Chúa Nhật 18 Thường Niên B
Ga 6,24-35
Thưa quí vị,
Nếu như muốn suy niệm về Kinh thánh Do thái, thì hôm nay chúng ta có cơ hội tốt. Bài đọc 1 trích từ sách Xuất hành, là thành phần của cuộc di cư vĩ đại, lâu dài, khó khăn, dân tộc Do thái phải trải qua trong sa mạc Sin khô cằn. Tính chất biểu tượng của nó thật phong phú cho mỗi linh hồn và ngay cả cho toàn thể Hội thánh, để vượt qua biển đời trần gian. Trong suốt thời kỳ đó lòng tin của dân tộc Israel bị thử thách nặng nề qua những miền đất hoang dã, gập ghềnh, đầy thú dữ. Nghe đọc bản văn, chúng ta tưởng chừng như câu truyện mới xảy ra hôm qua. Thực sự việc đó đã xảy ra hàng ngàn năm về trước. Thiên Chúa dẫn đưa dân Do thái thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, và vào lúc này họ thấy mình đang trên con đường trở về đất hứa. Họ được tự do, nhưng cuộc hành trình về quê cha đất tổ thì mới vừa khởi sự. Họ còn phải chịu đựng rất nhiều để học cho biết họ là dân tộc nào và Thiên Chúa là ai? Câu truyện thật hấp dẫn và biểu tượng song hành cũng thật rõ ràng. Đức tin của mỗi linh hồn cũng phải trải qua ngần ấy khó khăn để đến được bến bờ hạnh phúc.
Điểm tôi lưu ý đầu tiên là tính cộng đoàn của dân Israel. Ở đây tác giả không nói về cá nhân nào, mà về toàn thể xét như một dân tộc thoát ách nô lệ, và làm cuộc di chuyển qua sa mạc. Cả cộng đồng rời bỏ Ai cập, cả cộng đồng ăn thịt chim cút và bánh manna. Cả cộng đồng phải thử thách, khổ đau, chịu đựng và kêu ca. Như vậy bài đọc gợi ý cho chúng ta về những vật lộn cá nhân trong những cuộc hành trình khó khăn của đức tin. Xin luôn nhớ đây là truyện lòng tin của cả một khối người, không phải của riêng lẻ một ai. Một khối người duy nhất phải trải qua sa mạc. Về phần chúng ta cũng vậy các khó khăn thử thách trong cuộc sống cũng phải được nhìn trong tổng thể lòng tin của cộng đoàn giáo xứ, khi chúng ta cùng nhau tiến tới trên cuộc đời người tín hữu.
Vậy thì cứ thử đặt kinh nghiệm vượt sa mạc của dân Do thái dưới góc độ văn phạm của ngôn ngữ để thấy nội dung của nó ra sao ! Thật khủng khiếp. Nhưng xin thứ lỗi cho tôi về lối giải thích ngoại thường này. Một mệnh đề đơn giản phải có ba yếu tố: Chủ từ, động từ và túc từ. Chủ từ thực hiện hành động, động từ chuyển tải hành động và túc từ tiếp nhận hành động. Trong suốt hành trình di cư của dân Do thái, sự thật văn phạm được tôn trọng. Thiên Chúa là chủ từ và dân Israel tiếp nhận các hành động của Ngài, còn động từ thì vô số, tuỳ vào tình huống: giải cứu, trừng phạt, đe doạ, khuyên răn, ban lề luật… Trong câu truyện xuất hành Thiên Chúa thực hiện những hành động cao cả trên dân. Ngài trông thấy nỗi nhọc nhằn vất vả của kiếp sống lầm than và ra tay giải cứu. Ngài che chở, nuôi sống, dẫn đưa họ qua sa mạc. Tất cả đều là những hành động của Ngài. Dân chúng kêu ca, ta thán, thì có thể coi như những lời cầu khẩn, van xin Thiên Chúa nghe lời và quyết định giải thoát. Ngài không hề ở xa tuyển dân, ngược lại luôn ở gần, lắng nghe các ước vọng của họ. Đàng khác, tuyển dân là túc từ của mệnh đề. Họ sống trong gian khổ, trong những nhu cầu cấp thiết, nhưng chẳng có khả năng tự giải quyết. Họ tiếp nhận các hành động xót thương của Đức Chúa.
