HUẾ - Sáng ngày 27. 04. 2013, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đã đến thăm mục vụ tại Giáo hạt Quảng Trị, Tổng Giáo phận Huế. Ngài đã đến viếng Lăng Các Thánh Tử đạo của Giáo xứ Trí Bưu và sau đó đi thăm giáo xứ Đông Hà và Khe Sanh

THĂM GIÁO XỨ TRÍ BƯU

Điểm đến đầu tiên là Giáo xứ Trí Bưu, là một Giáo xứ có truyền thống đạo đức và một bề dày Đức Tin vững vàng từ thời ông cha, một bằng chứng rõ nét nhất là trước khi vào đến Nhà thờ, phải đi qua Lăng các Thánh Tử đạo, nơi đây được chôn cất gần 600 vị Tử Đạo bị thảm sát kinh hoàng vào ngày 07. 09. 1885, quân Văn Thân đã bao vây làng Trí Bưu, một số giáo dân bỏ trốn, số còn lại vào Nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, phó dâng cho Thiên Chúa và Mẹ Maria. Tất cả từ già đến trẻ, từ nam đến nữ đều bị thiêu chết cùng với ngôi Nhà thờ.

Xem hình ảnh

Sáng ngày 27. 4. 2013, toàn thể cộng đoàn Giáo xứ Trí Bưu với những sắc màu đồng phục của từng Hội Đoàn, những cành hoa tươi thắm trên tay, những nụ cười rạng rỡ, nao nức và hân hoan đón chào vị Đại diện của Đức Thánh Cha đến thăm Giáo xứ.

Ngài đã vào viếng Lăng các Thánh Tử Đạo, Ngài cùng với Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế F.X. Lê Văn Hồng và Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể cùng niệm hương tưởng nhớ các Ngài.

Tiến vào Nhà thờ, rực rỡ cờ hoa, trước cổng Nhà thờ một băng rôn in dòng chữ “Hoan hô Đấng nhân danh Chúa mà đến”.

Từ các em Thiếu nhi Thánh thể đến Hội Lêgiô Maria, Hội Bác ái Vinh sơn, Nhóm Gia đình cùng theo Chúa, Gia trưởng , Hiền mẫu.v.v… đều cầm hoa vẫy chào Đức Tổng Giám mục. Trước Tiền đường, Cha Hạt trưởng hạt Quảng Trị G.B. Lê Quang Quý cũng là Quản xứ Trí Bưu đã thay mặt Cộng doàn Dân Chúa trao tặng vòng hoa Đức Tổng Giám mục Đặc sứ Tòa Thánh và hai vị Tổng Giám mục kính yêu của Giáo phận. Những vòng hoa tươi gói trọn niềm tin yêu của cộng đoàn đối với Chủ chăn. Các Ngài đã vui vẽ chụp hình lưu niệm với Giáo xứ.

Tiến vào Nhà thờ, Cha Hạt trưởng kiêm Quản xứ G.B. Lê Quang Quý đọc diễn từ chào mừng, Ngài nêu một vài nét về quá trình thành lập Giáo xứ, trãi qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Giáo xứ vẫn bền vững đến hôm nay. Cha Quản xứ cũng trình bày sơ lược về những sinh hoạt của Giáo xứ, nhất là các ban nghành đoàn thể, đã và đang nỗ lực góp phần vào sự vững mạnh của Giáo xứ.

Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đặc sứ Tòa Thánh, Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam, qua phiên dịch của cha Đa minh Minh Anh, đã nói lời chào mừng Cộng đoàn, Ngài cảm ơn lòng nhiệt thành và sự đón tiếp nồng nhiệt của Cộng đoàn. Qua việc viếng thăm Lăng Tử Đạo vừa rồi, Ngài cảm nhận được Đức Tin của cộng đoàn đã thấm sâu từ giòng máu của các bậc anh hung tử đạo. Đó chính là những hạt giống Tin Mừng, Đức Tin kiên vững của ông cha vào Đức Kitô, mỗi một người chúng ta có trách nhiệm phải lưu truyền Đức Tin đó cho mọi người, nhất là các em thiếu nhi, và cho các thế hệ mai sau. Là một Giáo xứ có rất nhiều hội đoàn, với những đồng phục đặc trưng của mình, mỗi hội đoàn có một nét đặc trưng riêng nhưng tất cả đều cùng chung một một mục đích, đó là phát triển Đức Tin cho mọi người. Một Đức Tin sống động, trong bất cứ hoàn cảnh, trong bất cứ thời kỳ nào, dù khó khăn thách đố đến đâu cũng phải phát triển Đức Tin đó. Những khó khăn thách đố trong cuộc sống chính là cơ hội để chúng ta làm chứng nhân của Chúa Kitô. Ngài cũng biết rằng Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê là người được sinh ra trên chính mãnh đất này, Ngài mời gọi cộng đoàn hãy gắn bó mật thiết với vị Chủ chăn của mình.

