hổng. Bất cứ ai muốn giải quyết mọi gian khổ và cấp bách theo cung cách bàn giấy chắc chắn đã xây dựng một hệ thống thư lại kềnh càng, mà cuối cùng sẽ quá tải dưới sức nặng quá nhiều luật lệ của mình vì không tài nào bao trùm được mọi hoàn cảnh. Hệ thống này sẽ bóp nghẹt sự sống dưới khối lượng luật lệ, đành giao phó các cá nhân túng thiếu cho một hệ thống thư lại vô danh, trong đó, cá nhân, cuối cùng, chỉ còn là một con số, một trường hợp. Một hệ thống như thế, về phương diện kỹ thuật, có thể thích đáng tới một mức độ nào đó, nhưng nó hoàn toàn bất nhân.

Trong thông điệp Deus Caritas Est, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI viết:

“Tình yêu - caritas - vẫn luôn cần thiết, ngay cả trong xã hội công bằng nhất. Không có một trật tự công bằng của Nhà nước nào có thể xem công tác bác ái là thừa thãi. Ai muốn loại bỏ tình yêu thì cũng đồng thời không xem con người là con người nữa. Vẫn luôn luôn có khổ đau cần đến sự an ủi và trợ giúp. Vẫn luôn luôn còn có sự cô đơn. Vẫn luôn luôn còn có những trường hợp thiếu thốn vật chất, nơi mà sự trợ giúp theo nghĩa thực hiện tình yêu tha nhân là cần thiết [20]. Nhà nước nào muốn chu cấp tất cả, tập trung tất cả về mình, cuối cùng cũng chỉ trở thành một cơ chế bàn giấy, không thể bảo đảm những gì thiết yếu cho những người đau khổ - cũng như cho mọi người : đó là sự quan tâm đầy tình thương cho từng cá nhân. Chúng ta không cần một Nhà nước quy định và thống trị tất cả, nhưng ngược lại, một Nhà nước thích ứng với nguyên tắc bổ trợ, công nhận và hỗ trợ cách quảng đại cho những sáng kiến xuất phát từ những sức mạnh xã hội khác nhau và phối hợp tính bộc phát để gần gũi với những con người cần được trợ giúp. Hội Thánh là một sức mạnh sống động như thế. Trong Hội Thánh, năng động của tình yêu được triển khai từ Thánh Thần của Đức Kitô đang hoạt động, tình yêu này mang đến cho con người không những sự hỗ trợ vật chất, nhưng còn củng cố tinh thần và cứu chữa, là điều còn cần thiết hơn các hỗ trợ vật chất. Định kiến cho rằng, những cơ cấu công bằng sẽ xem các hoạt động bác ái là không cần thiết, thật sự che giấu một hình ảnh con người theo hướng duy vật : một niềm tin lệch lạc, cho rằng con người chỉ sống bằng 'cơm bánh' (Mt 4,4 ; x. Đnl 8,3), một quan niệm chà đạp con người và vì thế không nhận ra tính nhân bản đặc thù của con người” (bản tiếng Việt của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Hội Đồng Giám Mục VN) (30).

Bây giờ là xem xét thứ hai. Thế giới không bao giờ chấm dứt; các hoàn cảnh túng thiếu, nghèo đói mới, hoặc các cuộc khủng khoảng khác luôn xuất hiện. Không có lòng thương xót, các khẩn cấp mới thường không được khám phá. Ta cần những người trước nhất nhận rõ cuộc khủng hoảng mới, thường xẩy ra bất ngờ, và là những người cho phép mình xúc động vì nó, những người có lòng và có can đảm, bao nhiêu có thể, để nhất định đưa ra hành động chữa trị, đáp ứng trường hợp cụ thể này. Không có lòng thương xót như thế, căn bản động viên để khai triển thêm luật lệ xã hội sẽ không còn. Vì thế, xã hội ta, dù có một hệ thống xã hội vận hành rất tốt cách chung, sẽ không thể quản trị nếu không có lòng thương xót. Jürgen Habermas đã từng chỉ rõ rằng đặc biệt đứng trên góc độ các vấn đề to lớn hiện ta đang phải đương đầu, không có nền tảng tôn giáo này, sự thúc đẩy về xúc cảm sẽ không có để ta dấn thân cho một thế giới công chính (31). Thành thử, người ta có thể coi lòng thương xót là nguồn suối canh tân và động viên của công lý.

