Tìm một con đường

Để mở đầu cho bài viết này, mình xin kể cho bạn đọc một câu chuyện về huyền thoại bóng đá Pélé.

Ngày 01-10-1997, trên một sân vận động tại New York, trước 80 ngàn khán giả hâm mộ bóng đá, cầu thủ lừng danh thế giới Pélé đã ghi bàn thắng thứ 1.278. Sau đó anh đã tuyên bố giã từ đời cầu thủ chuyên nghiệp. Sau khi Pélé cởi áo gởi tặng giao lưu với khán giả, một phóng viên hỏi anh: “Pélé, anh đang là thần tượng của hàng triệu bạn trẻ, vậy, trong cuộc đời của anh, anh có thần tượng nào không?” Pélé chỉ vào cây thánh giá đang treo trước ngực và trả lời: “Có chứ, thần tượng của tôi là chính Đức Giê-su Ki-tô”.

Vâng, hàng triệu khán giả chọn Pélé là thần tượng trong khi Pélé lại chọn Đức Giê-su Ki-tô là thần tượng. Đó là hai con đường, hai lối bước trong cuộc sống.

Thưa các bạn, chắc hẳn, câu chuyện trên đây gợi ra cho chúng ta một điều rất hiển nhiên và dính dấp tới cuộc sống hiện sinh của chúng ta rằng: sống là chọn lựa, là hy vọng, là ước mơ, là hành trình vươn tới bến bờ hạnh phúc. Tuy nhiên, trên lộ trình ấy, lắm lúc chúng ta lại gặp những bế tắc, những cạm bẩy, khiến ta không thể nào đạt được nguyện ước của mình: đó là khi chúng ta tôn những thứ hư vô ở đời này lên bậc “thần minh”, coi khoa học, tiền bạc, quyền bính, danh vọng và những thú vui xác thịt như mẹo mực của cuộc sống, rốt cuộc, tương lai chỉ là mờ mịt, dẫn ta tới ngõ cụt của cuộc sống.

Vậy, làm sao để chúng ta sống có hy vọng? Con đường nào dẫn chúng ta đi tới bến bờ hạnh phúc? Đây, những lời chỉ dạy đầy khôn ngoan từ thánh vịnh I của vua Đa-vít sẽ là một giải đáp thoả đáng cho khát vọng sâu xa của chúng ta:

“ Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,

chẳng bước vào đường quân tội lỗi,

không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,

2 nhưng vui thú với lề luật Chúa,

nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

3 Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,

cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,

cành lá chẳng khi nào tàn tạ.

Người như thế làm chi cũng sẽ thành.

4 Ác nhân đâu được vậy:

chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.

5 Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững,

quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân!

6 Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính,

còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong” .

Thánh vịnh trên đây mở ra trước mắt chúng ta hai con đường: đường của ác nhân và đường của người công chính.

I. Giải thích thánh vịnh

Đường người công chính thì dẫn tới hạnh phúc, được hưởng những lời chúc lành và để được sống dồi dào. “Người công chính” được đề cập đến ở đây là người không nghe theo lời bọn ác nhân, không bước vào đường quân tội lỗi và không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng. Ba động từ “nghe”, “bước” và “nhập bọn” tượng trưng cho ba hình thức cám dỗ cách tiệm tiến, càng ngày càng mạnh hơn, đó cũng là con đường dẫn đến tội lỗi”[1]. Người công chính thì nhất quyết không hành động như vậy nhưng một mực kiên vững và bước đi trong đường lối tinh toàn. Họ “không nghe” theo lời bọn ác nhân nghĩa là không thoả hiệp với những điều sai trái; “không bước vào” đường quân tội lỗi nghĩa là không chấp nhận một cuộc sống bê tha và “không nhập bọn” với phường ngạo mạn nghĩa là không đồng loã với chúng để chống lại Thiên Chúa và tha nhân. Nói cách khác, người công chính là người biết nghe, bước và tiến theo Chúa trong đời lối chính trực. Đó là những thái độ sống cần thiết và cần phải được duy trì trong đời sống thường ngày.

