CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI 21.4.2013
Khai mạc
1. Đặt Mình Thánh Chúa (quỳ).
Hát kính Thánh Thể : Con thờ lạy.
2. Lời nguyện mở đầu :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa là nguồn mạch tình yêu và là cùng đích cho cuộc đời chúng con. Chúng con tin thật Chúa đang hiện diện giữa chúng con trên bàn thờ. Chúa đang nhìn đến chúng con, với cái nhìn của vị Mục Tử nhân lành, cái nhìn yêu thương và biết từng người chúng con. Chúng con xin cúi đầu thờ lạy và ngợi khen Chúa với tất cả tấm lòng mến yêu.
Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa lời cảm tạ và tri ân. Vì yêu thương, Chúa đã tỏ lộ cho chúng con biết về Chúa Cha. Xin Chúa ở lại với chúng con, soi sáng và sưởi ấm tâm hồn chúng con, để chúng con có thể nhận biết và cảm mến tình yêu của Chúa Cha dành cho chúng con lớn lao là dường nào. Đặc biệt trong ngày hôm nay, chúng con quỳ nơi đây để cùng tuyên xưng và tôn thờ Chúa chính là vị Mục tử nhân lành của chúng con. Chúa đã yêu thương chọn chúng con vào đoàn chiên của Chúa. Không chỉ có thế, Chúa còn luôn mong muốn chúng con đến với Chúa, bước theo Chúa và đi vào cửa chuồng chiên là chính Chúa, để chúng con được chăm sóc, nuôi dưỡng, được sống và sống dồi dào. Trong tâm tình này, chúng con xin dâng lên Chúa những khát vọng và ước ao của Hội Thánh. Xin Chúa ban cho Hội Thánh Chúa luôn có nhiều tâm hồn quảng đại, dấn thân dâng hiến cuộc sống cho Chúa và cho tha nhân, trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước. Chúng con cũng nhớ đến các vị mục tử đang chăm sóc và nuôi dưỡng chúng con, là các giám mục, linh mục và tu sĩ. Xin Chúa đón nhận và gìn giữ các ngài trong tình yêu của Chúa.
Giờ đây, xin Chúa mở con mắt đức tin cho chúng con, để chúng con nhận ra Chúa đang ở bên và đang đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Xin Chúa mở đôi tai để chúng con nhận ra tiếng Chúa, nhận ra ý Chúa trong cuộc đời. Và xin Thánh Thần của Chúa hãy đến với chúng con, khai mở lòng trí, để chúng con biết lắng nghe Lời Chúa, biết luôn khiêm tốn để cho Lời Chúa uốn nắn, hướng dẫn cuộc đời chúng con, cho chúng con mỗi ngày có thể lớn lên trong ân sủng, trong niềm vui có Chúa ở cùng và mạnh dạn ra đi rao truyền tình yêu Chúa cho mọi người.
(thinh lặng giây lát)
Lắng nghe Lời Chúa – suy niệm và cầu nguyện
3. Hát (đứng) : Lắng nghe Lời Chúa 4
4. Lời Chúa : Cv 2,14a.36-41 (ngồi)
Trích sách Công vụ tông đồ
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng : "Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này : Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô". Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác : "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?". Ông Phê-rô đáp : "Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi". Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói : "Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ". Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.
Ðó là lời Chúa.
5. Suy niệm 1 : (ngồi)
Bài trích sách Công vụ tông đồ lấy bối cảnh trong ngày lễ Ngũ Tuần và ông Phêrô đã mạnh dạn loan báo về Tin mừng Phục Sinh cho mọi người. Tại sao ông có thể thay đổi một cách nhanh chóng như thế? Điều gì đã khiến ông từ một Phêrô yếu đuối chối Chúa đến ba lần mà giờ đây đầy tràn nhiệt huyết, can đảm và mạnh dạn tuyên xưng Chúa trước mặt mọi người. Câu trả lời chỉ có một đó chính là Thánh Thần. Chính Thánh Thần đã hoạt động trong ông và biến ông trở thành một người có lòng tin vững vàng sẵn sàng dấn thân vì Chúa.
Khi còn ở với các môn đệ Chúa Giêsu đã nhiều lần hứa ban cho họ một đấng Bảo trợ. Đấng Bảo trợ này sẽ chỉ đến khi Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha. “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm” (Ga 16,8), “Người sẽ dẫn tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ tôn vinh Thầy vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-14). Chúa Giêsu đã nhiều lần nói cho các môn đệ về vai trò của Thánh Thần. Người sẽ hướng dẫn mọi sự trong Hội Thánh và sẽ ban sức mạnh cho nhiều người. Chính Chúa Giêsu khi Người chịu phép rửa tại sông Giođan thì Chúa Thánh Thần cũng ngự xuống trên Người dưới dạng chim bồ câu. Hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu là biểu hiện của một người đã được thánh hóa cho Thiên Chúa. Hơn thế nữa sau khi Chúa Giêsu sống lại Ngài cũng đã ban Chúa Thánh Thần xuống cho các môn đệ dưới hình lưỡi lửa và sai họ đi loan báo tin mừng cho muôn dân.
Khi các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng thì các ngài cũng ban Thánh Thần cho những người được các ngài tuyển chọn làm lãnh đạo và những người được các ngài rửa tội. Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà công cuộc thiết lập hội Thánh của các tông đồ mới dần trở nên hoàn thiện. Người hoạt động trong Hội thánh một cách nào đó mà không ai hiểu được. Ngay cả Phaolô cũng đã phải thừa nhận trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô “ cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25). Khi Phaolô mới được ơn trở lại ông đã cố gắng đi rao giảng cho người Do Thái để đem họ trở về với Chúa nhưng Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy ông đi đến với dân ngoại. Ông đã trăn trở rất nhiều về ý định này nhưng sau cùng ông đã làm theo thánh ý Chúa và đã đưa được rất nhiều người ngoại giáo đi theo Chúa.
Chính Chúa Thánh Thần hoạt động không ngừng trong Hội Thánh và làm cho Hội Thánh phát triển. Ngài đã không ngừng nâng đỡ Hội thánh trong mọi cơn gian nan thử thách. Nhìn lại trong lịch sử của hội thánh chúng ta có thể thấy rõ ràng là có bàn tay của Chúa Thánh Thần can dự vào. Trải qua bao biến cố của lịch sử mà Hội Thánh vẫn còn tồn tại được đến ngày nay đó không phải là do bàn tay của Chúa can dự vào thì làm sao mà Hội Thánh tồn tại như thế được. Chúa Thánh Thần cũng hoạt động trong Hội Thánh bằng các đặc sủng mà ngài ban cho các dòng tu để họ có thể hoạt động trong Hội Thánh.
Hơn thế nữa Chúa Thánh Thần cũng hiện diện với từng người trong chúng ta vì mỗi người chúng ta là đền thờ của Ngài. Ngài làm cho chúng ta như những khí cụ của Ngài. Trong kinh nguyện Kitô giáo, người Kitô hữu thường bắt đầu công việc của minh bằng cách cầu xin Chúa Thánh Thần. Vì chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp họ hoàn thành công việc.
(thinh lặng giây lát)
6. Hát (đứng) : Thần Linh Chúa
7. Suy niệm 1 (tt) : (quỳ)
Lạy Chúa Thánh Thần xin tác động đến từng người trong chúng con, là những kẻ đang dấn thân theo Chúa. Xin Chúa hãy dẫn chúng con đi theo con đường mà Ngài đã định cho chúng con. Xin Ngài ban thêm ân sủng trợ lực cho chúng con để chúng con có đủ sức mạnh mà đem tin mừng đến cho mọi người. Xin giúp con có thể mạnh dạn thưa lên “Veni, Sante Spiritus”. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến. Xin hãy biến đổi chúng con và giúp chúng con trở thành những chứng nhân của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.
(thinh lặng giây lát)
8. Hát (đứng) : Lời Chúa
9. Tin Mừng Ga 10,1-10 : (đứng)
+ Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
"Thật, tôi bảo thật các ông : Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ". Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. Vậy, Đức Giê-su lại nói : "Thật, tôi bảo thật các ông : Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp ; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào".