Thí dụ cụ thể là vấn đề tầm trú và di dân. Cả hai đều là “các dấu chỉ thời đại”. Tầm trú đối với những người đang bị bách hại là một nhân quyền. Điều này hoàn toàn đúng: “Ta là khách lạ và các con đã nghinh đón Ta” hay “không nghinh đón Ta” (Mt 25:35, 43). Dưới góc độ các lời lẽ rõ ràng không mơ hồ này, người ta phải trung thực hỏi xem có phải các chính sách tầm trú đang hiện hành tại nhiều quốc gia, tuy tự mô tả là thượng tôn pháp luật, có là gì khác ngoài là các chính sách có vấn đề, thậm chí, gây tai tiếng không. Vấn đề di dân còn khó khăn hơn nữa. Di dân vô giới hạn chắc chắn là điều bất khả. Ngay trong xã hội ta, nó cũng có thể làm ngưng đọng mọi sự đến độ xã hội này không còn là nơi trú ẩn nữa. Chính trị phải can thiệp ở đây bằng luật lệ. Câu hỏi là làm thế cách nào. Việc nhận người lạ hoàn toàn phù hợp với nhân đức hiếu khách (Mt 25:38, 41), một nhân đức được cả Cựu lẫn Tân Ước và toàn bộ truyền thống Giáo Hội coi trọng. Người ta phải coi là tai tiếng cung cách người Âu Châu chúng ta thường xử sự với những con người nhân bản đến với chúng ta, vì nghèo đói cũng như vì bị bách hại và kỳ thị. Như hế, việc di dân khắp thế giới đặt ra cho chúng ta thêm nhiều câu hỏi và nhiều thách đố mới cho giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

Xem xét thứ ba là có những hình thức túng thiếu và nghèo đói không thể diễn tả bằng lợi tức bình quân tính theo đầu người (per capita), vốn là điều cần thiết để thỏa mãn các nhu cầu căn bản của đời sống. Ta còn có sự thiếu thốn và nghèo nàn về tâm lý hay xúc cảm nữa, nghèo nàn về liên hệ, cô đơn và cô lập; cả nghèo nàn văn hóa cũng như nghèo nàn các phương tiện giáo dục và nghèo nàn trong việc tham gia tích cực vào sinh hoạt văn hóa xã hội; sau cùng, còn cảnh nghèo tâm linh nữa, được mô tả như trống rỗng nội tâm, mất hết ý nghĩa và hướng đi, có thể kết liễu ở việc suy thoái tinh thần con người (32). Những hoàn cảnh này hết sức tuyệt vọng và rất phổ biến cả trong, và nhất là ở trong, các xã hội phát triển và giầu có. Trong các hoàn cảnh này, các hệ thống xã hội tốt đẹp nhất cũng chỉ có thể cung cấp những trợ giúp có giới hạn mà thôi. Chỉ những quan tâm và liên hệ bản thân mới có thể cung cấp sự trợ giúp trong phần lớn các hoàn cảnh này. Sự sống con người và các xã hội thực sự nhân ái không thể nào có được nếu không có tình bạn, tình cộng đồng, tình liên đới và cả lòng thương xót nữa.

Thứ tư: nhà nước thuần an sinh, cuối cùng, sẽ có nguy cơ biến cả lòng thương xót thành một thứ kinh doanh kinh tế. An sinh công cộng bị thương mãi hóa và bị biến thành một chuyện buôn bán nửa phần có lợi. Ngày nay, ta thấy điều này xẩy ra khi lãnh vực bệnh viện càng ngày càng được cơ cấu hóa theo các chuẩn mức hoàn toàn kinh tế và trở thành một doanh nghiệp kinh tế, nhằm lợi nhuận, đại qui mô. Ngành chăm sóc người già cũng thế. Chăm sóc mà chỉ quan tâm giữ cho các công dân cao niên được sạch sẽ và ăn no đâu có đủ công lý đối với các nhu cầu nhân bản của họ. Một nhà nước an sinh xã hội bị kinh tế hóa và thương mãi hóa chỉ sản sinh ra sự lạnh lùng và vô cảm trong xã hội, những thứ vốn không dành chỗ cho những dòng nước mất dấu kín, cô đơn và những vấn đề bản thân sâu tận cõi lòng. Nhà nước an sinh xã hội có thể cung cấp một số tiện nghi, nhưng nó không thể đem lại cho người ta điều họ cần hơn cả, tức là, những con người biết lắng nghe họ, tương cảm với họ, và tỏ lòng cảm thương họ. Không có sự tương cảm và thiện cảm này, hiểu theo nguyên nghĩa của chúng, nghĩa là cảm thương, chia sẻ niềm vui, thế giới sẽ trở nên lạnh lùng và đời sống sẽ hết chịu nổi. Chúng ta, chính phủ liên bang, không thể bố trí và ra luật lệ qui định sự quan tâm và lòng thương xót; chúng ta không thể biến chúng thành một ý thức hệ phổ quát. Lòng thương xót và sự quan tâm là một điều có tính bản vị. Ta chỉ có thể động viên và gây hứng để người khác có lòng thương xót và biết quan tâm.

