Quốc hội Trung Quốc đã chấp thuận một tu chính án có tính chất cột mốc theo đó Hiến Pháp sẽ bảo vệ quyền sở hữu của tư nhân lần đầu tiên từ cuộc cách mạng 1949.

Trong ngày cuối hôm Chúa Nhật của khóa họp hàng năm tại Bắc Kinh, Quốc hội Trung Quốc đã chấp thuận tu chính án này.

Phái viên đài BBC tại Bắc Kinh nói rằng với cuộc biểu quyết này, Trung Quốc đang từ bước một bỏ đi một trong các cột trụ của Chủ nghĩa Cộng sản.

Quốc hội cũng biểu quyết ghi nhân quyền lần đầu tiên trong bản Hiến pháp.

Cuộc biểu quyết này để thông qua 13 điểm tu chính bản Hiến pháp 1982 đã được 2.863 đại biểu chấp thuận trong lúc chỉ có 10 người chống và 17 phiếu vắng mặt.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói : "Các tu chính án này cực kỳ quan trọng cho tiến trình phát triển của Trung Quốc"

Chủ tịch Quốc Hội ông Ngô Bang Quốc nói thêm : "Bản Hiến pháp phản ánh thành quả của nhân dân Trung Quốc và đặt ra căn bản cho cuộc đấu tranh của chúng ta"

Các chủ doanh nghiệp từ lâu nay đã vận động để ghi thêm quyền tư hữu trong bản Hiến pháp.

Cụm từ "quyền tư hữu hợp pháp của nhân dân là bất khả xâm phạm" cho thấy là đảng Cộng Sản đã hậu thuẫn thêm nữa chính sách "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Tu chính án sẽ ngăn cấm các viên chức nhà nước trưng dụng của cải và tài sản của tư nhân.

Tu chính án về nhân quyền ghi rõ: "Nhà nước tôn trọng và bảo vệ nhân quyền"

Mặc dù đây là lần đầu tiên Hiến pháp Trung Quốc đề cập tới vấn đề này, thế nhưng các nhà phân tích nói rằng một câu ngắn như vậy sẽ được hiểu bằng nhiều góc độ khác nhau và không có nói gì tới tự do chính trị.

Từ mấy năm nay, Trung Quốc lúc nào cũng bác bỏ các lời chỉ trích của Phương tây nói rằng Trung Quốc vi phạm nhân quyền.

Tu chính án cũng thay từ "quân luật" bằng từ "tình trạng khẩn trương".

Các nhà phân tích nói rằng từ "quân luật" có liên quan đến các vụ biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989.

Các vụ đổi mới này có thể có dụng ý là giúp cho chính phủ đối phó nhanh hơn với các thiên tai và các vụ khủng hoảng như là đợt dịch bệnh Sars gần đây.

Trọng tâm của khóa họp năm nay của Quốc hội là chuyển ưu tiên về cho nông thôn và nông dân.

Nhiều đại biểu đã chấp thuận khẩu hiệu "Nhân dân trước hết", với sự nhìn nhận rằng tình trạng ổn định của đất nước có thể lâm nguy, nếu như điều kiện sống tại nông thôn không được cải thiện. (theo BBC)