Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong các nhận xét của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng các chứng từ ngài vừa nghe nói lên niềm vui, niềm hy vọng và quyết tâm qua đó nhiều gia đình đã đương đầu với buồn sầu, vỡ mộng, và thất bại. Ngài nhận định rằng “sống trong một gia đình không dễ, và thường đau khổ và căng thẳng”. Ngài nói thêm rằng ngài thích các gia đình bị thương tích hàng ngày cố gắng đem tình yêu ra sống hơn là một xã hội sợ yêu thương.
Trước khi tới Tuxtla Gutiérrez, Đức Giáo Hoàng đã viếng nhà thờ chính tòa San Cristóbal, nơi ngài dâng hoa cho Đức Mẹ và tặng một chén thánh và một áo lễ ngoài (chasuble) cho nhà thờ chính tòa. Bên trong nhà thờ, ngài được một nhóm cụ cao niên và người bệnh nghinh đón. Trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ với họ, ngài nói với họ rằng họ đang giúp Chúa Giêsu vác thập giá của Người… Ngài cầu xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, ban cho họ sức mạnh và bình an tâm hồn và an ủi họ.
Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài với các gia đình tại vận động trường Tuxtla Gutierrez. (Bản dịch của Vũ Văn An)
Anh chị em thân mến,
Tôi biết ơn được ở đây, trên mảnh đất Chiapaneca này. Quả rất tốt được hiện diện trên mảnh đất này, tại lãnh thổ này; quả rất tốt được ở chỗ này nơi, cùng với anh chị em ở đây, có mùi vị gia đình, mùi vị tổ ấm. Tôi cám ơn Thiên Chúa vì các gương mặt và sự hiện diện của anh chị em; tôi cám ơn Thiên Chúa vì sự hiện diện với nhịp đập trái tim của Người trong các gia đình anh chị em. Tôi cũng cám ơn anh chị em, các gia đình và bạn hữu, vì đã cho chúng tôi các chứng tá của anh chị em, vì đã mở cửa nhà và cửa đời sống của anh chị em cho chúng tôi; anh chị em đã cho phép chúng tôi được ngồi với anh chị em để chia sẻ cả cơm bánh vốn nuôi dưỡng anh chị em lẫn mồ hôi trán khi anh chị em đương đầu với các khó khăn hàng ngày. Chính nhờ cơm bánh tượng trưng cho niềm vui, niềm hy vọng và mồ hôi lao nhọc mà anh chị em đã đương đầu được với buồn sầu, vỡ mộng và thất bại. Tôi cám ơn anh chị em đã cho phép tôi được bước vào gia đình anh chị em, tổ ấm anh chị em, và ngồi vào bàn ăn của anh chị em.
Manuel này, cha cám ơn con vì chứng tá của con và nhất là vì gương sáng của con. Cha thích kiểu nói con sử dụng “đặt trái tim con vào đó” [echarle ganas], nói lên thái độ con có sau khi nói chuyện với cha mẹ con. Con bắt đầu đặt trái tim con vào cuộc sống của con, gia đình của con, bạn hữu của con; con đặt trái tim con vào tất cả chúng ta đang tụ họp nhau ở đây. Cha tin rằng đó là điều Chúa Thánh Thần luôn muốn thực hiện nơi chúng ta: đặt một trái tim mới vào trong chúng ta, cho chúng ta các lý lẽ để tiếp tục tiếp nhận rủi ro, mơ ước và xây dựng một cuộc sống có ý hướng tổ ấm, ý hướng gia đình.
Đó là điều Thiên Chúa Cha luôn mơ ước và tranh đấu lâu dài để đạt được. Buổi chiều kia trong Vườn Eden, khi mọi sự xem ra không còn cứu vãn, Thiên Chúa Cha đã đặt một trái tim mới vào cặp vợ chồng trẻ ấy và nói với họ rằng mọi sự vẫn còn cứu vãn được. Khi dân Israel cảm thấy không thể tiếp tục cuộc hành trình qua hoang địa nữa, Thiên Chúa Cha đã đặt trái tim của Người vào đó bằng cách ban cho họ manna từ trời. Khi thời viên mãn đã tới, Thiên Chúa Cha đã đặt trái tim của Người vào đó bằng cách ban cho nhân loại hồng phúc trường cửu là Con Một của Người.
Cũng thế, tất cả chúng ta ở đây cũng có trải nghiệm ấy, trong những lúc khác nhau và những cách khác nhau; Thiên Chúa Cha đặt trái tim Người vào đó cho chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao? Vì Người không thể làm khác. Người biết cách đặt những điều tốt nhất của Người vào trong chúng ta; tại sao? Vì tên Người là tình yêu, tên Người là hồng ân, tên Người là tự hiến, tên Người là thương xót. Điều này Người tỏ cho chúng ta một cách hoàn toàn mạnh mẽ và rõ ràng trong Chúa Giêsu, Con của Người, Đấng liều mọi sự cho đến cùng để một lần nữa làm cho Vương Quốc Thiên Chúa khả hữu. Một Vương Quốc mời gọi chúng ta chia sẻ một tâm thức mới, khởi động một sức mạnh năng động có khả năng mở cửa các tầng trời, có khả năng mở cửa các trái tim, các trí khôn, các bàn tay và có khả năng thách thức chúng ta với những khả thể mới mẻ. Đây là một Vương Quốc có tâm tư gia đình, mùi vị cuộc sống sẻ chia. Trong Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu, Vương Quốc này luôn khả hữu. Người có khả năng thay đổi các viễn ảnh, thái độ và tâm tư của chúng ta, những điều thường nhạt nhẽo và tẻ ngắt, thành rượu hân hoan và mừng rỡ. Người có khả năng chữa lành trái tim chúng ta và mời gọi ta, hết lần này tới lần khác, cả hàng 70 lần 7, hãy bắt đầu lại. Ngài có khả năng khiến mọi sự ra mới.
