“Hãy làm hòa cùng Thiên Chúa”



Xem thêm các hình ảnh khác

Thiên Chúa.. qua Đức Kitô cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải… Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Vì Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ (2Cor 5: 18-6: 2)

Những lời này là từ thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Corinto. Lời mời gọi này của vị tông đồ không nói về sự hòa giải lịch sử giữa Thiên Chúa và loài người (như chúng ta vừa nghe, đã xảy ra “nhờ Đức Kitô” trên thập giá); cũng không phải là sự hòa giải bí tích diễn ra trong bí tích Rửa Tội hay trong bí tích Hòa Giải, nhưng là sự hòa giải hiện sinh và cá vị cần được thực hiện trong hiện tại. Lời mời này được gửi đến các tín hữu Kitô đã được rửa tội sinh sống tại thành Corinto và đã thuộc về Giáo Hội trong một thời gian; vì thế lời mời gọi ấy cũng nhắm đến chúng ta. Và thời điểm thuận tiện hiện nay đối với chúng ta là Năm Thánh Lòng Thương Xót mà chúng ta đang sống.

Nhưng đâu là ý nghĩa của sự hoà giải này với Thiên Chúa trong chiều kích hiện sinh và tâm lý của nó? Một trong những căn nguyên, và có lẽ là căn nguyên chính, dẫn con người ngày nay tới sự xa lìa niềm tin tôn giáo là hình ảnh méo mó của họ về Thiên Chúa. Đâu là “tiên kiến” về Thiên Chúa trong tiềm thức của phần đông con người? Để tìm ra điều đó, chúng ta chỉ cần đặt ra câu hỏi này: “Những ý tưởng nào, những từ ngữ nào, những cảm giác nào tự phát xuất hiện trong đầu bạn khi bạn đọc những lời này trong Kinh Lạy Cha, ‘Xin cho ý Cha thể hiện’”?

Người ta thường đọc kinh này đầu cúi xuống trong một sự thoái lui nội tâm, chuẩn bị chính mình cho điều tệ hại nhất. Người ta liên kết một cách vô thức ý muốn của Thiên Chúa với mọi thứ không thoải mái và đau đớn; và với điều có thể được xem như là một cái gì đó huỷ diệt sự tự do và phát triển cá nhân. Đó là một điều gì đó như thể Thiên Chúa là kẻ thù của mọi tiệc tùng, niềm vui, và thú vui – một Thiên Chúa tra xét hà khắc.

Thiên Chúa được xem như một Hữu Thể Tuyệt Đối, một Đấng Toàn Năng, Chủ tể của thời gian và lịch sử, nghĩa là, một thực thể tự khẳng định mình trên mọi cá nhân từ bên ngoài; không một chi tiết nào của đời sống con người thoát khỏi thực thể ấy. Sự vi phạm lề luật do Ngài thiết đặt sẽ dứt khoát tạo ra một hỗn loạn đòi hỏi một sự sửa chữa cân xứng mà con người phàm trần biết rằng họ không thể thực hiện nổi. Đây là căn nguyên của sự sợ hãi và đôi khi tiềm tàng một sự thù hận ngược lại với Thiên Chúa. Đó là một vết tích của ý tưởng dân ngoại về Thiên Chúa chưa bao giờ được xoá bỏ hoàn toàn, và có lẽ chẳng thể nào xoá bỏ được, khỏi tâm hồn con người. Bi kịch Hy Lạp dựa trên khái niệm này: Thiên Chúa là Đấng can thiệp [vào đời sống con người] bằng sự trừng phạt thần linh nhằm tái lập lại trật tự đã bị phá vỡ bởi sự dữ.

Tất nhiên trong Kitô Giáo lòng thương xót của Thiên Chúa chẳng bao giờ bị xem thường! Nhưng nhiệm vụ của lòng thương xót chỉ là nhằm giảm bớt một chút những sự nghiêm khắc cần thiết của công lý. Đó là một ngoại lệ, chứ không phải là một quy tắc. Năm Thánh Lòng Thương Xót là một cơ hội bằng vàng để khôi phục lại hình ảnh của Thiên Chúa theo Kinh Thánh theo đó Ngài là Đấng không chỉ có lòng thương xót mà còn là lòng thương xót.

