VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1-2-2015, ĐTC Phanxicô loan báo ngài sẽ viếng thăm Sarajevo, thủ đô Cộng hòa Bosnie Erzegovine vào thứ bẩy, 6-6-2015.

Lúc 12 giờ ĐTC xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của căn hộ giáo hoàng ở dinh Tông Tòa để bắt đầu buổi đọc kinh với hàng chục ngàn tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã giải thích bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 4 thường niên năm B về tầm quan trọng và sức mạnh của Lời Chúa, cũng như sự kiện Chúa Giêsu giảng dạy như người có uy quyền.

Bài huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

”Đoạn sách Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Xc Mc 1,21-28) trình bày Chúa Giêsu với cộng đoàn nhỏ bé các môn đệ của Ngài đi vào Carpharnaum, là thành nơi Phêrô sinh sống và hồi đó là thành lớn nhất ở miền Galilea.

Thánh sử Marco kể lại rằng vì hôm đó là ngày thứ bẩy nên Chúa Giêsu đi ngay tới Hội đường và bắt đầu giảng dạy (Xc v.21). Điều này làm ta nghĩ đến vị trí tối thượng của Lời Chúa, Lời cần được lắng nghe, đón nhận và loan báo. Khi đến Carphanaum, Chúa Giêsu không hoãn lại việc loan báo Tin Mừng, Ngài không nghĩ đến việc thu xếp chỗ ăn ở cho cộng đoàn bé nhỏ của Ngài, tuy là cần thiết, Chúa không nghĩ đến việc tổ chức trước tiên. Mối quan tâm chính của Ngài là thông truyền lời Chúa với sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Và dân chúng trong Hội đường có ấn tượng mạnh, vì Chúa Giêsu ”giảng dạy họ như một người có uy quyền, chứ không phải như các nhà thông luật” (v.22).

Nhưng ”giảng dạy với uy quyền có nghĩa là gì?” Thưa có nghĩa là trong lời nói nhân trần của Chúa Giêsu, người ta cảm thấy sức mạnh của Lời Chúa, cảm thấy chính thế giá của Thiên Chúa, là Đấng Linh hứng các Sách Thánh. Và một trong những đặc tính của Lời Chúa là thực hiện điều Chúa nói. Vì Lời Chúa tương ứng với ý Chúa. Trái lại, nhiều khi chúng ta nói những lời trống rộng, không có căn cội, hoặc nói những lời thừa thãi, những lời không tương ứng với sự thật. Lời Chúa tương ứng với sự thật, đồng nhất với ý chí và thực hiện điều Ngài nói. Thực vậy, Chúa Giêsu, sau khi rao giảng, đã chứng tỏ ngay uy quyền của Ngài bằng cách giải thoát cho một người bị quỷ ám đang có mặt trong Hội đường lúc ấy (Xc Mc 1,23-26). Chính uy quyền của Chúa Kitô đã khơi dậy phản ứng của Satan, ẩn nấp trong người ấy; và Chúa Giêsu nhận ra ngay tiếng nói của ma quỷ, nên Ngài ”nghiêm nghị truyền lệnh: ”Hãy im đi! Hãy ra khỏi người này!” (v.25). Với nguyên sức mạnh của lời Ngài, Chúa Giêsu giải thoát người ấy khỏi ma quỷ. Và một lần nữa những người hiện diện kinh ngạc nói: ”Ông này truyền lệnh cho cả những thần ô uế và chúng vâng phục Ông!” (v.27).

”Tin Mừng là lời sự sống: không đè nén con người, trái lại giải thoát những người nô lệ khỏi bao nhiêu thần dữ của thế gian này: sự ham ố danh vọng, quyến luyến tiền bạc, kiêu ngạo, mê dâm dục.. Tin Mừng thay đổi con tim, thay đổi cuộc sống, biến đổi những xu hướng xấu xa thành quyết tâm làm điều thiện.. Vì thế, nghĩa vụ của các tín hữu Kitô là phổ biến khắp nơi sức mạnh cứu độ, trở thành thừa sai và sứ giả của Lời Chúa. Đó cũng là điều mà đoạn Tin Mừng hôm nay gợi ý, khi kết thúc bằng cách mở ra một viễn tượng truyền giáo: ”Tiếng tăm của Ngài - danh tiếng của Chúa Giêsu - được phổ biến ngay ở các nơi thuộc miền Galilea” (v.28). Đạo lý mới mẻ mà Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền chính là đạo lý mà Giáo Hội mang tới thế giới, cũng với những dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Chúa: giáo huấn với uy quyền và hoạt động cứu độ của Con Thiên Chúa trở thành những lời cứu độ và những cử chỉ yêu thương của Giáo Hội truyền giáo.

