Làng phong cùi Đakia xa vắng



Vào cuối những năm của thập niên 60 trong thế kỷ trước, tôi đã hân hạnh một lần đặt chân lên vùng đất Qui Hòa, một trại cùi nằm sát bờ biển tuyệt đẹp thuộc thành phố Qui Nhơn. Ai đã tham quan nơi đây rồi thì chắc sẽ không ngạc nhiên khi tôi ví nơi đây như một thành phố khép kín. Cư dân nơi bãi biền hiền hòa này phần đông mang bệnh cùi. Họ sống quây quần thành khu dân cư biệt lập. Họ được chăm sóc chữa bệnh ngay tại bệnh xá đã được xây dựng trong phạm vi như một ốc đảo này. Khi bệnh tật được chế ngự phần nào trong cơ thể đã chẳng còn nguyên vẹn, họ được cấp đất trồng cấy hoa mầu hoặc giao cho một công việc thủ công để tự nuôi sống bản thân mình. Họ sinh họat bình thường như bất cứ vùng dân cư nào khác. Họ được học hành. Họ được may, được mặc những quần áo mà chính những anh chị em đồng cảnh ngộ cắt vá khâu may. Họ mua sắm và tự xây cất những căn nhà theo thiết kế chung của những người quản lý chăn dắt với mô hình như những căn biệt thự khang trang đầy đủ tiện nghi kể cả chim cá cây kiểng. Về tôn giáo họ sinh hoạt không thua kém bất kể một cộng đòan công giáo nào khác. Có Cha làm lể hàng ngày và có các Sơ giúp đỡ học giáo lý học văn hóa. Chính vì thế mà khi họ khắn khít với nhau rồi yêu nhau và gắn kết với nhau thành những gia đình. Sinh con đẻ cái và càng ngày càng phát triển thành những đòan thể như thiếu nhi, thanh niên hoặc phụ nữ. . . Mọi sinh họat được gói ghém trong khung cảnh nên thơ bên bờ biển hiền dịu êm ả và trong lành. Chính nơi dấu yêu này mà chúng ta nhận ra một Hàn Mạc Tử mà ông Chế Lan Viên đã phải thốt lên :” Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mạc Tử như sao chổi sẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi lóa chói rực rỡ của mình “. Và cũng ngay tại chốn xa vắng khuất lấp này, Hàn Mạc Tử đã tình tự trên trang giấy :” Tôi làm thơ ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá. Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và nghĩa là tôi mất trí, đã phát điên. Nàng đánh tôi dau quá, tôi bật ra tiếng khóc tiếng gào tiếng rú”. Có như thế chúng ta mới cảm nhận được sâu sa sự đau đớn, nỗi cùng cực giá buốt của những người phong cùi. Thành phố bình yên và lắng dịu. Ngoài Qui Hòa ra còn có Trại cùi Di Linh, Bảo Lộc,Lâm Đồng nơi Cố Đức Cha Cassaigne tận hiến cả cuộc đời mình. Nơi đây rất trù phú với những đồi cà phê như một trang trại. Và tại Bình Dương, trại cùi Bến Sắn cũng còn khá gần gũi với những vùng đô thị phát triển nên cũng được chăm lo tận tình hơn nơi mà tôi muốn nói đến. Đó là làng cùi Dakia nơi vùng cao nguyên xa tít tắp. Cách thị xã Kontum không bao xa khỏang 7 cây số nhưng nơi đây hoang vắng êm ả tĩnh lặng như thời tiết lạnh lẽo vốn có của vùng Bắc Tây nguyên này. Đakia trước kia có rất nhiều nữ tu Bác Ai Vinh Sơn phục vụ và cả những bác sĩ y tá từ nước ngoài về đây tình nguyện chăm sóc khi còn cố Giám Mục Phao lô Seitz lo toan. Nhưng nay đã thay đổi với sự trượt dốc vốn đã là núi đồi muôn thuở của vùng đất xa vắng và nghèo hèn này.



