I.- NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN LÀ AI ?
Lúc 11 giờ ngày 14.10.2012, khoảng 10 công an phường Tây thạnh (TP. Hồ Chí Minh) ập vào phòng trọ bắt cóc sinh viên Nguyễn Phương Uyên, sinh năm 1992 và nói là để xác minh về truyền đơn chống Trung quốc xâm lược do cô dán. Cha mẹ và bà nội Uyên đã đến cơ quan công an phường này và quận Tân phú để tìm nhưng chúng nói là không có bắt giữ cô, khiến gia đình đau khổ và rất lo lắng cho sự an nguy của Uyên. Em trai 8 tuổi liên tục gọi điện thoại cho chị, nhưng phải thất vọng vì không liên hệ được và than ‘con nhớ chị quá’ làm cho gia đình đã buồn lại càng thêm sợ. Bà ngoại Uyên đang bệnh nặng nên gia đình không dám báo tin cháu bị bắt. Tại sao công an phải nói láo như thế và tại sao cô sinh viên phải bị nhốt trong nhà ngủ trái Luật Tố tụng Hình sự ?
Lúc đó, Phương Uyên đang là Ủy viên Ban Chấp hành chi đoàn Thanh niên cộng sản của lớp, kiêm phát thanh viên Đoàn của Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Vì ‘học rất giỏi nên được nhiều thầy cô bạn bè yêu mến’, nên ngày 20.10.2013, các bạn Uyên đã gởi thư xin Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên tiếng giúp đỡ bạn Phương Uyên, người có đạo đức tốt, được lòng bạn bè và thầy cô, luôn xung phong đi đầu trong các hoạt động về phúc lợi xã hội do Đoàn trường phát động, và gia cảnh khó khăn của bạn và nỗi lòng của một người cha, người mẹ đã mất con mà can thiệp giúp cho bạn Uyên sớm về lại với gia đình. Thơ không được chuyển đi…
Ngày 22.10.2012, bà Nguyễn thị Nhung, mẹ Phương Uyên, đi tìm con. Sau khi trường, nơi Uyên học, trả lời không biết gì về việc Uyên bị bắt, bà đến hỏi công an phường Tây thạnh, lần này họ mới công nhận Uyên bị bắt và cho biết họ đã đưa cháu đi Long an, nhưng không nói lý do tại sao bắt Phương Uyên. Chúng cho bà gửi quần áo cho Phương Uyên, nhưng chỉ ghi thêm ‘Mẹ yêu con’, chúng không cho gửi.
Ngày 03.11.2012, Công an TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Long An phối hợp tổ chức họp báo công bố kết quả cuộc điều tra và thông tin việc khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với Đinh Nguyên Kha, sinh năm 1988, và Nguyễn Phương Uyên, sinh năm 1992. Đại tá công an Nguyễn Sáu, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra ‘dày kinh nghiệm’ cho biết các đương sự đã viết bản nhận tội có các hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN VN) được quy định tại điều 88 Bộ Luật Hình sự như phân tán các dán các khẩu hiệu và cờ vàng ba sọc đỏ.
II.- CÁC PHIÊN XỬ NGƯỜI YÊU NƯỚC.
A./ Phiên xử sơ thẩm.
