4. Tin Mừng Luca lệ thuộc nguồn “Q”

Ta vừa nói: rất có thể cả hai Tin Mừng Mátthêu và Luca đều dựa vào một bản văn nguồn chung, nguồn này bằng tiếng Hy Lạp, tục gọi là nguồn “Q”, dù chưa ai thấy nguồn này ra sao. Ta đã đưa ra một số lý do đưa đến nhận định ấy. Sau đây, xin trình bày thêm một số điểm nữa.

Như đã nói trên, ngoại trừ Lc 3:7-9 và Lc 4:2-13, không một tư liệu nào của Truyền Thống Hai Bản Văn đã được chêm vào tư liệu Máccô ở cùng một chỗ như trong Tin Mừng Mátthêu. Điều ấy đáng để ý. Lý do khiến ta cho rằng Tin Mừng Luca lệ thuộc nguồn “Q” thì có nhiều. Trước nhất, có những đoạn văn chủ chốt trong Tin Mừng Mátthêu và trong Tin Mừng Luca trong đó cách dùng từ giống nhau đến nỗi khó mà giải thích các đoạn này cách khác được. Chúng không phải của Tin Mừng Máccô; còn diễn trình khúc xạ của truyền thống truyền khẩu đáng lẽ phải dẫn tới một cách dùng từ khác nhau nhiều hơn mới phải, nếu đó là nguồn của các đoạn văn này. Đàng này, trái lại, ta hãy xem một số điển hình:

Mt 3:7b-10 – Lc 3:7b-9 Diễn từ của Thánh Gioan Tẩy Giả: 60 trong 63 (Mt)/64 chữ (Lc) giống hệt nhau; sự dị biệt do Thánh Luca muốn tăng tiến văn phong (bỏ trạng từ kai; dùng số nhiều thay số ít).
Mt 6:24 – Lc 16:13 Nói về việc làm tôi hai chủ: 27 trong 28 chữ giống hệt nhau; Tin Mừng Luca thêm oiketes.
Mt 7:3-5 – Lc 6:41-42 Nói về xét đoán: 50 trong 64 chữ giống hệt nhau.
Mt 7:7-11 – Lc 11:9-13 Về sự hữu hiệu của cầu nguyện: 59 trong 74 chữ giống hệt nhau; Tin Mừng Luca thêm thí dụ thứ ba.
Mt 11:4-6, 7b-11 – Lc 7:22-23, 24b-28 Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Gioan Tẩy giả: 100 chữ trong 121 chữ giống hệt nhau.
Mt 8:30 – Lc 9:58 Cáo có hang: 25 trong 26 chữ giống hệt nhau.
Mt 11:21-23 – Lc 10:13-15 Nguyền rủa các thành: 43 trong 49 chữ giống hệt nhau.


Một số dị biệt trên xem ra có vẻ quan trọng, nhưng phần đông chỉ là những thay đổi về bút pháp, như việc Tin Mừng Luca bỏ trạng từ kai (và) còn Tin Mừng Mátthêu thì giữ lại.

Thứ hai, ta thấy các tư liệu “Q” được cả hai Tin Mừng Mátthêu và Luca sử dụng đã được chêm vào các ngữ cảnh rất khác nhau nhưng vẫn cho thấy một trình tự đại cương giống nhau. Việc này không thể do một truyền thống truyền khẩu mang tới, mà hẳn phải do một bản văn Hy Lạp chung. Trong Tin Mừng Mátthêu, phần lớn tư liệu “Q” nằm ở các khối năm bài giảng (5:1-7:27; 10:5-42; 13:3-52; 18:3-35; 23:2-25:46); còn trong Tin Mừng Luca, nó nằm trong các mạo nhập lớn nhỏ (9: 51-18:14; 6:20-8:2). Xét dưới khía cạnh này, khó có thể có một trình tự nào đó trong tư liệu nguồn “Q”. Tuy nhiên dấu vết thì có vì trình tự Luca và Mátthêu trong các đoạn có tầm quan trọng lớn thì khá giống nhau. Các dị biệt chỉ là về những câu nói ngắn biệt lập nhau, mà hai soạn giả đã tái sắp xếp vì một lý do thuộc thể tài nào đó (15).

