“KHÔNG CÓ NƠI GỐI ĐẦU”

Chiếc xe khách Đà Lạt – Sài Gòn vừa dừng. Tôi bước xuống. Giữa trưa đầu mùa hè, cái nắng Sài Gòn hầm hập và gay gắt. Định gọi xích lô về nhà. Còn đang nhìn quanh, tôi bỗng nghe từ phía sau có tiếng gọi:

- Anh về đâu, lên xe em nè. Một người lái xích lô mời.

- À, tôi về…

Bỗng ánh mắt người lái xích lô nhìn tôi không chớp, nhìn chằm chằm. Tôi hơi ngỡ ngàng.

- Ủa, H phải không? Đi đâu mới về vậy? Vừa hỏi, anh vừa lấy nón lau mồ hôi.

Đúng lúc đó, tôi nhận ra N, bạn học từ khi lên lớp sáu. Hồi ấy N là học sinh giỏi, nhưng gia đình nghèo. Vì thế, sau khi tốt nghiệp trung học, N không thể tiếp tục học. Thế rồi chúng tôi chia tay nhau. Từ đó không có liên lạc gì.

Sau bao nhiêu năm vật lộn với cuộc sống, N già đi nhiều quá. Nước da đen trũi. Gương mặt và đôi mắt ấy nhuộm nắng, pha sương theo năm tháng mà hốc hác, sâu thẳm. Hàm râu lởm chởm và mái tóc rối bù càng làm tôi khó mà nhận ra thằng bạn học cũ của mình. Sau giây phút ngỡ ngàng, tôi trả lời N mà chưa hết thản thốt:

- À, mình đi Đà Lạt về. Trời ơi, bạn đạp xích lô à, lâu chưa?

- Hơn ba năm…

Rồi N nói thật tự nhiên:

- Lên xe đi, mình chở về cho.

Tôi thoáng ngập ngừng, nhưng sợ bạn nghĩ ngợi, vội bước lên xe…

Có bao giờ bạn nhìn cuộc sống của anh chị em xung quanh, rồi tự nhận ra mình chưa? Riêng lương tâm tôi đã từng bị đánh động như thế. Nhìn anh chị em để thấy ơn Chúa ban cho mình lớn lắm, lòng thương xót của Chúa dành cho mình dào dạt. Có nhận ra như thế, bản thân mới nặng lòng biết ơn Thiên Chúa, để đừng quên cảm tạ Người.

Hôm nay bài Tin Mừng cho biết, có đến ba người xin theo làm môn đệ của Chúa. Ơn gọi của ba người mang ba màu sắc khác nhau. “Con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu" là câu Chúa trả lời cho người đầu tiên xin theo Chúa. Tôi chỉ dừng lại ở câu trả lời này để suy nghĩ về chính mình.

Suy niệm Lời Chúa Giêsu: “Con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu", một lần nữa, tôi được đánh động. Lời Chúa thúc giục tôi đừng bao giờ phụ ơn Người.

Nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó đến nỗi phải sống một cuộc sống long đong, thiếu thốn, thì trong hoàn cảnh hiện tại, vẫn còn đó nhiều anh chị em đang họa lại khuôn mặt của Chúa bằng chính lối sống nghèo hèn, thiếu thốn của họ.

Nỗi nghèo của Chúa Giêsu đã bắt đầu từ lúc mới sinh, trải dài đến hết cả cuộc đời của Người. Hành trình từ hang đá bêlem đến đồi Calvê phải là cả một lẽ sống quý báu cho chúng ta khi dấn bước theo Chúa. Và nếu Người là lẽ sống của tôi, như bao nhiêu anh chị em khác, muốn họa lại khuôn mặt của Chúa Kitô, tôi phải học lấy hành trình Bêlem tiến về Canvê như Chúa.

Bởi vậy chính Lời của Chúa Giêsu: “Con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu", làm tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ người bạn cũ trên bến xe hôm nào. Một thoáng suy tư ban đầu, tôi chợt nhận ra, bạn tôi giống Chúa Giêsu hơn tôi.

Không biết có bao giờ anh nhận ra cái nghèo của anh là cái nghèo mà Chúa đã từng sống? Có lẽ anh cũng không hề biết, trong cái nghèo ấy, anh giống của mình? Bởi thế, lời khẳng định “bạn của tôi giống Chúa Giêsu hơn tôi”, chỉ là sự sám hối đến từ sự suy tư chủ quan mà thôi. Đó là cái nhìn trực giác của tôi nơi anh chị em để khám phá tình yêu của Chúa dành cho tôi.

Người ta thường nghỉ, linh mục là người can đảm, dám từ bỏ, dám hiến thân cho Nước Trời và thế giới. Trong ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày xin ơn Chúa thánh hóa linh mục, tôi đã lặp lại hình ảnh về ơn gọi hiến thân này để giúp anh chị em giáo dân suy niệm về ơn gọi tận hiến. Cũng trong chiều hướng suy tư về sự tận hiến, tôi đã mời gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho các linh mục.

Đúng! Làm linh mục của Chúa, tôi đã có sự từ bỏ: Từ bỏ một mái gia đình riêng tư để gắn mình vào một gia đình rộng lớn là cộng đoàn dân Chúa. Tôi đã từ bỏ khi cố gắn vươn lên trong sự khiết tịnh mà Hội hánh đòi hỏi.

Trong lối sống hằng ngày, tôi phải mực thước, không sa đà trong tự do, không ăn nói thô tục, luôn nhắc nhở mình phải xứng đáng là người lãnh đạoi tinh thần cho anh chị em… Tôi hiểu điều mà ai đó đã từng nói: “Linh mục là tấm bánh cho người ta ăn”. Tất cả những điều đó, nếu tôi thực hành tốt, cho thấy sự từ bỏ nơi tôi, linh mục của Chúa.

Tôi hiểu, bước theo Chúa, Người mời gọi tôi hãy sống khó nghèo. Có thể sự khó nghèo của tôi không đến mức thiếu thốn cả “nơi gối đầu”, nhưng ít nhất mỗi một ngày, tôi phải nên giống Chúa của mình hơn. Ai đó ví von: “Linh mục ban của thánh và nhận của phàm”. Không biết lời ví von ấy đúng? Nhưng nếu ít nhiều có sự thật, đó không còn là lời nói cho vui, mà trở thành lời bậc thốt từ nỗi xót xa.

Tôi biết, mình sẽ có sự từ bỏ. Nhưng thẳm sâu nơi thân phận loài người, chắc đã không ít lần, tôi yếu lòng và muốn nhận cho mình, thậm chí muốn nhận nhiều, hơn muốn từ bỏ. Vì thế, theo Tin Mừng, trước lời mời gọi của Chúa, lời dành cho ai muốn làm môn đệ của Chúa: “Con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu", tôi cần phải sám hối nhiều hơn. Vì chỉ có ý thức mình, tôi mới có thể giúp anh chị em của mình sống hoàn hảo cách hiệu quả nhất.

Sống tinh thần nghèo khó, tôi sẽ rao giảng Lời Chúa để anh chị em của tôi biết từ bỏ, biết sống tinh thần nghèo khó như Chúa dạy. Tôi sẽ mạnh dạn chỉ cho những ai gặp phải hoàn cảnh khó khăn, đau khổ, lam lũ…, hãy hiến dâng những lao nhọc của bản thân để được đi trên chính nẻo đường mà Chúa đã đi, nhờ đó nên giống Chúa.

Nguyện xin Chúa giúp tôi thành chứng tá cho giáo huấn của Người. Amen.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH