CN 12C THƯỜNG NIÊN
L

Có lẽ một số người trong chúng ta còn nhớ câu chuyện mà Khái Hưng và Nhất Linh, trụ cột trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn đầu bán thế kỷ 20 đã kể về đôi vợ chồng nghèo tên Thức và Lạc, phải đi vớt củi kiếm sống. Chẳng may gặp dòng nước lũ xoáy cuốn luôn bè chìm. Người chồng cố dìu vợ vào bờ, nhưng rất khó khăn, có nguy cơ chết cả hai. Người vợ chợt nghĩ tới thằng Bò, cái Bé, cái Nhớn đang trông ngóng bố mẹ trở về, nên đã từ từ buông tay ra không bám lấy chồng nữa để chồng có thể đủ sức bơi vào bờ một mình, còn mình thì chìm dần, chìm dần rồi mất hút.

Đầu đề của truyện ngắn này là : “Anh Phải Sống.” Anh phải sống, đồng nghĩa với “Em phải chết” !

Trong cuộc sống hằng ngày, khi chỉ có một con đường để đi, chỉ có một lối để thoát, chỉ có một giải pháp duy nhất, thì ta vẫn thường dùng chữ “phải,” chứ không dùng “có thể, có lẽ”. Anh phải đi. Em phải chết. Con phải lấy anh ta. Anh phải yêu em. Không còn con đường nào khác.

Hôm nay trong lúc quan trọng, bài Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu bắt đầu hé mở cho các tông đồ biết con đường mà Chúa Giêsu phải đi, con đường ba chữ PHẢI. Chúa phải chịu đau khổ, phải bị loại bỏ, cuối cùng Ngài sẽ phải bị giết chết.

Trước khi chúng ta tìm hiểu con đường ba chữ PHẢI, tại sao Chúa phải đi con đường đó, chúng ta thử hỏi xem có thể có con đường nào khác không ?

1. Có thể có con đường nào khác không ?

Tông đồ Phêrô khi nghe Thầy mình loan báo con đường ba chữ phải này, thì kéo Chúa Giêsu ra nói nhỏ : Thầy không thể như thế đâu. Còn lý lẽ của loài người lúc nào cũng muốn gào to lên rằng : Chẳng lẽ không có con đường nào khác nhẹ nhõm hơn, dễ dàng hơn để cứu độ trần gian sao ? Nếu để tạo dựng nên vũ trụ bao la, muôn loài muôn vật, Thiên Chúa chỉ phán một lời là có mọi sự, thì tại sao để cứu chuộc, để hồi phục, Ngài không dùng con đường quyền phép đó : chỉ phán một lời mọi sự đâu vào đó.

Hoặc nếu cần, thì sai phái các thiên sứ Kerubim, Seraphim, hay cao hơn nữa, ra lệnh cho các Tổng lãnh Thiên sứ Micael, Gabriel, Raphael xuống trần gian để cứu chuộc. Vượt lên trên đó, Thiên Chúa đã chọn một con đường cực kỳ diệu là đích thân hoá mình làm người để xuống trần. Vậy là chưa quá đủ sao, mà lại còn phải chận bớt khoảng rộng để đi vào con đường quá hẹp hòi, gai góc là phải chịu đau khổ nhiều, phải bị loại bỏ, phải bị giết. Thiên Chúa quyền phép vô cùng, toàn năng vô song muốn gì được nấy, lại nhân từ vô cùng nữa, sao lại để Con của mình cũng là Thiên Chúa phải đi vào con đường khó hiểu như vậy, con đường chẳng có vẻ nhân từ chút nào, chứ chưa nói là con đường của Đấng nhân từ vô cùng.

Cũng vì vậy mà các Tông đồ vấp phạm vì con đường này, còn Phêrô, thì kéo Đức Giêsu về phía mình, một cử chỉ sỗ sàng song thành thực của một dân chài bộc trực như muốn ân cần săn đón, giữ gìn và giật người bạn, người thầy của mình khỏi hiểm nguy, kèm theo lời nói: Thầy đâu thể như thế được ! Nhưng Đức Giêsu đã nổi xung thiên về lời nói đó của Phêrô bằng cách đuổi Phêrô đi cũng bằng một lời như khi đuổi ma quỉ cám dỗ trong sa mạc: Satan, hãy xéo đi !

