Những Cơ Hội và Thách Đố cho Lao Động Di Dân Việt Nam tại Thái Lan
Sơ lược tình hình lao động di dân Việt Nam ngày nay
Lao động di dân xuyên quốc gia không phải là một hiện tượng mới lạ trên thế giới. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước lượng trên thế giới hiện nay có 175 triệu người di dân, trong đó khoảng một nửa là người lao động.[1] Trong khi đó theo ước tính của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) có gần 215 triệu người đang sống và làm việc ngoài đất nước của mình, chiếm khoảng 3,3% dân số toàn cầu.[2] Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050 sẽ có khoảng 290 triệu người di cư giữa các nước.[3] Gần một nửa lao động di dân là phụ nữ và cũng có một số lượng đáng kể là trẻ em. Trong tình hình toàn cầu hóa ngày nay, xu hướng của người dân mưu sinh ở một đất nước không phải là quê hương của mình ngày càng gia tăng chứ không suy giảm. Người Việt Nam vì nhu cầu kinh tế cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Dân số Việt Nam hiện nay đã vượt mốc 90 triệu người và mỗi năm có khoảng 1,7 triệu người bước vào tuổi lao động, vì vậy nhu cầu có được công ăn việc làm ổn định rất cao.[4]
Lao động di dân Việt Nam đã hiện diện trên mọi châu lục của trái đất với số lượng ở các mức độ khác nhau. Theo Bộ Ngoại Giao Việt Nam, hiện nay có trên 500.000 người Việt Nam đang làm việc ở trên 40 quốc gia và lãnh thổ khắp thế giới. Mỗi năm có khoảng 80.000 người Việt Nam đi ra nước ngoài để làm việc.[5] Tuy nhiên, nếu tính những trường hợp lao động bất hợp pháp (làm việc với visa du lịch hoặc du học) thì chắc hẳn số lượng thực tế lao động di dân Việt Nam tại nước ngoài phải nhiều hơn con số đã thống kê. Mặc dầu các nước phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Anh Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. đều là những mục tiêu quan trọng cho những ai mong muốn xây dựng một tương lai kinh tế tươi sáng cho bản thân và gia đình, nhưng điều kiện để đặt chân tới những nơi này hoàn toàn không dễ dàng, nên đa số phải chấp nhận đến những quốc gia kém pháp triển hơn như Malaysia, Lào, và Thái Lan ở Châu Á, hoặc Libya và Angola ở Châu Phi. Lao động di dân nói chung và lao động di dân Việt Nam cách riêng, không chỉ góp phần phát triển kinh tế của quốc gia nơi họ làm việc mà còn giúp cho kinh tế của quê hương mình. Theo Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), trong năm 2014, những lao động di cư tại riêng châu Âu đã gửi 109,4 tỷ USD về quê nhà, giúp hỗ trợ khoảng 150 triệu người trên toàn cầu.[6] Riêng Việt Nam thì tiền từ người Việt lao động ở nước ngoài năm 2014 cũng đã đạt được 2,5 tỉ USD,[7] góp phần không ít cho sự nghiệp phát triển kinh tế nước nhà.
Theo một báo cáo của Cục Lãnh Sự - Bộ Ngoại Giáo (2011) thì việc xuất khẩu lao động có bốn hình thức: qua doanh nghiệp dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; qua doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu, đầu tư ra nước ngoài; qua doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập sinh nâng cao tay nghề; và đi làm việc theo hợp đồng cá nhân.[8] Nhận thấy trong bốn hình thức nói trên không đề cập đến một thực trạng rất phổ biến đó là người Việt Nam đi lao động “chui” ở các quốc gia khác nhau. Đây là trường hợp người lao động Việt Nam tại nước ngoài đi đến quốc gia bạn dưới hình thức đi du lịch hoặc du học, nhưng lại tìm việc làm dài hạn một cách bất hợp pháp. Đó là điều thường xuyên xảy ra tại các nước như Hàn Quốc, Úc hoặc các nước gần Việt Nam như Singapore, Lào và Thái Lan. Đặc biệt đối với lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan thì hầu hết là bất hợp pháp vì họ qua Thái Lan dưới hình thức du lịch, nhưng trên thực tế là để kiếm việc làm và ở nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Vì khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan không xa, đồng thời hai quốc gia đều là thành viên của khối ASEAN được hưởng chế độ miễn thị thực 30 ngày nên việc đi lại giữa hai nước tương đối đơn giản. Mỗi ngày những chiếc xe đò từ Lào đến Thái Lan đưa hàng trăm người Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế vào đất nước Thái – tất cả đều khai là đi du lịch. Mặc dầu không có con số chính thức về lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan, nhưng chính quyền Thái Lan ước tính có khoảng 50.000 người Việt đang sinh sống và lao động một cách bất hợp pháp trên đất nước Thái.[9]
Những yếu tố khiến lao động di dân Việt Nam đến Thái Lan
Việc người Việt Nam tham gia vào xu hướng đi tìm việc làm ở các quốc gia khác nhau trên thế giới nói chung và tại Thái Lan nói riêng liên quan đến nhiều yếu tố bắt nguồn từ chính trong nước. Như đã nói trên, trong khi mỗi năm có gần hai triệu người bước vào tuổi lao động thì chương trình giải quyết việc làm của Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân. Trong đó có khoảng 75% lao động Việt Nam là người sống ở nông thôn với tay nghề và trình độ học vấn thấp. Vì thế, chính quyền Việt Nam khẳng định việc đưa người đi nước ngoài để làm việc là một “chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong xu thế hội nhập, mở cửa, phù hợp với xu hướng di cư quốc tế hiện nay, góp phần phát triển quan hệ mọi mặt với các nước trên thế giới, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, vì lợi ích quốc gia, dân tộc” (CLS – BNG 2011). Nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và mức tăng trưởng kinh tế những năm gần đây không được như mong muốn cho nên xuất khẩu lao động trở thành một vấn đề quan trọng. Ba năm vừa qua, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,2 (2012), 5,43 (2013) và 6,0 (2014). Mặc dầu dự đoán cho năm 2015 và 2016 là mức tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 6,1 và 6,2, nhưng Việt Nam cũng chỉ đạt được mức thu nhập trung bình thấp. Ngoài ra, chỉ số thất nghiệp 2,44% trong quý hai năm 2015 mà Nhà nước đưa ra không thực sự phản ảnh thực trạng tình hình lao động tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Bá Ngọc tại Viện Khoa Học Lao Động, theo cách thu thập dữ liệu hiện nay, cho dù một người chỉ làm việc một giờ đồng hồ trước khi được khảo sát cũng được liệt kê vào thành phần có công ăn việc làm.[10] Trên thực tế thì số người không có hoặc thiếu việc làm tại Việt Nam cao hơn nhiều so với thống kê chính thức của Nhà nước.
Xuất khẩu lao động là chính sách được triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, lao động di dân qua Thái Lan chỉ tìm thấy ở một số tỉnh. Ở miền bắc, những tỉnh có người qua Thái Lan làm việc bao gồm Phú Thọ và Hòa Bình. Người miền trung từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Bình chiếm đa số lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan. Những huyện trong tỉnh Hà Tĩnh có số lượng lớn người đi làm việc tại Thái Lan bao gồm Can Lộc (3.000), Thạch Hà (2.500), và Cẩm Xuyên (1.000).[11] Mặc dầu người miền trung chiếm đa số lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan, nhưng cũng có một số lượng nhỏ người miền Nam đến Thái Lan làm việc qua đường Campuchia.
Ngoài những yếu tố trong nước thì không thể không đề cập đến những yếu tố liên quan đến quốc gia tiếp nhận lao động di dân Việt Nam. Thái Lan là một trong những quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất trong khối ASEAN với tổng số GDP năm 2013 là 387,25 tỉ USD và 2014 là 373,8 tỉ USD.[12] Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, Thái Lan đứng thứ hai trong khối ASEAN xét về chỉ số GDP trong khi Việt Nam xếp hạng thứ 6. Nếu xét về GDP bình quân đầu người thì Thái Lan xếp hạng thứ tư, sau Singapore, Brunei và Malaysia trong khi Việt Nam đứng thứ 7 trong khối ASEAN.[13] Các chuyên gia nhận định rằng mức thu nhập của Việt Nam đi sau Thái Lan đến 20 năm.[14] Mặc dầu nền kinh tế của Thái Lan phát triển hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng Thái Lan đang đối đầu với thực trạng thiếu lao động đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi tay nghề thấp. Theo nhà nghiên cứu Watcharee Srikham (2014), do người dân Thái Lan ngày càng có thu nhập cao, cộng với sự thăng tiến trong học vấn và khả năng làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao, số lao động trình độ kỹ năng thấp đã giảm thiểu.[15] Việc tìm lao động bản xứ cho những công việc có mức lương thấp, công việc không ổn định, làm việc trong môi trường thiếu vệ sinh, nguy hiểm, làm việc nặng… ngày càng trở nên khó khăn hơn. Việc thiếu lao động bản xứ ngày càng trở nên nghiêm trọng đặc biệt trong bối cảnh xã hội Thái Lan đang già hóa. So với các nước láng giềng, Thái Lan có tỉ số giới trẻ (15-24 tuổi) thấp nhất, chỉ chiếm 15,1% trong khi ở Việt Nam là 18.4%, Miến Điện (18.6%), Campuchia (21.2%) và CHND Lào (21.3%).[16]
Ngoài những lý do trên còn có những yếu tố khác thu hút lao động Việt Nam đến Thái Lan. So với việc phải đăng ký xuất khẩu lao động qua các công ty môi giới để đi làm việc ở các quốc gia như Úc, Hàn Quốc, Nhật…thì việc đi Thái Lan nhanh chóng và ít tốn kém hơn rất nhiều. Mặc dầu thu nhập ở các nước nói trên là khá cao, song không phải ai cũng có khả năng đầu tư 100 triệu (Hàn Quốc) hoặc 200 triệu (Nhật) để chi trả cho các công ty môi giới. Ngoài ra nếu quốc gia tiếp nhận xuất khẩu lao động đòi hỏi người có tay nghề cao thì những lao động thiếu kỹ năng sẽ khó có cơ hội để đặt chân đến đó. Tuy nhiên một số quốc gia như Malaysia sẵn sàng tiếp nhận lao động kỹ năng thấp cũng phải qua công ty môi giới. Đối với việc đi Thái Lan thì mọi thứ trở nên đơn giản hơn. 10-15 năm trước đây khi làn sóng sang Thái Lan làm việc chưa phổ biến thì việc phải nhờ người “đưa quân” dẫn đi xảy ra tương đối nhiều. Tuy nhiên, những năm trở lại đây thì ít có người phải dùng dịch vụ người đưa quân mà chỉ đi với người nhà hoặc người thân quen. Một số ít cần đến dịch vụ nói trên thì cũng chỉ mất vài triệu đồng để trang trải cho chi phí của chuyến đi cũng như công sức của người hướng dẫn. Hiện nay mỗi ngày đều có những chuyến xe đò xuất phát từ các tỉnh thành ở Việt Nam sang Campuchia hoặc Lào rồi đến Thái Lan. Chất lượng đường xá ở các nước trong khu vực cũng ngày được cải tiến nên việc đi lại nhanh chóng và thuận tiện hơn trước đây rất nhiều. Vì thế mới có chuyện một người có thể ăn sáng ở Việt Nam, sau đó ăn trưa ở Lào, và cuối cùng ăn tối trên đất Thái Lan. Dĩ nhiên khi nói đến việc qua Thái Lan thì cũng không thể bỏ qua vấn đề trở về quê. Lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan rất dễ dàng để về thăm gia đình vào các dịp lễ quan trọng như Tết, đám cưới, đám giỗ, hoặc các ngày lễ tôn giáo khác như Giáng Sinh và chầu lượt của giáo xứ. Ngoài ra, khi xảy ra những vấn đề trong gia đình đòi hỏi sự hiện diện của họ để giúp giải quyết thì việc về nhà từ Bangkok đối với đa số công nhân Việt Nam cũng chỉ mất chưa tới 24 giờ đồng hồ.
Bên cạnh khoảng cách gần và phương tiện đi lại giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng trở nên thuận tiện thì một yếu tố quan trọng khác nữa là chế độ miễn thị thực cho công dân của các nước thành viên khối ASEAN khi họ đi du lịch trong khu vực. Đối với người Việt Nam vào Thái Lan thì họ có thể lưu lại trên đất Thái với thời hạn không quá 30 ngày mà không cần phải xin thị thực. Sau đó họ phải ra khỏi Vương quốc Thái. Tuy nhiên, đối với đa số các lao động di dân Việt Nam thì họ giải quyết vấn đề bằng cách xử dụng các dịch vụ đưa người đi đóng hộ chiếu, xuất cảnh rồi lại nhập cảnh trong cùng một ngày. Như thế họ vẫn được tiếp tục ở lại Thái Lan thêm 30 ngày nữa cho đến lần đi gia hạn hộ chiếu tiếp theo. Một số nhỏ không muốn phải mất thời giờ với chuyến đi hàng tháng này quyết định để cho hộ chiếu hết hạn và trở nên người không chỉ làm việc mà còn lưu trú bất hợp pháp tại Vương quốc Thái.
Mức thu nhập tại Thái Lan là yếu tố tiếp theo thu hút lao động di dân Việt Nam đến đất nước này. So với mức thu nhập tại Việt Nam đối với những công việc cần kỹ năng thấp như bán dạo, phục vụ ở nhà hàng, quán bar, may mặc…thì thu nhập tại Thái Lan có thể gấp đôi hoặc gấp ba so với quê nhà. Với một công việc ổn định, một lao động di dân có thể dành dụm được từ 10.000 baht – 20.000 baht mỗi tháng (6,5 triệu – 13 triệu đồng) để gởi về Việt Nam phụ giúp cho kinh tế gia đình. Đây là một số tiền không nhỏ đối với những gia đình thuộc vùng nông thôn, đặc biệt là khi so sánh với mức lương trung bình mà một người mới tốt nghiệp bằng cử nhân tại Việt Nam nhận được là 2,7 triệu/tháng.[17]
Tóm lại, những yếu tố khiến cho người Việt Nam sang Thái Lan để làm việc bao gồm những điều diễn ra cả trên đất nước xuất phát cũng như đất nước tiếp nhận lao động di dân. Mặc dầu lao động Việt Nam tại Thái Lan đang trong tình trạng bất hợp pháp, đồng thời kế hoạch hợp tác lao động giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn đang còn trong quá trình đàm phán, ký kết và chuẩn bị triển khai, nhưng thực trạng cho thấy Thái Lan vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho nhiều lao động di dân Việt Nam trong thời điểm này cũng như trong tương lai.
Chân dung lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan
Lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan có những đặc điểm chung sau đây. Thứ nhất, hầu hết đến từ các tỉnh miền bắc và miền trung, trong đó Hà Tĩnh và Nghệ An chiếm phần đa số. Ngoại trừ một số trường hợp, hầu hết xuất thân từ những gia đình nông thôn. Tuy nhiên với vùng đất hẹp hòi ở khu vực miền trung cộng thêm khí hậu khắc nghiệt nên việc mưu sinh trên mảnh đất quê hương không dễ dàng đối với họ. Nếu không đi nước ngoài làm việc thì nhiều người dân miền trung cũng phải tìm đến những thành phố lớn của Việt Nam để kiếm sống. Vì thế vào những thời điểm bình thường trong năm, ở các làng quê người ta chủ yếu thấy người lớn và trẻ em ở tuổi đi học, còn thanh niên thì phần lớn đã rời quê để sinh sống. Chỉ vào các dịp như Tết truyền thống thì mới thấy sự hiện diện đầy đủ của các thành phần trong gia đình và cộng đồng. Nhiều thanh niên đi làm ăn ở các thành phố hoặc đi ra nước ngoài, trong đó có Thái Lan. Vì thế mà đa số những lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan nằm ở lứa tuổi từ 16 đến 35 cả nam lẫn nữ, tuy nhiên cũng có một số ít ở lứa tuổi trung niên.
Như đã đề cập phía trên, tại Thái Lan đang thu hút lao động có kỹ năng thấp. Vì thế những lao động di dân Việt Nam đến Thái Lan chủ yếu nằm trong thành phần làm việc bằng tay chân như may mặc, trông bãi xe, hoặc phục vụ nhà hàng quán ăn… Những công việc này không yêu cầu phải có học vấn cao, và đó cũng là tình trạng của đa số những người công nhân Việt Nam trên đất Thái. Chỉ có một số ít đã hoàn tất chương trình phổ thông cấp 3. Người có bằng trung cấp, cao đẳng hoặc đại học mặc dầu cũng có nhưng rất ít gặp thấy. Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam nhưng đành quyết định sang Thái Lan để làm những công việc chân tay vì thu nhập cao hơn ở quê nhà. Ngoài ra cũng có một số bạn trẻ Việt Nam có bằng đại học vì đã tốt nghiệp bằng cử nhân tại Thái Lan và đã tìm cho mình những công việc phù hợp trong những công ty Thái.
Tính chất của một số công việc mà các lao động di dân Việt Nam làm tại Thái Lan lệ thuộc phần nào về tuổi tác và giới tính. Những công việc như xây dựng (cọ xang), trông bãi xe (rắp rốt), tẩm quất trong phòng vệ sinh nam (nuad hong nám) chỉ dành cho lao động nam. Các công việc giúp việc nhà (mae ban), chăm sóc người già trẻ con trong gia đình chủ thuê, bán hoa hồng dạo…thường dành cho lao động nữ. Ngoài ra những công việc như may quần áo (yep pha), bán dạo (kem, trái cây, nước giải khát), mở quầy hàng (áo quần, thức ăn, hoa quả…), bán hàng trong các cửa tiệm bán lẻ… thì cả lao động nam và nữ đều tham gia. Cả nam và nữ cũng phục vụ trong các nhà hàng, quán ăn, quán rượu… Tuy nhiên lao động nữ với khuôn mặt dễ nhìn và nói tiếng Thái giỏi thì dễ tìm việc làm ở những tụ điểm này hơn là lao động nam.
Với sự nỗ lực của một số công nhân Việt Nam tại Thái Lan, họ đã chuyển qua không chỉ làm thuê cho người Thái mà tự kinh doanh cho riêng mình. Có không ít người đã mở được những xưởng may và tự thuê công nhân người Việt để làm trong xưởng. Một xưởng may của người Việt Nam đơn thuần là một căn nhà phố được thuê lại để làm nơi đặt những chiếc máy may và cũng là nơi ăn ở cho những công nhân. Chủ xưởng nhận hàng từ nguồn cung cấp những mẫu áo quần đã được cắt sẵn về cho công nhân may và chia lợi nhuận theo số lượng sản phẩm làm ra. Một xưởng may có thể có vài công nhân đến vài chục công nhân. Ngoài mở xưởng may, một số người cũng đã đầu tư vào nhà hàng hoặc quán ăn nhỏ, thường đứng tên người Thái. Một dịch vụ bán thức ăn mà không cần có mặt bằng quán đã được nhiều lao động Việt Nam thực hiện khá thành công trong thời gian qua. Đó là dịch vụ bán thịt nướng (mu katha) giao tận nhà. Ở đây khách hàng có nhu cầu đặt thức ăn (bao gồm các loại thịt hoặc đồ biển, các loại rau, nước chấm, chảo và lò than) có thể liên lạc đến số điện thoại của dịch vụ. Sau khi nhận được đơn đặt hàng, dịch vụ sẽ có người giao tận nhà và ngày hôm sau sẽ trở lại để lấy lò và chảo. Hiện nay có thể tìm được dịch vụ này khắp thành phố Bangkok cũng như ở các tỉnh lân cận. Một người trong nghề cho hay dịch vụ nói trên hiện nay trải rộng khắp thành phố thủ đô và các tỉnh khác trong vùng đến nổi rất khó cho một người có thể tìm địa bạn để mở dịch vụ mới.
Để những người Việt Nam có công ăn việc làm ổn định trên đất Thái không phải dễ dàng, đặc biệt trong tình trạng bất hợp pháp mà họ đang đối diện trong cuộc sống. Mặc dầu là những người trẻ với học vấn không cao, nhưng lao động Việt Nam tại Thái Lan có sự cần cù và kiên nhẫn trong công việc. Sự thông minh và nhanh nhẹn của họ cũng là một điều mà nhiều chủ thuê nhận xét là ưu điểm của lao động di dân từ Việt Nam so với những lao động đến từ các nước khác. Chính vì thế mà nhiều người đã xây dựng được một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân cũng như đóng góp đáng kể vào kinh tế của gia đình ở quê nhà.
