SAN JOSE - Theo chương trình được dự liệu, sau khi cử hành thánh lễ tại nhà thờ Saint Patrick của Giáo Xứ Việt Nam vào lúc 7 giờ 30 sáng, Ðức Giám Mục Giáo Phận Ðà Lạt Phêrô Nguyên Văn Nhơn vào sáng Chúa Nhật 3 tháng 8 đã đến viếng thăm và cử hành thánh lễ tại Ðền Thánh Tử Ðạo Việt Nam San Jose vào lúc 10 giờ sáng.

Trái với thời tiết nóng nực, mưa gió trong mấy ngày trước, sáng nay bầu trời San Jose thật mát mẻ, thích hợp cho một buổi lễ ngoài trời. Ðược tin có sự hiện diện của Ðức Giám Mục Việt Nam tại Ðền Thánh, nhiều giáo dân từ khắp nơi trong vùng Vịnh San Francisco đã lũ lượt về đây để tham dự thánh lễ và gặp gỡ vi cha chung mới từ Việt Nam qua.

Tiên liệu được số người đông đảo, ban mục vụ đã thiết lập ngay một lễ đài ngoài trời để đáp ứng nhu cầu mục vụ. Chung quanh khu vực Ðền Thánh được trang trí bằng những lá cờ đuôi nheo ngũ sắc, báo cho mọi người biết hôm nay có sự kiện trọng đại diễn ra tại Ðền Thánh. Ðến khoảng 9 giờ 30 sáng, toàn khu lễ đài không còn một chỗ trống trong khi tại một góc lễ đài, giáo dân xếp hàng viết bao thư ghi ý lễ kính gửi Ðức Cha. Trong số các vị khách được Ðức Ông Ðỗ Văn Ðĩnh đệ đạt giấy mời, ngoài các linh mục, người ta còn thấy các chị dòng nữ tu Mến Thánh Giá Quy Nhơn, các chị dòng Tu Hội Tình Thương mà không một biến cố trọng đại nào trong giáo xứ mà không có sự hiện diện của các dì

KÍNH VIẾNG LINH HÀI CÁC THÁNH TỬ ÐẠO VIỆT NAM

Ðúng 10 giờ, Ðức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng Ðức Ông Ðominicô Ðỗ Văn Ðĩnh, quản nhiệm Cộng Ðoàn Việt Nam của giáo xứ thánh Maria Goretti, Linh Mục Phêrô Phan Thế Lực, Chánh Xứ Giáo Xứ Việt Nam Saint Patrick, Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Thư, Giáo xứ Resurrection, Linh Mục Bùi Quốc Khánh, Linh Mục Stêphanô Nguyễn Mạnh Tân, và Thầy Sáu Joseph Huỳnh Văn Ngọc, tiến vào nguyện đường kính viếng linh hài các Thánh Tử Ðạo Việt Nam trong khi ca đoàn Mông Triệu và hàng ngàn giáo dân cùng hát vang bài Tiếng Nhạc Oai Hùng để tôn vinh các anh hùng tử đạo. Bài thánh ca đầy hào khí vừa chấm dứt thì phái đoàn hành lễ có thánh giá nến cao đi trước tiến ra lễ đài giữa tiếng hoan hô, vỗ tay vang dội chào mừng vị Chủ Chiên Giáo Phận Ðà Lạt.

LỜI CHÀO MỪNG CỦA ÐỨC ÔNG.

Tại lễ đài, Ðức Ông Ðỗ Văn Ðĩnh đã đại diện Linh Mục chính xứ Kevin Joyce ngỏ lời chào mừng và cám ơn Ðức Cha đã đến viếng thăm giáo xứ Thánh Maria Goretti. Ngài nói:

Trọng kính Đức Cha Phêrô,

Kính thưa quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ,

Kính thưa Cộng Đoàn Dân Chúa,

Hôm nay, một lần nữa, Cộng Đoàn Việt Nam giáo xứ Thánh Maria Goretti lại được vinh dự đón rước một Vị Chủ Chăn đáng kính của Giáo Hội Việt Nam, đó là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục Đà Lạt.

Kính thưa Đức Cha,

Đức Cha vừa kính viếng linh hài của 87 trong số 117 Hiển Thánh Tử Đạo VN và tóc của Á Thánh Anrê Phú Yên. Chính Nguyện Đường Các Thánh Tử Đạo VN này đã luôn nhắc nhở chúng con noi gương sống đạo anh hùng của các Thánh tiền nhân và cố gắng gìn giữ căn tính Việt Nam của mình, như lời khuyên dạy của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị.

Sự hiện diện của Đức Cha hôm nay tại đây cũng nhắc nhở chúng con nhiệm vụ thực thi đức bác ái đối với những người anh em chúng con đang mắc bệnh cùi tại hai làng Di Linh và Đồng Lạc, thuộc giáo phận Đà Lạt.