Sau cùng: tình yêu và lòng thương xót có chỗ đứng trước nhất nơi các mối liên hệ gần gũi của ta. Nhưng chúng cũng là điều kiện căn bản đối với cuộc sống cộng đồng và đối với sự sống chung của các dân tộc. Sau các tàn ác của Thế Chiến II, không những cần phải có sự bồi thường vật chất, mà còn cần có sự hòa giải sâu sắc giữa người Đức và người Pháp, người Ba Lan, và nhất là người Do Thái. Muốn có sự hòa giải này, trước đó phải có việc suy nghĩ lại, và, đúng ra, sự hồi tâm và tha thứ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói rằng:

“Một thế giới loại bỏ hết sự tha thứ sẽ không còn là gì mà chỉ còn là một thế giới công lý lạnh lùng và vô cảm, nhân danh nó, mỗi người sẽ đòi quyền riêng của mình đối với người khác; đủ loại vị kỷ vốn ẩn tàng trong con người sẽ biến đời sống và xã hội con người thành một hệ thống người mạnh áp bức người yếu, hay thành một đấu trường tranh chấp liên miên giữa nhóm này và nhóm khác” (33).

Bởi thế, theo một kiểu nói được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đưa ra đầu tiên, rồi được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI lặp lại, bên trên nền văn hóa công lý, ta cần phải xây dụng cho bằng được “nền văn hóa tình thương” (34). Nếu có nơi nào, thì chắc chắn ở đấy Giáo Hội và các nhóm trong Giáo Hội phải đóng góp một điều gì đó vào việc nhân bản hóa xã hội và các dịch vụ xã hội. Giáo Hội và các nhóm trong Giáo Hội phải giúp nhà nước an sinh xã hội của chúng ta để nó duy trì được linh hồn của nó.

5. Ý nghĩa xã hội của các việc thương người

Muốn làm cho các điều trên được cụ thể hơn, ta nên nhớ lại một lần nữa các việc thương người phần xác và phần hồn (35). Từ các việc này, một sức mạnh gây hứng và động viên có thể trổ sinh ngay trong các lãnh vực chính trị và xã hội. Không khó khăn gì nếu ta muốn liên kết các việc thương người này với các trách vụ và thách đố xã hội quan trọng trong xã hội ta, ngõ hầu hiểu rõ sứ điệp thương xót của Giáo Hội có nghĩa gì trong hoàn cảnh hiện nay. Ngày nay, sứ điệp này trở nên rất cần thiết (36).

Liên quan đến các việc thương người về phần xác, có lẽ ta có thể nghĩ tới bốn chiều kích đã nhắc trên đây của cảnh nghèo, hay cảnh nghèo cá thể và cảnh nghèo cơ cấu. Ta có thể nghĩ tới cảnh: mỗi ngày, hàng ngàn người, nhất là các trẻ em, chết vì thiếu dinh dưỡng và kém dinh dưỡng; ta cũng có thể nghĩ tới cảnh hàng triệu con người thiếu nước có thể uống được. Ta cũng có thể nghĩ tới việc di dân như một dấu chỉ thời đại và, do đó, cũng là một thách đố của thời ta: trách vụ phải hội nhập người nước ngoài chẳng may sa vào khó khăn tại quê nhà và mong được chúng ta tiếp nhận. Trong bối cảnh này, ta có thể nghĩ tới bổn phận phải chống trả óc bài ngoại và thù nghịch đang mỗi ngày mỗi gia tăng đối với người nước ngoài. Hơn nữa, ta có thể nghĩ tới vấn đề người không nhà và trẻ em ở đường phố trong rất nhiều thành phố lớn trên thế giới. Ta dễ dàng liên kết lời khuyên thăm viếng bệnh nhân với các xu hướng kinh tế hóa hiện nay và xu hướng phi bản vị hóa kèm theo trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, hoặc liên kết lời khuyên thăm viếng tù nhân với trách vụ nhân bản hóa hệ thống trừng phạt.

