Công trình đi vào lịch sử của Đức Gioan XXIII lẽ dĩ nhiên là Công Đồng Vatican II, một công đồng đưa Giáo Hội Công Giáo can đảm bước vào trần gian vừa như người đồng hành vừa như người dẫn đạo, đúng hơn như người dẫn đạo bằng cách đồng hành với trần gian.

Tuy nhiên, đóng góp cá nhân đáng để ý của ngài cho trần gian phải kể tới thông điệp “Hòa Bình Trên Thế Giới” (Pacem in terris), một thông điệp gửi tới toàn thể nhân loại như di chúc của một vĩ nhân trước khi đi vào miền vĩnh hằng. Thực vậy, thông điệp được ban hành ngày 11 tháng Tư, 1963, chưa đầy hai tháng trước lúc ngài lâm chung vào ngày 3 tháng Sáu, 1963.

Linh mục John Courtney S.J., một thần học gia chuyên nghiên cứu về mối liên hệ giữa chính trị và tôn giáo, người đóng góp lớn lao cho tuyên ngôn tự do tôn giáo của Vatican II, rất chú ý tới thông điệp Pacem in terris này. Trong số các điểm được linh mục Murray chú ý là lý thuyết pháp chế của Đức Gioan XXIII cũng như việc ngài thêm “tự do” vào danh sách các sức mạnh cần thiết đối với một xã hội trọng luân (các sức mạnh khác là chân lý, công bằng và tình yêu). Tuy nhiên, trong bài báo “Things Old and New in ‘Pacem in terris’” (America 107, April 27, 1963: 612–14), linh mục Murray nhấn mạnh tới gợi ý của Đức Gioan XXIII cho rằng người ta phải phân biệt giữa loại triết học mới được đưa ra nhằm phản lại đạo đức và các sức mạnh luân lý có giá trị vốn đang thúc đẩy các phong trào xã hội hiện đại.

Theo linh mục Murray, muốn giải thích thỏa đáng thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới, người ta phải đợi một cuộc nghiên cứu lâu dài, vì tầm với của lời lẽ Đức Gioan hết sức sâu rộng. Thành thử, các điểm sau đây của linh mục Murray chỉ là những nhận định sơ khởi về một số điểm nổi bật của thông điệp nhằm nói lên phẩm tính trong tư duy và trong các dấu nhấn của Đức Gioan XXIII.

Đầu tiên, Đức Gioan cho thấy một điển hình sáng chói về điều chính ngài gọi là aggiornamento (cập nhật hóa). Ngài định vị mình trọn vẹn trong năm 1963. Không một vết tích tiếc nuối, thở than đối với diễn trình lịch sử quá khứ cũng như đối với tình huống hiện nay do lịch sử tạo nên cho thế giới. Đức Gioan XXIII đối diện với mọi sự kiện thay đổi về chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa vốn là sản phẩm của thời hiện đại. Một cách đại độ và không hề miễn cưỡng, ngài chấp nhận các yếu tố ấy trong cuộc tiến hóa của lịch sử, một cuộc tiến hóa ta có thể nhìn nhận bằng cách áp dụng các nguyên tắc truyền thống, coi chúng như các qui phạm biện phân.

Sau đó, Đức Gioan nói tới thời hậu hiện đại, một thời đại mới của lịch sử chưa hề được đặt tên nhưng quả đang hiện diện hết sức rõ ràng với chúng ta. Ý thức sắc bén của ngài đối với các nhu cầu căn bản của thời đại mới hiển hiện rõ trong từ ngữ được ngài lặp đi lặp lại nhiều lần trong thông điệp và là từ ngữ tạo chủ đề nền tảng cho thông điệp. Từ ngữ đó chính là “trật tự”. Hình như đây là vấn đề hết sức đương đại. Diễn trình đặt trật tự và tổ chức thế giới vào lúc này đang dấn bước. Vấn đề không phải là liệu ta có cần có trật tự trên thế giới hay không; tình thế hỗn loạn khắp nơi trên thế giới vào lúc này đã trở nên hết chịu đựng nổi và vì thế mọi dân tộc trên thế giới đều hết sức cần tới trật tự. Do đó, vấn đề ở đây là thế giới sẽ được đặt trật tự trên những nguyên tắc gì.