Chúng con kính xin Đức Cha chuyển lời thăm hỏi thân thương nhất của chúng con đến toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa Giáo Phận Đà Lạt. Trong tình hiệp thông với Giáo Hội Mẹ VN, đặc biệt là Giáo Phận Đà Lạt, qua Bàn Tiệc Thánh hôm nay, chúng con xin Đức Cha cầu nguyện cho Giáo xứ Thánh Maria Goretti và Cộng Đoàn VN chúng con tại đây. Chúng con xin kính chào Đức Cha.


Sau lời chào mừng của Ðức Ông, Ðức Giám Mục ngỏ lời với các linh mục và giáo dân. Ngài nói thật là một vinh dự cho Ngài được đến nơi có nhiều nhất linh hài các Thánh tử Ðạo Việt Nam để cử hành thánh lễ, để tôn vinh và tưởng nhớ công ơn các Ngài và để cầu nguyện cho cộng đoàn giáo dân Việt Nam tại San Jose.

Thánh lễ đồng tế đã đuợc cử hành trong bầu khí thật trang trọng và thánh thiện. Ðến phần giảng thuyết Ðức Giám Mục đã khai triển ý nghĩa bài phúc âm hôm nay mà chủ đề chính là Mana. Ngài nói Mana là biểu tượng thực phẩm cho sự sống phần xác, con dân Israel ngày xưa được Chúa làm phép lạ để khỏi chết trên sa mạc. Còn Chúa Giêsu ban bí tích Thánh Thể, ai ăn Mình Máu Thánh Chúa, linh hồn sẽ được sống muôn đời rồi Ngài dẫn đến kết luận Chúa là bánh hằng sống, và ai tin vào Ngài sẽ không bị chết muôn đời.

Trước khi thánh lễ chấm dứt, chị Trần Thị Hòa, đại diện Hội Ðồng Mục Vụ của Cộng Ðoàn Việt Nam giáo xứ thánh Maria Goretti lên lễ đài ngỏ lời cảm tạ Ðức Cha. Chị nói:

Trong Kính Ðức Cha,

Kính thưa Ðức Ông,

Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ.

Kính thưa quý ông bà và toàn thể anh chị em,

Con xin đại diện cho Hội Ðồng Mục Vụ Việt NamGiáo Xứ Thánh Maria Goretti chân thành cám ơn Ðức Cha đã không quản ngại đường xá xa xôi tới viếng thăm giáo xứ chúng con. Ðây cũng là một vinh dự lớn lao cho cộng đoàn chúng con đã được Ðức Cha từ Giáo Phận Ðà Lạt đến thăm viếng và dâng lễ tạ ơn.

Giáo xứ chúng con có 7000 giáo dân bao gồm bốn cộng đoàn: Mỹ, Mễ Tây Cơ, Phi Luật Tân, và Việt Nam. Riêng Cộng Ðoàn Việt Nam có khoảng 3500 giáo dân. Hằng ngày chúng con đều có thánh lễ tiếng Việt và mỗi cuối tuần có 3 thánh lễ tiếng Việt.

Cộng đoàn chúng con cũng có nhiều hội đoàn như Liên Minh Thánh Tâm, hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Lêgiô Mariê, hôi dòng Ða Minh, hôi Cao Niên, hội Kính Các Thánh tử Ðạo Việt Nam, Thiếu Nhi Thánh Thể, ban Giáo Lý Việt Ngữ, và đặc biệt chúng con có 7 khu liên gia đang tích cực hoạt động để cùng nhau thăng tiến đời sống tâm linh.

Chúng con kính chúc Ðức Cha được dồi dào sức khoẻ. Sau thánh lễ chúng con trân trọng kính mời Ðức Cha cùng thưởng thức món ăn thuần túy Việt Nam để chúng con có cơ hội trò truyện với Ðức Cha.

Xin kính dâng Ðức Cha món quà kỷ niệm.


MỘT TRÀNG TIẾNG KÔHÔ

Ðáp lại lời cám ơn của vị Ðại Diện Hội Ðồng Mục Vụ, Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã ngỏ lời cùng giáo dân. Ngài làm mọi người ngạc nhiên đến thán phục khi mở đầu câu chuyện bằng một tràng tiếng Kôhô mà chẳng ai hiểu gì. Tiếng Kôhô là ngôn ngữ của bộ lạc thiểu số cư ngụ tại Lâm Ðồng và Ðà Lạt nơi Ngài quản nhiệm. Ngài dịch câu tiếng Kohô là “Kính chào qúy anh chị em trong Chúa Kitô”. Cả khu lễ đài lập tức vang lên tràng pháo tay dòn dã. Ðức Cha kể rằng: Có người hỏi sang Mỹ có nhớ nhà không ? Ðức Cha dí dỏm trả lời :

- Nhớ nhà thì không, nhưng nhớ đồng bào thượng nghèo khó thì có.

