XUÂN LỘC - Kỷ niệm 5 năm hoạt động (2008-2013), Caritas Việt Nam tổ chức Hội nghị tại TGM Xuân Lộc, nội dung gồm 2 phần: ngày 27/11, khóa tập huấn “Khía cạnh tâm lý trong việc quản trị” dành cho các vị lãnh đạo Caritas 26 Giáo phận; phần 2 là Hội nghị thường niên từ ngày 28-29/11. Chủ đề: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13).

Hình ảnh

Tham dự hội nghị có 3 vị Giám mục: Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Gm Gp Xuân Lộc, Chủ tịch UBBAXH - Caritas VN; Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch UBBAXH; Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Gm Phụ tá Gp Xuân lộc; Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên, TTK Ủy ban LBTM; Lm Gioan Nguyễn Văn Ty TTK Ủy ban Di dân; Giuse Maria Lê Quốc Thăng TTK Ủy ban công lý hòa bình; Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Giám đốc Caritas Việt Nam; nhóm liên kết, nhóm chuyên viên xã hội; đại diện Ban tôn giáo Trung ương, Ban tôn giáo Tỉnh Đồng nai; cùng tham dự có hơn 80 đại biểu Caritas của 26 giáo phận, đại biểu của một số Dòng Tu và khách mời. Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, tân Chủ tịch UBBAXH vì bận công việc Giáo phận nên không đến được, ngài hiệp thông bằng bức thư chia sẽ và quà tặng cho mỗi tham dự viên.

Từ chiều ngày 26/11, ban tổ chức đã đón tiếp ân cần các đại biểu từ các Giáo phận miền Bắc, vùng Cao nguyên, miền Tây. TGM Xuân Lộc mới xây thêm nhiều cơ sở nên rất rộng rãi, khang trang, các tham dự viên được phục vụ thật ân cần chu đáo.

1. Ngày 27/11.

Khoá tập huấn đặc biệt dành cho quý cha Giám đốc và phó Giám đốc Caritas 26 Giáo phận. Sư huynh Phêrô Thái Sơn Minh FSC hướng dẫn với đề tài “Khía cạnh tâm lý trong việc quản trị nhân sự”. Những nội dung chính được triển khai rất thực tế và sống động: thuật tâm lý, kỹ thuật tác động tâm lý trong nhân sự, tìm hiểu tâm lý tự nhiên của cộng đồng. Người lãnh đạo thực thi sứ vụ trên nền tảng tình yêu, sự thân tình, chân thành, thấu hiểu, cảm thông, tạo nên các mối tương quan chan chứa tình người nơi các cộng sự sẽ mang lại nhiều thành quả.

2. Ngày 28/11

a. Buổi sáng

Thánh lễ khai mạc lúc 7giờ tại Nhà nguyện TGM. Đức cha Đaminh chủ tế thánh lễ cầu nguyện đặc biệt cho hoạt động bác ái. Đồng tế có Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, các Linh mục đại diện Ủy ban Loan báo Tin Mừng, Mục vụ Di dân, Công lý Hoà bình, các Linh mục thuộc Caritas 26 Giáo phận và các chuyên viên xã hội, các tu sĩ và các nhân viên văn phòng Caritas.

Hội nghị bắt đầu lúc 8g30 tại Hội trường TGM với sự hiện diện của 3 Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và anh chị em trong Gia đình Caritas Việt Nam. Phía chính quyền có ông Phạm Dũng – Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Dân Vận Trung ương; ông Dương Ngọc Tấn – Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ và Đại diện Chính quyền tỉnh Đồng Nai.

Mở đầu, Đức Cha Đaminh đọc bài tham luận từ chủ đề: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Ngài suy tư câu chuyện Phúc âm, Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ 5 cái bánh và 2 con cá nhỏ. Ngài mời gọi mỗi thành viên Caritas hãy bước ra khỏi bản thân để “đi” và “xem”. Thế giới ngày hôm nay còn tồn tại rất nhiều vấn đề xã hội mà mỗi người tín hữu không được phép làm ngơ. Với những khả năng bé nhỏ đang có, chúng ta phải trở nên những tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho anh em mình. Chúng ta phải can đảm, tin tưởng và phó thác trao phó cho Chúa những gì mình đang có để được Chúa sử dụng, làm chiếc bánh bẻ ra cho anh chị em mình.

Trọng kính Quý Đức Cha,
Kính thưa Quý cha, Quý Tu sĩ và anh chị em Caritas các Giáo phận thân mến.

Lời đầu tiên, trong tư cách là Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, con xin có lời chào mừng Quý Đức Cha, Quý Tu sĩ và anh chị em Caritas từ 26 giáo phận về đây để tham dự Hội Nghị Thường Niên Năm 2013 của Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Tòa Giám mục Xuân Lộc chúng con từ 5 năm qua đã trở nên nơi thân quen đối với Quý Đức Cha, Quý cha, và anh chị em Caritas qua những cuộc Hội nghị thường niên. Chúng con luôn cảm thấy vui mừng và hạnh phúc vì được đón tiếp và phục vụ Quý Đức Cha, Quý cha và anh chị em. Xin Quý Đức Cha, Quý cha và anh chị em hãy xem đây như là nhà, là gia đình của mình.

Nguyên là Chủ tịch Ủy Ban Bác Ái Xã Hội- Caritas trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam, con xin thay mặt cho Đức Cha Thomas Vũ Đình Hiệu, Tân Chủ tịch Ủy Ban Bác Ái Xã Hội của Caritas, tri ân Quý Đức Cha, Quý cha và anh chị em, đã đáp lại lời mời của chúng con về đây tham dự Hội nghị thường niên năm 2013. Xin Chúa ban dồi dào muôn phúc lành xuống trên Quý Đức Cha, Quý cha và tất cả anh chị em.

Hội nghị thường niên năm nay có một ý nghĩa thật đặc biệt, vì nó đánh dấu chặng đường 5 năm tái lập hoạt động Caritas tại Việt Nam. Thế nên đây sẽ là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua để lượng giá và định hướng cho hoạt động Caritas trong những năm sắp tới, và nhất là để tri ân Chúa, Đấng đã qui tụ chúng ta trong gia đình Caritas Việt Nam và trao chúng ta sứ mệnh phục vụ những anh chị em đồng bào của mình.

Trong ba ngày Hội nghị, ngoài việc học hỏi, tập huấn và chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm Tông đồ trong các giáo phận của mình, trong lãnh vực chuyên môn của mình, con cũng mời Quý Đức Cha, Quý cha và anh chị em cùng suy tư và cầu nguyện với chủ đề của Hội nghị thường niên năm nay, đó là: "Chính anh em hãy cho họ ăn". Chủ đề này được lấy từ Tin Mừng theo Thánh Luca chương 9, 13.

"Chính anh em hãy cho họ ăn", đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ khi thấy đám dân chúng đến với Ngài và khi chiều họ không có gì để ăn. Tin Mừng theo Thánh Luca thuật lại: "Rất đông dân chúng đi theo Chúa Giê-su và họ chạnh lòng thương họ, chữa lành các bệnh tật của họ. Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn". Chúa Giê-su bảo: "Họ không phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn". Các ông đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!". Người bảo: "Đem lại đây cho Thầy!". Rồi sau đó, người truyền cho đám đông ngả lưng trên cỏ. Người cấm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho các môn đệ, và các môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con (x. Lc 14, 13-21).

Tường thuật của Thánh Luca cho thấy sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các môn đệ trong hướng giải quyết vấn đề tìm đâu ra bánh cho đám đông giữa nơi hoang vắng lúc chiều tà. Giải pháp của các môn đệ là giải tán đám đông để họ có thể vào làng mua thức ăn, trong khi Chúa Giêsu lại muốn chính các ông phải lo cho họ ăn.

Trước nhu cầu quá lớn của đám đông, các môn đệ cảm thấy như bất lực, lệnh truyền của Chúa "Chính anh em hãy cho họ ăn" như thể dồn các ông vào đường cùng và làm cho các ông trở nên lo lắng, bối rối hơn, vì chuyện ấy xảy ra thế nào được! Nhưng đối với Chúa, sao lại không! Ngài biết trước những gì Ngài sắp làm nên mới bảo các ông ĐI và XEM- Xem bản thân các ông và xem đám đông dân chúng có những thứ gì. Và rồi từ năm cái bánh và hai con cá ít ỏi, Ngài đã làm cho dân được no thỏa.

Vâng, chúng ta không thể hoàn thành sứ vụ rao giảng nếu như chúng ta không ĐI và XEM để hiểu được những người lắng nghe chúng ta nói. Thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới của sự tương phản, chênh lệch giàu nghèo: "Người ăn không hết, kẻ lần không ra". Con người ngày càng thỏa mãn hơn với những của ăn vật chất, nhưng tự trong sâu tâm hồn, vẫn luôn cảm thấy những cơn đói khát thiêng liêng: đói khát sự thật, đói khát tình thương, đói khát sự công chính, đói khát hòa bình, đói khát sự giải thoát, đói khát sự sống.

Nhân dân Philippine vừa trải qua cơn bão lịch sử làm cho hàng chục ngàn người chết và nhiều người phải sống vô gia cư, đói khát. Đất nước chúng ta, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, đang phải đối diện với những hậu quả nghiêm trọng do hai cơn bão số 10 và 11 gây ra vào tháng 10 năm nay.

Trước những nhu cầu lớn lao của con người hôm nay, chúng ta đôi khi cũng cảm thấy bất lực và mất đi phần nào sự tự tin cần thiết của người rao giảng Tin Mừng. Những lúc ấy Chúa mời gọi chúng ta ĐI và XEM, đi gặp gỡ và đối thoại với con người, đồng thời làm tất cả những gì có thể làm để cảm thông và yêu thương họ. Chúng ta không được sợ hãi, nhưng hãy biết "Sống liên đới". "Chúng ta hãy biết đặt những gì chúng ta có để Chúa sử dụng, đặt những khả năng khiêm hạ của chúng ta, vì chỉ trong sự chia sẻ, trao ban, cuộc sống của chúng ta mới được phong phú, và mang lại nhiều hoa trái".

"Chính anh em hãy cho họ ăn". Đúng vậy, chính chúng ta chứ không ngoài ai khác. Chúng ta có sẵn sàng trở thành "cánh tay nối dài của Đức Giêsu" để mà "cầm, dâng, bẻ ra và trao cho" tha nhân là những người nghèo khó, những người bệnh tật yếu đau, những người già không nơi nương tựa, những trẻ em lang thang đường phố, những bà mẹ đơn thân, những thai nhi bị vứt bỏ ngoài đường, những em nhỏ không một lần thấy cả Mẹ lẫn Cha?

Nếu chúng ta sẵn sàng thì đừng ngần ngại mà thưa với Đức Giêsu rằng: "Này con xin đến để thực thi ý Ngài" (Dt 10,9).

Vị tôi tớ Chúa là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, khi suy niệm đoạn Tin Mừng này đã viết lại trong tác phẩm Năm chiếc bánh và hai con cá như sau: "Các môn đệ muốn chọn con đường dễ nhất, khỏe nhất: 'Xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn'. Nhưng Chúa Giêsu muốn các môn đệ hành động ngay trong phút hiện tại. 'Chính các con hãy cho họ ăn'. Chúng ta cũng hãy hành động ngay trong phút hiện tại với tất cả những gì mình có. Không chọn dễ dãi nhưng chọn tình yêu"

Cũng như các môn đệ, chúng ta cần quan tâm học hỏi cách xử sự của Chúa Giêsu: Ngài chạnh lòng thương yêu cứu giúp mọi người đến quên bản thân mình. Chúng ta cũng chỉ có thể học được bài học này, nếu chúng ta có trái tim của Chúa Giêsu: Thương cảm sâu sắc trước tình cảnh của người anh em chị em, tức là quan tâm đến hoàn cảnh sống của anh chị em mình, với trái tim đầy tình yêu thương. Hãy học cách yêu thương như Chúa bằng cách đáp ứng ngay, chia sẻ ngay, không tìm cách giải quyết né tránh, cũng không chọn cách phục vụ theo kiểu dễ dãi không dính bén đến mình.

Xưa Chúa Giêsu đã quan tâm đến nỗi khổ của dân chúng về vật chất lẫn tinh thần, hôm nay Giáo Hội cũng phải đặc biệt quan tâm đến mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta hãy noi gương Ngài, biết san sẻ cảm thông và liên đới với những người nghèo khổ. Chúng ta hãy xây dựng nước Thiên Chúa ở trần gian bằng chứng tá đời sống yêu thương. Người Kitô hữu hướng về Nước Trời, nhưng không thờ ơ với những thực tại trần gian, ngược lại họ phải góp phần xây dựng cuộc sống trần gian, vì Nước Thiên Chúa bắt đầu ngay ở trần gian này.

Mừng kỷ niệm 5 năm tái thiết lập hoạt động của Ủy ban Bác Ái Xã Hội- Caritas tại Việt Nam và 3 năm gia nhập Caritas Á Châu và Caritas quốc tế, chúng ta mời gọi tái xác định sứ vụ và vai trò của mình: "Thúc đẩy tinh thần bác ái, chia sẻ tình thương của Thiên Chúa cho mọi người [...] cổ vũ việc loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô cách thiết thực qua việc giúp đỡ những người nghèo khổ, tật bệnh, bị gạt ra ngoài lề xã hội" . Đối tượng phục vụ của chúng ta là "Những người nghèo khổ, bệnh tật, những nạn nhân thiên tai, những nạn nhân xã hội như những người nhiễm HIV/AIDS, những người nghiện ma túy, những phụ nữ trẻ em bị lạm dụng tình dục..." . Sứ vụ ấy thật cao cả mà con người chúng ta thì yếu đuối, bất toàn. Những tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa, chúng ta can đảm dấn bước, để Đức Kitô được rao giảng và con người được cứu độ.

Như Quý Đức Cha, Quý cha và anh chị em đã biết: Từ ngày 10/10/2013, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội- Caritas trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có Tân Chủ tịch là Đức Cha Thomas Vũ Đình Hiệu, một người anh em thân thuộc của chúng ta, đã cùng chúng ta sinh hoạt trong gia đình Caritas từ 5 năm qua. Chúng ta tạ ơn Chúa đã luôn dẫn dắt chúng ta qua các vị mục tử nhân lành của Ngài. Rất tiếc, vì bận rộn công việc giáo phận, Đức Cha Tân Chủ tịch đã không thể hiện diện trong những ngày Hội nghị thường niên này. Tuy nhiên, ngài đã nhờ con chuyển lời chào thăm và chúc sức khỏe đến Quý Đức Cha, Quý cha và tất cả anh chị em tham dự viên.

Về phần con, vì tuổi cao sức yếu, con đã được các Đức Cha trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho nghỉ trách vụ Chủ tịch Ủy Ban Bác Ái Xã Hội- Caritas. Nhân dịp này, con muốn nói với Quý Đức Cha, Quý cha, và anh chị em trong suốt những năm tháng qua. Con luôn tâm niệm rằng: Tất cả là hồng ân Chúa. Bản thân con không thể làm được gì nếu không có ơn Chúa giúp cũng như em. Con xin khắc ghi tất cả những ân tình cao đẹp ấy. Con cũng xin mọi người tha thứ cho những lỗi lầm thiết xót của con, nếu có. Sự rộng lượng tha thứ của Quý Đức Cha, Quý cha và tất cả anh chị em sẽ là một niềm an ủi lớn lao cho con trong lúc tuổi già.

Sau cùng, trước khi kết thúc, con xin kính chúc Quý Đức Cha, Quý cha và anh chị em tràn đầy sức khỏe và ơn Chúa. Kính chúc Hội nghị thường niên năm 2013 thành công tốt đẹp.

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi chúc lành và Đức Mẹ La Vang cùng các Thánh Tử Đạo Việt Nam chuyển cầu cho tất cả chúng ta.


Tiếp theo, ông Dương Ngọc Tấn – Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, đại diện cho Nhà nước phát biểu: “Qua 5 năm hoạt động, Caritas Việt Nam đã dấn thân mạnh mẽ trong các hoạt động bác ái xã hội và mở rộng đến các cấp Giáo phận, Giáo xứ, các Dòng tu với những hình thức phong phú… Nhà nước khuyến khích tất cả các Tôn giáo tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo, và ước mong chính sách Nhà nước trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Caritas Việt Nam chủ động tích cực trong các hoạt động bác ái xã hội… Cảm ơn Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đã thúc đẩy sự phát triển của Caritas tại Việt Nam và tạo tương quan tốt đẹp giữa Giáo phận Xuân Lộc với Nhà nước…”.

Sau phần tặng hoa và quà, Đức Cha Giuse đưa các vị chính quyền đi thăm Đại Chủng Viện Xuân lộc.

Tiếp tục chương trình, Lm Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng SDB, báo cáo tổng quát hoạt động bác ái xã hội của Caritas Việt Nam trong 3 năm (2011-2013). Ngài cũng điểm lại công lao của Đức cha Đaminh và cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên TTK UBBAXH (2008 – 2010) đã nỗ lực để tái lập Caritas tại Việt Nam, đặt nền móng cho việc mở rộng hoạt động bác ái xã hội trên mọi miền đất nước.

Đóng góp cho Hội nghị năm nay có phần tham luận của đại diện Ủy ban: Loan báo Tin Mừng, Di Dân, Công lý Hòa bình. Làm thế nào để phối hợp hoạt động giữa các Ủy ban với Caritas Việt Nam? Tất cả các Ủy ban có chung một đối tượng phục vụ là con người. Giáo Hội chăm lo hỗ trợ khi dân chúng gặp khó khăn, bênh vực quyền lời cho những người bị áp bức... Các Ủy ban liên kết và hỗ tương với nhau một cách hữu hiệu sẽ tạo nên những cặp bài trùng để cùng chung tay lo cho con người có một cuộc sống an bình, hạnh phúc với đầy đủ nhân vị của họ.

Đại diện cho 3 Giáo tỉnh, có 6 Giáo phận trình bày về các hoạt động điển hình đang thực hiện: Caritas Hải phòng với chương trình phòng chống và chăm sóc người nhiễm HIV. Caritas Vinh với hoạt động cứu trợ khẩn cấp. Caritas Kontum thúc đẩy tinh thần bác ái nơi người tín hữu. Caritas Huế chuyên biệt trong lãnh vực bảo vệ sự sống. Caritas Phú Cường mở rộng chăm sóc y tế, sức khỏe cộng đồng. Caritas Long Xuyên có nhiều đặc nét trong lãnh vực chăm sóc người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

b. Buổi chiều:

Các nhóm theo Giáo tỉnh, đại diện các Dòng tu và nhóm chuyên viên xã hội thảo luận theo nội dung của Hội nghị và những gợi ý do Caritas Việt Nam đề nghị.

Tiếp theo, các tham dự viên nghe cha giáo Phêrô Nguyễn Quốc Việt trình bày theo giáo luật về khung pháp lý của công việc Bác ái xã hội qua Tự sắc “Bản chất thâm sâu của Hội Thánh”. Nhờ đó, những người trực tiếp thực hiện công việc bác ái theo đúng đường hướng của Giáo Hội.

Theo Tự sắc “Bản chất thâm sâu của Hội Thánh”, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo trình bày vấn đề tu đức của Caritas. Ngài nhấn mạnh đến cái tâm của người thực hiện công việc bác ái. Đối với người Kitô hữu nói chung và những người trực tiếp làm việc bác ái nói riêng thì làm việc tốt thôi vẫn chưa đủ mà mỗi người phải có cái tâm tốt.Mặc dù bản chất của Giáo Hội là thi hành bác ái, nhưng không chỉ là giải quyết các vấn đề nhân sinh mà là làm cho con người cảm nhận được tình yêu thương của Chúa dành cho nhân loại. Chúng ta phải là những người say mê Chúa Giêsu và say mê người nghèo và làm thế nào để hai niềm say mê này có thể hòa lẫn vào nhau. Caritas với tư cách là một tổ chức bác ái chính thức của Giáo Hội,phải làm thế nào để trở thành một tổ chức nối kết được với các tổ chức khác của Giáo Hội trong tinh thần liên kết, tôn trọng để cùng nhau thực thi công việc bác ái theo đúng tinh thần và sự hướng dẫn của Giáo Hội. Đó chính là tu đức của việc bác ái xã hội của Giáo Hội.

c. Buổi tối

Chương trình văn nghệ đặc sắc do các Thầy Chủng viện, các Nữ tu và Ca đoàn Sao Mai thực hiện theo chủ đề: “Tri ân tình Chúa, cảm ơn tình người".

Ca đoàn Sao Mai hợp ca 3 nhạc phẩm “Cho Đi”, “Sống hiệp thông, phục vụ”, “Tình Chúa khôn vơi”, đây là những sáng tác mới của Nhạc sĩ Thế Thông.

Vũ điệu: “Hạt Giống niềm tin trên miền đất mới”, do các Nữ tu dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục biểu diễn.

Quý Thầy Đại Chủng viện Xuân Lộc đóng góp các tiết mục “Bác ái ca”, “Tấm lòng bác ái” với những điệu múa minh họa sinh động; ca sĩ Đình Khôi đơn ca “Chúa không lầm”, ca sĩ Hoài Nam với ca khúc “Và con tim đã vui trở lại”. Đêm nhạc khơi lên cho mọi người sứ vụ hiệp thông trong tinh thần khiêm tốn, sống thực thi đức ái, niềm vui phục vụ, đó là ơn gọi mỗi tín hữu.

