Suy Niệm Chúa Nhật VI PHỤC SINH C
Trong bối cảnh bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu dặn dò họ rất nhiều lời tâm huyết. Bài Tin mừng tuần trước Ngài dạy các ông điều răn mới, đó là “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 13,34). Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu nói tới hiệu quả của việc tuân giữ Lời Ngài và vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội cũng như nơi mỗi người kitô hữu chúng ta.
1. Hiệu quả của việc tuân giữ Lời Chúa
Yêu mến Thiên Chúa là bổn phận của con người, cách riêng là của những người Kitô hữu. Có nhiều cách để thể hiện lòng yêu mến đó. Nhưng có một cách được Chúa Giêsu nhắc đến trong đoạn Tin mừng ngày hôm nay, đó là “Giữ lời Chúa”. Ngài nói: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (x. Ga 14, 23).
Lời Chúa ở đâu? Lời Chúa ở trong cuốn Kinh Thánh, đặc biệt ở trong các sách Tin mừng. Lời Chúa còn được các Tông đồ, các Giáo phụ truyền lại cho chúng ta qua Thánh Truyền, được cụ thể hoá nơi Giáo Huấn của Hội Thánh và các cử hành Phụng vụ. Vì vậy, khi chúng ta đọc, suy gẫm và sống Lời Chúa là chúng ta đã tỏ lòng yêu mến Chúa. Khi chúng ta tuân giữ giáo huấn của Giáo Hội, qua Thánh truyền, qua các Đức Giáo Hoàng, các giám mục là chúng ta yêu mến Chúa. Khi chúng ta sốt sắng cử hành các phụng vụ của Giáo Hội, qua các Bí tích và các Á Bí tích là chúng ta yêu mến Chúa. Ngoài ra, khi chúng ta biết sống công bằng, bác ái, yêu thương…Là chúng ta cũng đang yêu mến Chúa. Bởi vì, những lúc đó chúng ta đang tuân giữ Lời của Ngài.
Giữ Lời Chúa không những chứng minh chúng ta là kẻ yêu mến Chúa mà còn đem đến cho chúng ta nhiều hiệu quả khác nữa.
Thứ nhất, được Chúa Cha yêu mến. Thật ra, từ đời đời Chúa cha đã yêu thương chúng ta rồi. Vì yêu thương ta, nên Ngài đã dựng nên ta. Vì yêu thương ta, nên Ngài đã sai Con Một xuống thế làm người để cứu chuộc ta. Đó là tình yêu phổ quát mà Chúa Cha dành riêng cho hết mọi người. Còn những người tuân giữ Lời của Chúa Con thì Chúa Cha sẽ yêu mến cách riêng. Chúa Giêsu đã nói: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến". Đây là một lời hứa đầy an ủi và vui sướng Bởi vì, không còn gì an ủi và vui sướng cho bằng được Chúa Cha yêu mến cách riêng như vậy.
Thứ hai, khi chúng ta tuân giữ Lời Chúa không những được Chúa Cha yêu mến mà còn được Chúa Cha và Chúa Con đến và ở trong chúng ta. Chúa Giêsu đã nói : “Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Thật vậy, ngày lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, thân xác và tâm hồn chúng ta đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta giữ trọn lời thề hứa trong ngày đó, thì Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta. Nhưng vì bản tính con người yếu đuối, dễ bị sa ngã phạm tội. Cho nên, mỗi khi chúng ta sa ngã phạm tội trọng, tức là chúng ta không giữ Lời Chúa, thì thân xác chúng ta không còn là đền thờ của Chúa Thánh Thần nữa. Nhưng nếu chúng ta biết thống hối ăn năn và lãnh nhận Bí tích Giao hoà thì Chúa Thánh Thần lại tiếp tục ngự vào tâm hồn chúng ta và ở lại với chúng ta. Không những chỉ có Chúa Thánh Thần mà còn có cả Chúa Cha và Chúa Con. Như vậy, thân xác và tâm hồn chúng ta lại trở nên đền thờ của Chúa Ba Ngôi ngự trị. Thánh Phaolô đã từng nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cor 3, 16). Đền thờ của Thiên Chúa thì quý giá hơn gấp trăm ngàn lần các đền thờ vật chất. Đền thờ vật chất có to lớn đến mấy, có nguy nga lộng lẫy đến mấy thì cũng do con người làm nên và sẽ tàn phai theo năm tháng. Còn đền thờ Thiên Chúa là tâm hồn chúng ta do chính Thiên Chúa tạo dựng, giống hình ảnh Ngài sẽ tồn tại mãi trên Thiên Đàng.
