Chuyện phiếm

Từ thuở lên ba, cứ mỗi buổi sáng, tôi thấy chị và anh của tôi đi học, thì tôi cũng nao nức vòi bố mẹ cho tôi đi theo. Lúc đó tuổi tôi còn quá nhỏ, nên chẳng ai cho đi theo, thế là tôi ngồi bệt xuống nền nhà, rồi vêu mỏ, lăn quay ra khóc. Năm lên 4 tuổi, tôi được bố dẫn lên tỉnh Thái Bình, mua cho ba chị em chúng tôi, mỗi đứa một cái cặp bằng gỗ, rộng cỡ 4 tấc vuông, có chân gấp xéo, vừa làm cặp, lại vừa dùng làm bàn học, hình thù nó giống như cái bàn của mấy ông bán kẹo kéo bên Việt Nam, nhưng cái bàn chỉ cao cỡ vừa tầm ngồi của một em thiếu nhi. Ngày đầu tiên, được chị và anh tôi dẫn đi học, lòng tôi tung tăng rộn rã, tay nắm tay anh chị đi đến trường. Trường làng của chúng tôi là một căn nhà tư nhân cũ kỹ, di sản của gia đình thầy giáo dạy chúng tôi. Trường có mái lợp bằng tranh, vách đất, không bàn ghế, chỉ có những cái chiếu vỉ, trải trên nền đất bằng phẳng của căn nhà. Các học trò ngồi phủ phục, chổng cái mông lên cao, cúi xuống tập viết.
Những học sinh có bàn cá nhân thì phải ngồi ở phía sau. Hàng ngày thầy giáo dạy cho tôi đánh vần, những chữ đầu tiên A, B, C rồi á, ớ, ê.... Mỗi ngày thầy giáo tập cho chúng tôi hát các bài học theo vần ABC
Các học sinh vừa vỗ tay, vừa hát theo thầy:
A, B, C là ba chữ đầu,
Ư và Ơ là chữ có râu,
Ô và Ê thì có nón che,
Học chăm em chớ ngủ nhè
…
Học trường làng được hơn một năm, thì tôi đã thông thạo 24 chữ cái và ê, a tập đánh vần từng chữ, rồi từ từ được lên các lớp cao hơn.
Thế rồi năm 1954 đất nước chia đôi, bố mẹ tôi dẫn chị em chúng tôi di cư vào Nam, tìm tự do và lập nghiệp, bỏ lại sau lưng quê hương miền Bắc với cái cặp gỗ cá nhân mà tôi âu yếm từ thuở ban đầu đi học ấy.
Vào miền Nam, gia đình chúng tôi được đưa đi định cư tại một vùng dinh điền xa xôi hẻo lánh, không có phương tiện vận chuyển ra thành phố, chỉ có phương tiện độc nhất là trâu, bò kéo xe, kéo cộ mà thôi.

Trường học thì xa chỗ nhà tôi ở. Trường được dựng lên gần nhà thờ giữa trung tâm của xóm đạo. Mỗi buổi sáng chúng tôi phải dậy sớm, ăn cơm nước xong, kéo nhau từng bày ra đường đi học, chuyện trò tíu tít, cười giỡn, nô đùa trên đường đi đến trường.

Trường ở cách xa nhà hai, ba cây số, chúng tôi phải lội bộ đi học trên con đường đất gồ ghề. Mùa khai trường bên Việt Nam là lúc đang trong mùa mưa. Sáng sớm dậy đi học, cơn mưa bất thình lình kéo tới. Có khi đang trên đường đi đến trường thì trời mưa đổ xuống, như trút nước xuống người.
Lúc mưa, đường trở nên lầy lội, bùn và sình lầy dễ làm cho chúng tôi trượt chân té. Quần áo có khi dính đầy bùn đất và ướt nhẹp, phải lội xuống mé bờ kênh, lấy nước gột rửa quần áo trước khi vào lớp học.
Giờ đây đã gợi lại cho tôi nhớ tới bài học thuộc lòng mà tôi không thể quên:
Sáng nay trời lại mưa phùn
Đường em đi học lầy bùn khổ chưa
Trên đầu không nón che mưa
Có đôi guốc bẹt lại vừa đứt quai
Tay em che vạt áo dài
Một tay xách guốc xốc hai ống quần
Bùn sâu đến mắt cá chân
Sách em ấp ngực mấy lần chực rơi
Xa xa trống đã điểm hồi
Em còn dò dẫm ngoài trời gió mưa

