1. Thánh Valentinô

Ngày 14 tháng 2, Giáo Hội mừng lễ Thánh Valentinô.

Người ta nghĩ rằng Thánh Valentine là linh mục ở Rôma và là một y sĩ. Trung thành với đức tin, ngài được phúc tử đạo vào ngày 14 tháng 2. Chúng ta không biết gì nhiều về ngài, nhưng ngay vào khoảng năm 350, một nhà thờ đã được xây cất nơi ngài tử đạo.

Truyền thuyết nói rằng ngài là một linh mục thánh thiện đã cùng với Thánh Marius giúp đỡ các vị tử đạo trong thời Claudius II. Ngài bị bắt, và bị điệu đến tổng trấn Rôma xét xử. Sau khi dụ dỗ mọi cách nhưng đều vô hiệu, quan tổng trấn đã ra lệnh cho lính dùng gậy đánh đập ngài, sau đó đưa đi chém đầu vào ngày 14 tháng 2, khoảng năm 269. Người ta nói rằng Ðức Giáo Hoàng Julius I đã cho xây một nhà thờ gần Ponte Mole để kính nhớ ngài.

Nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc việc cử hành ngày Valentine. Một số cho rằng người Rôma có một tập tục vào giữa tháng 2, trong ngày ấy các con trai tô điểm tên các cô con gái để tỏ lòng tôn kính nữ thần dâm dục là Februata Juno. Các tu sĩ thời ấy muốn dẹp bỏ tập tục này nên đã thay thế bằng tên các thánh tỉ như Thánh Valentine. Một số khác cho rằng thói quen gửi thiệp Valentine vào ngày 14 tháng 2, là vì người tin rằng các con chim bắt đầu sống thành cặp vào ngày này, là ngày Thánh Valentine bị chém đầu. Dường như chắc chắn hơn cả là vào năm 1477, người Anh thường liên kết các đôi uyên ương với ngày lễ Thánh Valentine, vì vào ngày này "mọi chim đực đi tìm chim mái.". Tục lệ này trở thành thói quen cho các đôi trai gái viết thư tình cho nhau vào ngày Valentine. Ngày nay, các cánh thiệp, quà cáp và thư từ trao cho nhau là một phần của việc cử hành ngày Valentine.(x.nguotinhuu.com)

Ngày 14 tháng 2 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống để trao đổi thư tình và Thánh Valentinô đã trở thành quan thầy của những cặp uyên ương. ( Macmillan Profiles: Festivals and Holidays, 1999, p. 363)

2. Tình yêu và mùa xuân

Nhân ngày Valentine, nghe ca khúc “Anh cho em mùa Xuân”, nhạc réo rắt gợi bao cảm xúc về tình yêu hồn nhiên trong sáng.

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc từ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” của thi sĩ Kim Tuấn.

“Anh cho em mùa Xuân. Mùa xuân này tất cả.
Lộc non vừa trẩy lá. Thơ còn thương cõi đời.
Con chim mừng ríu rít.Vui khói chiều chơi vơi.
Đất mẹ gầy có lúa.Đồng ta xanh mấy mùa.
Con trâu từ đồng cỏ.Khua mõ về rộn khua.
Ngoài đê diều thẳng cánh.Trong xóm vang chuông chùa.
Chiều in vào bóng núi.Câu hát hò vẳng đưa.
Tóc mẹ già mây bạc.Trăng chờ trong liếp dừa.
Con sông dài mấy nhánh.Cát trắng bờ quê xưa…”.


Kim Tuấn sinh năm 1940 tại Huế.Trải qua thời thơ ấu ở Phan Thiết rồi vào Sài Gòn vừa đi làm vừa đi học, làm thơ từ đầu thập niên 1960 và là thi sĩ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất trước 1975 với 17 bài.

Về bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân”, Kim Tuấn cho biết: Tôi làm bài thơ này để nhớ về quê mẹ: Hà Tĩnh, vùng đất sỏi đá nhiều hơn cơm gạo với mơ ước “Đất mẹ gầy có lúa”, có lúa chứ không phải cỏ lúa như nhiều người vẫn hát nhầm (cỏ lúa thì phải nhổ đi chứ ai lại mơ ước có thêm!). Bài thơ này tôi sáng tác vào đầu thập niên 1960, sau đó in trong tập “Ngàn Thương” (chung với Định Giang) và được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thành ca khúc. Đã có nhiều ca sĩ thể hiện bài hát này nhưng tôi thích giọng ca của Hà Thanh hơn cả và điều làm tôi ray rứt là cho tới nay vẫn chưa nói được với nữ ca sĩ này một lời cám ơn…

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể lại trường hợp ông đã phổ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân”của Kim Tuấn. Đó là ngày mùng 5 Tết 1962, tôi đi làm trong một không gian vẫn còn hơi hướm tết. Đến sở, trên bàn làm việc của tôi có một tập thơ còn thơm mùi giấy mới. Đó là tập 40 bài thơ của các nhà thơ Vương Đức Lệ, Định Giang, Kim Tuấn và một người nữa tôi không nhớ tên. Tôi lần giở đọc qua từng bài và bắt gặp bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân”.