« Tôi thấy em
áo trắng giữa phiên tòa
Lời nói hùng hồn sinh viên
Lời yêu thương dân tộc
Lời đấu tranh cho quê hương
Quê hương mình bây giờ rách rưới
Em học trò đứng lên giữa hỗn mang cuộc đời
Đem lại nụ cười tươi
Quê hương hôm nay có các em
Quê hương hãnh diện có các em… »
Sau 7 tháng điều tra và dàn dựng, ngày 16.05.2013, Tòa án nhân dân tỉnh Long An tổ chức phiên xử vụ tuyên truyền chống phá nhà nước. Phiên tòa được tuyên bố là ‘xét xử công khai, nhưng song thân Nguyễn Phương Uyên không hề nhận được giấy báo phiên xử. Khi đến tòa, chỉ bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ Phương Uyên, được vào, còn cha Phương Uyên, ông Nguyễn Duy Linh, và em trai cô phải ngồi ngoài cổng tòa. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ Đinh Nguyên Kha, cho biết: « Mặc dù Đinh Nhật Uy, anh trai của Kha, có lệnh triệu tập của tòa án, lúc đầu cũng không được vào nơi xử án, nhân viên tòa án phải ra gọi tên thì công an mới cho vào ». Trong khi đó, phòng xử đã dành cho những ‘kẻ vô tích sự’, giới chức tòa án cố tình vi phạm Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ là ‘mọi người đều có quyền tham dự’, bằng dùng mọi thủ đoạn dã man để cản trở. Tại sao chúng phải hành động như vậy ? Ít nhất, có 2 lý do :
- Làm bị cáo thêm sợ khi thấy mình lẽ loi, không có người thân hiện diện trong phòng xử như con cừu non giữa bầy sói dữ ;
- Những kẻ vô can không quan tâm đến những đối chất giữa bị can và các thành viên hội đồng xử án bất lợi cho đảng. Nhân danh công lý, Tòa án mặc tình vi phạm cả Hiến pháp lẫn luật, bất chấp cả lẽ phải và sự thật, để buộc tội, tuyên phán bằng những ‘bản án bỏ túi’.
Hôm nay, Phương Uyên đã tố cáo trước tòa rằng: « Khi bị giam giữ ở công an phường Tây Thạnh 2 hôm. Khi bắt, họ không đưa ra một chứng từ pháp lý nào, hoàn toàn vi phạm luật pháp. Sau đó, tôi bị họ ép vào trong khách sạn, giữ trong khách sạn 5 ngày. Xin gọi điện về cho gia đình họ cũng không cho. Họ bắt phải viết giấy hợp tác. Tôi nói rõ là lúc đó đang trong giai đoạn học thi, khi bị ép vào khách sạn buộc viết giấy thì phải viết vì họ hứa sẽ cho về thi. Tôi nói: ‘Trong lúc đó tôi rất hoảng hốt, sợ bỏ thi, cho nên họ bắt viết giấy, tôi viết.’ Trong giai đoạn đó bị ép buộc, họ bắt làm gì, viết gì, tôi đành chấp nhận để được trở về thi theo lời hứa của họ ».
tại tòa Uyên có nói Uyên bị giam giữ ở công an phường Tây Thạnh 2 hôm. Khi bắt, họ không đưa ra một chứng từ pháp lý nào, hoàn tòan vi phạm luật pháp. Sau đó, Uyên bị họ ép vào trong khách sạn, giữ trong khách sạn 5 ngày. Uyên xin gọi điện về cho gia đình họ cũng không cho. Họ bắt Uyên phải viết giấy hợp tác. Uyên nói rõ là lúc đó đang trong giai đoạn học thi, khi bị ép vào khách sạn buộc viết giấy thì Uyên viết vì họ hứa sẽ cho về thi. Uyên nói: « Trong lúc đó tôi rất hoảng hốt, sợ bỏ thi, cho nên họ bắt viết giấy, tôi viết ». Uyên nói trong giai đoạn đó bị ép buộc, họ bắt làm gì, viết gì, Uyên đành chấp nhận để được trở về thi theo lời hứa của họ.
Một điều mỉa mai vụ án là Bản cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An, do Phó viện trưởng Nguyễn Tiến Nghiệp ký, quy tội Nguyễn Phương Uyên là : ‘Uyên sử dụng hai mảnh vải trắng, lấy máu pha loãng với nước, rồi dùng ngón tay chấm viết, một mảnh có nội dung phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam, mảnh còn lại có nội dung không hay về Trung Quốc.’ Không lẽ chúng muốn Phương Uyên phải ngợi khen Trung Quốc? Phương Uyên việc chống Trung Quốc thì chắc không có điều nào trong cả Bộ Luật Hình sự quy định.
Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An quyết định: « Truy tố ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Long An để xét xử các bị can Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN', quy định tại điểm c khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự », tức truy tố về tội: « Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCN VN ». Thế nhưng, Bản cáo trạng không đưa ra được bất cứ một bằng chứng cụ thể nào để chứng tỏ hai thanh niên này ‘chống Nhà nước CHXHCNVN VN’. Trước tòa, cả hai đều khẳng định rằng họ không ‘chống Nhà nước CHXHCN VN’. Về nhân chứng vụ án, tuy Bản cáo trạng và kết luận điều tra có ghi là có 3 nhân chứng nhưng cả 3 đều không có mặt ở phiên tòa này chứng tỏ rằng nhà cầm quyền lấn cấn trong việc buộc tội và tiền hậu bất nhất. Về tang chứng, quan trọng nhất là các khẩu hiệu buộc tội hai bạn trẻ yêu nước. Các luật sư yêu cầu nhưng chủ tọa không dám trưng các khẩu hiệu này cũng như biên bản giám định nội dung của các khẩu hiệu.
