Lễ Thánh Phanxicô Xaviê (3/12)

Hôm nay, chúng ta hân hoan mừng lễ Thánh Phanxicô Xaviê, một nhà truyền giáo lớn của Á Châu. Suốt cả cuộc đời thánh nhân là một lời nhắn nhủ chúng ta về sứ điệp của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Đó cũng là mối ưu tư hàng đầu của những người nhận Thánh Phanxicô làm bổn mạng. Chúng ta học nơi Thánh Phanxicô lòng quyết tâm muốn làm sáng danh Chúa, dù khó khăn nào cũng vượt qua, nhất là nhờ ơn Chúa, chúng ta biến điều tưởng chừng không thể thành có thể.

1. Thánh Phanxicô, một mẫu gương về đời sống truyền giáo :

Trước hết Thánh Phan xicô Xaviê là một nhà truyền giáo của lục địa Á Châu. Ngài là người nước Tây Ban Nha xa xôi, xuất thân từ một gia cảnh giàu có, thành đạt trong công việc và học hành. Có thể nói con đường tiến thân đang rộng mở phía trước, ngài có điều mà bao thanh niên thời đó có ước mong cũng không thấy. Có học thức, có tài năng, đẹp trai và nhiều học vị, nhưng thánh nhân không bước đi trên đường công danh sự nghiệp. Vì Chúa đã kêu gọi và hướng dẫn ngài đi trên con đường khác. Đó là cuộc hành trình đi qua các vùng đất Châu Á để rao giảng Tin Mừng. Đó cũng là con đường ngài quay trở về với Chúa. Dù trước đây có bị sức hút của sự thành đạt danh vọng, song thánh nhân đã sớm tỉnh ngộ. Bắt đầu lên đường truyền giáo là bắt đầu một cuộc sống mới đầy gian nan thử thách. Kể từ đo, ngài không còn được sống cho mình nữa, không còn được khoe khoang tự đắc với những gì mình có. Trái lại suốt cả ngày thánh nhân luôn trăn trở làm sao đem được thật nhiều linh hồn về với Chúa. Đối với thánh nhân truyền giáo là ra khơi, không sợ nguy hiểm đang chờ đợi phía trước, mặc kệ sóng to gió lớn, khí hậu khắc nghiệt.

2. Truyền giáo là sống yêu thương, thân thiện và hòa đồng với mọi người :

Đất nước Thánh Phanxicô đặt chân đến đầu tiên là Ấn Độ. Ở bất cứ nơi đâu, ngài dễ dàng hội nhập với nền văn hóa bản địa, ngài học ngôn ngữ dân địa phương để có thể thông truyền Tin Mừng cho họ, Ngài sống thân thiện với người dân địa phương như bạn bè của họ, như con em của mọi nhà. Được Chúa gởi đến nơi đâu, ngài dành trọn tấm lòng để yêu thương người dân và vùng đất nơi đó. Bằng chứng là chúng ta thấy ngài gởi thư cho các bạn kể về những nơi mà ngài đến, về sự tốt đẹp của những người dân địa phương. Bởi vì chỉ có hành trang gọn nhẹ là một cây thánh giá và một trái tim yêu Chúa nồng nàn, ngài có thể di chuyển đến bất cứ nơi đâu.

Thật thế, Thánh Phanxicô đích thực là tông đồ của Đức Giêsu. Đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu năm xưa, Thánh Phanxicô đi đến truyền giáo ở ba quốc gia : Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Hoa. Thành quả của công cuộc truyền giáo tại Á Châu là con số những anh chị em được rửa tội càng ngày càng đông. Một cách cụ thể, thánh Phanxicô đã rửa tội cho 2000 người Nhật Bản, trong 11 năm truyền giáo Ngài đi được 79.800 km. Đó là những con số biết nói, thể hiện tấm lòng nhiệt thành của ngài.

Qua cuộc đời của thánh Phanxicô chúng ta nhớ lại lời Thánh Phaolô dạy các Kitô hữu : “Thiên Chúa làm mọi sự tốt lành cho những ai yêu mến Ngài”. Thánh Phanxicô luôn ý thức mọi việc mình làm đều do Chúa trợ giúp, và ngài chỉ dốc hết tâm sức vào những việc đó trong niềm tin tưởng ở Chúa. Không ai không biết rằng, ra khơi truyền giáo là bước lên một con đường vô định, cả Thánh Phanxicô cũng hiểu điều đó. Hơn ai hết, ngài lại tin mạnh mẽ rằng không việc gì mà Thiên Chúa không làm được.

3. Truyền giáo là nghĩa vụ không của riêng ai :

Điểm sơ lại cuộc đời của Thánh Phanxicô để chúng ta thấy rằng mỗi người Kitô hữu cũng là một nhà truyền giáo. Có thể chúng ta không được đi đến những vùng xa xôi, tiếp xúc với những con người hoàn toàn xa lạ để nói về Chúa, thế nhưng nghĩa vụ truyền giáo không phải là việc của riêng ai. Được lãnh nhận Bí tích Rửa tội mỗi người Kitô hữu được Chúa Giêsu ủy thác sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng. Có rất nhiều cách thức để truyền giáo, trong đó truyền giáo bằng chính đời sống gương mẫu tốt lành lại là việc nằm trong tầm tay của chúng ta. Nhờ cuộc sống, lời nói và cách đối nhân xử thế của chúng ta những người ngoài Công giáo sẽ nhận ra Chúa. Bao giờ Chúa cũng muốn chúng ta thi hành sứ mạng truyền giáo, rất nhiều người thiện chí đang muốn lắng nghe lời của chúng ta nói về Chúa, họ đang nhìn vào đời sống của những người mang danh Kitô hữu.

Đó là điều mà trong Thư mục vụ năm 2003 các vị Chủ chăn của Giáo hội Việt Nam đã nhắn gởi đến từng người Kitô hữu Việt Nam trong năm mới sắp tới : Năm 2004 là năm toàn thể Giáo hội Việt Nam ra khơi truyền giáo, nối gót các vị tử đạo tiền nhân anh hùng đem Chúa đến cho đồng bào Việt Nam. Các Đức Giám Mục Việt Nam cũng nhấn mạnh đến cách thức truyền giáo hữu hiệu nhất là bằng đời sống yêu thong, hiệp nhất của các Kitô hữu.

Hôm nay mừng lễ Thánh Phanxicô, noi gương ngài chúng ta đem Chúa đến những nơi mình đang sinh sống, giới thiệu một cách trung thật về sứ điệp của Chúa cho những anh chị em đang cần lắng nghe, nhất là qua đời sống yêu thương của chúng ta là dấu hiệu chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Ngay từ bây giờ chúng ta hãy bắt đầu xây dựng tình đoàn kết yêu thương, cộng tác, rộng mở đón nhận mọi người, để làm cho khu xóm, gia đình và cộng đoàn mình đang thuộc về được phát triển về mọi mặt.

Lạy Chúa, hôm nay Chúa kêu gọi chúng con lên đường truyền giáo bằng chính gương đời sống nhiệt thành truyền giáo của Thánh Phanxicô Xaviê. Đối với dân tộc Á Châu ngài là anh em của mọi người từ lâu lắm rồi. Chúng con mãi mãi biết ơn ngài đã đem Chúa đến cho chúng con. Xin cho chúng con biết bắt chước Thánh Phamxicô để sống một cuộc đời Kitô hữu tốt, nhất là chúng con biết yêu thương mọi người, không kể họ là người Công giáo hay không Công giáo, nhờ đó mỗi ngày có thêm nhiều người tin theo Chúa. Amen