Tuy nhiên, những việc làm trên vẫn chưa đủ nhưng còn phải tiến xa hơn nữa đó là “vui thú với lề luật Chúa” (c.2a) và “nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (c. 2b). Tâm hồn người công chính thì luôn thầm thì với Chúa, tựa hồ như dòng suối róc rách chảy mãi đêm ngày, như hạt giống nảy mầm trong thinh lặng, thoáng nhìn bề ngoài chẳng mấy ai để ý tới nhưng nó có sức mạnh tiềm tàng và phát sinh nhiều bông hạt thiêng liêng.

Một cây trồng bên dòng nước, cành lá của nó sẽ sum suê, bông hạt sẽ đề huề. Người công chính cũng vậy, nếu họ biết nép mình bên lòng Chúa, nếu biết chạy đến “uống nơi nguồn mạch đầu tiên, nguyên thủy, nơi Đức Giêsu Kitô, từ cạnh sườn được khai mở của Người, tình yêu của Thiên Chúa luôn tuôn trào (x. Ga 19,34), họ cũng có thể trở thành nguồn mạch, từ đó tuôn trào nước hằng sống (x. Ga 7,37-38)”[2]. Và bí quyết để “cây đức tin” của người công chính luôn được bén rễ sâu trong Chúa, tức là hằng tuân giữ lề luật của Người.

Hoàn toàn trái ngược với người công chính là bọn ác nhân. Họ là ai? Thưa, là những người, do hành động của họ, làm cho chính họ xa cách sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống [The wicked: those who by their actions distance themselves from God's life-giving presence][3]; họ là những người không được hưởng lời chúc phúc như người công chính. Vì họ “gieo gió” nên họ sẽ gặp bão tố và cuồng phong. Trong khi người công chính “cắm rễ sâu” vào lòng đất thì ác nhân lại sống không có điểm tựa, không biết “bỏ neo” cuộc đời vào đâu; họ tựa như “vỏ trấu” bị gió cuốn đi. Vào ngày xử án, bọn ác nhân không thể nào đứng vững được và không được hợp đoàn với chính nhân! Tóm lại, người công chính, vì luôn sống theo ý Chúa, cuộc đời của họ sẽ hạnh phúc. Trái lại, với người gian ác, sống vô luân, tương lai của họ chỉ như áng mây đen, rơi vào khổ đau và bất hạnh.

Thánh vịnh trên đây mở ra trước mắt chúng ta hai con đường, hai lối sống cùng với những mối phúc và mối hoạ cho mỗi lựa chọn. Những lời dạy khôn ngoan này còn mãi liên hệ tới mỗi một người chúng ta khi phải đứng trước những thách thức của cuộc đời. Làm sao để chọn được một hướng đi đúng đắn cho cuộc sống là điều chúng ta hằng lưu tâm.

II. Những nẻo đường của “ác nhân” trong thế giới hôm nay

Các bạn thân mến, là những sinh viên công giáo sống trong thời đại này, chúng ta không thể hờ hững trước những thách thức, những con đường lầm lạc mà con người ngày nay đang phải “sa lầy”, cách riêng tại xã hội Việt nam, đó là những chủ nghĩa, những não trạng và lối sống vô luân. Nói cách khác, đó là nẻo đường của “ác nhân”, mà chúng ta phải xa lánh.

1. Chủ nghĩa duy lý: Chủ nghĩa duy lý là một hiện tượng phổ biến trong thế giới hôm nay. Nhân danh một quan niệm giản lược hoá của khoa học, “chủ nghĩa này khép chặt lý trí con người lại, không nhường chỗ cho sự gặp gỡ Mạc khải và không công nhận tính siêu việt của Thiên Chúa”[4]. Nó làm cho lý trí con người ra cục mịch, khiến họ không tìm gặp được suối nguồn hạnh phúc đích thực là Thiên Chúa. Họ cho rằng, tin có Thiên Chúa là nghịch với khoa học và sẵn sàng đánh bật Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Khi Nga-sô thành công trong việc phóng vệ tinh Spountnik thứ nhất lên không gian, họ gọi đó là “ngày thứ tám của công cuộc sáng tạo” và thốt ra những lời rất ngạo mạn: “Nếu có Thượng Đế thì các bác học Nga-sô đã giết chết rồi. Kể từ bây giờ nhất định không còn Thượng Đế nữa. Kể từ bây giờ rõ ràng đạo là thuốc phiện”[5]! Chính chủ nghĩa này gây ảnh hưởng rất lớn đến con người thời đại này, đến các bạn giới trẻ, khiến họ mất dần cảm thức về đạo, về Thiên Chúa, là cứu cánh của cuộc đời. Còn các bạn, các bạn hãy tự vấn xem, Thiên Chúa có tồn tại không? Liệu Ngài có can hệ gì đến đời sống của các bạn: nơi ký túc xá, nơi trường học hay công sở không?

