Vatican: Ðại Hội Hội Ngộ NiềmTin với chủ đề “Hiệp Nhất để sống và loan báo Tin Mừng” đã tiến hành tốt đẹp từ chiều Thứ Năm 24/7 đến ngày Chúa Nhật 27/7 vừa qua, với sự tham dự của 3000 tín hữu Công Giáo Việt Nam đến từ 16 quốc gia. Ðặc biệt cũng có sự hiện diện của Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Nha Trang, Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Cuộc Hội Ngộ đã kết thúc với Thánh Lễ trọng thể do Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo chủ sự tại Ðền Thờ Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 27 tháng 7. Cùng đồng tế với Ðức Hồng Y còn có Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa và 150 Linh Mục Việt Nam. Cuối Thánh Lễ có nghi thức “Sai Ði Rao Giảng Tin Mừng” trong các môi trường sống của mỗi người tín hữu. Sau đây là bài phỏng vấn Ðức Ông Giuse Ðinh Ðức Ðạo, Giám Ðốc Văn Phòng Phối Kết Tông Ðồ Việt Nam Hải Ngoại dành cho Linh Mục Giuse Trần Ðức Anh, Giám Ðốc Ðài Phát Thanh Vatican Chương Trình Việt Ngữ, trong đó Ðức Ông gợi lại những nét nổi bật của cuộc Hội Ngộ Niềm Tin, những phản ứng của biến cố này và những hướng đi trong tương lai

LM Trần Ðức Anh: Kính thưa Ðức Ông bây giờ Ðức Ông nhìn lại cuộc Hội Ngộ Niềm Tin vừa kết thúc, đâu là tâm tình của Ðức Ông và cảm tưởng của Ðức Ông như thế nào?

ÐO Ðinh Ðức Ðạo:Tâm tình chính yếu và cảm tưởng của con đó là tâm tình cảm tạ Thiên Chúa, vì trong những ngày vừa qua con thấy là tất cả mọi người đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong các cuộc gặp gỡ và sức mạnh của ơn thánh và cũng là tâm tình phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong suốt cuộc hành trình chuẩn bị cho cuộc Hội Ngộ Niềm Tin cũng như trong những ngày cử hành cuộc Hội Ngộ Niềm Tin, con thấy rất rõ ràng bàn tay quan phòng của Chúa hướng dẫn cuộc hành trình từng bước một. Cho nên tâm tình là tâm tình tin tưởng và hy vọng để hướng về tương lai.

LM Trần Ðức Anh: Vậy thưa Ðức Ông đâu là những kết quả nổi bật của cuộc Hội Ngộ Niềm Tin vừa kết thúc?

ÐO Ðinh Ðức Ðạo: Kết quả chính yếu là kết quả thiêng liêng, tất cả mọi người đều cảm thấy những tâm tình sốt sắng thánh thiện đạo đức của tín hữu khi tới dự cuộc Hội Ngộ Niềm Tin Roma. Mặc dầu trời rất nóng bức, nhưng không có ai bỏ các cuộc gặp gỡ, các Thánh Lễ, các buổi cầu nguyện và cả các buổi học hỏi nữa. Con thấy tất cả mọi người đều bỏ qua những bất tiện, những thiếu thốn và quên đi sự nóng bức của khí trời tại Roma.

Ngoài ra con cũng nhận thấy một điều mà một số giáo dân đã nói đến, đó là thường thường trong các cuộc hội họp thì giờ văn nghệ là giờ có sự tham dự đông người nhất. Nhưng tại cuộc Hội Ngộ Niềm Tin này giờ đông người nhất là những giờ Thánh Lễ, giờ Hòa Giải, giờ Rước Kiệu, giờ Cầu Nguyện và giờ văn nghệ không đông bằng những giờ đó. Thì con thấy đây là một dấu hiệu rất đặc biệt cho thấy có một sự khao khát về Ðức Tin, khao khát Thiên Chúa và khao khát để gặp gỡ Ðức Mẹ.

