Lễ an táng anh Anphongsô Phạm Văn Hiệp, một cộng sự viên của Vietcatholic va Dân Chúa Úc Châu 2/5/2014

Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long, Giám mục phụ tá Melbourne chủ tế và linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, chính xứ và chủ nhiệm Dân Chúa Úc Châu chia sẻ giảng lễ tại nhà thờ St Margaret Mary’s Brunswick.

Trước một cộng đoàn đông đảo có tới 500 người tham dự, kính cẩn và thương tiếc cho người ra đi và ủi an người ở lại. Sau đây là bài giảng của lễ an táng:

Đức Cha Vincent Long chủ tế và 6 linh mục đồng tế lễ an táng
Đức Cha Vincent Long rảy nước Thánh quanh quan tài


SỰ HIỆN DIỆN CỦA THÀY GIÊSU

Bài giảng lễ an táng anh Anphongsô Phạm Văn Hiệp

Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb

Có lẽ rất nhiều lần chúng ta đã nghe bài phúc âm Chúa phục sinh Lazarô, nhưng điều chung tôi muốn chia sẻ trong thánh lễ an táng Anphonsô Phạm Văn Hiệp hôm nay là câu nói của Martha và Maria: ”Thưa Thầy, nếu Thày có mặt ở đây em con đã không chết?”

Câu hỏi này anh Hiệp cũng như chị Hạnh dù chưa phải là người Kitô hữu bằng danh nghĩa nhưng bằng trái tim chị đã là người Kitô hữu từ khi kết hôn với anh Hiệp năm 1981 tại Biên Hòa Việt Nam. Anh chị đã tự hỏi Chúa Giêsu nhiều lần, đặc biệt khi người con gái duy nhất cua anh chi là Huy Hoàng tất tưởi ra đi trong một tai nạn bi thương lúc đang trên đường về từ một công tác tông đồ “tổ chức trại hè” cho nhóm trẻ của St Vincent de Paul Melbourne! Rồi trong thời gian anh Hiệp đối diện với cơn bệnh hiểm nghèo, chắc nhiều lần anh đã tự hỏi Chúa và ba tuần trước đây khi ông cụ Giuse Phạm Văn Lạc, ba anh qua đời: “Tại sao ba con chết? Tại sao lại là con mang chứng bệnh trầm kha này?” và hôm nay chị Hạnh có quyền thân thưa với Chúa: “Nếu Thày có mặt ở đây thì chồng con đã không chết?” Hoặc bà má và các anh chị cũng có thể thân thưa với Chúa Giêsu và hờn dỗi Ngài như Marta và Maria “Nếu Thày có mặt ở đây thì em con đã không chết!”

Là người con của Chúa chúng ta xác tín và tin chắc lúc nào Chúa chẳng có mặt trong cuộc đời chúng ta, thế tại sao đau khổ và chết chóc vẫn triền miên xảy ra! Hình như Chúa vắng bóng? Tại sao Ngài im lặng? Thật là nhiệm mầu khó hiểu…

Tuy vậy dù đời ta có khổ đau chất chồng thế nào đi nữa, chúng ta vẫn thấy Chúa hiện diện đỡ nâng và gần gũi với chúng ta, vì chính Ngài đã trải qua mọi khổ đau cùng cực nhất của phận người và chết tất tưởi Thập gía để có thể nói: “Thày yêu chúng con”. Như Marta và Maria, chúng ta cũng hy vọng thưa lại với Chúa ”Con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy” và ”Con biết, em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. Nhờ đó, Chúa Giêsu đã mặc khải một chân lý: ”Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin không?”

Câu hỏi ấy Chúa hỏi chị Marta 2000 năm trước. Hôm nay giờ này, cũng là câu hỏi ấy, Chúa đang hỏi mỗi người chúng ta, đặc biệt hỏi chị Hạnh. Chúng ta có dám phó thác trả lời như Marta: ”Thưa Thầy, có. Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian” không?

Nói về Chúa thì cũng nên nói về Phật. Trong đời sống của Đức Phật, người ta có kể lại mẩu chuyện: Một hôm Đức Phật đang ngồi với các môn đệ, bỗng có một vị thần hiện đến và bảo:

- Người còn muốn sống đến bao lâu nữa? Hãy xin một ngàn năm và một ngàn năm sẽ ban cho ngươi.

Đức Phật trả lời một cách ngượng nghịu:

-Tôi chỉ xin 8 năm nữa thôi.

Khi vị thần ấy biến đi rồi, các môn đệ buồn rầu trách Đức Phật:

-Thưa thày, sao thày không xin cho sống thêm một ngàn năm nữa? Thày thử nghĩ xem, thày sẽ giúp ích cho biết bao thế hệ nữa.

Đức Phật mỉm cười trả lời:

-Nếu ta sống thêm một ngàn năm nữa, thì ta sẽ chỉ lo lắng đến việc kéo dài đời sống mình hơn là đi tìm sự khôn ngoan của cuộc sống.

Vậy làm thế nào để tìm được sự khôn ngoan của cuộc sống và chiếm hữu được sự sống trường sinh?