Những con người tận hiến lặng thầm



Kontum mười năm về trước gần như là một tỉnh cụt. Nhưng nay đã mở đường nối với các tỉnh phía Bắc qua con đường Trường Sơn từ huyện Dắc Glei. Vùng tiếp giáp giữa ba nước Đông Dương đang hình thành một cửa khẩu Bờ Y. Kontum mai đây sẽ triển khai một điểm du lịch với những địa danh nổi tiếng như đồi Charlie nơi Daktô - Tân Cảnh, đỉnh Ngọc Linh với loài sâm quí hiếm vào bậc nhất thế giới, các thác nước tuyệt đẹp của Đắc Glei, với những di tích kiến trúc của nhà thờ gỗ chính tòa và của tiểu chủng viện Thừa Sai Kontum và có cả một cầu treo nho nhỏ Konklor cùng với nha rông có họa tiết độc đáo của người Banah. Thị xã Kontum chỉ có một ngôi chợ duy nhất giáp bốn mặt đường. Mặt chính quay ra đường Trần hưng Đạo, con đường dài nhất thị xã. Nơi đây cũng đã có nhiều điểm truy cập internet và vài tiệm chụp hình kỹ thuật số. Thật thú vị khi được ngồi “chat” với thế giới bên ngoài khi cái lạnh Tây nguyên cùng với gió núi rừng bao quanh. Sáng sớm sương mù đặc quánh phủ kín núi đồi và đường. Hơn 7 giờ sáng nắng hừng lên, từ Tòa Giám Mục, tôi cùng người bạn học chở nhau trên chiếc xe Dream lùn hướng về làng phong Đakia. Ra khỏi cầu Đabla không bao xa, chúng tôi rẽ phải đi vào con đường hẹp đất đỏ ngoằn ngèo. Qua giáo xứ Phương Hòa đường càng xấu hơn hẹp hơn lồi lõm hơn. Lúc này đã có lác đác vài chị em dân tộc rải bộ hai bên đường trên lưng đeo những chiếc gùi lớn trong đó chứa nào măng, hoa bí, nào mãng cầu, đu đủ núi. . . Họ tất tưởi như đi về hướng chợ để bán chút ít hoa mầu mà họ thu hoạch được. Càng vào sâu càng vắng vẻ quạnh hiu xơ xác. Khi anh em chúng tôi vào đến họ đạo Đakia thì cũng là lúc rất nhiều bà con đang ngồi dưới bóng mát những cây bạch đàn cao vút. Phía đối diện là ngôi nhà dài xây cất đã quá cũ kỹ. Ngoài hiên, ba nữ tu đang giao quà Giáng Sinh cho các bệnh nhân cùi hoặc người nhà của họ. Nhìn họ thiếu bàn tay bàn chân khập khễnh lên nhận quà mà lòng tôi như quặn đau. Trên đôi tay đã ngắn và dúm dó nơi phía ngoài nhưng vẫn còn khệ nệ nâng chiếc gùi nhỏ xinh xắn được khéo đan với nét trang trí rất sắc sảo. Thảng hoặc có người nâng niu chiếc chậu nhỏ khi lên nhận phần quà ít ỏi nhưng đầy ắp tình người nhân ái. Người nữ tu tóc bạc phơ, Sơ Marie Laure nay đã trên 80 tuổi, sau khi đã giao gần hết quà cho những người con đáng yêu, tiếp chúng tôi ngay nơi hiên phòng bệnh. Nhìn những nét hân hoan trên khuôn mặt dù đã nhăn nheo theo năm tháng, tôi chúc mừng vị nữ tu đáng kính :

- Cảm phục Sơ đã lo cho con cái những món qua thật nghĩa tình. - Sơ Marie cười nhẹ nhàng khiêm tốn rồi nói với tôi trong sự tin cậy vững mạnh :

- Chúa lo chứ nào phải tôi đâu anh.

- Sơ đã chọn nơi này từ bao lâu rồi ạ ? - Sơ Marie Laure nhíu lông mày đôi chút rồi nhỏ nhẹ :

- Từ năm 1941 khi nơi đây mới hình thành do các cha thừa sai Paris quan tâm đến. Như vậy đã trên 60 năm rồi đấy dù sau giải phóng có bị ngắt quãng đôi ba năm do giấy tờ chưa hòan chỉnh mà chính quyền yêu cầu. Nhưng rồi với quyết tâm chọn nơi đây là nhà và mọi người là con cái nên cũng chẳng còn ai cản trở tôi được.

- Và hiên nay Đakia có bao nhiêu người cư ngụ thưa Mẹ ?

- 550 nhân khẩu gồm 200 bị bệnh số còn lại là thân nhân của họ trong đó có 180 trẻ em. Các cháu được học tại các trường bên ngoài đến hết cấp 3. Và chúng tôi chỉ lo được cho các cháu bữa cơm trưa mà thôi.

- Còn nhân viên phục vụ và y tế là bao nhiêu ạ ?

- Ngoài tôi ra còn có hai chị nữ tu Bác Ai và một chị bên Anh Vảy phục vụ. Số y tá là 3 và một bác sĩ khám định kỳ.

- Bằng cách nào Sơ có được những món quà thiết yếu này ?

- Ngoài sự hỗ trợ của giáo phận, giáo xứ còn có một ân nhân nước ngoài đã giúp đỡ 200USD. Ngày mai tôi nhờ anh chuyển giùm lá thư tạ ơn cho vị hảo tâm bên Cali nhé.

- Con sẵn lòng giúp Sơ. Còn việc gì cần làm ngay không a. ?

- Có chứ ! Xin các anh vào phòng thăm bệnh - Vừa nói Sơ vừa chỉ tay qua ngưỡng cửa gần đó. Trong phòng trên giường đầy ắp những bệnh nhân thiếu bàn tay hụt bàn chân đang băng bó. Trên khuôn mặt mầu đỏ bầm đã chiếm gần trọn vẹn và méo mó sần sùi thô nhám do vi trùng Hansen gặm nhấm. Đâu đó vài tiếng rên tiếng rú râm ran nghe đau xót. Tôi chợt nhớ câu thơ của Hàn Mạc Tử vang vọng : “ Tôi đau vì rụng rợn đến vô biên “.

Bên ngoài nắng đã lên cao. Bầu trời trong sáng lạ thường. Một sự bình yên với gió rừng lay động. Xa xa mầu xanh cây cỏ trong như ngọc mà Hàn Mạc Tử đã một lần gọi tên :” Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, Vườn ai mượt quá xanh như ngọc “. Tôi giã từ Sơ Marie Laure Trần thị Vinh với một tin tưởng mong ước rồi đây tôi sẻ có một người Mẹ : Mẹ Marie Laure de Đakia. Một hiện thân của “ Một tình yêu nếu nó chân chính thì sẽ làm cho chúng ta đau đớn. ”

Saigon những ngày đầu Năm Thánh Truyền Giáo