Vừa bước vào hè, Canada đã tưng bừng rộn rã. Về thể thao thì có lẽ không nước nào trên thế giới rộn rã bằng. Này nha, tháng trước Canada là xứ tổ chức đại hội nữ túc cầu thế giới. Ai mà còn nghĩ phái nữ là phái yếu thì phải xét lại việc này. Nhóm già bạn tôi là nhóm mê túc cầu từ bé, xưa nay vẫn còn thành kiến sai lầm là phái nữ không biết đá banh, thế mà qua các trận cầu giữa các nữ cầu thủ thế giới tháng Sáu vừa qua, ai cũng mở mắt và tỉnh mộng hết. Các nàng đá có thua gì nam cầu thủ đâu. Chị Ba Biên Hòa nghe chúng tôi bàn về việc này bèn lên tiếng ao ước : Giá mà Tổng Hội FIFA quốc tế tổ chức các cuộc tranh hùng giữa đội vô địch nam với đội vô địch nữ xem hơn thua thế nào thì hay biết mấy. Ông bạn già ODP của tôi nghe câu này xong thì cười hà hà rồi phát biểu :
- Đội nam đấu với đội nữ thì chắc FIFA chưa dám làm vì liền bà đâu có sức
khỏe bằng liền ông chúng tôi, nhưng trong tương lai gần đây thì trong một dội banh chắc sẽ có nhiều nữ cầu thủ. Ha ha, Chị Ba bằng lòng chưa?
Canada là đất thể thao các cụ ạ. Quanh năm thể thao. Mùa hè có thể thao mùa hè, mùa đông có thể thao mùa đông. Đây là một trong những lý do mà Canada được yêu mến nhất thế giới. Tôi nói có sách mách có chứng đây nha. Những 2 chứng lận. Cơ quan quốc tế The Reputation Institute sau khi nghiên cứu 55 quốc gia uy tín trên thế giới vừa công bố ngày 15 tháng Bảy vừa qua : Canada là quốc gia được ngưỡng mộ và nổi tiếng nhất thế giới xét về mặt an sinh, y tế, kinh tế, xã hội. Đứng thứ hai là nước Thụy Điển, thứ ba là nước Thụy Sĩ và Úc Đại Lợi. Hoa Kỳ đứng thứ 22, các cụ bên Mỹ đừng buồn về việc này nha. Chứng thứ hai là Tổ Chức Phát Triển và Hỗ Tương Kinh Tế quốc tế (OECD) vừa công bố kết quả nghiên cứu trong 50 năm, trong đó có liệt kê danh sách 10 quốc gia có cư dân học thức nhất thế giới. Đứng đầu danh sách là Canada vì có tỷ lệ dân chúng có bằng cấp đại học là 50%, sau đó là Do Thái, rồi Nhật Bản, rồi Hoa Kỳ…
Xin trở lại ngành thể thao. Canada vừa tổ chức xong Đại Hội Thể Thao Mỹ Châu, Pan An Games 2015, ở Toronto, với 7 ngàn lực sĩ tham dự đến từ 41 nước trong Châu Mỹ. Đại hội này là một thứ Thế Vận Hội mùa hè thu nhỏ, thi đủ mọi môn. Sau 16 ngày tranh tài, về mặt huy chương, phái đoàn Hoa Kỳ đứng hạng nhất với 265 huy chương (103 vàng, 81 bạc, và 81 đồng). Canada đứng hạng hai với 217 huy chương ( 78 vàng, 69 bạc và 70 đống). Hạng ba là Brazil, 592 lực sĩ, được 141 huy chương… Nước có số lực sĩ tham dự đông nhất là Canada chủ nhà với 723 người, Hoa Kỳ 624, Brazil 592. Nước ít người nhất là nước tí hon Belize chỉ có 3 người. Đây là con số các lực sĩ tham dự tranh tài thật sự, chưa kể các nhà điều hành, huấn luyện, dìu dắt, bảo trợ, và thiện chí tháp tùng. Lễ khai mạc và bế mạc được tổ chức tại đại hội trường Rogers ngay bên bờ hồ Toronto. Có một chuyện vui trong buổi tối khai mạc : Vì hội trường Rogers ở ngay chân tháp CNTower là tháp cao nhất thế giới. Đúng lúc khai mạc thì trên đỉnh ngọn tháp này bùng nổ một đám lửa đỏ vĩ đại, khói trắng bay lên ngút trời. Nhiều người đã hốt hoảng tưởng là hỏa hoạn. Thì ra ban tổ chức đã cho đốt pháo bông trên đỉnh tháp để chào mừng. Lễ bế mạc vào đêm 26 tháng Bảy, đỉnh tháp này cũng cháy đỏ bùng lên như vậy nữa nhưng không ai hốt hoảng mà lại vỗ tay hoan hô ầm ỹ. Hội trường Rogers với sức chứa 45 ngàn ghế đã đầy nghẹt. Những ai không mua được vé vào hội trường này thì có thể tới công viên Nathan Phillips ngay ở tòa dô chính gần đó, nơi đây có ba màn ảnh khổng lồ, có thể xem rõ lễ khai mạc .