Sự khẳng định mạnh mẽ này dựa trên sự thật là “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8, 16). Chỉ trong Ba Ngôi, Thiên Chúa mới là tình yêu mà không phải là lòng thương xót. Chúa Cha yêu thương Chúa Con không phải là một ân sủng hay một sự nhân nhượng, đó là một sự cần thiết; Chúa Cha cần phải yêu để hiện hữu như là Cha. Chúa Con yêu Chúa Cha không phải là một lòng thương xót hay một ân sủng; đó là một sự cần thiết ngay cả khi điều ấy xảy ra với sự tự do tột độ nhất; Chúa Con cần phải được yêu thương và yêu thương để là Con. Điều tương tự có thể được nói về Chúa Thánh Thần Đấng là tình yêu như một ngôi vị.

Chính khi Thiên Chúa tạo thành trời đất và con người tự do trong đó, thì tình yêu, về phía Thiên Chúa, thôi không là bản chất nữa nhưng trở nên ân sủng. Tình yêu này là một sự nhân nhượng tự nguyện; nó là sự quảng đại, ân sủng và thương xót. Tội lỗi của nhân loại không làm thay đổi bản chất của tình yêu này nhưng làm cho tình yêu này biến thành một bước nhảy vọt về chất: lòng thương xót như là một ân ban giờ đây trở thành lòng thương xót như là sự tha thứ. Tình yêu từ việc là một ơn huệ đơn giản trở thành một tình yêu chịu đau khổ vì Thiên Chúa đau khổ khi tình yêu của Ngài bị khước từ. “ĐỨC CHÚA đã phán: ‘Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta (Is 1:2). Hãy cứ hỏi những bậc cha mẹ là những người kinh qua sự khước từ của con cái họ liệu việc ấy có gây đau khổ hay không – hay nó là một trong những đau khổ dữ dội nhất trong cuộc đời.

* * *

Thế còn công lý của Thiên Chúa thì sao? Liệu nó có bị lãng quên hay bị xem thường không? Thánh Phaolô trả lời câu hỏi này một lần và cho tất cả. Thánh Tông Đồ bắt đầu lời lý giải của Ngài trong Thư Gửi Tín Hữu Rôma với tin này: “Giờ đây sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện” (Rm 3:21). Chúng ta có thể hỏi, kiểu công chính này là gì? Đó có phải là kiểu công chính “unicuique suum”, ai làm người nấy chịu, và thưởng phạt phân minh theo như việc họ làm không? Dĩ nhiên sẽ đến một lúc nào đó kiểu công chính thánh này được thể hiện và trao cho con người điều mà họ xứng đáng. Thực ra, trước đó không lâu trong Thư Rôma vị tông đồ viết rằng Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm; những ai kiên trì làm việc thiện để mưu tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời; còn những ai ngạo mạn không vâng phục chân lý và chạy theo điều ác, thì Người sẽ nổi trận lôi đình, trút cơn thịnh nộ xuống đầu họ (2:6-8).

Nhưng Thánh Phaolô không nói về kiểu công lý này khi Ngài viết, “Giờ đây sự công chính của Thiên Chúa được thể hiện”. Kiểu công lý đầu tiên mà Ngài nói tới có liên hệ đến một biến cố tương lai, nhưng cái biến cố khác này đang diễn ra ngay “bây giờ”. Nếu không, thì lời tuyên bố của Thánh Phaolô sẽ là một khẳng định ngớ ngẩn trái ngược với các dữ kiện. Trên quan điểm về công lý phân minh, sẽ chẳng có thay đổi nào trong thế giới này với sự ngự đến của Đức Kitô. Jacques-Bénigne Bossuet nói rằng chúng ta tiếp tục thấy tội lỗi thường xuyên lên ngôi và người vô tội thì ở trên giàn giá. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng, mặc dù thất thường, đời này đôi lúc vẫn có một số kiểu công lý và một số trật tự nào đó, làm cho điều ngược lại xảy ra, và người vô tội được lên ngôi còn kẻ tội lỗi thì ở trên giàn giá.[1] Ý tưởng mới do đức Kitô mang đến không chứa đựng ý nghĩa xã hội và lịch sử này. Chúng ta hãy nghe vị tông đồ nói:

Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban cách nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính. (Rom 3:23-26)

Thiên Chúa bày tỏ sự công chính và công lý của Ngài bằng việc có lòng thương xót! Đây là một mạc khải lớn. Vị tông đồ nói Thiên Chúa “là công minh và công chính”, nghĩa là, Ngài công minh với chính mình khi Ngài công chính hoá nhân loại; Ngài thực ra là tình yêu và lòng xót thương, vì lý do ấy mà Ngài công minh đối với chính mình – vì Ngài thực sự cho thấy Ngài là ai – khi Ngài có lòng thương xót.

Nhưng chúng ta không thể hiểu gì về điều này nếu chúng ta không biết chính xác thành ngữ “sự công chính của Thiên Chúa” có nghĩa là gì. Có một mối nguy này, là người ta có thể nghe về sự công chính của Thiên Chúa mà không biết ý nghĩa của điều đó, cho nên, thay vì được khích lệ thì họ lại đâm ra sợ hãi. Thánh Augustinô đã giải thích ý nghĩa của thành ngữ này một cách rõ ràng nhiều thế kỷ trước: “‘Sự công chính của Thiên Chúa’ là điều mà qua đó chúng ta được trở nên công chính, cũng như ‘ơn cứu độ của Thiên Chúa’ [x. Tv 3:8] có nghĩa là ơn cứu độ mà qua đó Ngài cứu chúng ta”.[2] Nói cách khác, sự công chính của Thiên Chúa là điều mà qua đó Thiên Chúa làm cho những người tin vào Con của Ngài là Chúa Giêsu trở nên là những người mà Ngài có thể chấp nhận được. Không phải là thực thi công lý nhưng là làm cho người ta nên công chính.

Luther xứng đáng được tuyên dương vì mang sự thật này trở lại khi ý nghĩa của nó đã bị phôi pha qua nhiều thế kỷ, ít nhất là trong việc rao giảng Kitô Giáo, và đây là điều trên hết Kitô Giáo mắc nợ cuộc Cải Cách, sẽ được kỷ niệm 500 năm vào năm tới. Nhà cải cách sau này viết rằng khi ông khám phá ra điều này, “Tôi cảm thấy tôi hoàn toàn được tái sinh lần nữa và đã đi vào chính thiên đàng qua những cánh cửa mở”.[3] Nhưng cả Thánh Augustinô lẫn Luther đều đã không phải là những người đầu tiên giải thích khái niệm “sự công chính của Thiên Chúa” như thế; Kinh Thánh đã thực hiện điều đó từ lâu:

Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới (Titô 3:4-5).

Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! (x. Ep 2:4-5).

Do đó, nói rằng “sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện” thì giống như nói rằng sự tốt lành của Thiên Chúa, tình yêu của Ngài, lòng thương xót của Ngài, đã được tỏ lộ. Công lý của Thiên Chúa không những không mâu thuẫn với lòng thương xót của Ngài nhưng chứa đựng chính xác nơi lòng thương xót!

