Một đêm hãi hùng, đêm kinh hoàng nhất đối với gia đình tôi: đó là tối 28 tháng tư năm 1975. Đêm đó chúng tôi và một vài gia đình khác tạm trú tại một trong những khách sạn lớn nhất ở thị xã Vũng Tàu và trời càng về khuya càng vắng lặng. Những tiếng động duy nhất nghe được chỉ là những tiếng súng nổ liên hồi của Cộng quân đang tiến chiếm thành phố Ba-Rịa - tức Phước Tuy - tên gọi lúc bấy giờ.

Trưa 29 tháng tư năm 1975, sau khi Cộng quân đã tiến chiếm tỉnh lỵ Ba-Rịa và đang tiến về thị xã Vũng Tàu là lúc tình trạng “hổn quan hổn quân” đang xảy ra nơi bãi biển nầy. Gia đình tôi gồm hai vợ chồng và ba cháu nhỏ 12, 6 và 5 tuổi may mắn được chuyển lên chiếc tàu nhỏ trước đây chuyên chở nước mắm chạy trên hải trình Saigon - Phan-Thiết mà chúng tôi đã mua lại để dùng vào mục tiêu đào thoát khi miền Nam thất thủ.

Một đêm lênh đênh trên biển cả và suýt bị nhận chìm dưới đáy biển vì chiếc tàu nhỏ đó đã bị đâm thủng một lỗ; nước bắt đầu tràn vào. Chúng tôi phải huy động những thanh niên trai trẻ múc nước đổ ra ngoài để đầu máy tàu khỏi bị ngập nước. Một đêm kinh hoàng: đất nước đang mất dần về tay Cộng Sản và mạng sống chúng tôi đang bị đe dọa nơi biển cả. Trong giây phút đó, người ta mới chứng kiến cảnh bất lực của con người khi phải đối diện với tử thần và tất cả mọi người trên tàu - có tín ngưỡng hay không, ai nấy đều cầu Trời khẩn Phật để được tai qua nạn khỏi.

Trời càng về sáng, mọi người trên tàu đều mỏi mệt vì đã qua một đêm kiệt sức phấn đấu với biển cả. Ngày 30 tháng tư năm 1975 bắt đầu ló rạng cũng là ngày chế độ Việt Nam Cộng Hòa cáo chung, lúc mà đài phát thanh Saigon oang oang giọng nói của bại tướng Dương Văn Minh kêu gọi dân quân cán chính buông súng đầu hàng Cộng quân vô điều kiện. Làn sóng người tị nạn bắt đầu tràn lan. Chúng tôi may mắn được bốc lên trước tiên trên một tàu buôn do chính phủ Mỹ đã mướn nhằm mục đích vớt người tị nạn vượt biển. Ngay tối hôm đó một trận bão kinh hoàng nổi lên, có thể đã nhận chìm chiếc tàu nhỏ đó dưới đáy biển và cả chúng tôi nữa, nếu không được may mắn đưa lên tàu Mỹ - một thứ tàu ông No-ê - đối với chúng tôi lúc bấy giờ.

Sau khi ở trên tàu Mỹ một tuần lễ và số người tị nạn được bốc thêm mà con số có thể lên tới năm, bảy ngàn người, tàu buôn đó bắt đâu nhổ neo để trực chỉ về hướng Subic Bay ở Phi-Luật-Tân. Sau đó chúng tôi được đưa vào đảo Guam và cuối cùng được phân phối đi định cư ở những quốc gia đệ tam.

Sau cuộc vật lộn để tranh dành cái sống ngõ hầu ra khỏi bờ vực tử sinh, tâm trạng chúng tôi rất hân hoan chẳng khác nào ông Mô-sê và dân Do-Thái ngày xưa, sau khi được Chúa cho vượt qua Biển Đỏ để đi về Đất Hứa, đã dâng lời cảm tạ sau đây:

“Tôi xin hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng:

……

Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi,

Chính Người cứu độ tôi.

Người là Đấng tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc,

Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng,

Người là trang chiến binh, danh Người là ‘ĐỨC CHÚA!’”
(Xh 15, 1-3).

Cũng như dân Do-Thái xưa kia phải vật lộn với cuộc sống khó khăn nơi sa mạc trong bốn mươi năm, cuộc định cư của gia đình tôi nơi đất nước tạm dung trong những năm đầu thập phần khó khăn. Nhưng với Ơn Chúa và lòng dũng cảm của giòng máu dân Việt, chúng tôi cũng như những người Việt tị nạn khác đã vượt mọi cam go để đưa thế hệ trẻ hội nhập vào xã hội mới. Thời gian trôi qua, thấm thoát gần ba thập niên. Những em bé đó nay đã trưởng thành, có gia thất và sinh con đẻ cái mà những đứa bé nầy tuổi đời còn lớn hơn cha mẹ chúng khi còn là những em bé trôi giạt nơi bễ Đông.

