ĐƯỜNG ĐI NGẬP SẮC HOA QUỲ

(Chúa Nhật II MÙA VỌNG NĂM C 2015)

Trong những ngày vừa qua dư luận thế giới ồn ào và lo lắng nhiều về viễn cảnh chiến tranh Nga-Thổ sau sự kiện rắc rối mới nhất là Thổ Nhĩ Kỳ đã làm khó dễ các tàu thuyền Nga đi qua eo biển Bosphore và Dardanell do Thỗ Nhĩ Kỳ quản lý và kiểm soát, sau sự cố khơi mào thù địch đó là máy bay chiến đấu đấu SU 24 của nga bị F.16 của Thổ bắn hạ với lý do xâm phạm con đường biên giới.

Bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn khốc từ các địa phương cục bộ cho đến phạm vi quốc gia và thế giới, hầu hết cũng khởi đi từ rắc rối của những con đường : đường biên giới, đường vận chuyển, đường giao thương, đường chiến lược…Nhưng có lẽ tất cả mọi lý do đều quy về một con đường duy nhất : con đường của lòng người. Vâng, một khi mối tương quan con người bị gãy đỗ, thì mọi con đường khác trở thành chông chênh, thù địch và trước sau gì cũng dẫn tới chiến tranh, hận thù, tai họa…

Ở giữa khung trời Mùa Vọng, hình ảnh “con đường”, “dọn đường”… luôn thấp thoáng âm vang trong ca kinh lời nguyện của mọi tín hữu : “Có tiếng kêu từ nơi hoang vắng mau dọn đường cho Chúa…”, “dọn đường cho Chúa đi, dọn đường cho Chúa đi”…

Có một điều chắc chắn, “con đường” của phụng vụ Mùa Vọng gọi mời, “con đường” mà các sứ ngôn ngày xưa như Barúc, I-sa-i-a, hay Gioan Tẩy Giả réo gọi phải sửa sang, phải dọn dẹp “đồi nỗng hãy bạt xuống, hố sâu hãy lấp đầy…” chủ yếu là khơi dậy, gọi mời xây đắp, trùng tu, sửa dọn một con đường nội tâm, con đường của lòng người…

Lời Chúa hôm nay sẽ thuyên giải cho chúng ta rõ hưn nội dung ý nghĩa này.

1. Một con đường mới : mở ra để đón nhận Tin Mừng.

Ở giữa bối cảnh một Giêrusalem hoang tàn đang bị ngoại bang Babylon giày xéo, giữa một đoàn dân cúi đầu trước kiếp khổ nhục lưu đày, lời của Sứ ngôn Barúc vang lên như một Tin Mừng vĩ đại : “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang chế khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu…Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao…phải lấp đầy thung lũng…để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa…” (BĐ 1).

Sau những lời sấm ngôn đó, đã có gì hiện thực ? Đã có đấy : Khoảng năm 539 trước công nguyên, Vua Kyrô của Ba-Tư chiếm Ba-by-lon và đã ra sắc chỉ cho phép đoàn dân Do Thái lưu đày được hồi hương, Giê-ru-sa-lem được tái thiết. Dân Do Thái lưu vong đã phấn khởi vui mừng đón nhận “tin vui” và lũ lượt đứng lên hành hương về Đất Thánh. Hồi đó, một nỗi vui tràn trào dâng ngập lòng dân Ít-ra-en, mà đáp vịnh ca trong thánh lễ hôm nay đã đọc lại với thánh vịnh 125:

“Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về

ta tưởng mình như giữa giấc mơ.

Vang vang ngoài miệng câu cười nói,

rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.

Nếu lời của ngôn sứ Barúc bị bỏ ngoài tai, nếu dân Ít-ra-el cứ chấp nhận “ngồi lỳ, ở yên’ trong kiếp sống nộ lệ tha hương, thì làm gì có được cuộc lên đường vĩ đại để “Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa…”

Một con đường nội tâm trước hết cần phải xây dựng, thiết lập đó chính là “mở lòng ra đón nhận Lời Chúa” và sẵn sàng “lên đường trong ánh sáng chân lý của Ngài”.

Trong khi đó, cũng tại vùng đất Palestina khô cằn sỏi đá, vào những năm đầu Công Nguyên, Philatô, tên tổng trấn Rôma đang cai trị Ít-ra-en bằng độc tài khát máu, thì Gioan Tẩy Giả, trong vóc dáng của một “đạo sĩ rừng xanh”, một tiên tri lập dị đã lặp lại lời rao giảng của I-sa-ia : “Có tiếng người hô trong hoang mạc : hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…” (TM).

Sau những lời Gioan Tẩy giả loan báo bên bờ sông Gio-đan, đã có một “Giê-su người Na-gia-rét” xuất hiện với “quyền năng trong lời nói cũng như việc làm” và cũng xuất hiện một “cuộc hành hương mới” – hành hương đến với một địa chỉ mới không phải là cố đô Giêrusalem vang bóng một thời, mà là một Ngôi Vị, một con người : Cả một đoàn dân là những kẻ điếc, kẻ câm, kẻ mù, kẻ què, những người phung cùi, những tên bị quỷ ám, những kẻ bất toại, hàng ngàn người nghèo khố rách áo ôm …tất cả đã ào ạt nhào đến với Thầy Giêsu và đã nhận được một cuộc “tái thiết mới” : điếc nghe được, mù thấy được, câm nói được, phung cùi được sạch, chết sống lại, tội nhân hoàn lương, những người đói khát được no nê…và nhất là, toàn dân đuợc nghe một “TIN MỪNG” : “Tin mừng Nước Thiên Chúa” đã đến, “Tin mừng Thiên Chúa là Cha yêu thương”, “Tin mừng về một Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta”, tin mừng về một cuộc tái sinh vào đời sống mới, tin mừng về một cuộc sống phục sinh sau cuộc đời dở dang tại thế nầy, Tin mừng về một thế giới được qui tụ thành một gia đình con cái Thiên Chúa…’

Con đường mà Lời Chúa hôm nay khơi gợi đó chính là con đường dẫn tới Chúa Giêsu, con đường mở rộng con tim để đón nhận những giá trị Nước Trời, đón nhận và bước đi trên nẻo đường Bát Phúc.