Ðó là lời Chúa.
10. Suy niệm 2 : (ngồi)
“Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Chúa Giêsu đã tự ví mình như mục tử khi đưa ra hình ảnh đoàn chiên. Khi nhìn vào lịch sử dân Do Thái ta có thể thấy dân Do Thái rất quen thuộc với hình ảnh này vì họ là những người dân du mục. Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc này để nói về liên hệ giữa Người với người ta và giữa người ta với Người. Người là người mục tử nhân lành hiến mạng cho đoàn chiên chẳng tiếc. Chúng ta là đoàn chiên của Người, Người lãnh đạo chúng ta không phải bằng kỷ luật hay bằng hình phạt nhưng mà người lãnh đạo chúng ta bằng tình yêu. Tình yêu của Người được thể hiện qua việc quan tâm chăm sóc và hy sinh cho chúng ta.
Tình yêu của Chúa Giêsu được thể hiện trước hết qua việc Người quan tâm chăm sóc chúng ta. Khi chúng ta yêu mến một ai đó thì biểu hiện đầu tiên của chúng ta đó là quan tâm chăm sóc cho họ. Chúa Giêsu cũng thế, vì yêu thương chúng ta nên Người mới quan tâm chăm sóc cho chúng ta. Người quan tâm đến những nhu cầu nhỏ nhất của chúng ta. Người biết chúng ta cần gì trước cả khi chúng ta xin với Người. Người chăm sóc chúng ta không phải với sự ràng buộc nhưng Người để cho chúng ta tự do. Người chăm sóc chúng ta không phải để chúng ta lệ thuộc vào Người nhưng Người giúp chúng ta trưởng thành hơn. Tình yêu của Người không phải là tình yêu ích kỷ như chúng ta thường thấy ở đời. Tình yêu của chúng ta thường là ích kỷ và muốn chiếm hữu. Nếu so với tình yêu của Chúa Giêsu thì tình yêu của chúng ta chẳng là gì cả. Thế mà chúng ta vẫn cứ tự hào về tình yêu của mình nhất là khi chúng ta làm điều gì tốt cho một ai đó. Chúng ta muốn cho mọi người biết việc tốt của mình làm. Chúng ta không sẵn sàng yêu mọi người bằng tình yêu quan tâm chăm sóc. Nếu có thì cũng chỉ là vì một lợi ích nào đó của chúng ta mà thôi. Nếu so với tình yêu quan tâm chăm sóc của Chúa thì tình yêu của chúng ta thật nhỏ bé chẳng đáng là gì. Tình yêu của Chúa đôi lúc dẫn người ta tới nơi mà mình chưa bao giờ tưởng tượng, nhưng tình yêu này cũng luôn dẫn ta đến với những con người mà ta muốn tìm gặp. Như thế, hy vọng được dưỡng nuôi bởi sự xác tín này : “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4,16). Kinh thánh đã chưng dẫn rất nhiều ví dụ tình yêu của Chúa Giêsu. Người đã đưa rất nhiều tội nhân quay trở về với đường công chính. Người đã cung cấp cho họ lương thực lành mạnh. Người đưa họ đến những đồng cỏ non đến những dòng suối trong. Người mang đến cho họ lương thực là lời Chúa và thánh ý Chúa Cha. Những lương thực này sẽ giúp cho họ được sống và được sống dồi dào.
Tình yêu của Chúa Giêsu cũng là tình yêu hy sinh. Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất cho một tình yêu. Càng yêu nhiều thì càng sẵn sàng hy sinh nhiều. Yêu đến mức độ cho đi mạng sống là tình yêu không gì so sánh được. Chính Chúa Giêsu đã nói “không có tình yêu cao cả nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Khi nhìn lại trong tin mừng chúng ta thấy chính Chúa Giêsu đã thực hành những điều này. Vì yêu thương chúng ta Người đã từ bỏ địa vị làm con Thiên Chúa sống kiếp phàm nhân như chúng ta. Người đã nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Không những thế người đã chấp nhận chết vì chúng ta để đưa chúng ta từ những con người tội lỗi trở về với địa vị làm con Chúa. Ôi tình yêu của chúa thật là cao cả biết bao. Chúng ta có thật sự xứng đáng với tình yêu này không? Khi nhìn lại con người của mình, chúng ta cảm thấy chúng con quá bất xứng với Chúa. Chúng ta chưa thực sự chia sẻ được tình yêu của Chúa cho những người anh em của chúng ta. Nhiều khi chúng ta nhìn những anh em của chúng ta đang sống trong cảnh bất hạnh vì nghèo đói, bệnh tật hay chiến tranh thì chúng ta lại lờ đi. Chúng ta thật quá hờ hững và vô tâm. Chúng ta chưa dám từ bỏ mình để sống theo tình yêu của Chúa, một tình yêu hy sinh bỏ mình. Lạy Chúa chúng con cảm thấy mình thật quá xa vời với tình yêu đó Chúa ơi. Chúng con không biết làm sao để có thể xứng đáng với tình yêu đó Chúa ơi.
(thinh lặng giây lát)
11. Hát (đứng) : Tình Chúa cao vời
12. Suy niệm 2 (tt) : (quỳ)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, hạnh phúc của Chúa chính là việc chăm sóc, an ủi và yêu thương đoàn chiên của mình. Xin Chúa ban cho các linh mục luôn dấn thân theo con đường của Chúa, luôn biết chia sẻ cảm thông với giáo dân của mình và giúp họ trong cuộc hành trình tiến về đời sau. Xin Chúa cũng ban cho Giáo Hội có thật nhiều ơn gọi đặc biệt là trong thời đại ngày nay. Thời đại mà cuộc sống văn minh và phát triển đã làm tình trạng ơn gọi đã giảm sút rất nhiều. Cuối cùng, một cách đặc biệt hơn hết chúng con xin cầu nguyện cho những bạn trẻ đang dấn thân trên con đường ơn gọi cũng như những bạn trẻ đang hướng mình theo ơn gọi đi theo Chúa. Xin Chúa ban cho các bạn trẻ đó có một tình thần nhiệt thành và hăng say theo Chúa để họ có thể trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước và làm cho nước Chúa được loan báo khắp hoàn vũ… như ước mong của Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới cầu cho Ơn Gọi lần thứ năm mươi năm 2013 đã ngỏ lời các bạn trẻ : “Các bạn trẻ thân mến, dẫu các con đang phải đối diện với biết bao nhiêu lựa chọn hời hợt và chóng qua, cha hy vọng các con vẫn có thể nuôi dưỡng khao khát về điều gì có giá trị đích thực với những mục đích cao cả, những lựa chọn triệt để trong việc phục vụ tha nhân và bắt chước Đức Kitô. Các con đừng sợ bước theo Đức Giêsu và bước đi trên những con đường có tính đòi hỏi, can đảm sống đức ái và quảng đại dấn thân. Trên hành trình này, các con sẽ hạnh phúc để phục vụ và làm chứng về một niềm vui mà thế giới không thể trao ban, các con sẽ là những ngọn lửa sống động về một tình yêu vô hạn và vĩnh cửu, và các con sẽ học để “sẵn sàng đưa ra câu trả lời cho niềm hy vọng nơi các con” (1Pr 3,15). Amen.
(thinh lặng giây lát)
13. Lời kinh Cầu cho ơn gọi (quỳ)
(Đức thánh cha Phaolô VI, 1964)
Lạy Chúa Giê-su là Vị Mục Tử đích thực, – là Đấng chăn dắt các tâm hồn, – Chúa đã chọn các Tông Đồ theo nghề chài lưới người – và không ngừng lôi cuốn các bạn trẻ – có tâm hồn sốt sắng và quảng đại, – để biến họ nên môn đệ Chúa – và thừa tác viên của Hội Thánh ; – xin rèn luyện con người họ – biết chia sẻ nỗi khát khao của Chúa – trong sứ vụ cứu độ phổ quát mà Chúa đã hoàn tất – qua cái chết hồng phúc trên thập giá – và hằng ngày tái diễn nơi Hy Tế Bàn Thờ.