* * *

Điều gì đã xảy ra trên thập giá quan trọng đến nỗi giải thích được sự thay đổi triệt để trong số phận của nhân loại? Trong tập sách của Ngài về Giêsu thành Nagiarét, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 viết, “Điều vốn dĩ là sai, đó là thực tại về sự dữ, không thể chỉ đơn giản là lờ đi; không thể để nó như thế được. Nó phải được giải quyết; nó phải được khắc phục. Chỉ điều này mới có thể xem là lòng thương xót đích thực. Và sự kiện là Thiên Chúa giờ đây tự mình đương đầu với sự dữ bởi vì con người không thể đối phó nổi – chính điều đó cho thấy sự tốt lành ‘vô điều kiện’ của Thiên Chúa”.[4]

Thiên Chúa không hài lòng với việc đơn thuần tha thứ tội lỗi của con người; Ngài đã đi xa vô hạn hơn điều ấy: Ngài đã gánh lấy những tội lỗi này lên chính bản thân Ngài, Ngài tự mình gánh lấy những tội lệ đó. Thánh Phaolô nói Con Thiên Chúa “đã trở nên tội lỗi vì chúng ta”. Thật là một tuyên bố gây bàng hoàng! Ở thời Trung Cổ, một số người thấy thật khó để tin rằng Thiên Chúa lại đòi hỏi cái chết của Con Ngài để hoà giải thế giới với chính Ngài. Thánh Bênađô đã trả lời cho điều này khi nói, “Điều làm hài lòng Thiên Chúa không phải là cái chết của Đức Kitô mà là ý chí tự nguyện hy sinh của Đức Kitô”: ”Non mors placuit sed voluntas sponte morientis.”[5] Do đó, không phải là sự chết, mà là tình yêu cứu chúng ta!

Tình yêu của Thiên Chúa chạm tới nhân loại ở điểm xa nhất lèo lái họ trong cuộc chạy trốn khỏi Ngài, là sự chết. Cái chết của Đức Kitô cần thiết để thể hiện cho mọi người thấy bằng chứng tối thượng về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho các tội nhân. Đó là lý do vì sao mà cái chết của Ngài không có cả chút riêng tư nhất định nào nhưng xảy ra trong khung cảnh là giữa cái chết của hai tên trộm. Ngài muốn vẫn là một người bạn với các tội nhân cho đến tận cùng, vì thế mà Ngài chết giống như họ và cùng với họ.

* * *

Đã đến lúc chúng ta cần nhận thức rằng đối nghịch với lòng thương xót không phải là công lý nhưng là sự trả thù. Chúa Giêsu không đặt lòng thương xót đối kháng với công lý nhưng là đối kháng với luật trả thù trả oán: “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21:24). Trong khi tha thứ cho các tội nhân, Thiên Chúa không chối bỏ công lý nhưng Ngài chống lại sự trả thù; Ngài không muốn cái chết của tội nhân nhưng muốn người ấy hoán cải và được sống (x. Ed 18:23). Trên thập giá, Chúa Giêsu không xin Cha Ngài báo thù cho mình.

Lòng thù hận và sự tàn bạo của các cuộc tấn công khủng bố trong tuần này ở Brussels giúp chúng ta hiểu được quyền năng chí thánh trong những lời sau cùng này của Đức Kitô: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:24). Lòng thù hận của con người có đi xa đến đâu, thì tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn luôn có ở đó, và sẽ lớn lao hơn. Trong những hoàn cảnh như hiện tại, lời hô hào của Thánh Phaolô đang được nói với chúng ta: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12:21).

Chúng ta cần phải tái diễn giải và loại bỏ tính thần bí trong sự trả thù! Nó đã trở nên một chủ đề ma thuật thịnh hành có ảnh hưởng trên mọi sự và mọi người, bắt đầu từ trẻ em. Đa số các câu chuyện mà chúng ta thấy trên màn ảnh và trong các trò chơi điện tử là những câu chuyện về sự trả thù báo oán, đôi khi được coi như là một chiến thắng của một người hùng tốt lành. Một nửa, nếu không muốn nói là nhiều hơn, những đau khổ trong thế giới này (trừ những thiên tai và bệnh tật) xuất phát từ lòng khao khát trả thù, vì các tương quan cá nhân hay giữa các dân nước với nhau.