Do đó, sách Xuất hành mạc khải cho dân Do thái biết Thiên Chúa là ai và những vật lộn trong sa mạc cho họ hay mình là thế nào? Chúng ta cũng thường bộc lộ những yếu đuối, chao đảo, khó khăn, ta thán, những nỗi thống khổ. Chúng ta có cảm nhận một Thiên Chúa trung tín, hằng ra tay nâng đỡ, cứu giúp, như Ngài đã từng làm cho dân Do thái? Hơn nữa, hàng ngày chúng ta cần Thượng đế giải phóng khỏi kiếp nô lệ tội lỗi. Mặc dù do thói quen chúng ta không nhận ra thân phận mình, cứ cho là tự do mà trong thực tế không phải vậy. Nói rộng ra, phần đông nhân loại đều sống trong ách kìm kẹp của Satan. Nhân loại cần một Thiên Chúa giải thoát. Nhưng công việc của Ngài chỉ là bước đầu. Còn rất nhiều gian nan trước mắt: phá vỡ thói xấu, tập tành nhân đức, vượt khó… Vì thế ngay khi ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã truyền cho tuyển dân phải nên thánh, kẻo trở lại nếp sống nô lệ xưa. Đây là tình trạng mà Vat.II đã gặp. Sau những cố gắng đổi mới, biết bao nhiêu chống đối nổi lên, thậm chí còn có những kẻ muốn huỷ bỏ thành quả của Công đồng, trở về nếp sống bảo thủ, khép kín, ngăn cách khỏi cộng đồng nhân loại. Trên con đường thiêng liêng nếu không có Thiên Chúa hướng dẫn, thì trăm bước sai lầm, chưa chắc chúng ta đã được một bước chính xác. Vì vậy phải luôn gắn bó với Thiên Chúa trong nếp sống thánh thiện.
Nhưng cũng không nên quá bi quan, tô vẽ một Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta vào khó khăn, thử thách. Xin luôn nhớ, dân tộc Israel đã từng sống kiếp nô lệ và Thiên Chúa là Đấng giải cứu họ. Nếu như họ gặp nhọc nhằn, đó là vì còn đang ở trong tiến trình tiến tới tự do, phải bỏ lại đằng sau những tập quán xưa, thói quen cũ. Điều này không phải dễ, nhìn vào chính bản thân, chúng ta cũng thấy cải tạo quả là khó khăn, đau xót, nói chi đến một tập thể, một cộng đoàn, một giáo xứ và ngay cả Hội thánh. Tuy nhiên, để có những cuộc khai sinh con người mới, cộng đoàn mới, thì nhất thiết chúng ta phải chết đi bằng nhiều kiểu cách. Không phải tự tử mà chết đi với tật xấu thói hư.