Còn một điều nữa rất nổi bật đó là sự Hiệp Nhất giữa mọi người đến Roma tham dự Hội Ngộ Niềm Tin. Thật sự có nhiều người không biết nhau, nhưng khi về Roma họ cảm thấy thân thiện với nhau và đã gây nên một bầu khí thương yêu, an bình và vui tươi.

Hơn nữa trong ban tổ chức tại Roma không có người, những người giúp trong việc tổ chức và điều hành là những người ở xa khi tới là bắt tay vào việc, mỗi người một việc và tất cả đều làm việc trong sự hòa thuận an bình. Vì vậy khi nghĩ đến con số 3000 người tham dự, với bầu khí thánh thiện tìm kiếm Chúa, bầu khí an vui hiệp nhất thương yêu nhau, thì con nghĩ đến khung cảnh của ngày Lễ Hiện Xuống và con gọi rằng đây là Lễ Hiện Xuống của Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Mong rằng qua cuộc Hội Ngộ Niềm Tin này, qua sự cảm nhiệm về Ðức Tin, về Hiệp Nhất thì Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại sẽ vững mạnh hơn trong Ðức Tin, mở rộng biên cương để ra đi đem Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho mọi người mình gặp gỡ, cũng như đến tất cả mọi người trên thế giới này.


LM Trần Ðức Anh: Vậy thưa Ðức Ông, Ðức Ông có nhận được những phản ứng hoặc là những dư âm gì về Hội Ngộ Niềm Tin này từ phía Tòa Thánh, từ phía Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Hội tại quê nhà cũng như từ các Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại hay không?

ÐO Ðinh Ðức Ðạo: Vâng, con bắt đầu ngay từ các Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, nghĩa là chính những người về tham dự Hội Ngộ Niềm Tin. Khi gặp con thì ai cũng hỏi bao giờ thì sẽ có Hội Ngộ Niềm Tin thứ hai, như thế nói lên được lòng mong ước của mọi người được sống những giây phút an bình vui tươi thánh thiện trong tình yêu của Chúa và trong tình hiệp nhất huynh đệ với nhau.

Rồi từ Giáo Hội nơi quê nhà, thì Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam khi trở về Việt Nam đã gửi lại cho con một ít lời nói lên lòng vui mừng, cám ơn và nhận thấy sự tiến triển cũng như sự trưởng thành của các tín hữu Việt Nam sống tại hải ngoại, đặc biệt được biểu lộ trong cuộc Hội Ngộ Niềm Tin này.

Tại Roma cũng có nhiều lời thán phục từ các Ðấng Bề Trên tại Tòa Thánh là Ðức Hồng Y Sepe, Tổng Trưởng Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho Muôn Dân, Ngài đã nói lên niềm cảm phục đức tin của mọi người Việt Nam trở về đây mà Ngài đã có dịp chứng kiến, cũng như Ðức Cha Robert Sarah, Tổng Thư Ký Thánh Bộ Truyền Giáo là Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho Muôn Dân, chính Ngài cũng nói lên những lời này và những lời thán phục chúc mừng. Thật ra phải nói là một cuộc thành công của ơn thánh Chúa chứ không phải là công việc của những người tổ chức. Vì bầu khí thánh thiện đó không thể do việc tổ chức mà là ơn thánh của Chúa làm việc trong lòng cùng với tất cả mọi người về đây tham dự, đã gây nên được bầu khí vui tươi thánh thiện đó.


LM Trần Ðức Anh: Thưa Ðức Ông, bây giờ nhìn lại quá khứ xa hơn nữa, động lực nào đã thúc đẩy Ðức Ông có sáng kiến để tổ chức Hội Ngộ Niềm Tin này?