Canada đã tổ chức Thế Vận Hội nhỏ này thành công mọi mặt và rất chuyên nghiệp, các cụ có biết tại sao không? Thưa, vì Canada đã có rất nhiều kinh nghiệm : năm 1976 Canada đã tổ chức Thế vận Hội Mùa Hè ở Montreal, năm 1988 Thế Vận Hội mùa đông ở Calgary, năm 2010 Thế vận Hội Mùa đông ở Vancouver. Hiện nay Canada đang nộp đơn xin tổ chức Thế Vận Hội mùa hè vào năm 2024. Chắc sẽ được vì mọi sự đã có sẵn. Các cụ mê thể thao xin cố sống tới năm 2024 để xem Thế Vận Hợi Mùa Hè này nha, chắc là sẽ vĩ đại và hoành tráng vô cùng. Cụ nào cần thuốc Hải Cẩu Bổ Thận Hoàn mà Canada sắp sản xuất để giữ sức khỏe xin nhớ để dành tiền nha, tôi sẽ mua giúp. Làng tôi đang dự định xin làm đại lý.
Đại hội thể thao Mỹ Châu này có nhiều chuyện vui bên lề lắm. Xin kể sơ sơ để các cụ nghe chơi nha. Thứ nhất là chuyện pháo bông nổ trên tháp CN Tower kể trên đây. Thứ hai là xe thực phẩm Da Đỏ do đầu bếp trứ danh da Đỏ David Wolfman đứng nấu, nổi bật là hai món kebab thịt hươu và càri thịt nai. Các lực sĩ đại hội được mời ăn miễn phí. Thứ ba là đường HOV. Các cụ phương xa nghe tên HOV có hiểu gì không cơ ? Thưa đây là chữ viết tắt của High Occupancy Vehicle, có nghĩa là lằn đường chỉ dành riêng cho những xe chở từ 3 người trở lên. Có một ông kia mê thể thao quá nên ông đã đem 2 người gỗ ‘ma nơ canh’ vào xe, cho bận quần áo như người thật, và ông chạy phom phom trên HOV, không ngờ mắt các thày cảnh sát Canada tinh quá, các thày đã chận bắt được cái ông ăn gian này. Sở cảnh sát cho biết tổng cộng số giấy phạt loại ăn gian trong thời gian thi thể thao này là 1.735 và tiền phạt đã cho vào kho là hơn 200.000 đồng. Chuyện này làm tôi nhớ chuyện Car Pool năm xưa. Ở Hoa Kỳ hay ở Canada những xa lộ lớn thường có đường dành riêng cho xe chở 2 người trở lên, con đường này gọi là car pool. Có một bà xồn xồn lái xe một mình mà chạy vào car pool, thày cảnh sát Canada tinh mắt bắt được, thấy thày biên giấy phạt thì bà xồn xồn này phản đối : Trong xe tôi có 2 người, vì tôi đang có bầu, bào thai trong bụng tôi hiện nay cũng phải được kể là một người chứ. Thày cảnh sát không phải tay vừa, thày bèn cười rồi đáp : Tôi phạt bà vì tội hai người mà lại ngồi chung một ghế ! Bà xồn xồn cúi mặt vì không cãi được nữa và phải nhận giấy phạt. Tôi kể sơ sơ vậy để các cụ từ nước ngoài mà lái xe đến Canada thì phãi cẩn thận nha, cảnh sát Canada tinh mắt và thông minh lắm. Chuyện vui thứ bốn là nhân tham dự đại hội thể thao ở Toronto đã có 4 ông lực sĩ Cuba đào thoát xin tỵ nạn. 4 ông này thuộc đội đua thuyền Cuba. Tôi bảo chuyện vui là vì các ngài cộng sản xưa nay từ Cụ Xít, cụ Mao, cụ Hồ cho tới các cụ Hà Lội hiện nay vẫn vỗ ngực bảo các nước cộng sản là các nước thiên đàng. Chuyện thứ năm là chuyện gây ấn tượng mạnh nhất nơi tôi. Đó là bài ca ‘anthem’ của đại hội lần này, bài ca mang tên ‘ Together We Are One’. Trong lễ bế mạc nữ ca sĩ giọng vàng Serena Ryder đã hát, thiệt là hay qúa sức. Lời ca nói lên cái mục đích cao đẹp của thể thao mà người La Mã ngày xưa đã đề cao là mỗi ngày mỗi‘ cao hơn, nhanh hơn và mạnh hơn’.
