Lễ Chúa Kitô Vua

XIN ĐƯỢC PHỤNG SỰ VUA GIÊSU

1. PHÚC ÂM (Mt 25, 31-46)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

"Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: 'Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta'.

"Khi ấy người lành đáp lại rằng: 'Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?' Vua đáp lại: 'Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta'.

"Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: 'Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!'

"Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: 'Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?' Khi ấy Người đáp lại: "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta'. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu".

II. CHIA SẺ

Trên bất kỳ Thánh Giá nào, ta cũng thấy có chữ INRI ngay phía trên đầu Chúa Giêsu. Đây là những chữ viết tắt của câu La tinh: “Iesus Nazareus, Rex Idaeorum”, nghĩa là Giêsu Nazaret, Vua dân Do Thái. Vậy tước hiệu Giêsu Vua mà Giáo Hội hôm nay mừng kính có phải là tước hiệu Giêsu, Vua dân Do Thái như trên Thánh Giá không? Thưa không. Dẫu theo lệ thường khi nói đến vua là người ta liên hệ đến một nước nào đó. Nhưng với Chúa Giêsu thì khác. Ngài không phải là vua của một nước nào, hay dân tộc nào, mà là vua toàn thể vũ trụ, vua của mọi dân nước, và trên hết Ngài là vua của mọi tâm hồn.

Tin Mừng hôm nay mô tả Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ đến lần thứ hai như với phong thái nào và mục đích nào? Có khác với lần thứ nhất không?

Khác rất nhiều. (1) Lần thứ nhất, Ngài đến trong đơn sơ thầm lặng; lần thứ hai, Ngài đến trong huy hoàng vinh quang. (2) Lần thứ nhất, ngài chỉ đến một mình trong hình hài một trẻ thơ bé bỏng; lần thứ hai có tất cả các thiên sứ tháp tùng để hầu cận Ngài. (3) Lần thứ nhất, Ngài đến trong hang đáng bò lừa ẩm thấp; lần thứ hai, Ngài đến ngự trên ngai uy linh vinh hiển. (4) Lần thứ nhất, Ngài chỉ đến với một số người Do Thái; lần thứ hai, Ngài đến trước toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ, giai cấp. (5) Lần thứ nhất, Ngài đến là để thực hiện chương trình cứu độ mà Chúa Cha trao phó; còn lần thứ hai, Ngài đến là để làm gì? Đến để phán xét, để định đoạt số phận của mọi người, mà theo cách nói của Kinh Thánh là để “tách biệt chiên với dê”.

Tại sao là chiên với dê? Chiên với dê là hình ảnh hoàn toàn mang tính biểu tượng. Chiên là loài vật có giá trị, bộ lông mầu trắng của chúng tượng trưng cho sự tinh tuyền, công chính; còn dê, trái lại, tượng trưng cho sự bất chính, không tinh tuyền. Chiên bên nào? Dê bên nào? Chiên bên phải, dê bên trái. Bên trái, bên phải cũng mang tính biểu tượng. Theo quan niệm của người Do Thái, nếu tay phải tượng trưng cho quyền uy, thế lực và giàu sang, thì tay trái tượng trưng cho những gì xấu xa, tội lỗi và hèn nhát.

Vua Giêsu Kitô dựa vào tiêu chuẩn nào để phân biệt chiên với dê? Tiêu chuẩn rất đơn giản, đó là Tình Yêu Thương. Tình yêu thương mà họ đã làm với anh chị em mình chính là tiêu chuẩn để phán xét ai là “chiên đáng yêu” và ai là “dê đáng ghét”.

Điều này khiến cho những người bên tả và cả những người bên hữu đều ngỡ ngàng. Bởi chưng, Vua Giêsu ấy đã không dựa vào tiêu chuẩn họ là ai, con ông nào bà nào trong giáo phận, làm nghề gì (bán hũ tiếu gõ, hay giám đốc “sọoc” này “soọc” kia), địa vị ra sao, quốc tịch ở đâu (Việt Nam, Mỹ, hay Campuchia,…), v.v... mà Ngài chỉ dựa vào đức bác ái yêu thương mà họ đã thực thi đối với anh chị em của mình, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ bất hạnh.

Càng ngỡ ngàng hơn nữa, khi Đức Vua ấy còn tự đồng hoá mình với những kẻ bé mọn. Và vì thế, khi họ làm những việc lành phúc đức cho những người bé nhỏ mọn hèn là họ đang làm cho chính Ngài: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Ngược lại khi họ từ chối, không làm cho những người bé mọn là họ đã từ chối, là không làm cho chính Ngài.

Vậy thì, ta muốn mình là chiên hay là dê trong ngày phán xét? Ta muốn mình được xếp vào bên trái hay bên phải Thiên Vương?

Chắc hẳn ai cũng muốn mình là “chiên”; không ai muốn mình là “dê” cả. Không ai muốn là dê ông, dê bà, dê anh, dê em, dê cháu… Ai cũng muốn mình được xếp bên phải, không ai muốn mình bị xếp bên trái. Thế nhưng thực tế, lối sống của nhiều người trong chúng ta vẫn là lối sống của những người thuộc họ hàng nhà dê, mà là dê xồm nữa, thì làm sao xếp vào hàng ngũ của chiên được. Lối sống của “dê”, là lối sống ích kỷ hẹp hòi đối với bạn bè, người thân Lối sống của dê là lối sống ma mãnh, chanh chua và lọc lừa đối với bà con lối xóm. Lối sống của dê là lối sống trộm cắp, tham lam và gian tà đối với tha nhân, đối với đồng loại.

Muốn mình là chiên thì phải sống công bình bác ái yêu thương; muốn là chiên thì phải sống hiền hoà ngay thẳng thật thà đối với mọi người; muốn là chiên thì phải quảng đại giúp đỡ tha nhân, nhất là những người nghèo hèn bệnh tật, bất hạnh, khổ đau...

Hãy nhớ rằng khi ta làm những việc tốt việc lành cho anh chị em đồng loại là ta đang làm cho chính Vua Giêsu đấy. Đây là một niềm vinh hạnh mà Chúa ban cho ta, song nhiều lúc ta không nhận ra, hoặc nhận ra, nhưng mà quên mất.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta, luôn biết nhận ra Chúa hiện thân nơi tha nhân, để khi làm bất cứ việc gì cho người khác là chúng ta ý thức mình đang làm cho chính Chúa. Và khi ý thức là ta đang làm cho chính Chúa, thì ta mới làm hết mình và làm với trọn cả tình yêu thương. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long