Giống như dân tộc Israel, Hội thánh cũng hằng đối mặt với các cuộc thanh tẩy, các thử thách do những thế lực ma quỉ gây nên. Lịch sử Giáo hội cho thấy rõ điều đó. Năm ngoái tôi được cung cấp một danh sách dài những quốc gia đang còn bách hại Hội thánh. Tất cả là hơn 20. Năm nay tôi dám chắc con số đó không giảm, có thể còn tăng lên. Bởi lẽ tình hình bài tây phương ngày một dâng cao và Hội thánh bị ảnh hưởng, tuy gián tiếp nhưng cũng rất nặng nề. Cũng không thể bỏ qua những đấu tranh nội bộ. Khi cố gắng sống nhân chứng cho Đức Ki-tô, Giáo hội phải thích nghi với nếp sống địa phương. Nhưng vô tình Giáo hội đồng hành luôn với các thể chế chính trị, văn hoá, kinh tế. Thành thử nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân, lây nhiễm não trạng thực dụng, cứ ngỡ ủng hộ lợi ích của chế độ là trở thành các Kitô hữu tốt. Làm ngược lại là xấu, là phản bội đức tin. Thực chất không phải vậy. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Nước của tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 18, 36). Lại còn một loại khó khăn khác nữa mà Hội thánh luôn phải đấu tranh. Đó là tội lỗi trong lòng mình, đặc biệt các gương mù gương xấu của giai cấp linh mục, tu sĩ. Thí dụ như trong Hội thánh Hoa Kỳ, gương mù lạm dụng tình dục của một vài giáo sĩ đã gây nên không biết bao nhiêu thiệt hại cho mẹ Giáo hội. Về vật chất, thiệt hại quả là khổng lồ. Tiền của đền bù, đáng lý phải được dùng vào những lợi ích khác như thành lập bệnh viện, trường học, từ thiện, viện trợ cho các giáo hội nghèo khó v.v… Tất cả đều bị cắt giảm để tài trợ cho các án dân sự. Về mặt tinh thần thì vô kể. Gương xấu đã phát sinh nhiều lời phê bình gay gắt, giận dữ, bất mãn, ta thán, chế diễu, tố cáo, rời bỏ, loại trừ… Chẳng thiếu một hình thức nào. Có thể còn phải mất vài thập niên nữa vết thương mới được chữa lành. Ở đây chúng ta lại gặp kinh nghiệm sa mạc và như thế lại cần đến lương thực “man-na” mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có khả năng cung cấp. Thứ manna chữa lành, đổi mới và tái dấn thân. Giáo hội Hoa kỳ đang ở giai đoạn xuất hành gian khổ. Thử thách ập đến trong nhiều hình thức khác nhau. Giống như tuyển dân Do thái, chúng ta cũng rất dễ xa đường lạc lối.
Điều an ủi là Thiên Chúa xưa kia đã trông thấy cộng đoàn xuất hành Do thái đói khổ và gởi lương thực đến cho họ. Không phải lương thực họ đã quen dùng, cũng không phải lương thực họ tự chọn lấy. Nhưng thứ bánh mà họ phải hỏi nhau: “Cái gì đây?” (man-hu?). Cho nên bài đọc 1 cũng như bài Tin mừng kêu gọi hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Ngài sẽ nuôi dưỡng chúng ta trong những ngày tháng khó khăn này. Chúng ta chẳng biết được thứ bánh mà Ngài sẽ ban là gì. Có thể ngon ngọt, vui mừng. Có thể chua cay đắng đót. Nhưng mỗi ngày chúng ta được thêm sức mạnh để vượt qua thử thách. Bánh đây không loại trừ lời khích lệ của thân nhân, bà con, bạn bè, có khi của cả những người xa lạ chúng ta chưa từng một lần gặp. Đúng thế, ngoại trừ số ít lòng lang dạ thú, còn thì trái tim con người ta đa phần rất dễ rung động trước những nỗi bất hạnh của kẻ khác. Mỗi khi có thiên tai, bão lụt, lòng hảo tâm của các tầng lớp đồng bào lại mở rộng một cách hào hiệp. Thêm vào đó, nhiều cơ quan từ thiện quốc gia, tôn giáo, quốc tế thường xuyên hoạt động ở những khu vực cần giúp đỡ. Nhiều khi vì quá vô tâm, chúng ta không nhìn thấy bàn tay dịu hiền của Thiên Chúa cùng hoạt động với những cơ quan đó. Như vậy trong một cộng đoàn, bánh của Thiên Chúa có thể là vật chất, có thể là tinh thần, dưới những hình thức ngôn sứ khác nhau, kêu gọi chúng ta trở về với Hội thánh, Bí tích phổ quát của Chúa Giêsu trên thế gian.
