Chúa Nhật XXII THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 14,1.7-14
HÃY NGHĨ ĐẾN KẺ KHÓ NGHÈO
Trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài sống hoàn toàn hòa đồng với con người, Ngài không xa cách, không sống khắc khổ như những Rabbi hay một vị khổ tu nào đó. Chúa Giêsu xuất thân từ quần chúng, từ giới lao động, Ngài cảm thông với con người, đặc biệt những con người nghèo hèn, đau khổ. Ba năm đi giảng đạo, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đi theo Ngài…Ngài giảng dạy trong các Hội Đường, Ngài đi khắp nơi lúc giảng nơi đường phố, lúc trên núi, dưới các cánh đồng, lúc bồng bềnh trên sóng nước mênh mông. Chúa thường ví Nước Trời như một tiệc cưới. Ngài cũng đi tham dự các tiệc cưới khi được mời,Ngài cũng đi dự các bữa cơm gia đình để sống trọn đời thường, tình làng nghĩa xóm vv…Chúa cũng nhận lời mời dùng cơm ở các nhà của người Biệt phái dù Ngài biết họ mời Ngài để dò xét hơn là vì họ hiếu khách vv…
Chúa Giêsu đã có những thái độ, những cử chỉ rất người của mình, như trong bữa tiệc tại nhà ông Simon, Chúa đã tha thứ cho người đàn bà tội lỗi nhưng lại có lòng thống hối, ăn năn. Chúa Giêsu lại có lối cư xử tình người và rất tự nhiên đến nỗi một số môn đệ của Gioan đã gán cho Ngài thích chè chén yến tiệc vv…Chuyện thuật rằng hôm ấy là ngày sabbát, Chúa Giêsu được một thủ lãnh Biệt phái mời đến nhà ông để dự tiệc. Thực tế, khi mời Chúa Giêsu, họ tìm cách dò xét Ngài để lên án Ngài. Do đó, hôm nay họ tấp nập đến ăn tiệc và đồng thời để dò xét Ngài. Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu lại là người dò xét họ trước. Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn rất bình thường, Ngài nói rằng khi được mời dự tiệc chúng ta đừng chọn chỗ nhất. Vì biết đâu gia chủ có mời vị nào có thế giá hơn mình, nên buộc lòng chủ nhà phải mời mình nhường chỗ cho khách, thì mình xấu hổ biết bao. Cho nên, từ một bài học xã giao thường thức, Chúa Giêsu muốn nhắm về một ý tưởng cao thương hơn:” Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống.Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên “. Thực vậy, muốn chiếm một chỗ trong Nước Trời, con người phải hạ mình trước mặt Thiên Chúa và làm theo ý của Ngài. Con người cũng phải đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, nghĩa là trở nên đơn sơ, thánh thiện và ngoan ngùy trước mặt Chúa.
Và trong bữa tiệc kéo dài hôm nay, Chúa Giêsu còn dùng nhiều cơ hội để dạy dỗ con người như Ngài nói với gia chủ hãy nghĩ đến người nghèo, người cùng khổ.Qua việc nhắc nhở gia chủ, Chúa Giêsu cũng dạy dỗ tất cả chúng ta. Sống ở đời, người ta thường cân nhắc, mời ai để họ có thể mời lại mình. Đó là việc xã giao rất bình thường ở đời này. Bởi vì ở đời thường người ta mời mọc hay cho chác là mong được mời lại, cho lại vv…Chúa Giêsu khuyên mọi người chúng ta quan tâm đến những người nghèo, những người neo đơn, túng cực,những người này chẳng có gì để trả lại.Những người nghèo là những người vô tư lợi, những người tay trắng lòng ngay, do đó, họ sống rất thanh tao, cao đẹp trước mặt Thiên Chúa.
Marc Sevin đã viết :” Kết luận của Chúa Giêsu mang mầu sắc của một châm ngôn:” Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên “. “Tự hạ mình “ và “ tôn lên “:hai động tự này không mang nghĩa chung chung.Các Kitô hữu áp dụng hai động tự này cho Chúa Giêsu, Đấng được sinh ra để làm tôi tớ. Người đã sống lại, được tán dương và ngự bên hữu Chúa Cha. Chúa Giêsu đã hạ mình xuống và đã được nâng lên. Người trở nên gần gũi với những ai khốn khổ bần cùng nhất. Vậy nên, thánh sử Luca đưa Chúa Giêsu vào trong ví dụ. Các môn đệ cũng đi theo những bước chân của Thầy mình, và chọn cuộc sống như Chúa để trở nên những người phục vụ “.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn hiểu rằng Chúa yêu thương mọi người bằng một tình yêu vô vị lợi. Chúa luôn quan tâm đến mọi hạng người. Chúa luôn tha thứ tội lỗi cho những ai thật lòng sám hối ăn năn. Xin cho chúng con biết học cùng Chúa :” Hiền Lành và Khiêm Nhượng “ vì Chúa đã nói :” Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên “.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Chúa Giêsu dùng tiệc tại nhà ai ?
2.Chúa Giêsu ví Nước Trời thế nào ?
3.Tại sao chúng ta lại phải quan tâm đến những người nghèo khó ?
4.Nâng mình và hạ mình nghĩa là làm sao ?