Này Manuel, con xin cha cầu nguyện cho nhiều thiếu niên đang vỡ mộng và theo đường lầm lạc, những người đang xì hơi, mệt mỏi và hết hoài vọng. Và như con nói rất đúng, thái độ này thường phát sinh từ tâm tư cô độc, từ việc không có ai để chuyện trò. Và điều này nhắc cha nhớ đến chứng tá mà Beatrice vừa trình bầy với chúng ta. Này Beatrice, nếu cha không lầm, thì con đã nói rằng: “cuộc chiến đấu luôn khó khăn vì bất trắc và cô đơn”. Không chắc chắn, không đủ, và thường không có những điều chủ yếu tối thiểu, có thể dẫn ta tới tuyệt vọng, có thể làm ta lo âu sâu xa vì chúng ta không nhìn thấy đường tiến, nhất là khi ta có con cái phải săn sóc. Bất trắc không những chỉ là một đe doạ đối với dạ dầy chúng ta (tuy rất nghiêm trọng) nhưng cũng có thể đe dọa cả linh hồn chúng ta nữa, làm chúng ta nản lòng và lấy hết năng lực của chúng ta đến nỗi ta đành đi tìm các giải pháp biểu kiến mà cuối cùng không giải quyết được chi. Có một loại bất trắc có thể rất nguy hiểm, vì có thể lén lút lẻn vào: đó là sự bất trắc phát sinh từ cô đơn và cô lập. Mà cô lập luôn là người huấn đạo tồi.
Một cách vô thức, cả hai các con đã sử dụng cùng một biểu thức; cả hai đã tỏ cho chúng ta thấy: cơn cám dỗ lớn nhất mà ta rất thường phải đối đầu là tự tách mình ra, và không đặt trái tim ta vào các sự việc, thái độ cô lập này, giống như một con mọt ăn vải, kết cục sẽ gặm nhấm hết linh hồn ta.
Cách vượt thắng bất trắc và cô lập từng khiến ta dễ bị thương tổn trước nhiều giải pháp biểu kiến, có thể được tìm thấy ở nhiều bình diện khác nhau. Một là qua ngả lập pháp nhằm che chở và bảo đảm các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống để mọi tổ ấm và mọi con người có thể phát triển nhờ giáo dục và việc làm xứng đáng. Đàng khác, có điều được chứng tá của Humberto và Claudia làm cho hiển nhiên khi họ giải thích việc bằng cách nào họ đã thông chuyển tình yêu Thiên Chúa cho người khác, một tình yêu chính họ trải nghiệm qua việc phục vụ và cho đi cách đại lượng. Luật lệ và cam kết bản thân làm cho cặp này có khả năng bẻ gẫy vòng bất trắc.
Ngày nay, trên nhiều trận tuyến khác nhau, ta thấy gia đình đã yếu đi và bị tra vấn. Nó bị coi như một mô thức đã hết thời, không còn chỗ đứng trong các xã hội của ta nữa; các xã hội này, tự nhận là hiện đại, càng ngày càng ủng hộ một mô thức đặt căn bản trên cô lập.
Quả thực, sống trong gia đình là điều không luôn dễ dàng, và thường có thể đau đớn và căng thẳng nhưng, như tôi thường nói khi nhắc tới Giáo Hội, tôi thích một gia đình bị thương tích hàng ngày cố gắng đem tình yêu ra sống hơn là một xã hội bệnh hoạn vì chủ nghĩa cô lập và quen sợ yêu thương. Tôi thích một gia đình luôn cố gắng để bắt đầu lại hơn là một xã hội yêu mình thái quá và bị ám ảnh bởi xa hoa và dễ chịu. Tôi thích một gia đình có những khuôn mặt mệt mỏi vì đại lượng cho đi hơn là những khuôn mặt trang điểm không biết chút gì về âu yếm và cảm thương.
Tôi được yêu cầu cầu nguyện cho anh chị em và tôi muốn làm việc này ngay bây giờ với anh chị em. Anh chị em Mễ Tây Cơ có một điều đặc biệt; anh chị em chạy trước với một lợi điểm. Anh chị em có Đức Mẹ, Đức Mẹ Guadalupe. Ngài muốn thăm lãnh thổ này và việc này đem lại cho chúng ta sự chắc chắn được ngài cầu bầu để giấc mơ của chúng ta, giấc mơ mà chúng ta gọi là gia đình, không bị mất đi vì bất trắc hay cô độc. Ngài luôn sẵn sàng bảo vệ các gia đình của chúng ta, tương lai của chúng ta; ngài luôn sẵn sàng đặt trái tim ngài vào đó bằng cách ban Con ngài cho chúng ta. Vì thế, tôi mời anh chị em nối tay nhau và cùng đọc: Kính Mừng Maria…