Ở thôn quê vấn đề đi học thật là vất vả, những cũng rất vui. Mỗi buổi sáng bọn học trò chúng tôi, cứ ra khỏi nhà là bạn bè gặp nhau, líu lo tung tăng đến trường. Chiều về nhà giúp bố mẹ cắt cỏ chăn trâu, tối thắp đèn dầu lên học bài. Đèn ở thôn quê được đốt bằng dầu đậu phọng, nhà nào có học sinh học bài, thì tiếng gạo bài ê, a.. có khi cả làng, cả xóm cùng nghe. Thi đậu tiểu học xong, bố mẹ tôi rất mừng và cho chúng tôi lên Sàigòn trọ học.
Những ngày đầu lên Sàigòn, chúng tôi giống như Mán trong rừng ra thành. Ra đường ngó dọc, ngó ngang, có khi đụng phải cột đèn lúc nào không hay. Thấy xe chạy qua, chạy lại, tôi không dám băng qua đường. Những năm tôi theo học tại Sàigòn, bố mẹ tôi luôn lo lắng, vì các Ngài sợ anh em chúng tôi sẽ vui chơi, lêu lỏng bỏ bê việc học, đua đòi theo chúng bạn xấu. Bố mẹ tôi thường viết thư khuyên răn anh em tôi, hãy chăm chỉ học hành và nhắc nhở, khuyến khích chúng tôi:
Học là bể khổ, nhưng đời sẽ vinh quang.
Lời nhắc nhở của bố mẹ, đã ghi lại trong đầu óc tôi cho tới ngày hôm nay:
Con ơi! Muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.


Các con ơi! Phải cố gắng học hành như lời cha ông ta để lại:
Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy,
Gắng công học tập có ngày thành danh


Bố tôi mỗi khi gần gũi bên tôi, thì Ngài lại nhắc nhở.
Con ạ! Bố nghiệm thấy rất đúng những câu ca dao:
Học hành thì ích vào thân
Chức cao quyền trọng dần dần đi theo

Thật thì như vậy, một khi đã thành tài, công danh sự nghiệp sẽ lên như diều. Một bác sĩ, một kỹ sư hay một chuyên gia giỏi sẽ nhận được tiền lương hậu hĩ. Khi có tiền, giầu sang phú quí, sẽ giải quyết được nhiều việc bế tắc phải cần đến tiền.
Có vất vả thì mới thanh nhàn
Không dưng ai dễ cầm tàn che cho


Nếu không học, con người sẽ bị thụt lùi theo bánh xe lịch sử.
Ngày tôi rời trại tỵ nạn lên máy bay Mass Airline đi Úc Châu định cư. Lúc bấy giờ tiếng Anh của tôi còn quá nghèo nàn. Khi ngồi trên máy bay, cô chiêu đãi viên đưa cho tôi cái form kê khai hành lý (Declaration Form). Chừng nửa tiếng đồng hồ sau cô trở lại thu form, cô mỉm cười thấy tôi loay hoay điền mãi không xong cái form mà cứ giập giập, xoá xoá. Cô tiếp viên hỏi tôi: Are you alright? Tôi trả lờ: I don’t know.

Sau khi tôi trả lời như vậy, cô Tiếp Viên biết tôi là thằng dốt tiếng Anh, nên ngồi sụm xuống kế bên, chỉ cho tôi cách điền form, qua những câu hỏi mà tôi không hiểu. Cô ta nói: Anh phải cẩn thận khai báo, anh có đem theo đồ quốc cấm vào Úc không? Nếu anh khai gian, sẽ bị đi tù và bị đuổi ra khỏi nước Úc. Tôi tỏ ra, kiểu ta đây rành tiếng Anh, nên phang tưới tia lia: I don’t care, làm cô tiếp viên sửng sốt, hết ý kiến.
Bây giờ ngồi nghĩ lại, mới thấy mình quê một cục. Thời gian ở trong trại tạm cư Pennington Hostel. Anh em chúng tôi thường hay ra trạm xe Bus số 28 trên đường Hanson Rd. mua thịt tươi. Vì dân Việt ta chuyền tai nhau, đến chỗ đó mua thịt, vừa rẻ lại tươi nữa.

Một hôm hai anh em chúng tôi đi mua thịt. Cô em tôi gợi ý, anh Tư ơi! Cả năm nay mình không được ăn cháo, hay là mình mua cái đuôi bò về nấu cháo ăn cho vui. Tôi đồng ý ngay, nhưng không biết phải nói tiếng Anh cái đuôi bò thì nói làm sao? Đứng trước quày hàng tôi dựt le, trổ tài nói tiếng Anh, tôi gọi ông bán thịt lại hỏi: Have you got ơ!! cow ơ..ơ...thì bị tịt. Ông chủ hỏi tôi: What do you want? Tôi bí kế, phải đưa đại cái bàn tay ra đằng sau mông, thò ngón tay trỏ thẳng ra phía sau rồi ngoáy, ngoáy mấy cái giống như đuôi bò. Ông chủ tiệm bán thịt đoán mò, đi vào phía sau quầy hàng, lấy ra cho chúng tôi cái đuôi bò, rồi ông hỏi: Is it right?
Tôi không ngờ ông bán thịt lại thông minh đến thế, đã đoán trúng ý của chúng tôi.
Đuôi bò mọc ở sau mông
Ngón tay ra hiệu, người trông, hiểu liền


Khi lên xe Bus trên đường về lại Pennington Hostel, cô em tôi cứ tủm tỉm cười hoài, làm tôi mắc cỡ đỏ mặt. Tôi ngồi nín thinh cho tới khi xuống xe. Sang Úc được vài tháng, tôi xin được việc làm trong hãng xe hơi Holden, công việc làm thì không đến nỗi vất vả cho lắm, nhưng tôi bị trở ngại vì không rành tiếng Anh, nên khi ông Cai (Foreman) giao việc cho tôi, ông nói một thôi, một hồi, tôi cứ Yes lia lịa, nhưng rồi tôi chẳng hiểu phải làm gì?

Một hôm ông ta giao việc cho tôi coi cái máy dập sắt, ông chỉ cho tôi cách điều khiển máy. Làm được vài phút, tôi nhấn sai, máy dập xuống bẻ cái khuôn. Ông Cai đến cự nự tôi một hồi, rồi nói: I asked? Do you understand? You said Yes! Why did you break the machine?
Tôi trả lời ông Cai một cách ngon lành: I am “YES” very well, thế là ông ta lắc đầu, nhe răng cười khì một cái, rồi bỏ đi một mạch lên văn phòng...Lúc sau ông Cai dẫn lại một người Việt Nam đã làm việc ở đây lâu năm, đến làm thông dịch cho tôi. Anh bạn người Việt dịch lại lời dặn của ông Cai: Nếu anh không hiểu thì nhờ người Leading Hand chỉ cho anh. Anh làm máy hư như vậy, hãng không sản xuất được hàng hóa, một ngày có thể sẽ bị thiệt hại cả triệu dollars.

Ôi sao! Nghe mà ghê thật, chỉ không biết tiếng Anh mà làm trở ngại sản xuất, thiệt hại cho hãng cả bạc triệu và cho nhiều người không có việc làm.
Hồi đó, tôi nói tiếng Anh, rất dở, câu được, câu không!! Đôi khi tôi nói chẳng ai hiểu. Tôi chửi thề thí số 1. Còn nói chuyện, thì tôi nói mười câu tiếng Anh, chêm thêm tới mười một câu “You Know” kèm theo. Nói riết, rồi mấy người Việt làm chung hãng, họ gọi tôi là Mr. Du Nổ (Mr. You Know). Cái tên chết tiệt này, đã mang theo tôi cho đến ngày nay.

Làm được gần 20 năm trong hãng sản xuất xe hơi Holden của Úc. Thời gian này kinh tế thế giới đang trên đà xuống dốc. Khu sản xuất của tôi bị cắt bớt việc. Tôi được hãng cho nghỉ việc, về hưu sớm.
Những ngày mới nghỉ việc, tôi rất buồn và đi lang thang khắp đó đây tìm việc làm khác, nhưng tuổi tôi đã khá cao, không hãng nào chịu nhận.

Tôi về nhà bàn với vợ con, ghi tên đi học trở lại. Gần 60 tuổi, tôi hiên ngang cắp sách đến trường vào lớp 12 và 13 học, ngồi chung với các bạn học trẻ. Tuổi của họ chỉ mới 16 hoặc 17, bằng tuổi con cháu của tôi. Tôi còn lớn tuổi hơn cả thầy, cô giáo nữa. Mỗi khi tôi vào lớp, các bạn học đều chào tôi là Student Grandpa, tôi chỉ mỉm cười cúi đầu chào lại các bạn đồng lớp, bằng câu Hello, rồi ngồi vào bàn chăm chú nghe thầy cô giảng bài, một cách tràng giang, đại hải. Đôi lúc tôi chẳng hiểu gì. Mỗi buổi tối sau bữa cơm chiều, cả nhà tôi dùng cái bàn ăn hình chữ nhật làm bàn học. Tôi ngồi một đầu bàn, vợ tôi ngồi đầu bàn bên kia, hai đứa con tôi ngồi hai bên, giống như ngồi bên bàn ăn, cả nhà đều mở sách vở ra làm Home Work.

Mỗi người học một trình độ khác nhau và một chủ đích khác nhau. Con tôi học với mục đích tạo dựng sự nghiệp cho tương lai:
Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời.
Vợ tôi học để biết cách chăm sóc gia đình và con cái. Còn người già như tôi Student’s Grandpa thì học cho hiểu biết với đời.

Theo tôi nghĩ: Chúng ta đang sống ở đất nước Úc Châu, mà không hội nhập vào xã hội và văn hóa Úc thì bị thiệt thòi rất nhiều. Không nói được tiếng Anh và không hiểu ngôn ngữ địa phương, sẽ bị người đời khi dể và bắt nạt.
Tôi cứ ngồi ngáp ruồi, nhưng cố gắng học cho vui tuổi già
Vì thế cuộc đời luôn luôn cần phải có sự học hỏi, dù là còn trẻ tuổi hay đã già.
Cha ông ta có câu: Ông 70 còn phải học ông 71.
Học vui, vui học bạn ơi! Gắng công học tập, giúp đời mai sau

Jo. Vĩnh
Mùa Holidays Bán Niên I
Úc Châu 2013