Ngài nhắc nhỡ cộng đoàn rằng: Là một người Công giáo, chúng ta phải tôn trọng sự sống của tất cả mọi người, từ người già cả cho đến các thai nhi còn trong bụng mẹ. Chúng ta không được phép phá thai, vì giới răn của Chúa cấm chúng ta giết người.

Là một người Công giáo, chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm đối với xã hội, đối với chính quyền, đối với địa phương mình đang sinh sống, đồng thời chúng ta cũng phải có trách nhiệm bảo vệ nhân quyền.

Đức Tổng Giám mục Đặc sứ đã được nghe một số ưu tư của Cộng đoàn và giải đáp những thắc mắc. Qua ý kiến của một đại diện giáo dân, Ngài đã nói về Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Tân Giáo Hoàng của Giáo hội toàn cầu. Ngài nói rằng: Đức Thánh Cha là một con người thật đặc biệt, Ngài xuất thân từ dòng Tên, có điều kiện để tiếp xúc với các nền văn hóa của nhiều vùng miền trên thế giới, vfa đem ánh sáng Tin Mừng đến cho những vùng miền đó. Ngay tại Việt Nam, trong những thời kỳ đầu rao giảng Tin Mừng, các linh mục dòng Tên đã đến truyền giáo, các ngài đã tìm hiểu và nghiên rất kỹ lưỡng về nét văn hóa và phong tục tập quán của từng địa phương, để có thể phát triển Tin Mừng. Dấu ấn đặc biệt là ngay cả chữ viết của Việt Nam ngày nay là do chính Cha Đắc Lộ, một linh mục dòng Tên, đã nghiên cứu và sáng chế ra.

Với tước hiệu Phanxicô, Ngài noi gương Thánh Phanxicô khó khăn, Ngài là một con người của những người nghèo khổ. Chính Ngài cũng sống rất khó nghèo, và bản tính của Ngài rất hiền hậu và dịu dàng.

Tất cả những yếu tố căn bản của một con người nhân hậu đều hội tụ trên Ngài.

Ngài đã chủ tế Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho Giáo hội, Giáo phận và Giáo xứ. Cùng đồng tế có Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế F.X. Lê Văn Hồng, Đức Tổng Giám mục Stêphanô, Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh, quý Cha Hạt trưởng và quý Cha trong Giáo phận.

Trong bài giảng lễ, Ngài chia sẽ về bài Tin Mừng: Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết Ngài là Con Thiên Chúa: “Cha ở trong Thầy và ở trong Chúa Cha, ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy. Những ai tin vào Thầy là tin vào Đấng đã sai Thầy”. Đức Giêsu Kitô là chân lý và là sự thật. Kitô giáo không áp đặt nhưng mời gọi mọi người tìm đến chân lý, tìm đến sự thật. MMỗi một người Công giáo có trách nhiệm phải chia sẽ Tin Mừng, chia sẽ sự thật về Thiên Chúa cho mọi người. Đức Kitô dạy chúng ta phải từ bỏ mọi hận thù và yêu thương chính những kẻ thù của mình.

Chúa Giêsu Kitô trao cho Giáo hội tiếp tục sứ vụ của Ngài. Để thực hiện được sứ vụ đó, Giáo hội cần có sự tự do tôn giáo để có thể truyền giảng Tin Mừng của Chúa cho tất cả mọi người. Không màng đến bất cứ một đặc ân đặc lợi nào cho riêng mình.

Trong phần dâng lễ vật, đại diện các hội đoàn dâng lên Chúa Bánh Rượu, Hương Trầm và những hoa thơm quả ngọt do công sức con người làm ra. Sau khi nhận lễ vật, Đức Tổng Giám mục chủ tế đã cho hôn Nhẫn của Ngài.

Sau Thánh lễ, các em thiếu nhi biễu diễn vũ khúc tạ ơn thể hiện lòng tri ân đối với vị Đại diện của Đức Thánh đã ưu ái đến thăm Giáo xứ.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục chủ tế đã ban Phép lành của Đức Thánh Cha cho Cộng đoàn tham dự Thánh lễ.

Trong bữa cơm thân mật, các Ngài đã được thưởng thức những vũ điệu cũng như những bài hát mang đậm nét dân tộc. Đặc biệt những vũ điệu “Trống Cơm” và bài đơn ca của các em thiếu nhi.

Kết thúc chuyến viếng thăm Giáo xứ Trí Bưu, Ngài về nghĩ trưa tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang.