Lý do thứ ba để giả thuyết nguồn chung “Q” là sự hiện hữu của những đoạn cặp trùng (doublet) mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau. Có điều, chưa ai thấy nguồn “Q” ở đâu, nên chưa hoàn toàn được chấp nhận. Tuy nhiên, các nhà phân tích hàng đầu hiện nay đều giả thuyết về nó dù nó không có được sự thống nhất văn tự như nguồn Máccô.

Mặt khác, còn có vấn đề hiệu đính của cả hai Tin Mừng Mátthêu và Luca đối với những câu được coi là thuộc nguồn “Q”, thí dụ các đoạn Lc 13:24-29; 14:16-21; 15:4-7; 19:13-26 chẳng hạn. Ngoài ra, các đoạn như 10:25-28; 12:54-56; và 13:22-23 còn được coi là thuộc nguồn riêng của Tin Mừng Luca (gọi là nguồn “L”) thậm chí còn là một soạn tác của chính Thánh Luca nữa.

Một khó khăn nữa về nguồn “Q” là phần lớn chúng chỉ là những lời nói của Chúa Giêsu, rất ít có tính trình thuật, nhất là trình thuật khổ nạn. Điều này khó mà tin được với cộng đoàn Kitô Giáo tiên khởi, một cộng đoàn rất coi trọng các biến cố cứu chuộc của cuộc khổ nạn này. Có người cho rằng phản biện này chỉ là tiền giả định hiện đại về bản chất của tin mừng thôi, chứ tin mừng coptic, phần lớn chỉ bao gồm các lời nói của Chúa Giêsu, rất ít trình thuật, nhưng vẫn được Kitô Giáo tiên khởi gọi là peuangelion pkata Thomas, tức Tin Mừng Theo Tôma.

Sau cùng, cũng nên lưu ý, có chứng cớ cho thấy có những phủ lấp lên nhau giữa hai nguồn “Mc” và nguồn “Q”. Một số đoạn hay lời nói có thể có trong cả hai nguồn này. Trong một số trường hợp khác, tư liệu từ hai nguồn này đã được nối lại với nhau như bài giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả, biến cố Chúa Giêsu bị cám dỗ. Tuy nhiên, tại những chỗ khác, Tin Mừng Luca và Tin Mừng Mátthêu thích lấy các đoạn của “Q” hơn là của “Mc” như dụ ngôn hạt mù-tạt (Lc 13:18-19), dụ ngôn men bột (Lc 13:20-21).

5. Các đoạn cặp trùng trong Tin Mừng Luca

Trong truyền thống Nhất Lãm, cặp trùng (doublet) chỉ một đoạn nào đó xuất hiện hai lần trong cùng một tin mừng, nhất là hai Tin Mừng Luca và Mátthêu, trong đó, chúng xuất hiện cả theo Truyền Thống Hai Bản Văn lẫn Truyền Thống Ba Bản Văn. Những đoạn cặp trùng này vốn được dùng để chứng minh sự lệ thuộc vào “Q” của Tin Mừng Luca. Những đoạn đó là:

Từ nguồn “Mc” Từ nguồn “Q”
1. 8:8c (=Mc 4:9 và 4:23) 14:35 (=Mt 11:15; 13:9)
2. 8:16 (=Mc 4:21) 11:33 (=Mt 5:15)
3. 8:17 (=Mc 4:22) 12:2 (=Mt 10:26)
4. 8:18 (=Mc 4:25) 19:26 (=Mt 25:29)
5. 9:3,4,5 (=Mc 6:8,10,11) 10:4,5 + 7,10,11 (=Mt 10:10,11,12,14)
6. 9:23-24 (=Mc 8:34-35) 14:27; 17:33 (=Mt 10:38-39)
7. 9:26 (=Mc 8:38) 12:8-9 (=Mt 10:32-33)
8. 9:48 (=Mc 9:37) 10:16 (=Mt 10:40)
9. 20:46 (=Mc 12:38-39) 11:43 (=Mt 23:6-7)
10. 21:14-15 (=Mc 13:11) 12:11-12 (=Mt 10:19-20)
11. 21:18 (có thể từ nguồn “L”) 12:7 (=Mt 10:30)
12. 18:14b (có thể từ nguồn “L”) 14:11 (=Mt 18:4; 23:12)


Điều đáng lưu ý trong hần hết các câu hay đoạn trên là chúng tạo thành phần cho một đơn vị dẫn khởi từ nguồn tiền Luca. Về những câu hay đoạn này, nhận định của M.J. Lagrange cũng đáng lưu ý: Thánh Luca vẫn có thói quen tránh việc lặp đi lặp lại, nên nếu ngài chép lại cùng một câu nói lần thứ hai, chính vì ngài tìm thấy nó ở cả hai nguồn tài liệu. Ngay cả những điều ngài thêm vào những câu cặp trùng đó, miễn là xẩy ra trong cùng một khung cảnh như Tin Mừng Máccô, thì đều gần gũi về văn phong với Tin Mừng này hơn là với các tin mừng khác (16).

6. Tin Mừng Luca lệ thuộc các nguồn đặc biệt

Tư liệu trong Tin Mừng Luca lấy từ hai nguồn “Mc” và “Q” lên đến 2/3 toàn bộ Sách. Nhưng giải thích nguồn gốc của phần còn lại không phải là việc dễ dàng. Dĩ nhiên, người ta có quyền kết luận rằng bất cứ những gì không có trong hai nguồn “Mc” hay “Q” hẳn phải rút từ một nguồn khác của riêng Tin Mừng Luca. Nhưng kết luận này không đơn giản. Trong trường hợp nguồn “Q”, ta dễ thấy sự tương hợp khá rõ ràng trong hai Tin Mừng Mátthêu và Luca và thứ tự chung chung của những tư liệu này. Nhưng khi chỉ có nguồn đặc biệt đối với riêng Tin Mừng Luca, thì khó mà giả định một nguồn viết bằng tiếng Hy Lạp được. Vả lại người ta không thể loại bỏ khả thể chính thánh Luca đã soạn ra những tư liệu đó. Sự soạn tác này khá rõ xét về văn phong đặc trưng của Thánh Luca. Dù sao, cũng có những tư liệu riêng của Tin Mừng Luca mà người ta quen xếp vào nguồn “L”, được linh mục Fitzmyer liệt kê thành 66 tư liệu (17), xin trích dẫn một số:

1:5 – 2:52 Trình thuật tuổi thơ, ít nhất một phần
3:10-14 Gioan Tẩy Giả rao giảng
3:23-38 Gia phả Chúa Giêsu
4:17-21, 23, 25-30 Chúa Giêsu thăm Nadarét
…..
10:17-20 Bẩy mươi (hai) môn đệ trở về
10:25-28 Luật để được sống đời đời
10:29-37 Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu
10:38-42 Mácta và Maria
…..
15:8-10 Dụ ngôn đồng tiền đánh mất
15:11-32 Dụ ngôn người con hoang đàng
16:1-8a Dụ ngôn viên quản lý bất lương
16:14-15 Khiển trách người biệt phái ham tiền
…..
20:18 Sức mạnh của đá
21:18,21b,22,24, 28 Tàn phá Giêrusalem
21:34-36 Hãy tỉnh thức
21:37-38 Thừa tác vụ của Chúa Giêsu tại Giêrusalem
….
23:56 Các phụ nữ chuẩn bị hương liệu trước ngày Sabát
24:13-35 Chúa Giêsu xuất hiện trên đường Emmau
24:36-43 Chúa Giêsu xuất hiện giữa các môn đệ tại Giêrusalem
24:44-49 Chúa ủy thác lần cuối cùng


Cứ theo lời mở đầu về cố gắng “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” (1:3), ta phải nhận rằng nguồn này có thể vừa viết vừa truyền khẩu, và do đó, có thể do một hay nhiều người tạo nên. Và ta cũng không quên, chúng có thể là soạn tác riêng của Thánh Luca.

7. Tin Mừng Luca và Tin Mừng theo Tôma

Từ ngày khám phá ra dịch bản Ai Cập (coptic) của Tin Mừng Theo Tôma tại Nag Hammadi tháng 12 năm 1945, mối liên hệ giữa Tân Ước và Tin Mừng ngoại thư này đã lại được đặt ra: tuyển tập 114 các lời được gán cho Chúa Giêsu này liên hệ tới nguồn “Q” hay nguồn “L”?

Ta biết đến Tin Mừng Theo Tôma là qua lời Hippolytus và Origen, cũng như nhiều giáo phụ khác trích dẫn nó. Bản Ai Cập khám phá tại Nag Hammadi có niên biểu khoảng cuối thế kỷ thứ tư. Đây là bản dịch của một bản Hy Lạp có trước đó, vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ ba, nhưng chính Tin Mừng thì có thể đã được soạn thảo vào cuối thế kỷ thứ hai.

Trong số 114 lời nói được coi là của Chúa Giêsu này, không lời nào giống hệt các lời trong các tin mừng Nhất Lãm. Tuy nhiên, một số có liên hệ với những lời của Chúa Giêsu được truyền thống Nhất Lãm duy trì.

a. Các đoạn trong Luca rút từ nguồn “Mc” song hành với Tin Mừng Tôma

Luca Tôma Luca Tôma
4:24 31 8:17 5b+6e
5:33-34 104 8:18 41
5:37,36 47c 8:19-21 99
5:39 47b 20:9b-15,18 65
8:5-8 9 20:17 66
8:8c 8e 20:22-25 100
8:16 33b


b. Các đoạn trong Luca rút từ nguồn “Q” song hành với Tin Mừng Tôma

Luca Tôma Luca Tôma
6:20b 54 12:2 5b+6e
6:21a 69b 12:3 33a
6:22 68 12:10 44
6:39 34 12:22 36
6:41-42 26 12:33 76b
6:44-45 45 12:51-53 16
7:24-25 78 12:56 91b
7:28 46 13:18-19 20
9:58 86 13:20-21 96
10:2 73 14:16-21 64
10:8-9a 14b 14:26-27 55,101
11:10 94 15:4 107
11:33 33b 16:13 47a
11:39-40 89 19:26 41
11:52 39a


b. Các đoạn trong Luca rút từ nguồn “L” song hành với Tin Mừng Tôma

Luca Tôma Luca Tôma
11:27-28 79 17:20-21 113
12:13-14 72 17:21 3
12:16-20 63 17:34 61a
12:49 10 23:29 79

Nói chung, tương quan này chưa thể nói bên nào lệ thuộc bên nào, nhưng căn cứ vào niên biểu, thiển nghĩ phần lớn các lời trong Tin Mừng Theo Tôma tùy thuộc truyền thống Nhất Lãm.

8. Tin Mừng Luca và Tin Mừng Gioan

Một vấn đề đặc biệt là rất có thể nguồn “L” có liên hệ với Tin Mừng thứ tư, tức Tin Mừng theo Thánh Gioan, vì một số tư liệu trong nguồn “L” giống tư liệu trong Tin Mừng này. R.E. Brown (18) lưu ý ta một số sự kiện sau đây: 1/ chỉ có một trình thuật hóa bánh và cá ra nhiều; 2/ nhắc đến các nhân vật như Ladarô, Mácta, Maria, một trong Nhóm Mười Hai là “Jude” hay Giuđa (con ông Giacôbê, không phải Giuđa Iscariốt), và thượng tế Anna (Annas); 3/ không có cuộc thẩm vấn ban đêm trước mặt Caipha; 4/ câu hỏi kép đặt cho Chúa Giêsu về tư cách thiên sai và Con Thiên Chúa của Người (Lc 22:67, 70; Ga 21:5-11); 5/ Ba lời Philatô không kết tội trong vụ xử Chúa Giêsu; 6/ các cuộc Chúa Giêsu hiện ra sau khi phục sinh tại vùng Giêrusalem; và 7/ mẻ cá lạ (Lc 5:4-9; Ga 21:5-11).

Linh mục Fitzmyer (19) thêm mấy sự kiện nữa như người ta tin Gioan Tẩy Giả là Đấng Mêxia (Lc 3:15; Ga 1:20); hay hai thiên thần ở mộ Chúa Giêsu (Lc 24:4; Ga 20:12) ngược với Mátthêu và Máccô. Ngoài ra, J.A. Bailey (20) liệt kê một số đoạn cho thấy có thể có giao lưu giữa 2 Tin Mừng Luca và Gioan:

Luca Gioan Luca Gioan
7:36-50 12:1-8 22:39-53a 18:1-12
3:15-17 1:19-27 22:53b-71 18:13-27
5:1-11 21:1-14 23:1-25 18:29-19:16
19:37-40 12:12-19 23:25-26 19:17-42

Tuy nhiên, cả hai linh mục Brown lẫn Fitzmyer đều cho rằng không có gì gợi ý cho ta thấy Tin Mừng thứ tư biết tới Tin Mừng Luca. Dù truyền thống độc lập đứng đàng sau Tin Mừng Gioan có nhiều điều cũng tìm thấy trong nguồn đặc biệt mà Tin Mừng Luca dựa vào, nhưng các chi tiết thì không luôn diễn ra cùng một phương cách. Bởi thế, nhiều người đã cố gắng đi tìm nguồn đặc biệt cho Tin Mừng Luca. E.E. Ellis (21) thì cho đó là “nguồn tư riêng của tác giả tin mừng”. Đức Mẹ được nhiều người tin là thứ nguồn này của Thánh Luca, nhất là trong trình thuật tuổi thơ.

9. Giả thuyết Tin Mừng Luca nguyên khởi

Vì các khó khăn trong việc xác định nguồn đặc biệt cho Tin Mừng Luca, nên một số học giả đã đưa ra giả thuyết về một Tin Mừng Luca nguyên khởi (Proto-Luke). Theo giả thuyết này, trước nhất Thánh Luca phối hợp hai nguồn “Q” và “L” để tạo ra một tin mừng nguyên khởi, bắt đầu với đoạn 3:1. Sau đó, khi gặp Tin Mừng Máccô, ngài đã lồng nhiều khối tư liệu của tin mừng này vào Tin Mừng Luca nguyên khởi và đặt trình thuật tuổi thơ (1:5-2:53) lên đầu sau lời mở đầu (1:1-4).

Lý do chính khiến có chủ trương trên là: 1/đặc điểm riêng biệt của hai trình thuật tuổi thơ và phục sinh; 2/ việc gom các tư liệu Máccô vào 5 khối đã liệt kê ở các trang 10 và 11 trên đây; 3/việc hơn 30 phần trăm tư liệu Máccô không có trong Luca; 4/ các khác nhau đáng kể trong trình thuật khổ nạn của Máccô và Luca; và 5/ các sai trệch về ngôn từ của Luca so với Máccô trong một số song hành. Các học giả chủ trương giả thuyết này được linh mục Fitzmyer liệt kê trong tác phẩm đã dẫn. Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là một giả thuyết và giả thuyết này cũng đang gặp nhiều khó khăn (22) và vốn vượt quá nhu cầu tìm hiểu của chúng ta.
______________________________________________________________________________________________________________
Ghi Chú
(15) Xin xem chi tiết trong bảng liệt kê của Jos. A. Fitzmyer, đã dẫn, tr.77-79.
(16) M.J. Lagrange, Évangile selon St Luc, Paris, 1927.
(17) Đã dẫn, tr.83-84
(18) The Gospel according to John, I-XII, Anchor Bible 29, Garden City, NY, Doubleday, 1966, xlvi-xlvii.
(19) Đã dẫn, tr.88
(20) The Traditions Common to the Gospels of Luke and John, Novum Testamentum Supplements 7, Leiden, Brill, 1966.
(21) E.E. Ellis, The Gospel of Luke, London, 1966
(22) J.A. Fitzmyer, đã dẫn, tr. 90-91.