Đối với vị Giám Mục Rôma, nguyên tắc căn bản cũng đã có lâu đời như Platông. Đối với triết gia này, xã hội là “con người mở rộng”. “Con người” mà Đức Gioan XXIII đặt làm căn bản và trung tâm của trật tự thế giới nhân bản không phải là bản chất nhân loại trừu tượng vốn được trình bày trong các sách giáo khoa đạo đức ngày xưa. “Con người” của ngài là con người của hôm nay, nghĩa là, con người nhân bản mà trên bản chất có cấu trúc của họ, lịch sử cũng đã để lại dấu ấn. Dấu nhấn có tính nhân vị thuyết mạnh mẽ của Đức Gioan XXIII này nên làm ta hết sợ hãi và nhận được thiện cảm của tất cả những ai biết nhận chân giá trị của “luật tự nhiên”.

Khi bàn tới vấn đề trật tự chính trị, Đức Gioan XXIII đại diện cho một khai triển truyền thống. Ngài bỏ qua ý niệm xã hội nhà nước (society-state) chủ yếu có tính đạo đức học, một ý niệm rất đặc trưng của Đức Lêô XIII. Ngài tiếp nhận ý niệm có tính pháp chế hơn về nhà nước vốn là đặc trưng của Đức Piô XII, và ngài khai triển sâu rộng hơn nữa ý niệm này. Thí dụ, ngài chấp nhận rõ ràng sự phân biệt dường như đã không có từ thời Đức Lêô XIII, tức sự phân biệt giữa xã hội và nhà nước. Quan niệm tổng quát của ngài về lý tưởng chính trị, xét trong nền tảng, là quan niệm của Thánh Tôma: “con người tự do dưới một chính phủ hạn chế”. Với một dấu nhấn cương quyết, Đức Gioan tuyên bố ba nguyên tắc tạo nên lý tưởng này. Nguyên tắc thứ nhất: xã hội phải đem lại cho con người “một lãnh vực tự do”. Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc xưa của thuyết hiến pháp (constitutionalism): nhà nước đặt nền móng trên luật hiến pháp, qua đó, các quyền của chính phủ bị giới hạn. Ngay như quan niệm hiện đại về hiến pháp thành văn cũng được Đức Gioan ủng hộ; đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một sự ủng hộ như thế của một vị giáo hoàng. Nguyên tắc thứ ba là nguyên tắc người dân tham dự vào việc quản trị công cộng. Dù nguyên tắc này bắt rễ sâu xa trong truyền thống chính trị tự do và Kitô Giáo của Tây Phương, việc thông điệp này mạnh mẽ nhấn mạnh tới nó là một điều mới mẻ đáng hoan nghênh.

Trong lời lẽ của Đức Gioan XXIII, ta có thể nghe thấy tiếng vọng đương đại của John thành Salisbury và câu định nghĩa bao quát của ông về chức năng của một ông hoàng. Đó là “tranh đấu cho công lý và tự do của dân”. Chỉ có điều ở đây không phải là vấn đề của một ông hoàng mà của toàn bộ trật tự hiến luật và pháp luật trong việc quản trị công cộng. Chức năng đầu tiên của nhà nước và của mọi viên chức nhà nước là bảo đảm trật tự pháp lý, nghĩa là, toàn bộ trật tự quyền lợi và bổn phận vốn bắt nguồn từ con người được định vị trong thế giới đương đại.

Một trong các khía cạnh nổi bật của thông điệp là tính hào hiệp, rộng dài và đương đại trong tuyên bố của Đức Gioan XXIII liên quan tới các quyền lợi và bổn phận của con người nhân bản. Điển hình đáng lưu ý nhất cho thấy ngài hoàn toàn chấp nhận tiến bố hiện đại là lời ngài khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội như thế giới hiện nay quan niệm. Và còn quan trọng hơn nữa là lời ngài nhấn mạnh tới bình đẳng sắc tộc.

Trong quá khứ, các lời tuyên bố của giáo hoàng về trật tự chính trị và xã hội dường như luôn khựng lại ở ba từ ngữ vĩ đại là chân lý, công bình và bác ái. Ba từ ngữ này đã được lặp lại trong thông điệp này và các đòi hỏi của mỗi điều được chi tiết hóa rất cẩn thận. Nhưng một từ ngữ thứ tư đã được thêm vào, với việc nhấn mạnh rằng nó vừa cũ vừa rất cổ truyền. Đó là từ ngữ tự do.

Tự do là nguyên tắc căn bản của trật tự chính trị; nó cũng là phương pháp chính trị duy nhất. Trọn sức nặng của thông điệp là đây: trật tự được thế giới hậu hiện đại trông chờ không thể là một trật tự bị áp đặt bằng vũ lực, hay được duy trì bằng cưỡng bức hoặc đặt căn bản trên sợ sệt, vốn là sức mạnh cưỡng bức hơn cả mà người ta từng mang ra áp dụng vào con người.

Khi nhấn mạnh một cách đanh thép lên chủ đề này, Đức Gioan XXIII rõ ràng đã đứng về phía chống đối các phong trào đang diễn tiến hiện nay nhằm tổ chức thế giới và tạo ra một trật tự đặt căn bản trên sức mạnh chứ không trên nguyên tắc Kitô Giáo, một nguyên tắc vốn cho rằng các sức mạnh tạo trật tự trên thế giới phải là các sức mạnh “tự do dưới pháp luật”. Những sức mạnh của tự do và cho tự do này phát xuất từ thẳm sâu con người nhân bản, mà xét cho cùng chính là sức mạnh sáng tạo duy nhất trong sự việc nhân bản.

Lời tóm lược cho tư tưởng của Đức Gioan nằm ở câu quả quyết rằng mọi trật tự, muốn hợp lý và hợp nhân bản, phải “đặt nền trên chân lý, xây dựng theo công bình, được bác ái sinh động và tổng nhập, và được đem ra thực hành trong tự do”. Ở một nơi khác, Đức Gioan XXIII minh xác rằng tự do là phương pháp duy nhất để “thể hiện” được trật tự trong sự việc nhân bản và cũng là một mục đích của chính trật tự.

Trong một khía cạnh khác, Đức Gioan XXIII biểu lộ ý định rõ ràng của ngài trong việc muốn được hướng dẫn bởi phương châm truyền thống mà Đức Lêô XIII từng muốn được hướng dẫn theo, đó là "vetera novis augere" (tăng cường điều cũ bằng điều mới) tức nguyên tắc cho rằng truyền thống Công Giáo là một truyền thống không ngừng lớn mạnh, một truyền thống tiến bộ, một truyền thống đòi rằng “những điều cũ” không ngừng cần được khẳng định cùng lúc với việc chúng được “những điều mới” hoàn tất và bổ túc một cách hữu cơ.

Ở đây, linh mục Murray muốn nhắc đến sự phân biệt được Đức Gioan nêu ra giữa “các phong trào có tính lịch sử vốn nhằm các mục đích kinh tế, xã hội, văn hóa hay chính trị” và “các giáo huấn triết học sai lầm liên quan tới thiên nhiên, nguồn gốc và số phận của vũ trụ và con người” mà ngay từ đầu, vốn lên sinh khí cho các phong trào kia. Nền tảng của sự phân biệt này là sự kiện: “các phong trào này, bao lâu chúng phù hợp với tiếng gọi của lý trí đúng đắn và giải thích được các khát vọng chính đáng của con người nhân bản, đều chứa đựng các yếu tố tích cực và đáng được chấp thuận”. Do đó, ta có thể tách biệt các phong trào này với tất cả các công phúc thực tế của chúng ra khỏi các lý thuyết sai lạc vốn đồng minh với chúng về phương diện lịch sử.

Linh mục Murray không biết chắc Đức Gioan XXIII chủ yếu nghĩ đến ai khi nói tới “các phong trào có tính lịch sử”. Theo linh mục, rất có thể đó là chủ nghĩa xã hội mà khát vọng nguyên khởi của nó phần lớn có tính vô thần. Có lẽ sự phân biệt của Đức Gioan có ý nhắm vào phong trào Mácxít, nhưng ở đây, ta cần thận trọng. Vì, theo linh mục Murray, ta nên áp dụng việc phân biệt này vào các phong trào tự do chính trị trong các thế kỷ 18 và 19. Áp dụng như thế, sự phân biệt này sẽ giải quyết toàn bộ nan đề của Đức Lêô XIII, người chống đối kịch liệt chủ nghĩa tự do đầy phe phái của lục địa Châu Âu. Vào thời ngài, vị giáo hoàng này chưa có khả năng đưa ra được sự phân biệt giữa nguyên lý sinh động hóa phong trào này, tức nguyên lý không thừa nhận bất cứ thẩm quyền nào cao hơn nó, không luật lệ nào lại không do chính nó tạo ra, và các định chế chính trị tự do mà phong trào này vốn là người chủ đạo.