Đó là một bài thơ ngũ ngôn đầy ắp hình tượng và rất giàu cảm xúc. Vậy là chỉ trong buổi sáng hôm đó tôi phổ nhạc xong bài thơ. Điều buồn cười là tôi lấy luôn 3 câu thơ đầu tiên phổ thành 1 câu nhạc (Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ…) thấy rất “ngọt” nên cứ thế mà phát triển bài thơ thành ca khúc. Tôi lấy câu thơ đầu tiên để đặt tên cho ca khúc này. Sáng hôm sau có một nhà thơ còn rất trẻ xưng tên là Kim Tuấn đến gặp tôi, hỏi: “Có gửi cho nhạc sĩ một tập thơ, không biết đã nhận chưa?”. Tôi trả lời: “Nhận được rồi và riêng bài thơ ‘Nụ hoa vàng ngày xuân’ của Kim Tuấn thì tôi đã phổ thành ca khúc”.

Kim Tuấn rất ngạc nhiên và sau khi nghe tôi hát thì anh rất vui. Từ đó, tôi và Kim Tuấn đã có một mối quan hệ, mối duyên văn nghệ rất tốt đẹp…

Nhà thơ Kim Tuấn mất năm 2003, còn nhạc sĩ Nguyễn Hiền mất năm 2005. Hai người bạn thơ nhạc đã rủ nhau vào cõi vĩnh hằng nhưng bài thơ bài nhạc họ gởi lại trần gian vẫn còn mãi. (x.dotchuoinon.com)

Mỗi độ xuân về, giai điệu rộn ràng tươi vui của bài hát “Anh cho em mùa xuân” lại vang vọng trên khắp mọi nẻo đường quê hương.

Anh cho em mùa xuân, đường hoa vào phố nhỏ, nhạc chan hòa đây đó. Tình yêu non nước này, bài thơ còn xao xuyến, rung nắng vàng ban mai…

Tình yêu cũng giống như mùa xuân. Những cảm xúc tình yêu khi xuân đến không giống như con tim yêu lãng mạn của mùa thu, không kiếm tìm sự ấm áp như mùa đông, cũng chẳng giống như suối nguồn tưới mát tâm hồn trong những ngày nắng cháy da của mùa hạ. Tình yêu trong mùa xuân là nỗi khát khao cháy bỏng, là sự trào dâng những xúc cảm mãnh liệt, nồng nàn, rộn rã…

Ngày Valentine như một kỷ niệm để nhắc nhở mọi người về Tình yêu. Một chàng trai thương mến một cô gái nhưng không dám tỏ tình, nhân ngày Valentine đã dùng một tấm thiệp hay một món quà để bày tỏ tình cảm. Một cặp tình nhân, nhân dịp Valentine để biểu lộ tình yêu đằm thắm hơn. Một đôi vợ chồng già, tình yêu đã phai nhạt với tháng ngày, nhân ngày Valentine, một bó hoa, một cử chỉ đặc biệt sẽ làm sống lại mối tình lâu ngày ngủ yên. Con cái bày tỏ tình yêu hiếu thảo với cha mẹ nhân ngày Valentine. Thật hạnh phúc khi nhận được một đóa hồng nhân ngày Valentine. Tình yêu sẽ bừng sáng, tươi mát trở lại hơn xưa rất nhiều.

Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của đời người. Mùa xuân là mùa của sự sống niềm vui và hy vọng.Yêu nhau là mùa xuân đang về, cưới nhau là khởi đầu mùa xuân, một năm mới của đời sống vợ chồng. Thật hạnh phúc cho những ai đang yêu và được yêu, những rung động của tình yêu sẽ hòa chung với sắc xuân ấm áp, linh thiêng và tươi mới…!

Làm sao để vợ chồng mãi là mùa xuân của nhau?

  • Thứ nhất là phải biết nghe nhau.Lắng nghe bằng tất cả sự tôn trọng.
  • Thứ hai là phải biết nói với nhau. Nói với nhau bằng ngôn ngữ tình yêu.
  • Thứ ba phải biết dí dỏm, trào lộng. Hài hước sẽ làm cho bầu không khí gia đình nhẹ nhàng vui tươi.
  • Thứ bốn phải biết cầu nguyện với nhau và cho nhau.Cầu nguyện cho nhau, và cầu nguyện cùng nhau. Có hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh gia đình cùng cầu nguyện, cùng nghe lời Chúa.


Hãy tặng nhau Tình Yêu Valentine để luôn có mùa xuân hạnh phúc. Tình Yêu Valentine là Tình yêu Vị Tha Agapê. Đặc tính của tình yêu là dịu dàng như dòng nước, êm mát nhún nhường. Tình yêu có vẻ mềm yếu hơn tất cả nhưng lại mạnh hơn tất cả. Bởi vì không phải đá hay lửa thắng được nước mà là nước chảy đá mòn. Không gì có thể thắng nổi tình yêu vì Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế mọi dòng sông vẫn tiếp tục chảy ra biển cả. Tình yêu Thiên Chúa vẫn chan hoà muôn người.

Tình yêu dạy cho con người niềm hạnh phúc lớn nhất cao cả nhất và đẹp nhất là biết trao ban, hiến dâng, cho đi, quãng đại, bao dung. Đó là đỉnh cao tình yêu Kitô giáo: Yêu là hy sinh cho người mình yêu. Yêu là tìm hạnh phúc cho người mình yêu.