Những ngày của tuần lễ cuối tháng bảy và đầu tháng tám năm 2003 vừa qua đánh dấu một kỷ niệm lớn lao cho gia đình chúng tôi, ngày mà cháu trai chúng tôi là người con còn lại trong gia đình được thành hôn. Dịp nầy các con cháu từ những phương xa trở về, cùng với bạn bè thân thích họp mặt để mừng đôi tân hôn đồng thời cũng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì những Hồng An Ngài đã ban tặng cho mọi người ở nơi đất khách quê người. Bài ca của vua Đa-vít trong sách Sử Biên Niên quyển một rất thích hợp cho chúng tôi là những kẻ kiều ngụ nơi đất khách quê người dùng để dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ trong dịp nầy:

Hãy tạ ơn Đức Chúa, cầu khẩn danh Người,

Vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân.

Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa

Và suy gẫm mọi kỳ công của Người.

Hãy tự hào vì danh thánh Chúa,

Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ.

Hãy tìm Chúa và sức mạnh của Người,

Chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan.

Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện,

Những dấu lạ và những quyết định Người phán ra
(1 Sb 16, 8-12).

……

Rằng: ‘Ta sẽ cho ngươi đất Ca-na-an

Làm kỷ phần gia nghiệp’

Thuở ấy, họ chỉ là một số nhỏ,

Một nhóm kiều dân nơi đất khách quê người,

Lang thang hết xứ nầy sang xứ khác,

Phiêu bạt từ nước nọ đến nước kia,

Nhưng Chúa không để cho ai ức hiếp họ
(1 Sb 16, 18-21).

Trong những ngày đó, chúng tôi đã thăm viếng vùng Whistler, cách xa thành phố Vancouver độ hai giờ xe hơi, nơi sẽ diễn ra thế vận hội mùa đông 2010. Hôm đó, chúng tôi được chứng kiến một quang cảnh thiên nhiên đầy diễm ảo. Thật là hùng vĩ và tráng lệ! Ngắm nhìn cảnh tượng đó, người ta không ngớt ca tụng Thiên Chúa vì đã ban tặng cho con người những kỳ quan diễm ảo như thế! Nhìn những rừng cây xanh bát ngát chạy dài đến tân chân trời, ngắm những mặt hồ phẳng lặng mơ buồn trong sương chiều, xem ngọn suối lững lờ trôi dọc xa lộ…người ta không khỏi liên tưởng tới đoạn hồi ký của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã ghi lại trong quyển “Một Tâm Hồn” (trang 36-37):

Những ngày tươi dẹp của đời con, cũng là những ngày con được vua yêu dầu - con thích gọi cha bằng tên ấy - cho theo đi câu cá. Cũng có bận con vác cần câu nhỏ của con đi tập câu: thường thường con thích ngồi xa xa trên đám cỏ hoa lăn tăn, những khi ấy trí khôn con ngẫm nghĩ rất xa xăm, và tuy chưa biết nguyện ngắm, linh hồn con cũng mê mệt trong việc trao đổi tình ý thâm thiết với Chúa. Rồi từ xa xa con nghe như có tiếng ai nói, có tiếng gió đưa rì rào, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng nhạc nhà binh trong tỉnh phảng phất bay ra như mơ hồ, như não nùng làm ngao ngán lòng người câu cá, lòng khách xa lạ.”

Kế đó gia đình chúng tôi đi du ngoạn Las Vegas vài hôm trước khi trở về Los Angeles để chia tay. Cũng như những du khách khác, chúng tôi đã sống những ngày đó hoàn toàn “trong giây phút hiện tại”. Trong thời gian đó, thỉnh thoảng tôi liên tưởng tới cuộc sống chiêm niệm ở những đan viện xa xôi hẻo lánh mà tôi đã cò dịp sống qua vài ngày trước kia, với cảnh thiên nhiên trầm lắng đầy mỹ lệ…Thật là hai thái cực, hai thế giới rõ rệt. Nhưng rồi trong đầu óc tôi nảy sinh ý tường là những người sống trong hai thế giới đó đều đang “sống giây phút hiện tại” cả, giây phút quí báu được Chúa ban tặng và ai ý thức điều đó, đều “sống thánh” hết vì Thiên Chúa của Tình Yêu hiện diện khắp nơi. Ngài đã làm cho mọi sự được diễn tiến trong bàn tay Quan Phòng của Ngài. Trong giây phút đó, tâm hồn tôi lâng lâng sảng khoái và tuy đang sống ở nơi ồn ào náo nhiệt tại Las Vegas mà tôi có cảm tưởng như đang ở tại một đan viện chiêm niệm nào đó, vì tâm hồn tôi không bị ngoại cảnh chi phối.