Điểm cuối cùng sách Xuất hành mặc khải là: ngày nào đủ bánh cho ngày ấy. Người ta thu gom phần bánh cho mình hàng ngày. Nếu như họ tỏ lộ lòng tham lam, lượm hơn số cần thiết, nó sẽ tự hư nát (trừ trường hợp cho ngày Sabbath). Nghĩa là Thiên Chúa luôn có mặt để giúp đỡ con người vượt qua mọi khó khăn. Do đó, chúng ta được dậy cho biết phải cậy trông vào sự quan phòng của Đức Chúa Trời, nuôi dưỡng các tạo vật của Ngài. Chúng ta thực sự có nhu cầu sống trong đức tin như thể cá nhân hay cộng đồng mà chỉ một mình Thiên Chúa mới thoả mãn được. Trong Thánh lễ hôm nay chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể, bánh hàng ngày của nhân loại, bánh ban sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu. Bánh chứng tỏ rằng mặc dù chúng ta hằng cầu xin, nhưng Thiên Chúa đã lắng nghe rồi, mà ban cho dư thừa. Tuy nhiên, còn một hình thức khác của bánh cần van xin. Đó là bánh đức tin để chúng ta can đảm làm các chứng nhân. Đó là bánh liên kết chúng ta với nhau trong bác ái. Đó là bánh bày tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa xót thương giữa xã hội loài người. Chúng ta cầu xin thứ bánh đó. Nhưng cũng đừng quá đỗi ngạc nhiên., khi Ngài ban tặng “manna” trong muôn vàn thể thức khác nhau. Amen.
Ghi chú thêm : Bài đọc 2 thánh Phaolô nói đến con người mới: chúng ta có thể khai triển: Con người mới là Đức Giêsu Kitô, là Hội thánh (khải hoàn). Con người đang đổi mới là mỗi tín hữu.
Ga 6,24-35
Thưa quí vị,
Nếu như muốn suy niệm về Kinh thánh Do thái, thì hôm nay chúng ta có cơ hội tốt. Bài đọc 1 trích từ sách Xuất hành, là thành phần của cuộc di cư vĩ đại, lâu dài, khó khăn, dân tộc Do thái phải trải qua trong sa mạc Sin khô cằn. Tính chất biểu tượng của nó thật phong phú cho mỗi linh hồn và ngay cả cho toàn thể Hội thánh, để vượt qua biển đời trần gian. Trong suốt thời kỳ đó lòng tin của dân tộc Israel bị thử thách nặng nề qua những miền đất hoang dã, gập ghềnh, đầy thú dữ. Nghe đọc bản văn, chúng ta tưởng chừng như câu truyện mới xảy ra hôm qua. Thực sự việc đó đã xảy ra hàng ngàn năm về trước. Thiên Chúa dẫn đưa dân Do thái thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, và vào lúc này họ thấy mình đang trên con đường trở về đất hứa. Họ được tự do, nhưng cuộc hành trình về quê cha đất tổ thì mới vừa khởi sự. Họ còn phải chịu đựng rất nhiều để học cho biết họ là dân tộc nào và Thiên Chúa là ai? Câu truyện thật hấp dẫn và biểu tượng song hành cũng thật rõ ràng. Đức tin của mỗi linh hồn cũng phải trải qua ngần ấy khó khăn để đến được bến bờ hạnh phúc.