ÐO Ðinh Ðức Ðạo: Trước khi con nói đến lý do động lực tại làm sao có cuộc Hội Ngộ Niềm Tin, thì con cũng xin nói lại cho rõ là sáng kiến này và quyết định Hội Ngộ Niềm Tin là do Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại đã đưa ra cùng với tất cả các vị đại diện cơ cấu mục vụ quốc gia, các vị đại diện liên Tu Sĩ quốc gia và các Bề Trên Dòng Tu. Vì vậy đây là công việc chung bắt đầu ngay từ đầu chứ không phải là công việc riêng của một người nào. Và cũng chính đó là tinh thần của Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại nhấn mạnh vào trong chủ đề “Hiệp Nhất để Sống và loan báo Tin Mừng”. Lý do chính yếu là tiếp tục cuộc hành trình thiêng liêng của Năm Thánh 2000 để đáp lại lời mời của Ðức Thánh Cha “Ra Khơi”, củng cố cho đức tin của mỗi người, của gia đình cũng như của tất cả các Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại nơi Chúa Giêsu, tin Chúa Giêsu, vui mừng vì gặp được Chúa Giêsu, để rồi cùng nhau ra đi chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho tất cả mọi người, mở rộng biên cương ra toàn thế giới. Trên thế giới này còn biết bao nhiêu người chưa gặp được Chúa Giêsu, chưa có niềm vui được biết Chúa Giêsu.

Ngoài ra cũng còn lý do đặc biệt của người Công Giáo Việt Nam, đó là chúng ta nhớ đến tiền nhân cha ông của chúng ta là các vị Tử Ðạo. Chúng ta được trở nên những bàn chân, những bàn tay nối tiếp của cha ông chúng ta để đi reo giắc Tin Mừng tại bất cứ nơi nào mà Chúa quan phòng đưa người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại tới trên thế giới.


LM Trần Ðức Anh: Thưa Ðức Ông, trong tiến trình chuẩn bị Hội Ngộ Niềm Tin, chính trong những ngày Hội Ngộ Niềm Tin, rồi qua những cuộc viếng thăm của Ðức Ông tại các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại trên thế giới, thì Ðức Ông nhận thấy đâu là những điều đặc biệt cho những cuộc hành trình sống đức tin của người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại?

ÐO Ðinh Ðức Ðạo: Người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại sống trên thế giới nên cũng phải đối diện với tất cả những vấn đề và Giáo Hội hoàn vũ cũng đối diện trong ngày hôm nay, cũng như những vấn đề đặc biệt của riêng mỗi Giáo Hội địa phương. Chẳng hạn như những vấn đề gia đình, vấn đề giáo dục con em, vấn đề truyền đạt đức tin cho con cái của mình. Ðó là những vấn đề chung, thế nhưng đối với người Công Giáo Việt Nam sống tại hải ngoại này, ngoài những vấn đề chung đó còn có sắc thái đặc biệt mà con tạm nói qua một câu này “Phải sống như một người Công Giáo, người Công Giáo Việt Nam, người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại”, đó là ba yếu tố đặc biệt của người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại.

Trước tiên sống ở trong xã hội tân tiến này có rất nhiều thách đố cho người Công Giáo, cho nên người Công Giáo Hải Ngoại cần làm sao để xác tín đức tin của mình, để không còn cảm thấy sợ sệt mà nói lên lòng tin của mình. Không phải chỉ là lòng tin một cách trừu tượng nhưng mà lòng tin của mình vào Chúa Giêsu và đem áp dụng tất cả vào những hoàn cảnh cụ thể của mình.

Thứ hai là người Công Giáo Việt Nam phải sống với tư cách đặc thù của nền văn hóa Việt Nam và truyền thống sống đạo của người Việt Nam. Vì vậy hành trình đức tin trong tương lai cần thiết là phải tìm ra những nét tinh anh của nền văn hóa Việt Nam, tinh anh truyền thống sống đạo của người Việt Nam. Thực ra con đi thăm các nơi của các Giáo Hội địa phương, thì các Ðức Cha đều khen ngợi nếp sống đạo của người Việt Nam, nó có một cái gì đặc biệt đem sức sống đến cho Giáo Hội địa phương.