Những thách đố cho lao động di dân Việt Nam trên đất Thái Lan
Khác với lao động di dân từ các nước như Lào, Campuchia và Miến Điện, lao động Việt Nam tại Thái Lan cho đến thời điểm này chưa thể xin giấy phép làm việc cách hợp pháp cho dù ngày 23 tháng 7, 2015 vừa qua đã diễn ra việc ký kết bản ghi nhớ về việc hợp tác lao động Việt Nam – Thái Lan (Memorandum of Understanding) trọng dịp Họp Nội Các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ 3. Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan ngày 24.8.2015, vì những điều kiện để đăng ký lao động mà bên phía Thái Lan đưa ra quá hạn chế gây bất lợi cho đa số lao động Việt Nam tại Thái Lan, nên phía Việt Nam đã yêu cầu chính quyền Thái Lan điều chỉnh để tạo điều kiện cho thêm nhiều người được đăng ký. Vì thế, Bộ trưởng Lao động Thái Lan Surasak Kanchanarat đã thông báo không tổ chức đăng ký lao động từ ngày 1.9.2015 như dự kiến và sẽ cân nhắc những đề xuất mà phía Việt Nam nêu.[18]
Việc chưa thể đăng ký lao động cách hợp pháp là một nỗi băn khoăn lớn cho những người đang làm việc bất hợp pháp trên đất Thái. Tình trạng bất hợp pháp đồng nghĩa với việc người lao động Việt Nam có thể bị bắt bất cứ lúc nào khi đang làm việc. Mặc dầu những cá nhân hoặc đơn vị cảnh sát khu vực đã được đút lót (clear/เคลียร์) trực tiếp bởi các lao động Việt Nam (trong trường hợp làm việc tự do như bán dạo) hoặc qua chủ thuê (chao nai), nhưng điều này không hoàn toàn bảo đảm là sẽ không bị bắt. Nếu đã bao cảnh sát khu vực, mà bị cảnh sát thành phố hay cảnh sát di trú đến kiểm tra thì cũng không thể thoát nổi. Việc bị bắt bớ đi đôi với việc phải tốn tiền để đút lót cho cảnh sát ngay tại chỗ hay tại đồn công an để được thả ra như không có chuyện gì xảy ra. Một điều đáng ghi nhận là không ít trường hợp lao động Việt Nam bị bắt ngay tại chỗ làm việc, thậm chí ở tại phòng trọ (trong trường hợp hộ chiếu đã hết hạn) là do chính người Việt tiết lộ thông tin cho cảnh sát. Dĩ nhiên họ làm điều này vì ích lợi cá nhân vì có những cảnh sát đi bắt người Việt không phải vì lý do trật tự xã hội mà vì đây là phương tiện lấy tiền dễ dàng. Theo lời kể của một số công nhân Việt Nam thì có những người cảnh sát từng thương thảo với người Việt để làm tay trong chỉ chỗ bắt người rồi sau đó chung chia lợi nhuận.
Trong trường hợp người bị bắt đã bị chuyển về sở di trú và đã bị lập biên bản thì phải mất tiền bảo lãnh để được tại ngoại trong khi chờ ra tòa.[19] Do người Việt không thể đứng tên bảo lãnh người bị bắt nên phải nhờ đến người Thái. Điều này có nghĩa phải mất tiền để chi cho người đứng ra làm công việc này. Tại một thành phố du lịch có đông đảo người Việt đang sinh sống, công nhân Việt Nam kể rằng có một người Thái chuyên đứng ra bảo lãnh những người Việt bị bắt. Tuy nhiên chính họ lại thường xuyên đứng đàng sau những vụ bắt bớ đó. Sau khi đã bị bắt và ra tòa, một số bị phạt hành chính rồi thả ra. Có người bị trục xuất về Việt Nam và bị cấm không cho vào Thái Lan trong vòng 3 năm. Có người bị trục xuất nhưng lại không bị cấm trở lại. Cũng không hiểu hết được tại sao có những khác biệt trong quyết định của tòa án đối với các trường hợp lao động Việt Nam bị bắt và ra tòa, nhưng một điều là một khi đã bị bắt thì sẽ bị tốn kém không ít.
Tình trạng bất hợp pháp của lao động Việt Nam tại Thái Lan cũng có nghĩa là người Việt không được hưởng bất cứ quyền lợi gì trước pháp luật Thái. Vì thế đã có không ít trường hợp lao động Việt Nam bị bốc lột hoặc bị ép làm việc nhiều giờ với mức lương không thỏa đáng. Có nhiều trường hợp bị chủ thuê quỵt tiền lương hoàn toàn. Khi bị đối xử bất công, lao động Việt Nam không thể kiện cáo để đòi sự công bằng cho bản thân. Khi bệnh hoạn, lao động Việt Nam không được hưởng những chế độ hỗ trợ từ chính phủ Thái như lao động từ các nước khác khi đi điều trị ở bệnh viện. Đối với lao động từ các nước như Lào và Miến Điện được đăng ký hợp pháp, mỗi người được cấp một thẻ bảo hiểm sức khỏe để được điều trị tại bệnh viện chính phủ với những quyền lợi tương đương với công dân Thái. Tuy nhiên đối với công nhân Việt Nam thì mỗi khi lâm bệnh hoặc gặp tai nạn và đi điều trị tại bệnh viện thì phải tự túc hoàn toàn. Nhiều trường hợp phí bệnh viện lên tới hàng trăm ngìn baht, gia đình bệnh nhân không đủ khả năng để chi trả phải đi vay mượn hoặc xin hỗ trợ từ cộng đồng người Việt.
Tình trạng bất hợp pháp của lao động Việt Nam tại Thái Lan cũng là một nguyên do dẫn đến sự tham nhũng trong giới chức trách Thái Lan. Ngoài việc công nhân Việt Nam phải trả tiền đút lót cho những cá nhân cảnh sát khu vực để tránh bị bắt (có thể một người hoặc nhiều người), việc đút lót còn bắt đầu ngay từ khi người Việt bước chân đến cửa khẩu Thái Lan. Thông thường, một du khách vào Thái Lan dưới chế độ miễn thị thực thì không phải tốn bất cứ một chi phí nào. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam vào Thái Lan qua các cửa khẩu như Nong Khai, Nakhon Phanom, Muddahan thì dường như mọi người đều phải trả tiền cho cảnh sát di trú thì mới được đóng dấu cho qua. Theo luật pháp Thái Lan, khách du lịch vào Vương quốc Thái phải có trong người số tiền tương đương với 20.000 baht và có địa chỉ khách sạn mà họ sẽ ở trong thời gian lưu lại đây. Những cảnh sát di trú biết rõ hầu hết những người Việt vào Thái Lan qua các cửa khẩu trên không phải thực sự là khách du lịch nên lợi dụng điều này để tham nhũng. Vào những thời điểm mà chính quyền Thái Lan tỏ ra dễ dãi đối với người Việt thì số tiền phải trả cho nhân viên hải quan chỉ mất 300 baht/người. Tuy nhiên, vào những thời điểm chính quyền tỏ ra quyết liệt trong việc truy quét lao động bất hợp pháp thì số tiền phải trả cho cảnh sát di trú để được đóng dấu có thể lên đến hàng ngìn baht. Vào giữa năm 2014, Thái Lan có chính quyền quân đội mới lên nắm quyền. Với lực lượng lính tráng, họ đã thực hiện một chiến dịch truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp một cách rầm rộ. Mỗi ngày đều nghe tin có hàng chục công nhân Việt Nam bị bắt ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Lao động Việt Nam đua nhau rời Thái Lan để trở về quê. Sau một thời gian, tình hình dần lắng xuống. Người Việt bắt đầu lần lượt trở lại Thái Lan để làm việc. Nhưng để được vào Thái Lan thì mỗi người phải trả 2.000 baht mới được đóng dấu. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ một số người được cho vào. Có người phải mất tới vài ngày xếp hàng ở cửa khẩu mới qua được. Việc phải đút lót cho cảnh sát di trú khi vào Thái Lan không phải là một lần duy nhất. Mỗi tháng khi các công nhân Việt Nam phải đi đóng dấu hộ chiếu thì đều mất tiền cho cán bộ di trú ở các cửa khẩu. Sự tham nhũng của cảnh sát di trú đối với công nhân Việt Nam ở các cửa khẩu có hệ thống đến nỗi khi người cầm hộ chiếu Việt Nam vào làm thủ tục thì không xếp hàng chung với người từ các nước khác mà có một hàng/phòng riêng dành cho người Việt Nam. Chắc hẳn điều này sẽ thuận tiện và riêng tư hơn cho việc thu tiền từ những lao động di dân bất hợp pháp giả dạng làm du khách.
Thiết nghĩ cho đến khi nào việc ký kết hợp tác lao động Thái Lan – Việt Nam được triển khai thì quyền lợi của công nhân Việt Nam trên đất Thái mới được bảo vệ và tình trạng tham nhũng trong giới chức trách cũng sẽ thuyên giảm. Trên thực tế, việc không để cho lao động Việt Nam đăng ký gây thiệt thòi cho ngân sách nhà nước vì mặc dầu người Việt phải chi nhiều khoản tiền khi làm việc tại Thái Lan, nhưng số tiền đó lại không đi vào công quỹ của đất nước mà rơi vào túi của những cán bộ cảnh sát khu vực và di trú tham nhũng. Thật sự không công bằng cho chính phủ Thái Lan khi bị thất thoát những khoản tiền này, và càng không công bằng cho những lao động Việt Nam khi phải chi trả một cách không chính đáng bằng những đồng tiền kiếm được một cách vất vả.
Những thách đố cho xã hội Thái Lan gây ra bởi lao động di dân Việt Nam
Mặc dầu lao động Việt Nam nhận được nhiều lời khen từ những chủ thuê như cần cù, biết chịu khó, thông minh, nhanh nhẹn, biết việc… nhưng sự hiện diện của lao động Việt Nam cũng là một thách đố cho xã hội Thái Lan, đặc biệt là tội phạm gây ra bởi người Việt Nam ngày càng phổ biến và phức tạp. Nếu vào mạng Google đánh từ khóa bằng tiếng Thái แก็งเวียดนาม (băng nhóm Việt Nam) sẽ tìm thấy không ít bài báo về những tội phạm của người Việt Nam diễn ra trên đất Thái Lan. Những tội phạm đa số là trộm cắp, móc túi, cướp giật, buôn/chuyên chở ma túy, bắt cóc, giết người… Tháng 9, 2014, hàng loạt báo chí và đài truyền hình Thái Lan đưa tin một nhóm người Việt đã bắt cóc một công nhân Việt Nam, đem đi nhốt trong một căn nhà hoang ở tỉnh Chonburi. Sau đó nhóm người này đã đánh đập anh ta và chặt ngón tay út gửi về cho vợ của anh đòi tiền chuộc là 1,5 triệu baht (1 tỉ đồng). Người nhà đã thông báo cho cảnh sát Thái Lan để yêu cầu sự can thiệp trùy lùng kẻ xấu. Cuối cùng họ đã tìm gặp nạn nhân trong tình trạng đang bị xích trong phòng tắm của căn nhà hoang, trên thân thể có nhiều thương tích do bị đánh đập. Cảnh sát cũng đã bắt được 3 trong 5 người của nhóm tội phạm. Một trong 3 người bị bắt cũng đã từng liên quan đến những hành vi phạm pháp khác, đặc biệt là vụ bắt cóc một thiếu niên Việt Nam 15 tuổi ở Ayutthaya để đòi tiền chuộc.[20]
Hành vi bắt cóc để đòi tiền chuộc thường xảy ra giữa người Việt Nam với nhau. Tuy nhiên hành vị trộm cắp không chỉ có nạn nhân là người Việt mà cũng thường xuyên xảy ra đối với người Thái. Thường người Việt là nạn nhân của những vụ trộm cắp tại phòng trọ khi mọi người đang đi làm hoặc đi nhà thờ. Lợi dụng nhà vắng người, kẻ xấu bẻ khóa vào nhà lấy đồ đạc, tiền bạc, và ngay cả hộ chiếu của nạn nhân. Có không ít người Việt cất giữ tiền trong phòng trọ bởi vì nhiều ngân hàng Thái Lan không cho người không có giấy lao động hợp pháp mở tài khoản. Rất nhiều trường hợp việc trộm cắp được thực hiện bởi người quen biết. Có người nói là thất nghiệp đến xin ở tạm với một nhóm bạn hay người quen biết nào đó. Tuy nhiên lợi dụng khi mọi người đi làm thì người xin ở tạm lấy hết đồ đạc rồi bỏ đi. Người viết bài này, khi còn là linh mục quản nhiệm một giáo xứ tại vùng đông bắc Thái Lan cũng từng là nạn nhân của hành vị trộm cắp bởi một người Việt Nam. Kẻ xấu chính là một thanh niên mới 20 tuổi trong nhóm giới trẻ Việt Nam đến sinh hoạt và đi lễ thường xuyên tại nhà thờ. Tuy nhiên, lợi dụng khi cha xứ vắng nhà, người này đã cạy cửa nhà xứ vào lấy đồ đạc và tiền trong phòng ngủ. Hành vi của người thanh niên này không dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục ở những nơi khác cho đến khi đã bị bắt vì cố tình dùng dao đâm một người Thái để lấy tiền của họ. Tuy nhiên, nạn nhân đã chạy thoát và kết cuộc là một bản án 5 năm tù giam vẫn chưa kết thúc.
Nạn nhân của những vụ trộm cắp không chỉ là người Việt mà người Thái cũng thường xuyên bị người Việt làm hại. Có những lao động Việt Nam làm việc cho chủ thuê Thái Lan lấy đồ đạc và tiền bạc của chủ rồi bỏ đi, thậm chí có khi còn gây ra án mạng trong quá trình thực hiện hành vi trộm cắp. Nhiều người Việt cũng có hành vi cướp giật và móc túi trên đường phố,[21] đặc biệt trong những dịp lễ hội như Lễ hội nước[22] hay những sự kiện concert[23] có nhiều đám đông tụ họp. Những nhóm móc túi và ăn cắp đồ cao cấp trong các trung tâm mua sắm lớn không chỉ bao gồm những lao động Việt Nam tại Thái Lan mà còn có cả những nhóm người Việt tổ chức đến Thái Lan để thực hiện hành vi phạm pháp. Đầu năm 2015, cảnh sát Chiangmai đã bắt được 5 thanh niên và thanh nữ mua vé máy bay từ Việt Nam sang Thái Lan để đi ăn cắp đồ cao cấp trong các trung tâm mua sắm và đem về bán lại tại Việt Nam. Theo lời khai của họ sau khi bị bắt, họ đã tổ chức làm điều này thành công hai lần trước đó và đã thu lợi nhuận hàng trăm ngìn baht.[24]
Mặc dầu việc trộm cắp có tổ chức ngày càng quy mô, nhưng việc trộm cắp đa số diễn ra trên phương diện cá nhân, đặc biệt là đối với những người giúp bán quán hoặc làm việc tại nhà hàng quán ăn. Việc ăn cắp vặt trong những môi trường này phổ biến. Tuy nhiên cũng có những trường hợp công nhân Việt Nam làm việc trong nhà hàng hoặc quán rượu thực hiện hành vi gian lận trong việc kê khai đơn và tính tiền thu về hàng ngìn baht mỗi đêm. Ở một quán rượu ở khu vực Ngamwongwan, một nhân viên người Việt bị phát hiện gian lận mỗi đêm lên tới 10.000 baht (6,5 triệu đồng) dẫn đến chủ quán ra tay đánh đập anh ta cách thê thảm và toàn thể nhân viên người Việt trong quán (khoảng 30 người) đều bị thôi việc. Trường hợp này không phải hiếm có. Theo lời kể của một người Việt, gần đây một nhân viên quán rượu khác cũng bị chủ quán đánh đập đến nỗi phải nhập viện và bị triệu chứng “lãng trí” cũng vì hành vi gian lận trong công việc. Sau khi nhân viên này bị chủ quán mạnh tay trừng trị, những nhân viên khác trong quán cũng quyết định thôi việc (chắc hẳn để tránh hậu quả tương tự).
Vấn đề tội phạm có tổ chức cũng như không có tổ chức của người Việt Nam tại Thái Lan là điều mang đến nhiều hậu quả xấu cho công nhân Việt Nam trên đất nước Thái Lan. Trên thực tế, thành phần tội phạm chỉ là một số lượng rất nhỏ. Đa số những người Việt Nam đến Thái Lan chăm chỉ làm việc để dành giụm cho tương lai của mình cũng như phụ giúp cho kinh tế gia đình. Tuy nhiên khó tránh được tình trạng bị vơ đũa cả nắm, khi trên báo đài của người Thái vẫn thi thoảng đưa tin những trường hợp phạm luật mà thủ phạm chính là công nhân Việt Nam. Sự thiếu ý thức và thiếu đạo đức của bộ phận nhỏ này làm cho toàn thể cộng đồng người Việt bị tổn thương, gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm của những người lao động di dân chân chính, và tạo nên hình ảnh xấu về con người và đất nước Việt Nam trong ánh mắt người dân bản xứ. Điều này vô cùng đáng tiếc vì trong hoàn cảnh làm việc bất hợp pháp, việc người Việt xây dựng và gìn giữ hình ảnh đẹp và tích cực về chính mình càng quan trọng cho cơ hội gặt hái được thành công trên đất Thái.
Đời sống xã hội, tinh thần và tâm linh của công nhân Việt Nam tại Thái Lan
Cuộc sống của người di dân vì bất cứ lý do gì đã chất chứa nhiều khó khăn gây ra bởi sự thay đổi môi trường, văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ, các mối tương quan khác. Điều này càng thấy được trong cuộc sống của những lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan. Đa số các công nhân Việt Nam tại Thái Lan xuất thân từ những gia đình nông thôn, có đời sống gắn liền với gia đình, xóm làng, và đặc biệt đối với người theo đạo Công Giáo, nhà thờ và giáo xứ. Ở đó họ nhận được sự giáo dục và hỗ trợ tinh thần từ các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, cộng đồng và gia đình. Ngoài ra họ có những mối tương quan thân thiết giúp cho đời sống xã hội vui tươi và có ý nghĩa. Tuy nhiên, khi quyết định rời khỏi quê hương lên đường kiếm sống ở một quốc gia khác, điều này đồng nghĩa với việc phải bỏ lại tất cả những gì quen thuộc và gần gũi, cũng như những chỗ dựa tinh thần quan trọng trong cuộc sống.
Những người Việt Nam đến Thái Lan mang trên mình cái mác là “lao động di dân” hay “công nhân” Việt Nam, nên cuộc sống của họ dường như gắn liền với cụm từ đó. Họ làm việc mỗi ngày từ 10-15 giờ đồng hồ ban ngày hoặc ban đêm tùy theo tính chất của công việc. Có người do thu nhập từ một công việc không đủ để trang trải cho cuộc sống còn tìm việc làm thêm. Chỉ một số ít công nhân có được một ngày nghỉ trong tuần, số còn lại đều làm hết bảy ngày. Chỉ trừ ngày đi gia hạn hộ chiếu thì mới có phép nghỉ việc.
Vì việc kiếm tiền là mục đích chính của người lao động di dân nên nhiều thứ khác bị loại trừ ra khỏi cuốc sống của họ, có cả những thứ tốt lẫn thứ xấu. Việc phải quần quật làm việc khiến cho nhiều người không có thời giờ để đi chơi hay tham gia vào những cuộc ăn chơi vô bổ. Điều này không có nghĩa là không có chuyện ăn nhậu xảy ra, nhưng nói chung không phổ biến như thường thấy tại Việt Nam, đặc biệt đối với những người rảnh rổi. Dĩ nhiên không có hiện tượng các công nhân Việt Nam tại Thái Lan la cà hàng giờ ở những quán cà phê như ở Việt Nam, một phần vì ở Thái Lan không có quán cà phê phù hợp với phong cách của người Việt, mặt khác cũng không có thì giờ để tiêu khiển tại các quán xá. Vì thế đa số những cuộc họp mặt, liên hoan…chỉ diễn ra khi có người mừng sinh nhật hoặc trong vài dịp lễ lớn của người Thái như ngày Songkran hoặc ngày sinh nhật vị vua đất nước. Có khi những cuộc gặp gỡ liên hoan được tổ chức ở quán xá, nhưng đa phần là tổ chức ngay ở trong phòng trọ sau giờ làm việc.
Mặc dầu đời sống bận rộn giúp cho người Việt Nam tại Thái Lan hạn chế được một số sinh hoạt tiêu cực, nhưng tình trạng cái tốt lẫn lộn cái xấu cũng là hệ quả môi trường sống của công nhân Việt Nam tại Thái Lan, dẫn đến một lối sống thiếu quy tắc và thiếu đạo đức bản thân. Điều thứ nhất là việc sống chung phòng trọ với nhau. Hiện nay có không ít trường hợp nam nữ không phải là vợ chồng sống chung với nhau trong một căn phòng. Lý do sống chung với nhau đơn thuần chỉ là giúp chia sẻ chi phí, hoặc thuận tiện cho việc đi làm cùng một nơi; nhưng cũng không ít trường hợp vì họ yêu nhau và việc sống chung với nhau trở nên dễ dàng trong môi trường không có người lớn cản trở hoặc chỉ bảo. Việc sống chung thường đi đôi với việc sống thử dẫn đến nhiều trường hợp người con gái có thai trước hôn nhân.
Đối với những người đã lập gia đình thì có nhiều trường hợp hai vợ chồng không sống với nhau vì mỗi người làm việc mỗi nơi. Cũng có nhiều trường hợp một người ở Thái Lan trong khi người kia ở Việt Nam. Điều này dễ dàng dẫn đến sự sứt mẻ trong mối quan hệ vợ chồng khi không được sống gần nhau, dẫn đến tình trạng một trong hai người có hành vi ngoại tình. Trong trường hợp cả hai vợ chồng đều làm việc tại Thái Lan thì hầu hết đều gởi con cái lại cho ông bà chăm sóc. Vì thế, con cái chỉ được gặp cha mẹ mình mỗi năm một hai lần hoặc nói chuyện và nhìn mặt qua điện thoại. Điều này chắc hẳn ảnh hưởng không ít đến tình cảm giữa con cái và cha mẹ, cũng như ảnh hưởng đến sự giáo dục mà người trẻ nhận được khi thiếu vắng sự hiện diện của cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày.
Một giá trị vô cùng quan trọng đối với người theo đạo Công Giáo là việc giữ đạo, đặc biệt qua việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật và những ngày lễ trọng. Người Công Giáo ở Giáo Phận Vinh, giáo phận quê hương của đa số những công nhân Việt Nam tại Thái Lan, rất sùng đạo và có thói quen đi lễ hằng ngày. Họ không chỉ đi lễ mà còn đến nhà thờ để tham dự các giờ kinh như Kinh Lòng Thường Xót Chúa hoặc giờ kinh tối. Việc đi lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc dường như không thể loại trừ ra khỏi đời sống tâm linh của họ. Thế nhưng khi đến Thái Lan, những sinh hoạt tốt lành này hầu như bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi danh sách sinh hoạt cá nhân. Chỉ có một số đi lễ ngày Chúa Nhật khi có Thánh lễ tiếng Việt hàng tháng được tổ chức gần nơi họ ở trọ. Số người đi lễ tiếng Thái khi không có lễ tiếng Việt còn ít hơn nữa. Và có một thành phần không nhỏ không tham dự bất cứ Thánh lễ nào cho dù là tiếng Việt hay tiếng Thái. Có năm lý do chính yếu tại sao người Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan bỏ lễ Chúa Nhật. Có người bỏ lễ vì ở quá xa nhà thờ, việc đi lại quá tốn kém hay mất quá nhiều thì giờ đối với họ. Ở Thái Lan chỉ có 0,5% dân số (khoảng 300.000 người) theo đạo Công Giáo, nên không phải ở đâu cũng tìm thấy nhà thờ. Có người bỏ lễ vì phải làm việc vào ngày Chúa Nhật trùng với lúc thánh lễ diễn ra. Có người đi lễ tiếng Việt nhưng bỏ lễ tiếng Thái vì cho rằng đi lễ tiếng Thái cảm thấy chán vì không hiểu ngôn ngữ. Có người bỏ lễ vì tối thứ bảy làm việc đến sáng và khi về nhà không còn sức để đến nhà thờ. Và có người bỏ lễ đơn thuần vì không thích thú với việc đi lễ cho dù không có điều gì cản trở họ đến nhà thờ.
Tóm lại, đời sống xã hội, tinh thần và tâm linh của lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan có nhiều thiệt thòi khi phải bươn chải trên đất khách quê người. Do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và phong tục tập quán cộng thêm thời khóa biểu làm việc nhiều giờ, trong khi thiếu hệ thống hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng như ở quê hương, những người Việt Nam gặp nhiều áp lực trong cuộc sống. Một số người biết nhận thức và nỗ lực để duy trì những giá trị nhân bản và tâm linh đã được hấp thụ trước đây, nhưng cũng có không ít đã cố tình hay vô ý đánh đổi những điều tốt đẹp chỉ vì mục đích kiếm tiền hay đơn thuần vì sự thiếu ý thức cá nhân. Chắc chắn đã mang cái mác “lao động di dân” thì phải lao động. Nhưng dù sao thì sự cân bằng trong cuộc sống với những chiều kích xã hội, tinh thần và tâm linh phải được duy trì và củng cố để cuộc sống con người có ý nghĩa và mang lại hạnh phúc trong cuộc sống.
Xây dựng cộng đồng trên đất Thái
Người Việt Nam đã có mặt tại Thái Lan hàng trăm năm qua, từ nhiều đợt di cư khác nhau. Đợt đầu tiên diễn ra từ giữa thế kỷ thứ 17 dưới triều đại Ayutthaya khi người Công Giáo từ miền nam Việt Nam đã tìm đến Thái Lan xuyên qua Vịnh Thái Lan để lẫn trốn tình trạng bách hại tôn giáo tại Việt Nam.[25] Biến cố di cư này diễn ra trong bối cảnh xung đột đang xảy ra giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn tại Việt Nam. Dưới triều vua Narai (1656-1688) số người Việt tại Ayutthaya tiếp tục gia tăng. Vào năm 1666, cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại đây đã xây dựng được một ngôi nhà thờ mang tên nhà thờ thánh Giuse. Khi thủ đô Ayutthaya bị đội quân Miến Điện xâm lược vào năm 1767 thì nhà thờ thánh Giuse cũng bị phá hủy cùng với tất cả những chùa chiền Phật giáo khác. Nhà thờ thánh Giuse tồn tại trong tình trạng đổ nát hơn 6 thập kỷ cho đến khi được tái xây dựng năm 1831. Trong triều đại Ayutthaya, nhiều người Việt Nam cũng đã đến sinh sống ở những nơi khác như Bangkok và tỉnh Chanthaburi. Năm 1707 thời nhà vua Sanphet (1703-1709), 130 người Công Giáo Việt Nam từ Ayutthaya đã di chuyển đến tỉnh Chanthaburi và bắt đầu xây dựng một cộng đoàn ở đó. Năm 1712 họ đã xây nhà thờ Công Giáo đầu tiên bên cạnh con sông chính trong vùng dưới sự chăm sóc của một vị linh mục người Philippines là cha Nicolas Tolentino.[26] Ngày nay đa số người Công Giáo trong Giáo phận Chanthaburi đều là người mang dòng máu Việt. Như thế người Việt Nam, đặc biệt là người Công Giáo Việt đã có mặt tại Thái Lan trên 350 năm. Những người Việt di cư đến Thái Lan trong làn sóng đầu tiên chủ yếu vì lý do tôn giáo được gọi là “yuan kau” (người Việt cũ).
Thành phần người Việt được liệt kê là “yuan kau” còn bao gồm những lượt người Việt di cư sang Thái Lan vào thế kỷ thứ 18 và 19. Dưới triều vua Rama I (1782-1809), Nguyễn Phúc Ánh và hàng ngìn quân lính của ông trong một trận đánh thất bại đã trốn qua Xiêm La (Thái Lan) để ẩn náu. Dĩ nhiên, sau đó cùng với một số quân lính Nguyễn Phúc Ánh đã hồi hương và tiếp tục đấu tranh để trở thành vị hoàng đế nhà Nguyễn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Trong triều vua Rama III (1824-1851), một số người Việt Nam là những tù nhân chiến tranh đã bị đưa sang Thái Lan từ Cambodia. Và trong thời vua Rama IV (1851-1864) ở vùng đông bắc Thái Lan cũng bắt đầu chứng kiến sự hiện diện của người Việt Nam, họ di cư xuyên qua đường Lào. Do vua Rama IV đang có chủ trương phát triển vùng đông bắc Thái Lan nên những người Việt này được khuyến khích ở lại và tạo điều kiện để trở nên công dân Thái. Những thập niên sau dưới thời vua Rama V cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20, nhiều người Việt Nam vẫn tiếp tục di cư sang Thái Lan để trốn hoàn cảnh khổ cực tạo nên bởi thực dân Pháp.[27]
Sau làn sóng người Việt cũ là làn sóng người được gọi là “Yuan op-pa-yop” (người Việt di cư) hoặc “Yuan may” (người Việt mới). Thế hệ người Việt di cư này đỗ vào Thái Lan trong những năm giữa và sau Đệ Nhị Thế Chiến. Do hoàn cảnh cực khổ và chiến tranh dưới chế độ thực dân Pháp, nhiều người Việt ở các tỉnh miền bắc và miền trung đã di cư sang Lào. Tuy nhiên, khi chiến tranh Đông Dương lần nhứ nhất (1946-1954) lan qua tận Lào và tỉnh Thakhaek ở giáp ranh giới Lào-Thái bị tấn công, nhiều người Việt đã tràn qua Thái Lan để lẫn trốn nguy hiểm. Những con đường dẫn người Việt Nam sang Lào rồi sau đó đến Thái Lan bao gồm Đường số 8 (Nghệ An/Hà Tĩnh – Thakhaek), Đường số 12 (Quãng Bình – Thakhek), và Đường số 9 (Quãng Trị/Huế - Muddahan).[28] Năm 1946, có đến 46.700 người Việt di cư sang hai tỉnh Nakhon Phanom và Muddahan của Thái Lan. Đến năm 1975, số người Việt từ làn sóng di cư thứ hai này được ước lượng là khoảng 80.000 người.[29]
Làn sóng người Việt đến Thái Lan lần thứ ba diễn ra vào những năm sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4, 1975. Đó là làn sóng người tị nạn trốn ra khỏi Việt Nam để đến không chỉ Thái Lan nhưng còn nhiều nước khác trong khu vực như Philippines, Malaysia và Hong Kong. Tại Thái Lan, họ được tập trung vào các trại tị nạn khác nhau. Tuy nhiên, khác với hai làn sóng trước, những người Việt tị nạn không tiếp tục sinh sống tại Thái Lan. Đa số đã được đi định cư ở quốc gia thứ ba như Hoa Kỳ, Canada, Úc… Những người bị từ chối thì buộc phải hồi hương về Việt Nam.
Làn sóng người Việt đến Thái Lan gần nhất là những lao động di dân đa số từ các tỉnh miền trung Việt Nam. Vì là lao động di dân, hơn nữa lao động bất hợp pháp nên không dễ để xác định số lượng lao động Việt Nam đang ở trên đất nước Thái. Ngoài ra, vì chỗ ở của những người lao động thường xuyên thay đổi tùy theo hoàn cảnh và công việc nên họ cũng không dễ dàng để xây dựng một cộng đồng ổn định. Đối với người Việt Nam đến Thái Lan những thế hệ trước đây, mặc dầu họ đã trải qua không ít khó khăn trong quá khứ, nhưng hiện nay họ đã hoàn toàn hội nhập vào xã hội Thái Lan. Nhiều người Thái gốc Việt có địa vị cao trong xã hội sở tại. Họ có tên bằng tiếng Thái cả tên gọi lẫn tên họ. Cộng đồng người Thái gốc Việt không chỉ tham gia đầy đủ vào xã hội Thái mà họ cũng có thể thành lập những tổ chức như Hội người Thái gốc Việt, Hội doanh nhân Thái gốc Việt… để duy trì bản sắc văn hóa và nguồn cội. Tuy nhiên, đối với đa số người Thái gốc Việt thì những tổ chức này không thực sự thiết yếu cho đời sống của họ, đặc biệt là cho những thế hệ sau này, vì họ dường như đã hội nhập hoàn toàn vào xã hội và văn hóa của đất nước nơi họ sinh ra và lớn lên.
Hoàn cảnh của người công nhân Việt Nam tại Thái Lan rất khác với cộng đồng người Thái gốc Việt nói trên. Họ không những không thể hội nhập vào xã hội Thái mà còn rất khó để xây dựng cộng đồng cho chính mình. Lý do chính yếu là tính chất thiếu ổn định của cuộc sống lao động di dân (bất hợp pháp). Có nhiều yếu tố tác động vào cuộc sống của họ như thái độ của chính quyền địa phương với lao động nước ngoài, tình hình kinh tế của đất nước sở tại, hành vi của những người Việt với nhau ở nơi làm việc, thu nhập kiếm được từ công việc đang có… Tất cả những điều này ảnh hưởng đến việc một lao động Việt Nam sẽ ở lại một nơi lâu dài hay nhiều lần chuyển chỗ làm việc tùy theo hoàn cảnh, hoặc thậm chí trở về Việt Nam một thời gian vài tuần cho đến vài năm trước khi quay trở lại. Để có thể xây dựng cộng đồng, không chỉ cần có thành viên mà cần có những người đảm nhận vai trò lãnh đạo. Thành viên phải có điều kiện để tham gia vào những sinh hoạt và đóng góp vào những công việc chung của cộng đồng. Người lãnh đạo phải có khả năng để hướng dẫn và khuyến khích các thành viên có tinh thần và ý thức tập thể. Ngoài ra người lãnh đạo phải phần nào có sự ổn định trong cuộc sống để có điều kiện hy sinh thời giờ và công sức cho tập thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc sống của đa số các lao đông di dân Việt Nam tại Thái Lan, sự ổn định lâu dài dường như rất ít gặp, và thời giờ để đóng góp vào công việc chung xem ra là một điều tương đối xa xỉ.
Hiệp hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan
Thực trạng cuộc sống của lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan vô cùng bất lợi cho việc xây dựng cộng đồng. Những thách đố của cuộc sống lao động di dân cộng với tình trạng bất hợp pháp trong công việc càng làm cho mọi thứ thêm khó khăn. Tuy nhiên, người Việt Nam tại Thái Lan cũng đã cố gắng xây dựng cho mình một cộng đồng để làm chỗ dựa tinh thần trên đất khách quê người. Một điển hình quan trọng là sự hiện diện của Hiệp hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan, được thành lập cách đây chừng 5 năm với mục đích phục vụ cho lao động di dân Việt Nam trên đất Thái.
Câu chuyện bắt đầu trước đó khoảng hơn 10 năm khi một linh mục người Thái gốc Việt tên Chalerm Kitmongkhol và một giáo dân Việt kiều tên Trần Văn Trọng đã nhận thấy có nhiều người trẻ Công Giáo Việt Nam đang làm việc tại Bangkok, thiếu thốn sự nâng đỡ về mặt tâm linh. Cha Chalerm và ông Trọng đã quy tụ các bạn trẻ và liên lạc với nhà thờ Công Giáo để tổ chức những Thánh lễ bằng tiếng Việt. Việc này cũng không mấy dễ dàng do những năm đó, chính quyền Campuchia chưa mở cửa cho người Việt đi gia hạn hộ chiếu hàng tháng dẫn đến tình trạng đa số lao động di dân tại Bangkok đều để cho hộ chiếu hết hạn. Trong lúc đó, Giáo Hội địa phương cũng chưa hiểu biết nhiều về hoàn cảnh của những người trẻ Việt Nam dẫn đến thái độ e dè trước tình trạng bất hợp pháp của họ. Vì thế để có nơi tổ chức Thánh lễ cho các bạn trẻ Công Giáo cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, những lần có Thánh lễ tiếng Việt thì hành vi của một số bạn trẻ như hút thuốc và xả rác trong khuôn viên nhà thờ cũng làm cho cha xứ và giáo dân người Thái không hài lòng và không sẵn sàng để tạo điều kiện cho việc tổ chức lễ Việt trong nhà thờ của mình. Có khi những lao động Việt Nam bị cảnh sát rượt đuổi đến tận bên trong nhà thờ để kiểm tra giấy tờ hoặc bị bắt ngay bên ngoài nhà thờ vì không có giấy tờ hợp pháp cũng là nguyên do làm cho các linh mục và giáo dân Thái Lan cảm thấy bất an.
Tuy nhiên, cha Chalerm và ông Trọng vẫn tiếp tục tìm cách để làm mục vụ cho các bạn trẻ Việt Nam. Những năm sau đó có thêm các linh mục và tu sĩ người Việt đến phục vụ hoặc học tập tại Thái Lan và bắt đầu cộng tác trong việc mục vụ di dân Việt Nam, trong đó có các cha dòng Đaminh, Dòng Ngôi Lời, Dòng Chúa Cứu Thế, các seour Dòng Mân Côi… Mặc dầu sứ vụ của các linh mục tu sĩ Việt Nam tại Thái Lan liên quan đến những công việc khác trong Giáo Hội Thái Lan hoặc để học tập rồi trở lại Việt Nam, nhưng khi các Ngài bước chân đến Thái Lan và chứng kiến tình trạng “đàn chiên không có chủ chăn” thì không thể từ chối để tham gia trong những mức độ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện cho phép. Vào năm 2010, tổ chức được gọi là “ Hiệp hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan” đã chính thức thành lập chủ yếu để phục vụ di dân Việt Nam trong TGP Bangkok và những vùng lân cận. Hiệp hội có một ban điều hành bao gồm các linh mục, tu sĩ, và giáo dân, trong đó có Lm. Chalerm Kitmongkhol và Lm. Antôn Lê Ngọc Đức, SVD là linh hướng, và ông Trần Văn Trọng là vị chủ tịch. Tuy nhiên, sinh hoạt của Hiệp hội cũng rất hạn chế do nhiều yếu tố khách quan. Thứ nhất, thời giờ của các linh mục tu sĩ có thể đầu tư cho công việc quá ít ỏi. Cha Chalerm có nhiều trách nhiệm trong Giáo phận Chanthaburi không thể hiện diện tại Bangkok thường xuyên. Cha Đức lại quản xứ ở vùng đông bắc Thái Lan cách Bangkok gần 600km nên cũng ít có điều kiện để tham gia vào những sinh hoạt của Hiệp hội. Một mình ông Trọng cũng khó có thể quản xuyến hết những công việc cần phải làm trong việc điều hành. Chính vì thế, nên những năm đó mục vụ di dân chủ yếu là tổ chức Thánh lễ vào những dịp lễ lớn như Phục Sinh, Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời, Giáng Sinh… Có một vài nhóm được thành lập ở các khu vực và có tổ chức thánh lễ nhóm, nhưng không nhiều và không liên tục.
Từ năm 2013 trở đi sinh hoạt của Hiệp hội đã phát triển nhiều hơn nhờ vào sự cộng tác đắc lực từ các linh mục và tu sĩ Việt Nam tại Thái Lan. Năm 2012, Dòng Đaminh sai Lm. Giacôbe Vũ Văn Hanh đến Thái Lan để cộng tác trong mục vụ di dân Việt Nam. Đầu năm 2013, cha Đức hoàn tất nhiệm kỳ tại GP Udon Thani và trở về Bangkok để nhận công việc mới, đồng thời gắn bó với mục vụ cho người Việt. Các seour Dòng Mân Côi vẫn duy trì công việc cũ tại trường quốc tế Ruam Rudee và tiếp tục đóng góp cho Hiệp hội trong những sinh hoạt khác nhau, đặc biệt công việc dạy giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân. Bên cạnh đó còn có một số linh mục và tu sĩ từ những dòng khác nhau đến Bangkok học tập và lưu lại trong thời gian từ vài tháng cho đến vài năm cũng tham gia vào mục vụ cho di dân Việt Nam.
Một yếu tố quan trọng khác là những năm về sau, chính quyền Campuchia đã mở cửa cho người Việt đi gia hạn hộ chiếu hàng tháng nên tình trạng hộ chiếu hết hạn giảm đi rất nhiều. Việc đi lại của các bạn trẻ Việt Nam an toàn hơn nên mỗi lần đi tham dự Thánh lễ không còn là một mối nguy hiểm bị bắt như từng xảy ra thường xuyên trước đây. Bên cạnh đó, sự hiện diện và mối tương quan của các linh mục, tu sĩ Việt Nam với Giáo Hội địa phương cũng ngày càng gần gũi hơn, giúp cho các vị lãnh đạo và linh mục trong giáo phận trở nên cởi mở hơn với giới trẻ Việt Nam và sẵn sàng để tạo điều kiện cho việc dâng lễ trong giáo xứ của mình. Nhờ vào những yếu tố khách quan thuận lợi và với sự nỗ lực của BĐH Hiệp Hội, đã có thêm những nhóm giới trẻ Công Giáo Việt Nam được thành lập ở các khu vực khác nhau trong và ngoài TGP Bangkok. Những nhóm được thành lập trải dài từ cố đô Ayutthaya cho đến thành phố du lịch Pattaya, và ở quận Dindaeng ngay ở trung tâm thành phố. Cha tân linh hướng của Hiệp hội nhiệm kỳ 2013-2015, Giacôbê Vũ Văn Hanh. OP, cùng với các linh mục khác thay phiên nhau đi giải tội và dâng lễ cho các nhóm mỗi ngày Chúa Nhật. Sau khi cha Giacôbê qua đời trong một vụ tai nạn giao thông vào tháng 6, 2014, cha Giuse Nguyễn Mạnh Hà, OP, đã được bầu lên để thay thế cho nhiệm kỳ 2015-2017. Tính đến thời điểm nay, trong HH có 13 nhóm giới trẻ Công Giáo Việt Nam. Mỗi nhóm có một ban điều hành gồm 5-7 người và tổ chức lễ nhóm mỗi tháng một lần. Những thánh lễ này có khoảng từ 50-250 người tham dự. Ngoài những lễ nhóm, HH vẫn tổ chức mỗi năm 6 Thánh lễ chung vào các dịp quan trọng. Bên cạnh mục vụ các bí tích và dạy giáo lý như nói trên, HH cũng tổ chức những chương trình tọa đàm, tĩnh tâm, hội trại và hội thao để giúp xây dựng đời sống tâm linh và tinh thần của giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan được tốt đẹp và có nề nếp. Một điều cần ghi nhận là có những nhóm giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan không chỉ được tổ chức bởi HH mà còn có nhiều nhóm ở các tỉnh và vùng khác được hướng dẫn bởi các linh mục người Việt đang phục vụ ở đó. Ví dụ như nhóm giới trẻ Vinh-Sơn ở tỉnh Udon Thani, nhóm Kitô Vua ở tỉnh Khon Kaen, nhóm Đức Mẹ Thiên Chúa ở tỉnh Mahasarakham, nhóm Ratchaburi, nhóm Phetchaburi, và nhóm Petliu. Bên cạnh đó còn có những Thánh lễ được tổ chức bởi các nhóm đồng hương như giới trẻ giáo xứ Trung Nghĩa, giới trẻ giáo xứ Thu Chỉ, giới trẻ giáo xứ Cẩm Xuyên….