Người ta nói rằng “Vẻ đẹp sẽ cứu thế giới”.[6] Nhưng vẻ đẹp, như chúng ta biết rất rõ, cũng có thể dẫn đến tàn phá. Chỉ có một điều có thể thực sự cứu thế giới, đó là lòng thương xót! Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người và lòng thương xót của con người dành cho nhau. Đặc biệt, nó có thể cứu vãn điều quý giá nhất và mong manh nhất trong thế giới ngày nay là hôn nhân và gia đình.

Một điều gì đó tương tự đang xảy ra trong hôn nhân như đã xảy ra trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại mà thực ra Kinh Thánh đã mô tả qua hình ảnh tiệc cưới. Ngay từ khởi đầu, như tôi đã nói, có tình yêu, không có lòng thương xót. Lòng thương xót xuất hiện chỉ sau khi con người phạm tội. Trong hôn nhân cũng thế, ban đầu không có lòng thương xót mà chỉ có tình yêu. Người ta không cưới nhau vì lòng thương xót mà vì tình yêu. Nhưng rồi, sau nhiều năm tháng sống chung với nhau, các giới hạn của từng người phối ngẫu lộ ra, cùng với việc nảy sinh các vấn đề về sức khoẻ, tài chính, và con cái. Một thủ tục được khởi động cuốn sạch hết mọi niềm vui.

Điều có thể cứu một cuộc hôn nhân khỏi tuột dốc không còn chút hy vọng nào có thể quay trở lại là lòng thương xót, được hiểu theo nghĩa kinh thánh, đó là, không chỉ tha thứ cho nhau mà thôi, nhưng những người phối ngẫu cần hành động với “lòng thương cảm, tử tế, khiêm nhường, hiền lành và nhẫn nại” (Cl 3:12). Lòng thương xót thêm bác ái vào tình ái, nó thêm vào tình ái một tình yêu trao ban chính bản thân cho nhau, và thêm vào lòng thương cảm cho tình yêu mà họ trân quý. Thiên Chúa “thương hại” con người (x. Tv 102:13). Do đó, lẽ nào một người chồng và một người vợ lại không biết tội nghiệp nhau? Và những người như chúng ta đang sống trong một cộng đồng, lẽ nào chúng ta lại không biết thương mến nhau thay vì kết án lẫn nhau?

Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Cha Trên Trời, nhờ công nghiệp của Con Cha trên thập giá Đấng “đã trở nên tội lỗi vì chúng con” (x. 2 Cr 5:21), xin gỡ bỏ mọi lòng ao ước trả thù báo oán khỏi tâm hồn của các cá nhân, gia đình, quốc gia, và làm cho chúng con biết yêu với lòng thương xót. Xin để cho ý định của Đức Thánh Cha trong việc công bố Năm Thương Xót này được đón nhận bằng một sự đáp trả cụ thể trong đời sống của chúng con, và xin cho mọi người cảm nghiệm được niềm vui được hoà giải với Cha trong thẳm sâu tâm hồn. Amen!



[1] Xem Jacques-Bénigne Bossuet, “Sermon sur la Providence” (1662), in Oeuvres de Bossuet, eds. B. Velat and Y. Champailler (Paris: Pléiade, 1961), p. 1062.

[2] Xem St. Augustine, The Spirit and the Letter, 32, 56, in Augustine: Later Works, trans. and intro. John Burnaby (Philadelphia: Westminster Press, 1955), p. 241; see also PL 44, p. 237.

[3] Martin Luther, Preface to Latin Writings, in Luther’s Works, vol. 34 (Philadelphia: Fortress Press, 1960), p. 337.

[4] Joseph Ratzinger [Benedict XVI], Jesus of Nazareth, Part II (San Francisco: Ignatius Press, 2011), p. 133.

[5] St. Bernard of Clairvaux, Letter 190, “Against the Errors of Abelard,” in Anthony N. S. Lane, Theologian of the Cross (Collegeville, MN: Liturgical Press, 2013), pp. 201-202. See also PL 182, p. 1070.

[6] Fyodor Dostoevsky, The Idiot, III, 5, trans. Henry and Olga Carlisle (New York: New American Library, 1969), p. 402.