Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha và hai linh mục phụ giúp ngài đang tiến lên bàn thờ trong khi ca đoàn Sistina của Tòa Thánh và cộng đoàn hát “Misericordes sicut Pater” là bài hát chính thức của Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá khai mạc buổi canh thức.
Nhân danh Cha, và Con+ và Thánh Thần.
Cộng đoàn: Amen
Đức Thánh Cha: Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.
Cộng đoàn: Và ở cùng cha.
Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện:
Lạy Cha là Chúa Tể Trời Đất là nguồn mạch của sự ủi an, Đấng hứa ban trời mới đất mới cho những người lữ hành trong dòng đời, xin ủi an tâm hồn dân Chúa, là những người trong đức tin và sự thánh thiện đang trên đường lữ hành hướng về ngày vinh quang Chúa được tỏ lộ viên mãn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Cộng đoàn: Amen.
Các thành viên của một gia đình và hai cá nhân đã trải qua những loại đau khổ khác nhau trong cuộc sống của họ đã lần lượt trình bày các chứng từ của họ trước cộng đoàn về những trải nghiệm đau đớn của họ và cách họ được giúp đỡ để phục hồi từ những đau khổ này.
Sau chứng từ thứ nhất của một gia đình, cộng đoàn cùng hát bài “Resta con noi, Signore, la sera”, nghĩa là “Ở lại với chúng con, Chúa ơi, vì trời đã tối”.
Giờ đây cộng đoàn nghe bài trích sách Tiên Tri Isaia (40, 1-5. 9-11)
Thiên Chúa anh em phán: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta:
Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành:
thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong,
vì Thành đã bị tay ĐỨC CHÚA giáng phạt gấp hai lần tội phạm.”
Có tiếng hô:
“Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA,
giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng
cho Thiên Chúa chúng ta.
Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,
mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,
nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng,
chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.
Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện,
và mọi người phàm sẽ cùng được thấy
rằng miệng ĐỨC CHÚA đã tuyên phán.”
Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao.
Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem,
hãy cất tiếng lên cho thật mạnh.
Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng:
“Kìa Thiên Chúa các ngươi! “
Kìa ĐỨC CHÚA quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền.
Bên cạnh Người, này công lao lập được,
trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.
Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.
Cộng đoàn đang nghe chứng từ thứ hai.
Sau chứng từ thứ hai cộng đoàn hát lại bài “Resta con noi, Signore, la sera”, nghĩa là “Ở lại với chúng con, Chúa ơi, vì trời đã tối”.
Kế đó cộng đoàn nghe bài trích thư Thánh Phaolô gởi dân thành Côrintô (1:1-7)
Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su. Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.
Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Cộng đoàn đang nghe chứng từ thứ ba.
Sau chứng từ thứ ba cộng đoàn hát lại bài “Resta con noi, Signore, la sera”, nghĩa là “Ở lại với chúng con, Chúa ơi, vì trời đã tối” và nghe một bài giảng của Thánh Gregorio Nazianzeno, Giám Mục Thành Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, sinh năm 329 và qua đời năm 390.
Trong bài suy niệm, Thánh Gregorio Nazianzeno viết
“Chúng ta không cử hành với những gì là không xứng đáng, nhưng với sự thanh khiết và niềm vui của tinh thần, và với những ngọn đèn thắp sáng toàn bộ nhiệm thể của Giáo Hội, đó là những chiêm niệm và tư tưởng của Thiên Chúa, chiếu sáng toàn bộ thế giới.
Anh em thân mến, chúng ta không khó khăn đối với những ai làm điều sai trái chống lại chúng ta, chúng ta không vì những tư riêng của mình mà lên án. Nhưng, chúng ta trình bày giáo huấn của Chúa Kitô, Đấng, nhận được vinh quang từ đau khổ vô biên. Trước Thiên Chúa, chúng ta chỉ biết cảm tạ vì bao nhiêu điều tốt lành Ngài tuôn đổ trên chúng ta. Chúng ta giành chiến thắng với lòng thương xót những người đã áp bức chúng ta và với sự tha thứ được hình thành bởi sự hiền lành và sức mạnh Chúa ban cho chúng ta.