Ngoài mục đích duy trì và củng cố đời sống tâm linh của người lao động Việt Nam tại Thái Lan việc thành lập những nhóm giới trẻ Công Giáo trên còn là cơ hội cho họ gặp gỡ và chia sẻ với nhau sau những ngày làm việc cực nhọc. Việc tham gia vào các nhóm cũng là nguồn hỗ trợ tinh thần và vật chất cho lao động di dân. Khi gặp khó khăn, đặc biệt là gặp tai nạn phải nhập viện hoặc thậm chí bị thiệt mạng, những người cùng quê hương và cùng nhóm thường sẽ mở lòng giúp đỡ bằng cách nay hay cách khác. Năm 2014 khi chiếc xe chở cha Giacobê và 15 bạn trẻ khác đi tham dự hội trại được tổ chức tại tỉnh Nong Bua Lamphu gặp tai nạn dẫn đến tài xế và 13 người Việt thiệt mạng, các nhóm giới trẻ đã nỗ lực quyên góp trong cộng đồng để giúp đỡ cho gia đình của các nạn nhân. Sự đóng góp của các bạn rất tích cực và rất nhanh chóng.
Sự hiện diện của Hiệp hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan là một trường hợp tích cực về nỗ lực xây dựng và duy trì cộng đồng giữa người lao động di dân Công Giáo tại Thái Lan. Mặc dầu Hiệp hội có nhiều hạn chế về điều kiện sinh hoạt, và chính những người trẻ Công Giáo cũng không dễ dàng để tham gia vào những sinh hoạt của Hiệp hội, nhưng HH đã giúp phần nào cho giới trẻ Công Giáo Việt Nam trên đất Thái có cơ hội để sống đức tin của mình một cách hăng say hơn, đưa mọi người đến gần gũi với nhau trong một môi trường đạo đức và lành mạnh, cũng như tạo nhịp cầu cho sự tương trợ lẫn nhau về vật chất cũng như tinh thần. Rất tiếc là những sinh hoạt của HH chỉ mới hạn chế trong thành phần giới trẻ Công Giáo Việt Nam, là thành phần thiểu số trong toàn bộ lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan. Đại đa số các công nhân Việt Nam là người theo tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào. Có thể nói hiện nay chưa có một tổ chức nào khác được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ cho người Việt nói chung và người khác đạo nói riêng.
Mạng xã hội và cộng đồng lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan
Cuộc sống của lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan chủ yếu xoay quanh công ăn việc làm nên đời sống xã hội và cộng đồng gặp nhiều hạn chế. Ngoài những nhóm bạn bè đồng hương hoặc cùng làm việc với nhau và những nhóm giới trẻ Công Giáo dưới sự hướng dẫn của các linh mục, tu sĩ Việt Nam tại Thái Lan, những công nhân Việt Nam trên đất Thái không có những tổ chức chính thức khác để làm nơi sinh hoạt hầu bồi dưỡng đời sống xã hội và tinh thần. Chính vì sự thiếu thốn trong những tổ chức mang tính chất cộng đồng mà mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, có một tầm quan trọng trong việc củng cố tinh thần cộng đồng cho người Việt tại Thái Lan.
Facebook là một công cụ mạng xã hội được người Việt Nam ưa chuộng trong những năm gần đây. Theo báo Thanh Niên, ở Việt Nam hiện nay có 30 triệu người đang sử dụng Facebook, trong đó 75% là ở tuổi 18-34. Việt Nam là một trong những thị trường mà Facebook đang phát triển nhanh nhất trên thế giới. Người Việt Nam vào Facebook trung bình 2,5 giờ đồng hồ mỗi ngày (nhiều gấp đôi giờ xem TV). Mỗi ngày có khoảng 20 triệu người Việt truy cập Facebook, và ngay cả một số quan chức Nhà nước cũng có tài khoản Facebook cá nhân của mình.[30] Những thông tin trên cho thấy lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan trùng hợp với những thống kê về đối tượng người Việt đang tích cực sử dụng Facebook.
Mạng xã hội, cụ thể Facebook, đã đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng tính chất cộng đồng giữa những lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan. Hiện nay ở Thái Lan không chỉ thấy những trang Facebook cá nhân mà còn thấy những trang Facebook mang tính tập thể. Những trang cộng đồng có nhiều thành viên bao gồm trang “Người Việt tại Thái Lan,” “Hội Đồng Hương Hà Tĩnh tại Tháiland,” “Người Việt Nam ở Thái Lan”… Ngoài ra con có những trang Facebook của cộng đồng Công Giáo như “Hiệp Hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan,” và “Giao Lưu Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan” cũng như hàng loạt trang Facebook của các nhóm Công Giáo thường có tên là “Nhóm Công Giáo Việt tại (tên khu vực nơi nhóm sinh hoạt)”. Qua những trang cộng đồng nói trên cũng như trang cá nhân của mình, công nhân Việt Nam có thể chia sẻ tin tức và các thông tin quan trọng liên quan đến cuộc sống của lao động di dân trên đất Thái. Những thông tin về tai nạn giao thông xảy ra với người Việt Nam nhờ mạng xã hội được truyền đi nhanh chóng. Có một số trường hợp người gặp tai nạn bị thiệt mạng nhưng bạn bè không biết cách liên lạc với người thân nên đăng thông tin và hình ảnh lên Facebook để cho gia đình được biết. Khi những cá nhân hoặc tập thể nào đó tổ chức quyên góp để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, người ta cũng dùng Facebook để tiếp cận với những người có lòng tốt sẵn sàng chia sẻ. Đối với những nhóm Công Giáo và Hiệp Hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan, Facebook là phương tiện thuận tiện nhất để phổ biến rộng rãi thông tin về những ngày lễ và sinh hoạt của mình. Cũng chính vì điều này mà một số Thánh lễ của Hiệp Hội có người đến tham dự đông đảo từ 1.000 đến 1.500 người. Dĩ nhiên, Facebook cũng là phương tiện để chia sẻ hình ảnh về những sinh hoạt đã diễn ra để mọi người cùng thấy.
Trong bối cảnh những công nhân Việt Nam tại Thái Lan ít có điều kiện để đi lại, gặp gỡ và trao đổi trực tiếp, mạng xã hội là một phương tiện vô cùng giá trị hỗ trợ cho việc chia sẻ và trao đổi thông tin bổ ích cho đời sống xã hội và tâm linh của người Việt tại Thái Lan. Không thể phủ nhận những mặt tiêu cực của mạng xã hội hoặc cách sử dụng mạng xã hội thiếu ý thức, bởi một số lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan, có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt trong ánh mắt của người bản xứ. Ví dụ, một số bạn trẻ thích đăng những hình ảnh đang làm những món ăn liên quan đến việc sát sinh (gà, heo, thậm chí chó) trên trang Facebook của mình mà quên rằng họ đang sống trong xã hội Phật giáo mà việc đăng những hình ảnh sát sinh là điều phản cảm và cấm kỵ trong văn hóa và tôn giáo của người Thái. Tuy nhiên, nói về công cụ để hỗ trợ cho việc xây dựng cộng đồng thì trong bối cảnh sống thực tế của lao động Việt Nam tại Thái Lan hiện nay, mạng xã hội đã trở nên một phương tiện vô cùng bổ ích và không thể thiếu vắng được trong cuộc sống của cộng đồng di dân.
Những đề xuất cho tình trạng lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan
Dựa trên những vấn đề được trình bày ở trên về hiện tượng lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan hiện nay, người viết xin nêu lên những điểm sau đây để đáp ứng nhu cầu của những công nhân Việt Nam cũng như giúp cải thiện tình hình lao động di dân Việt Nam trên đất Thái:
Pháp luật: Các nhà chức trách Việt Nam và Thái Lan nên nhanh chóng triển khai kế hoạch hợp tác lao động Thái Lan – Việt Nam một cách toàn diện hầu giúp cho người Việt Nam sớm được đăng ký lao động hợp pháp. Điều này sẽ có nhiều tác dụng tích cực cho tình hình lao động Việt Nam tại Thái Lan cả cho quốc gia Thái Lan cũng như cho các công nhân Việt Nam. Thứ nhất, việc được đăng ký hợp pháp sẽ giúp cho những quyền lợi của lao động Việt Nam được bảo vệ khi gặp phải những trường hợp bị bóc lột sức lao động hoặc bị đối xử bất công. Thứ hai, công nhân Việt Nam sẽ được hưởng những quy chế về bảo hiểm y tế và xã hội khi làm việc tại Thái Lan. Thứ ba, lao động Việt Nam sẽ không phải mất nhiều thì giờ và tiền bạc để bao công an, để đi gia hạn hộ chiếu hàng tháng, hoặc phải chi trả khi ra vào nước Thái như hiện nay. Ngoài ra, việc hợp pháp hóa lao đông Việt Nam sẽ giúp giải quyết vấn đề công nhân Việt Nam bị trọng thương hoặc thiệt mạng khi chạy trốn cảnh sát kiểm tra trên đường phố hoặc nơi làm việc. Đã có trường hợp người khi bị kiểm tra thì hốt hoảng bỏ chạy ra đường nên bị xe tông chết một cách oan uổng. Người viết khi còn ở tỉnh Nong Bua Lamphu cũng đã từng đi tìm giúp những công nhân Việt Nam “chạy không kịp sách dép” vào những khu rừng và rẫy mía để lẫn trốn cảnh sát đúng theo nghĩa đen của câu nói.
Về phía chính quyền Thái Lan, việc hợp pháp hóa lao động Việt Nam tại Thái Lan sẽ giúp cho việc tham nhũng trong giới chức trách giảm xuống khi người Việt không còn phải đút lót cho cảnh sát di trú và địa phương để được làm việc mà không bị bắt bớ. Ngược lại, những chi phí hợp lý mà lao động nước ngoài phải chi trả sẽ được đưa vào công quỹ của nhà nước. Việc triển khai kế hoạch hợp tác lao động Việt Nam sẽ giúp cho chính quyền Thái Lan dễ dàng kiểm soát và theo dõi tình trạng lao động Việt Nam đang sinh sống tại Thái Lan, xác định được số người, nơi làm việc, tính chất của công việc, và những sinh hoạt khác của họ trên đất Thái. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận rằng Việt Nam có thể cung cấp cho Thái Lan một nguồn lao động năng nổ mà họ đang thiếu thốn.
Văn hóa: Lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan cần sự hỗ trợ để hội nhập văn hóa nhanh chóng và hiệu quả hơn khi đến Thái Lan. Điều này sẽ giúp hạn chế những hành vi phản cảm và cấm kỵ đối với người sở tại. Đặc biệt sau khi kế hoạch hợp tác lao động Việt Nam – Thái Lan đã được triển khai, các nhà chức trách Thái Lan có thể tiếp cận với các lao động Việt Nam qua các tổ chức tôn giáo hoặc xã hội để mở những khóa huấn luyện về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán…của Thái Lan để giúp cho người Việt Nam có kiến thức về xã hội nơi họ làm việc, hầu dễ dàng thích nghi với môi trường sống và làm việc mới. Đối với lao động Việt Nam tại Thái Lan, việc thiếu kiến thức và ý thức về văn hóa và lối sống của người Thái Lan là một nguyên do khiến cho nhiều người có những hành vi làm cho người Thái mất cảm tình, nhiều khi dẫn đến tình trạng người Thái gọi báo cảnh sát để bắt vì cảm thấy khó chịu với người Việt.
Nhân bản: Đa số lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan là những người trẻ với học vấn không cao. Việc đào tạo về nhân bản cho công nhân Việt Nam là một công tác quan trọng, hầu giúp cho họ có một lối sống đạo đức và lành mạnh. Trong việc này, các tổ chức xã hội và tôn giáo của Thái Lan cũng như của người Việt có vai trò thiết yếu để tiếp cận và hướng dẫn giới trẻ một cách liên tục để phát triển và duy trì lối sống tích cực và tránh né những hành vi xấu đã nhận thấy nơi một bộ phận công nhân Việt Nam tại Thái Lan. Khi lao động Việt Nam làm việc và sinh sống có nề nếp thì cũng sẽ giúp cho đất nước sở tại được ổn định và giảm đi những tiêu cực gây nên bởi người nước ngoài.
Sức khỏe: Mặc dù đa số lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan là những người trẻ, nhưng điều này không có nghĩa là họ có sức khỏe vô hạn. Chương trình hợp tác lao động giữa hai quốc gia nên nhấn mạnh những chương trình hỗ trợ y tế cho người lao động khi lâm bệnh cần phải đi điều trị ở bệnh viện. Lao động di dân Việt Nam cũng cần phải có kiến thức để chăm sóc sức khỏe và ngăn ngừa những căn bệnh liên quan đến nghề nghiệp của mình. Đa số các công nhân Việt Nam làm việc nhiều giờ trong những môi trường thiếu vệ sinh và an toàn. Ví dụ như nghề may mặc đòi hỏi lao động phải ngồi nhiều giờ một tư thế, dẫn đến đau lưng và những triệu chứng nhức mỏi khác. Những người đi bán dạo phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm trên đường phố và nguy cơ tai nạn giao thông. Đối với những người làm việc ở các quan rượu phải đối phó với không gian có tiếng ồn ào cũng như có nhiều khói thuốc lá. Một số người phải uống nhiều rượu để chiều lòng khách. Vì nhu cầu kiếm tiền và sức khỏe của tuổi trẻ còn nhiều nên không phải ai cũng ý thức về việc ngăn ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, nếu không chú trọng về sức khỏe thì những đồng tiền cố gắng làm ra lại phải chi vào công việc chữa bệnh xảy đến do sự thiếu quan tâm về thể xác cũng như tinh thần.
Xã hội: Những công nhân Việt Nam phải có điều kiện để có một cuộc sống xã hội lành mạnh. Khi được sống và làm việc tại Thái Lan một cách hợp pháp, những người công nhân Việt Nam sẽ cảm thấy an tâm hơn khi đi lại, đặc biệt để giải trí, gặp gỡ bạn bè, và tham gia những sinh hoạt lành mạnh của các tổ chức tôn giáo và xã hội. Trong lĩnh vực này, những tổ chức Việt kiều tại Thái Lan có vai trò quan trọng làm chỗ dựa tinh thần cho lao động Việt Nam tại Thái Lan. Họ không chỉ là những người thuê công nhân Việt vào làm trong cơ sở kinh doanh của mình, mà còn là nhịp cầu nối kết thế hệ người Việt Nam mới đến Thái Lan với xã hội Thái Lan. Kinh nghiệm của người Việt kiều trong việc phải sinh sống và hội nhập tại Thái Lan sẽ là nguồn hỗ trợ quý giá đối với những người mới đến giúp họ biết đối phó với những thách đố khi bước chân vào một môi trường không quen thuộc.
Tâm linh: Những tổ chức tôn giáo cần phải quan tâm và tạo điều kiện cho các lao động di dân Việt Nam có thể duy trì và phát triển đời sống tâm linh của mình trên đất khách quê người. Giáo Hội Công Giáo Thái Lan cần xem giới trẻ Công Giáo Việt Nam là một thành phần của đàn chiên mà các vị chủ chăn có trách nhiệm phải chăm sóc và nâng đỡ. Giáo Hội Thái Lan phải mang tinh thần mà ĐGH Phanxicô đã nêu lên trong thông điệp cho ngày Thế giới di dân và tị nạn lần thứ 101 (2015), đó là xây dựng một “Giáo Hội không biên giới, Mẹ của mọi người.” Đối với Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt GP Vinh, vì đa số những công nhân Công Giáo Việt Nam thuộc GP Vinh, GP nên bổ nhiệm linh mục để quan tâm theo dõi tình hình của con em trong giáo phận khi đến Thái Lan sinh sống. Nếu làm một phép tính rằng 10% của tổng số lao động Việt Nam tại Thái Lan hiện nay là Công Giáo, thì số người Công Giáo đang lao động tại Thái Lan khoảng 5.000, tương đương với một giáo xứ tại Việt Nam. Đó là một số lượng con em trong giáo phận không ít và đáng được quan tâm. Trong trường hợp kế hoạch hợp tác lao động giữa hai quốc gia được triển khai dẫn đến số lượng công nhân Việt Nam đến Thái Lan gia tăng, thì số người Công Giáo sẽ còn nhiều hơn thế nữa. Hoàn cảnh những người trẻ Công Giáo đến Thái Lan khác với những người trẻ di cư vào các thành phố ở Việt Nam. Ở Việt Nam không khó để tìm ra nhà thờ để đi lễ. Ngoài ra, vấn đề ngôn ngữ không phải là một cản trở. Ngược lại, ở Thái Lan không chỉ khó tìm ra nhà thờ, ít có thì giờ để đi lễ, mà còn phải đối phó với việc tham dự Thánh lễ bằng ngôn ngữ mà mình không thông thạo. Vì thế, giáo phận quê nhà có thể quan tâm về đời sống tâm linh của con em mình bằng cách tổ chức những cuộc thăm viếng, những chương trình gặp gỡ, giao lưu, giáo huấn… Nếu giáo phận có thể bổ nhiệm một linh mục sang Thái Lan để làm mục vụ di dân thì càng tốt cho việc hỗ trợ cho đời sống tâm linh của người trẻ.
Tóm lại, lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan đang đứng trước một hoàn cảnh cần sự hỗ trợ của nhiều thành phần – chính quyền của Thái Lan và Việt Nam, những tổ chức tôn giáo và xã hội, và những thế hệ người Việt đã sinh sống tại Thái Lan lâu năm. Nếu có sự chung tay của những thành phần nói trên, cuộc sống của công nhân Việt Nam tại Thái Lan sẽ được cải thiện rất nhiều, và họ sẽ thể hiện được tiềm năng của mình trong việc đóng góp cho nền kinh tế của đất nước Thái cũng như quê hương của mình.
Lm. Antôn Lê Ngọc Đức, SVD
CHÚ THÍCH
[1] International Labor Organization. (2015). http://www.ilo.org/global/standards/subjects-covered-by-international-labour-standards/migrant-workers/lang--en/index.htm.
[2] Cục Lãnh Sự - Bộ Ngoại Giao Việt Nam. (2011). Báo cáo tổng quan về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài. Hà Nội: Cty ADN, tr. 1.
[3] Ibid., tr.9.
[4] Ibid., tr.9.
[5] Ibid., tr.17
[6] Trà My. (2015). Kiều hối của lao động di cư tại châu Âu vượt 100 tỷ USD năm 2014. TTXVN/Vietnamnet. http://www.vietnamplus.vn/kieu-hoi-cua-lao-dong-di-cu-tai-chau-au-vuot-100-ty-usd-nam-2014/328208.vnp
[7] Thảo Nguyên. (2015). Quý 1: Kiều hối về TPHCM đạt trên 1,2 tỉ đô la Mỹ. Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online. http://www.thesaigontimes.vn/129148/Qui-1-Kieu-hoi-ve-TPHCM-dat-tren-12-ti-do-la-My.html
[8] CLS-BNGVN, tr.17.
[9] Pratruangkrai, Patchanet. (2014). NCPO to get proposals on labour issues soon. The Nation. http://www.nationmultimedia.com/business/NCPO-to-get-proposals-on-labour-issues-soon-30237617.html
[10] Thanh Nien News. (2014). Big holes in Vietnam’s 1.9 pct unemployment rate. http://www.thanhniennews.com/society/big-holes-in-vietnams-19-pct-unemployment-rate-24806.html
[11] An ninh thủ đô. Người lao động Việt Nam tại Thái Lan gặp khó khăn. http://anninhthudo.vn/xa-hoi/nguoi-lao-dong-viet-nam-tai-thai-lan-gap-kho-khan/558761.antd
[12] Trading Economics. (2015). http://www.tradingeconomics.com/thailand/gdp
[13] https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_ASEAN_countries_by_GDP_(nominal)
[14] Phương Linh. (2015). Thu nhập người Việt đi sau Hàn Quốc Thái Lan hàng chục năm. VNExpress. http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/thu-nhap-nguoi-viet-di-sau-han-quoc-thai-lan-hang-chuc-nam-3271028.html
[15] Srikham, Watcharee. (2014). Vietnamese Migrant Workers in Ubon Ratchathani Municipality. Journal of Mekong Societies. Vol.10(1), tr.140.
[16] Nguyen, Nancy Huyen & Walsh, John. (2014). Vietnamese Migrant Workers in Thailand – Implications for Leveraging Migration for Development. Journal of Identity and Migration Studies, Vol.8(1), tr.72.
[17] Tuổi Trẻ News. (2013). Vietnam pays domestic workers better than college graduates: survey. http://tuoitrenews.vn/society/12733/vietnam-pays-domestic-workers-better-than-college-graduates-survey.
[18] Embassy of Vietnam in Thailand. (2015). Thái Lan sẽ có quyết định mới về đăng ký lao động http://www.vietnamembassy-thailand.org/vi/nr070521165843/nr070725012202/ns150824202113
[19] Cũng có những trường hợp mà chính quyền không cho phép bảo lãnh và người bị bắt phải bị giam trong tù cho đến ngày ra tòa.
[20] Matichon Online. (2014). รวบแก๊งเวียดนามอุ้มพ่อค้าปลา ตัดนิ้ว ให้ญาติดูต่างหน้า เรียกค่าไถ. http://www.matichon.co.th/news_detail.php?newsid=1411195308
[21] http://www.dailynews.co.th/crime/245419
[22] Independent News Network. (2013). รวบแก๊งล้วงกระเป๋าสงกรานต์สีลมวันสุดท้าย.
http://www.innnews.co.th/shownews/show?newscode=446877
[23] Daily News. (2014). รวบแก๊งเวียดนามตระเวนปล้นเหยื่อย่านประชาชื่น. http://hilight.kapook.com/view/71783
[24] Nation. รวบยกแก๊งเวียดนาม ตระเวนลักเสื้อผ้าแบรนด์ดัง
http://breakingnews.nationtv.tv/home/read.php?newsid=754556
[25] Sripana, Thanyathip. (2004). The Vietnamese in Thailand: A Cultural Bridge in Thai-Vietnamese Relationship. Journal of Science , Social Science & Humanities, Vietnam National University, Hanoi, No.3E, tr.49-64.