Ai trong chúng ta đã chẳng một lần nghe nói và chứng kiến sự chết? Có điều là người ta thường không thích nghĩ về cái chết.

Nhiều người cho rằng không nói, không bàn về cái chết, thì nó sẽ không xảy ra! Chẳng hạn như nhà tỷ phú Mỹ William Randoph Hearst, chủ nhân của nhiều tờ báo và phim trường ở Holywood trước thế chiến thứ hai, đã cấm các nhân viên của mình nhắc đến từ ngữ "chết" trước mặt ông. Những ai lỡ miệng nói ra thì bị đuổi việc. Ông thông minh, tài giỏi, thành công, nhưng lại không dám đối diện với sự thật phũ phàng đó! Rồi cuối cùng Hearst cũng chết, để lại một toà lâu đài rộng lớn, bây giờ trở thành một điểm du lịch nổi tiếng ở California.

Ngược lại, người Việt cha ông ta thời xưa cũng như nay có thói quen lo hậu sự cho chính mình. Cha ông mình thường nhắc "sinh ký tử quy", sống gửi thác về. Nên khi còn sống đã sắm sẵn một cỗ quan tài, huyệt mộ đủ thứ. Ngày nay có người còn đi mua huyệt đầu tư nữa! Anh Hiệp trong thời gian mang bệnh đã không sợ nói về sự chết… Dù anh và tất cả chúng ta đều tha thiết xin Chúa chữa lành… Khi bác sĩ đưa anh lên lầu 8 nằm cùng cái phòng mà 3 tuần trước ba anh đã nằm và đã yên bình ra đi… Anh cười nói: “Có lẽ bác sĩ đưa lầm mình vào đây… Mình còn ăn uống được, đi đứng được…” Rồi anh tự trấn an tuần tới bác sĩ mới họp lại để trị bệnh anh ra sao? Dù đau đớn không đi quay phim được thì nằm trên giường với cái note book anh đã cắt ráp phim chị Hạnh thâu “Đàng Thánh Gía” đưa về. Anh nói với tôi: “Con ráng làm cho xong để cha đưa lên net…”

Chết là gì? Chết rồi đi về đâu?

Chết là chấm tận cuộc sống. Thánh Phaolô cho “Chết là cánh cửa im lìm chúng ta cần bước qua để vào cõi vĩnh hằng”. Sự chết là bài học giúp chúng ta sống tròn đây yêu thương, tha thứ cảm thông với mọi người. Đó là trường dậy ta sống trọn vẹn tin yêu hy vọng vào Chúa và vào Giáo Hội, đem lại cho chúng ta sự sống đời đời như Đức Kitô đã hứa.

Đối với những kẻ không tin thì chết là hết! Là cái chung cuộc chẳng ai muốn đi tới. Nếu thế thì cái chết đáng sợ lắm, vì nó chấm dứt và xé tung tất cả những ước mơ, những vun góp của đời ta. Cát bụi trở về bụi cát, không còn gì để đi tiếp.

Trái lại trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng chết không phải là hết. Nó chỉ là khởi đầu của một hành trình đi vào cõi thiên thu. Sau cái chết, tôi sẽ đi gặp gỡ Đấng Tạo Hoá, và tính sổ cuộc đời mình. Cùng đích của cuộc đời là được sống mãi với Thiên Chúa. Nếu tôi đã sống trong ân nghĩa của Ngài, thì chuyến đi cũng giống như trở về nhà của mình. Sinh ký tử quy, tôi trở về nhà để sống với Thiên Chúa, Đấng dựng nên tôi. Danh từ bình dân gọi là “Nước Thiên Đàng”, nơi không còn nước mắt, chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn.

Dầu vậy trong chuyến đi này, chúng ta cần được thanh luyện, như vàng thử lửa, vì trong cuộc sống, ít nhiều có lần chúng ta đã không sống trong ân sủng của Ngài, chúng ta đã để những quyến luyến danh vọng chức quyền trần thế chiếm ngự trái tim ta, đóng những lớp bụi trần trên con người thật của ta. Chúng ta sinh đến trong đời với hai bàn tay trắng, và khi ra đi chúng ta cũng chẳng mang gì theo được ngoại trừ công phúc và lỗi lầm.

Hai ngày trước đại lễ lòng Chúa thương xót, chúng tôi vào thăm anh, anh còn nói với chúng tôi “con đau lắm nhưng con ráng xin bác sĩ cho về dự lễ Lòng Chúa thương xót!” Thế nhưng 4.30 sáng ngày 27/4 chị Hạnh điện thoại cho chúng tôi nói “anh con yếu lắm mời cha vào xức dầu cho anh con”. Thông thường các linh mục ít ai chịu đi xức dầu vào các giờ giấc thế này… Đang ngon giấc, thế mà chúng tôi chẳng hỏi han gì có gấp hay không? Để sáng mai được không? Chúng tôi đã trả lời ngắn gọn “cha sẽ tới ngay!”.

