VATICAN (CNS) – Trong những ngày kỷ niệm đệ bách chu niên của Thế Chiến thứ Nhất năm nay, việc Đức Thánh Cha Benedict XV, được bầu lên 100 năm trước đây vào ngày 3 tháng 9, là một biến cố được chú ý nhiều nhất.

Đức Thánh Cha Benedict XV là người âm thầm nhất trong số chín giáo hoàng đã lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ vừa qua – tiêu đề của tiểu sử của ngài do sử gia John F. Pollard viết là "Vị Giáo Hoàng không được biết đến " – và dường như, nhận xét này đã chính xác. Nhiệm kỳ bẩy năm rưỡi của ngài tương đối ngắn, và so với nỗ lực quan trọng nhất của ngài thì không thành công chút nào.

Tuy nhiên Đức Thánh Cha Benedict XV đã để lại một di sản quý giá cho triều đại giáo hoàng và toàn thể Giáo Hội trong lãnh vực quan trọng của việc giảng dậy và thực hành về chiến tranh và hòa bình.

Hồng Y Giacomo della Chiesa ở Bologna, Ý, được bầu lên sau khi thế chiến thứ Nhất bùng nổ chưa được 6 tuần – và ngài đã tức thời hoạt động để chống lại chiến tranh này. Nỗ lực của ngài đạt đến cao điểm với diễn từ của ngài về Hòa Bình năm 1917, trong đó ngài yêu cầu tất cả các phe tham chiến hãy ngưng chiến để cho một tổ chức quốc tế có thể làm trung gian hòa giải các tranh chấp của họ.

Tất cả nỗ lực của ngài không đi tới đâu, một phần vì chính sách ngoại giao của Tòa Thánh quá yếu ngay từ nửa thế kỷ trước đó.

Sử gia Pollard viết: "Vào năm 1914 Vatican chỉ có bang giao với hai cường quốc: một là Áo - Hung Gia Lợi; và hai là Đế Quốc Nga, tuy nhiên các mối bang giao này không tốt đẹp gì.”

Tổng Thống Mỹ Woodrow Wilson, người đưa quốc gia này vào cuộc chiến năm 1917, không hưởng ứng cố gắng can thiệp của Đức Thánh Cha Benedict XV. Ngay cả các giám mục thuộc hai phe cũng đều đặt tình yêu nước lên trên sự trung thành với giáo hoàng và mặc nhiên công khai chống đối lời kêu gọi hòa bình của ngài.

Sau khi chiến tranh chấm dứt vào tháng 11 năm 1918, phe thắng lợi đã không cho Vatican tham dự hội nghị hòa bình tại Paris. Đức Thánh Cha Benedict XV cương quyết chống đối hành động trừng phạt của Đức, điều mà Adolf Hitler sau này đã khai thác để nổi lên nắm chính quyền.

Đức Thánh Cha Benedict XV thành công hơn trong việc tổ chức các vụ trao đổi tù nhân và cứu trợ các dân tị nạn và những thường dân là nạn nhân trong cuộc chiến.

Ngài cũng để lại sau lưng một cơ cấu ngoại giao được tăng cường cho Tòa Thánh.

Ông Pollard viết: "Khi Đức Thánh Cha Benedict XV qua đời năm 1922, Vatican đã có bang giao với gần hết các cường quốc, kể cả Đức, ngoại trừ Hoa Kỳ và Nga.

Ngày nay, Tòa Thánh, có bang giao toàn vẹn với 180 quốc gia.

Tuy nhiên, sự đóng góp quan trọng nhất của Đức Thánh Cha Benedict XV là phương thức ngài tiếp cận vấn đề chiến tranh xưa cổ.

Khi lên án thế chiến nói chung và không đứng về phe nào, Đức Thánh Cha Benedict XV đã không suy luận theo giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về các chiến tranh công chính và không công chính. Khi có các quốc gia Công Giáo thuộc cả hai phe tham chiến, và Vatican không có quyền về lãnh thổ và có một lợi ích gì về chiến lược, Đức Thánh Cha Benedict XV được tự do chống đối sự bạo tàn của chiến tranh.

Ngài đã thấy là kỹ thuật tối tân – nhất là sự tân kỳ của việc oanh tạc từ trên không – đã khiến cho việc suy tính về luân lý theo truyền thống và sự phân biệt giữa các chiến binh và thường dân ngày càng trở nên vô nghĩa.

Ảnh hưởng của Đức Thánh Cha Benedict XV đối với người kế vị là Đức Thánh Cha Pius XII rất rõ rệt, khi vị này dùng ngoại giao để trì hoãn Thế Chiến thứ Hai; và đối với Thánh Gioan XXIII khi vị này kêu gọi phải ngăn cấm các vũ khí nguyên tử; và đối với Đức Thánh Cha Paul VI khi vị này kêu gọi “hết chết chiến tranh, không bao giờ còn chiến tranh nữa" trong một diễn từ tại Liên Hiệp Quốc; và với Thánh Gioan Phaolô II trong buổi cầu nguyện liên tôn cho hòa bình tại Assisi.

Sau khi Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm giáo hoàng năm 2005, Ngài nói đã chọn tên mình là Benedict để tuyên dương vị giáo hoàng thời chiến tiền nhiệm, "vị tiên tri can đảm đã hướng dẫn Giáo Hội qua thời kỳ hỗn loạn của chiến tranh. Theo chân ngài, tôi xin đặt sứ vụ của tôi vào việc phục vụ cho sự hòa giải và hòa điệu giữa các dân nước."

Vào trung tuần tháng Tám, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng giáo huấn truyền thống của Giáo Hội Công Giáo về việc dùng vũ lực có thể được chấp nhận để ngăn chặn những “quân xâm lược bất chính” như quân khủng bố thuộc Bang Hồi Giáo tại Iraq. Nhưng ngài cũng ghi nhận là các quyết định về sự can thiệp như vậy cần được Liên Hiệp Quốc thi hành.

Các nỗ lực để chấm dứt hay ngăn chặn chiến tranh của Đức Thánh Cha Phanxicô gồm có đêm canh thức cầu nguyện cho hòa bình tại Syria trong quảng trường Thánh Phêrô quy tụ được 100.000 người và một buổi cầu nguyện chung với hai tổng thống Do Thái và Paletin trong Công Viên Vatican – ngài cũng nói trong một hội nghị các nhà ngoại giao quôc tế vào đầu năm nay rằng Đức Thánh Cha Benedict XV đã trình bầy cho các lãnh đạo thế giới “con đường vương giả” của “ngoại giao và đối thoại."

Di sản này là một tấm gương, cho dù trong thực tại của chính trị quốc tế, việc lượng giá về ảnh hưởng và sự thành công của các biện pháp của một giáo hoàng không được đo bằng năm tháng mà bằng nhiều thế kỷ.