Ở một khoảng cách xa so với tình thế của thế kỷ 19, Đức Gioan XXIII đã có khả năng mạnh bạo đưa ra sự phân biệt quan trọng trên đây. Theo linh mục Murray, ý nghĩa của việc đưa ra này sẽ được cảm nhận một cách đặc biệt khi đụng tới vấn đề khẩn thiết đang tiếp tục thách thức ta, tức vấn đề khai triển hữu cơ các nguyên tắc truyền thống liên quan tới các liên hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước một cách nào đó khiến ta có thể nắm được điều hiện ta còn đang thiếu: một học thuyết Công Giáo đầy đủ và nhất thống có khả năng áp dụng cách khôn ngoan vào các điều kiện chính trị và tôn giáo của thời đại. Một đóng góp đáng hoan nghênh khác vào mục tiêu vừa kể là việc Đức Gioan XXIII, lần đầu tiên trong lịch sử, khẳng định về “quyền được thờ phượng Thiên Chúa cách công khai và tư riêng”, một đòi hỏi của “quyền lương tâm”.

Tưởng cũng nên nói đôi lời về tư duy của Đức Gioan XXIII liên quan tới hiến pháp của cộng đồng thế giới. Rõ ràng ngài nằm trong truyền thống của Đức Piô XII, người nổi tiếng đã nhấn mạnh tới nhu cầu phải có một tổ chức pháp lý cho cộng đồng quốc tế. Xem ra Đức Gioan XXIII đã khai triển tư duy của Đức Piô XII bằng cách kêu gọi phải có “một thẩm quyền công cộng, có quyền khắp thế giới và được trao cho các phương tiện thích đáng để theo đuổi hữu hiệu mục tiêu của mình, là ích chung phổ quát dưới hình thức cụ thể”. Ngài viết thêm: thẩm quyền này “phải được thiết lập bằng thỏa thuận chung chứ không được áp đặt bằng vũ lực”. Một lần nữa, nguyên tắc tự do, xét như một nguyên tắc và như một phương pháp, đã được khẳng định.

Đức Gioan XXIII đề xuất mục tiêu trên trong tinh thần “tin tưởng tín thác” vốn là tinh thần nổi bật của toàn bộ thông điệp. Nhưng người ta không rõ: niềm hy vọng này sẽ được thể hiện cụ thể ra sao, do sự kiện này: hiện không có sự đồng thuận cả luân lý lẫn chính trị nào trong cộng đồng quốc tế làm căn bản cho sự hiện hữu của một thẩm quyền công cộng như thế và cho việc thẩm quyền này thi hành hữu hiệu các quyền lực của nó. Điều rõ ràng là Đức Gioan hiểu rất rõ rằng thời hậu hiện đại của ta có đặc tính của điều chính ngài gọi là “năng động tính rõ rệt” hướng tới việc thay đổi mọi thứ. Điều cũng rõ ràng là ngài đã rất chính xác chỉ ra hướng thay đổi chân chính hướng tới việc sửa lại các “khuyết điểm cơ cấu” của cộng đồng quốc tế. Đối với những vấn đề khác, điều rõ ràng là ngài đặt hy vọng nơi các cố gắng của những ai tuy vẫn “chưa nhiều” nhưng con số họ sẽ gia tăng, “có khả năng về khoa học, có khả năng về kỹ thuật và nhiều kỹ năng trong việc thực hành chuyên nghiệp của mình” và do đó, những ai có khả năng “tạo ra một tổng hợp giữa các yếu khoa học, kỹ thuật và chuyên nghiệp một bên và bên kia là các giá trị thiêng liêng”.

Do đó, niềm hy vọng của Đức Gioan XXIII không phải là một chủ nghĩa lý tưởng không tưởng. Nó có thể thể hiện được. Phân tích đến cùng, xem ra nó có thể được duy trì nhờ lòng tin vốn đem sinh khí lại cho toàn bộ thông điệp: một lòng tin vào sức mạnh của con người nhân bản trong việc “đảm bảo rằng các biến cố thế giới luôn vâng theo một tiến trình hữu lý và hợp nhân bản”. Do đó, đây là một niềm hy vọng mà không một con người hữu lý nào lại không chung chia được, bất chấp các khó khăn trên đường.