Đêm nhạc khép lại với lời cám ơn của Cha Vinhsơn. Ngài ngỏ lời tri ân Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Nữ Tu, Quý Ca Đoàn đã đem đến cho Hội nghị nhiều niềm vui, thắp sáng niềm hy vọng trong đời phục vụ. Cộng đoàn cùng hát “Kinh hoà bình” như ước nguyện mặc lấy tâm tư của Đức Kitô: Quảng Đại - Dấn Thân phụng sự Chúa và phục vụ con người trong tinh thần hiệp thông vì một sứ vụ yêu thương.

3. Ngày 29/11

Kinh sáng và Thánh lễ khởi đầu một ngày mới trong ân sủng và tình yêu Thiên Chúa. Đức Cha Đaminh chủ tế. Cuối thánh lễ ngài trao bằng ân nhân đến Caritas các Giáo phận.

Sau phần báo cáo tài chính của Caritas Việt Nam, đại diện các nhóm tổng kết thảo luận và các đề nghị. Nhiều ý kiến đóng góp quý báu trong giờ thảo luận chung tại hội trường.Mọi người đều mong muốn phát triển nội lực và tìm cách để hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động.

Ba giáo tĩnh bầu vị đại diện của mình.
Sài gòn: Lm Giuse Nguyễn Văn Uy (Xuân lộc);
Huế: Lm Marcello Đoàn Minh (Đà nẵng);
Hà nội: Lm GB Vũ Văn Kiện (Hải phòng).

Bế mạc Hội nghị

Cha Vinhsơn đúc kết nội dung chương trình Hội nghị thường niên, giới thiệu quý Lm đại diện 3 Giáo tỉnh.

Đức Cha Đaminh cảm ơn cha Tổng thư ký và các nhân viên trong văn phòng Trung ương đã hết lòng chuẩn bị và tổ chức HNTN 2013, cảm ơn sự hiện diện của quý cha giám đốc và các đại biểu từ 26 Giáo phận, các Dòng tu, các khách mời đã tề tựu, dù mệt nhọc vẫn luôn hăng say. Một bầu khí tốt đẹp của những tâm hồn cùng một ý hướng, cùng một tâm tình cầu nguyện cho tình bác ái được thể hiện trong những ngày qua.

Cha Vinhsơn đại diện ban tổ chức cảm ơn Quý Đức Cha, Quý Cha và toàn thể Quý Đại biểu về tham dự Hội nghị. Lời cảm ơn đặc biệt được gởi đến Đức Cha Đaminh, Đức Cha Giuse, Quý Cha, Quý Thầy và toàn thể những người cộng tác đã đón tiếp, phục vụ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của các Đại biểu suốt những ngày qua.

Giờ chầu Thánh Thể do Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến chủ sự với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã ban muôn ơn lành.

Hội nghị thường niên năm 2013 kết thúc trong tâm tình tri ân Thiên Chúa và cảm ơn nhau, cùng mở ra cho một năm mới của Caritas Việt Nam với nhiều đổi mới và nổ lực hơn trong việc phục vụ bác ái.

Sau cơm trưa thân mật, mọi người chia tay trở về nhiệm sở với những công việc bề bộn cuối năm.

Ngày 2/7/2008, Caritas Việt Nam chính thức trở lại với tư cách pháp nhân đầy đủ sau 32 năm ngưng hoạt động.

Ngày 22-23/10/2008, Caritas Việt Nam tổ chức Lễ Ra Mắt tại TGM Xuân Lộc, đến nay đã 5 năm đi vào nhiều hoạt động bác ái xã hội.

Trong lời ngỏ đặc san “Kỷ niệm 5 năm hoạt động”, ban biên tập viết:

5 năm ghi dấu một chặng đường.
Phúc lành Thiên Chúa mãi trào tuôn.
Chung lòng chung sức, chung thao thức.
Mọi nẻo đường đẹp nghĩa yêu thương.
5 năm qua là hành trình đặt nền móng và xây dựng cho mạng lưới hoạt động của Caritas Việt Nam.
5 năm – dấu ấn tình Chúa, tình người chung chia đan kết.
5 năm, thật ngắn trong “hành trình trồng người”, nhưng 5 năm cũng thật dài trong lời “cam kết dấn thân cho và với người nghèo”.


Chỉ có thời gian mới hiểu được giá trị của tình yêu. Năm năm hôm nay mở đường cho 5 năm ngày mai và cho cả tương lai đang vẫy gọi phía trước.

Kỷ niệm 5 năm hoạt động của Caritas Việt Nam là cơ hội để canh tân lời cam kết “dấn thân cho và với người nghèo” là lời mời gọi nỗ lực kiên trì hơn mỗi ngày để ghi lại những dấu ấn mến thương trong lòng dân tộc.