“Các ngươi đong cho ai đấu nào thì cũng sẽ được đong trở lại như thế”
Nếu ai đó gây ra những đắng cay trên chúng ta, chúng ta hãy để lại những điều ấy cho Thiên Chúa và tòa án thế giới bên kia. Đừng suy nghĩ đến việc trả thù trả oán những hình phạt mà họ gây ra cho chúng ta. Thay vào đó, chúng ta hãy càng có lòng yêu thương, nếu có thể, qua gương sáng của chúng ta. Đó là món quà lớn nhất chúng tôi có thể trao ban cho họ.
Kết thúc bài chia sẻ, ca đoàn hát bài “Nei cieli un grido risuonò”, nghĩa là “Trời xanh tung hô”.
Giờ đây, cộng đoàn đang nghe bài Tin Mừng theo Thánh Matthêu nói về Tám Mối Phúc Thật.
Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng như sau trong buổi Canh Thức như sau:
Thưa Anh Chị Em,
Sau những chứng từ đầy xúc động mà chúng ta đã nghe, và trong ánh sáng của Lời Chúa, là Lời đem lại ý nghĩa cho sự đau khổ của chúng ta, trước hết, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến ở giữa chúng ta. Ngài có thể soi sáng tâm trí của chúng ta để tìm ra những từ thích hợp có khả năng mang lại niềm ủi an. Xin Ngài mở rộng tâm hồn chúng ta, để chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn luôn hiện diện và không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong những lúc khó khăn. Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ rằng Ngài sẽ không để họ mồ côi, nhưng ở mọi thời điểm trong cuộc sống, Ngài sẽ luôn gần gũi với họ bằng cách gửi Thánh Thần của Người, Đấng An Ủi (x Jn 14:26) đến giúp đỡ, dưỡng nuôi và ủi an họ.
Vào những lúc buồn bã, đau khổ và bệnh tật, giữa những đau khổ của bách hại và buồn sầu, tất cả mọi người đều tìm kiếm một lời ủi an. Chúng ta cảm nhận một nhu cầu mạnh mẽ có ai đó gần gũi và từ bi đối với chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm những gì là mất phương hướng, bối rối, chán nản, đau lòng hơn chúng ta tưởng. Chúng ta nhìn xung quanh chúng ta với sự hoài nghi, cố gắng để xem liệu chúng ta có thể tìm được một người thực sự hiểu được những nỗi đau của chúng ta. Tâm trí của chúng ta tràn ngập các câu hỏi mà chẳng có câu trả lời nào. Lý trí tự nó không có khả năng giải thích ý nghĩa của những cảm xúc sâu xa nhất của chúng ta, hiểu thấu những nỗi đau chúng ta cảm nghiệm và đưa ra các câu trả lời mà chúng ta đang tìm kiếm. Vào những lúc như thế, hơn bao giờ hết chúng ta cần những luận lý của con tim, là điều duy nhất có thể giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm bao trùm lên sự cô đơn của chúng ta.
Bao nhiêu nỗi buồn chúng ta thấy trên rất nhiều khuôn mặt xung quanh chúng ta! Bao nhiêu nước mắt đang đổ mỗi giây trên cõi đời này; mỗi giọt lệ tuy khác nhau nhưng cùng tạo thành, một đại dương hoang vu kêu đòi lòng thương xót, lòng từ bi, và sự ủi an. Những giọt nước mắt cay đắng nhất được hình thành từ sự độc ác của con người: những giọt nước mắt của những người đã phải chứng kiến một người thân yêu bị tách ly khỏi họ bằng bạo lực; những giọt nước mắt của ông bà, cha mẹ, và con cái; với đôi mắt cứ nhìn chằm chằm vào hoàng hôn và thấy thật khó khăn để nhìn thấy bình minh của một ngày mới. Chúng ta cần lòng thương xót, và sự ủi an đến từ Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều cần đến sự ủi an này. Đây là cái nghèo của chúng ta nhưng cũng là sự vĩ đại của chúng ta: đó là khẩn cầu sự ủi an của Thiên Chúa, Đấng trong sự dịu dàng của Ngài đến để lau những giọt lệ từ đôi mắt của chúng ta (x Is 25: 8; Rev 7:17; 21: 4).