Điểm tôi lưu ý đầu tiên là tính cộng đoàn của dân Israel. Ở đây tác giả không nói về cá nhân nào, mà về toàn thể xét như một dân tộc thoát ách nô lệ, và làm cuộc di chuyển qua sa mạc. Cả cộng đồng rời bỏ Ai cập, cả cộng đồng ăn thịt chim cút và bánh manna. Cả cộng đồng phải thử thách, khổ đau, chịu đựng và kêu ca. Như vậy bài đọc gợi ý cho chúng ta về những vật lộn cá nhân trong những cuộc hành trình khó khăn của đức tin. Xin luôn nhớ đây là truyện lòng tin của cả một khối người, không phải của riêng lẻ một ai. Một khối người duy nhất phải trải qua sa mạc. Về phần chúng ta cũng vậy các khó khăn thử thách trong cuộc sống cũng phải được nhìn trong tổng thể lòng tin của cộng đoàn giáo xứ, khi chúng ta cùng nhau tiến tới trên cuộc đời người tín hữu.
Vậy thì cứ thử đặt kinh nghiệm vượt sa mạc của dân Do thái dưới góc độ văn phạm của ngôn ngữ để thấy nội dung của nó ra sao ! Thật khủng khiếp. Nhưng xin thứ lỗi cho tôi về lối giải thích ngoại thường này. Một mệnh đề đơn giản phải có ba yếu tố: Chủ từ, động từ và túc từ. Chủ từ thực hiện hành động, động từ chuyển tải hành động và túc từ tiếp nhận hành động. Trong suốt hành trình di cư của dân Do thái, sự thật văn phạm được tôn trọng. Thiên Chúa là chủ từ và dân Israel tiếp nhận các hành động của Ngài, còn động từ thì vô số, tuỳ vào tình huống: giải cứu, trừng phạt, đe doạ, khuyên răn, ban lề luật… Trong câu truyện xuất hành Thiên Chúa thực hiện những hành động cao cả trên dân. Ngài trông thấy nỗi nhọc nhằn vất vả của kiếp sống lầm than và ra tay giải cứu. Ngài che chở, nuôi sống, dẫn đưa họ qua sa mạc. Tất cả đều là những hành động của Ngài. Dân chúng kêu ca, ta thán, thì có thể coi như những lời cầu khẩn, van xin Thiên Chúa nghe lời và quyết định giải thoát. Ngài không hề ở xa tuyển dân, ngược lại luôn ở gần, lắng nghe các ước vọng của họ. Đàng khác, tuyển dân là túc từ của mệnh đề. Họ sống trong gian khổ, trong những nhu cầu cấp thiết, nhưng chẳng có khả năng tự giải quyết. Họ tiếp nhận các hành động xót thương của Đức Chúa.
Do đó, sách Xuất hành mạc khải cho dân Do thái biết Thiên Chúa là ai và những vật lộn trong sa mạc cho họ hay mình là thế nào? Chúng ta cũng thường bộc lộ những yếu đuối, chao đảo, khó khăn, ta thán, những nỗi thống khổ. Chúng ta có cảm nhận một Thiên Chúa trung tín, hằng ra tay nâng đỡ, cứu giúp, như Ngài đã từng làm cho dân Do thái? Hơn nữa, hàng ngày chúng ta cần Thượng đế giải phóng khỏi kiếp nô lệ tội lỗi. Mặc dù do thói quen chúng ta không nhận ra thân phận mình, cứ cho là tự do mà trong thực tế không phải vậy. Nói rộng ra, phần đông nhân loại đều sống trong ách kìm kẹp của Satan. Nhân loại cần một Thiên Chúa giải thoát. Nhưng công việc của Ngài chỉ là bước đầu. Còn rất nhiều gian nan trước mắt: phá vỡ thói xấu, tập tành nhân đức, vượt khó… Vì thế ngay khi ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã truyền cho tuyển dân phải nên thánh, kẻo trở lại nếp sống nô lệ xưa. Đây là tình trạng mà Vat.II đã gặp. Sau những cố gắng đổi mới, biết bao nhiêu chống đối nổi lên, thậm chí còn có những kẻ muốn huỷ bỏ thành quả của Công đồng, trở về nếp sống bảo thủ, khép kín, ngăn cách khỏi cộng đồng nhân loại. Trên con đường thiêng liêng nếu không có Thiên Chúa hướng dẫn, thì trăm bước sai lầm, chưa chắc chúng ta đã được một bước chính xác. Vì vậy phải luôn gắn bó với Thiên Chúa trong nếp sống thánh thiện.