[26] Tha Mai. (2011). The Catholic Church of Chanthaburi. http://www.thamai.net/2011/08/the-catholic-church-of-chanthaburi/
[27] Sripana, tr.51.
[28] Ibid., tr.51.
[29] Nguyen & Walsh, tr.72.
[30] Thanh Nien News. (2015). Vietnam’s Facebook users jump to 30 million. http://www.thanhniennews.com/tech/vietnams-facebook-users-jump-to-30-million-46876.html
Sơ lược tình hình lao động di dân Việt Nam ngày nay
Lao động di dân Việt Nam đã hiện diện trên mọi châu lục của trái đất với số lượng ở các mức độ khác nhau. Theo Bộ Ngoại Giao Việt Nam, hiện nay có trên 500.000 người Việt Nam đang làm việc ở trên 40 quốc gia và lãnh thổ khắp thế giới. Mỗi năm có khoảng 80.000 người Việt Nam đi ra nước ngoài để làm việc.[5] Tuy nhiên, nếu tính những trường hợp lao động bất hợp pháp (làm việc với visa du lịch hoặc du học) thì chắc hẳn số lượng thực tế lao động di dân Việt Nam tại nước ngoài phải nhiều hơn con số đã thống kê. Mặc dầu các nước phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Anh Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. đều là những mục tiêu quan trọng cho những ai mong muốn xây dựng một tương lai kinh tế tươi sáng cho bản thân và gia đình, nhưng điều kiện để đặt chân tới những nơi này hoàn toàn không dễ dàng, nên đa số phải chấp nhận đến những quốc gia kém pháp triển hơn như Malaysia, Lào, và Thái Lan ở Châu Á, hoặc Libya và Angola ở Châu Phi. Lao động di dân nói chung và lao động di dân Việt Nam cách riêng, không chỉ góp phần phát triển kinh tế của quốc gia nơi họ làm việc mà còn giúp cho kinh tế của quê hương mình. Theo Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), trong năm 2014, những lao động di cư tại riêng châu Âu đã gửi 109,4 tỷ USD về quê nhà, giúp hỗ trợ khoảng 150 triệu người trên toàn cầu.[6] Riêng Việt Nam thì tiền từ người Việt lao động ở nước ngoài năm 2014 cũng đã đạt được 2,5 tỉ USD,[7] góp phần không ít cho sự nghiệp phát triển kinh tế nước nhà.
Theo một báo cáo của Cục Lãnh Sự - Bộ Ngoại Giáo (2011) thì việc xuất khẩu lao động có bốn hình thức: qua doanh nghiệp dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; qua doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu, đầu tư ra nước ngoài; qua doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập sinh nâng cao tay nghề; và đi làm việc theo hợp đồng cá nhân.[8] Nhận thấy trong bốn hình thức nói trên không đề cập đến một thực trạng rất phổ biến đó là người Việt Nam đi lao động “chui” ở các quốc gia khác nhau. Đây là trường hợp người lao động Việt Nam tại nước ngoài đi đến quốc gia bạn dưới hình thức đi du lịch hoặc du học, nhưng lại tìm việc làm dài hạn một cách bất hợp pháp. Đó là điều thường xuyên xảy ra tại các nước như Hàn Quốc, Úc hoặc các nước gần Việt Nam như Singapore, Lào và Thái Lan. Đặc biệt đối với lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan thì hầu hết là bất hợp pháp vì họ qua Thái Lan dưới hình thức du lịch, nhưng trên thực tế là để kiếm việc làm và ở nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Vì khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan không xa, đồng thời hai quốc gia đều là thành viên của khối ASEAN được hưởng chế độ miễn thị thực 30 ngày nên việc đi lại giữa hai nước tương đối đơn giản. Mỗi ngày những chiếc xe đò từ Lào đến Thái Lan đưa hàng trăm người Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế vào đất nước Thái – tất cả đều khai là đi du lịch. Mặc dầu không có con số chính thức về lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan, nhưng chính quyền Thái Lan ước tính có khoảng 50.000 người Việt đang sinh sống và lao động một cách bất hợp pháp trên đất nước Thái.[9]
Những yếu tố khiến lao động di dân Việt Nam đến Thái Lan
Việc người Việt Nam tham gia vào xu hướng đi tìm việc làm ở các quốc gia khác nhau trên thế giới nói chung và tại Thái Lan nói riêng liên quan đến nhiều yếu tố bắt nguồn từ chính trong nước. Như đã nói trên, trong khi mỗi năm có gần hai triệu người bước vào tuổi lao động thì chương trình giải quyết việc làm của Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân. Trong đó có khoảng 75% lao động Việt Nam là người sống ở nông thôn với tay nghề và trình độ học vấn thấp. Vì thế, chính quyền Việt Nam khẳng định việc đưa người đi nước ngoài để làm việc là một “chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong xu thế hội nhập, mở cửa, phù hợp với xu hướng di cư quốc tế hiện nay, góp phần phát triển quan hệ mọi mặt với các nước trên thế giới, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, vì lợi ích quốc gia, dân tộc” (CLS – BNG 2011). Nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và mức tăng trưởng kinh tế những năm gần đây không được như mong muốn cho nên xuất khẩu lao động trở thành một vấn đề quan trọng. Ba năm vừa qua, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,2 (2012), 5,43 (2013) và 6,0 (2014). Mặc dầu dự đoán cho năm 2015 và 2016 là mức tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 6,1 và 6,2, nhưng Việt Nam cũng chỉ đạt được mức thu nhập trung bình thấp. Ngoài ra, chỉ số thất nghiệp 2,44% trong quý hai năm 2015 mà Nhà nước đưa ra không thực sự phản ảnh thực trạng tình hình lao động tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Bá Ngọc tại Viện Khoa Học Lao Động, theo cách thu thập dữ liệu hiện nay, cho dù một người chỉ làm việc một giờ đồng hồ trước khi được khảo sát cũng được liệt kê vào thành phần có công ăn việc làm.[10] Trên thực tế thì số người không có hoặc thiếu việc làm tại Việt Nam cao hơn nhiều so với thống kê chính thức của Nhà nước.
Xuất khẩu lao động là chính sách được triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, lao động di dân qua Thái Lan chỉ tìm thấy ở một số tỉnh. Ở miền bắc, những tỉnh có người qua Thái Lan làm việc bao gồm Phú Thọ và Hòa Bình. Người miền trung từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Bình chiếm đa số lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan. Những huyện trong tỉnh Hà Tĩnh có số lượng lớn người đi làm việc tại Thái Lan bao gồm Can Lộc (3.000), Thạch Hà (2.500), và Cẩm Xuyên (1.000).[11] Mặc dầu người miền trung chiếm đa số lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan, nhưng cũng có một số lượng nhỏ người miền Nam đến Thái Lan làm việc qua đường Campuchia.
Ngoài những yếu tố trong nước thì không thể không đề cập đến những yếu tố liên quan đến quốc gia tiếp nhận lao động di dân Việt Nam. Thái Lan là một trong những quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất trong khối ASEAN với tổng số GDP năm 2013 là 387,25 tỉ USD và 2014 là 373,8 tỉ USD.[12] Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, Thái Lan đứng thứ hai trong khối ASEAN xét về chỉ số GDP trong khi Việt Nam xếp hạng thứ 6. Nếu xét về GDP bình quân đầu người thì Thái Lan xếp hạng thứ tư, sau Singapore, Brunei và Malaysia trong khi Việt Nam đứng thứ 7 trong khối ASEAN.[13] Các chuyên gia nhận định rằng mức thu nhập của Việt Nam đi sau Thái Lan đến 20 năm.[14] Mặc dầu nền kinh tế của Thái Lan phát triển hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng Thái Lan đang đối đầu với thực trạng thiếu lao động đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi tay nghề thấp. Theo nhà nghiên cứu Watcharee Srikham (2014), do người dân Thái Lan ngày càng có thu nhập cao, cộng với sự thăng tiến trong học vấn và khả năng làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao, số lao động trình độ kỹ năng thấp đã giảm thiểu.[15] Việc tìm lao động bản xứ cho những công việc có mức lương thấp, công việc không ổn định, làm việc trong môi trường thiếu vệ sinh, nguy hiểm, làm việc nặng… ngày càng trở nên khó khăn hơn. Việc thiếu lao động bản xứ ngày càng trở nên nghiêm trọng đặc biệt trong bối cảnh xã hội Thái Lan đang già hóa. So với các nước láng giềng, Thái Lan có tỉ số giới trẻ (15-24 tuổi) thấp nhất, chỉ chiếm 15,1% trong khi ở Việt Nam là 18.4%, Miến Điện (18.6%), Campuchia (21.2%) và CHND Lào (21.3%).[16]
Ngoài những lý do trên còn có những yếu tố khác thu hút lao động Việt Nam đến Thái Lan. So với việc phải đăng ký xuất khẩu lao động qua các công ty môi giới để đi làm việc ở các quốc gia như Úc, Hàn Quốc, Nhật…thì việc đi Thái Lan nhanh chóng và ít tốn kém hơn rất nhiều. Mặc dầu thu nhập ở các nước nói trên là khá cao, song không phải ai cũng có khả năng đầu tư 100 triệu (Hàn Quốc) hoặc 200 triệu (Nhật) để chi trả cho các công ty môi giới. Ngoài ra nếu quốc gia tiếp nhận xuất khẩu lao động đòi hỏi người có tay nghề cao thì những lao động thiếu kỹ năng sẽ khó có cơ hội để đặt chân đến đó. Tuy nhiên một số quốc gia như Malaysia sẵn sàng tiếp nhận lao động kỹ năng thấp cũng phải qua công ty môi giới. Đối với việc đi Thái Lan thì mọi thứ trở nên đơn giản hơn. 10-15 năm trước đây khi làn sóng sang Thái Lan làm việc chưa phổ biến thì việc phải nhờ người “đưa quân” dẫn đi xảy ra tương đối nhiều. Tuy nhiên, những năm trở lại đây thì ít có người phải dùng dịch vụ người đưa quân mà chỉ đi với người nhà hoặc người thân quen. Một số ít cần đến dịch vụ nói trên thì cũng chỉ mất vài triệu đồng để trang trải cho chi phí của chuyến đi cũng như công sức của người hướng dẫn. Hiện nay mỗi ngày đều có những chuyến xe đò xuất phát từ các tỉnh thành ở Việt Nam sang Campuchia hoặc Lào rồi đến Thái Lan. Chất lượng đường xá ở các nước trong khu vực cũng ngày được cải tiến nên việc đi lại nhanh chóng và thuận tiện hơn trước đây rất nhiều. Vì thế mới có chuyện một người có thể ăn sáng ở Việt Nam, sau đó ăn trưa ở Lào, và cuối cùng ăn tối trên đất Thái Lan. Dĩ nhiên khi nói đến việc qua Thái Lan thì cũng không thể bỏ qua vấn đề trở về quê. Lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan rất dễ dàng để về thăm gia đình vào các dịp lễ quan trọng như Tết, đám cưới, đám giỗ, hoặc các ngày lễ tôn giáo khác như Giáng Sinh và chầu lượt của giáo xứ. Ngoài ra, khi xảy ra những vấn đề trong gia đình đòi hỏi sự hiện diện của họ để giúp giải quyết thì việc về nhà từ Bangkok đối với đa số công nhân Việt Nam cũng chỉ mất chưa tới 24 giờ đồng hồ.
Bên cạnh khoảng cách gần và phương tiện đi lại giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng trở nên thuận tiện thì một yếu tố quan trọng khác nữa là chế độ miễn thị thực cho công dân của các nước thành viên khối ASEAN khi họ đi du lịch trong khu vực. Đối với người Việt Nam vào Thái Lan thì họ có thể lưu lại trên đất Thái với thời hạn không quá 30 ngày mà không cần phải xin thị thực. Sau đó họ phải ra khỏi Vương quốc Thái. Tuy nhiên, đối với đa số các lao động di dân Việt Nam thì họ giải quyết vấn đề bằng cách xử dụng các dịch vụ đưa người đi đóng hộ chiếu, xuất cảnh rồi lại nhập cảnh trong cùng một ngày. Như thế họ vẫn được tiếp tục ở lại Thái Lan thêm 30 ngày nữa cho đến lần đi gia hạn hộ chiếu tiếp theo. Một số nhỏ không muốn phải mất thời giờ với chuyến đi hàng tháng này quyết định để cho hộ chiếu hết hạn và trở nên người không chỉ làm việc mà còn lưu trú bất hợp pháp tại Vương quốc Thái.
Mức thu nhập tại Thái Lan là yếu tố tiếp theo thu hút lao động di dân Việt Nam đến đất nước này. So với mức thu nhập tại Việt Nam đối với những công việc cần kỹ năng thấp như bán dạo, phục vụ ở nhà hàng, quán bar, may mặc…thì thu nhập tại Thái Lan có thể gấp đôi hoặc gấp ba so với quê nhà. Với một công việc ổn định, một lao động di dân có thể dành dụm được từ 10.000 baht – 20.000 baht mỗi tháng (6,5 triệu – 13 triệu đồng) để gởi về Việt Nam phụ giúp cho kinh tế gia đình. Đây là một số tiền không nhỏ đối với những gia đình thuộc vùng nông thôn, đặc biệt là khi so sánh với mức lương trung bình mà một người mới tốt nghiệp bằng cử nhân tại Việt Nam nhận được là 2,7 triệu/tháng.[17]
Tóm lại, những yếu tố khiến cho người Việt Nam sang Thái Lan để làm việc bao gồm những điều diễn ra cả trên đất nước xuất phát cũng như đất nước tiếp nhận lao động di dân. Mặc dầu lao động Việt Nam tại Thái Lan đang trong tình trạng bất hợp pháp, đồng thời kế hoạch hợp tác lao động giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn đang còn trong quá trình đàm phán, ký kết và chuẩn bị triển khai, nhưng thực trạng cho thấy Thái Lan vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho nhiều lao động di dân Việt Nam trong thời điểm này cũng như trong tương lai.
Chân dung lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan
Lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan có những đặc điểm chung sau đây. Thứ nhất, hầu hết đến từ các tỉnh miền bắc và miền trung, trong đó Hà Tĩnh và Nghệ An chiếm phần đa số. Ngoại trừ một số trường hợp, hầu hết xuất thân từ những gia đình nông thôn. Tuy nhiên với vùng đất hẹp hòi ở khu vực miền trung cộng thêm khí hậu khắc nghiệt nên việc mưu sinh trên mảnh đất quê hương không dễ dàng đối với họ. Nếu không đi nước ngoài làm việc thì nhiều người dân miền trung cũng phải tìm đến những thành phố lớn của Việt Nam để kiếm sống. Vì thế vào những thời điểm bình thường trong năm, ở các làng quê người ta chủ yếu thấy người lớn và trẻ em ở tuổi đi học, còn thanh niên thì phần lớn đã rời quê để sinh sống. Chỉ vào các dịp như Tết truyền thống thì mới thấy sự hiện diện đầy đủ của các thành phần trong gia đình và cộng đồng. Nhiều thanh niên đi làm ăn ở các thành phố hoặc đi ra nước ngoài, trong đó có Thái Lan. Vì thế mà đa số những lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan nằm ở lứa tuổi từ 16 đến 35 cả nam lẫn nữ, tuy nhiên cũng có một số ít ở lứa tuổi trung niên.
Như đã đề cập phía trên, tại Thái Lan đang thu hút lao động có kỹ năng thấp. Vì thế những lao động di dân Việt Nam đến Thái Lan chủ yếu nằm trong thành phần làm việc bằng tay chân như may mặc, trông bãi xe, hoặc phục vụ nhà hàng quán ăn… Những công việc này không yêu cầu phải có học vấn cao, và đó cũng là tình trạng của đa số những người công nhân Việt Nam trên đất Thái. Chỉ có một số ít đã hoàn tất chương trình phổ thông cấp 3. Người có bằng trung cấp, cao đẳng hoặc đại học mặc dầu cũng có nhưng rất ít gặp thấy. Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam nhưng đành quyết định sang Thái Lan để làm những công việc chân tay vì thu nhập cao hơn ở quê nhà. Ngoài ra cũng có một số bạn trẻ Việt Nam có bằng đại học vì đã tốt nghiệp bằng cử nhân tại Thái Lan và đã tìm cho mình những công việc phù hợp trong những công ty Thái.
Tính chất của một số công việc mà các lao động di dân Việt Nam làm tại Thái Lan lệ thuộc phần nào về tuổi tác và giới tính. Những công việc như xây dựng (cọ xang), trông bãi xe (rắp rốt), tẩm quất trong phòng vệ sinh nam (nuad hong nám) chỉ dành cho lao động nam. Các công việc giúp việc nhà (mae ban), chăm sóc người già trẻ con trong gia đình chủ thuê, bán hoa hồng dạo…thường dành cho lao động nữ. Ngoài ra những công việc như may quần áo (yep pha), bán dạo (kem, trái cây, nước giải khát), mở quầy hàng (áo quần, thức ăn, hoa quả…), bán hàng trong các cửa tiệm bán lẻ… thì cả lao động nam và nữ đều tham gia. Cả nam và nữ cũng phục vụ trong các nhà hàng, quán ăn, quán rượu… Tuy nhiên lao động nữ với khuôn mặt dễ nhìn và nói tiếng Thái giỏi thì dễ tìm việc làm ở những tụ điểm này hơn là lao động nam.
Với sự nỗ lực của một số công nhân Việt Nam tại Thái Lan, họ đã chuyển qua không chỉ làm thuê cho người Thái mà tự kinh doanh cho riêng mình. Có không ít người đã mở được những xưởng may và tự thuê công nhân người Việt để làm trong xưởng. Một xưởng may của người Việt Nam đơn thuần là một căn nhà phố được thuê lại để làm nơi đặt những chiếc máy may và cũng là nơi ăn ở cho những công nhân. Chủ xưởng nhận hàng từ nguồn cung cấp những mẫu áo quần đã được cắt sẵn về cho công nhân may và chia lợi nhuận theo số lượng sản phẩm làm ra. Một xưởng may có thể có vài công nhân đến vài chục công nhân. Ngoài mở xưởng may, một số người cũng đã đầu tư vào nhà hàng hoặc quán ăn nhỏ, thường đứng tên người Thái. Một dịch vụ bán thức ăn mà không cần có mặt bằng quán đã được nhiều lao động Việt Nam thực hiện khá thành công trong thời gian qua. Đó là dịch vụ bán thịt nướng (mu katha) giao tận nhà. Ở đây khách hàng có nhu cầu đặt thức ăn (bao gồm các loại thịt hoặc đồ biển, các loại rau, nước chấm, chảo và lò than) có thể liên lạc đến số điện thoại của dịch vụ. Sau khi nhận được đơn đặt hàng, dịch vụ sẽ có người giao tận nhà và ngày hôm sau sẽ trở lại để lấy lò và chảo. Hiện nay có thể tìm được dịch vụ này khắp thành phố Bangkok cũng như ở các tỉnh lân cận. Một người trong nghề cho hay dịch vụ nói trên hiện nay trải rộng khắp thành phố thủ đô và các tỉnh khác trong vùng đến nổi rất khó cho một người có thể tìm địa bạn để mở dịch vụ mới.
Để những người Việt Nam có công ăn việc làm ổn định trên đất Thái không phải dễ dàng, đặc biệt trong tình trạng bất hợp pháp mà họ đang đối diện trong cuộc sống. Mặc dầu là những người trẻ với học vấn không cao, nhưng lao động Việt Nam tại Thái Lan có sự cần cù và kiên nhẫn trong công việc. Sự thông minh và nhanh nhẹn của họ cũng là một điều mà nhiều chủ thuê nhận xét là ưu điểm của lao động di dân từ Việt Nam so với những lao động đến từ các nước khác. Chính vì thế mà nhiều người đã xây dựng được một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân cũng như đóng góp đáng kể vào kinh tế của gia đình ở quê nhà.
Những thách đố cho lao động di dân Việt Nam trên đất Thái Lan
Khác với lao động di dân từ các nước như Lào, Campuchia và Miến Điện, lao động Việt Nam tại Thái Lan cho đến thời điểm này chưa thể xin giấy phép làm việc cách hợp pháp cho dù ngày 23 tháng 7, 2015 vừa qua đã diễn ra việc ký kết bản ghi nhớ về việc hợp tác lao động Việt Nam – Thái Lan (Memorandum of Understanding) trọng dịp Họp Nội Các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ 3. Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan ngày 24.8.2015, vì những điều kiện để đăng ký lao động mà bên phía Thái Lan đưa ra quá hạn chế gây bất lợi cho đa số lao động Việt Nam tại Thái Lan, nên phía Việt Nam đã yêu cầu chính quyền Thái Lan điều chỉnh để tạo điều kiện cho thêm nhiều người được đăng ký. Vì thế, Bộ trưởng Lao động Thái Lan Surasak Kanchanarat đã thông báo không tổ chức đăng ký lao động từ ngày 1.9.2015 như dự kiến và sẽ cân nhắc những đề xuất mà phía Việt Nam nêu.[18]
Việc chưa thể đăng ký lao động cách hợp pháp là một nỗi băn khoăn lớn cho những người đang làm việc bất hợp pháp trên đất Thái. Tình trạng bất hợp pháp đồng nghĩa với việc người lao động Việt Nam có thể bị bắt bất cứ lúc nào khi đang làm việc. Mặc dầu những cá nhân hoặc đơn vị cảnh sát khu vực đã được đút lót (clear/เคลียร์) trực tiếp bởi các lao động Việt Nam (trong trường hợp làm việc tự do như bán dạo) hoặc qua chủ thuê (chao nai), nhưng điều này không hoàn toàn bảo đảm là sẽ không bị bắt. Nếu đã bao cảnh sát khu vực, mà bị cảnh sát thành phố hay cảnh sát di trú đến kiểm tra thì cũng không thể thoát nổi. Việc bị bắt bớ đi đôi với việc phải tốn tiền để đút lót cho cảnh sát ngay tại chỗ hay tại đồn công an để được thả ra như không có chuyện gì xảy ra. Một điều đáng ghi nhận là không ít trường hợp lao động Việt Nam bị bắt ngay tại chỗ làm việc, thậm chí ở tại phòng trọ (trong trường hợp hộ chiếu đã hết hạn) là do chính người Việt tiết lộ thông tin cho cảnh sát. Dĩ nhiên họ làm điều này vì ích lợi cá nhân vì có những cảnh sát đi bắt người Việt không phải vì lý do trật tự xã hội mà vì đây là phương tiện lấy tiền dễ dàng. Theo lời kể của một số công nhân Việt Nam thì có những người cảnh sát từng thương thảo với người Việt để làm tay trong chỉ chỗ bắt người rồi sau đó chung chia lợi nhuận.