2. Chủ nghĩa vô thần thực hành và hiện sinh (practical and existential atheism): Chủ nghĩa này ăn khớp với một nhãn giới trần tục hoá về đời sống và về vận mệnh của con người. Một con người “chỉ có biết quan tâm đến chính mình, một con người chẳng những biến mình thành tiêu điểm hâm mộ mà còn dám tự xưng mình là nguyên lý và là căn cơ của mọi thực tại”[6]. Họ phủ nhận Thiên Chúa bởi vì nhìn nhận có Thiên Chúa là một trở ngại cho tự do của con người; nhìn nhận có Thiên Chúa tất nhiên phải chấp nhận những tôn chỉ luân thường của tôn giáo. Thái độ này thật ra là sợ Thiên Chúa hơn là phủ nhận có Thiên Chúa. Bởi thế, khi nói đến Thiên Chúa, có bạn sinh viên tặc lưỡi: “ôi dời, Chúa với chả không Chúa, hãy để cho Ngài ngủ yên”, hay có bạn lại dí dỏm hơn mà rằng:

“Lạy Chúa ngài ở trên cao

Con ở dưới đất ta nào can chi

Con đi đứng, con làm gì

Xin chớ can thiệp làm chi cho phiền”!

3. Quan niệm lệch lạc về tình yêu: Ngày nay, thuật ngữ về tình yêu đã bị lạm dụng rất nhiều, có khi đã bị giản lược thành một thương hiệu, một “mặt hàng tiêu thụ” mà ta gọi là thương mại hoá tình yêu. Trong ba từ Hy Lạp nói về tình yêu là eros (nhục dục), philia (tình bằng hữu) và agape (tình bác ái) thì dường như con người ngày nay chỉ nghiêng chiều về eros, “xem nó chủ yếu như một trạng thái say đắm, một tình trạng lý trí bị đè bẹp bởi một thứ “điên dại thần bí” lôi kéo con người khỏi cuộc sống hạn hẹp phàm nhân của mình”[7]. Thậm chí ta còn thấy thái độ này trong các giáo phái tôn thờ khả năng sinh sản, chẳng hạn như tục mại dâm “linh thiêng” nở rộ trong đền thờ. Eros vì thế, được thờ như một quyền năng thiêng liêng, đồng hàng với Thiên Chúa. Họ đánh mất tình bác ái, điều được chú trọng trong giáo lý Ki-tô giáo - tình yêu tự hiến. Có thể nói, xu hướng này đã làm băng hoại đạo đức của một phần đông giới trẻ và thay vì họ là “tương lai của giáo hội và xã hội” thì có nguy cơ sẽ là những áng mây u ám cho tương lại của nhân loại. Và khi tìm hiểu nguyên do của khuynh hướng nói trên thì nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận là do sự kinh nghiệm lệch lạc về tự do, coi tự do như sự đồng tình mù quáng với những mãnh lực của bản năng và với ý muốn thống trị của mỗi người. Bởi vậy, ta thấy trong xã hội nhan nhãn những tệ nạn như mại dâm, hiếp dâm, ngoại tình và đồng tính luyến ái. Cái trinh tiết của người phụ nữ vốn được xem là cái đáng giá ngàn vàng thì trở thành món hàng để đổi chác, chung chạ. Việc “góp gạo thổi cơm chung” trở thành như một “mốt tình yêu” thời thượng hay còn gọi là thức thời. Đó đây xuất hiện những nhà chứa, ổ chứa mại dâm để làm thoả mãn thú tính cho khách làng chơi…

Tất cả là dấu hiệu cho một nền đạo đức bị băng hoại đến tận gốc rễ. Còn các bạn, là những sinh viên công giáo, các bạn xem tình yêu là gì? Tự do mà Thiên Chúa ban tặng là để làm gì?