Anh chị em hãy luôn nhờ rằng Tin Mừng có sức thay đổi cuộc sống, Tin Mừng chỉ biến đổi chúng ta khi chúng ta để cho mình được Tin Mừng biến đổi. Chính vì thế, tôi xin anh chị em hãy tiếp xúc hằng ngày với Tin Mừng, mang sách Tin Mừng trong túi, trong sắc.. đễ mỗi ngày để đọc một câu, một đoạn Tin Mừng.. Đó là sức mạnh biến đổi chúng ta, thay đổi cuộc sống, thay đổi con tim”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”chúng tay hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã đón nhận Ngôi Lời và sinh Người cho thế giới, cho tất cả mọi người. Xin Mẹ dạy chúng ta trở thành những người chăm chỉ lắng nghe và loan báo một cách có uy tín Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC thông báo cuộc viếng thăm sắp tới của Ngài và nói:

”Anh chị em thân mến, tôi muốn loan báo: thứ bẩy 6 tháng 6 tới đậy, nếu Chúa muốn, tôi sẽ đến thành Sarajevo, thủ đô nước Bosni Erzegovine. Ngay từ bây giờ tôi xin anh chị em cầu nguyện để cuộc viếng thăm của tôi nơi các dân tộc yêu quí này là một sự khích lệ cho các tín hữu Công Giáo, khơi dậy những men thiện hảo và góp phần củng cố tình huynh đệ và hòa bình, đối thoại liên tôn và thân hữu”

ĐTC cũng chào thăm các tham dự viên Hội nghị thế giới lần thứ 4 do tổ chức ”Scholas Occurentes” tổ chức tại Vatican từ ngày 2 đến 5-2 với chủ đề ”Trách nhiệm của mọi người trong việc giáo dục một nền văn hóa gặp gỡ”. Ngài cũng chào thăm các giáo xứ, các hội đoàn và tất cả những người đến từ Italia và nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là các tín hữu hành hương đến từ Liban và Ai Cập, các sinh viên từ Zafra và Badajoz bên Tây Ban Nha, và nhiều nơi khác ở Italia.

Ngài cũng nhắc nhở rằng: ”Hôm nay tại Italia có cử hành Ngày Sự Sống, với chủ đề là ”Liên đới bênh vực sự sống”. Tôi khích lệ các hiệp hội, các phong trào và tất cả những người đang bảo vệ sự sống con người. Tôi hiệp ý với các GM Italia kêu gọi ”tái nhìn nhận nhân vị và chăm sóc sự sống một cách thích hợp hơn, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên” (Sứ điệp ngày Toàn quốc Italia lần thứ 37 bênh vực sự sống”. Khi cởi mở đối với sự sống và phục vụ sự sống, thì chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh cách mạng của tình yêu và sự dịu dàng (Xc Tông huấn 'Niềm vui Phúc Âm', 288), khai mạc một trào lưu nhân bản mới, nhân bản liên đới. Tôi chào thăm ĐHY Giám quản, các giáo sư đại học Roma và những người dấn thân thăng tiến nền văn hóa sự sống”.

Sarajevo chỉ cách Roma một giờ bay và là thủ đô của nước Bosni Erzegovine rộng hơn 51 ngàn cây số vuông với 3 triệu 700 ngàn dân cư, đông nhất là người Hồi giáo 43%, tiếp đến là các tín hữu Chính Thống Serbi gần 30% và sau cùng là các tín hữu Công Giáo 18%, gốc người Croát. Chiến tranh giữa 3 nhóm dân này đã diễn ra trong 4 năm từ năm 1991 đến 1995.