Nhưng cũng không nên quá bi quan, tô vẽ một Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta vào khó khăn, thử thách. Xin luôn nhớ, dân tộc Israel đã từng sống kiếp nô lệ và Thiên Chúa là Đấng giải cứu họ. Nếu như họ gặp nhọc nhằn, đó là vì còn đang ở trong tiến trình tiến tới tự do, phải bỏ lại đằng sau những tập quán xưa, thói quen cũ. Điều này không phải dễ, nhìn vào chính bản thân, chúng ta cũng thấy cải tạo quả là khó khăn, đau xót, nói chi đến một tập thể, một cộng đoàn, một giáo xứ và ngay cả Hội thánh. Tuy nhiên, để có những cuộc khai sinh con người mới, cộng đoàn mới, thì nhất thiết chúng ta phải chết đi bằng nhiều kiểu cách. Không phải tự tử mà chết đi với tật xấu thói hư.
Giống như dân tộc Israel, Hội thánh cũng hằng đối mặt với các cuộc thanh tẩy, các thử thách do những thế lực ma quỉ gây nên. Lịch sử Giáo hội cho thấy rõ điều đó. Năm ngoái tôi được cung cấp một danh sách dài những quốc gia đang còn bách hại Hội thánh. Tất cả là hơn 20. Năm nay tôi dám chắc con số đó không giảm, có thể còn tăng lên. Bởi lẽ tình hình bài tây phương ngày một dâng cao và Hội thánh bị ảnh hưởng, tuy gián tiếp nhưng cũng rất nặng nề. Cũng không thể bỏ qua những đấu tranh nội bộ. Khi cố gắng sống nhân chứng cho Đức Ki-tô, Giáo hội phải thích nghi với nếp sống địa phương. Nhưng vô tình Giáo hội đồng hành luôn với các thể chế chính trị, văn hoá, kinh tế. Thành thử nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân, lây nhiễm não trạng thực dụng, cứ ngỡ ủng hộ lợi ích của chế độ là trở thành các Kitô hữu tốt. Làm ngược lại là xấu, là phản bội đức tin. Thực chất không phải vậy. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Nước của tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 18, 36). Lại còn một loại khó khăn khác nữa mà Hội thánh luôn phải đấu tranh. Đó là tội lỗi trong lòng mình, đặc biệt các gương mù gương xấu của giai cấp linh mục, tu sĩ. Thí dụ như trong Hội thánh Hoa Kỳ, gương mù lạm dụng tình dục của một vài giáo sĩ đã gây nên không biết bao nhiêu thiệt hại cho mẹ Giáo hội. Về vật chất, thiệt hại quả là khổng lồ. Tiền của đền bù, đáng lý phải được dùng vào những lợi ích khác như thành lập bệnh viện, trường học, từ thiện, viện trợ cho các giáo hội nghèo khó v.v… Tất cả đều bị cắt giảm để tài trợ cho các án dân sự. Về mặt tinh thần thì vô kể. Gương xấu đã phát sinh nhiều lời phê bình gay gắt, giận dữ, bất mãn, ta thán, chế diễu, tố cáo, rời bỏ, loại trừ… Chẳng thiếu một hình thức nào. Có thể còn phải mất vài thập niên nữa vết thương mới được chữa lành. Ở đây chúng ta lại gặp kinh nghiệm sa mạc và như thế lại cần đến lương thực “man-na” mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có khả năng cung cấp. Thứ manna chữa lành, đổi mới và tái dấn thân. Giáo hội Hoa kỳ đang ở giai đoạn xuất hành gian khổ. Thử thách ập đến trong nhiều hình thức khác nhau. Giống như tuyển dân Do thái, chúng ta cũng rất dễ xa đường lạc lối.