Trong trường hợp người bị bắt đã bị chuyển về sở di trú và đã bị lập biên bản thì phải mất tiền bảo lãnh để được tại ngoại trong khi chờ ra tòa.[19] Do người Việt không thể đứng tên bảo lãnh người bị bắt nên phải nhờ đến người Thái. Điều này có nghĩa phải mất tiền để chi cho người đứng ra làm công việc này. Tại một thành phố du lịch có đông đảo người Việt đang sinh sống, công nhân Việt Nam kể rằng có một người Thái chuyên đứng ra bảo lãnh những người Việt bị bắt. Tuy nhiên chính họ lại thường xuyên đứng đàng sau những vụ bắt bớ đó. Sau khi đã bị bắt và ra tòa, một số bị phạt hành chính rồi thả ra. Có người bị trục xuất về Việt Nam và bị cấm không cho vào Thái Lan trong vòng 3 năm. Có người bị trục xuất nhưng lại không bị cấm trở lại. Cũng không hiểu hết được tại sao có những khác biệt trong quyết định của tòa án đối với các trường hợp lao động Việt Nam bị bắt và ra tòa, nhưng một điều là một khi đã bị bắt thì sẽ bị tốn kém không ít.
Tình trạng bất hợp pháp của lao động Việt Nam tại Thái Lan cũng có nghĩa là người Việt không được hưởng bất cứ quyền lợi gì trước pháp luật Thái. Vì thế đã có không ít trường hợp lao động Việt Nam bị bốc lột hoặc bị ép làm việc nhiều giờ với mức lương không thỏa đáng. Có nhiều trường hợp bị chủ thuê quỵt tiền lương hoàn toàn. Khi bị đối xử bất công, lao động Việt Nam không thể kiện cáo để đòi sự công bằng cho bản thân. Khi bệnh hoạn, lao động Việt Nam không được hưởng những chế độ hỗ trợ từ chính phủ Thái như lao động từ các nước khác khi đi điều trị ở bệnh viện. Đối với lao động từ các nước như Lào và Miến Điện được đăng ký hợp pháp, mỗi người được cấp một thẻ bảo hiểm sức khỏe để được điều trị tại bệnh viện chính phủ với những quyền lợi tương đương với công dân Thái. Tuy nhiên đối với công nhân Việt Nam thì mỗi khi lâm bệnh hoặc gặp tai nạn và đi điều trị tại bệnh viện thì phải tự túc hoàn toàn. Nhiều trường hợp phí bệnh viện lên tới hàng trăm ngìn baht, gia đình bệnh nhân không đủ khả năng để chi trả phải đi vay mượn hoặc xin hỗ trợ từ cộng đồng người Việt.
Tình trạng bất hợp pháp của lao động Việt Nam tại Thái Lan cũng là một nguyên do dẫn đến sự tham nhũng trong giới chức trách Thái Lan. Ngoài việc công nhân Việt Nam phải trả tiền đút lót cho những cá nhân cảnh sát khu vực để tránh bị bắt (có thể một người hoặc nhiều người), việc đút lót còn bắt đầu ngay từ khi người Việt bước chân đến cửa khẩu Thái Lan. Thông thường, một du khách vào Thái Lan dưới chế độ miễn thị thực thì không phải tốn bất cứ một chi phí nào. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam vào Thái Lan qua các cửa khẩu như Nong Khai, Nakhon Phanom, Muddahan thì dường như mọi người đều phải trả tiền cho cảnh sát di trú thì mới được đóng dấu cho qua. Theo luật pháp Thái Lan, khách du lịch vào Vương quốc Thái phải có trong người số tiền tương đương với 20.000 baht và có địa chỉ khách sạn mà họ sẽ ở trong thời gian lưu lại đây. Những cảnh sát di trú biết rõ hầu hết những người Việt vào Thái Lan qua các cửa khẩu trên không phải thực sự là khách du lịch nên lợi dụng điều này để tham nhũng. Vào những thời điểm mà chính quyền Thái Lan tỏ ra dễ dãi đối với người Việt thì số tiền phải trả cho nhân viên hải quan chỉ mất 300 baht/người. Tuy nhiên, vào những thời điểm chính quyền tỏ ra quyết liệt trong việc truy quét lao động bất hợp pháp thì số tiền phải trả cho cảnh sát di trú để được đóng dấu có thể lên đến hàng ngìn baht. Vào giữa năm 2014, Thái Lan có chính quyền quân đội mới lên nắm quyền. Với lực lượng lính tráng, họ đã thực hiện một chiến dịch truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp một cách rầm rộ. Mỗi ngày đều nghe tin có hàng chục công nhân Việt Nam bị bắt ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Lao động Việt Nam đua nhau rời Thái Lan để trở về quê. Sau một thời gian, tình hình dần lắng xuống. Người Việt bắt đầu lần lượt trở lại Thái Lan để làm việc. Nhưng để được vào Thái Lan thì mỗi người phải trả 2.000 baht mới được đóng dấu. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ một số người được cho vào. Có người phải mất tới vài ngày xếp hàng ở cửa khẩu mới qua được. Việc phải đút lót cho cảnh sát di trú khi vào Thái Lan không phải là một lần duy nhất. Mỗi tháng khi các công nhân Việt Nam phải đi đóng dấu hộ chiếu thì đều mất tiền cho cán bộ di trú ở các cửa khẩu. Sự tham nhũng của cảnh sát di trú đối với công nhân Việt Nam ở các cửa khẩu có hệ thống đến nỗi khi người cầm hộ chiếu Việt Nam vào làm thủ tục thì không xếp hàng chung với người từ các nước khác mà có một hàng/phòng riêng dành cho người Việt Nam. Chắc hẳn điều này sẽ thuận tiện và riêng tư hơn cho việc thu tiền từ những lao động di dân bất hợp pháp giả dạng làm du khách.
Thiết nghĩ cho đến khi nào việc ký kết hợp tác lao động Thái Lan – Việt Nam được triển khai thì quyền lợi của công nhân Việt Nam trên đất Thái mới được bảo vệ và tình trạng tham nhũng trong giới chức trách cũng sẽ thuyên giảm. Trên thực tế, việc không để cho lao động Việt Nam đăng ký gây thiệt thòi cho ngân sách nhà nước vì mặc dầu người Việt phải chi nhiều khoản tiền khi làm việc tại Thái Lan, nhưng số tiền đó lại không đi vào công quỹ của đất nước mà rơi vào túi của những cán bộ cảnh sát khu vực và di trú tham nhũng. Thật sự không công bằng cho chính phủ Thái Lan khi bị thất thoát những khoản tiền này, và càng không công bằng cho những lao động Việt Nam khi phải chi trả một cách không chính đáng bằng những đồng tiền kiếm được một cách vất vả.
Những thách đố cho xã hội Thái Lan gây ra bởi lao động di dân Việt Nam
Mặc dầu lao động Việt Nam nhận được nhiều lời khen từ những chủ thuê như cần cù, biết chịu khó, thông minh, nhanh nhẹn, biết việc… nhưng sự hiện diện của lao động Việt Nam cũng là một thách đố cho xã hội Thái Lan, đặc biệt là tội phạm gây ra bởi người Việt Nam ngày càng phổ biến và phức tạp. Nếu vào mạng Google đánh từ khóa bằng tiếng Thái แก็งเวียดนาม (băng nhóm Việt Nam) sẽ tìm thấy không ít bài báo về những tội phạm của người Việt Nam diễn ra trên đất Thái Lan. Những tội phạm đa số là trộm cắp, móc túi, cướp giật, buôn/chuyên chở ma túy, bắt cóc, giết người… Tháng 9, 2014, hàng loạt báo chí và đài truyền hình Thái Lan đưa tin một nhóm người Việt đã bắt cóc một công nhân Việt Nam, đem đi nhốt trong một căn nhà hoang ở tỉnh Chonburi. Sau đó nhóm người này đã đánh đập anh ta và chặt ngón tay út gửi về cho vợ của anh đòi tiền chuộc là 1,5 triệu baht (1 tỉ đồng). Người nhà đã thông báo cho cảnh sát Thái Lan để yêu cầu sự can thiệp trùy lùng kẻ xấu. Cuối cùng họ đã tìm gặp nạn nhân trong tình trạng đang bị xích trong phòng tắm của căn nhà hoang, trên thân thể có nhiều thương tích do bị đánh đập. Cảnh sát cũng đã bắt được 3 trong 5 người của nhóm tội phạm. Một trong 3 người bị bắt cũng đã từng liên quan đến những hành vi phạm pháp khác, đặc biệt là vụ bắt cóc một thiếu niên Việt Nam 15 tuổi ở Ayutthaya để đòi tiền chuộc.[20]
Hành vi bắt cóc để đòi tiền chuộc thường xảy ra giữa người Việt Nam với nhau. Tuy nhiên hành vị trộm cắp không chỉ có nạn nhân là người Việt mà cũng thường xuyên xảy ra đối với người Thái. Thường người Việt là nạn nhân của những vụ trộm cắp tại phòng trọ khi mọi người đang đi làm hoặc đi nhà thờ. Lợi dụng nhà vắng người, kẻ xấu bẻ khóa vào nhà lấy đồ đạc, tiền bạc, và ngay cả hộ chiếu của nạn nhân. Có không ít người Việt cất giữ tiền trong phòng trọ bởi vì nhiều ngân hàng Thái Lan không cho người không có giấy lao động hợp pháp mở tài khoản. Rất nhiều trường hợp việc trộm cắp được thực hiện bởi người quen biết. Có người nói là thất nghiệp đến xin ở tạm với một nhóm bạn hay người quen biết nào đó. Tuy nhiên lợi dụng khi mọi người đi làm thì người xin ở tạm lấy hết đồ đạc rồi bỏ đi. Người viết bài này, khi còn là linh mục quản nhiệm một giáo xứ tại vùng đông bắc Thái Lan cũng từng là nạn nhân của hành vị trộm cắp bởi một người Việt Nam. Kẻ xấu chính là một thanh niên mới 20 tuổi trong nhóm giới trẻ Việt Nam đến sinh hoạt và đi lễ thường xuyên tại nhà thờ. Tuy nhiên, lợi dụng khi cha xứ vắng nhà, người này đã cạy cửa nhà xứ vào lấy đồ đạc và tiền trong phòng ngủ. Hành vi của người thanh niên này không dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục ở những nơi khác cho đến khi đã bị bắt vì cố tình dùng dao đâm một người Thái để lấy tiền của họ. Tuy nhiên, nạn nhân đã chạy thoát và kết cuộc là một bản án 5 năm tù giam vẫn chưa kết thúc.
Nạn nhân của những vụ trộm cắp không chỉ là người Việt mà người Thái cũng thường xuyên bị người Việt làm hại. Có những lao động Việt Nam làm việc cho chủ thuê Thái Lan lấy đồ đạc và tiền bạc của chủ rồi bỏ đi, thậm chí có khi còn gây ra án mạng trong quá trình thực hiện hành vi trộm cắp. Nhiều người Việt cũng có hành vi cướp giật và móc túi trên đường phố,[21] đặc biệt trong những dịp lễ hội như Lễ hội nước[22] hay những sự kiện concert[23] có nhiều đám đông tụ họp. Những nhóm móc túi và ăn cắp đồ cao cấp trong các trung tâm mua sắm lớn không chỉ bao gồm những lao động Việt Nam tại Thái Lan mà còn có cả những nhóm người Việt tổ chức đến Thái Lan để thực hiện hành vi phạm pháp. Đầu năm 2015, cảnh sát Chiangmai đã bắt được 5 thanh niên và thanh nữ mua vé máy bay từ Việt Nam sang Thái Lan để đi ăn cắp đồ cao cấp trong các trung tâm mua sắm và đem về bán lại tại Việt Nam. Theo lời khai của họ sau khi bị bắt, họ đã tổ chức làm điều này thành công hai lần trước đó và đã thu lợi nhuận hàng trăm ngìn baht.[24]
Mặc dầu việc trộm cắp có tổ chức ngày càng quy mô, nhưng việc trộm cắp đa số diễn ra trên phương diện cá nhân, đặc biệt là đối với những người giúp bán quán hoặc làm việc tại nhà hàng quán ăn. Việc ăn cắp vặt trong những môi trường này phổ biến. Tuy nhiên cũng có những trường hợp công nhân Việt Nam làm việc trong nhà hàng hoặc quán rượu thực hiện hành vi gian lận trong việc kê khai đơn và tính tiền thu về hàng ngìn baht mỗi đêm. Ở một quán rượu ở khu vực Ngamwongwan, một nhân viên người Việt bị phát hiện gian lận mỗi đêm lên tới 10.000 baht (6,5 triệu đồng) dẫn đến chủ quán ra tay đánh đập anh ta cách thê thảm và toàn thể nhân viên người Việt trong quán (khoảng 30 người) đều bị thôi việc. Trường hợp này không phải hiếm có. Theo lời kể của một người Việt, gần đây một nhân viên quán rượu khác cũng bị chủ quán đánh đập đến nỗi phải nhập viện và bị triệu chứng “lãng trí” cũng vì hành vi gian lận trong công việc. Sau khi nhân viên này bị chủ quán mạnh tay trừng trị, những nhân viên khác trong quán cũng quyết định thôi việc (chắc hẳn để tránh hậu quả tương tự).
Vấn đề tội phạm có tổ chức cũng như không có tổ chức của người Việt Nam tại Thái Lan là điều mang đến nhiều hậu quả xấu cho công nhân Việt Nam trên đất nước Thái Lan. Trên thực tế, thành phần tội phạm chỉ là một số lượng rất nhỏ. Đa số những người Việt Nam đến Thái Lan chăm chỉ làm việc để dành giụm cho tương lai của mình cũng như phụ giúp cho kinh tế gia đình. Tuy nhiên khó tránh được tình trạng bị vơ đũa cả nắm, khi trên báo đài của người Thái vẫn thi thoảng đưa tin những trường hợp phạm luật mà thủ phạm chính là công nhân Việt Nam. Sự thiếu ý thức và thiếu đạo đức của bộ phận nhỏ này làm cho toàn thể cộng đồng người Việt bị tổn thương, gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm của những người lao động di dân chân chính, và tạo nên hình ảnh xấu về con người và đất nước Việt Nam trong ánh mắt người dân bản xứ. Điều này vô cùng đáng tiếc vì trong hoàn cảnh làm việc bất hợp pháp, việc người Việt xây dựng và gìn giữ hình ảnh đẹp và tích cực về chính mình càng quan trọng cho cơ hội gặt hái được thành công trên đất Thái.
Đời sống xã hội, tinh thần và tâm linh của công nhân Việt Nam tại Thái Lan
Cuộc sống của người di dân vì bất cứ lý do gì đã chất chứa nhiều khó khăn gây ra bởi sự thay đổi môi trường, văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ, các mối tương quan khác. Điều này càng thấy được trong cuộc sống của những lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan. Đa số các công nhân Việt Nam tại Thái Lan xuất thân từ những gia đình nông thôn, có đời sống gắn liền với gia đình, xóm làng, và đặc biệt đối với người theo đạo Công Giáo, nhà thờ và giáo xứ. Ở đó họ nhận được sự giáo dục và hỗ trợ tinh thần từ các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, cộng đồng và gia đình. Ngoài ra họ có những mối tương quan thân thiết giúp cho đời sống xã hội vui tươi và có ý nghĩa. Tuy nhiên, khi quyết định rời khỏi quê hương lên đường kiếm sống ở một quốc gia khác, điều này đồng nghĩa với việc phải bỏ lại tất cả những gì quen thuộc và gần gũi, cũng như những chỗ dựa tinh thần quan trọng trong cuộc sống.
Những người Việt Nam đến Thái Lan mang trên mình cái mác là “lao động di dân” hay “công nhân” Việt Nam, nên cuộc sống của họ dường như gắn liền với cụm từ đó. Họ làm việc mỗi ngày từ 10-15 giờ đồng hồ ban ngày hoặc ban đêm tùy theo tính chất của công việc. Có người do thu nhập từ một công việc không đủ để trang trải cho cuộc sống còn tìm việc làm thêm. Chỉ một số ít công nhân có được một ngày nghỉ trong tuần, số còn lại đều làm hết bảy ngày. Chỉ trừ ngày đi gia hạn hộ chiếu thì mới có phép nghỉ việc.
Vì việc kiếm tiền là mục đích chính của người lao động di dân nên nhiều thứ khác bị loại trừ ra khỏi cuốc sống của họ, có cả những thứ tốt lẫn thứ xấu. Việc phải quần quật làm việc khiến cho nhiều người không có thời giờ để đi chơi hay tham gia vào những cuộc ăn chơi vô bổ. Điều này không có nghĩa là không có chuyện ăn nhậu xảy ra, nhưng nói chung không phổ biến như thường thấy tại Việt Nam, đặc biệt đối với những người rảnh rổi. Dĩ nhiên không có hiện tượng các công nhân Việt Nam tại Thái Lan la cà hàng giờ ở những quán cà phê như ở Việt Nam, một phần vì ở Thái Lan không có quán cà phê phù hợp với phong cách của người Việt, mặt khác cũng không có thì giờ để tiêu khiển tại các quán xá. Vì thế đa số những cuộc họp mặt, liên hoan…chỉ diễn ra khi có người mừng sinh nhật hoặc trong vài dịp lễ lớn của người Thái như ngày Songkran hoặc ngày sinh nhật vị vua đất nước. Có khi những cuộc gặp gỡ liên hoan được tổ chức ở quán xá, nhưng đa phần là tổ chức ngay ở trong phòng trọ sau giờ làm việc.
Mặc dầu đời sống bận rộn giúp cho người Việt Nam tại Thái Lan hạn chế được một số sinh hoạt tiêu cực, nhưng tình trạng cái tốt lẫn lộn cái xấu cũng là hệ quả môi trường sống của công nhân Việt Nam tại Thái Lan, dẫn đến một lối sống thiếu quy tắc và thiếu đạo đức bản thân. Điều thứ nhất là việc sống chung phòng trọ với nhau. Hiện nay có không ít trường hợp nam nữ không phải là vợ chồng sống chung với nhau trong một căn phòng. Lý do sống chung với nhau đơn thuần chỉ là giúp chia sẻ chi phí, hoặc thuận tiện cho việc đi làm cùng một nơi; nhưng cũng không ít trường hợp vì họ yêu nhau và việc sống chung với nhau trở nên dễ dàng trong môi trường không có người lớn cản trở hoặc chỉ bảo. Việc sống chung thường đi đôi với việc sống thử dẫn đến nhiều trường hợp người con gái có thai trước hôn nhân.
Đối với những người đã lập gia đình thì có nhiều trường hợp hai vợ chồng không sống với nhau vì mỗi người làm việc mỗi nơi. Cũng có nhiều trường hợp một người ở Thái Lan trong khi người kia ở Việt Nam. Điều này dễ dàng dẫn đến sự sứt mẻ trong mối quan hệ vợ chồng khi không được sống gần nhau, dẫn đến tình trạng một trong hai người có hành vi ngoại tình. Trong trường hợp cả hai vợ chồng đều làm việc tại Thái Lan thì hầu hết đều gởi con cái lại cho ông bà chăm sóc. Vì thế, con cái chỉ được gặp cha mẹ mình mỗi năm một hai lần hoặc nói chuyện và nhìn mặt qua điện thoại. Điều này chắc hẳn ảnh hưởng không ít đến tình cảm giữa con cái và cha mẹ, cũng như ảnh hưởng đến sự giáo dục mà người trẻ nhận được khi thiếu vắng sự hiện diện của cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày.
Một giá trị vô cùng quan trọng đối với người theo đạo Công Giáo là việc giữ đạo, đặc biệt qua việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật và những ngày lễ trọng. Người Công Giáo ở Giáo Phận Vinh, giáo phận quê hương của đa số những công nhân Việt Nam tại Thái Lan, rất sùng đạo và có thói quen đi lễ hằng ngày. Họ không chỉ đi lễ mà còn đến nhà thờ để tham dự các giờ kinh như Kinh Lòng Thường Xót Chúa hoặc giờ kinh tối. Việc đi lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc dường như không thể loại trừ ra khỏi đời sống tâm linh của họ. Thế nhưng khi đến Thái Lan, những sinh hoạt tốt lành này hầu như bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi danh sách sinh hoạt cá nhân. Chỉ có một số đi lễ ngày Chúa Nhật khi có Thánh lễ tiếng Việt hàng tháng được tổ chức gần nơi họ ở trọ. Số người đi lễ tiếng Thái khi không có lễ tiếng Việt còn ít hơn nữa. Và có một thành phần không nhỏ không tham dự bất cứ Thánh lễ nào cho dù là tiếng Việt hay tiếng Thái. Có năm lý do chính yếu tại sao người Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan bỏ lễ Chúa Nhật. Có người bỏ lễ vì ở quá xa nhà thờ, việc đi lại quá tốn kém hay mất quá nhiều thì giờ đối với họ. Ở Thái Lan chỉ có 0,5% dân số (khoảng 300.000 người) theo đạo Công Giáo, nên không phải ở đâu cũng tìm thấy nhà thờ. Có người bỏ lễ vì phải làm việc vào ngày Chúa Nhật trùng với lúc thánh lễ diễn ra. Có người đi lễ tiếng Việt nhưng bỏ lễ tiếng Thái vì cho rằng đi lễ tiếng Thái cảm thấy chán vì không hiểu ngôn ngữ. Có người bỏ lễ vì tối thứ bảy làm việc đến sáng và khi về nhà không còn sức để đến nhà thờ. Và có người bỏ lễ đơn thuần vì không thích thú với việc đi lễ cho dù không có điều gì cản trở họ đến nhà thờ.
Tóm lại, đời sống xã hội, tinh thần và tâm linh của lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan có nhiều thiệt thòi khi phải bươn chải trên đất khách quê người. Do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và phong tục tập quán cộng thêm thời khóa biểu làm việc nhiều giờ, trong khi thiếu hệ thống hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng như ở quê hương, những người Việt Nam gặp nhiều áp lực trong cuộc sống. Một số người biết nhận thức và nỗ lực để duy trì những giá trị nhân bản và tâm linh đã được hấp thụ trước đây, nhưng cũng có không ít đã cố tình hay vô ý đánh đổi những điều tốt đẹp chỉ vì mục đích kiếm tiền hay đơn thuần vì sự thiếu ý thức cá nhân. Chắc chắn đã mang cái mác “lao động di dân” thì phải lao động. Nhưng dù sao thì sự cân bằng trong cuộc sống với những chiều kích xã hội, tinh thần và tâm linh phải được duy trì và củng cố để cuộc sống con người có ý nghĩa và mang lại hạnh phúc trong cuộc sống.
Xây dựng cộng đồng trên đất Thái
Người Việt Nam đã có mặt tại Thái Lan hàng trăm năm qua, từ nhiều đợt di cư khác nhau. Đợt đầu tiên diễn ra từ giữa thế kỷ thứ 17 dưới triều đại Ayutthaya khi người Công Giáo từ miền nam Việt Nam đã tìm đến Thái Lan xuyên qua Vịnh Thái Lan để lẫn trốn tình trạng bách hại tôn giáo tại Việt Nam.[25] Biến cố di cư này diễn ra trong bối cảnh xung đột đang xảy ra giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn tại Việt Nam. Dưới triều vua Narai (1656-1688) số người Việt tại Ayutthaya tiếp tục gia tăng. Vào năm 1666, cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại đây đã xây dựng được một ngôi nhà thờ mang tên nhà thờ thánh Giuse. Khi thủ đô Ayutthaya bị đội quân Miến Điện xâm lược vào năm 1767 thì nhà thờ thánh Giuse cũng bị phá hủy cùng với tất cả những chùa chiền Phật giáo khác. Nhà thờ thánh Giuse tồn tại trong tình trạng đổ nát hơn 6 thập kỷ cho đến khi được tái xây dựng năm 1831. Trong triều đại Ayutthaya, nhiều người Việt Nam cũng đã đến sinh sống ở những nơi khác như Bangkok và tỉnh Chanthaburi. Năm 1707 thời nhà vua Sanphet (1703-1709), 130 người Công Giáo Việt Nam từ Ayutthaya đã di chuyển đến tỉnh Chanthaburi và bắt đầu xây dựng một cộng đoàn ở đó. Năm 1712 họ đã xây nhà thờ Công Giáo đầu tiên bên cạnh con sông chính trong vùng dưới sự chăm sóc của một vị linh mục người Philippines là cha Nicolas Tolentino.[26] Ngày nay đa số người Công Giáo trong Giáo phận Chanthaburi đều là người mang dòng máu Việt. Như thế người Việt Nam, đặc biệt là người Công Giáo Việt đã có mặt tại Thái Lan trên 350 năm. Những người Việt di cư đến Thái Lan trong làn sóng đầu tiên chủ yếu vì lý do tôn giáo được gọi là “yuan kau” (người Việt cũ).
Thành phần người Việt được liệt kê là “yuan kau” còn bao gồm những lượt người Việt di cư sang Thái Lan vào thế kỷ thứ 18 và 19. Dưới triều vua Rama I (1782-1809), Nguyễn Phúc Ánh và hàng ngìn quân lính của ông trong một trận đánh thất bại đã trốn qua Xiêm La (Thái Lan) để ẩn náu. Dĩ nhiên, sau đó cùng với một số quân lính Nguyễn Phúc Ánh đã hồi hương và tiếp tục đấu tranh để trở thành vị hoàng đế nhà Nguyễn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Trong triều vua Rama III (1824-1851), một số người Việt Nam là những tù nhân chiến tranh đã bị đưa sang Thái Lan từ Cambodia. Và trong thời vua Rama IV (1851-1864) ở vùng đông bắc Thái Lan cũng bắt đầu chứng kiến sự hiện diện của người Việt Nam, họ di cư xuyên qua đường Lào. Do vua Rama IV đang có chủ trương phát triển vùng đông bắc Thái Lan nên những người Việt này được khuyến khích ở lại và tạo điều kiện để trở nên công dân Thái. Những thập niên sau dưới thời vua Rama V cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20, nhiều người Việt Nam vẫn tiếp tục di cư sang Thái Lan để trốn hoàn cảnh khổ cực tạo nên bởi thực dân Pháp.[27]
Sau làn sóng người Việt cũ là làn sóng người được gọi là “Yuan op-pa-yop” (người Việt di cư) hoặc “Yuan may” (người Việt mới). Thế hệ người Việt di cư này đỗ vào Thái Lan trong những năm giữa và sau Đệ Nhị Thế Chiến. Do hoàn cảnh cực khổ và chiến tranh dưới chế độ thực dân Pháp, nhiều người Việt ở các tỉnh miền bắc và miền trung đã di cư sang Lào. Tuy nhiên, khi chiến tranh Đông Dương lần nhứ nhất (1946-1954) lan qua tận Lào và tỉnh Thakhaek ở giáp ranh giới Lào-Thái bị tấn công, nhiều người Việt đã tràn qua Thái Lan để lẫn trốn nguy hiểm. Những con đường dẫn người Việt Nam sang Lào rồi sau đó đến Thái Lan bao gồm Đường số 8 (Nghệ An/Hà Tĩnh – Thakhaek), Đường số 12 (Quãng Bình – Thakhek), và Đường số 9 (Quãng Trị/Huế - Muddahan).[28] Năm 1946, có đến 46.700 người Việt di cư sang hai tỉnh Nakhon Phanom và Muddahan của Thái Lan. Đến năm 1975, số người Việt từ làn sóng di cư thứ hai này được ước lượng là khoảng 80.000 người.[29]
Làn sóng người Việt đến Thái Lan lần thứ ba diễn ra vào những năm sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4, 1975. Đó là làn sóng người tị nạn trốn ra khỏi Việt Nam để đến không chỉ Thái Lan nhưng còn nhiều nước khác trong khu vực như Philippines, Malaysia và Hong Kong. Tại Thái Lan, họ được tập trung vào các trại tị nạn khác nhau. Tuy nhiên, khác với hai làn sóng trước, những người Việt tị nạn không tiếp tục sinh sống tại Thái Lan. Đa số đã được đi định cư ở quốc gia thứ ba như Hoa Kỳ, Canada, Úc… Những người bị từ chối thì buộc phải hồi hương về Việt Nam.
Làn sóng người Việt đến Thái Lan gần nhất là những lao động di dân đa số từ các tỉnh miền trung Việt Nam. Vì là lao động di dân, hơn nữa lao động bất hợp pháp nên không dễ để xác định số lượng lao động Việt Nam đang ở trên đất nước Thái. Ngoài ra, vì chỗ ở của những người lao động thường xuyên thay đổi tùy theo hoàn cảnh và công việc nên họ cũng không dễ dàng để xây dựng một cộng đồng ổn định. Đối với người Việt Nam đến Thái Lan những thế hệ trước đây, mặc dầu họ đã trải qua không ít khó khăn trong quá khứ, nhưng hiện nay họ đã hoàn toàn hội nhập vào xã hội Thái Lan. Nhiều người Thái gốc Việt có địa vị cao trong xã hội sở tại. Họ có tên bằng tiếng Thái cả tên gọi lẫn tên họ. Cộng đồng người Thái gốc Việt không chỉ tham gia đầy đủ vào xã hội Thái mà họ cũng có thể thành lập những tổ chức như Hội người Thái gốc Việt, Hội doanh nhân Thái gốc Việt… để duy trì bản sắc văn hóa và nguồn cội. Tuy nhiên, đối với đa số người Thái gốc Việt thì những tổ chức này không thực sự thiết yếu cho đời sống của họ, đặc biệt là cho những thế hệ sau này, vì họ dường như đã hội nhập hoàn toàn vào xã hội và văn hóa của đất nước nơi họ sinh ra và lớn lên.
Hoàn cảnh của người công nhân Việt Nam tại Thái Lan rất khác với cộng đồng người Thái gốc Việt nói trên. Họ không những không thể hội nhập vào xã hội Thái mà còn rất khó để xây dựng cộng đồng cho chính mình. Lý do chính yếu là tính chất thiếu ổn định của cuộc sống lao động di dân (bất hợp pháp). Có nhiều yếu tố tác động vào cuộc sống của họ như thái độ của chính quyền địa phương với lao động nước ngoài, tình hình kinh tế của đất nước sở tại, hành vi của những người Việt với nhau ở nơi làm việc, thu nhập kiếm được từ công việc đang có… Tất cả những điều này ảnh hưởng đến việc một lao động Việt Nam sẽ ở lại một nơi lâu dài hay nhiều lần chuyển chỗ làm việc tùy theo hoàn cảnh, hoặc thậm chí trở về Việt Nam một thời gian vài tuần cho đến vài năm trước khi quay trở lại. Để có thể xây dựng cộng đồng, không chỉ cần có thành viên mà cần có những người đảm nhận vai trò lãnh đạo. Thành viên phải có điều kiện để tham gia vào những sinh hoạt và đóng góp vào những công việc chung của cộng đồng. Người lãnh đạo phải có khả năng để hướng dẫn và khuyến khích các thành viên có tinh thần và ý thức tập thể. Ngoài ra người lãnh đạo phải phần nào có sự ổn định trong cuộc sống để có điều kiện hy sinh thời giờ và công sức cho tập thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc sống của đa số các lao đông di dân Việt Nam tại Thái Lan, sự ổn định lâu dài dường như rất ít gặp, và thời giờ để đóng góp vào công việc chung xem ra là một điều tương đối xa xỉ.
Hiệp hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan
Thực trạng cuộc sống của lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan vô cùng bất lợi cho việc xây dựng cộng đồng. Những thách đố của cuộc sống lao động di dân cộng với tình trạng bất hợp pháp trong công việc càng làm cho mọi thứ thêm khó khăn. Tuy nhiên, người Việt Nam tại Thái Lan cũng đã cố gắng xây dựng cho mình một cộng đồng để làm chỗ dựa tinh thần trên đất khách quê người. Một điển hình quan trọng là sự hiện diện của Hiệp hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan, được thành lập cách đây chừng 5 năm với mục đích phục vụ cho lao động di dân Việt Nam trên đất Thái.
Câu chuyện bắt đầu trước đó khoảng hơn 10 năm khi một linh mục người Thái gốc Việt tên Chalerm Kitmongkhol và một giáo dân Việt kiều tên Trần Văn Trọng đã nhận thấy có nhiều người trẻ Công Giáo Việt Nam đang làm việc tại Bangkok, thiếu thốn sự nâng đỡ về mặt tâm linh. Cha Chalerm và ông Trọng đã quy tụ các bạn trẻ và liên lạc với nhà thờ Công Giáo để tổ chức những Thánh lễ bằng tiếng Việt. Việc này cũng không mấy dễ dàng do những năm đó, chính quyền Campuchia chưa mở cửa cho người Việt đi gia hạn hộ chiếu hàng tháng dẫn đến tình trạng đa số lao động di dân tại Bangkok đều để cho hộ chiếu hết hạn. Trong lúc đó, Giáo Hội địa phương cũng chưa hiểu biết nhiều về hoàn cảnh của những người trẻ Việt Nam dẫn đến thái độ e dè trước tình trạng bất hợp pháp của họ. Vì thế để có nơi tổ chức Thánh lễ cho các bạn trẻ Công Giáo cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, những lần có Thánh lễ tiếng Việt thì hành vi của một số bạn trẻ như hút thuốc và xả rác trong khuôn viên nhà thờ cũng làm cho cha xứ và giáo dân người Thái không hài lòng và không sẵn sàng để tạo điều kiện cho việc tổ chức lễ Việt trong nhà thờ của mình. Có khi những lao động Việt Nam bị cảnh sát rượt đuổi đến tận bên trong nhà thờ để kiểm tra giấy tờ hoặc bị bắt ngay bên ngoài nhà thờ vì không có giấy tờ hợp pháp cũng là nguyên do làm cho các linh mục và giáo dân Thái Lan cảm thấy bất an.
Tuy nhiên, cha Chalerm và ông Trọng vẫn tiếp tục tìm cách để làm mục vụ cho các bạn trẻ Việt Nam. Những năm sau đó có thêm các linh mục và tu sĩ người Việt đến phục vụ hoặc học tập tại Thái Lan và bắt đầu cộng tác trong việc mục vụ di dân Việt Nam, trong đó có các cha dòng Đaminh, Dòng Ngôi Lời, Dòng Chúa Cứu Thế, các seour Dòng Mân Côi… Mặc dầu sứ vụ của các linh mục tu sĩ Việt Nam tại Thái Lan liên quan đến những công việc khác trong Giáo Hội Thái Lan hoặc để học tập rồi trở lại Việt Nam, nhưng khi các Ngài bước chân đến Thái Lan và chứng kiến tình trạng “đàn chiên không có chủ chăn” thì không thể từ chối để tham gia trong những mức độ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện cho phép. Vào năm 2010, tổ chức được gọi là “ Hiệp hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan” đã chính thức thành lập chủ yếu để phục vụ di dân Việt Nam trong TGP Bangkok và những vùng lân cận. Hiệp hội có một ban điều hành bao gồm các linh mục, tu sĩ, và giáo dân, trong đó có Lm. Chalerm Kitmongkhol và Lm. Antôn Lê Ngọc Đức, SVD là linh hướng, và ông Trần Văn Trọng là vị chủ tịch. Tuy nhiên, sinh hoạt của Hiệp hội cũng rất hạn chế do nhiều yếu tố khách quan. Thứ nhất, thời giờ của các linh mục tu sĩ có thể đầu tư cho công việc quá ít ỏi. Cha Chalerm có nhiều trách nhiệm trong Giáo phận Chanthaburi không thể hiện diện tại Bangkok thường xuyên. Cha Đức lại quản xứ ở vùng đông bắc Thái Lan cách Bangkok gần 600km nên cũng ít có điều kiện để tham gia vào những sinh hoạt của Hiệp hội. Một mình ông Trọng cũng khó có thể quản xuyến hết những công việc cần phải làm trong việc điều hành. Chính vì thế, nên những năm đó mục vụ di dân chủ yếu là tổ chức Thánh lễ vào những dịp lễ lớn như Phục Sinh, Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời, Giáng Sinh… Có một vài nhóm được thành lập ở các khu vực và có tổ chức thánh lễ nhóm, nhưng không nhiều và không liên tục.
Từ năm 2013 trở đi sinh hoạt của Hiệp hội đã phát triển nhiều hơn nhờ vào sự cộng tác đắc lực từ các linh mục và tu sĩ Việt Nam tại Thái Lan. Năm 2012, Dòng Đaminh sai Lm. Giacôbe Vũ Văn Hanh đến Thái Lan để cộng tác trong mục vụ di dân Việt Nam. Đầu năm 2013, cha Đức hoàn tất nhiệm kỳ tại GP Udon Thani và trở về Bangkok để nhận công việc mới, đồng thời gắn bó với mục vụ cho người Việt. Các seour Dòng Mân Côi vẫn duy trì công việc cũ tại trường quốc tế Ruam Rudee và tiếp tục đóng góp cho Hiệp hội trong những sinh hoạt khác nhau, đặc biệt công việc dạy giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân. Bên cạnh đó còn có một số linh mục và tu sĩ từ những dòng khác nhau đến Bangkok học tập và lưu lại trong thời gian từ vài tháng cho đến vài năm cũng tham gia vào mục vụ cho di dân Việt Nam.
Một yếu tố quan trọng khác là những năm về sau, chính quyền Campuchia đã mở cửa cho người Việt đi gia hạn hộ chiếu hàng tháng nên tình trạng hộ chiếu hết hạn giảm đi rất nhiều. Việc đi lại của các bạn trẻ Việt Nam an toàn hơn nên mỗi lần đi tham dự Thánh lễ không còn là một mối nguy hiểm bị bắt như từng xảy ra thường xuyên trước đây. Bên cạnh đó, sự hiện diện và mối tương quan của các linh mục, tu sĩ Việt Nam với Giáo Hội địa phương cũng ngày càng gần gũi hơn, giúp cho các vị lãnh đạo và linh mục trong giáo phận trở nên cởi mở hơn với giới trẻ Việt Nam và sẵn sàng để tạo điều kiện cho việc dâng lễ trong giáo xứ của mình. Nhờ vào những yếu tố khách quan thuận lợi và với sự nỗ lực của BĐH Hiệp Hội, đã có thêm những nhóm giới trẻ Công Giáo Việt Nam được thành lập ở các khu vực khác nhau trong và ngoài TGP Bangkok. Những nhóm được thành lập trải dài từ cố đô Ayutthaya cho đến thành phố du lịch Pattaya, và ở quận Dindaeng ngay ở trung tâm thành phố. Cha tân linh hướng của Hiệp hội nhiệm kỳ 2013-2015, Giacôbê Vũ Văn Hanh. OP, cùng với các linh mục khác thay phiên nhau đi giải tội và dâng lễ cho các nhóm mỗi ngày Chúa Nhật. Sau khi cha Giacôbê qua đời trong một vụ tai nạn giao thông vào tháng 6, 2014, cha Giuse Nguyễn Mạnh Hà, OP, đã được bầu lên để thay thế cho nhiệm kỳ 2015-2017. Tính đến thời điểm nay, trong HH có 13 nhóm giới trẻ Công Giáo Việt Nam. Mỗi nhóm có một ban điều hành gồm 5-7 người và tổ chức lễ nhóm mỗi tháng một lần. Những thánh lễ này có khoảng từ 50-250 người tham dự. Ngoài những lễ nhóm, HH vẫn tổ chức mỗi năm 6 Thánh lễ chung vào các dịp quan trọng. Bên cạnh mục vụ các bí tích và dạy giáo lý như nói trên, HH cũng tổ chức những chương trình tọa đàm, tĩnh tâm, hội trại và hội thao để giúp xây dựng đời sống tâm linh và tinh thần của giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan được tốt đẹp và có nề nếp. Một điều cần ghi nhận là có những nhóm giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan không chỉ được tổ chức bởi HH mà còn có nhiều nhóm ở các tỉnh và vùng khác được hướng dẫn bởi các linh mục người Việt đang phục vụ ở đó. Ví dụ như nhóm giới trẻ Vinh-Sơn ở tỉnh Udon Thani, nhóm Kitô Vua ở tỉnh Khon Kaen, nhóm Đức Mẹ Thiên Chúa ở tỉnh Mahasarakham, nhóm Ratchaburi, nhóm Phetchaburi, và nhóm Petliu. Bên cạnh đó còn có những Thánh lễ được tổ chức bởi các nhóm đồng hương như giới trẻ giáo xứ Trung Nghĩa, giới trẻ giáo xứ Thu Chỉ, giới trẻ giáo xứ Cẩm Xuyên….
Ngoài mục đích duy trì và củng cố đời sống tâm linh của người lao động Việt Nam tại Thái Lan việc thành lập những nhóm giới trẻ Công Giáo trên còn là cơ hội cho họ gặp gỡ và chia sẻ với nhau sau những ngày làm việc cực nhọc. Việc tham gia vào các nhóm cũng là nguồn hỗ trợ tinh thần và vật chất cho lao động di dân. Khi gặp khó khăn, đặc biệt là gặp tai nạn phải nhập viện hoặc thậm chí bị thiệt mạng, những người cùng quê hương và cùng nhóm thường sẽ mở lòng giúp đỡ bằng cách nay hay cách khác. Năm 2014 khi chiếc xe chở cha Giacobê và 15 bạn trẻ khác đi tham dự hội trại được tổ chức tại tỉnh Nong Bua Lamphu gặp tai nạn dẫn đến tài xế và 13 người Việt thiệt mạng, các nhóm giới trẻ đã nỗ lực quyên góp trong cộng đồng để giúp đỡ cho gia đình của các nạn nhân. Sự đóng góp của các bạn rất tích cực và rất nhanh chóng.
Sự hiện diện của Hiệp hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan là một trường hợp tích cực về nỗ lực xây dựng và duy trì cộng đồng giữa người lao động di dân Công Giáo tại Thái Lan. Mặc dầu Hiệp hội có nhiều hạn chế về điều kiện sinh hoạt, và chính những người trẻ Công Giáo cũng không dễ dàng để tham gia vào những sinh hoạt của Hiệp hội, nhưng HH đã giúp phần nào cho giới trẻ Công Giáo Việt Nam trên đất Thái có cơ hội để sống đức tin của mình một cách hăng say hơn, đưa mọi người đến gần gũi với nhau trong một môi trường đạo đức và lành mạnh, cũng như tạo nhịp cầu cho sự tương trợ lẫn nhau về vật chất cũng như tinh thần. Rất tiếc là những sinh hoạt của HH chỉ mới hạn chế trong thành phần giới trẻ Công Giáo Việt Nam, là thành phần thiểu số trong toàn bộ lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan. Đại đa số các công nhân Việt Nam là người theo tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào. Có thể nói hiện nay chưa có một tổ chức nào khác được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ cho người Việt nói chung và người khác đạo nói riêng.
Mạng xã hội và cộng đồng lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan
Cuộc sống của lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan chủ yếu xoay quanh công ăn việc làm nên đời sống xã hội và cộng đồng gặp nhiều hạn chế. Ngoài những nhóm bạn bè đồng hương hoặc cùng làm việc với nhau và những nhóm giới trẻ Công Giáo dưới sự hướng dẫn của các linh mục, tu sĩ Việt Nam tại Thái Lan, những công nhân Việt Nam trên đất Thái không có những tổ chức chính thức khác để làm nơi sinh hoạt hầu bồi dưỡng đời sống xã hội và tinh thần. Chính vì sự thiếu thốn trong những tổ chức mang tính chất cộng đồng mà mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, có một tầm quan trọng trong việc củng cố tinh thần cộng đồng cho người Việt tại Thái Lan.
Facebook là một công cụ mạng xã hội được người Việt Nam ưa chuộng trong những năm gần đây. Theo báo Thanh Niên, ở Việt Nam hiện nay có 30 triệu người đang sử dụng Facebook, trong đó 75% là ở tuổi 18-34. Việt Nam là một trong những thị trường mà Facebook đang phát triển nhanh nhất trên thế giới. Người Việt Nam vào Facebook trung bình 2,5 giờ đồng hồ mỗi ngày (nhiều gấp đôi giờ xem TV). Mỗi ngày có khoảng 20 triệu người Việt truy cập Facebook, và ngay cả một số quan chức Nhà nước cũng có tài khoản Facebook cá nhân của mình.[30] Những thông tin trên cho thấy lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan trùng hợp với những thống kê về đối tượng người Việt đang tích cực sử dụng Facebook.
Mạng xã hội, cụ thể Facebook, đã đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng tính chất cộng đồng giữa những lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan. Hiện nay ở Thái Lan không chỉ thấy những trang Facebook cá nhân mà còn thấy những trang Facebook mang tính tập thể. Những trang cộng đồng có nhiều thành viên bao gồm trang “Người Việt tại Thái Lan,” “Hội Đồng Hương Hà Tĩnh tại Tháiland,” “Người Việt Nam ở Thái Lan”… Ngoài ra con có những trang Facebook của cộng đồng Công Giáo như “Hiệp Hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan,” và “Giao Lưu Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan” cũng như hàng loạt trang Facebook của các nhóm Công Giáo thường có tên là “Nhóm Công Giáo Việt tại (tên khu vực nơi nhóm sinh hoạt)”. Qua những trang cộng đồng nói trên cũng như trang cá nhân của mình, công nhân Việt Nam có thể chia sẻ tin tức và các thông tin quan trọng liên quan đến cuộc sống của lao động di dân trên đất Thái. Những thông tin về tai nạn giao thông xảy ra với người Việt Nam nhờ mạng xã hội được truyền đi nhanh chóng. Có một số trường hợp người gặp tai nạn bị thiệt mạng nhưng bạn bè không biết cách liên lạc với người thân nên đăng thông tin và hình ảnh lên Facebook để cho gia đình được biết. Khi những cá nhân hoặc tập thể nào đó tổ chức quyên góp để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, người ta cũng dùng Facebook để tiếp cận với những người có lòng tốt sẵn sàng chia sẻ. Đối với những nhóm Công Giáo và Hiệp Hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan, Facebook là phương tiện thuận tiện nhất để phổ biến rộng rãi thông tin về những ngày lễ và sinh hoạt của mình. Cũng chính vì điều này mà một số Thánh lễ của Hiệp Hội có người đến tham dự đông đảo từ 1.000 đến 1.500 người. Dĩ nhiên, Facebook cũng là phương tiện để chia sẻ hình ảnh về những sinh hoạt đã diễn ra để mọi người cùng thấy.
Trong bối cảnh những công nhân Việt Nam tại Thái Lan ít có điều kiện để đi lại, gặp gỡ và trao đổi trực tiếp, mạng xã hội là một phương tiện vô cùng giá trị hỗ trợ cho việc chia sẻ và trao đổi thông tin bổ ích cho đời sống xã hội và tâm linh của người Việt tại Thái Lan. Không thể phủ nhận những mặt tiêu cực của mạng xã hội hoặc cách sử dụng mạng xã hội thiếu ý thức, bởi một số lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan, có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt trong ánh mắt của người bản xứ. Ví dụ, một số bạn trẻ thích đăng những hình ảnh đang làm những món ăn liên quan đến việc sát sinh (gà, heo, thậm chí chó) trên trang Facebook của mình mà quên rằng họ đang sống trong xã hội Phật giáo mà việc đăng những hình ảnh sát sinh là điều phản cảm và cấm kỵ trong văn hóa và tôn giáo của người Thái. Tuy nhiên, nói về công cụ để hỗ trợ cho việc xây dựng cộng đồng thì trong bối cảnh sống thực tế của lao động Việt Nam tại Thái Lan hiện nay, mạng xã hội đã trở nên một phương tiện vô cùng bổ ích và không thể thiếu vắng được trong cuộc sống của cộng đồng di dân.
Những đề xuất cho tình trạng lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan
Dựa trên những vấn đề được trình bày ở trên về hiện tượng lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan hiện nay, người viết xin nêu lên những điểm sau đây để đáp ứng nhu cầu của những công nhân Việt Nam cũng như giúp cải thiện tình hình lao động di dân Việt Nam trên đất Thái:
Pháp luật: Các nhà chức trách Việt Nam và Thái Lan nên nhanh chóng triển khai kế hoạch hợp tác lao động Thái Lan – Việt Nam một cách toàn diện hầu giúp cho người Việt Nam sớm được đăng ký lao động hợp pháp. Điều này sẽ có nhiều tác dụng tích cực cho tình hình lao động Việt Nam tại Thái Lan cả cho quốc gia Thái Lan cũng như cho các công nhân Việt Nam. Thứ nhất, việc được đăng ký hợp pháp sẽ giúp cho những quyền lợi của lao động Việt Nam được bảo vệ khi gặp phải những trường hợp bị bóc lột sức lao động hoặc bị đối xử bất công. Thứ hai, công nhân Việt Nam sẽ được hưởng những quy chế về bảo hiểm y tế và xã hội khi làm việc tại Thái Lan. Thứ ba, lao động Việt Nam sẽ không phải mất nhiều thì giờ và tiền bạc để bao công an, để đi gia hạn hộ chiếu hàng tháng, hoặc phải chi trả khi ra vào nước Thái như hiện nay. Ngoài ra, việc hợp pháp hóa lao đông Việt Nam sẽ giúp giải quyết vấn đề công nhân Việt Nam bị trọng thương hoặc thiệt mạng khi chạy trốn cảnh sát kiểm tra trên đường phố hoặc nơi làm việc. Đã có trường hợp người khi bị kiểm tra thì hốt hoảng bỏ chạy ra đường nên bị xe tông chết một cách oan uổng. Người viết khi còn ở tỉnh Nong Bua Lamphu cũng đã từng đi tìm giúp những công nhân Việt Nam “chạy không kịp sách dép” vào những khu rừng và rẫy mía để lẫn trốn cảnh sát đúng theo nghĩa đen của câu nói.
Về phía chính quyền Thái Lan, việc hợp pháp hóa lao động Việt Nam tại Thái Lan sẽ giúp cho việc tham nhũng trong giới chức trách giảm xuống khi người Việt không còn phải đút lót cho cảnh sát di trú và địa phương để được làm việc mà không bị bắt bớ. Ngược lại, những chi phí hợp lý mà lao động nước ngoài phải chi trả sẽ được đưa vào công quỹ của nhà nước. Việc triển khai kế hoạch hợp tác lao động Việt Nam sẽ giúp cho chính quyền Thái Lan dễ dàng kiểm soát và theo dõi tình trạng lao động Việt Nam đang sinh sống tại Thái Lan, xác định được số người, nơi làm việc, tính chất của công việc, và những sinh hoạt khác của họ trên đất Thái. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận rằng Việt Nam có thể cung cấp cho Thái Lan một nguồn lao động năng nổ mà họ đang thiếu thốn.
Văn hóa: Lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan cần sự hỗ trợ để hội nhập văn hóa nhanh chóng và hiệu quả hơn khi đến Thái Lan. Điều này sẽ giúp hạn chế những hành vi phản cảm và cấm kỵ đối với người sở tại. Đặc biệt sau khi kế hoạch hợp tác lao động Việt Nam – Thái Lan đã được triển khai, các nhà chức trách Thái Lan có thể tiếp cận với các lao động Việt Nam qua các tổ chức tôn giáo hoặc xã hội để mở những khóa huấn luyện về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán…của Thái Lan để giúp cho người Việt Nam có kiến thức về xã hội nơi họ làm việc, hầu dễ dàng thích nghi với môi trường sống và làm việc mới. Đối với lao động Việt Nam tại Thái Lan, việc thiếu kiến thức và ý thức về văn hóa và lối sống của người Thái Lan là một nguyên do khiến cho nhiều người có những hành vi làm cho người Thái mất cảm tình, nhiều khi dẫn đến tình trạng người Thái gọi báo cảnh sát để bắt vì cảm thấy khó chịu với người Việt.
Nhân bản: Đa số lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan là những người trẻ với học vấn không cao. Việc đào tạo về nhân bản cho công nhân Việt Nam là một công tác quan trọng, hầu giúp cho họ có một lối sống đạo đức và lành mạnh. Trong việc này, các tổ chức xã hội và tôn giáo của Thái Lan cũng như của người Việt có vai trò thiết yếu để tiếp cận và hướng dẫn giới trẻ một cách liên tục để phát triển và duy trì lối sống tích cực và tránh né những hành vi xấu đã nhận thấy nơi một bộ phận công nhân Việt Nam tại Thái Lan. Khi lao động Việt Nam làm việc và sinh sống có nề nếp thì cũng sẽ giúp cho đất nước sở tại được ổn định và giảm đi những tiêu cực gây nên bởi người nước ngoài.
Sức khỏe: Mặc dù đa số lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan là những người trẻ, nhưng điều này không có nghĩa là họ có sức khỏe vô hạn. Chương trình hợp tác lao động giữa hai quốc gia nên nhấn mạnh những chương trình hỗ trợ y tế cho người lao động khi lâm bệnh cần phải đi điều trị ở bệnh viện. Lao động di dân Việt Nam cũng cần phải có kiến thức để chăm sóc sức khỏe và ngăn ngừa những căn bệnh liên quan đến nghề nghiệp của mình. Đa số các công nhân Việt Nam làm việc nhiều giờ trong những môi trường thiếu vệ sinh và an toàn. Ví dụ như nghề may mặc đòi hỏi lao động phải ngồi nhiều giờ một tư thế, dẫn đến đau lưng và những triệu chứng nhức mỏi khác. Những người đi bán dạo phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm trên đường phố và nguy cơ tai nạn giao thông. Đối với những người làm việc ở các quan rượu phải đối phó với không gian có tiếng ồn ào cũng như có nhiều khói thuốc lá. Một số người phải uống nhiều rượu để chiều lòng khách. Vì nhu cầu kiếm tiền và sức khỏe của tuổi trẻ còn nhiều nên không phải ai cũng ý thức về việc ngăn ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, nếu không chú trọng về sức khỏe thì những đồng tiền cố gắng làm ra lại phải chi vào công việc chữa bệnh xảy đến do sự thiếu quan tâm về thể xác cũng như tinh thần.
Xã hội: Những công nhân Việt Nam phải có điều kiện để có một cuộc sống xã hội lành mạnh. Khi được sống và làm việc tại Thái Lan một cách hợp pháp, những người công nhân Việt Nam sẽ cảm thấy an tâm hơn khi đi lại, đặc biệt để giải trí, gặp gỡ bạn bè, và tham gia những sinh hoạt lành mạnh của các tổ chức tôn giáo và xã hội. Trong lĩnh vực này, những tổ chức Việt kiều tại Thái Lan có vai trò quan trọng làm chỗ dựa tinh thần cho lao động Việt Nam tại Thái Lan. Họ không chỉ là những người thuê công nhân Việt vào làm trong cơ sở kinh doanh của mình, mà còn là nhịp cầu nối kết thế hệ người Việt Nam mới đến Thái Lan với xã hội Thái Lan. Kinh nghiệm của người Việt kiều trong việc phải sinh sống và hội nhập tại Thái Lan sẽ là nguồn hỗ trợ quý giá đối với những người mới đến giúp họ biết đối phó với những thách đố khi bước chân vào một môi trường không quen thuộc.
Tâm linh: Những tổ chức tôn giáo cần phải quan tâm và tạo điều kiện cho các lao động di dân Việt Nam có thể duy trì và phát triển đời sống tâm linh của mình trên đất khách quê người. Giáo Hội Công Giáo Thái Lan cần xem giới trẻ Công Giáo Việt Nam là một thành phần của đàn chiên mà các vị chủ chăn có trách nhiệm phải chăm sóc và nâng đỡ. Giáo Hội Thái Lan phải mang tinh thần mà ĐGH Phanxicô đã nêu lên trong thông điệp cho ngày Thế giới di dân và tị nạn lần thứ 101 (2015), đó là xây dựng một “Giáo Hội không biên giới, Mẹ của mọi người.” Đối với Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt GP Vinh, vì đa số những công nhân Công Giáo Việt Nam thuộc GP Vinh, GP nên bổ nhiệm linh mục để quan tâm theo dõi tình hình của con em trong giáo phận khi đến Thái Lan sinh sống. Nếu làm một phép tính rằng 10% của tổng số lao động Việt Nam tại Thái Lan hiện nay là Công Giáo, thì số người Công Giáo đang lao động tại Thái Lan khoảng 5.000, tương đương với một giáo xứ tại Việt Nam. Đó là một số lượng con em trong giáo phận không ít và đáng được quan tâm. Trong trường hợp kế hoạch hợp tác lao động giữa hai quốc gia được triển khai dẫn đến số lượng công nhân Việt Nam đến Thái Lan gia tăng, thì số người Công Giáo sẽ còn nhiều hơn thế nữa. Hoàn cảnh những người trẻ Công Giáo đến Thái Lan khác với những người trẻ di cư vào các thành phố ở Việt Nam. Ở Việt Nam không khó để tìm ra nhà thờ để đi lễ. Ngoài ra, vấn đề ngôn ngữ không phải là một cản trở. Ngược lại, ở Thái Lan không chỉ khó tìm ra nhà thờ, ít có thì giờ để đi lễ, mà còn phải đối phó với việc tham dự Thánh lễ bằng ngôn ngữ mà mình không thông thạo. Vì thế, giáo phận quê nhà có thể quan tâm về đời sống tâm linh của con em mình bằng cách tổ chức những cuộc thăm viếng, những chương trình gặp gỡ, giao lưu, giáo huấn… Nếu giáo phận có thể bổ nhiệm một linh mục sang Thái Lan để làm mục vụ di dân thì càng tốt cho việc hỗ trợ cho đời sống tâm linh của người trẻ.
Tóm lại, lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan đang đứng trước một hoàn cảnh cần sự hỗ trợ của nhiều thành phần – chính quyền của Thái Lan và Việt Nam, những tổ chức tôn giáo và xã hội, và những thế hệ người Việt đã sinh sống tại Thái Lan lâu năm. Nếu có sự chung tay của những thành phần nói trên, cuộc sống của công nhân Việt Nam tại Thái Lan sẽ được cải thiện rất nhiều, và họ sẽ thể hiện được tiềm năng của mình trong việc đóng góp cho nền kinh tế của đất nước Thái cũng như quê hương của mình.
Lm. Antôn Lê Ngọc Đức, SVD
CHÚ THÍCH
[1] International Labor Organization. (2015). http://www.ilo.org/global/standards/subjects-covered-by-international-labour-standards/migrant-workers/lang--en/index.htm.
[2] Cục Lãnh Sự - Bộ Ngoại Giao Việt Nam. (2011). Báo cáo tổng quan về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài. Hà Nội: Cty ADN, tr. 1.
[3] Ibid., tr.9.
[4] Ibid., tr.9.
[5] Ibid., tr.17
[6] Trà My. (2015). Kiều hối của lao động di cư tại châu Âu vượt 100 tỷ USD năm 2014. TTXVN/Vietnamnet. http://www.vietnamplus.vn/kieu-hoi-cua-lao-dong-di-cu-tai-chau-au-vuot-100-ty-usd-nam-2014/328208.vnp
[7] Thảo Nguyên. (2015). Quý 1: Kiều hối về TPHCM đạt trên 1,2 tỉ đô la Mỹ. Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online. http://www.thesaigontimes.vn/129148/Qui-1-Kieu-hoi-ve-TPHCM-dat-tren-12-ti-do-la-My.html
[8] CLS-BNGVN, tr.17.
[9] Pratruangkrai, Patchanet. (2014). NCPO to get proposals on labour issues soon. The Nation. http://www.nationmultimedia.com/business/NCPO-to-get-proposals-on-labour-issues-soon-30237617.html
[10] Thanh Nien News. (2014). Big holes in Vietnam’s 1.9 pct unemployment rate. http://www.thanhniennews.com/society/big-holes-in-vietnams-19-pct-unemployment-rate-24806.html
[11] An ninh thủ đô. Người lao động Việt Nam tại Thái Lan gặp khó khăn. http://anninhthudo.vn/xa-hoi/nguoi-lao-dong-viet-nam-tai-thai-lan-gap-kho-khan/558761.antd
[12] Trading Economics. (2015). http://www.tradingeconomics.com/thailand/gdp
[13] https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_ASEAN_countries_by_GDP_(nominal)
[14] Phương Linh. (2015). Thu nhập người Việt đi sau Hàn Quốc Thái Lan hàng chục năm. VNExpress. http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/thu-nhap-nguoi-viet-di-sau-han-quoc-thai-lan-hang-chuc-nam-3271028.html
[15] Srikham, Watcharee. (2014). Vietnamese Migrant Workers in Ubon Ratchathani Municipality. Journal of Mekong Societies. Vol.10(1), tr.140.
[16] Nguyen, Nancy Huyen & Walsh, John. (2014). Vietnamese Migrant Workers in Thailand – Implications for Leveraging Migration for Development. Journal of Identity and Migration Studies, Vol.8(1), tr.72.
[17] Tuổi Trẻ News. (2013). Vietnam pays domestic workers better than college graduates: survey. http://tuoitrenews.vn/society/12733/vietnam-pays-domestic-workers-better-than-college-graduates-survey.
[18] Embassy of Vietnam in Thailand. (2015). Thái Lan sẽ có quyết định mới về đăng ký lao động http://www.vietnamembassy-thailand.org/vi/nr070521165843/nr070725012202/ns150824202113
[19] Cũng có những trường hợp mà chính quyền không cho phép bảo lãnh và người bị bắt phải bị giam trong tù cho đến ngày ra tòa.
[20] Matichon Online. (2014). รวบแก๊งเวียดนามอุ้มพ่อค้าปลา ตัดนิ้ว ให้ญาติดูต่างหน้า เรียกค่าไถ. http://www.matichon.co.th/news_detail.php?newsid=1411195308
[21] http://www.dailynews.co.th/crime/245419
[22] Independent News Network. (2013). รวบแก๊งล้วงกระเป๋าสงกรานต์สีลมวันสุดท้าย.
http://www.innnews.co.th/shownews/show?newscode=446877
[23] Daily News. (2014). รวบแก๊งเวียดนามตระเวนปล้นเหยื่อย่านประชาชื่น. http://hilight.kapook.com/view/71783
[24] Nation. รวบยกแก๊งเวียดนาม ตระเวนลักเสื้อผ้าแบรนด์ดัง
http://breakingnews.nationtv.tv/home/read.php?newsid=754556
[25] Sripana, Thanyathip. (2004). The Vietnamese in Thailand: A Cultural Bridge in Thai-Vietnamese Relationship. Journal of Science , Social Science & Humanities, Vietnam National University, Hanoi, No.3E, tr.49-64.
[26] Tha Mai. (2011). The Catholic Church of Chanthaburi. http://www.thamai.net/2011/08/the-catholic-church-of-chanthaburi/
[27] Sripana, tr.51.
[28] Ibid., tr.51.
[29] Nguyen & Walsh, tr.72.
[30] Thanh Nien News. (2015). Vietnam’s Facebook users jump to 30 million. http://www.thanhniennews.com/tech/vietnams-facebook-users-jump-to-30-million-46876.html