Trong nỗi đau của chúng ta, chúng ta không đơn độc. Chúa Giêsu, biết rõ thế nào là khóc thương trước sự mất mát một người thân. Nơi một trong những trang cảm động nhất của Tin Mừng, Chúa Giêsu chứng kiến Maria khóc trước cái chết của em mình là Lazarô, Ngài đã không thể cầm được nước mắt. Ngài xúc động sâu xa và bắt đầu khóc (x Jn 11: 33-35). Thánh Sử Gioan, khi mô tả chuyện này, muốn cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chia sẻ biết ngần nào nỗi buồn và sự đau khổ của bạn bè Ngài. Những giọt lệ của Chúa Giêsu làm bối rối biết bao các nhà thần học trong nhiều thế kỷ, nhưng những giọt lệ ấy đã tắm gội biết bao các linh hồn và là dầu chữa lành bao nhiêu những vết thương. Chúa Giêsu cũng tự mình cảm nghiệm nỗi sợ đau khổ và cái chết, sự thất vọng và chán nản trước sự phản bội của Giuđa và Thánh Phêrô, và đau buồn với cái chết của người bạn mình là Lazarô. Chúa Giêsu “không bỏ mặc những người mà Ngài yêu thương” (Augustinô, trong Joh., 49, 5). Nếu Thiên Chúa có thể khóc, thì tôi cũng có thể khóc, vì biết rằng Ngài hiểu tôi. Những giọt nước mắt của Chúa Giêsu có tác dụng như một liều thuốc giải độc cho sự thờ ơ của tôi trước những đau khổ của anh chị em mình. Những giọt lệ của Ngài dạy cho tôi biết biến những nỗi đau của người khác thành nỗi đau của chính mình, để chia sẻ sự chán nản, đau khổ của những ai đang trải qua những tình huống đau buồn. Những giọt lệ của Ngài làm cho tôi nhận ra nỗi buồn và tuyệt vọng của những người đã phải chứng kiến thi thể của một người thân yêu bị cướp đi khỏi họ, và những người không còn có một chỗ nào có thể tìm được sự ủi an. Những giọt lệ của Chúa Giêsu không thể tuôn ra mà không có một phản ứng nào từ phía những người tin vào Ngài. Như Ngài đã ủi an, chúng ta cũng được mời gọi để an ủi.
Trong lúc bối rối, thất vọng và nước mắt, trái tim của Chúa Kitô hướng đến Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện là phương thuốc thật sự cho những đau khổ của chúng ta. Trong lời cầu nguyện, chúng ta cũng có thể cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự dịu dàng trong ánh mắt của Ngài an ủi chúng ta; sức mạnh của lời Ngài nâng đỡ chúng ta và cho chúng ta hy vọng. Chúa Giêsu, đứng trước mộ của Lazarô, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì đã nhận lời con. Con biết rằng Cha luôn luôn nhận lời con” (Ga 11: 41-42). Cả chúng ta cũng cần đến sự xác tín rằng Cha nhận lời chúng ta và đến trợ giúp chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa, đổ vào lòng chúng ta, cho phép chúng ta nói rằng khi chúng ta yêu thương, không có gì và không ai có thể tách chúng ta khỏi những người chúng ta yêu mến. Thánh Phaolô Tông Đồ nói với chúng ta điều này với những lời rất ủi an: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?.. Không. trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8:35, 37-39). Sức mạnh của tình yêu biến đau khổ thành sự xác tín nơi chiến thắng của Chúa Kitô, và sự kết hiệp của chính chúng ta với Ngài, và với hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ một lần nữa được ở bên nhau và mãi mãi sẽ được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa Ba Ngôi, là suối nguồn vĩnh cửu của cuộc sống và tình yêu.
Dưới chân của mỗi thập giá, Mẹ Chúa Giêsu luôn luôn ở đó. Với vạt áo của Mẹ, Mẹ lau đi những giọt lệ của chúng ta. Với bàn tay duỗi thẳng, Mẹ giúp chúng ta đứng dậy và Mẹ đồng hành cùng với chúng ta trên con đường của hy vọng.