Cuối lễ bế mạc, đô trưởng Toronto thành phố chủ nhà đã trao cờ đại hội cho đô trưởng thành phố kế tiếp là Lima nước Peru . Nước này sẽ tổ chức đại hội Pan Am vào năm 2019.
Bế mạc Pan Am 2015 rồi, Toronto lại chuẩn bị tổ chức cũng đại hội thể thao Mỹ Châu cho các thành viên khuyết tật. Đại hội mang tên Parapan Games, khai mạc ngày 7 tháng Tám và kéo dài 11 ngày. Có 1600 lực sĩ khuyết tật đến từ 28 nước trong miền tham dự. Lễ khai mạc tổ chức tại vận động trường Đại Học York, và bế mạc tại công trường Nathan Phillip Square ở trung tâm Toronto. Có 12 cộng đồng tham dự cuộc tiếp sức rước lửa, xuất phát từ 2 nơi là thủ đô Ottawa và Thác Niagara. Cũng vui vẻ náo nhiết qúa chừng. Bạn bè tôi từ Âu Châu và Úc Châu sang đây đều tỏ ra nể phục dân Mỹ Châu : Người khuyết tật không hề bị bỏ quên.
Những ngày vui mùa hè 2015 còn dài. Đầu tháng Tám, tại bờ hồ nổi tiếng quốc tế của Toronto là Habour Front còn lễ hội văn hóa của Da Đỏ mang tên ‘Planet Indigenus 4’. Người Da Đỏ đã tham dự Đại Hội Pan Am trên đây bằng xe thực phẩm cực lớn, nay còn chủ động một đại hội văn hóa kéo dài 10 ngày. Làng tôi đã hẹn nhau đi tham dự các sinh hoạt văn hóa này với hy vọng sẽ băt gặp những nét văn hóa của quê hương Việt Nam ngày xưa. Các cụ biết tại sao tôi nói thế không ? Thưa, chúng tôi là học trò của triết gia Kim Định mà, người Da Đỏ chính là người VN ngày xưa của mẹ Âu Cơ. Các con đã theo mẹ lên núi, lên tới đỉnh núi cực bắc rồi đi về phương tây là vào eo biền Bering, là miền dẫn đến Canada ngày nay. Tôi còn nhớ 1999 là năm Canada thiết lập ra đặc khu Nunavut ở miền giáp bắc cực, cư dân ở đây đại đa số là dân Da Đỏ. Trong lễ khai mạc có các màn văn nghệ. Sau lễ, Cụ Đào Trọng Cương và Cụ Trần Văn Khắc ở thủ đô Ottawa gọi cho tôi ngay và cả hai cụ đều bảo tôi rằng cái màn mấy cô Da Đỏ vừa múa vừa hát, giọng hát rõ ràng mang âm điệu dân gian cổ truyền VN. Ngoài ra, các cô này đều mặc xiêm y đúng như xiêm y các cụ VN ta ngày xưa. Hai cụ gọi cho tôi cốt để nhấn mạnh và đề cao cái thuyết các cụ và tôi vẫn chủ trương là dân Da Đỏ ở Canada có gốc VN. Các bạn còn nhớ hai bậc đại lão này chứ? Cụ Đào Trọng Cương là kỹ sư công chánh đầu tiên ngày xưa ở Hà Nội, Cụ Trần Văn Khắc là tổ phụ của Phong Trào Hướng Đạo VN. Lời của hai cụ là lời uy tín có trọng lượng.
Tôi đi xa qúa rồi. Xin mời các cụ trở về các lễ hội ở Toronto đất Canada.
Cùng thời gian với đại hội văn hóa Da Đỏ trên đây còn có đại hội văn hóa truyền thống Caribana ở Toronto. Các sắn dân ở miển Trung Mỹ hằng năm kéo nhau lên Toronto họp đại hội. Canada là đất lành, các đàn chim phương nam kéo lên đây hàng trăm ngàn, ca hát nhảy múa ăn uống vui vẻ hết biết. Mở đầu đại hội Caribana là ngày diễn hành trọng đại. Ôi, các sắc dân ở miền Trung Mỹ ăn mặc sặc sỡ làm sao. Có biết bao nhiêu là xe hoa và ban nhạc, có biết bao nhiêu là vũ công. Họ hóa trang theo dạng các loài chim sặc sỡ, với những cánh chim và đuôi chim che phủ hết mặt đường. Các cụ muốn xem tận mắt thì xin kính mời đến đây vào đầu tháng Tám hàng năm, hoặc ở nhà thì xin mở Google bấm chữ Caribana Festival Toronto. Các cụ sẽ thấy hết mọi sinh hoạt của các sắc dân da nâu này. Toronto cho họ diễn hành, nhảy múa tưng bừng mấy ngày trong thành phố, dặc biệt ở bờ hồ, rồi dành riêng một hòn đảo ngay sát bờ cho họ sinh hoạt. Vui không để đâu cho hết. Cụ muốn nghe nhạc Nam Mỹ, ăn món Nam Mỹ, bận y phục Nam Mỹ, nhảy múa ca hát tiếng Nam Mỹ, làm quen với văn hóa Nam Mỹ, xin mời cụ đến đây nha. Vui và sướng hết biết. Có một ông bạn già đã nói nhỏ vào tai tôi : Nhìn các em Nam Mỹ da nâu đi diễn hành ăn mặc sơ sài qúa, vòng một và vòng ba chỉ che chút xíu, nóng mắt qúa chừng ! Nói rồi ông cười hê hê. Tiếng cười hê hê này nghe không trong sạch tí nào. Tôi hỏi ngay : cụ cứ nói thực cho tôi nghe nha, thế cụ nhìn thấy các vòng lộ liễu như mời gọi thì trong lòng cụ có nổi sóng gì không ? Tôi với ông bạn già này thân nhau lắm, thường kêu nhau bằng cụ. Ông ta nói thật nhỏ : Tôi chỉ ao ước giá mà được cắn vào cái vòng số 1 một cái thì chắc tôi sẽ trẻ lại 10 tuổi, vòng số 1 chứ không phải vòng số 3 nha. Chuyện ông bạn già dê này dài lắm, xin kể về sau.
Và làng tôi đã đi xem cả đại hội Da Đỏ ở bờ hồ, cả đại hội Caribana bên đảo. Vì dân số làng đông, nên chúng tôi đã chia thành hai phe. Phe liền bà do Chị Ba Biên Hòa làm trưởng đoàn, còn phe liền ông, tức các vĩ nhân quân tử chúng tôi, do Ông ODP làm lãnh tụ. Ai cũng thích như vậy vì mỗi phe được tự do và thoải mái hơn.
Ngày hôm sau họp làng đúc kết. Ôi thôi, bao nhiêu là chuyện hấp dẫn từ trang phục, thức ăn, văn nghệ, cái gì cũng lạ mắt lạ tai lạ miệng. Và toàn tiếng khen. Mọi người xin ý kiến của Cụ Chánh tiên chỉ. Cụ vui vẻ nói ngay : Lão cũng có những nhận xét rất giống của các bạn. Tối về nhà mãi mới ngủ được vì thấy mình sung sướng qúa. Và rồi tự nhiên lão bò nhỏm dậy, chắp tay nói lời cảm tạ Thiên Chúa. Nhờ Chúa làm phép lạ mà cuối đời lão được sống ở miền đất hạnh phúc này, được hưởng mọi tự do dân chủ, được tiếp cận với mọi tiện nghi tối hảo vật chất và tinh thần, được làm bạn với các bạn đây, được xem nghe nhìn và ăn các món ăn lạ miệng của nhiều sắc dân, như mấy bữa nay. Tóm lại, lão có y nói và nhắc các bạn là phải tạ ơn Thiên Chúa và nhớ ơn đất nước Canada này mãi mãi.
Anh John giơ tay xin góp : Lời Cụ Chánh nói chí lý vô cùng. Cuộc đời chúng ta mang ơn rất nhiều người. Chúng ta phải luôn luôn tỏ lòng biết ơn và nhớ ơn. Lời này làm tôi nhớ tới hai chuyện trong lịch sự hiện đại. Chuyện thứ nhất là chuyện ông Tướng Charles de Gaulle của nước Pháp. Ông này sau khi được Đồng Minh giúp giải phóng nước Pháp thời Đệ Nhị Thế Chiến thì lên làm tổng thống. Ông kiêu căng vênh váo vô cùng. Báo chí còn ghi chuyện đầu thập niên 1960, trong một cuộc họp các nhà lãnh đạo Âu Châu để tìm cách sống chung hòa bình với khối Cộng sản. Cuộc họp này có sự hiện diện của Ngoại trưởng Dean Rusk của Hoa Kỳ. Ông De Gaulle nói với ngoại trưởng Hoa kỳ : ‘Tôi muốn quân đội Hoa Kỳ phải rút ra khỏi nước Pháp càng sớm càng tốt’. Quả là tiếng sét trong đại hội. Ngoại trưởng Rusk nhìn thẳng vào mặt Tổng Thống De Gaulle rồi từ tốn hỏi : Thưa Ngài, thế lệnh này có bao gồm luôn cả các quân nhân Hoa Kỳ đã tử trận trong việc giải phóng nước Pháp và được an táng tại Pháp không? Hội trường im lặng như tờ, im lặng đến nỗi nghe được tiếng thở của người bên cạnh. Tổng Thống Pháp cứng lưỡi không trả lời được.
Chuyện thứ hai là chuyện cụ già Robert Whiting 84 tuổi ở phi trường Paris. Cụ già lúng túng lục lọi mãi mà không tìm ra sổ thông hành để trình cho nhân viên sở Di Trú. Chờ mãi không thấy cụ già đưa ra sổ thông hành, anh nhân viên Di trú Pháp mới sẵng giọng hỏi :
- Thưa ông, ông đã đến Pháp bao giờ chưa ?
- Thưa có một lần nhưng lâu rồi. Hồi đó tôi không phải trình sổ thông hành.
Nhân viên sở di trú nổi nóng với ông già Mỹ mà anh cho là lẩm cẩm này. Chàng ta nói :
- Chuyện vô lý. Tới đất Pháp thì ai cũng phải trình sổ thông hành. Xin ông nói chuyện đàng hoàng!
- Tôi nói thiệt mà. Hồi đó là ngày D Day năm 1944 tôi trong đoàn quân đổ bộ ở bãi biển Omaha để giải phóng nước Pháp thóat khỏi sự thống trị của Đức Quốc Xã, tôi có thấy nhân viên Pháp nào ở đó để trình sổ thông hành đâu !
Cả làng nghe đến đây xong liền vỗ tay khen là Anh John biết nhiều chuyện lý thú.
Xưa nay Cụ B.95 vẫn mê anh John vì cụ không thể ngờ được một người Da Trắng mà lại nói tiếng Việt rành rẽ và giỏi như vậy. Anh John xin hết chuyện kể nhưng mà cụ không cho. Cụ bắt anh kể nữa. Cụ hỏi : Ngày xưa khi anh học tiếng Việt với Chị Ba, anh có thấy câu tiếng Việt nào khó nói không ? Anh John gật đầu rồi thưa ngay :
- Có, chỉ có một câu thôi, mà cho đến ngay bây giờ cháu vẫn không nói nhanh được. Đó là câu : Nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch.
Cụ B.95 nghe xong câu này thì cười sằng sặc rồi bảo : Chả riêng gì anh, ngay tôi đây này, tôi cũng chưa bao giờ nói nhanh câu đó mà không vấp.
Thế rồi tự nhiên cả làng quay ra nói thi câu này, mà lạ qúa, chả ai nói trôi mà không vấp. Nồi đất nấu ếch thì ai cũng nói ra là ‘ nồi đất nấu đếch’ !!!
Đang khi dân làng cười sặc sụa thì làng được Cụ Chánh mời ăn cháo gà. Cháo nóng hổi, thơm ngào ngạt. Nồi cháo gà có gừng nó thơm cách gì. Khi ăn xong tiệc cháo thì anh John lên tiếng. Anh bảo bữa nay anh đã nói nhiều rồi, bây giờ đến lượt bồ chữ ODP. Mọi ngươi vỗ tay khen là ý kiến hay.
Ông ODP bằng lòng góp chuyện nhưng ông không biết nói về đề tài gì. Cụ Chánh liền lên tiếng : Chúng ta vừa ăn cháo gà xong, bác nói về chuyện con gà đi. Ông ODP gật đầu xin vâng và giao hẹn rằng bữa nay ông được kể chuyện xả láng. Và ông bồ chữ đã kể như thế này :
Rằng bữa đó có một cặp vợ chồng xồn xồn đến thăm trại nuôi gà của một người bạn. Anh chị được dẫn đi coi khắp trại. Anh bạn chủ trại chỉ vào một chuồng gà rồi nói : Cái con gà trống to kia nó ghê lắm. Sáng nào nó cũng đạp ít là 15 con mái. Cô vợ nghe xong liền nói nhỏ vào tai chồng : Anh nghe rõ chưa, sáng nào nó cũng đạp nha, và sáng nào cũng 15 lần nha. Anh chồng nhìn cô vợ sung sức của mình, rồi trả lời : Nhưng nó đạp 15 con khác nhau chứ không phải chỉ 1 con mà 15 lần !
Phe các bà nghe xong thì cười ồ lên rồi nói : Bác lại có ý chọc chị em chúng tôi rồi. Ông ODP cười hà hà rồi giảng. Tôi không dám trêu tức các bà đâu. Tôi kể chuyện đó là để dẫn đến mấy câu ca dao mà tôi vừa đọc thấy ở trên mạng. Mấy câu này hay quá vì nó nói rất hay rất đúng về con gà, rồi từ con gà làm ta nghĩ ngay đến con người. Mấy câu ca dao như thế này :
- Có con gà trống hoa mơ
Nó đi đạp mái hói trơ cả đầu
Hói thì hói có sao đâu
Nếu không đạp mái, tóc râu làm gì !
- Có con gà mái hoa mơ
Nó đi tìm trống, đỏ phơ cả mào
Đỏ thì đỏ kệ xác tao
Nếu không tìm trống thì tao ế à ?
- Ước gì anh hóa thành gà
Cả ngày đạp mái các gà chung quanh
- Kiếp sau xin chớ làm người
Làm con gà trống cho đời tự do !