Chuyến đi nầy đã để lại một kỷ niệm đẹp nhất đối với tôi là khi gặp gỡ một đôi vợ chồng trẻ vừa mới quen biết qua các mạng lưới truyền thông trong thời gian gần đây. Cặp vợ chồng trẻ đó trước 1975 đã mang ước nguyện dâng mình cho Chúa khi còn ở Việt-Nam, nhưng vì hoàn cảnh chính trị đổi thay, ước nguyện không thành nên khi sống ở đất nước tạm dung Hoa-Kỳ, hai anh chị đã tích cực hoạt động tông đồ giới trẻ và đã gặp gỡ nhau, để rồi tay nắm tay nhau, thực hiện lý tưởng đó ở giữa trần thế.

Thật là cảm động, trong nửa tiếng đồng hồ ở phi trường Los Angeles, tôi gặp được đôi vợ chồng trẻ đó, một đôi vợ chồng sống đạo một cách tích cực sung mãn. Hai anh chị với tính tình vui vẻ hồn nhiên, đã dành cho tôi nhiều cảm tình thân thương trong Tình Yêu của Chúa và trong thâm tâm, tôi cũng trao tặng lại anh chị những tâm tình đó. Trong tấm thiệp trao tay, anh chi đã ghi vài câu vắn vỏi nhưng đầy ân tình: “Xin tạ Ơn Chúa có cơ hội hạnh ngộ hôm nay, được gặp Anh và gia đình…Cám ơn Anh giúp cho những suy tư qua bản dịch “Như Tiếng Chim Ca” và “Một Phút Minh Triết”. Nguyện xin Chúa ban cho Anh và gia đình sức khỏe, bình an và thời giờ tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho Giáo Hội.”

Cuộc gặp gỡ nầy là một quà tặng quí báu mà Chúa đã ban cho tôi trong chuyến du ngoạn nầy. Đối với tôi đó là niềm vui còn lớn hơn những buổi trình diễn về đêm rất ngoạn mục ở ngoài trời Las Vegas mà tôi đã chứng kiến, những bữa ăn thịnh soạn ở Rio và các tiệm ăn sang trọng khác tại đây mà tôi đã thưởng thức, một vùng sa mạc hoang vu chạy dài giữa Los Angeles và Las Vegas mà người ta phải mất 4 giờ lái xe hơi mới vượt qua được. Tôi đã sống một chứng nghiệm về “Thiên Chúa là Tình Yêu” trong một hoàn cảnh ồn ào náo nhiệt, nhưng đó đây đã phô bày một vài hoa đồng cỏ nội xinh đẹp mà Chúa đã cho mọc lên nơi sa mạc hoang vu trên trần thế hay trong tâm hồn. Và trong tâm tình đó, những lời tán tụng của vua Đa-vít xưa kia, đối với tôi xem ra đang còn vang vọng đâu đây, giữa trần thế nầy:

Hãy hát mừng Chúa, hởi toàn thể địa cầu!

Ngày lại ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,

Kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,

Cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca-tụng,

Khá tôn khá úy hơn chư thần.

Vì chư thần các nước đều hư ảo,

Còn Đức Chúa, Người sáng tạo trời cao.

Trước Thiên Nhan, toàn uy phong rực rỡ,

Trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.

Hãy dâng Chúa, hởi các dân các nước,

Dâng Chúa quyền lực và vinh quang.

Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người,

Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,

Và thờ lạy Chúa uy linh thánh thiện.

Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.

Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng lay chuyển.

Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng.

Hãy nói giữa chư dân: Chúa là vua hiển trị.

Biển gầm vang cùng muôn hải vật,

Ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.

Hởi cây cối rừng xanh,

Hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa,

Vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.

Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ:

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Hãy nói: lạy Thiên Chúa Đấng cứu độ chúng con,

Xin thương quy tụ chúng con về,

Cứu chúng con từ giữa muôn dân nước,

Để chúng con cảm tạ Thánh Danh,

Và được hiên ngang tán dương Ngài
.” (1 Sb 16, 23-35).