Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua: Giáo xứ VN Paris chầu Thánh Thể suy nghĩ về Chúa Giêsu Kitô Vua

Mỗi cuối tuần, trong hai ngày thứ bảy và Chúa Nhật, sinh hoạt của giáo xứ Việt Nam Paris thật là sầm uất. Thứ bảy, từ 14 đến 19 giờ, trên dưới 350 thiếu nhi Thánh thể sinh hoạt nhộn nhịp qua 4 hoạt động căn bản: học tiếng và văn hóa Việt, sinh hoạt đoàn thể xã hội, học giáo lý và dự thánh lễ chung với cha mẹ và giáo xứ. Ngày Chúa Nhật, từ 9 đến 18 giờ, không kể ba lễ 10 giờ, 11g30 và 17 giờ trong nhà nguyện, trên dưới mươi mười lăm hội đoàn, ban nhóm khác nhau trong giáo xứ sinh hoạt liên tục và thay phiên nhau, trong các phòng khác nhau : gặp gỡ trong thư viện, hay trong phòng bán sách báo, họp hay sinh hoạt trong phòng kế thư viện, gặp gỡ trong phòng xã hội, tập hát hay sinh hoạt nhóm nhỏ trong ba phòng cơm, chầu mình thánh nhóm nhỏ trong phòng các thánh tử đạo Việt nam, họp trong phòng mặc áo, sinh hoạt trong hội đường lớn, họp hay sinh hoạt nhóm trong 4 phòng họp nhỏ sát nhà nguyện.

Chúa Nhật 23.11.2014, tôi được may mắn tham dự ba sinh hoạt mục vụ : hát lễ 10 giờ trong một ca đoàn, chầu Thánh Thể chung với cộng đoàn giáo xứ từ 13g30 đến 14g30 tại nhà nguyện và sau cùng hội nhóm trong hội đường lớn, chia sẻ về cảm nghiệm “Mến Chúa Yêu người” theo bài phúc âm (Mt 25, 31-46) lễ Chúa Giê Su Kitô Vua, bổn mạng của một hội đoàn mục vụ. Ấy là, vì những hẹn khác, tôi đã phải bỏ ba việc là tập hát sau lễ trong ca đoàn hát lễ 10 giờ, tham dự thánh lễ bổn mạng 17 giờ tại nhà nguyện và tiệc Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua bổn mạng với hội đoàn mục vụ liên hệ trong hội đường lớn.

1. Mục vụ sầm uất với 14 trục sinh hoạt khác nhau, tại GXVN Paris

Xem qua như vậy, thì có lẽ ấn tượng đầu tiên mà mọi giáo hữu trong giáo xứ đều cảm nghiệm là sự sầm uất về sinh hoạt mục vụ. Mà đó là sự thực. Vì hiện nay, quan sát các sinh hoạt mục vụ, người ta nhận ra 46 đơn vị mục vụ khác nhau, thực hiện các sinh hoạt mục vụ xoay quanh 14 trục sinh hoạt chính :

1. Những sinh hoạt thiêng liêng giáo huấn : giáo lý, thánh kinh, thánh truyền, đức tin, giáo luật, tuyên xưng đức tin, hội học có mục tiêu truyền giáo,…. Được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau : bài học, kể truyện, bài khảo, diễn tuồng, diễn thuyết, diễn nguyện, bài báo, ca hát, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm…

2. Những sinh hoạt thiêng liêng thánh hoá qua bí tích, từ rửa tội, thêm sức, thánh thể, thống hối, xức dầu bệnh nhân, truyền chức, đến hôn phối. Được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau : học hỏi, cử hành, diễn tuồng, diễn thuyết, bài báo, ca hát, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm…

3. Những sinh hoạt thiêng liêng thánh hoá á phụng vụ và mộ đạo : giờ chầu thánh thể, kinh nguyện, cầu nguyện, cấm phòng, hành hương, thi hang đá Giáng Sinh, rước kiệu, ngày bệnh nhân, lộc Lời Chúa đầu năm, liên lạc, thăm viếng, truyền giáo, diễn nguyện thánh ca, hoạt cảnh Phục sinh, tuồng thương khó, bó hoa thiêng cho bệnh nhân mùa chay.

4. Những sinh hoạt thiêng liêng phúc âm hóa môi trường : rao giảng Lời Chúa, sống chứng nhân theo phúc âm trong những môi trường sống hằng ngày, như gia đình, sở làm, trường học, lối xóm, họ đạo.

5. Những sinh hoạt văn hoá tổng quát : báo chí của giáo xứ và của các đơn vị mục vụ, thuyết trình hội học ở mức giáo xứ và ở mức đơn vị địa phương hay ban nhóm, thư viện, mạng lưới tin học, sáng tác và dịch thuật, xuất bản và tu thư, các buổi văn nghệ ca nhạc kịch. Tìm học nơi người khác và giúp người khác học với mình.

6. Những sinh hoạt văn hóa giáo dục khởi đầu cho các lớp tuổi ấu nhi, thiếu nhi, giới trẻ ; về tổng quát, như giáo lý, tiếng việt, thánh lễ, sinh hoạt ; hoặc về chuyên biệt hay liên tục, như các lớp pháp văn, các lớp chuẩn bị hôn nhân, các lớp đàn tranh, các lớp ca trưởng, các ca đoàn,…

7. Những sinh hoạt văn hóa giáo dục liên tục trong các lãnh vực mục vụ khác nhau: khóa trình giáo dục liên tục tiếng Pháp; khóa trình giáo dục liên tục văn hóa Việt nam qua những thuyết trình văn hóa; khóa trình giáo dục liên tục về phụng vụ và thánh ca cho các ca đoàn, khóa trình giáo dục liên tục về gia đình và giáo dục cho các cặp vợ chồng trẻ, các cặp hôn nhân trưởng thành, các vị cao niên; giáo dục liên tục để huấn luyện cán bộ mục vụ trong các khóa học hay cấp phòng hằng năm của Hội đồng mục vụ, Ban Thường vụ, trưởng đơn vị mục vụ,…

8. Những sinh hoạt văn hóa phương pháp quản trị : xác định rõ rệt đường hướng Phúc Âm Kytô và 8 mối Phúc Thật, tìm ra những điểm chung : một dòng giống, một ngôn ngữ, một niềm tin, một hoàn cảnh ngoại kiều ; tìm hiểu những nguyên tắc quản trị tổng quát ISO 9000, và tổ chức mục vụ chung của Giáo Xứ là Hội Đồng Mục Vụ với văn bản Nội Quy Đơn Giản.

9. Những sinh hoạt xã hội tổng quát và vật chất : tiếp đón người việt tỵ nạn và giúp ổn định về công ăn việc làm, nhà ở ; cứu trợ Việt Nam trong các tai nạn chiến tranh, bệnh tật, lụt lội bão tố ; giúp các quĩ truyền giáo, các đại chủng viện, một số cơ quan giáo dục và xã hội của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ; các sinh hoạt xã hội truyền thống : tiếp và giúp đỡ các sinh viên mới từ Việt Nam qua, quán cơm, thăm viếng, chiến dịch giúp người nghèo mùa chay.. ; liên đới nghề nghiệp, hướng nghiệp, tư vấn luật pháp, tài chánh, gia đình, xã hội, sức khoẻ ; tìm kiếm và chỉnh trang cơ sở vật chất.

10. Những sinh hoạt Xã Hội Văn Hóa Việt Nam Công Giáo : các lễ hội dân tộc, các lễ hội Công Giáo, các lễ hội xã hội Pháp, các lễ hội giáo xứ.

11. Những sinh hoạt Xã hội Gia Đình : Khóa chuẩn bị Hôn Phối, Nhóm Gia Đình trẻ, Ngày Gia Đình Trẻ, Khánh nhật hôn nhân, Khánh nhật thượng thọ, lễ nghi cưới hỏi, tang chế, giỗ chạp, hội Tobia.

12. Những sinh hoạt xã hội quản trị cơ sở vật chất : vệ sinh và an toàn hàng ngày, bảo trì và chỉnh trang hàng tháng, hàng năm.

13. Những sinh hoạt xã hội quản trị tài chính : Sổ chi thu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm, kiểm kê hàng năm và mỗi 3 năm, đồng thời dự án năm tới và ba năm tới, tiền giúp Giáo Hội, nguồn tài trợ. Không ỷ lại, nhưng tìm nguồn tài chánh. Đi đến và Giữ độc lập tài chánh, tự quản, tự lo, và có thể giúp Giáo Hội Paris, Pháp, Giáo Hội Việt Nam,…

14. Những sinh hoạt mục vụ hội nhập Tổng Giáo Phận Paris : tổng kết và báo cáo mục vụ và tài chánh hàng năm, tham dự những buổi họp và sinh hoạt mục vụ liên hệ, tham dự chương trình mục vụ hàng năm và ba năm.

2. Chầu Thánh Thể thuộc nhóm mục vụ thiêng liêng á phụng vụ, hay được thực hiện, với 33 mẫu khác nhau

Chầu Thánh Thể chung với cộng đoàn, là một trong những sinh hoạt thiêng liêng rất hay được cộng đoàn giáo xứ và các hội đoàn mục vụ thực hiện. Cùng với những sinh hoạt thiêng liêng khác, không thuộc phạm vi bí tích, cũng không phải là sinh hoạt thiêng liêng giáo huấn thuần túy, như đọc kinh, lần hạt, ngắm đàng thánh giá, tuồng thương khó, cấm phòng, hành hương, rước kiệu, thăm viếng, diễn nguyện thánh ca, hoạt cảnh tử đạo, bó hoa thiêng, viếng hang đá,… giờ chầu thánh thể tạo thành một nhóm sinh hoạt gọi chung là những sinh hoạt thiêng liêng thánh hóa á phụng vụ và mộ đạo.

Chầu Thánh Thể là một hành động mục vụ hay được thực hiện. Thậm chí có những nhóm mục vụ coi việc chầu Thánh Thể là một sinh hoạt quan trọng của mình, và họ chầu Thánh Thể mỗi tháng ít là một lần. Đó là các nhóm huynh trưởng thiếu nhi Thánh thể, phụ huynh thiếu nhi Thánh Thể, nhóm trẻ, Hội các bà mẹ Công Giáo, nhiều tiểu đội Đạo Binh Đức Mẹ, các nhóm Phong trào Cursillo, nhóm Taxi, …Các nhóm này chầu Thánh Thể một cách tự phát. Ai có ý tưởng gì, thì tự cầu nguyện to tiếng để chia sẻ chung với anh chị em.

Ở mức độ giáo xứ, mỗi tháng ít nhất một lần chầu Thánh Thể, thường là vào Chúa Nhật thứ ba trong tháng. Vì đông người, giờ chầu Thánh Thể giáo xứ thường theo một mẫu đã được Ban Giám Đốc dọn sẵn. Bốn tập « GIỜ THÁNH » đã được ấn hành, qui tụ 33 mẫu khác nhau.

Giờ Thánh tập I gồm 7 mẫu:

1. Đền tạ Chúa Thánh Thể

2. Đền tạ Thánh Tâm

3. Cầu cho sự hiệp nhất

4. Sống mùa Vọng

5. Suy niệm kinh mân côi

6. Kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam

7. Cầu cho ơn gọi

Giờ Thánh tập II gồm 8 mẫu

8. Cầu cho quê hương

9. Cầu cho giới trẻ

10. Thánh hóa gia đình

11. Các bà mẹ Công Giáo

12. Cảm tạ Chúa sang tạo và quan phòng

13. Gẫm đường thánh giá

14. Ngắm đàng thánh giá

15. Bảy sự thương khó Đức Mẹ

Giờ Tháng tập III gốm 11 mẫu

16. Giáng Sinh an bình

17. Sống mùa chay

18. Hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thề

19. Một giờ với Chúa Giêsu Thánh Thể 1

20. Một giờ với Chúa Giêsu Thánh Thể 2

21. Chúa Giêsu Vua

22. Suy niệm mầu nhiệm ánh sang

23. Maria mẹ nguồn ơn phúc

24. Giờ cầu cho các đẳng

25. Cầu nguyện cho các đẳng

26. Suy gẫm đàng thánh giá

Giờ Thánh tập IV gồm 7 mẫu

27. Cầu cho bệnh nhân 1

28. Cầu cho bệnh nhân 2

29. Cầu cho gia đình và giới trẻ

30. Cầu cho các linh mục

31. Cầu cho sự sống

32. Suy tôn long thương xót của Thiên Chúa

33. Cầu nguyện cho giới trẻ theo sách huấn ca

3. Mỗi giờ chầu Thánh Thể là một giờ đọc lại và suy nghĩ về Lời Chúa, trước Thánh Thể

Chầu Thánh Thể là cầu nguyện trước Chúa Kitô, ẩn mình trong Mình Thánh. Bởi vậy, chầu Thánh Thể là một hành động á phụng vụ có sức giáo dục quan trọng về vai trò của Lời Chúa, của Phúc Âm, của Thánh Kinh trong đức tin. Chầu Thánh Thể vừa là một lời nguyện, mà cũng là một hành động học đạo, sống đạo, mộ đạo và truyền đạo.

Trong giờ chầu Thánh Thể về “CHÚA GIÊSU KITÔ VUA”, xen giữa những bài ca, kinh nguyện, ba tước hiệu vua Chúa Giêsu Kitô Vua đã được gợi ra từ thánh kinh, cựu ước và tân ước.

CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ VÀ MUÔN LOÀI

Đọc Thánh Vịnh 112; 116 :

Người sẽ được mệnh danh là Vua vũ trụ, muôn loài; Ngôi báu người bền vững thiên thu

Hỡi tôi tớ CHÚA, hãy dâng lời ca ngợi, Nào ca ngợi danh thánh CHÚA đi!

Chúc tụng danh thánh CHÚA, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời!

Ca ngợi danh thánh CHÚA, từ rạng đông tới lúc chiều tà!

CHÚA siêu việt trên hết mọi dân, vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm.

Ai sánh tày THƯỠNG ÐẾ Chúa ta, Ðấng ngự chốn cao vời, cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất?

Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc lên từ đống phân tro,

Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!

Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.

Đọc Thánh vịnh Tc Kh 4,11; 5,9,10,12

Đức Kitô nắm trọn uy thế, vinh dự và vương quyền,

Mọi dân nước, chi tộc và ngôn ngữ đều phụng sự Người đến thiên thu

Lậy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền

Lậy Chúa Kitô, Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách trời và mở ấn niêm phong.

Nghe Lời Chúa Ep 1,20-23

Anh em than mến, Thiên Chúa đã làm cho Ðức Kitô chỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Ðức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Ðức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Ðức Kitô, là sự viên mãn của Người, Ðấng làm cho tất cả được viên mãn.

Cầu nguyện chung

CHÚA GIÊSU KITÔ VUA HÒA BÌNH NHÂN ÁI

Nghe Lời Chúa Is 11, 1-10

Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Ðức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Ðức Chúa. Lòng kính sợ Ðức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà. Ðai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành. Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Ðức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển. Ðến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân. Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.

Đọc Thánh Thi lễ sang Chúa Giêsu Vua

Đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta, vì Người là Vua hòa bình, là vua toàn cõi địa cầu.

Chân dung của đấng toàn năng, hào quang tự chính hào quang khơi nguồn ;

Giêsu, lậy Chúa từ nhân, Tâu Vua vinh hiển, thần dân kính mừng….

Ôi Giêsu, Chúa hiển vinh, cùng ngôi Thánh Phụ, Thánh Linh muôn đời

Ngày nào đạt tới trước trời, ngàn thu hưởng phúc Vua tôi chẳng cùng.

Cầu nguyện chung

CHÚA GIÊSU KITÔ VUA UY QUYỀN VINH HIỂN

Đọc Thánh Thi, kinh chiều 2, Lễ Chúa Giêsu Vua

Muôn lạy Đức Kitô, đoàn tín hữu xưng tụng Ngài là Chúa Tể thời gian

Vua muôn dân trong khắp cả vũ hoàn, Ngài bá chủ muôn cõi long nhân thế

Trên thiên quốc, cả triều thần oai vệ, bái phục ngài và ca ngợi tán dương

Chúng con đây cũng cất tiếng reo mừng, hoan hô Chúa là Quân vương cao cả,…

Nghe Lời Chúa 1Cor, 15, 25-28

Thật vậy, Ðức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. (26) Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Ðức Kitô. Mà khi nói "muôn loài", thì dĩ nhiên không kể Ðấng đặt muôn loài dưới chân Ðức Kitô. Lúc muôn loài đã quy phục Ðức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Ðấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.

Đọc Thánh vịnh 144

Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu.

Ðời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa và truyền tụng những chiến công của Ngài, Tuyên bố Ngài oai phong vinh hiển, kể lại rằng: Ngài thực hiện những kỳ công,

Bảo cho nhau: sức mạnh Ngài đáng sợ, oan truyền rằng: Ngài cao cả lắm thay! Nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng, hoan hô Ngài công chính.

CHÚA là Ðấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Ðấng quyền năng,

Để nhân loại được tường những chiến công của Chúa, và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang. Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu, vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.

Cầu nguyện chung và kết thúc.

Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh và nguồn mạch của đời sống thiêng liêng. Chầu Thánh Thể là một hành động thiêng liêng á phụng vụ, thuộc « tu đức Thánh Thể », « tu đức Kitô », góp phần xây dựng « Dự án cuộc sống » của mỗi kytô hữu (Xin xem thêm « Văn kiện của Bộ Phụng Tự giải thích cho Tông thư về Năm Thánh Thể http://www.dongthanhthe.net/thanh-the/cac-mau-chau-thanh-the/356-thanh-th/kho-van-kien-thanh-the.html).

Chầu Thánh Thể, là dịp để kitô hữu lắng nghe Lời Chúa ; với tâm tình thống hối, hoán cải ; tưởng nhớ đến việc Chúa làm vào chiều trước ngày chịu thương khó và lời Ngài dặn « Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta » ; tưởng niệm về sự thương khó, cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô ; tưởng niệm đến việc hy tế của Ngài trên đồi Calvê ; bắt chước Ngài làm lễ, dâng lời « tạ ơn » ; ý thức lại sự hiện diện của Chúa Kitô trong Giáo Hội, trong giáo xứ, trong cộng đoàn ; nối kết, hiệp thông với mọi tín hữu trong Chúa Kitô và trong tình bác ái ; thưởng thức những giây phút thinh lặng mà an bình cầu nguyện, ca tụng, cảm tạ, xin ơn, kêu van, chia sẻ ; cảm nghiệm tâm tình tôn thờ, tôn phục và trung thành với Chúa ngự giữa chúng ta ; tham dự vào niềm vui kitô, một niềm vui khôn lường, vừa thần linh vừa nhân tính, vui lên với anh em, vui lên cùng Giáo Hội, vui lên trong Chúa Thánh Thể ; múc lấy sức mạnh thiêng liêng cần thiết để thực hiện sứ mạng truyền giáo mà Chúa Giêsu Kitô Vua đã trao phó.

Paris, ngày 23 tháng 11 năm 2014

Trần Văn Cảnh