Nguyễn Phương Uyên long trọng nói trước Tòa: « Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm. » và yêu cầu : « Việc tôi làm thì tôi chịu xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn ». Lời Phương Uyên nói sau cùng này làm cho cả phòng xử án bàng hoàng và không khí chùng xuống. Sau phiên xử, Bà Nhung còn cho phóng viên đài VOA biết Uyên nói: « Tôi dùng máu viết khẩu hiệu ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Đông’ và ‘Đảng cộng sản chết đi’, khẩu hiệu bị cho là ‘phỉ báng đảng cộng sản Việt Nam’, là vì tôi thể hiện lòng yêu nước khi tôi căm phẫn Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam đến tột cùng sự phẫn uất… » Khi Uyên nói đến đây, quan tòa ngăn lại, không cho nói nữa.
Đinh Nguyên Kha xác quyết : « Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội ».
Bất chấp luận cứ vững chắc và tài năng bào chữa của các luật sư và thái độ tự tin của hai thanh niên áo trắng, Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã tuyên phạt Nguyễn Phương Uyên 6 năm tù và Đinh Nguyên Kha 8 năm tù và cả hai còn bị quản thúc 3 năm tại địa phương. Ngày 16.05.2013 từ nay được ghi dấu như là một ngày ô nhục cho chế độ cộng sản, không chỉ vì bản án hết sức nặng nề cho người yêu nước mà còn đánh đấu lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông của giặc Tàu cộng tuyên bố chính thức có hiệu lực vào 12 giờ cùng ngày. Tiếp theo, khi xe tù chở Phương Uyên và Nguyên Kha rời khỏi sân tòa, cũng là lúc, tại vùng biển Trường sa, 32 tàu chiến Trung quốc ồ ạt đổ quân cướp trọn Biển Đông.
B./ Phiên xử phúc thẩm.
Vài ngày trước phiên Tòa phúc thẩm ngày 16.08.2013, bà Dung, mẹ Phương Uyên, có nhận những lần điện thoại lạ khuyên nhủ bà làm sao để Uyên không ‘căng’ với cơ quan an ninh điều tra. Nhưng Uyên lớn rồi, đã đủ trưởng thành, và hơn nữa còn đủ tư cách để tự quyết định về cuộc đời mình, về con đường mà Uyên đã và sẽ đi theo. Đồng thời, tin Nguyên Kha buộc phải viết đơn từ chối luật sư bào chữa và thậm chí chuyện điều tra đối với Kha có thể ‘chuyển hướng’ nếu anh chịu nhân nhượng một vài điểm nào đó.
Tại phiên tòa phúc thẩm ‘công khai’ này, cha mẹ hai thanh niên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đều không được cho vào tòa. Khi bước vào phòng xử án, Phương Uyên đưa mắt tìm kiếm cha mẹ và người thân để củng cố niềm tin… nhưng không thấy và cũng không nghe được gì về tiếng hô ủng hộ Uyên Kha ở bên ngoài tòa án. Từ vài ngày trước phiên xử, Kha đã từ chối luật sư bào chữa, Uyên chỉ từ chối luật sư vậy khi phiên tòa bắt đầu. Đại diện Viện kiểm sát hỏi tại sao Kha từ chối luật sư, anh nói muốn giảm nhẹ tội và nhiều lý do khác. Phương Uyên nói sẽ tự bào chữa ở tòa. Mục tiêu phiên tòa phúc thẩm là ép các bị cáo nhận tội để giảm án theo ‘sự khoan hồng của đảng và nhà nước’. Nếu có luật sư bào chữa theo hướng vô tội thì… kẹt. Tuy nhiên, mọi diễn biến không xảy ra như ‘người ta’ muốn vì Phương Uyên lẫn Nguyên Kha đều kêu oan chứ không xin giảm tội. Cô sinh viên Uyên nói với Hội đồng Xét xử ‘yêu cầu xử đúng người đúng tội’ : những hành động chống đảng cộng sản quy định nơi điều 258 Bộ luật hình sự chứ không phải điều 88 như đã tuyên xử. Hội đồng Xét xử chới với Kiểm sát viên đều lúng túng đòi xử theo Điều 4 Hiến pháp.
Do đó, lúc 10 giờ 30, Viện Kiểm sát đề nghị Tòa giữ nguyên mức án 6 năm đối với Phương Uyên, giảm mức án từ 8 năm xuống còn từ 5 đến 6 năm cho Nguyên Kha. Nhưng, khoảng 15 giờ 30, khi điều luật 88 bị thay đổi thành điều 258 Bộ luật hình sự thì Kiểm sát viên hạ giọng để đề nghị các mức án khác với mức đã đưa ra trong phần luận tội. Khoảng 16 giờ, Thẩm phán chủ tọa Trương Thị Minh Thơ tuyên án Đinh Nguyên Kha giảm phân nửa còn 4 năm và 3 năm quản chế và Nguyễn Phương Uyên 3 năm tù hưởng án treo, chịu 52 tháng thử thách và được trả tự do tại tòa.
III.- TỰ DO VỚI ÁN TREO VÀ NHỮNG THÁNG THỬ THÁCH.
Sau khi được hưởng tự do với án treo 3 năm, sinh viên yêu nước Phương Uyên chạy về trong vòng tay bà Nguyễn Thị Nhung để ‘con nhảy chồm lên ôm cổ mẹ. Mẹ ôm hôn lên đôi gò má vẫn còn phản phất mùi sữa mẹ của con. Mẹ vén mớ tóc lòa xòa để hôn lên trán con yêu của mẹ.con nhảy chồm lên ôm cổ mẹ. Mẹ ôm hôn lên đôi gò má vẫn còn phản phất mùi sữa mẹ của con. Mẹ vén mớ tóc lòa xòa để hôn lên trán con yêu của mẹ. (Trích ‘Mẹ yêu con’ do bà Nhung viết). Tiếp đến, những thân nhân và bằng hữu lần lượt đến chúc mừng và không ít những ‘đèn flash’ thi nhau nháy sáng cả một góc trời. Vì biến cố khá bất ngờ, gia đình Phương Uyên và những ai quan tâm đến công lý hòa bình, dân chủ tự do đã hân hoan góp mặt vui mừng ‘đón Uyên về trong niềm vui vỡ lở’ tại Phòng Công lý Hòa bình Dòng Chúa Cứu Thế.
Tại cơ sở Công Giáo này, Phương Uyên đã trả lời phóng viên Thụy My (Radio France Internationale) :
RFI: Làm sao Uyên có thể giữ vững tinh thần được như vậy? Uyên còn trẻ, và chắc chắn là ở trong tù thì không thể như ở ngoài…
- Dạ vâng, người ta bảo gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, ở đâu thì lại giống ở đấy thôi. Đôi khi lòng mình vẫn bị lung lay, sợ liên lụy đến những người bạn, đến cả gia đình. Nhưng em suy nghĩ, kinh Phật đã dạy em một câu: Cuộc sống chỉ là giả và tạm, sống trăm năm rồi cuối cùng cũng trở về với cát bụi.
Bởi vậy em không thể nào ‘bán danh chỉ có ba đồng’. Không thể nào làm trái lương tâm của mình được. Em không thể từ bỏ quan điểm, lập trường của riêng em. Đó là động lực thúc đẩy để em đứng trước tòa, tự bào chữa cho mình, cũng như giữ vững quan điểm và lập trường của mình.
RFI: Uyên vừa dẫn kinh Phật nhưng Uyên lại đang ở trong nhà thờ. Có lẽ đây là dịp để mọi người đoàn kết lại?
- Vâng. Em chỉ có thể nói một lời: Cảm ơn tất cả mọi người trong nước cũng như trên thế giới! ‘We are one’- chúng ta là một, ở đâu cũng vậy, phải có công lý. Công lý và công bằng sẽ phải trở lại! Em hy vọng là trở lại càng sớm càng tốt.