4. Một xã hội tiêu dùng (consumer society): Yếu tố này làm mê hoặc những người trẻ một cách dữ dội, biến họ thành những nạn nhân và tù nhân của một lối sống vốn giải thích cuộc sống hiện hữu của con người mang tính chất duy cá nhân, duy vật và khoái lạc. Quan niệm “sống thoải mái” được xem như lý tưởng độc nhất của cuộc đời, một lối “sống thoải mái” phải đạt được với bất cứ điều kiện nào và với bất cứ giá nào. Người ta đề cao những gì “mình có” hơn là những gì “mình là”. Đồng tiền như trở thành phép thử. Muốn biết một người như thế nào thì hãy “nhúng người ấy vào dung dịch đồng tiền”. Trong xã hội đó, nhiều người Công giáo cũng bị cuốn vào ma lực của đồng tiền nên đã đánh mất đức tin, xa rời Giáo hội. Một lối sống như thế thì chỉ đi vào ngõ cụt vì như thánh Phaolo Tông Đồ đã nói: “Chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng” (Pl 3, 14). Trước thách đố này, chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa dạy: "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24).

5. Gian ác và giả dối lên ngôi: Một thách thức lớn cho giới trẻ hôm nay mà chúng ta không thể không nhắc tới đó là sự lên ngôi của sự gian ác và giả dối. Đạo đức suy thoái, lương tâm và nhân phẩm bị xúc phạm. Những câu thơ sau đây như trở nên lời cửa miệng khi phản ánh thực trạng nhiễu nhương của xã hội:

“Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi

Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi

Lương tâm bán rẻ hơn lương tháng

Chân lý chân giò cũng thế thôi”.

Ngoài ra, chúng ta còn thấy những thống kê gây sững sốt về tình trạng nói dối trong xã hội này. Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hoá học lý luận và ứng dụng – ĐHQG T.p HCM – sáng 24/9/2013, tại Hội thảo “Thực trạng văn hoá học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” do sở GD – ĐT tỉnh Lâm Đồng tổ chức ở T.p Đà Lạt, đã cho biết: “Theo khảo sát xã hội học mới đây, thì tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%”[8]. Còn trong giới sinh viên công giáo thì bao nhiêu phần trăm nhĩ? Các bạn thử nghĩ xem.

6. Bệnh vô cảm và bạc nhược cầu an: Thế giới nói chung và xã hội Việt nam nói riêng mỗi ngày đang xảy ra những chuyện đau lòng như: lừa đảo, công an đánh chết người, bác sĩ đối xử tàn nhẫn với bệnh nhân, lạm dụng tình dục trẻ em v.v … Con người dường như vô cảm trước những thảm cảnh đó, não trạng “sống chết mặc bay” như trở thành căn bệnh “ung thư tâm hồn” và vô phương cứu chữa. Những câu truyền tụng đẹp đẽ trong dân gian như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn” hay “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… dường như chỉ nằm trong giáo trình, trên bục giảng, hay trên cái đầu của con người chứ chưa thực sự đi vào con tim, vào phong hoá của dân tộc…!

7. Bệnh thành tích: Căn bệnh cuối cùng cần nhắc đến là bệnh thành tích. Người người đua nhau chạy điểm chạy chức, “mua tước, mua quan”. Có người đã đề cập đến hiện trạng này bằng một câu nói dí dỏm: “ngày xưa, khi đang đánh Mỹ thì ra ngõ gặp anh hùng, ngày nay, sắp đến giai đoạn ra ngõ đụng phải tiến sĩ”. Có lẽ, ít có ở đâu trên thế giới lại có số lượng “tiến sĩ” đông như ở Việt Nam. Theo một bài báo trên trang Vietnamnet, đăng ngày 06/03/2014, Việt Nam có 24.000 tiến sĩ. Phần đông trong số họ không có công trình nghiên cứu, chỉ là hữu danh vô thực, “ngồi chơi xơi nước”. Thật đáng hổ thẹn!

Bệnh vô cảm rõ ràng là một “môi trường độc hại” mà các bạn sinh viên công giáo phải “hít thở” và nếu không thận trọng, họ có thể bị trúng độc và trở nên bệnh hoạn.