Lạy Chúa là Vị Thượng Tế hằng sống – để chuyển cầu cho nhân loại chúng con, – xin mở ra cho người trẻ chân trời của thế giới hôm nay, – nơi đang vang lên lời cầu nguyện chân thành của biết bao anh chị em, – để họ được ánh sáng chân lý soi dẫn – và có tâm hồn nồng cháy lửa mến yêu – mà quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi : – tiếp nối sứ vụ cứu thế và xây dựng Hội Thánh – là Thân Thể huyền nhiệm của Chúa ; – xin cho họ trở nên “muối đất và ánh sáng trần gian” – làm dấu chỉ Nước Thiên Chúa hiện diện ngay ở đời này, – hầu tôn vinh Danh Chúa và hướng tới lợi ích mọi người.
Lạy Chúa, xin cho lời đáp trả ơn gọi – cũng trải rộng đến các phụ nữ – có tâm hồn thanh khiết và đầy sức sống, – để họ biết khao khát đời sống trọn lành theo Phúc Âm – và thực hiện tinh thần phục vụ Hội Thánh – một cách cụ thể nơi các anh em mình – là những con người cần đến sự trợ giúp và đức ái của họ. – Chúng con cầu xin, – vì Chúa hằng sống và hiển trị đến muôn thuở muôn đời. A-men
14. Hát (đứng) : Một đời theo Chúa
15. Lời cầu.
Anh chị em thân mến, giờ đây chúng ta hãy dâng lên Chúa Giêsu Kitô là mục tử nhân lành, hằng luôn yêu thương, quan tâm chăm sóc và hiến mạng sống vì chúng ta. Trong tâm tình cầu nguyện cho các ơn gọi trong Hội Thánh, chúng ta cùng tha thiết dâng lời nguyện xin.
1. Cầu cho Đức Giáo hoàng, các Đức Giám mục, các linh mục, phó tế của Hội Thánh : xin Chúa gìn giữ các ngài trong sự bình an và tình yêu của Chúa, để các ngài luôn chan chứa niềm vui hướng nhìn về Chúa, trở nên giống Chúa là Vị Mục Tử nhân lành, hy sinh và can đảm dâng hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Chúng ta cùng cầu nguyện !
2. Cầu cho các gia đình là vườn ươm các ơn gọi : xin Chúa ban ơn cho các bậc cha mẹ luôn sống đạo đức thánh thiện, nêu gương sáng và quảng đại dâng hiến con cái cho Chúa, để phục vụ Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện !
3. Cầu cho các người trẻ hôm nay : xin Chúa gìn giữ và uốn nắn cuộc đời họ luôn phù hợp với Thánh ý của Chúa, để với ơn Chúa giúp, Hội Thánh luôn có nhiều tâm hồn sẵn sàng đáp lại tiếng gọi tình yêu của Chúa, dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa và sống niềm vui yêu thương phục vụ mọi người. Chúng ta cùng cầu nguyện !
4. Cầu cho công cuộc đào tạo linh mục của Hội Thánh : xin Chúa chúc lành và khơi dậy nơi các thành phần dân thánh ý thức góp phần nuôi dưỡng và nâng đỡ những người được Chúa kêu gọi. Chúng ta cùng cầu nguyện !
Lạy Cha chúng con…
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
toàn thân thể Hội Thánh được thánh hóa và cai quản
do Thánh Thần của Chúa ;
xin nhậm lời chúng con khẩn cầu cho các thừa tác viên của Chúa ;
để mọi người, nhờ ơn Chúa giúp,
biết vì Chúa mà trung thành phụng sự Hội Thánh.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
16. Hát : Kinh Hòa Bình
Kết thúc
- hát Này con là Đá ! - Lời nguyện cầu cho Đức Giáo hoàng.
- hát Đây nhiệm tích. - Lời nguyện và phép lành MTC.
Kinh Trông Cậy : (quỳ)
Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê, chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng. Đ/ Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.
*Các câu lạy
Lạy Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Đ/ Thương xót chúng con.
Lạy Trái Tim cực thanh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đ/ Cầu cho chúng con.
Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Đ/ Cầu cho chúng con.