Vậy con đường Đức Giêsu đi là con đường ba chữ PHẢI, chứ không phải con đường “có thể” để đổi thay, để can gián. Và vì nhất thiết phải đi con đường dẫn tới cái chết do người ta giết, nên ta thử tìm hiểu ý nghĩa con đường Chúa đi đó.

2. Tại sao Chúa phải đi con đường ba chữ “phải” đó ?

Trả lời dễ dàng nhất là chúng ta không trả lời được. Hay nói cách khác: ta không hiểu nổi tại sao Chúa phải đi con đường đó. Chữ PHẢI đây không phải là tất yếu của định mệnh : như nghèo thì phải khổ. Bệnh thì phải đau. Đói thì phải rách. Không học thì phải dốt. Nhưng PHẢI ở đây là điều cần thiết trong kế hoạch của Thiên Chúa, ăn khớp với chương trình của Ngài trên nhân loại, mà chương trình và tư tưởng của Ngài thì vượt xa ý nghĩ của con người. Sách Isaia (55, 6-9) ghi : “Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối tư tưởng của Ta cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu”. Cách xa nhau như vậy làm sao ta hiểu nổi kế đồ của Thiên Chúa ! Khi la Phêrô là Satan : Hỡi Satan hãy xéo đi, thì Chúa cũng nói như vậy : vì ngươi chẳng hiểu biết gì những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ biết những gì thuộc về loài người.

Nhưng chúng ta có Chúa Thánh Thần, có Chúa Phục sinh. Chúa Thánh Thần soi sáng chúng ta, còn Chúa Phục sinh giải thích cho ta như xưa Chúa Phục Sinh đã giải thích cho hai môn đồ trên đường Emmau (Lc 24,25) : “Hỡi những kẻ kém trí và chậm tin, Đức Kitô há không phải chịu thương khó chịu chết rồi mới vào nơi vinh hiển sao ?” Vậy thì Chúa Phục Sinh đã giải thích và Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho ta hiểu phần nào, tại sao Đức Kitô phải chịu đau khổ, phải chết.

Càng dày lịch sử, càng lắm giải thích. Cho đến nay người ta ghi nhận ít là bốn giải thích này để trả lời cho câu hỏi Tại sao. Tại sao Chúa phải đi con đường đau khổ và chết ? Mỗi giải thích là một cours thần học, nhưng chúng ta chỉ lấy kết luận thôi.

1) Chân lý được khẳng đình rõ nhất là bằng cái chết. Dùng cái chết để chứng minh, thì lời chứng đó hùng hồn nhất (Các thánh Tử đạo sẵn sàng chết để chứng minh Đạo mình theo là Đạo thật ; vợ chàng Trương trầm mình chết để chứng minh mình ở nhà không phản bội chồng ; các võ sĩ đạo Nhật sẵn sàng chết để chứng minh sự thật).

2) Chúa đi con đường đó không phải để đau khổ, để chết nhưng để diễn tả tình yêu cho đến cùng, “Không có tình yêu nào lớn hơn là chết vì người mình yêu.” Mà Thiên Chúa là Tình yêu !

3) Đức Kitô chết để làm giá chuộc cho chúng ta. Người mang thương tích để anh em được chữa lành. Người đã chết – để anh em được sống . Thánh Phaolô nói : Anh em được chuộc bằng giá rất cao : giá máu Con Chúa. Chứng tỏ loài người chúng ta rất có giá.

4) Để lại một mẫu mực cho chúng ta. Nếu Đức Kitô không đau khổ, không chết thì khi con người chúng ta bản tính là hay chết, thân phận là lưu đày đau khổ, chúng ta biết nhìn vào ai, soi vào gương nào để tiến bước khi gặp chết chóc khổ đau.

Cũng chính vì vậy mà trong Bài Tin Mừng hôm nay, sau khi vạch con đường 3 chữ phải, Chúa Giêsu thêm : “Ai muốn đi sau tôi : Hãy bỏ mình vác thập giá mà theo.”

Trong kinh Tin Kính chúng ta sắp xướng đây, chúng ta hãy cùng tuyên xưng, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, Đức Giêsu, để biểu lộ lòng thương xót của Chúa Cha, đã phải đi con đường thập giá và phải chết thời Phongxiô Philatô. Lời chúng ta tuyên xưng cũng là lời nhắc nhở khuyến khích nâng đỡ an ủi chúng ta khi chúng ta bước theo con đường 3 chữ phải của Ngài.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm