THẦY CỦA TÔI

Cảm nhận về một người Thầy, nhân dịp tạ ơn Ngọc khánh linh mục của Ngài.

Kính dâng Cha Bề Trên Phaolô Lê Tấn Thành, nguyên Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn.

Chúng tôi về thăm lại Cha Bề Trên Phaolô Lê Tấn Thành - Cựu Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, người Thầy khả kính và khả ái của mình, đang hưu dưỡng tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa, nơi hưu dưỡng dành cho các linh mục của giáo phận Sài Gòn - nhân dịp tạ ơn Chúa vì hồng ân 60 năm linh mục Chúa ban cho Cha Bề Trên.

Cha chịu chức linh mục đúng vào ngày lễ thánh bổn mạng Phaolô, 29.6.1955, trong khi còn đang du học tại Paris. Có thể nói, trọn đời linh mục, Cha Bề Trên đã hiến dâng cho việc đào tạo linh mục của Chúa.

Cách đây mười năm (tháng 9.2005), Cha Bề Trên đã tự nguyện xin rút lui khỏi chức vụ đào tạo, và ẩn mình cách lặng lẽ nơi ngôi nhà hưu các linh mục của giáo phận.

Nhưng với chúng tôi, hình ảnh của một Giám đốc đầy độ lượng và tình yêu, không bao giờ cư xử với học trò của mình bằng quyền hành, nhưng chỉ bằng lòng yêu thương, vẫn sống và sống động đến vô cùng trong tâm hồn của mỗi chúng tôi, những học trò của Cha ngày ấy.

Sở dĩ Cha Bề Trên có một tình yêu lớn như thế là bởi, Cha là Thầy, nhưng Cha yêu học trò bằng tình yêu của một người cha. Cha ân cần lo lắng từ miếng ăn, chỗ ở, sức khỏe đến đời sống văn hóa, kiến thức và tu đức cho biết bao nhiêu thế hệ chủng sinh đã đi qua từ bàn tay đào tạo thuần thục của Cha.

Trong số đó đã có nhiều người làm giám mục, giáo sư, có cả những người thay thế Cha, ngồi vào ghế giám đốc của Cha ngày nào…

Chức vụ càng lớn bao nhiêu, những học trò của Cha Bề Trên, của nhiều Cha Giáo Sư khác, càng không thể vô ơn trước những công lao của các nhà đào tạo ấy.

Tất cả những lớp lớp học trò, dù là giám mục, giám đốc, linh mục hay chỉ là một cựu tu sinh…, hãy cố mà ghi khắc công ơn cao dày này của Cha Bề Trên nói riêng và của các Cha Giáo Sư nói chung, bằng tất cả sự nỗ lực và hăng say phục vụ Nước Chúa, phục vụ tha nhân với tất cả những gương lành, gương sáng của mình trong chức vụ linh mục, giám mục, hay một Kitô hữu giữa đời…

Biết bao nhiêu lời ngọc ngà Cha Bề Trên và quý Cha giáo đã giảng dạy. Và như vẫn còn đó cách sống động, những gương sáng Cha Bề Trên và quý Cha giáo đã sống, đã nêu. Các linh mục học trò của Cha Bề Trên và quý Cha giáo hôm nay cứ phải khắc ghi, cứ phải học, học mãi, học suốt đời…

Cha Bề Trên và quý Cha giáo là hạt giống, Thiên Chúa đã gieo vào cánh đồng Hội Thánh, để từ nơi quý Cha, phát sinh nhiều hạt giống khác, tưới bón không ngừng cho cánh đồng Hội Thánh xanh tươi. Cha Bề Trên và quý Cha là muối mặn, men nồng của đức tin, của lòng mến, của sự tín thác vào Thiên Chúa, để hết lớp học trò này đến lớp học trò khác tiếp nối bước chân của quý Cha gieo vào lòng người ở mọi nơi chất muối, chất men ấy…

Bởi vậy, dù thực tế, có thể Cha Bề trên đã giã từ chức vụ Giám Đốc, và nhiều Cha giáo đã lần lượt giã từ trần thế, vẫn mãi mãi là Bề Trên, là những nhà đào tạo, để mỗi lần gặp phải những thách thức trên đường mục vụ, chúng tôi vẫn nhớ về mái trường, nhớ về những hình ảnh, những lời dạy đầy sức sống, đầy ân nghĩa mà quý Cha đã không ngần ngại trao cho chúng tôi – xưa đã có sức chăm bón, góp phần lớn vô cùng đưa chúng tôi tiến đến chức linh mục – thì nay, tất cả những điều ấy như tiếp sức, như gầy dựng trong chúng tôi khả năng chịu đựng, lòng can đảm, sự nhẫn nại, tình yêu mến…, giúp chúng tôi vượt qua thác ghềnh.

Cách riêng, Cha Bề Trên, dẫu mười năm về trước, đã tự nguyện xin nghỉ hưu, vẫn là Bề Trên không thể thiếu của tâm hồn chúng tôi. Bởi những lúc cần đến sự cố vấn cho bao nhiêu khó khăn trong chức vụ của mình, chúng tôi có Cha là người dẫn lối sáng suốt và tín cẩn.

Cha Bề Trên vẫn là “cây cao bóng cả” cho bất cứ linh mục học trò nào ngã vào tìm sự che chở cảm thông. Chính vì thế, khi ghi lại hình ảnh của Cha lúc này, chúng tôi vẫn kính trọng gọi Cha bằng danh hiệu cao quý mà bao nhiêu năm chúng tôi vẫn gọi: Cha Bề Trên!

Trở về thăm lại người Thầy xưa, chúng tôi như không ngăn nổi dòng cảm xúc khi bắt gặp lại nơi chính bản thân người Thầy ấy (dù bây giờ đã tám mươi tám tuổi, đã già yếu nhiều), là cả một khung trời lý tưởng mà ngày nào cả Thầy và mỗi chúng tôi ra sức vun bồi cho lý tưởng thành hiện thực như hôm nay: Làm linh mục nối tiếp bước chân Thầy theo Chúa Kitô.

Nơi Cha Bề Trên, giờ có phần yếu sức, đôi mắt mờ hơn, đọc chữ khó khăn hơn, nhưng vẫn sáng ngời một lý trí, sáng ngời những nhận định, sáng ngời nét đẹp tri thức của một người am hiểu, minh mẫn, quá sáng suốt: những hiểu biết đa kiến thức trên nhiều lãnh vực, luôn luôn mới, luôn luôn được cập nhật như thuở nào…

Nơi Cha Bề Trên, vẫn giọng nói ôn tồn và lời nói dí dỏm, thích chơi chữ ấy. Vẫn dáng cao gầy rất khoan thai, không dấu được cái vóc nhanh nhẹn, tuy bước chân có phần chậm hơn do tuổi tác.

Nơi Cha Bề Trên, vẫn chất chứa cả một bầu tim yêu thương trong một cái tâm nghèo khó, đơn sơ, thanh bạch, thẳng thắn. Vẫn đôi mắt kính trắng, lâu lâu ngước lên một chút như để suy nghĩ rồi lại nhìn xuống lũ học trò trong tâm tình của một người Thầy đầy bao dung. Vẫn là cái chống tay trên hông, là mái đầu bạc trắng, là vầng tráng rộng và đôi mắt sáng…

Tất cả đều sáng ngời nét tinh anh của một nhà giáo dục quen nhìn xa trông rộng. Phải chăng, chính vì nét tinh anh ấy cùng sự thẳng tính, trung thực nơi Cha Bề Trên, đã làm nhiều kẻ sợ sự thật ái ngại khi phải đối diện hoặc chuyện trò với Cha!

Trở về thăm lại người Thầy uý kính của mình, những linh mục học trò, như đang sống lại những ký ức của những năm tháng dưới mái trường Chủng viện, nơi đầy ắp yêu thương đã khắc sâu ở một góc trái tim không thể có gì xóa nhòa, dù là năm tháng, dù là dòng đời xuôi ngược hay nỗi lo toan bộn bề của cuộc sống đầy khó khăn hay thuận lợi. Kỷ niệm đã xiết chặt vòng vây trong tâm khảm của những người đã từng đi qua ngôi nhà Chủng viện thân thương ấy. Xiết chặt đến nỗi hình như chưa một phút rời xa.

Cha Bề Trên đi nghỉ hưu, nhưng ảnh hưởng của Cha trên nhiều thế hệ học trò và lòng thương yêu, sự kính trọng của nhiều người dành cho Cha thì chưa bao giờ ngơi nghỉ.

Và tôi biết, chính lúc này đây, bất cứ người học trò nào, nếu còn có dịp đến, sống và cảm nhận bên người Thầy kính yêu, sẽ phải tự nhắc mình, cố gắng ngày một hơn, làm cho nhiệm vụ, lời dạy bảo và gương lành của Cha tiếp nối trong sứ vụ hôm nay của chính bản thân mình. Có như vậy, dù Cha Bề Trên đã nghỉ ngơi, nhưng mọi công tác đào tạo và kết quả mà Cha gieo nơi từng người học trò, sẽ tiếp tục không ngừng, sẽ kết hoa đơm trái tươi tốt nhất…!

Thêm một lần gặp lại người Thầy kính yêu, Cha Bề Trên Phaolô Lê Tấn Thành, tôi lại càng cảm nhận sự thanh thoát và bình an nhất mà đời linh mục cần phải có, đó là lối sống thanh đạm, biết chấp nhận những giá trị vật chất mà mình đang có, chứ đừng tìm kiếm những thứ trang điểm cho cái gọi là “sự giàu có của bản thân”, để không bao giờ đua đòi, se sua, cả đến xu nịnh, luồng cúi, nhằm đáp ứng những tiện nghi, những cám dỗ quyền thế, những nấc thang danh vọng, những thứ vật chất thời thượng theo kiểu “người khác có, tôi cũng phải có”…

Học được nơi người Thầy của tôi sự thanh bần, để không bao giờ, trong giao tiếp hằng ngày với biết bao anh chị em xung quanh, họ phải than thở rằng: “Vị linh mục ấy trọng sang khinh bần”.

Và học được nơi người Thầy sự chấp nhận hiện tại, tôi sẽ bình an và vui sống với những gì Chúa ban cho tôi hôm nay.

Xin cám ơn Cha Bề Trên, các Cha Giáo Sư, vì nhờ bàn tay xới bón hết tình của quý Cha, tôi mới có sức vóc của ngày hôm nay…

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG