Đọc ‘Tôi Phải Sống’ Của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ
Trần Bình Nam
Cuốn Tôi Phải Sống, hồi ký tù đày của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ vừa được ra mắt độc giả lần đầu tiên hôm Chủ nhật 14/9/2003 tại Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California. Sau đó cuốn sách sẽ được ra mắt tại 14 thành phố khác ở Hoa Kỳ và hai thành phố ở Canada từ giữa tháng 9 cho đến hết tháng 11. Đầu năm 2004 Linh mục Lễ sẽ giới thiệu cuốn sách của mình tại Úc châu và Âu châu.
Ở hải ngoại không thiếu hồi ký về tù đày. Nhưng thiếu một cuốn hồi ký mà ngoài đói khát và khổ nhục trong nhà tù người ta tìm thấy những suy tư nặng trĩu về đất nước và dân tộc. Cuốn Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ là cuốn sách đó.
Cuốn sách dày 650 trang cho chúng ta theo dõi bước chân của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ trong 13 năm từ 1976 cho đến năm 1989 qua các trại tù, như một phần của trang sử đầy nước mắt của dân tộc Việt, từ trại giam Ban Mê Thuột, về Phan Đăng Lưu ở thành phố Sài gòn, ra trại Nam Hà ở miền Bắc, trại Cổng Trời trong tỉnh Hà Tuyên, Thanh Cẩm ở Thanh Hoá, rồi lại Nam Hà. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã trải qua những đoạn đường đan bằng máu và nước mắt. Vượt ngục, bị bắt, bị đánh gần chết, ba năm kỷ luật, điểm những nét tươi vui vào những năm tháng cuối cùng của những ngày tù đày ở trại Nam Hà với Trung úy T. và cô cán bộ tài vụ KT mà chỉ cần một chút éo le của cuộc đời đã có thể đưa đến một mối tình bất ngờ không ai biết được, nếu không có bàn tay của Thiên chúa cứu vớt ông.
Khổ ải của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ giống như khổ ải được báo trước của nàng Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh. Kiều được báo trước số phận mình trong buổi chơi Xuân gặp mộ Đạm Tiên. Còn số phận ông được định đoạt khi ông quyết định sống trước hết như một người Việt Nam (sau mới là một linh mục) không chấp nhận áp bức và cường quyền.
Sinh trưởng tại một làng quê trong đồng bằng sông Cửu Long ông lớn lên chơn chất giữa cảnh sông nước và đồng ruộng bao la mà từ thời thơ ấu đã thấy những xác người trôi sông báo hiệu một bầu trời ảm đạm sẽ phủ lên đất nước. Nỗi thống khổ của người dân Việt ông được chứng kiến đã là động cơ thúc đẩy ông muốn trở thành linh mục. Làm linh mục để sống với dân và phục vụ dân.
Thọ phong linh mục năm 1970 ông phục vụ Giáo hội Công giáo được 5 năm thì miền Nam sụp đổ. Đứng trước một chính quyền xây dựng trên chủ thuyết không công nhận tôn giáo ông cương quyết chống trả. Ông có thể chịu đựng nghịch cảnh và sự hành xách của cán bộ chính quyền tại họ đạo La Mã trong huyện Giồng Trôm nơi ông được chuyển về phục vụ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 để sống qua ngày, nhưng mang truyền thống bất khuất ông đi theo con đường của sĩ phu là con đường chống lại mọi bất công và đàn áp. Ông chọn thái độ: "không chấp nhận bất công, đủ điều kiện thì chống, yếu thì chạy, bị bắt thì tìm cách trốn." Con đường định mệnh của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ từ năm 1975 cho đến năm 1989 khi ông vượt biên thành công qua đến Thái Lan là con đường đó. Cái thái độ đó xác định số phận ba chìm bảy nổi của ông và giúp độc giả hiểu hành động của tác giả khi toan tính các cuộc đánh thoát trên tàu Sông Hương trên đường ra Bắc và toan tính vượt biên tại trại Cổng Trời năm 1977, cuộc vượt ngục tại trại Thanh Cẩm tháng 5 năm 1979 và một cuộc vượt ngục khác không thực hiện được năm 1982 cũng tại trại tù Thanh Cẩm. Một số người cho Linh mục Nguyễn Hữu Lễ quá mạo hiểm và không cân nhắc kỷ các điều kiện thực tế trước khi hành động nên thất bại, nhưng vấn đế đối với Linh mục Nguyễn Hữu Lễ là vấn đề nguyên tắc, trốn khỏi trại tù khi có thể trốn được như phương châm của tù binh theo Hiệp ước Geneva về tù binh. Ông đã hành động theo thúc bách của những gì ông đã cam kết với chính mình.
Phút thử thách nhất của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ là cuối năm 1977 tại trại Nam Hà khi ban giám trại yêu cầu ông phát biểu trước anh em tù về sự "yên tâm cải tạo". Họ chọn một linh mục vì họ biết nếu một linh mục đã đầu hàng thì mọi sự sẽ vào khuôn phép. Nhưng Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã phát biểu "không yên tâm cải tạo" với những lý do hùng hồn không chối cãi được. Lời phát biểu của ông là cái án tử hình của ông. Họ quyết giết ông. Họ đưa ông lên trại Cổng Trời để ông có lối về trời. Nhưng định mệnh lại cứu ông. Cuối năm 1978 Hồng quân Trung quốc sắp tràn qua biên giới họ phải đưa ông về trại Thanh Cẩm ở Thanh Hóa. Và sau khi ông vượt ngục bất thành ở Thanh Cẩm họ muốn đánh chết ông nhưng ông không chết và họ quyết giam ông tại trại kỷ luật cho đến khi ông chết ông vẫn không chết. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ tự hứa với mình: "tôi phải sống."
Nhưng qua những thử thách và đau thương cũng như đau đớn tận cùng đó cái kết tinh lại nơi Linh mục Nguyễn Hữu Lễ không phải là sự hận thù mà là lòng tha thứ. Ông yêu thương thấy đất nước Việt Nam và người Việt Nam xâu xé và chém giết nhau vì những điều nghĩ cho cùng là vô nghĩa. Ông viết nơi trang 600: "Một câu hỏi được đặt ra cho tất cả mọi người Việt Nam sau khi quê hương đã im tiếng súng, và mỗi người bắt buộc phải có một câu trả lời: 'Đứng trước tình cảnh của Dân Tộc Việt Nam như thế, bạn phải làm gì, và phải làm như thế nào?' Câu hỏi này được đặt ra cho tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt đang sống trong nước hay ở hải ngoại, không phân biệt đang ở vị thế cầm quyền hay là người dân bình thường, không phân biệt thuộc về phiá nào trong cuộc chiến trước kia, không phân biệt là kẻ đã gây ra tội ác hay là nạn nhân của những tội ác do kẻ khác gây ra"
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ muốn nói chúng ta hãy suy nghĩ xa hơn cuộc chiến tranh quốc cộng mà chúng ta là nạn nhân để trở lại yêu thương đất nước, yêu thương đồng bào. Hãy bình tâm nhìn lại ưu điểm và khuyết điểm của dân tộc để vượt thoát. Vượt thoát khỏi sự nghèo đói, chậm tiến và sự khinh thường của cộng đồng thế giới đối với một dân tộc có đủ mọi điều kiện về trí tuệ và thiên nhiên để được cộng đồng quốc tế kính nể. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã quyết sống để nói lên điều đó, một điều ông thấy được từ cõi chết.
Trở lại tác phẩm. Một cuốn sách dày 650 trang không thể không có khuyết điểm. Cái khuyết điểm chính là những điểm phụ không đóng góp gì cho giá trị của tác phẩm. Chuyện tù nhân nguyên tướng cướp Bình Thanh Đỗ Thanh Bình vốn tâm phục Linh mục Nguyễn Hữu Lễ như một người anh đã đánh gãy hai hàm răng của một tù nhân khác vì đã không làm đúng lễ tặng quà cho đàn anh cũng như việc định giết một tù nhân khác vì vô lễ với tác giả mang đậm màu sắc tàn bạo, trơ trụi của cuộc sống trong tù có thể có giá trị đối với một cuốn tiểu thuyết nào đó, trở thành lạc lõng trong hồi ký mang nặng tư duy thời đại như cuốn Tôi Phải Sống.
Hồi ký Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ có một nét đặc thù khác là văn chương. Văn phong ông truyền cảm mang đến cho người đọc một bầu trời chữ nghĩa điêu luyện như đi giữa những từng mây dù đang lê lết trong địa ngục trần gian. Ông sắp xếp diễn biến 13 năm tù đày không theo thứ tự thời gian nhưng chập lên nhau, tuần tự để độc giả nhìn được trọn bức tranh với một kỹ thuật khéo léo của một nhà văn, tuy trước tác phẩm này tôi biết Linh mục Nguyễn Hữu Lễ chưa viết một cuốn sách nào. Đọc cuốn Tôi Phải Sống tôi nhớ đến cuốn "Chuyện kể năm 2000" trong nước của nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa in xong đầu năm 2000 chưa kịp xuất bản thì bị cấm. Cũng chuyện tù đày, cũng cùng một kỹ thuật, cũng một thứ văn chương toàn bích. Cái khác là "Chuyện kể năm 2000" dài hơn (1000 trang) và đã có người nghĩ đến việc vận động đề nghị cuốn sách lên hội đồng xét giải văn chương Nobel. Cái trở ngại chính là Việt ngữ chưa phải là một ngôn ngữ có thế lực trên thế giới.
Và tình yêu? Cuốn Tôi Phải Sống không thiếu tình yêu nam nữ. Nàng cán bộ tài vụ KT của trại Nam Hà đã yêu người tù Nguyễn Hữu Lễ và người tù Nguyễn Hữu Lễ đã để cho quả tim mình rung động chăng?
Một bức tranh quá đẹp tôi không cuỡng lại được cái ý muốn chia xẻ với độc giả. Khung cảnh: trại Nam Hà. Người tù Nguyễn Hữu Lễ được trả tự do, giấy tờ vừa xong với cô cán bộ tài vụ KT. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ thuật:
".. ... tôi khoác chiếc ba-lô nhẹ hẫng lên vai và bước ra khỏi phòng tài vụ. KT xếp sổ sách giấy tờ trên bàn, đứng lên đi vòng ra phiá sau chiếc ghế dài bằng gỗ nặng chắc chắn, buớc theo ra, tiễn chân tôi. Chúng tôi đi song song bên nhau trong một hành lang dài và hẹp dẫn ra phiá mặt tiền nhà nằm dọc theo đường cái. Chúng tôi yên lặng bước đi, chẳng ai nói với ai câu gì, nhưng tôi có cảm tưởng chính sự thinh lặng trong lúc này lại nói lên nhiều hơn. Tự nhiên tôi chợt nhận ra, người con gái đang bước đi bên cạnh tôi lúc này không còn là người cán bộ tài vụ nữa, mà là người thân thiết của tôi. Nàng đã trở thành một người phụ nữ bình thường như bao nhiêu người phụ nữ khác với những xúc cảm tự nhiên trước lúc chia tay người thân và không còn hy vọng gặp lại.
Khi cả hai gần ra tới ngõ, tôi bất chợt dừng lại, quay sang nhìn KT và bắt gặp đôi mắt màu đen đang mở thật to nhìn tôi, hai hàng mi dài và cong. Nàng đang chớp mắt để che giấu sự xúc động. Tôi nhìn sâu vào mắt nàng, nói nhanh mấy câu giã từ:
- Thôi giã biệt KT! Chúc cô và gia đình ở lại gặp nhiều may mắn. Xin cám ơn sự lo lắng và giúp đỡ của cô trong thời gian qua.
- Anh Lễ! Đừng nói những lời cám ơn!.. .... Vừa nói, nàng vừa tiến lại sát bên tôi trong một cung cách rất tự nhiên của một người em gái trong lúc tiễn biệt người anh. Tôi nắm lấy và bóp nhẹ bàn tay bé nhỏ có các ngón thon dài của KT. Nàng để yên bàn tay trong tay tôi. Tôi nghe tay nàng nóng, đang run nhẹ.... Mắt nàng ướt long lanh, chớp thật nhanh nhìn tôi.. ...... Giọng nàng nhẹ như trong hơi thở:
- Anh đi bình yên.
Tôi buông tay nàng ra... ........ xốc lại chiếc ba-lô trên vai và bước vội mấy bậc tam cấp lên đường cái.. ...."
Đọc Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ tôi cảm thấy được cái chất thật của con người nói chung và con người Việt Nam nơi ông. Qua đau khổ của tâm hồn và thể xác ông tìm được sự thật nơi con người và sự thật của Việt Nam. Việt Nam đau khổ. Việt nam oai hùng nhưng Việt Nam dẫm lên nhau mà chết.
Qua đau khổ cùng cực của bản thân mình ông kêu gọi một sự vượt thoát cho tương lai của đất nước và dân tộc. Đó là thông điệp của Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ.