Phe liền ông chúng tôi nghe xong đều thích và khoái quá, cười ngả nghiêng. Anh H.O. còn cao giọng : Đúng, kiếp sau tôi xin làm con gà trống hoa mơ. Còn phe các bà thì khen thơ hay, nhưng ý thì không hay vì chỉ đề cao các ông. Cụ Chánh nghe xong, vừa cười vừa bình : Tiếng VN mình cũng lạ, chuyện chú gà trống làm tình thì gọi là ‘đạp mái’, chứ còn chuyện loài người, cHồng Yêu vợ mà gọi là ‘đạp vợ’ thì nguy to rồi !
Để cho làng cười thỏa thích, rồi Cụ B.95 lại lên tiếng, lại xin thần tượng John nói chuyện học tiếng Việt. Rằng khi anh học ca dao VN anh có thấy câu nào hay hơn mấy câu tả con gà trống hoa mơ và con gà mái hoa mơ trên đây không? Anh John đáp ngay : Về các câu ca dao trai gái tỏ tình thì cháu thuộc nhiều lắm, nói cả ngày không hết, bữa nay xin cho cháu khất về ca dao, bữa nay cho cháu nói về một câu chuyện thuộc loại giáo dục dân gian ngày xưa, cháu chưa thấy có chuyện nước nào hay bằng chuyện này của VN.
Đó là chuyện ‘ Hũ Vàng Trời Cho’ chép trong sách cổ tích VN. Rằng trong ngôi làng nhỏ kia có một cặp vợ chồng nông phu rất nghèo nhưng rất lương thiện và chăm chỉ. Một buổi sáng kia anh chồng ra đồng làm cỏ. Anh cuốc phải một vật cứng. Anh bới lên và thấy đó là một hũ vàng. Anh lại bỏ xuống và lấp đất đi. Tối hôm đó về nhà anh kể chuyện hũ vàng cho vợ nghe. Vợ nghe xong thì trách anh sao không đem hũ vàng về nhà. Chồng trả lời là vì đó không phải là vàng của mình. Lúc đó có tên ăn trộm rình ở ngoài nghe được chuyện này, nó liền chạy ra đồng, tìm được cái hũ vàng, nhưng mở ra thì nó thấy toàn rắn độc, nó bèn vất hũ rắn độc này vào gốc cây gần đó rồi bỏ chạy. Ngày hôm sau ra đồng làm ruộng thì anh nông phu thấy cái hũ vàng đã biến mất. Tối về anh kể việc này cho vợ. Cô vợ rất buồn và trách anh là người ngu ngốc. Anh chồng cười xòa rồi trả lời vợ : Trời chưa cho, có thế thôi. Tên trộm rình bên ngoài nghe thấy vậy thì tức quá vì nó nghĩ cái anh nông phu này nói như cái hũ vàng có thật, bèn chạy ra đồng đem cái hũ rắn về chỗ cũ. Ngày hôm sau ra đồng anh nông phu lại thấy cái hũ vàng ở chỗ cũ. Anh về nhà lại kể chuyện này cho vợ nghe. Chị vợ bịt tai lại không muốn nghe tiếp rồi nói : Ông điên rồi, hôm thì thấy, hôm thì không thấy, rồi bây giờ lại thấy. Anh chồng trấn an vợ : Mình tin tôi đi, nếu là của Trời cho thì trước sau gì nó cũng thuộc về mình, không ai có thể đụng tới. Tên trộm vẫn rình ở ngoài, nghe thấy vậy thì giận cái anh nông phu ngu ngốc này qúa, muốn dạy cho anh ta một bài học, cho rắn cắn anh ta chết. Nghĩ rồi làm, tên trộm bèn chạy ngay ra đồng, bưng cái hũ đó về đặt ngay trước cửa nhà anh ta, để các con rắn sẽ cắn anh ta chết. Sáng hôm sau, vừa mở cửa để ra đồng thì anh ta trông thấy cái hũ. Anh liền kêu vợ cùng bưng cái hũ vào nhà. Lúc mở hũ ra, cả hai vợ chồng thấy cái hũ đầy những đồng tiền vàng. Từ đó hai vợ chồng anh nông phu lương thiện trở nên giàu có.
Kể đến đây xong thì anh John xin hết chuyện. Chuyện cổ VN vừa đơn sơ vừa mang đầy tính giáo dục, quả là hay, các cụ có đồng với anh John không ?