Như vậy, khi chúng ta giữ Lời Chúa không những chúng ta được chứng thực lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa Giêsu, mà còn được Chúa Cha yêu mến và Ba Ngôi Thiên Chúa đến ở lại với chúng ta. Ngài trở thành người nhà của chúng ta. Đó cũng là lý do mà chúng ta được gọi là Kitô hữu. Kitô hữu là người có Chúa, là người mang Chúa trong mình. Vậy, dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng hãy tuân giữ Lời Chúa.
2. Vai trò của Chúa Thánh Thần
Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba. Nhiệm vụ của Ngài là thánh hoá. Nhưng Ngài cùng hiện diện với Chúa Cha trong việc sáng tạo. Ngài hiện diện với Chúa Giêsu trong chương trình cứu chuộc. Phúc âm cho chúng ta thấy: Ngài hiện diện khi Chúa Giêsu chịu Phép rửa tại sông Giođan (x. Mt 3,16; Mc 1,10; Lc 3,22); Ngài hiện diện trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,3)… Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc đến vai trò của Chúa Thánh Thần : “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Đúng vậy, Chúa Thánh Thần đã dạy và làm nơi các Tông đồ thật nhiều điều: Ngài biến đổi họ từ những con người nhát đảm sợ sệt, trở thành những con người can đảm khác thường; Ngài giúp họ nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm; Ngài giúp Thánh Phêrô và các Tông đồ giảng dạy Lời của Chúa Giêsu; Đặc biệt, Ngài linh hứng cho các thánh ký ghi chép Tin mừng.
Không những thế, trong bài đọc I, sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết, vai trò của Chúa Thánh Thần trong các quyết định quan trọng của Giáo Hội sơ khai: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: Là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi” (x. Cv 15, 28-29). Cụm từ “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” nói lên tất cả vai trò của Chúa Thánh Thần.
Từ đó cho đến nay và mãi tới tận thế, vai trò của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh và nơi mỗi người Kitô hữu vẫn không thay đổi. Ngài vẫn tiếp tục dạy cho Giáo Hội và chúng ta biết mọi điều về Chúa Giêsu. Ngài tiếp tục làm cho Giáo Hội và chúng ta nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Vì vậy, chúng ta hãy năng kêu cầu Chúa Thánh Thần trong các giờ kinh nguyện và mọi sinh hoạt hằng ngày. Đọc và suy gẫm Lời Chúa dưới sự linh hứng của Ngài. Đồng thời, xin Ngài ban ơn soi sáng để chúng ta biết làm lành lánh dữ. Để chúng ta được thấy và được ở trong “Kinh Thành muôn thuở” mà thánh Gioan đã miêu tả trong đoạn sách Khải Huyền chúng ta nghe trong bài đọc II hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đưa ra một tiêu chuẩn làm thước đo để biết ai yêu mến Chúa, đó là “Giữ Lời Chúa”. Tuy vậy, con người qua mọi thời đại cố tình lẫn tránh lời mời gọi này của Chúa. Đó cũng là thái độ của rất nhiều người trong chúng con. Xin giúp mỗi người chúng con từ nay biết quyết tâm yêu mến Chúa bằng cách tuân giữ Lời của Chúa. Đồng thời, xin cho chúng con luôn sống dưới sự che chở và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Amen
Lm. Anthony Trung Thành
Trong bối cảnh bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu dặn dò họ rất nhiều lời tâm huyết. Bài Tin mừng tuần trước Ngài dạy các ông điều răn mới, đó là “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 13,34). Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu nói tới hiệu quả của việc tuân giữ Lời Ngài và vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội cũng như nơi mỗi người kitô hữu chúng ta.