Điều an ủi là Thiên Chúa xưa kia đã trông thấy cộng đoàn xuất hành Do thái đói khổ và gởi lương thực đến cho họ. Không phải lương thực họ đã quen dùng, cũng không phải lương thực họ tự chọn lấy. Nhưng thứ bánh mà họ phải hỏi nhau: “Cái gì đây?” (man-hu?). Cho nên bài đọc 1 cũng như bài Tin mừng kêu gọi hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Ngài sẽ nuôi dưỡng chúng ta trong những ngày tháng khó khăn này. Chúng ta chẳng biết được thứ bánh mà Ngài sẽ ban là gì. Có thể ngon ngọt, vui mừng. Có thể chua cay đắng đót. Nhưng mỗi ngày chúng ta được thêm sức mạnh để vượt qua thử thách. Bánh đây không loại trừ lời khích lệ của thân nhân, bà con, bạn bè, có khi của cả những người xa lạ chúng ta chưa từng một lần gặp. Đúng thế, ngoại trừ số ít lòng lang dạ thú, còn thì trái tim con người ta đa phần rất dễ rung động trước những nỗi bất hạnh của kẻ khác. Mỗi khi có thiên tai, bão lụt, lòng hảo tâm của các tầng lớp đồng bào lại mở rộng một cách hào hiệp. Thêm vào đó, nhiều cơ quan từ thiện quốc gia, tôn giáo, quốc tế thường xuyên hoạt động ở những khu vực cần giúp đỡ. Nhiều khi vì quá vô tâm, chúng ta không nhìn thấy bàn tay dịu hiền của Thiên Chúa cùng hoạt động với những cơ quan đó. Như vậy trong một cộng đoàn, bánh của Thiên Chúa có thể là vật chất, có thể là tinh thần, dưới những hình thức ngôn sứ khác nhau, kêu gọi chúng ta trở về với Hội thánh, Bí tích phổ quát của Chúa Giêsu trên thế gian.
Điểm cuối cùng sách Xuất hành mặc khải là: ngày nào đủ bánh cho ngày ấy. Người ta thu gom phần bánh cho mình hàng ngày. Nếu như họ tỏ lộ lòng tham lam, lượm hơn số cần thiết, nó sẽ tự hư nát (trừ trường hợp cho ngày Sabbath). Nghĩa là Thiên Chúa luôn có mặt để giúp đỡ con người vượt qua mọi khó khăn. Do đó, chúng ta được dậy cho biết phải cậy trông vào sự quan phòng của Đức Chúa Trời, nuôi dưỡng các tạo vật của Ngài. Chúng ta thực sự có nhu cầu sống trong đức tin như thể cá nhân hay cộng đồng mà chỉ một mình Thiên Chúa mới thoả mãn được. Trong Thánh lễ hôm nay chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể, bánh hàng ngày của nhân loại, bánh ban sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu. Bánh chứng tỏ rằng mặc dù chúng ta hằng cầu xin, nhưng Thiên Chúa đã lắng nghe rồi, mà ban cho dư thừa. Tuy nhiên, còn một hình thức khác của bánh cần van xin. Đó là bánh đức tin để chúng ta can đảm làm các chứng nhân. Đó là bánh liên kết chúng ta với nhau trong bác ái. Đó là bánh bày tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa xót thương giữa xã hội loài người. Chúng ta cầu xin thứ bánh đó. Nhưng cũng đừng quá đỗi ngạc nhiên., khi Ngài ban tặng “manna” trong muôn vàn thể thức khác nhau. Amen.
Ghi chú thêm : Bài đọc 2 thánh Phaolô nói đến con người mới: chúng ta có thể khai triển: Con người mới là Đức Giêsu Kitô, là Hội thánh (khải hoàn). Con người đang đổi mới là mỗi tín hữu.