Sau bài giảng của Đức Thánh Cha là phần lời nguyện giáo dân
Lời nguyện thứ nhất: Cầu cho các tín hữu Kitô bị bách hại vì đức tin.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai bị bách hại vì đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Xin Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi làm cho họ kiên trì trong thời gian thử thách và đưa vào đôi môi của họ lời của sự thật để rao giảng Tin Mừng với sự mạnh bạo.
Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:
Lạy Cha Toàn Năng Hằng Hữu, xin trợ giúp những con cái Cha đang cảm nghiệm nơi chính xác thịt họ những đau khổ của Chúa Kitô, và xin an ủi họ. Xin Chúa đón nhận những đau thương của họ như lễ vật dâng lên Cha vì phần rỗi của thế giới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Cộng đoàn: Amen
Lời nguyện thứ hai: Cầu cho những người đang cơn nguy tử, những người bị tra tấn, bị bắt làm nô lệ, bị làm vật thí nghiệm y khoa.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai đang ở trong tình trạng nguy hiểm cận kề cái chết, những ai bị tra tấn, bị thí nghiệm trái với ý muốn của họ và các hình thức khác nhau của chế độ nô lệ giữa những bất công của loài người. Xin cho họ được an ủi bởi sự xác tín rằng không có giọt nước mắt nào của họ sẽ bị mất đi trước mắt Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:
Lạy Cha Toàn Năng Hằng Hữu, Cha đã sai Con Một của Người đến với thế giới này để loan báo tự do cho những kẻ bị giam cầm và công bố sự giải thoát cho các tù nhân, xin Cha nâng đỡ những người là nạn nhân của quyền lực sự dữ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Cộng đoàn: Amen
Lời nguyện thứ ba: Cầu cho các nạn nhân của chiến tranh, khủng bố và bạo lực
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nạn nhân của chiến tranh, khủng bố và các hình thức bạo lực khác nhau, Xin Chúa Phục Sinh, nguồn mạch của hòa bình, đoái nhìn từng người và tái sinh trong tất cả mọi người niềm hy vọng.
Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:
Lạy Cha Toàn Năng Hằng Hữu, xin Cha tác động lên những con tim để ngăn chặn chiến tranh, hoán cải những con tim bạo lực và ban cho thế giới ân sủng bình an. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Cộng đoàn: Amen
Lời nguyện thứ tư: Cầu cho các trẻ em bị lạm dụng và những người trẻ bị cướp đi tuổi thơ
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các trẻ em không được yêu thương, bị lạm dụng và chà đạp nhân phẩm. Xin Chúa, Đấng hằng yêu mến những tâm hồn thơ bé, chữa lành những vết thương của họ và biến đổi những vết thương này thành niềm say mê mới cho cuộc sống.
Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:
Lạy Cha Toàn Năng Hằng Hữu, xin Cha an ủi người bị ảnh hưởng và hoán cải những con tim. Xin cho những giọt lệ của những người vô tội được đón nhận với sự vuốt ve ngọt ngào phụ tử của Chúa; và xin Chúa ban ơn tha thứ cho những ai đã tạo ra tai tiếng nhưng biết ăn năn chân thành. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Cộng đoàn: Amen
Lời nguyện thứ năm: Cầu cho tất cả những ai đang đau khổ về thể chất vì những căn bệnh nghiêm trọng, những người khuyết tật và cho tất cả các gia đình của họ.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai đau khổ vì bệnh tật thể chất, do những hạn chế và mỏng dòn của con người. Chúa Giêsu kết hiệp những đau khổ của họ với những đau khổ của Ngài và ban cho họ sự bảo đảm rằng, trong mầu nhiệm thập giá, tất cả mọi thứ cùng hoạt động cho sự cứu rỗi của thế giới.
Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:
Lạy Cha Toàn Năng Hằng Hữu, Cha là bác sĩ của cơ thể và tinh thần, xin nâng dậy anh chị em của chúng con bị ảnh hưởng bởi khổ đau, hỗ trợ họ trên con đường thập giá và cho họ được chia sẻ trong mầu nhiệm Phục Sinh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Cộng đoàn: Amen
Lời nguyện thứ sáu: Cầu cho tất cả những ai bị buộc tội bất công, những người vô tội, những người bị tù đày oan sai, và những ai gánh chịu những bất công
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai đau khổ vì sự bất công của con người. Chúa Giêsu, Đấng là Con Chiên vô tội, thấu biết đau khổ này, xin chiếu sáng những bóng tối quanh họ và an ủi họ với sự hiện diện của Ngài.
Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:
Lạy Cha Toàn Năng Hằng Hữu, Cha là trạng sư bênh vực lẽ phải: xin hãy chiến thắng bóng tối của sự lừa gạt và dối trá đang giam giữ bao nhiêu con người, và ban cho tất cả chúng con được sống trong ánh sáng của sự thật. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Cộng đoàn: Amen
Lời nguyện thứ bẩy: Cầu cho tất cả những ai đang bị bỏ rơi và bị lãng quên, chán nản và tuyệt vọng, đau khổ và tan nát tâm can
Chúng ta cầu nguyện cho những người đang sống trong tình trạng bị bỏ rơi và cô đơn, trong hoang vu của tâm hồn và tuyệt vọng, mất lòng tin và thống khổ. Xin cho tình huynh đệ và hiệp thông phát sinh từ mối quan hệ với Chúa Giêsu giúp họ tận hưởng niềm an ủi được thuộc về Giáo Hội.
Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:
Lạy Cha Toàn Năng Hằng Hữu, Con Cha trên thập tự đã trải qua những cay đắng bị bỏ rơi để dẫn đưa chúng con vào mối hiệp thông yêu thương với Cha: Xin cho Giáo Hội không ngừng trở nên nhà Tiệc Ly đích thực trong đó chúng con cảm nghiệm được niềm vui của tình huynh đệ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Cộng đoàn: Amen
Lời nguyện thứ tám: Cầu cho tất cả những ai đang bị đè nặng dưới các hình thức nghiện ngập
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai bị nghiện ngập. Xin Chúa giải phóng những người mà Chúa Giêsu giành được bằng giá máu của Ngài. Xin cho tâm hồn và trí óc họ biết lựa chọn đường ngay nẻo chính và xin tăng cường ý chí theo đuổi con đường giải phóng họ.
Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:
Lạy Cha Toàn Năng Hằng Hữu, với lòng chân thành Cha đã tạo ra chúng con là những con người tự do xin đừng để chúng con rơi trở lại vào chế độ nô lệ và đưa chúng con ra khỏi những cảnh đời lầm than.
Cộng đoàn: Amen
Lời nguyện thứ chín: Cầu cho những gia đình đã mất con trước hoặc sau khi sinh, và những ai đang than khóc trước cái chết của người thân yêu
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai đau buồn trước cái chết của một người thân yêu. Chúa Giêsu, Đấng đã khóc trước cái chết của người bạn thân là ông Lazarô và luôn luôn xúc động trước những đau khổ của con người, Ngài sẽ lau khô nước mắt của họ và cấy vào lòng họ đức tin nơi sự sống lại.
Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:
Lạy Cha Toàn Năng Hằng Hữu, Cha là nguồn mạch của mọi sự ủi an và hy vọng, xin Cha mở cửa Thiên Đàng cho anh chị em chúng con đã ly trần và ban cho chúng con niềm xác tín rằng chỉ trong Chúa cuộc sống của chúng con không bị lấy đi nhưng được thăng hoa trong mối giây yêu thương không bị bẻ gãy, bất kể là cái chết. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Cộng đoàn: Amen
Lời nguyện thứ mười: Cầu cho những ai bị tách ly khỏi gia đình của họ và những người thân yêu, những ai đã bị mất nhà cửa, gia đình, công ăn việc làm vì những nguyên nhân khác nhau
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai đang phải sống trong tình cảnh bị tách ly khỏi những người thân yêu của họ, những ai mất của cải và mái nhà. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn mạch của sự hiệp thông và hiệp nhất, làm sống lại mối giây liên kết huynh đệ và nâng đỡ những ước muốn đoàn tụ.
Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:
Lạy Cha Toàn Năng Hằng Hữu, Chúa Giêsu Con Cha đã có kinh nghiệm sống lưu vong và bị tách ly bởi lòng thù hận của con người, xin cho các gia đình được hội ngộ, hòa giải các dân tộc và khuấy động trong tất cả chúng con ước muốn chào đón và liên đới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Cộng đoàn: Amen
Sau đó, cộng đoàn đã đọc kinh Lạy Cha
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.