THĂM GIÁO XỨ ĐÔNG HÀ

Buổi chiều, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tiếp tục có chuyến viếng thăm Giáo xứ Đông Hà. Một Giáo xứ duy nhất tại thành phố Đông Hà, một Giáo xứ còn non trẻ nhưng với một nổ lực tuyệt vời của Cha Quản xứ Phêrô Phạm Ngọc Hoa, chỉ sau hơn 4 năm, Giáo xứ Đông Hà giờ đây đã là một Giáo xứ có một nền tảng đạo đức, sinh hoạt của các hội đoàn thật năng nổ.

Xem hình ảnh

Mặc dù trời nắng gay gắt, nhưng tất cả các đoàn thể đều rực rỡ trong trang phục của từng hội đoàn với những cành hoa tươi thắm đón chào vị Đại diện của Đức Thánh Cha đến viếng thăm Giáo xứ. Thật là một hồng phúc, là một ngày trọng đại đối với mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo xứ.

Mỗi một đoàn thể một màu sắc, với bảng tên và lời chào mừng, tất cả đều rất rập ràng và nghiêm trang.

Trong lời phát biểu chào mừng,Cha Quản xứ đã bày tỏ niềm hạnh phúc, lòng biết ơn và sống hiệp thông của Giáo xứ đối với Mẹ Hội Thánh, Giáo xứ dùng biểu tượng của Năm Đức Tin thay lời chào mừng. Từng ban nghành đoàn thể lần lượt tiến ra sân, thể hiện từng phần của mô hình biểu tượng được Cha Quản xứ trình bày chi tiết: Tinh thần nuôi dưỡng Đức Tin và sống hiệp thông với Mẹ Hội thánh qua Ban Phụng vụ và Lễ sinh; Hội đồng Giáo xứ như sợi dây buộc chặt cánh buồm trên chiếc thuyền đức tin xứ đạo để bảo vệ đức tin; những trái tim Hiền mẫu để cầu nguyện và loan truyền Lời Chúa; Ca đoàn và Gia đình trẻ sẵn sàng phục vụ để đưa con thuyền vượt song bình an; Giáo lý sinh là cơn sóng làm chao con thuyền, nhưng chính những con sóng ấy đã giúp cho con thuyền vượt sóng ra khơi. Tất cả mọi thành phần trong Giáo xứ đều đồng tâm hiệp lực vươn lên nhờ hương lòng về Chúa Giêsu Thánh thể, là Đấng cứu độ trần gian.

Đức Tổng Giám mục Đại diện của Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự xúc động khi được Cộng đoàn đón tiếp một cách nồng nhiệt, nhất là biểu tượng Năm Đức Tin mà các hội đoàn thể hiện. Ngài nói rằng chắc không phải ngẫu nhiên mà mỗi hội đoàn với đồng phục mỗi màu sắc khác nhau, nhưng các màu sắc đó thật ý nghĩa.

Sauk hi chụp hình lưu niệm trước sân, Đức Tổng Giám mục Leopọdo Girelli, Đức Tổng Giám mục Giáo phận Phanxicô Xaviê, Đức Tổng Giám mục Stêphanô, Cha Tổng Đại diện cùng quý Cha tiến vào Nhà thờ để chầu Thánh thể. Ngài đã ban phép lành Tòa Thánh cho Cộng đoàn hiện diện.

Kết thúc chuyến viếng thăm, Ngài rất vui vẽ cho mọi người hôn nhẫn của Ngài. Thứ tự từng ban nghành đoàn tiến lên hôn nhẫn trật tự và trang nghiêm.

Kết thúc chuyến viếng thăm Giáo xứ Đông Hà, sáng hôm sau Ngài tiếp tục viếng thăm Giáo xứ Khe Sanh, Giáo xứ miền núi và là Giáo xứ xa xôi nhất của Giáo phận Huế, cách thành phố Huế chừng 150km. Địa danh Khe Sanh mà theo Ngài thì đặc biệt nỗi tiếng trên thế giới vì đã từng trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc, nơi đây phải gánh chịu biết bao đạn bom, hàng vạn con người đã vĩnh viễn nằm xuống, nhất là trận chiến “Đường 9 Khe Sanh”. Vậy mà giờ đây, Khe Sanh đã hồi sinh và đang phát triển. Hơn nữa lại có một Giáo xứ với số Giáo dân tương đối đông đúc đang vươn lên giữa núi rừng Trường Sơn.

Rất tiếc vì đường sá quá xa xôi, sau khi từ Đông Hà trở về, sáng hôm sau chúng tôi không thể tiếp tục đi xe máy vượt chặng đường dài 150km để đưa tin về chuyến thăm tại Giáo xứ Khe Sanh.