Chúng tôi đã tới ban bí tích xức dầu và bí tích hòa giải ân xá mà Giáo Hội ban cho linh mục quyền ban cho người đã hôn mê bất tỉnh… Lúc tới anh còn có thể nhận ra chúng tôi và nhấp miệng lời cám ơn… Chúng tôi đã chợt nghĩ “anh chọn ngày đại lễ hôm nay để về với Đấng anh tin yêu và truyền bá…” Tự kinh nghiệm thì chúng tôi nghĩ anh chưa ra đi được! Dù hơi tàn nhưng sắc diện anh vẫn còn tươi tỉnh. Ấy vậy mà chưa đầy ba tiếng sau chúng tôi nghe tin anh đã vĩnh viễn ra đi… làm chúng tôi bàng hoàng… nhưng chúng tôi tạ ơn Chúa là chúng tôi đã tới với anh không chần chừ đắn đo…

Biết Chết Để Biết Sống

Anh đã chấp nhận và sửa soạn ra đi nên trong những ngày cuối nằm tại căn phòng định mệnh, anh luôn tươi cười cám ơn bạn bè tới thăm viếng cầu kinh hoặc nhắn nhủ cháu này cháu kia phải cố gắng này nọ… Ai mà chẳng phải chết, nhưng liệu chúng ta có thể ra đi trong thanh thản an bình, hay ra đi trong sợ hãi, dằn vặt, tiếc nuối! Phải chăng những người dám đối diện với cái chết thì biết cách sống hơn? Có lẽ muốn sống tốt hơn, phải hiểu cái chết. Chúng ta hãy đừng để quá muộn, vì có những điều muốn sửa lại cũng chẳng được, vì sẽ chẳng còn thời gian.

Lạy Chúa,

Đứng trước cái chết, con cũng run sợ như ai

Vì con chưa thấy sẵn sàng để gặp Chúa.

Cả cuộc đời con, con đã lo toan rất nhiều,

Nhưng điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy

Thì con lại chưa làm gì cả.

Con thật dại khờ khi nghĩ rằng con sẽ có đủ thời gian,

Con sẽ làm được điều đó bất cứ lúc nào con muốn.

Nhưng sự thật là con chưa bao giờ tự làm chủ được sự sống của mình

Làm sao con lại dám cho mình cái quyền làm chủ được sự chết?

Ngày nào đó con đến trước mặt Chúa

Không biết Chúa có nhận ra con hay không,

Hay là Chúa bảo "đi cho khuất mắt Ta, hỡi phường gian ác"

Lạy Chúa là Chúa Tạo Vật,

Con xin Chúa sự khôn ngoan

Để sống trọn vẹn giây phút hiện tại

Trong ân nghĩa của Chúa

Để rồi ngày nào đó con đi gặp Chúa,

Sẽ không như hai người xa lạ

Nhưng là hai người rất thân quen.

Lúc đó, Chúa sẽ gọi con bằng tên rất trìu mến

Và giang đôi tay đón con vào lòng.

Niềm tin và hi vọng Kitô giáo về sự chết đã được Phụng vụ diễn tả như sau: Đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan thì có chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời. Mỗi lần đọc kinh Kính mừng chúng ta vẫn thường xin Mẹ: " Cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử". Hãy nhớ mãi lời nhắn nhủ của cha Charles de Foucault: “Hãy sống ngày hôm nay như con sắp ra pháp trường tử đạo"

Để kết thúc bài chia sẻ, chúng tôi xin mượn lời cuea Linh mục Michael Quang Nguyễn Trung Tây đã tâm sự: Sáng Chúa Nhật 27/4 vừa qua, tôi nhận được tin anh Phạm Văn Hiệp nhắm mắt lại ngủ say giấc ngủ thiên đàng. 27/4, ngày Đại Lễ Lòng Thương Xót Chúa cũng đúng ngày Giáo Hội có thêm hai vị thánh, Gioan XXIII và Gioan Phaolô II. Tôi bồi hồi khi nhận được tin, dù biết rằng chuyện sẽ đến rồi cũng đã đến. Như vậy là trong khoảng một thời gian thật ngắn, anh Hiệp và thân phụ, cả hai xác gửi cõi trần, hồn nhẹ bay cao.

Nhớ tới anh Hiệp, tôi vẫn nhớ một người bạn chưa bao giờ làm tôi phiền hà dù chỉ là một lời nói, một cộng sự viên đắc lực nhiệt thành của Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu. Nhớ tới anh Hiệp, tôi vẫn nhớ tới người có nụ cười tươi, nụ cười dễ bật trên môi. Khi anh Hiệp cười, với tôi, dù đang không vui trong lòng, tâm tôi rộn rã.

Thôi nhé anh Anphongsô Phạm Văn Hiệp, ngủ yên giấc ngủ của tuổi trung niên, ngủ yên giấc ngủ thiên đàng. Ở cõi thiên, anh mỉm cười, và cười tươi mãi. Ở trên cõi thiên, gặp lại cháu Julia Huy Hoàng và người cha thân yêu của anh, xin anh nguyện cầu cho chị, cho mẹ và các em các cháu của anh. Xin anh cũng nhớ chúng tôi nữa.