Ngày 17.08.2013, gia đình Nguyễn Phương Uyên đến Dòng Chúa Cứu Thế để xin các Linh mục cùng dâng Thánh Lễ Tạ ơn tại tại Nhà nguyện Hiệp Nhất Cha Giám tỉnh Vinh sơn Phạm Trung Thành chủ tế với các Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng, Bề trên nhà Hà Nội, Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Trưởng phòng Công lý Hòa Bình, Cha Đaminh Nguyễn Văn Phương, các Thầy, gia đình Phương Uyên và thân hữu. Chia sẻ lý do dâng Thánh Lễ, Cha Giám tỉnh nói : « Bao nhiêu năm qua tại DCCT vào mỗi Chúa Nhật cuối tháng, chúng tôi có Thánh Lễ cầu nguyện cho Công lý Hòa bình, cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm không phân biệt lương giáo: blogger Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Phương Uyên, Nguyên Kha, Lê Quốc Quân. Thánh Lễ có sự hiện diện của các anh em ngoài Công Giáo, những ai quan tâm đến tự do dân chủ, áp bức bất công, giam cầm tù tội,…. Và hôm nay, chúng tôi dâng thánh lễ này cùng với gia đình Phương Uyên tạ ơn Thượng đế, tạ ơn Chúa đã thương cho gia đình đoàn tụ. Cầu nguyện cho Hòa bình Công lý sớm ngự trị trên quê hương đất nước chúng ta ».
Dựa Tin mừng Lc 12, 49-53: ‘Thầy đến mang lửa vào trần gian, và Thầy ước ao mong ước phải chi lửa ấy bừng lên…’, Cha chủ tế ngỏ lời với Phương Uyên: « Khi Phương Uyên ở trại giam, con đòi hỏi về công bằng, con muốn làm chứng về công bằng, khi con tuyên bố lập trường đó, người nào không tôn trọng công bằng, sự thật, dân chủ thì người ta kết án con, người ta ghét con, người ta ghét những người yêu chuộng công lý và ngược lại. Chúa đến là Chúa công lý, Chúa của sự công bằng, Chúa của sự thật, khi người ta không tôn trọng, không chấp nhận những điều ấy người ta chống Chúa, người ta kết án Chúa, và bắt đầu có phân rẽ. Ngay trong gia đình, khi người cha không yêu chuộng công bằng, người mẹ đòi sự thật thì ngay lập tức chống lại nhau. Bởi vậy cho nên trong bài đọc 1, ông Giôsuê hỏi dân Chúa xem chọn ai? Chọn Thiên Chúa công bằng sự thật, nhân ái yêu thương. Chọn giàu sang, gian dối, bóc lột chà đạp người khác, hay chọn sự đơn sơ? Ngài đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa. Trong lao tù một mình Phương Uyên con phải một mình chọn lựa, con chọn lựa đứng về công lý sự thật nên mọi người yêu mến con ».
Trong Lời nguyện Giáo dân tự phát, anh chị em tín hữu cầu cho quê hương Việt Nam tìm thấy công bằng, tự do thật sự, các vị lãnh đạo khôn ngoan, công tâm hết mình lo cho dân nước, cầu cho mọi người hiệp nhất yêu thương nhau… Bà Nhung, mẹ của Uyên, không là Kitô hữu, trong giây phút thánh thiêng, đã quỳ xuống, mắt ngấn lệ giơ hai tay lên trời tạ ơn trời, cám ơn người đã che chở cứu giúp con mình thoát khỏi oan khiên tù tội và cầu cho quê hương thái bình thịnh vượng. Sau Thánh Lễ, Phương Uyên bày tỏ tâm tình: « Phương Uyên không theo một tôn giáo nào cả, nhưng có duyên với DCCT ». Uyên kể lại kỷ niệm nhiều lần đã đến nhà thờ này trong bầu khí yên tĩnh để học bài, và học thuộc rất nhanh. Đứng trong nhà thờ nghe lời Chúa dạy của quý cha về sự thật đó là một động lực lớn, giúp Uyên quên đi bản thân để đấu tranh bảo vệ sự thật bảo vệ lẽ công bằng. Xin Chúa qua các cha, hướng chúng con tìm kiếm sự thật, dang rộng vòng tay tha thứ cho những người gây ra tội ác. Con tin sự thật và công lý luôn luôn chiến thắng. Cám ơn quý cha và mọi người nâng đỡ gia đình trong hoạn nạn nguy khốn, động viên an ủi Uyên suốt hơn 10 tháng qua trong chốn lao tù. Hôm nay Uyên đã được giải thoát, công ơn của quý vị Uyên nguyện ghi nhớ suốt đời.
Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Ritghs Watch nhận định là chính quyền Việt Nam chưa thay đổi hẵn chính sách về nhân quyền nhưng áp lực quốc tế bắt đầu có tác dụng và Hà Nội biết lắng nghe thông điệp của tổng thống Mỹ Obama cải thiện nhân quyền. Phil Robertson, giám đốc HRW tại châu Á phân tích thêm trên làn sóng RFI : « Đúng là ngoài sức tưởng tượng nhưng chúng ta phải thận trọng. Bản án vẫn còn treo lơ lững trên đầu Phương Uyên và cô có thể bị đưa trở lại vào nhà tù một cách dễ dàng mặc dù cô chẳng có tội tình gì để phải bị truy bắt. Do vậy, thật tình mà nói, sự kiện cô (Phương Uyên) được thả là một cử chỉ khéo léo của chính quyền Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa là họ thay đổi hẳn chính sách đối với những người có lời phát biểu không lọt tai chế độ. Ngược lại, tôi nghĩ do có một phong trào vận động quốc tế bảo vệ cho cô và như vậy áp lực quốc tế đã mang lại kết quả. Đây là một bài học mà cộng đồng quốc tế, chính phủ cũng như các nhà tài trợ phải suy ngẫm khi hỗ trợ hay giao dịch với Việt Nam : từ nay về sau quốc tế phải cứng rắn hơn với chính quyền Việt Nam trên hồ sơ nhân quyền » (Trích RFI ngày 17.08.2013).
Tuy được tự do để về với gia đình, nhưng ‘3 năm tù treo’ vẫn còn là một đe dọa treo trên người thư sinh Phương Uyên. Trong chế độ độc đảng cộng sản vi hiến và phạm pháp, bất ngờ này có thể kéo theo bất ngờ khác. Bằng cớ, những người đến Tòa an Long an để ủng hộ Phương Uyên và Nguyên Kha đã bị chận đánh dã man ở Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng tàu, đa số, bằng dùng đá cục đập vào đầu.
Tiếp theo, Phương Uyên còn chịu 52 tháng thử thách. Aùn thử thách là thế nào, chỉ có người cộng sản mới biết. 52 tháng tức là 4 năm và 4 tháng. Như vậy, Phương Uyên phải chịu quản chế tại gia tối thiểu khoảng 6 năm 6 tháng. Có thể ý thức điều đó, Phương Uyên đã nói với đài BBC khi vừa ra khỏi trại giam ngày 16.08.2013 : « Tôi thấy trong lòng mình nhen nhóm lên một nhiệt huyết, chưa thể dừng ở đây được. Cần phải cháy nhiều hơn nữa. Nhưng như người ta bảo, hữu dũng vô mưu ... Tôi sẽ điềm tĩnh hơn… Tôi nghĩ hành động của mình nhỏ bé thôi ... Nhưng tôi vui mừng và tự hào vì đã cống hiến cho đất nước, khơi dậy lòng yêu nước của các bạn trẻ, để họ không còn vô cảm nữa. »
Nhắc đến ‘vô cảm’, chúng ta thấy cần nhắc đến lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 08.07.2013 khi đến viếng thăm mục vụ tại đảo Lampedusa, nam Italia : « Xã hội chúng ta đã quên kinh nghiệm khóc, ‘đau khổ với’ : sự toàn cầu hóa về vô cảm !… Trong phụng vụ sám hối này, chúng ta hãy xin tha thứ về sự vô cảm đối với anh chị em… và cho nhân loại, bởi quyết định của họ ở cấp toàn cầu, đã tạo ra những hoàn cảnh dẫn đến những thảm kịch này ». Trong hoàn cảnh Việt Nam, chúng ta có thể tự hỏi : vì sự vô cảm, chúng ta đã bỏ mặc Đồng Bào cho các ‘nhóm lợi ích’ cộng sản tạo bất công kinh tế xã hội, công lý bị chà đạp… ?