Thế rồi ngài kể về giáo phận của Ngài có đến 71,000 giáo dân thượng thuộc hai sắc tộc Kôhô và Churu. Ðời sống họ nghèo túng, nhưng đời sống tâm linh của họ thật phong phú đáng khâm phục. Có những nơi giáo dân thượng phải đứng ngoài mưa dự lễ và mỗi khi đươc linh mục đến buôn làng làm lễ, mọi người đều xưng tội và rước lễ thật sốt sắng. Cuối cùng Ngài xin mọi người cầu nguyện và giúp đỡ Giáo Phận để công việc truyền giáo và mục vụ cho người thượng được tiến triển tốt đẹp.

NƯỚC MẮT VẮN DÀI - NỤ CƯỜI MỪNG RỠ

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 15, Ðức Cha bước xuống lễ đài thì lập tức hàng chục giáo dân vây quanh Ðức Cha, có cụ ông cụ bà cứ nắm chặt lấy tay Ðức Cha rồi để mặc những giọt nước mắt vắn dài tuôn trên hài gò má, miệng mếu máo kế lại kỷ niệm Ðà Lạt năm xưa. Có cụ bà trạc chừng trên 80 thưa với Ðức Cha những lời thật âu yếm như lời nói giữa hai mẹ con: “Con thương Ðức Cha quá, Ðức Cha về mua thuốc bổ uống nhá. Ðà Lạt lạnh hay ốm lắm đấy.”

Sau đó Ðức Cha và toàn thể quý cha và quý sơ và rất nhiều giáo dân vào phòng hội dùng bữa trưa. Tiệc tùng nào tại Ðền Thánh cũng lại trong tay Các Bà Mẹ Công Giáo đảm trách lo toan. Tuy thế, không bao giờ người ta thấy các bà có tiếng than vắn thở dài vì công việc bếp núc, nóng nực. Khi Ðức Cha dùng xong tô phở nóng, Tiến sĩ Trần An Bài và Ðức Ông Ðỗ Văn Ðĩnh hướng dẫn Ðức Cha đến các bàn tiệc để giáo dân được chụp hình chung làm kỉ niệm. Tại một bàn, một em bé gái trạc chừng 10 tuổi đã nhờ Ðức Cha gửi cho người cùi trong giáo phận Ðà Lạt một thùng tiền cắc gồm đồng 1 cent, 5 cents, 25 cents. Tính ra cũng được khoảng mấy chục Mỹ Kim. Tiền này do em dành dụm cả mấy năm trời. Ðức Cha cảm động nhận món quà đầy ý nghĩa và ban phép lành cho em.

Ðang lúc các bà mẹ lúi húi múc đồ ăn thì Ðức Cha bước vào khu vực nhà bếp để thăm hỏi và cám ơn các bà đã hy sinh nấu nướng cho bữa tiệc. Khoảng 20 bà, quần áo nhem nhễ, cười nói vui vẻ, hãnh diện được Ðức Cha vào bếp. Họ vây quanh Ðức Cha chụp hình kỷ niệm. Bà Xiển cảm động, nước mắt chảy trên hai gò má thưa Ðức Cha: Ở đây nóng lắm, mùi mắm mùi phở bò không à. Ðức Cha chịu được không? Thấy các bà nấu phở, Ðức Cha nói đùa khoe tài:

“Tôi nấu phở cũng ngon một cây đấy, cứ xem tôi múc nước dùng là biết tôi rành phở”. Thế là Ngài đích thân cầm muôi chan nước dùng cho một tô phở trong khi nồi nước ùng ục sôi, bốc hương thơm ngào ngạt cả nhà bếp. Khi bữa tiêc gần chấm dứt, ông Vũ Hoài An, đặc trách tài chánh buổi lễ đến thưa với Ðức Cha trước sự hiện diện của các cha và giáo dân. Ông nói:

Thưa Ðức Cha, tại Ðền Thánh này, trong những năm qua, chúng con đã được vinh dự tiếp đón nhiều vị Giám Mục Việt Nam. Với bất cứ vị Giám Mục nào, chúng con đều thưa với các Ngài rằng thân xác chúng con ở Hoa Kỳ nhưng tâm hồn, lòng trí chúng con vẫn ở với giáo Hội Mẹ Việt Nam. Hôm nay, chúng con gửi Ðức Cha bao thơ chứa những ý lễ này, xin Ðức Cha coi đó như là một nghĩa cử biểu tượng cho sự hiệp thông của chúng con với Giáo Phận Ðà Lạt và khi Ðức Cha trở về, xin cho chúng con gửi những lời thăm hỏi thân thương nhất đến tất cả những đồng bào trong giáo phận của Ðức Cha.”

Ðức Cha ra về lúc 1 giờ 30 trưa để lại trong lòng giáo dân những cảm nghĩ thật tốt đẹp về một chủ chiên hiền hoà, nhân hậu, vui tươi, niềm nở, sâu sắc và nhất là thánh thiện.