Vậy, chẳng lẽ chúng ta mãi rơi vào bế tắc, chẳng lẽ chúng ta phải xu thời và đi vào ngõ cụt của cuộc sống. Không! Chúng ta có nẻo đường công chính đó là Đức Ki-tô.

Như vậy, tất cả chọn lựa trên đây: chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa vô thần thực hành và hiện sinh, quan niệm lệch lạc về tình yêu, một xã hội tiêu dùng (consumer society, gian ác và giả dối lên ngôi, bệnh vô cảm và bạc nhược cầu an và bệnh thành tích là những nẻo đường sai làm mà con…. chỉ có… Autinh

III. Đức Ki-tô, sự lựa chọn đúng đắn của người công chính

Giữa muôn sự chọn lựa trong cuộc sống; giữa bao tiếng mời mọc, quyến rũ của ma quỷ, thế gian và xác thịt, bạn hãy chọn cho mình một con đường đúng đắn đó là con đường Giêsu. Chính Đức Giêsu đã nói: “Chính Thầy là Đường, là Chân Lý và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Đường, Chân Lý và Sự Sống là ba ý niệm căn bản nhất mà người Do Thái qua bao thế hệ dày công tìm kiếm. Với Đức Giêsu, ba ý niệm này được biểu hiện cách trọn vẹn nhất, bởi vì Đức Giêsu không những chỉ cho người khác đường về với Thiên Chúa, mà Ngài là Đường; Đức Giêsu không những chỉ cho người khác về chân lý, mà còn là chân lý; Đức Giêsu không những chỉ cho người khác về Sự Sống, mà Ngài còn là Sự Sống. Ở đây, chúng ta cần quan tâm đến ý niệm “Đường”. Chỉ có Chúa Giêsu là con đường đích thực cho chúng ta bước theo để đạt được hạnh phúc tối hậu. Các nhà sáng lập và lãnh đạo tôn giáo từ cổ chí kim chưa ai nhận mình là đường, Đức Phật, người sáng lập Phật Giáo, nhận mình là kẻ chỉ đường, là ngón tay chỉ về mặt trăng, chứ không phải là mặt trăng. Bởi thế, các tín đồ Phật giáo, những “kẻ đạt đạo có thể quên đi Đức phật (phùng Phật sát Phật!)”[9]. Những người lãnh đạo Do Thái từ Abraham, Môsê, Đavid, đến các tiên tri, hay những triết gia, thần học gia lỗi lạc như Socrate, Toma Aquino… không ai tự xưng mình là đường. Nhưng Đức Giêsu thì lại khác, điều quan trọng là chính Ngài, chính con người của Ngài. Chính Ngài là đường, đến nỗi không một con đường nào khác lại có thể biệt lập với Ngài hay không liên hệ với Ngài: “không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga14,6). Và con đường mà Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta là gì? Thưa, là tám mối phúc thật. Khi chúng ta sống những điều đó, là chúng ta đang đi trong đường của Ngài, và chắc chắn chúng ta cũng sẽ bước tới Vương Quốc của Ngài để vui hưởng niềm vui bất diệt.

Trong cuộc sống, nhiều người nói rằng, tôi sẽ chỉ đường cho anh hoặc tôi là người đầu tiên tìm ra đường này, hoặc tôi là người khai phá đường này, vv… không ai nói rằng, tôi là đường. Chính trong cuộc sống sinh viên của các bạn, giữa muôn vàn thách đố, lắm lúc các bạn như đứng giữa ngã ba cuộc đời, không biết đường biết hướng về đâu. Hẳn trong những lúc đó, các bạn cũng đã hỏi Chúa như câu hỏi của thánh Tô-ma: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Đã có câu trả lời hết sức cụ thể bởi Đức Giêsu, khi Người nói rằng Người chính là Đường. Đây thật là mạc khải vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại.

Thưa các bạn, là những người công giáo, chúng ta mang trên mình danh xưng Ki-tô hữu, nghĩa là người bạn của Chúa Giêsu hay người có Chúa Giêsu trong mình, chúng ta phải sống thân mật với Ngài trong kinh nguyện, trong bí tích và trong mọi hoạt động của cuộc sống hằng ngày. Đức tin mà chúng ta lãnh nhận từ ngày chịu phép Rửa Tội không phải là một công thức, một lý thuyết hay những lô kiến thức chúng ta thâu lượm được nhưng là một cuộc sống thân tình với Đức Ki-tô.