Câu chuyện hũ vàng ngoài đồng và anh nông phu làm tôi liền nhớ tới một câu đố mà nhà văn Tu Dinh mới đố trên mạng. Rằng có một anh nông dân ra đồng làm cỏ thì trời bỗng dưng mưa một trận dữ dội, sấm chớp đùng đùng. Ông Tu Dinh đố mọi người là anh nông phu phải làm cách nào để không bị sét đánh. Cái này liên quan tới khoa học. Tôi liền mở các sách về khoa học chỉ dẫn cách chống sét thì sách nào cũng nói là phải vào trong nhà, đóng cửa lại, nhà phải có cột thu lôi chống sét đánh. Anh nông dân đang ở giữa đồng trống tư bề thì làm gì có nhà cho anh chạy vào trú, nên ta vô phương cứu anh. Thế mà ông Tu Dinh cứu được anh ta, mới tài chứ. Phục ông nhà văn này qúa. Các cụ biết ông chỉ cách nào không? Ông bảo rằng : Việc này dễ ợt. Ở quê mình, ai ra đồng cũng mang theo một nắm cơm gói trong mo cau để ăn trưa. Vậy ta hãy bảo anh nông phu mở gói cơm ra mà ăn, anh sẽ không bị sét đánh. Tại sao lại tránh được sét ? Ông Tu Dinh trả lời : Tại vì ông bà mình vẫn nói ‘ Trời đánh cũng tránh miếng ăn’…
Cả làng phá ra cười vì bị ông Tu Dinh lừa. Ha ha, trời đánh sét còn mình bị đánh lừa ! Ha ha. Ông ODP lên tiếng : Ông Tu Dinh có ý chơi chữ nên cố tình cắt nghĩa cái câu thành ngữ đó theo nghĩa đen, chứ câu đó thường không hiểu theo nghĩa đen mà hiểu theo nghĩa bóng. Đó là một lời khuyên. Tổ tiên ta có ý dạy rằng ta đừng la mắng hay chửi bới ai trong bữa ăn, bữa ăn là lúc gia đình họp mặt trong ngày thì phải có không khí vui vẻ. Cha mẹ đừng la mắng con cái lúc này, anh em đừng cãi nhau trong lúc này. Hãy biến bữa ăn thành những giây phút vui vẻ và hạnh phúc nhất trong ngày. Tổ tiên VN đã dạy chúng ta : bữa ăn là thời gian hạnh phúc, sự hạnh phúc trong gia đình bắt đầu từ bữa ăn, ngay cả ông Trời xưa nay cũng kính trọng bữa ăn của con người, chưa bao giờ thấy ông nỡ cho sét đánh khi con người ăn cơm.
Chị Ba Biên Hòa phụ họa với chồng : Tôi nhớ đã nghe Cha Paolo cũng đã giảng trong nhà thờ về điều này, là chúng ta hãy biến các bữa ăn trong gia đình thành những bữa ăn trên thiên đàng.
Nghe đến đây thì anh John thốt lên : Tôi học tiếng Việt đã bao năm, đã thuộc bao nhiêu câu ca dao tục ngữ, mà vẫn chưa hiểu được hết cái thâm trầm của tổ tiên VN. Câu ‘Trời đánh còn tránh bữa ăn’ đã cho tôi một bài học hay quá.
Cụ Chánh góp lời cuối cùng : Bữa ăn vui vẻ là bữa ăn trên thiên đàng, nhớ nha bà con.
TRÀ LŨ
Tin Vui : Tác giả Trà Lũ đã viết xong bộ ‘ Chuyện Cười Trà Lũ Toàn Tập’ gồm 4 cuốn 300, 400, 500, 600 chuyện, tổng cộng hơn 1800 chuyện cười khác nhau. Đây là món quà ý nghĩa và trang nhã, cho chính mình và cho bằng hữu. Giá toàn tập 4 cuốn này là $85 Mỹ kim hay Gia kim. Xin liên lạc trực tiếp với tác giả : petertralu@gmail.com