Hơn bao giờ hết, thế gới hôm nay cần những con đường như thế, con đường đón nhận Đức Kitô và sứ điệp của Ngài, Tin Mừng của Ngài vào đời sống, vào cộng đoàn, vào xã hội. Bởi vì, quả thật, dấu vết của nô lệ, của lưu đày, của què quặt, của đui mù, của cùi phung, của đói khát, của một thế giới như một “Giê-ru-sa-lem hoang tàn vắng bóng Thiên Chúa”, vắng bóng những giá trị nhân bản và Tin Mừng đích vẫn đầy dẫy trong thế giới hôm nay ; một thế giới thay vì hòa bình an vui là bạo lực, khủng bố, chiến tranh, thay vì yêu thương, huynh đệ hiệp nhất, lại là ích kỷ, hận thù, cá nhân chủ nghĩa, thay vì được xây dựng trên nền tảng là các gia đình chung thủy, thánh thiêng, lại là các cuộc ly dị, ly thân, phá thai, suy đồi luân lý… Trong một thế giới như thế, cần phải thiết lập một con đường mới : đó chính là “đón mời Đức Kitô đến”, mở lòng để cho Tin Mừng của Ngài, Tin Mừng Tám Mối Phúc thật với những giá trị anh hùng độc đáo : tinh thần khó nghèo, yêu thương, xây dừng hòa bình, hiền lành, trong sạch…có chỗ trong cuộc sống, trong gia đình, trong cộng đoàn và trong thế giới. Lời đầu tiên của Đức Gioan-Phaolô II khi lên ngôi Giáo Giáo hoàng, và cho đến mãi hôm nay Ngài vẫn lặp lại đó là : “Anh chị em đừng sợ…Hãy mở toang mọi cánh cửa để đón nhận Đức Kitô”. Sứ điệp Mùa Vọng hôm nay đang gọi mời ta như thế.

2. Một con đường mới : hoán cải để gặp gỡ :

Tuy nhiên, nếu cuộc hành trình từ chốn lưu đầy về lại Giê-ru-sa-lem là cả một cuộc xuất hành nhiêu khê, đòi hỏi nhiều gian nan, từ bỏ, khó nhọc, phấn đấu…Cũng vậy, để đón nhận Đức Kitô và sứ điệp của Ngài, cần có “cuộc xuất hành mới” cũng đầy cam go, thử thách, nhọc mệt. Vì trong cuộc lên đường để gặp gỡ Ngài không chỉ phải “bạt xuống nhưng đồi núi của kiêu căng, hợm hĩnh, của tham vọng ngông cuồng”, mà còn phải “lấp đi những hố sâu của hận thù chia rẽ, ghen ghét giận hờn, đố kỵ, cách ngăn”. Có nghĩa là để đón nhận Đức Kitô và sứ điệp Tin Mừng Nước Thiên Chúa, chúng ta phải “vác thập giá”, phải “đổi đời” (metanoia), phải sửa dọn con đường nội tâm thích hợp. Chúng ta cần sửa dọn “con đường tâm hồn” ta, “con đường cuộc sống” ta. Chúng ta cần sửa dọn những con đường đến với anh em, những con đường là các tương quan người với người trong gia đình, trong cộng đoàn, trong môi trường xã hội quanh ta…

Nếu ai đã từng đi lên thành phố mộng mơ Đà Lạt, chắc chắn sẽ không quên những đoạn đường ấn tượng hai bên ngập sắc hoa quỳ vàng xinh.

Cũng từ cái nét đẹp của “nẻo đường quỳ hoa” nầy mà linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự đã xúc cảm và sáng tác nhiều bài thơ in dáng đứng hoa quỳ. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 40 năm linh mục, ngài đã thu gom vào một tập thơ với nhan đề “NẺO QUỲ HOA”, để như một chút tâm tình ngài nhắn gởi các anh em linh mục được ngài gói ghém ngay trong lời mở đầu “chúng ta vẫn gần gũi bên những thảm hoa mặt trời, trong cõi lòng của chính Mặt Trời yêu dấu”, hay như trong 4 câu thơ của bài thơ ngắn Lưng Đèo :

Lưng đèo Ngài dẫn tôi lên,

Nắng về đường đã hai bên vàng quỳ.

Chúa ơi con biết nghĩ gì,

Gió lên đông chớm lòng thì xuân sang.

Sở dĩ muốn nhắc đến “NẺO QUỲ HOA” trong bài chia sẻ Lời Chúa hôm nay vì tôi cũng ước mong sao con đường Mùa Vọng, con đường chúng ta sửa dọn để đón Chúa đến trong những ngày nầy, và con đường mà đức tin đang gọi mời chúng ta lên đường tiến bước phải luôn đầy ắp hoa xinh, những bông hoa của tình Chúa, tình người. Bởi vì đó chính là con đường cần thiết cho thế giới và nhân loại hôm nay, một thế giới đang bị chiến tranh, hận thù, dục vọng, tội lỗi…làm biến dạng, hoang vu và sỏi đá không biết bao nhiêu con đường, nhất là những con đường băng qua những trái tim và nối kết với Thiên Chúa…

LM. Giuse Trương đình Hiền