Các việc thương người về phần hồn cũng có nhiều liên quan. Nghĩa vụ “mở dạy kẻ mê muội” trở nên thích đáng vì hiện có nhiều thiếu sót trong hệ thống giáo dục hay vì việc giáo dục và huấn luyện không có sẵn khiến nhiều người không có cơ hội tiến thân trong xã hội. Nghĩa vụ “yên ủi kẻ âu lo” dẫn tới việc huấn đạo những người buồn sầu; lời khuyên “lấy lời lành mà khuyên người” dẫn tới trách vụ cung cấp các dịch vụ huấn đạo. Các dịch vụ này càng trở nên thích đáng gấp bội trong hoàn cảnh khó lòng còn có các tiêu chuẩn có giá trị phổ quát nữa và nhiều người bị áp đảo bởi tính phức tạp của cuộc sống hiện nay. Lời khuyên “răn bảo kẻ có tội”, trong số nhiều điều khác, dẫn tới việc gây ý thức đối với các cơ cấu bất chính và vạch trần cảnh bất công có tính cơ cấu. Bổn phận “nhịn kẻ mất lòng ta” liên quan đến việc khoan dung trong xã hội đa nguyên của ta. Sau cùng, lời khuyên “tha kẻ dể ta” khiến ta nghĩ tới ý nghĩa chính trị của cố gắng làm việc cho hòa bình và hòa giải.

Để có thể hoàn tất việc phục vụ trên trong xã hội, Giáo Hội cần các phương tiện nhân đạo, nhưng không cần mình phải lớn và mạnh cũng không cần chỉ huy cả một bộ máy thư lại lớn. Giáo Hội không cậy nhờ các đặc quyền trần thế và, thực sự, phải khước từ chúng (37). Giáo Hội giả thiết phải sống và làm việc trong thế gian, nhưng không thuộc thế gian (Ga 17:11, 14) và, do đó, không nên hành động như thế gian cũng không điều hành theo các tiêu chuẩn thế gian. Căn cứ vào cuộc đời Thánh Don Bosco, ta biết ngài bắt đầu các công việc của ngài với rất ít hoặc không có gì cả và cho đến cùng, niềm tin tưởng vào Chúa Quan Phòng đã không bao giờ làm ngài thất vọng. Hơn các định chế khác, Giáo Hội có thể và nên dựa vào việc dấn thân tự nguyện và được động viên cao độ của các thiện nguyện viên. Là Giáo Hội nghèo dành cho người nghèo, vào một thời nghèo nàn về tri thức, Giáo Hội lại càng có thể phát triển nhiều hơn nữa thế giá tinh thần, sức mạnh truyền giáo mới mẻ đầy thuyết phục và các đặc sủng của mình (38). Nước Thiên Chúa xuất hiện dưới hình thức hạt mù-tạt nhỏ xíu nhưng đã mọc thành bụi cây lớn; nó giống như một chút men làm dậy cả một máng bột (xem Mt 13:31-33). Và chính vì là một cộng đồng nhỏ nhưng đầy sáng tạo, Giáo Hội cũng có thể gây được một ảnh hưởng luân lý, trí thức và tâm linh lớn lao (39).

Kỳ sau: 6. Lòng thương xót và vấn đề Thiên Chúa
___________________________________________________________________________________________
(28) Đã dẫn, 42tt.
(29) Marx, Das Kapital, 143.
(30) Đức Bênêđíctô XVI, Deus Caritas est (2005), 28b.
(31) Jürgen Habermas, “Die Krise des Wohlfahrtsstaates und die Erschӧpfung utopischer Energien”; Habermas, “Glaunen und Wissen”; Wolfgang Ockenfels, Was kommt nach dem Kapitalismus?
(32) Paul M. Zulehner, Gott ist grӧẞer als unser Herz (1 John 3, 20): Eine Pastoral des Erbarmens (Ostfildern: Schwabenverlag, 2006), 74.
(33) Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia (1980), 14
(34) Xem ghi chú 19.
(35) Xem chương VI, 3.
(36) Muốn coi cuộc thăm dò chi tiết về vấn đề này, xem Paul M. Zulehner, Gott ist grӧẞer als unser Herz, 70-152.
(37) Gaudium et Spes, 76.
(38) Walter Kasper, Katholische Kirche: Wesen-Wirklichkeit-Sendung (Freiburg i.B.: Herder, 2011) 65tt, 482tt.
(39) Walter Kasper, Katholische Kirche, 65tt.