Sau kinh Lạy Cha buổi canh thức được tiếp tục với việc cầu nguyện trong thinh lặng trước bức ảnh Những Giọt Lệ Đức Mẹ từ thành Syracuse. Bức ảnh đã được trưng bày bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô để các tín hữu tôn kính. Bức ảnh này được liên kết với các hiện tượng ngoại thường xảy ra vào năm 1953.
Bức ảnh Những Giọt Lệ Đức Mẹ là một bức ảnh về Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được đắp bằng thạch cao và được sản xuất hàng loạt tại Tuscany, Italia.
Một trong số những bức ảnh này đã được mua làm quà cưới cho đôi tân hôn Antonina và Angelo Iannuso khi họ kết hôn vào ngày 21 tháng 3, 1953.
Cặp vợ chồng mới cưới là những Kitô hữu thờ ơ và nhạt đạo, nhưng dù sao họ đã treo bức ảnh với một lòng sùng mộ ở bức tường phía sau giường ngủ của họ.
Angelo là một người lao động không đủ tiền có nhà riêng nên đã đưa cô dâu đến sống trong nhà của người anh trai tại số 11, đường Degli Orti, Syracuse, Sicily. Khi Antonina phát hiện ra cô đã có thai, cô đã không may mắc chứng nhiễm độc thai nghén khiến nhiều lúc cô bị co giật toàn thân và mù lòa trong một khoảng thời gian khi thì vài phút, có khi kéo dài đến vài giờ.
Lúc 3 giờ sáng Thứ Bảy 29 Tháng Tám, 1953, Antonina bị một cơn động kinh và bị mù. Lúc 08:30 sáng, thị lực của cô được khôi phục. Khi cô đã có thể nhìn thấy, cô thấy mình đang nhìn lên bức ảnh Đức Mẹ, và thật ngạc nhiên cô thấy mắt Đức Mẹ đẫm lệ. Lúc đầu, những người khác nghĩ rằng cô đã bị ảo giác do bệnh tật gây ra, nhưng Antonina khẳng định những gì mình đã thấy.
Gia đình cô nhìn lại và họ có thể nhìn thấy những giọt nước mắt chảy xuống trên má của Đức Mẹ. Những người hàng xóm đã được mời đến và họ cũng xác nhận thấy những giọt nước mắt này.
Bức ảnh được đưa ra trước cửa nhà và chảy nước mắt liên tục trong 4 ngày nữa trước một con số đông đảo những người tuôn đến kính viếng. Trong thời gian ấy nhiều người được chữa lành. Từ sau khi thấy Đức Mẹ khóc, Antonina Iannuso khỏi mọi bệnh tật và hạ sinh một cháu bé khoẻ mạnh đúng ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng 12, 1953.
Một ủy ban các nhà khoa học được thành lập để nghiên cứu hiện tượng này vào ngày 7 tháng 10 năm 1953.
Đức Tổng Giám Mục của Syracuse đến thăm nhà Iannuso để quan sát bức ảnh, Sau đó, ngài quay trở lại nhiều lần để đọc kinh Mân Côi với đám đông. Nhiều Hồng Y, Giám Mục khắp nước Ý cũng đến thăm.
Trong cuộc họp Hội Đồng Giám Mục Italia tại Silicy, Đức Hồng Y Ernesto Ruffini, Tổng giám mục Palermo, nói:
“Sau bao nhiêu những báo cáo khoa học, ghi nhận những kết quả tích cực từ việc phân tích hóa học kỹ lưỡng, chúng tôi đồng tâm nhất trí công bố rằng hiện tượng này là một thực tế không thể nghi ngờ.”
Trong chương trình phát thanh ngày 17 tháng 10 năm 1954, Đức Giáo Hoàng Piô XII cho biết:
“Chúng tôi nhìn nhận tuyên bố nhất trí của Hội đồng Giám mục được tổ chức tại Sicily về tính xác thực của sự kiện này và tự hỏi: Liệu con người có thể hiểu được ngôn ngữ bí ẩn của những giọt nước mắt này hay không?”