Thông điệp có lẽ sẽ được khảo sát một cách kỹ lưỡng nhất để các Kitô hữu và những người có thiện chí tìm được sự hướng dẫn liên quan tới cuộc Chiến Tranh Lạnh. Sẽ có những người, như linh mục Murray, nghĩ rằng chúng ta chỉ có được một hướng dẫn hạn chế. Đức Gioan XXIII không muốn bàn tới khía cạnh từng đã được vị tiền nhiệm của ngài là Đức Piô XI bàn kỹ trước đây rồi. Đó là tính trầm trọng của cuộc khủng hoảng lịch sử, mà từ đó, Chiến Tranh Lạnh đã diễn ra.

Đức Gioan XXIII minh xác hoàn toàn rằng không nên để cho tương lai được phép chấp nhận quan niệm trật tự chính trị và xã hội tiềm ẩn trong cuộc cách mạng Cộng Sản. Ngài công khai tuyên bố ngài chống lại “các chế độ chính trị nào không bảo đảm cho các công dân cá nhân một lãnh vực tự do đầy đủ để trong đó linh hồn họ được phép hít thở hợp nhân bản”. Thông điệp không cho thấy bất cứ dấu hiệu hòa hoãn nào đối với nội dung lý thuyết của cuộc cách mạng thế giới, nhất là quan niệm của nó về con người như là chủ thể tạo ra chính mình và là người duy nhất thống trị thế giới. Trong thông điệp, không hề có một khuyến khích nào đối với những ai trong chúng ta ủng hộ một quan điểm nông cạn hay lầm lẫn về sự ác vốn cố hữu trong ý thức hệ Cộng Sản. Mặt khác, thông điệp có thể cho phép ta nghĩ rằng tinh thần tín thác hy vọng mà Đức Giáo Hoàng hết sức ủng hộ đôi khi không giải thích được một cách thực tiễn các phân rẽ căn bản của thế giới hiện nay.

Về khía cạnh này, đã có rất nhiều tranh cãi. Nhưng theo linh mục Murray, Đức Gioan XXIII hiểu thấu đáo tầm cỡ thảm hại do huyền thoại lịch sử mà người Mácxít hết sức cố gắng tiêm nhiễm vào đầu óc con người thời nay. Vì huyền thoại ấy, con người thời nay có một tầm nhìn có tính định mệnh thuyết về lịch sử. Theo tầm nhìn này, con người đã mất quyền điều khiển chính định mệnh của mình trên trần thế; định mệnh ấy được các biến cố lịch sử xác định và con người hoàn toàn bất lực, không thể nào kiểm soát được các biến cố này. Kết luận là lịch sử ngày nay chắc chắn và nhất định sẽ đem con người tới thảm họa, một cách không thể nào tránh thoát.

Đức Gioan XXIII cực lực chống lại huyền thoại ấy về lịch sử, một huyền thoại coi lịch sử như là ông chủ của con người. Quan điểm của ngài ẩn hiện phía sau câu khẳng định đầy tự tin sau đây: “nguyên tắc căn bản mà nền hòa bình hiện nay của chúng ta tùy thuộc vào phải được thay thế bằng một nguyên tắc khác”. Hiện nay, nguyên tắc của nền hòa bình mà ta đang có đơn thuần chỉ là nỗi sợ hãi nguyên tuyền. Không ai chối cãi được rằng nguyên tắc này cần được thay thế bằng một nguyên tắc khác. Điều khó khăn là Đức Gioan cho hay không những ta phải mà ta còn có thể tiến bước hướng về một căn bản mới và chắc chắn hơn cho hòa bình. Ngài muốn nói với ta: ta không nên cảm thấy bị giam hãm trong lịch sử, cho rằng mình không thể nào thay đổi được đường đi của nó, bất lực không kiểm soát được các biến cố thế giới, không thể nào tránh khỏi thảm họa đang chờ đợi ta nếu thế giới cứ tiếp tục theo diễn tiến hiện nay. Ít nhất về phương diện này, Đức Gioan XXIII đã có thể giúp tạo được sự nhất trí giữa mọi người có thiện chí biết tin rằng luôn có những năng lực trong tinh thần tự do của con người nhờ thế họ có thể hoàn thành số phận của họ trên trần gian, tức trở nên không phải Thiên Chúa mà trở nên hình ảnh của Người. Bất cứ ai tin Thiên Chúa đều nhất trí rằng Người mới là Chúa Tể của lịch sử. Do đó, con người tự biểu lộ mình ra như là hình ảnh của Thiên Chúa chủ yếu nhờ các cố gắng đầy thông minh và tự tin nhằm làm chủ diễn tiến của lịch sử và hướng nó tới ích chung của mọi người trên trần gian.