September 14, 2003
http://www.vnet.org/tbn
Trần Bình Nam
Cuốn Tôi Phải Sống, hồi ký tù đày của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ vừa được ra mắt độc giả lần đầu tiên hôm Chủ nhật 14/9/2003 tại Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California. Sau đó cuốn sách sẽ được ra mắt tại 14 thành phố khác ở Hoa Kỳ và hai thành phố ở Canada từ giữa tháng 9 cho đến hết tháng 11. Đầu năm 2004 Linh mục Lễ sẽ giới thiệu cuốn sách của mình tại Úc châu và Âu châu.
Ở hải ngoại không thiếu hồi ký về tù đày. Nhưng thiếu một cuốn hồi ký mà ngoài đói khát và khổ nhục trong nhà tù người ta tìm thấy những suy tư nặng trĩu về đất nước và dân tộc. Cuốn Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ là cuốn sách đó.
Cuốn sách dày 650 trang cho chúng ta theo dõi bước chân của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ trong 13 năm từ 1976 cho đến năm 1989 qua các trại tù, như một phần của trang sử đầy nước mắt của dân tộc Việt, từ trại giam Ban Mê Thuột, về Phan Đăng Lưu ở thành phố Sài gòn, ra trại Nam Hà ở miền Bắc, trại Cổng Trời trong tỉnh Hà Tuyên, Thanh Cẩm ở Thanh Hoá, rồi lại Nam Hà. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã trải qua những đoạn đường đan bằng máu và nước mắt. Vượt ngục, bị bắt, bị đánh gần chết, ba năm kỷ luật, điểm những nét tươi vui vào những năm tháng cuối cùng của những ngày tù đày ở trại Nam Hà với Trung úy T. và cô cán bộ tài vụ KT mà chỉ cần một chút éo le của cuộc đời đã có thể đưa đến một mối tình bất ngờ không ai biết được, nếu không có bàn tay của Thiên chúa cứu vớt ông.
Khổ ải của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ giống như khổ ải được báo trước của nàng Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh. Kiều được báo trước số phận mình trong buổi chơi Xuân gặp mộ Đạm Tiên. Còn số phận ông được định đoạt khi ông quyết định sống trước hết như một người Việt Nam (sau mới là một linh mục) không chấp nhận áp bức và cường quyền.
Sinh trưởng tại một làng quê trong đồng bằng sông Cửu Long ông lớn lên chơn chất giữa cảnh sông nước và đồng ruộng bao la mà từ thời thơ ấu đã thấy những xác người trôi sông báo hiệu một bầu trời ảm đạm sẽ phủ lên đất nước. Nỗi thống khổ của người dân Việt ông được chứng kiến đã là động cơ thúc đẩy ông muốn trở thành linh mục. Làm linh mục để sống với dân và phục vụ dân.
Thọ phong linh mục năm 1970 ông phục vụ Giáo hội Công giáo được 5 năm thì miền Nam sụp đổ. Đứng trước một chính quyền xây dựng trên chủ thuyết không công nhận tôn giáo ông cương quyết chống trả. Ông có thể chịu đựng nghịch cảnh và sự hành xách của cán bộ chính quyền tại họ đạo La Mã trong huyện Giồng Trôm nơi ông được chuyển về phục vụ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 để sống qua ngày, nhưng mang truyền thống bất khuất ông đi theo con đường của sĩ phu là con đường chống lại mọi bất công và đàn áp. Ông chọn thái độ: "không chấp nhận bất công, đủ điều kiện thì chống, yếu thì chạy, bị bắt thì tìm cách trốn." Con đường định mệnh của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ từ năm 1975 cho đến năm 1989 khi ông vượt biên thành công qua đến Thái Lan là con đường đó. Cái thái độ đó xác định số phận ba chìm bảy nổi của ông và giúp độc giả hiểu hành động của tác giả khi toan tính các cuộc đánh thoát trên tàu Sông Hương trên đường ra Bắc và toan tính vượt biên tại trại Cổng Trời năm 1977, cuộc vượt ngục tại trại Thanh Cẩm tháng 5 năm 1979 và một cuộc vượt ngục khác không thực hiện được năm 1982 cũng tại trại tù Thanh Cẩm. Một số người cho Linh mục Nguyễn Hữu Lễ quá mạo hiểm và không cân nhắc kỷ các điều kiện thực tế trước khi hành động nên thất bại, nhưng vấn đế đối với Linh mục Nguyễn Hữu Lễ là vấn đề nguyên tắc, trốn khỏi trại tù khi có thể trốn được như phương châm của tù binh theo Hiệp ước Geneva về tù binh. Ông đã hành động theo thúc bách của những gì ông đã cam kết với chính mình.