Vậy, chúng ta hãy “bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Ki-tô Giê-su” (Cl 2, 7). Một cây mà không có gốc rễ thì nó sẽ bị gió cuốn đi và tàn lụi. Đâu là gốc rễ của chúng ta trong cuộc đời? Chắc chắn đó là cha mẹ, gia đình và nền văn hoá của đất nước chúng ta, họp thành một khía cánh rất quan trọng trong căn tính của chúng ta. Kinh Thánh còn tỏ cho thấy một khía cạnh khác nữa. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a viết: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17, 7-8). Do đó, đối với ngôn sứ Giê-rê-mi-a, làm cho rễ lan rộng có nghĩa là đặt niềm tín thác của mình nơi Thiên Chúa, trong đức tin. Nơi Thiên Chúa, chúng ta kín múc sức sống của chúng ta. Không có Ngài chúng ta không thể sống thực sự: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời và sự sống này ở nơi Con Của Ngài” (X. 1Ga 5, 11).

Kết:

Các bạn thân mến, hãy xây dựng nhà các bạn trên đá tảng là Đức Ki-tô, và chọn Ngài là “Thần tượng” duy nhất của cuộc đời. Mỗi ngày các bạn hãy cố gắng sống theo Lời Chúa Ki-tô. Hãy lắng nghe Ngài như người bạn tâm giao mà các bạn có thể chia sẻ con đường cuộc sống. Có Ngài bên cạnh, các bạn sẽ đủ sức đương đầu với những khó khăn trong niềm hy vọng, những vấn đề cũng như những thất vọng và thất bại trong cuộc sống. Có biết bao mánh lới mà ma quỷ, thế gian và xác thịt đang bày ra trước mắt các bạn, nhưng các bạn hãy nhớ rằng đó là những lừa đảo, là đường của ác nhân, chúng không mang lại sự thanh thản và niềm vui cho các bạn. “Chỉ có Lời Chúa mới chỉ cho chúng ta con đường đích thực; chỉ có đức tin được thông truyền cho chúng ta mới là ánh sáng soi chiếu con đường của chúng ta”[10]. Chớ gì Đức Ki-tô luôn là nguồn vui của bạn.

Cánh đồng truyền giáo đang mở ra mênh mông bát ngát trước mắt chúng ta. Hơn lúc nào hết, Giáo hội đang cần những “tông đồ môi trường” cống hiến thời gian và sức lực để phục vụ Tin mừng, cần có những người trẻ biết để cho tình yêu của Thiên Chúa đốt nóng tâm hồn họ và họ sẽ quảng đại đáp lại lời mời gọi của Người. Nào các bạn, hãy sẵn sàng dấn thân phục vụ Chúa trong tha nhân, vì chỉ có như thế chúng ta mới có niềm vui, niềm hạnh phúc. Chúa và Giáo hội đang chờ chúng ta.

Jos. Đồng Lạc

[1] L.m Giuse Vũ Phan Long, Thánh Vịnh, tài liệu lưu hành nội bộ (Đại chủng viện Vinh Thanh, 2014), tr. 142.

[2] Bê-nê-đic-tô, Thông Điệp Deus Caritas Est, s. 7.

[3] The New American Bible, (New York: Catholic Book Publishing Co., 1970), tr. 604.

[4] John Paul II, Pastores Dabovobis, s. 27.

[5] Vũ Minh Nghiễm, Sống Sống, (Sài Gòn: La San Ấn Quán, 1971), Tr. 108.

[6] John Paul II, Pastores Dabovobis, s. 16.

[7] Bê-nê-đic-tô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est, s. 4.

[8] Xem Hoàng Đức Oanh - Giám mục Giáo phận Kontum, Thư gửi ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về vụ Mỹ Yên, bài viết được đăng trên Giaophanvinh.net, 3/10/2013.

[9] Joshep Ratzinger, Đức Tin Ki-tô Giáo Hôm Qua và Hôm Nay, (HCM: Nxb.Tôn Giáo, 2009), Tr. 26.

[10] Benedicto XVI, Sứ điệp gửi các bạn trẻ thế giới nhân dịp Ngày Quốc Tế Giới trẻ lần thứ 26 (Vatican: 2010), s. 2.