1. Hiệu quả của việc tuân giữ Lời Chúa
Yêu mến Thiên Chúa là bổn phận của con người, cách riêng là của những người Kitô hữu. Có nhiều cách để thể hiện lòng yêu mến đó. Nhưng có một cách được Chúa Giêsu nhắc đến trong đoạn Tin mừng ngày hôm nay, đó là “Giữ lời Chúa”. Ngài nói: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (x. Ga 14, 23).
Lời Chúa ở đâu? Lời Chúa ở trong cuốn Kinh Thánh, đặc biệt ở trong các sách Tin mừng. Lời Chúa còn được các Tông đồ, các Giáo phụ truyền lại cho chúng ta qua Thánh Truyền, được cụ thể hoá nơi Giáo Huấn của Hội Thánh và các cử hành Phụng vụ. Vì vậy, khi chúng ta đọc, suy gẫm và sống Lời Chúa là chúng ta đã tỏ lòng yêu mến Chúa. Khi chúng ta tuân giữ giáo huấn của Giáo Hội, qua Thánh truyền, qua các Đức Giáo Hoàng, các giám mục là chúng ta yêu mến Chúa. Khi chúng ta sốt sắng cử hành các phụng vụ của Giáo Hội, qua các Bí tích và các Á Bí tích là chúng ta yêu mến Chúa. Ngoài ra, khi chúng ta biết sống công bằng, bác ái, yêu thương…Là chúng ta cũng đang yêu mến Chúa. Bởi vì, những lúc đó chúng ta đang tuân giữ Lời của Ngài.
Giữ Lời Chúa không những chứng minh chúng ta là kẻ yêu mến Chúa mà còn đem đến cho chúng ta nhiều hiệu quả khác nữa.
Thứ nhất, được Chúa Cha yêu mến. Thật ra, từ đời đời Chúa cha đã yêu thương chúng ta rồi. Vì yêu thương ta, nên Ngài đã dựng nên ta. Vì yêu thương ta, nên Ngài đã sai Con Một xuống thế làm người để cứu chuộc ta. Đó là tình yêu phổ quát mà Chúa Cha dành riêng cho hết mọi người. Còn những người tuân giữ Lời của Chúa Con thì Chúa Cha sẽ yêu mến cách riêng. Chúa Giêsu đã nói: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến". Đây là một lời hứa đầy an ủi và vui sướng Bởi vì, không còn gì an ủi và vui sướng cho bằng được Chúa Cha yêu mến cách riêng như vậy.
Thứ hai, khi chúng ta tuân giữ Lời Chúa không những được Chúa Cha yêu mến mà còn được Chúa Cha và Chúa Con đến và ở trong chúng ta. Chúa Giêsu đã nói : “Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Thật vậy, ngày lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, thân xác và tâm hồn chúng ta đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta giữ trọn lời thề hứa trong ngày đó, thì Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta. Nhưng vì bản tính con người yếu đuối, dễ bị sa ngã phạm tội. Cho nên, mỗi khi chúng ta sa ngã phạm tội trọng, tức là chúng ta không giữ Lời Chúa, thì thân xác chúng ta không còn là đền thờ của Chúa Thánh Thần nữa. Nhưng nếu chúng ta biết thống hối ăn năn và lãnh nhận Bí tích Giao hoà thì Chúa Thánh Thần lại tiếp tục ngự vào tâm hồn chúng ta và ở lại với chúng ta. Không những chỉ có Chúa Thánh Thần mà còn có cả Chúa Cha và Chúa Con. Như vậy, thân xác và tâm hồn chúng ta lại trở nên đền thờ của Chúa Ba Ngôi ngự trị. Thánh Phaolô đã từng nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cor 3, 16). Đền thờ của Thiên Chúa thì quý giá hơn gấp trăm ngàn lần các đền thờ vật chất. Đền thờ vật chất có to lớn đến mấy, có nguy nga lộng lẫy đến mấy thì cũng do con người làm nên và sẽ tàn phai theo năm tháng. Còn đền thờ Thiên Chúa là tâm hồn chúng ta do chính Thiên Chúa tạo dựng, giống hình ảnh Ngài sẽ tồn tại mãi trên Thiên Đàng.
Như vậy, khi chúng ta giữ Lời Chúa không những chúng ta được chứng thực lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa Giêsu, mà còn được Chúa Cha yêu mến và Ba Ngôi Thiên Chúa đến ở lại với chúng ta. Ngài trở thành người nhà của chúng ta. Đó cũng là lý do mà chúng ta được gọi là Kitô hữu. Kitô hữu là người có Chúa, là người mang Chúa trong mình. Vậy, dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng hãy tuân giữ Lời Chúa.
2. Vai trò của Chúa Thánh Thần
Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba. Nhiệm vụ của Ngài là thánh hoá. Nhưng Ngài cùng hiện diện với Chúa Cha trong việc sáng tạo. Ngài hiện diện với Chúa Giêsu trong chương trình cứu chuộc. Phúc âm cho chúng ta thấy: Ngài hiện diện khi Chúa Giêsu chịu Phép rửa tại sông Giođan (x. Mt 3,16; Mc 1,10; Lc 3,22); Ngài hiện diện trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,3)… Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc đến vai trò của Chúa Thánh Thần : “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Đúng vậy, Chúa Thánh Thần đã dạy và làm nơi các Tông đồ thật nhiều điều: Ngài biến đổi họ từ những con người nhát đảm sợ sệt, trở thành những con người can đảm khác thường; Ngài giúp họ nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm; Ngài giúp Thánh Phêrô và các Tông đồ giảng dạy Lời của Chúa Giêsu; Đặc biệt, Ngài linh hứng cho các thánh ký ghi chép Tin mừng.
Không những thế, trong bài đọc I, sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết, vai trò của Chúa Thánh Thần trong các quyết định quan trọng của Giáo Hội sơ khai: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: Là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi” (x. Cv 15, 28-29). Cụm từ “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” nói lên tất cả vai trò của Chúa Thánh Thần.
Từ đó cho đến nay và mãi tới tận thế, vai trò của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh và nơi mỗi người Kitô hữu vẫn không thay đổi. Ngài vẫn tiếp tục dạy cho Giáo Hội và chúng ta biết mọi điều về Chúa Giêsu. Ngài tiếp tục làm cho Giáo Hội và chúng ta nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Vì vậy, chúng ta hãy năng kêu cầu Chúa Thánh Thần trong các giờ kinh nguyện và mọi sinh hoạt hằng ngày. Đọc và suy gẫm Lời Chúa dưới sự linh hứng của Ngài. Đồng thời, xin Ngài ban ơn soi sáng để chúng ta biết làm lành lánh dữ. Để chúng ta được thấy và được ở trong “Kinh Thành muôn thuở” mà thánh Gioan đã miêu tả trong đoạn sách Khải Huyền chúng ta nghe trong bài đọc II hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đưa ra một tiêu chuẩn làm thước đo để biết ai yêu mến Chúa, đó là “Giữ Lời Chúa”. Tuy vậy, con người qua mọi thời đại cố tình lẫn tránh lời mời gọi này của Chúa. Đó cũng là thái độ của rất nhiều người trong chúng con. Xin giúp mỗi người chúng con từ nay biết quyết tâm yêu mến Chúa bằng cách tuân giữ Lời của Chúa. Đồng thời, xin cho chúng con luôn sống dưới sự che chở và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Amen
Lm. Anthony Trung Thành