Và điểm thứ ba đó là sống tại địa phương thì chúng ta cần phải đóng góp vào hành trình đức tin của Giáo Hội địa phương trở thành những phần tử tích cực một trâm phần trăm. Tham dự vào tất cả các chương trình phục vụ của Giáo Hội địa phương cũng như mở rộng tâm hồn để đón nhận cái hay cái đẹp của Giáo Hội địa phương, sao cho cuộc hành trình đức tin trong tương lai phải hội nhập, dung hòa được tất cả ba yếu tố này tức là: Công Giáo, Việt Nam và Giáo Hội địa phương.


LM Trần Ðức Anh: Thưa Ðức Ông bây giờ hướng nhìn về tương lai, đâu là những ý tưởng nền tảng hướng dẫn chương trình mục vụ hậu Hội Ngộ Niềm Tin?

ÐO Ðinh Ðức Ðạo: Ngoài những điểm con trình bày vừa rồi thì có hai ý tưởng chính yếu sẽ là những yếu tố nền tảng hướng dẫn tất các chương trình mục vụ, con xin diễn tả qua hai điều này đó là: Nên Thánh và Trở Thành Chứng Nhân.

Các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại sẽ phải là những Cộng Ðoàn Thánh. Tất cả các chương trình mục vụ thúc đẩy mọi người Công Giáo Việt Nam sẽ trở thành những người thánh. Ao ước là trong tương lai chúng ta sẽ có những linh mục tu sĩ thánh, có những người cha người mẹ thánh, có những con, thanh niên thiếu nữ thánh, có những người hoạt động trong ngành chính trị kinh tế xã hội là những người thánh, biết đưa Tin Mừng của Chúa vào trong tất cả những lãnh vực cụ thể đó. Rồi không chỉ nên thánh cho riêng mình mà nên thánh để có thể làm chứng cho Thiên Chúa là Ðấng Thánh.

Kế đến là Cộng Ðoàn Chứng Nhân, Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại sẽ trở nên những Cộng Ðoàn chứng nhân trung thành và kiên trung can đảm cho Tin Mừng trong hoàn cảnh sống của mình. Ðó là hai ý tưởng nền tảng nó sẽ là ánh sáng hướng dẫn cho tất cả các chương trình mục vụ hậu Hội Ngộ Niềm Tin.


LM Trần Ðức Anh: Ðó là hướng đi tổng quát, Văn Phòng Phối Kết Tông Ðồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại có chương trình gì cụ thể không, thưa Ðức Ông?

ÐO Ðinh Ðức Ðạo: Dĩ nhiên là khi nói đến chương trình cụ thể thì con cần phải tham khảo ý kiến của các vị đại diện mục vụ cũng như của các liên Tu Sĩ và các Dòng Tu hoạt động tại các địa phương. Nhưng ngay bây giờ thì con xin tạm phát họa một vài ý tưởng, con mường tượng là sau cuộc Hội Ngộ Niềm Tin thì sẽ có những cuộc Hội Ngộ Niềm Tin cho từng giới, thí dụ như Hội Ngộ Niềm Tin Giới Trẻ, Hội Ngộ Niềm Tin Gia Ðình, Hội Ngộ Niềm Tin các Phong Trào Hội Ðoàn, Hội Ngộ Niềm Tin giới Kinh Tế Chính Trị Xã Hội. Áp dụng cho từng giới một, có như thế chúng ta mới có thể tìm ra những hướng sống áp dụng Tin Mừng vào trong cuộc sống của từng thành phần, và nhìn ra những hướng đi sao cho những thành phần đó trở thành những chứng nhân cụ thể, kiên trung của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh sống, trong môi trường và lãnh vực của họ.

LM Trần Ðức Anh: Xin chân thành cám ơn Ðức Ông.