Phút thử thách nhất của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ là cuối năm 1977 tại trại Nam Hà khi ban giám trại yêu cầu ông phát biểu trước anh em tù về sự "yên tâm cải tạo". Họ chọn một linh mục vì họ biết nếu một linh mục đã đầu hàng thì mọi sự sẽ vào khuôn phép. Nhưng Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã phát biểu "không yên tâm cải tạo" với những lý do hùng hồn không chối cãi được. Lời phát biểu của ông là cái án tử hình của ông. Họ quyết giết ông. Họ đưa ông lên trại Cổng Trời để ông có lối về trời. Nhưng định mệnh lại cứu ông. Cuối năm 1978 Hồng quân Trung quốc sắp tràn qua biên giới họ phải đưa ông về trại Thanh Cẩm ở Thanh Hóa. Và sau khi ông vượt ngục bất thành ở Thanh Cẩm họ muốn đánh chết ông nhưng ông không chết và họ quyết giam ông tại trại kỷ luật cho đến khi ông chết ông vẫn không chết. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ tự hứa với mình: "tôi phải sống."
Nhưng qua những thử thách và đau thương cũng như đau đớn tận cùng đó cái kết tinh lại nơi Linh mục Nguyễn Hữu Lễ không phải là sự hận thù mà là lòng tha thứ. Ông yêu thương thấy đất nước Việt Nam và người Việt Nam xâu xé và chém giết nhau vì những điều nghĩ cho cùng là vô nghĩa. Ông viết nơi trang 600: "Một câu hỏi được đặt ra cho tất cả mọi người Việt Nam sau khi quê hương đã im tiếng súng, và mỗi người bắt buộc phải có một câu trả lời: 'Đứng trước tình cảnh của Dân Tộc Việt Nam như thế, bạn phải làm gì, và phải làm như thế nào?' Câu hỏi này được đặt ra cho tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt đang sống trong nước hay ở hải ngoại, không phân biệt đang ở vị thế cầm quyền hay là người dân bình thường, không phân biệt thuộc về phiá nào trong cuộc chiến trước kia, không phân biệt là kẻ đã gây ra tội ác hay là nạn nhân của những tội ác do kẻ khác gây ra"
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ muốn nói chúng ta hãy suy nghĩ xa hơn cuộc chiến tranh quốc cộng mà chúng ta là nạn nhân để trở lại yêu thương đất nước, yêu thương đồng bào. Hãy bình tâm nhìn lại ưu điểm và khuyết điểm của dân tộc để vượt thoát. Vượt thoát khỏi sự nghèo đói, chậm tiến và sự khinh thường của cộng đồng thế giới đối với một dân tộc có đủ mọi điều kiện về trí tuệ và thiên nhiên để được cộng đồng quốc tế kính nể. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã quyết sống để nói lên điều đó, một điều ông thấy được từ cõi chết.
Trở lại tác phẩm. Một cuốn sách dày 650 trang không thể không có khuyết điểm. Cái khuyết điểm chính là những điểm phụ không đóng góp gì cho giá trị của tác phẩm. Chuyện tù nhân nguyên tướng cướp Bình Thanh Đỗ Thanh Bình vốn tâm phục Linh mục Nguyễn Hữu Lễ như một người anh đã đánh gãy hai hàm răng của một tù nhân khác vì đã không làm đúng lễ tặng quà cho đàn anh cũng như việc định giết một tù nhân khác vì vô lễ với tác giả mang đậm màu sắc tàn bạo, trơ trụi của cuộc sống trong tù có thể có giá trị đối với một cuốn tiểu thuyết nào đó, trở thành lạc lõng trong hồi ký mang nặng tư duy thời đại như cuốn Tôi Phải Sống.
Hồi ký Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ có một nét đặc thù khác là văn chương. Văn phong ông truyền cảm mang đến cho người đọc một bầu trời chữ nghĩa điêu luyện như đi giữa những từng mây dù đang lê lết trong địa ngục trần gian. Ông sắp xếp diễn biến 13 năm tù đày không theo thứ tự thời gian nhưng chập lên nhau, tuần tự để độc giả nhìn được trọn bức tranh với một kỹ thuật khéo léo của một nhà văn, tuy trước tác phẩm này tôi biết Linh mục Nguyễn Hữu Lễ chưa viết một cuốn sách nào. Đọc cuốn Tôi Phải Sống tôi nhớ đến cuốn "Chuyện kể năm 2000" trong nước của nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa in xong đầu năm 2000 chưa kịp xuất bản thì bị cấm. Cũng chuyện tù đày, cũng cùng một kỹ thuật, cũng một thứ văn chương toàn bích. Cái khác là "Chuyện kể năm 2000" dài hơn (1000 trang) và đã có người nghĩ đến việc vận động đề nghị cuốn sách lên hội đồng xét giải văn chương Nobel. Cái trở ngại chính là Việt ngữ chưa phải là một ngôn ngữ có thế lực trên thế giới.
Và tình yêu? Cuốn Tôi Phải Sống không thiếu tình yêu nam nữ. Nàng cán bộ tài vụ KT của trại Nam Hà đã yêu người tù Nguyễn Hữu Lễ và người tù Nguyễn Hữu Lễ đã để cho quả tim mình rung động chăng?
Một bức tranh quá đẹp tôi không cuỡng lại được cái ý muốn chia xẻ với độc giả. Khung cảnh: trại Nam Hà. Người tù Nguyễn Hữu Lễ được trả tự do, giấy tờ vừa xong với cô cán bộ tài vụ KT. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ thuật:
".. ... tôi khoác chiếc ba-lô nhẹ hẫng lên vai và bước ra khỏi phòng tài vụ. KT xếp sổ sách giấy tờ trên bàn, đứng lên đi vòng ra phiá sau chiếc ghế dài bằng gỗ nặng chắc chắn, buớc theo ra, tiễn chân tôi. Chúng tôi đi song song bên nhau trong một hành lang dài và hẹp dẫn ra phiá mặt tiền nhà nằm dọc theo đường cái. Chúng tôi yên lặng bước đi, chẳng ai nói với ai câu gì, nhưng tôi có cảm tưởng chính sự thinh lặng trong lúc này lại nói lên nhiều hơn. Tự nhiên tôi chợt nhận ra, người con gái đang bước đi bên cạnh tôi lúc này không còn là người cán bộ tài vụ nữa, mà là người thân thiết của tôi. Nàng đã trở thành một người phụ nữ bình thường như bao nhiêu người phụ nữ khác với những xúc cảm tự nhiên trước lúc chia tay người thân và không còn hy vọng gặp lại.
Khi cả hai gần ra tới ngõ, tôi bất chợt dừng lại, quay sang nhìn KT và bắt gặp đôi mắt màu đen đang mở thật to nhìn tôi, hai hàng mi dài và cong. Nàng đang chớp mắt để che giấu sự xúc động. Tôi nhìn sâu vào mắt nàng, nói nhanh mấy câu giã từ:
- Thôi giã biệt KT! Chúc cô và gia đình ở lại gặp nhiều may mắn. Xin cám ơn sự lo lắng và giúp đỡ của cô trong thời gian qua.
- Anh Lễ! Đừng nói những lời cám ơn!.. .... Vừa nói, nàng vừa tiến lại sát bên tôi trong một cung cách rất tự nhiên của một người em gái trong lúc tiễn biệt người anh. Tôi nắm lấy và bóp nhẹ bàn tay bé nhỏ có các ngón thon dài của KT. Nàng để yên bàn tay trong tay tôi. Tôi nghe tay nàng nóng, đang run nhẹ.... Mắt nàng ướt long lanh, chớp thật nhanh nhìn tôi.. ...... Giọng nàng nhẹ như trong hơi thở:
- Anh đi bình yên.
Tôi buông tay nàng ra... ........ xốc lại chiếc ba-lô trên vai và bước vội mấy bậc tam cấp lên đường cái.. ...."
Đọc Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ tôi cảm thấy được cái chất thật của con người nói chung và con người Việt Nam nơi ông. Qua đau khổ của tâm hồn và thể xác ông tìm được sự thật nơi con người và sự thật của Việt Nam. Việt Nam đau khổ. Việt nam oai hùng nhưng Việt Nam dẫm lên nhau mà chết.
Qua đau khổ cùng cực của bản thân mình ông kêu gọi một sự vượt thoát cho tương lai của đất nước và dân tộc. Đó là thông điệp của Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ.
September 14, 2003
http://www.vnet.org/tbn